Du lịch Huế, du khách không khỏi ngỡ ngàng với rất nhiều lễ hội dân gian được tổ chức hàng năm. Top 15 lễ hội lớn sẽ đưa du khách đến với Cố đô Huế – vùng đất bao đời nay gắn với truyền thống văn hóa phong phú và đặc sắc với các lễ hội dân gian được tổ chức công phu và bài bản.

Không náo nhiệt, ồn ào như nhiều lễ hội ở khắp nơi trên đất nước, xứ Huế vẫn giữ riêng cho mình những lễ hội dân gian truyền thống thu hút đông đảo du khách về tham dự. Ở Huế, nơi mà nét đẹp của những lễ hội dân gian từ xa xưa vẫn được gìn giữ và phát huy theo đúng tinh thần của thời điểm hiện đại, người ta có thể tìm được những điều thú vị của tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh, văn hóa dân gian tồn tại hàng trăm năm qua.

Lễ hội điện Hòn Chén

Hàng năm, 2 lần vào dịp xuân tế (mùng 2, mùng 3 tháng 3) và Thu tế tháng 7, Điện Hòn Chén tại làng Hải Cát, huyện Hương Trà lại tấp nập người trẩy hội Thiên Y A Na Thánh mẫu. Nghi lễ diễn ra rất long trọng. Dân làng tổ chức tế tại đình, trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả các vị thần trong làng về đình. Trong đó, đám rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu từ Huệ Nam đến đình làng Hải Cát tổ chức trọng thể hơn cả. Thiên Y A Na Thánh Mẫu, nguyên xưa là nữ thần của người Chăm có tên là Pô Yang Inô Nagar, gọi tắt là Pô Nagar, tức Thần Mẹ Xứ Sở, mà theo truyền thuyết Chăm là Thần đã sáng tạo ra đất đai, cây cối, rừng gỗ quý, lúa, bắp,… và dạy dân cách trồng trọt.

Sau lễ tế là lễ rước Thánh Mẫu diễn ra vào ban đêm trên sông Hương. Đám rước đi từ điện Huệ Nam tới đình làng Hải Cát trên những chiếc thuyền được ghép lại thành bè với đèn nến sáng trưng, cờ xí sặc sỡ. Trên bè là đông đảo thiện nam tín nữ trong trang phục khăn chầu, áo ngự lộng lẫy, muôn màu, muôn vẻ trông như những ông hoàng, bà chúa đời Nguyễn. Đám rước đem theo bàn thờ Thánh cùng long kiệu Thánh Mẫu và hòm sắc vua phong, cùng các khí tự như tán, tàn, cờ, quạt; đội hầu bóng, những người phục dịch và khách hành hương. Đám rước sôi động trong tiếng nhạc của phường hát văn và phường bát âm. Tiếp đó là tế Túc Yết, hát thờ, lên đồng hầu bóng diễn ra suốt đêm. Sáng hôm sau là lễ đại tế tại đình. Buổi chiều các kiệu rước lại long trọng trở về điện Hòn Chén. Đêm kết thúc hội có lễ phóng sinh và thả đèn.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây lễ hội này đã được phục hồi theo các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất.

Lễ tế Xã Tắc

Đàn Xã Tắc được xây dựng và cuối mùa xuân năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Đàn nằm ở phía Tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc “tả Tổ, hữu Xã” (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương Đông truyền thống.

Đàn Xã Tắc không chỉ là một trong những di tích lịch sử được khách du lịch tìm đến tham quan, mà nơi đây còn có một hoạt động văn hóa lễ hội vô cùng độc đáo đó chính là “lễ tế Xã Tắc”. Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng của công trình, khi khởi công, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, Đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai của Tổ quốc. Lễ tế Đàn Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao. Hầu như tất cả các vị vua Nguyễn đều đã từng chủ trì lễ tế quan trọng này. Lễ tế được chuẩn bị đầy đủ trước ngày tế 1 ngày.

