Song hành với nét dịu dàng, nên thơ, đầy ngọt ngào cùng chiếc nón bài thơ, tà áo dài sắc tím thướt tha trong gió, sông Hương dịu dàng và hữu tình, Huế còn là nơi lưu giữ và lan truyền những “vẻ đẹp” mang tính thời gian. Cùng với đó, sẽ là một sự thiếu sót nếu không nhắc đến các làng nghề truyền thống được các nghệ nhân lưu truyền và phát huy sự tài hoa đến từ bàn tay con người.

1. Làng nghề nón lá

Từ lâu, chiếc nón lá đã được xem là một biểu tượng đẹp gắn với hình ảnh của xứ Huế thơ mộng. Đặt chân đến xứ Huế, hẳn ai cũng phải xuyến xao trước hình ảnh những cô gái Huế với chiếc nón lá trắng tinh, dịu dàng e ấp bên tà áo dài tím.

Chiếc nón lá vốn dĩ thân quen đến mức chúng ta đôi khi quên bẵng đi sự ra đời của chúng. Nón bài thơ có nguồn gốc từ làng quê Tây Hồ thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Không ai ngờ rằng nét đẹp tinh khôi đến từ sự mộc mạc, bình dị ấy phải trải qua đến tận 15 công đoạn đòi hỏi các nghệ nhân vô cùng khéo léo và tỉ mỉ, đầy sự kiên trì để hoàn thành, từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, chằm hoàn thiện chiếc nón đến bước cuối cùng là đánh bóng bảo quản. Cùng với đôi bàn tay khéo léo là tình yêu nghề trong chính mỗi người nghệ nhân.

Đây là một chiếc nón đặc biệt, chỉ khi soi ra trước ánh sáng ta mới thấy những dòng thơ được nghệ nhân chằm nón ép vào giữa hai lớp lá. Ánh nắng vàng lung linh rọi vào từng khe lá, những câu thơ về Huế đầy ngọt ngào thoắt ẩn thoắt hiện, quả thật, sự thi vị này quá đỗi tuyệt vời.

Ngày nay, ở Huế, các làng nghề nổi tiếng sản xuất nón lá có thể kể đến như làng Tây Hồ (xã Phú Hồ), làng Mỹ Lam (xã Phú Mỹ), làng Phú Cam, Phước Vĩnh, Đốc Sơ, Triều Tây, Hương Sơ, Dạ Lê, Kim Long… Trong đó, Tây Hồ là cái tên nổi bật nhất bởi đây chính là nơi xuất xứ của chiếc nón bài thơ nổi tiếng.

Không chỉ phục vụ cho nhu cầu che đội của các cô, các bà, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm được khách du lịch ưa chuộng. Nhiều người thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, lưu tên của mình trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm.

2. Làng nghề đúc đồng – “Phường Đúc”

Nghề đúc đồng là nghề truyền thống lâu đời của người Việt nói chung và người Huế nói riêng. Ngày nay, ở Huế có một làng nghề đúc đồng nổi tiếng đó là “phường Đúc” nằm ở ven bờ nam sông Hương, đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ cách thành phố Huế khoảng 3km về phía Tây Nam.

Phường Đúc ở Huế có nguồn gốc từ tổ chức của những thợ thuyền cùng nghề đúc dưới thời Chúa Nguyễn. Hai làng nghề đúc đồng lớn nhất và có danh tiếng nhất lúc bấy giờ là Kinh Nhơn và Bổn Bộ. Khi Chúa Trịnh và Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân thì các Công tượng đúc đồng bị tan rã. Riêng chỉ có họ Nguyễn ở Kinh Nhơn vẫn tiếp tục nghề đúc của cha ông. Từ những lò đúc của các anh em trong dòng họ Nguyễn, nghề đúc vẫn được duy trì và phát triển cho tới ngày nay.

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn – Kinh Nhơn, thủy tổ của nghề này là cụ Nguyễn Văn Lương, quê làng Đồng Xá, Siêu Loại (tỉnh Bắc Ninh ngày nay), những tác phẩm bằng đồng được lưu giữ cẩn thận và vẫn còn truyền đến tận ngày nay, chúng như minh chứng cho sự tài tình của các nghệ nhân thời bấy giờ như: khánh, chuông chùa Thiên Mụ (1710), Diệu Ðế (1864); vạc đồng, nghi môn bằng đồng trong Ðại Nội,…. Đây quả là những thành tựu rực rỡ của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam thời xa xưa ấy.