Vào sáng sớm của ngày tế Xã Tắc, cờ ở Kỳ Đài kéo lên, các vị trí chuẩn bị bày sẵn, vua xuất phát từ điện Cần Chánh ra cửa Đại Cung Môn. Bảy phát súng lệnh ở Kỳ Đài nổ vang. Đoàn Ngự giá ra cửa Ngọ Môn rẽ hướng tây, rồi qua hướng bắc, đến đàn tế.

Lễ tế bao gồm các nghi tiết sau: Lễ Quán tẩy (Lễ rửa tay tẩy trần), Lễ Thượng hương (Lễ dâng hương), Lễ Nghinh thần (Lễ rước thần đến tham dự), Lễ Điện ngọc bạch (Lễ dâng ngọc trắng), Lễ Truyền chúc (Lễ đọc chúc văn), Lễ Hiến tước (Lễ dâng rượu), Lễ Tứ phúc tộ (Lễ hưởng lộc), Triệt soạn (Lễ hạ cỗ), Tống thần (Lễ đưa tiễn thần), Tư chúc bạch soạn (Lễ đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị).

Để chuẩn bị cho lễ tế Xã Tắc, Bộ Lễ phải lo sửa sang, bày biện đầy đủ lễ vật, đồ thờ và hương án. Hôm chính lễ, hai bên đường từ cửa Ngọ Môn có quân lính và cờ quạt đứng uy nghiêm, đèn đuốc chong thâu đêm suốt sáng. Trên hương án ở đàn tế, ngoài các thứ nghi trượng và đồ thờ cúng thường thấy còn có thêm lễ tam sinh gồm ba con vật: trâu, dê, lợn. Đặc biệt, có đến một đội quan hơn 700 người tham gia rước lễ với đầy đủ các nghi vệ, quan văn võ, binh lính, đội nghi trượng, đội nhã nhạc, vũ công Bát dật, voi, ngựa, chuông trống, võng lọng, cờ quạt… khởi hành đoàn ngự đạo đến đàn Xã Tắc. Sau đó đoàn Ngự đạo tiến hành cử lễ trong không khí trang nghiêm và linh thiêng.

Lễ rước hến

Lễ rước hến được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch hàng năm tại phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Đây là một loại lễ hội theo phong tục, có tính chất hương lễ, chỉ có dân làng phường Giang Hến cử hành và tham dự.

Lễ rước hến là một tục lệ của làng Cồn Soi – phường Giang Hến (thuộc xã Phú Xuân cũ) nay thuộc phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. 3 năm một lần làm lễ lớn, kéo dài từ 2 đến 3 ngày, ngày chính lễ là ngày 24 tháng 6 âm lịch. Năm thường thì làm tiền lễ (chỉ đi rước) và cây Phan giữa sông sẽ nhỏ hơn, không có điểm hội đồng như đại lễ.

Tương truyền, Niên hiệu Thành Thái thứ 4 (Nhâm Thìn 1892) ở phường Giang Hến có bà Trần Thị Thẹp đi “tròng” (thuyền nhỏ) ra dũi hến ở vùng sông trước đình Hương Cần (huyện Hương Trà), bị hương lý xã kéo ra bắt, đưa “tròng” của bà Thẹp lên bờ đòi chịu nộp thuế phạt, với lý do “Hến về làng, thành hoàng về miếu”. Dân phường Giang Hến hay tin, làm đơn kéo nhau đi kiện, được châu phê: “Thượng từ nguyên đầu, hạ chí hải khẩu” (Nghĩa là: Từ đầu nguồn đến cuối sông biển, ao hồ chịu thuế, sông nước được dùng). Ðược thắng kiện, phường Giang Hến kết long đình trên thuyền, trang trí cờ lọng đi rước, châu phê xã Hương Cần phải thả bà Thẹp, đưa “tròng” của bà Thẹp xuống nước, dân phường Giang Hến rước về tận đình phường làm lễ tạ. Dân phường cho rằng: sở dĩ làng được kiện là nhờ thần sông phù hộ, cho nên dân làng lấy ngày này làm ngày lễ tế hàng năm.

Tiến trình lễ hội bắt đầu bằng việc kết thuyền trang trí long trọng, có án thờ giữa thuyền ở đầu cồn Hến (ngã ba sông Hương). Ở giữa sông cắm cây đại phan, gọi là “Hội đồng thần kỳ” do các bô lão túc trực.

Một đoàn thuyền khác, mỗi thuyền đều trang trí cờ lọng, án thờ kết hoa, có trống, chiêng, phường nhạc bát âm, xuất phát từ “Hội đồng thần kỳ” trung tâm, toả đi hai hướng thượng nguyên và hạ nguyên gọi là cung nghinh thần kỳ sông nước các nơi.

Khi đến mỗi địa điểm, chọn nơi có điều kiện, bày hương hoa, quả phẩm, gạo muối làm lễ nghinh rước, đủ 3 tuần rượu rồi cung nghinh về điểm xuất phát. Sau đó lên bờ trở về nhà thờ họ Nguyễn (nhà thờ chung 12 họ khai canh của xã Phú Xuân) để làm lễ rước thần khai canh cùng về đình hiệp tế.

Tất cả người tham dự hội lễ toàn là nam giới, gồm các vị bô lão, trung niên và lớp thanh niên. Ðám rước thần sông nước gồm một số người mặc áo dài đen, thắt lưng bằng vải đỏ gánh án thờ chính ở điểm hội đồng. Phía trước có một số người mặc áo dài đen, thắt lưng vải đỏ, cầm chèo thuyền phân làm hai hàng, vừa đi vừa làm động tác chèo thuyền và cất giọng hò mái đẩy, có kèn trống, giàn nhạc phụ hoạ gọi là chèo cạn.

Ðoạn cuối là các chức sắc trong phường cùng với dân làng, ăn mặc y phục cổ truyền đi theo đám rước để hầu thần. Trước khi đám rước vào đình còn phải ghé vào nhà thờ họ Nguyễn để làm lễ rước thần về hợp tế. Thần khai canh phường Giang Hến là ông Huỳnh Tương, nguyên người làng Diên Ðại, huyện Phú Vang, tới Cồn Hến lập nghiệp bằng nghề dũi hến. Vua Gia Long lên ngôi, vùng Cồn Hến được đặt tên là phường Giang Hến thuộc xã Phú Xuân.

Lễ tục do vậy mang một ý nghĩa cao đẹp của tập thể, những con người sống trên sông nước ở một vùng sông nổi tiếng ở Thừa Thiên: Cồn Hến, nơi đặc biệt sản xuất loại hến nhỏ và ngon ngọt để làm nên món cơm hến độc đáo, ngon lành của xứ Huế.

Hội đua ghe truyền thống

Hội đua ghe truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế là một ngày lễ hội mới được tổ chức sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975. Hội được tổ chức trong một ngày, nhằm ngày lễ Quốc Khánh 2/9. Địa điểm đua là bờ Sông Hương trước trường Quốc Học.

Hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên nam nữ có cơ hội thi tài trên sông nước, qua đó rèn luyện tăng cường bảo vệ sức khỏe và tạo không khí vui tươi lành mạnh cho nhân dân.

Đua ghe của Huế khác hẳn so với các nơi khác trên toàn quốc, bây giờ hầu như đua thuyền trên toàn quốc thì người ta đua theo các cự ly ví dụ như các cự ly 800m, 1.000 mét, 3.000m. Còn ngày xưa thì khác hẳn, vận động viên xuất phát từ một lần, khi ra lộn vè rốn 360 độ rồi đi về vè thượng, lộn vè hạ rồi đua 3 vòng 6 tráo khoảng 3km.