Đến thăm Phường Đúc, du khách có cơ hội chứng kiến công đoạn của người thợ đúc tạo nên các sản phẩm bằng đồng.

3. Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên

Lâu năm không kém làng nghề đúc đồng chắc hẳn phải nhắc đến làng nghề làm hoa giấy truyền thống Thanh Tiên. Đây là vùng đất nổi tiếng về nghề làm hoa giấy thờ cúng, đặc biệt là hoa sen. Làng nghề làm hoa này đã xuất hiện cách đây hơn 300 năm.

Thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, nằm dọc theo hạ lưu sông Hương, gần ngã ba Sình, Làng Thanh Tiên vốn có truyền thống làm nghề nông. Tuy nhiên, vào tháng Chạp hàng năm, làng Thanh Tiên lại rộn rã với nghề làm hoa giấy.

Làng nghề này xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trí ở những nơi tôn kính như: Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh và trang thờ Ông táo. Bí quyết để làm hoa giấy phần lớn được quyết định ở khâu nhuộm màu. Để có sự lâu bền của độ lên màu giấy, người dân chỉ sử dụng các loại nhựa từ thân cây và lá để chế tạo thuốc nhuộm theo kiểu gia truyền… Đoá sen chín cánh làm từ giấy trông từ xa toát lên nét thanh tao, tinh khiết, vô cùng “có hồn” như một đoá sen thật đang trầm mình dưới đầm nước.

Ngày nay, nhắc đến hoa giấy, người dân xứ Huế sẽ vô cùng tự hào với thương hiệu của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên. Sự sáng tạo đầy tính nghệ thuật và công sức tạo hình cho các tác phẩm đã nhận được vô vàn sự công nhận đến từ nhiều nơi trên thế giới.

4. Làng tranh Sình

Cùng nằm dọc theo hạ lưu sông Hương và cách xa hơn làng nghề hoa giấy Thanh Tiên khoảng 2km, đây chính là vị trí toạ lạc của một làng nghề truyền thống lâu đời khác ở Huế, đó chính là làng Sình, nơi tạo ra những bức tranh dân gian xứ Huế nổi tiếng, góp phần vào sự đa dạng và đặc sắc trong văn hóa của vùng đất Cố đô.

Làng Sình là tên gọi chữ Nôm của làng Lại Ân, là một ngôi làng được hình thành khác sớm ở Đàng Trong. Người dân làng Sình sống cơ bản về nông nghiệp, nhưng với vị trí địa lý có điều kiện giao thông thuận tiện, nhiều người buôn bán và làm thủ công nên nghề in tranh làng Sình rất phát triển.

Giấy in tranh là loại giống giấy in báo, màu được mua ở chợ, gồm có vàng, xanh, tím, đỏ sen, còn trắng thì để nguyên giấy mộc. Bản in được làm từ gỗ mít, chính tay các nghệ nhân tự khắc hoặc thuê thợ khắc. Các bản khắc này giữ chức năng làm khuôn và in màu chính, những màu sắc còn lại được nghệ nhân vẽ thủ công vậy nên không có bức tranh nào là giống nhau, đó cũng chính là nét độc đáo của dòng tranh dân gian làng Sình.

Tranh làng Sình là dòng tranh chính phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân Huế từ bao đời nay. Sau khi cúng xong thì được đốt đi, hoá cho ông bà, tổ tiên.

Ngày nay, nghề làm tranh này vẫn còn được lưu truyền, tuy nhiên theo biến cố thời gian thì đã bị mai một ít nhiều. Tuy vậy, người dân làng Sình vẫn rất tích cực trong việc bảo tồn và phát huy nét độc đáo văn hoá này, mang đến giá trị truyền thống mang đậm tính dân tộc cho du khách.

Ghé thăm Làng Sình, du khách không những được tận mắt chứng kiến quá trình người nghệ nhân tạo nên một bức tranh mà còn phần nào hiểu thêm về văn hóa tín ngưỡng cổ sơ và tư tưởng người Việt cổ.