Lễ hội cầu ngư

Lễ hội cầu ngư tại Làng Thái Dương Hạ (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công biệt danh của Trương Thiều, người gốc miền Bắc, có công bày cho dân nghề đánh cá và buôn bán ghe mành. Ngoài ra, lễ này mang đậm màu sắc tâm linh với ý nghĩa cầu cho 1 năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no.

Trong lễ hội này, người dân sẽ khoác lên mình trang phục xưa của ngư dân và tái hiện lại khung cảnh sinh hoạt, đùa vui trên miền sông nước. Bạn còn được chiêm ngưỡng những buổi lễ cầu an long trọng không thiếu trong lễ hội Tết ở Huế này

Lễ hội cầu ngư cũng có lệ đặc biệt là cứ 3 năm một lần tổ chức các trò diễn tả những sinh hoạt nghề biển. Tại sân đình người ta làm “trò bủa lưới”, diễn tả cách bủa lưới trên bờ.

Lễ hội đấu vật làng Sình

Được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Lễ hội đấu vật làng Sình được tổ chức tại khu vực đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình), xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Đây là một hoạt động văn hoá truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người bản địa. Các đô vật sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn.

Những người già ở làng Sình kể lại, hội vật truyền thống của làng đã có lịch sử hơn 200 năm, và phát triển liên tục cho đến nay. Hội vật này khác hẳn với hội vật ở một làng quê khác, bởi người dân tổ chức hội vật như một hình thức giải trí đơn thuần sau những ngày tết chứ không vì mục đích tuyển chọn võ sĩ cho triều đình phong kiến lúc bấy giờ. “Lệ” làng cũng quy định, các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương, và bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật. Ngoài giải “Cạn” dành cho chức vô địch, làng còn dành riêng một khoản tiền để thưởng cho tất cả những đô tham gia hội vật. Có thể do điều kiện dự hội khá đơn giản, nên ngày xưa, cứ đến trước ngày làng mở hội vật, trai tráng khắp nơi theo nhau về làng Sình.

Hội vật làng Sình về cơ bản cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ, để giành chiến thắng, các đô vật phải đánh bại đối thủ của mình với đòn đánh làm cho đối phương “lấm lưng, trắng bụng” (nghĩa là một phần hoặc cả hai phần lưng của đối phương phải lấm đất, bụng ngửa lên trời). Nếu vượt qua vòng đấu loại, các đô vật sẽ bước vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua 1 đối thủ nữa mới lọt được vào vòng chung kết.

Hội vật làng Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ vì thế các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt…. Một nét độc đáo ở lễ hội làng Sình là tinh thần đồng đội ở các địa phương, một đô vật của làng nào bị thua sẽ có đô vật khác lên tiếp sức. Nếu để thua một trận các đô vật phải chờ đến năm sau mới “phục hận” được, vì thế các đô vật thường rèn luyện suốt năm, tu dưỡng đạo đức để chờ đầu xuân tham dự, tranh tài.

Hội vật Làng Sình ngoài yếu tố tâm linh như mong cho dân khoẻ, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc đến với muôn người còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với lớp trẻ.

Hội chợ xuân Gia Lạc

Trong 3 ngày Tết Nguyên Đán, tất cả các chợ ở Huế đều nghỉ mua bán để mọi người tổ chức lễ hội, cúng ông bà, thăm hỏi nhau. Tuy nhiên, chỉ có một chợ Tết độc nhất đã mở trong những ngày đầu xuân – đó là chợ Gia Lạc.

Người sáng lập chợ Gia Lạc là Định Viễn Công Nguyễn Phước Bình, con thứ tư của Gia Long, lập chợ Gia Lạc từ thời Minh Mạng (1820-1840). Định Viễn Công là người hào hoa phong nhã thích vui chơi múa hát, đã lập một đội tuồng riêng để diễn trong phủ. Công còn là người có óc thương nghiệp, thường liên hệ mua bán với các thương nhân Trung Quốc lúc ấy thường xuyên có mặt tại kinh đô Huế, lấy sông Hương làm đường giao thông.

Phủ của Công lại gần bờ sông. Nhân ngày Tết, Công muốn lập một ngôi chợ nhỏ cho thân nhân trong phủ đệ có nơi trao đổi hàng hóa, vui chơi. Lúc đầu chợ chỉ họp nhóm trong giới hạn thân nhân của phủ đệ, sau thấy vui, nhân dân quanh vùng cũng đến mua bán, rồi bày ra các trò chơi dân gian. Chợ Gia Lạc trở thành một hình thức hội chợ vui xuân, loại chợ phiên trong ngày Tết.

Hàng mua bán trao đổi trong chợ Gia Lạc thật phong phú, nhiều màu nhiều vẻ, lại thay đổi tùy theo năm không định trước. Ai có thứ gì muốn bán cứ đem ra chợ bán, ai thấy thiếu thì mua. Từ những thứ gia dụng như chén, đĩa, cơi đựng trầu, quả hộp, áo quần may sẵn… đến đồ chơi trẻ em, thức ăn, uống. Đó là một hình thức “Chợ Trời” ngày nay.

Đồ chơi đặc biệt nổi bật là các đồ chơi dân gian dành cho trẻ em. Các con chim, con cá, quả phẩm trái cây nho nhỏ làm bằng bột sắn nhuộm đủ màu sặc sỡ, người sáng tạo có khi còn gia công làm thêm các mẫu ông trạng cưỡi ngựa bạch, bà Trưng cưỡi voi rất sinh động và đẹp đẽ. Loại đồ chơi to hơn bằng đất sét nặn bằng tay như con heo mập mạp để bỏ tiền, xu, hào, con gà trống oai vệ có thể phát ra tiếng gáy te te khi thổi vào lưỡi gà gắn vào thân, những thứ ấy đều được bày bán trong chợ.

Thức ăn thì gồm đủ các thứ thịt: thịt heo quay, thịt bò thui, các thứ rau quả ăn ghém và tôm cá. Đặc biệt là thịt bò thui trở thành một món ăn không thể thiếu được trong những ngày tết ở chợ Gia Lạc, truyền thống đó còn kéo dài đến ngày nay.

Từ một nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa, chợ Gia Lạc trở thành một địa điểm tập trung vui chơi trong 3 ngày tết. Các cuộc vui chơi như bài chòi, bài ghế, hò giã gạo, bài thái… đều được tổ chức tại đây để gây thêm không khí vui nhộn của ngày Tết cổ truyền tại Huế.

Chợ Gia Lạc còn mang tính nhân dân sâu sắc. Từ ý đồ của người sáng lập muốn tạo một nơi trao đổi, mua bán thu gọn trong dân gian. Các trò chơi văn nghệ tiêu biểu trong sinh hoạt chợ Gia Lạc là các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc như bài chòi, bài thai… Chính nhờ sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo quần chúng; chợ Gia Lạc đã có một đời sống lâu dài trải qua gần 200 năm lịch sử, còn tồn tại đến ngày nay.

Đầu xuân, người dân Huế có thú vui đi chợ tết Gia Lạc, cốt để mua lộc đầu năm, mua sự may mắn, sự suông sẻ, người ở vùng chợ Dinh, Gia Hội đi chợ này là để có dịp bói đò nhân năm mới (vì phải qua sông), nếu lúc đến bến mà đò đang neo bến đợi, nghĩa là ta sẽ được thong dong trong năm mới, ngược lại khi đến bến mà đò đã sang sông, ấy là điềm báo ta sẽ gặp vận xui, sự lận đận trong năm ấy. Lệ thường người đi phiên chợ tết mua một trái cau, một ngọn trầu gọi là để cho đằm giỏ với điều thầm ước sẽ an bình trong năm mới, sau đó mới mua các đặc sản của chợ theo sở thích, không bao giờ người ta mua tôm tươi đầu buổi chợ vì tôm nhảy lóc chóc, sẽ chuốc lấy lật đật long đong cả năm.