5. Làng nghề gốm Phước Tích

Làng Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, cách trung tâm thành phố Huế khoảng chừng 45km. Nơi đây được biết đến bởi sản phẩm gốm cổ truyền. Ngày trước, gốm Phước Tích là một sản phẩm đặc biệt được cống nạp cho các triều đại nhà Nguyễn để nấu cơm cho vua ăn. Ngày nay, sản phẩm gốm Phước Tích đã có mặt trong cuộc sống của người dân quê hương cũng như ở khắp các vùng của miền đất Thuận Hóa. Các sản phẩm truyền thống độc đáo của Phước Tích như: lu, chum, ghè, thạp, thống, om, bùng binh, tu huýt.

Nghệ thuật kiến trúc độc đáo nằm ở việc điêu khắc, chạm trổ trên các bộ khung gỗ của ngôi nhà ở Phước Tích càng làm đậm nét tính chất dân gian mang đầy đủ bản sắc của làng quê nơi đây. Bởi vậy, ngày nay, khi đến đây, du khách không chỉ tìm hiểu về một nghề gốm thông thường mà còn được tham quan những ngôi nhà cổ và các di tích để lại.

6. Làng nghề kim hoàn Kế Môn

Làng kim hoàn Kế Môn thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, nằm cách trung tâm thành phố Huế tầm 40km hướng Đông Bắc. Nghề kim hoàn ở nơi đây là nghề gia công cổ truyền đồ trang sức, trang trí bằng chất liệu vàng hoặc bạc, bao gồm: ngành trơn – các sản phẩm đơn giản, không chạm trổ nhiều, ngành đậu – thường làm các hình hoa văn kỷ hà để gắn lên mặt sản phẩm và ngành chạm – chạm trổ các hình và hoa văn trên các sản phẩm.

Các sản phẩm kim hoàn do người thợ Kế Môn chế tác rất đa dạng, từ mẫu mã đến kiểu dáng, như nhẫn, bông tai, khuyên, xuyến, vòng, kiềng, lắc, dây chuyền… được chạm trổ tinh xảo, có nạm ngọc hoặc đá sa-phia óng ánh rất bắt mắt.

7. Làng rèn Hiền Lương

Làng Hiền Lương thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, ở bờ Bắc trung lưu sông Bồ. Nơi đây dân làng vốn thành thạo nghề rèn truyền thống, một nghề quan trọng chuyên sản xuất các loại nông cụ rèn từ sắt như cày, cuốc, liễn, hái, dao, rựa, phăng, mỏ xay…

Ngược về quá khứ, ngoài nghề rèn nông cụ, vào cuối thời chúa Nguyễn bước qua thời Tây Sơn và triều Nguyễn, với tay nghề rèn khéo léo, các dân đinh làng thường được tuyển mộ, trưng tập vào Dã Tượng cuộc (một tổ chức thợ rèn nhà nước chuyên chế tác vũ khí, vật dụng của phủ chúa, vương triều). Một số người xuất sắc đã trở thành những vị quan quản lý, đốc công ở tổ chức này hay ở sở vũ khố của bộ Công (sở sản xuất binh khí và vật dụng) như các ông Hoàng Văn Gia, Hoàng Văn Cẩn, Hoàng Văn Lịch. Đặc biệt ông Hoàng Văn Lịch, giữ chức Đốc công sở vũ khí tại Kinh thành Huế, vào năm 1838 đã tổ chức đóng thành công chiếc tàu thủy với cỗ máy hơi nước tái tạo từ bộ máy và chiếc tàu thủy mua của Tây phương đã bị hỏng. Hai năm sau, lại đóng thành công 2 chiếc tàu thủy lớn hơn, được vua Minh Mạng ban thưởng. Điều đó khẳng định tay nghề xuất sắc của các hiệp thợ rèn Hiền Lương, và hướng phát triển mới của nghề này.