Lễ Thượng Tiêu

Nếu đã trót phải lòng những nét đẹp kiến trúc Cố đô, thì Lễ Thượng Tiêu (23/12 âm lịch hàng năm) sẽ là một lễ hội hoàn hảo cho du khách. Lễ Thượng Tiêu (hay lễ Dựng Nêu) diễn ra tại Thế Miếu và Điện Long An bắt nguồn từ thời Nguyễn. Lễ mang đậm màu sắc cổ truyền của người dân Việt Nam.

Cây Nêu là cây tre già dài 15m, do các lính vệ vác, cùng đội nghi thức và ban lễ nhạc cung đình thực hiện, cây nêu được rước từ cửa Hiển Nhơn đi qua phía sau điện Thái Hòa, tiến về Thế Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn) trong âm thanh của các bài tiểu nhạc.

Tục lễ dựng Nêu ngày Tết là một trong những phong tục văn hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của rất nhiều nước Á Đông. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, sự ảnh hưởng này đã trở thành một nét văn hóa tốt đẹp ngàn đời.

Đây là hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng, tạo không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên Đán.

Nét đặc biệt của lễ dựng Nêu tại Hoàng Cung Huế là luôn gắn liền với đại nhạc, tiểu nhạc và các nghi thức rất trang trọng. Khi cây Nêu được dựng lên, đầu ngọn nêu được treo ấn, tín, văn phòng tư bảo, biểu trưng của việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi trong những ngày Tết.

Du khách trong nước và người nước ngoài đến Cố đô Huế trong dịp này hết sức thích thú và ấn tượng với lễ dựng cây Nêu, một nét đẹp văn hóa trong cung triều Nguyễn.

Dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, đúng vào ngày đưa ông Táo như đánh dấu mốc cho việc tạm ngừng các công việc trong năm để đón tết. Về tâm linh, dân gian tin rằng cây Nêu có tác dụng xua đuổi, trừ yểm ma quỷ, những điều xấu của năm cũ, chuẩn bị cho một năm mới an lành. Lễ hạ nêu sẽ được tiến hành vào mùng 7 tết.

Lễ hội đu tiên

Lễ hôi đu tiên là một trong những hoạt động đặc sắc của vùng quê xã Phong Hiền, huyện Phong Điền trong những ngày đầu xuân năm mới, và đối với các thanh niên, được tham gia vào lễ hội là niềm vui đồng thời thể hiện tài năng, sức mạnh của mình.

Lễ hội mang hơi hướng có chút mạo hiểm này rất được người dân xứ Huế yêu thích. Những cây đu được làm thủ công bởi đôi tay tài hoa của những người dân trong làng. Người tham gia sẽ buộc dây chắc chắn, bước lên cây đu rồi tung mình lên trên bầu trời lộng gió và nắng.

Bên cạnh cây đu của ngày hội, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Các vận động viên phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn, mới được xem là thắng cuộc. Khác với những lễ hội đu tiên khác trong tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ mang hình thức biểu diễn, lễ hội đu tiên của xã Phong Hiền mang tính chất thi tài và có treo thưởng cho những người thắng cuộc với các giải: Giải cúng, giải nhất, nhì, ba và giải phá, tuy giải thưởng không lớn, nhưng đây là niềm động viên của ban tổ chức dành cho những vận động viên đu cao và có điệu đu đẹp mắt.

Đu tiên không chỉ là món ăn tinh thần của người dân địa phương trong cả nước mà còn là lời cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Đây là một nét đẹp văn hóa lâu đời được lưu giữ và tổ chức hàng năm, trở thành truyền thống của địa phương. Chính vì lẽ đó, lễ hội đu tiên diễn ra trong những ngày đầu xuân, luôn thu hút đông đảo người dân và du khách đến chung vui cùng lễ hội.