Do nhu cầu phát triển nghề nghiệp, cư dân làng tỏa đi sinh sống, làm nghề khắp các làng xã ở Thừa Thiên Huế, và đặc biệt là khắp các thị xã, thị trấn từ Quảng Trị vào Nam. Một số ít vẫn giữ nghề rèn nông cụ, và đa số đã mở rộng, chuyển đổi nghề nghiệp thích ứng với nhu cầu mới của xã hội, như các nghề cơ khí, sửa chữa ô tô, nghề kim khí như làm đinh, khóa, lề, làm cửa sắt, cửa nhôm… Ngay tại Huế, cư dân làng còn tập trung thành một xóm nghề rèn, nghề sắt tại làng Bao Vinh, xã Hương Vinh.

Dẫu lập nghiệp nơi đâu, hằng năm vào ngày 18/2 âm lịch, dân nghề rèn Hiền Lương vẫn trở về, nô nức tập trung làm lễ tế tổ sư và tiên sư của nghề tại làng cũ.

8. Làng Hương Thủy Xuân

Làng Hương Thủy Xuân nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km về phía Tây Nam, đây là làng hương lớn nhất của Huế. Ghé thăm ngôi làng này, du khách sẽ có dịp trầm trồ trước những bông hoa hương muôn sắc màu và ngập tràn trong mùi hương trầm thơm ngát.

Người dân vùng này sống bằng nghề làm hương cung cấp cho các đại lý trong thành phố. 7-8 năm trở lại đây, khi du lịch phát triển, làng Hương Thủy Xuân trở thành một điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đến nơi đây, du khách sẽ cảm thấy thích thú khi được người dân tạo điều kiện để tìm hiểu và trực tiếp tham gia vào việc làm hương.

Ngày trước, hương vốn chỉ có hai màu nâu và đỏ, nhưng để bắt mắt hơn, những người thợ đã tìm cách phối thành nhiều màu để nhuộm chông. Những người thợ còn tinh tế sắp xếp những bó hương nhiều màu sắc đó thành từng chùm, có bó dựa vào nhau, có bó xòe thành chùm, tỏa ra như những đóa hoa đẹp rực rỡ, khiến bao du khách chiêm ngưỡng phải xốn xang.

9. Làng nghề đan lát Bao La

Cách thành phố Huế 15km về phía Bắc, đoạn trung lưu bờ Bắc con sông Bồ, làng Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền là một làng nghề đan lát truyền thống nổi tiếng.

Làng nghề được hình thành từ xa xưa và đến thời chúa Nguyễn đã thành lập thêm một làng Bao La mới, nay thuộc thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền cạnh bờ Nam phá Tam Giang. Cả hai làng này đều có chung một nghề thủ công là đan lát. Các sản phẩm làng tạo ra: rổ, rá, dần, sàng, nong phơi, chõng tre, nôi trẻ em, giường ngủ…đều làm từ vật liệu mây và tre.

Ban đầu, người dân nơi đây làm nghề này nhằm tận dụng thời gian nông nhàn để tạo ra những vật dụng trong gia đình. Dần dần các sản phẩm này được nhiều nơi ưa chuộng nên từ đó hình thành nhu cầu mua bán trên thị trường và chuyên biệt hóa trong sản xuất. Mỗi xóm sản xuất một loại sản phẩm khác nhau: Xóm Chợ chuyên sản xuất giần, sàng; Xóm Đông chuyên sản xuất thúng, mủng; Xóm Chùa chuyên sản xuất rá; Xóm Đình và Xóm Hóp chuyên sản xuất rổ; Xóm Cầu chuyên sản xuất nong, nia. Mỗi xóm một loại mặt hàng, cả làng đều làm và đều vui.

Ngày nay, những sản phẩm vật dụng sản xuất từ nhiều chất liệu khác nhau được bày bán nhiều trên thị trường nên làng nghề đan lát Bao La cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh. Nhưng bằng những bàn tay khéo léo, sáng tạo của mình, người dân nơi đây đã sáng tạo thêm nhiều loại sản phẩm mới như: lẵng cắm hoa, giá sách, đèn treo trang trí, giá treo đèn…

Dân nghề đan lát Bao La đang nỗ lực hết mình và không ngừng cải tiến kỹ thuật mới để cung cấp cho thị trường những sản phẩm thủ công chất lượng cao, tinh xảo hơn và để đưa làng nghề tiếp tục phát triển.

10. Làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên

Mỹ Xuyên thuộc huyện Phong Ðiền, cách thành phố Huế khoảng 40km về phía Bắc. Vào giữa thế kỷ XIX, nơi đây đã tập trung những người thợ chạm tài hoa. Họ đã chạm trổ nhiều công trình nổi tiếng cho triều đình và nhân dân.

Những sản phẩm mỹ nghệ của họ làm cho nhiều công trình kiến trúc và đồ dùng cao cấp đạt tới giá trị tuyệt phẩm. Trước kia làm ăn cá thể, những người thợ điêu khắc với đồ nghề gọn nhẹ để trong cái tráp nhỏ, họ xách theo đến những nơi được mời để hóa thân cho những đoạn ngà voi và gỗ quý, thành những đồ vật bền và có cuộc sống vượt cả thời gian. Nghề điêu khắc ở đây không có trường dạy. Những người thành thạo trực tiếp kèm cặp người học nghề qua thực hành.

Nhiều sản phẩm của Mỹ Xuyên đã giành huy chương vàng, bạc tại các triển lãm trong tỉnh và toàn quốc. Thị trường của họ rất rộng, có mẫu hàng phải ký hợp đồng hàng nghìn sản phẩm. Họ chạm người, chạm thú, chạm đồ vật… cái gì cũng sống động. Xưa kia vật liệu chính là ngà voi, ngày nay thường là gỗ rất hiếm quí. Từ thớ gỗ vô tri họ đã làm ra những rồng, phượng, ngựa, voi, mèo… những thuyền rồng, anh hùng tương ngộ… về những ông Di Lặc, tiên đánh cờ, người đi câu, người úp nơm, người cầm chùi… cả những anh hùng như Phù Ðổng Thiên Vương… Kỹ thuật chạm lọng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, chạm sâu, chạm cạn, chạm chấm phá, chạm khảm (gỗ trên gỗ)…là những nét độc đáo của thợ Mỹ Xuyên. Phần lớn những ngôi nhà Rường nổi tiếng của Huế có sự tham gia của người thợ Mỹ Xuyên trong phần chạm khắc. Mỗi đề tài lại có nhiều cách thể hiện, cũng là ngựa của một nơi sản xuất mà có hàng chục dáng hình khác nhau, con nào cũng sống động lạ thường.

11. Liễn làng Chuồn

“Chuồn” là tên nôm của làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, là làng nông nghiệp nhưng có nhiều người học cao đỗ đạt làm quan to trong triều. Tính hiếu học đã ảnh hưởng đến nghề làm liễn: Viết chữ đẹp, biết cái đẹp của nghệ thuật viết chữ, và phát huy một lối chơi sang treo liễn ngày Tết hay để tặng mừng nhau. Ở đây rất nhiều gia đình biết in liễn Tết, họ tập trung làm từ tháng mười đến giáp Tết, mỗi gia đình trong vụ liễn in từ vài trăm đến vài nghìn bộ. Cho đến nay, liễn Chuồn vẫn phát triển và cần khuyến khích.

Giấy in liễn là loại giấy để in báo, mua về phải nhuộm các màu đỏ, vàng hoặc xanh. Còn màu là các phẩm bột mua ở chợ về hòa với hồ cho dính, cũng có dùng bột điệp nhưng không để nguyên màu trắng ánh mà pha thêm màu xanh dương theo tỷ lệ 10 điệp + 1 dương để có màu sáng dịu. Do có hai đoạn liễn với kích thước khác nhau nên có hai lối in ngửa hay úp ván. Liễn bông (hoa) mỗi bộ gồm có bốn con (bức) toàn cảnh họa tiết dài như bộ tranh tứ quý. Liễn chữ gồm một đại tự và câu đối. Đại tự là chữ to cần ván lớn.

Liễn được treo trên tường hay trên cột, chạy dọc như theo câu đối hay theo tranh tứ quý. Riêng đại tự có thể treo riêng hoặc giữa hai liễn câu đối như bức hoành cầu phúc. Đấy là lối chơi đẹp.