Lễ hội Bài Chòi

Để được sống như một người dân địa phương thực thụ, hẳn là du khách không thể bỏ qua những trò chơi dân gian nơi đó. Có lẽ vì thế mà lễ hội Bài Chòi duy nhất ở Huế được diễn ra vào mùng 1 đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại ầu Ngói Thanh Toàn, Thanh Thủy Chánh (xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy)  luôn thu hút du khách gần xa dừng lại và tham gia. Người chơi sẽ rất hồi hộp khi tìm ra người chiến thắng qua từng ván bài. Không khí luôn nức tiếng cười bởi những câu hò dí dỏm của các “ông hiệu”, “bà hiệu” vui tính.

Lễ hội làng bún Phú Đô

Lễ hội làng bún Phú Đô được tổ chức vào ngày 22 tháng 1 âm lịch hàng năm tại Đền thờ Bà Bún, làng Vân Cù, huyện Hương Trà. Lễ hội được tổ chức để cầu một năm mới may mắn, sung túc và bình an cho dân làng và người dân thập phương.

Theo người dân ở đây truyền lại nguồn gốc của lễ hội. Ngày xưa, có một người đàn bà rất đẹp, thuỳ mị và khéo léo. Không rõ họ của bà là gì, chỉ biết bà tên là My, từ Thanh Hoá đi vào tìm đất lập nghiệp. Hành trang của bà chỉ có cái cối xay để giã gạo làm bún. Khi đến làng Vân Cù, vì kiệt sức, nên đành dừng lại và định cư luôn ở đây. Bà lấy nghề bún làm kế sinh nhai và dạy cho người dân trong vùng làm theo. Một ngày kia, vào buổi trưa, trong lúc bà đang làm bún, chẳng may hoả hoạn nổi lên thiêu rụi nhà bà và lan sang những nhà khác. Bà bị bắt tội, trói giữa sân đình cho đến chết. Kể từ đó, cứ mỗi độ huý nhật của bà, trong làng đều có nhà bị cháy. Dân làng cho rằng bà bị chết oan nên hiển linh về báo oán. Những người được bà dạy nghề bèn lập miếu thờ và khấn vái xin giải oan cho bà và cũng cầu cho tai qua nạn khỏi. Kỳ diệu làm sao, kể từ đó, không còn cảnh cháy nhà nữa. Dân làng lại ngày càng ăn nên làm ra và nghề bún phát triển cho đến hôm nay. Bún Vân Cù nổi tiếng không đâu sánh được bởi có mùi vị đặc trưng riêng. Con bún khi ăn không chua mà thơm mùi tinh khiết của bột, không bở mà cũng không dai quá lại có màu trắng tinh. Để tưởng nhớ công lao của bà, hàng năm vào ngày 22 tháng 1 âm lịch người dân Phú Đô lại tổ chức lễ hội.

Lễ hội được chia làm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phú Đô là làng nghề làm bún truyền thống nên phần lễ là dâng cúng sản phẩm đặc trưng của làng. Những gánh bún trắng tinh được dâng lên trời đất cùng với các sản phẩm nông nghiệp khác: lợn, gà, xôi…

Phần hội diễn ra vui vẻ náo nhiệt với lễ rước kiệu Đức Thánh Cả, Đức Ông và Hai Bà (dân làng thờ Đức tổ nghề làm bún Hồ Nguyên Thơ, hai bà: Bà An và Bà Phương). Lễ rước được tiến hành từ đình làng xuống Quán của làng, Cầu Đôi và sau đó rước các ngài về Đình làng.

Hàng nghìn người dân tham gia rước kiệu, đâu đâu cũng thấy không khí náo nhiệt rộn rã. Lễ rước kết thúc vào 10 giờ trong ngày, vẫn còn đọng lại xúc cảm phấn khởi, hạnh phúc trong lòng người dân. Đây là một nét đẹp văn hoá được gìn giữ và duy trì qua nhiều thế kỷ…

Lễ hội Thanh Trà

Ai từng đến vùng đất phù sa bãi bồi bên dòng sông Hương, hẳn không quên được cái mát mẻ, trong lành và cổ kính cùng với con người hòa nhã nơi đây: Thủy Biều, vùng đất của xứ hoa thơm quả ngọt. Thủy Biều may mắn được vòng tay của bà mẹ sông Hương ôm trọn vào lòng, mỗi tấc đất là nguồn dinh dưỡng và phù sa, sản sinh ra nhiều hoa thơm quả ngọt, song ấn tượng nhất vẫn là “thanh trà” – chỉ riêng cái tên gọi mỹ miều này thôi đã làm cho bao người háo hức.