12. Làng nghề thếp vàng, sơn mài Tiên Nộn

Cùng với kiến trúc, điêu khắc, sơn mài có mặt khắp nơi: từ các đình chùa làng xã, đến đền đài lăng tẩm, cung điện của vua chúa đều được sơn thếp vàng son lộng lẫy. Các vật dụng từ trong dân dã cho đến các gia đình quyền quý, các nhà thờ họ như: Hoành phi, câu đối, đáp, hộp, kiệu võng, án thư, sạp tử đều được sơn mài tô điểm trang trọng.

Nguồn gốc của sơn mài Huế là ở các làng Triều Sơn, Địa Linh, Tiên Nộn. Làng Tiên Nộn (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) cách thành phố Huế 10km, nơi đây là làng nghề sơn mài truyền thống Huế. Vua Khải Định từng giao trách nhiệm cho gia đình cụ Nguyễn Đức Bùi phục chế sơn son thếp vàng ở Đại Nội Huế.

Trong kỹ thuật làm sơn ta, chất liệu chính là sơn sống được lấy từ cây sơn của vùng Phú Thọ. Để chế ra các màu, người thợ phải đánh sơn rất vất vả, nếu ai không quen sẽ bị phù mặt. Người ta lấy nhựa trắng từ cây sơn về, để vài tháng trong thùng gỗ hoặc tre, lúc này sơn chia thành 3 lớp: lớp 1 gọi là “dọi nhất” (không bao giờ khô) dùng để tăng độ của sơn; lớp 2 gọi là “dọi nhì” dùng để đánh sơn cánh dán, sơn then; lớp 3 gọi là “sơn thịt” dùng để vốc, để bó, để hom và dùng để trát thuyền. Để tạo sơn cánh dán, dùng chậu gỗ và mỏ vầy đánh sơn trong 48g sau đó chế với nhựa thông tươi với tỷ lệ vừa phải; để tạo ra màu sơn đen (còn gọi là sơn then) người ta đánh trong chậu gang và mỏ vầy bằng sắt.

Sơn mài truyền thống Huế có thể chia thành ba loại: sơn quang, sơn son thếp vàng và sơn mài đắp nổi. Gam màu cổ truyền và căn bản của những tác phẩm sơn mài là cánh dán, đỏ, đen, màu của vàng, bạc nguyên chất dưới dạng bột hay được dát mỏng thành lá. Về sau, hệ màu này được bổ sung thêm sắc độ xanh, xám, màu trắng vỏ trứng, màu hồng vỏ cua, vỏ trai, vỏ ốc…

Ngày nay, làng Tiên Nộn không còn người làm nghề sơn mài nhưng sức sống của nghề sơn mài vẫn được duy trì và phát triển như là một bộ môn nghệ thuật độc đáo của Huế. Do vật liệu bằng vàng thật rất đắt nên những người làm nghề không còn sơn son thếp vàng các vật dụng hoành phi, câu đối, đồ thờ tự theo đúng kỹ thuật sơn mài truyền thống. Tại trường Đại học Nghệ thuật Huế, để giữ gìn kỹ thuật làm sơn mài truyền thống Huế, nhà trường đã thành lập bộ môn trang trí truyền thống nhằm dạy cho sinh viên về kỹ thuật sơn mài của Huế. Để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật thì phải sơn và mài 5 đến 7 lần. Sau khi vẽ chồng hoặc tráng lên các lớp sơn, người ta tiến hành mài xuống và bức tranh sẽ hoàn thành ở tầng sâu cho hiệu quả tốt nhất.

Sức sống của sơn mài truyền thống Huế được thể hiện mạnh mẽ ở những cách tân về đề tài, mẫu mã, công năng sử dụng… Các họa sĩ đã mạnh dạn sáng tác những tác phẩm sơn mài mang ý tưởng mới, phục vụ cho đời sống hiện đại, sơn mài còn xuất hiện trong đồ dùng làm trang sức, dây đeo cổ, đeo tay, đồ mỹ nghệ…

12 làng nghề truyền thống xứ Huế – mỗi làng mang một vẻ đẹp, một nét riêng đặc sắc, nhưng điểm chung là đều ẩn chứa những giá trị văn hóa đáng trân trọng và cần gìn giữ, phát triển. Hi vọng Airbooking đã cung cấp cho du khách những thông tin bổ ích để du khách có cho mình chuyến du lịch Huế thật trọn vẹn!