Thanh trà đã là một phần quan trọng trong cuộc sống của bà con nông dân, họ đã khấm khá lên nhờ những quả thanh trà mọng nước, tiếng tăm vang xa. Để đưa đặc sản thanh trà của vùng đất phù sa này bay cao hơn và được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, Thủy Biều đã không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu trái cây ngon. Một trong những hoạt động ấn tượng nhất là hàng năm Thủy Biều thường tổ chức “Ngày hội thanh trà” để quảng bá, giới thiệu trái cây đặc sản này đến với người tiêu dùng; địa phương này đã thành công trong việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Thanh trà Huế” trên thị trường trong nước; tổ chức các tour du lịch cộng đồng thăm vườn thanh trà Huế…

Khi trời vào thu, mùa của những quả thanh trà ngọt lịm, sai quả xum xuê, người dân lại bắt đầu thu hoạch, bắt đầu mùa lễ hội thanh trà mang đậm dấu ấn của chính vùng đất đặc sản này. Hàng năm, Lễ hội Thanh trà thường được diễn ra vào cuối tháng 8 với mỗi chủ đề khác nhau. Lễ hội diễn ra trong không gian rộng lớn ở vùng đất phù sa, thu hút nhiều người trồng thanh trà tham gia giới thiệu sản phẩm và du khách đến tham quan, thưởng thức hương vị loại trái cây đã được công nhận thương hiệu đặc sản trái cây Huế và tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Một không gian với hơn 20 gian hàng thanh trà, được tuyển chọn với những quả thơm ngon, đẹp mắt từ những vườn có tiếng nhất trong toàn phường Thủy Biều. Bên cạnh đó, còn có 40 gian hàng các loại nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực được sản xuất bởi chính bàn tay của người dân trong vùng. Những luống rau sạch, những ngôi nhà tranh, ao cá thân thiện và chân quê, tất cả đều được tái hiện tại lễ hội, tạo nên một không gian gần gũi, ấm áp và thanh bình bên cạnh phiên chợ ẩm thực với đặc sản thanh trà chế biến theo nhiều món khác nhau mang đậm chất Thủy Biều.

Lễ hội Thanh Trà Thủy Biều cũng là nơi tôn vinh 11 “đặc sản Thừa Thiên Huế đạt kỷ lục Châu Á, kỷ lục Việt Nam” với những chương trình hấp dẫn như: trình diễn, giới thiệu, khám phá và thu hoạch trái cây “thanh trà”; gian hàng mua bán thanh trà; không gian trưng bày, quảng bá quá trình phát triển của thanh trà; thi tìm hiểu, chế biến món ăn liên quan đến thanh trà; đêm hội tôn vinh đặc sản Thừa Thiên Huế đạt kỷ lục Châu Á, kỷ lục Việt Nam. Ngoài ra, cũng có hội thi Chim của Liên hiệp các Câu lạc bộ trên toàn tỉnh với trên 400 lồng chim chào mào hội tụ về với “Lễ hội Thanh Trà”. Đặc biệt, địa phương đã chính thức cho khai trương tour du lịch cộng đồng mang tên “Hương thanh trà” đã được thử nghiệm trong những năm qua.

Đây thực sự là lễ hội của nhân dân, không chỉ thu hút đông đảo người dân tham gia vào các hoạt động của lễ hội, mà quan trọng hơn là phát huy sức sáng tạo của người dân đóng góp các nội dung cụ thể cho lễ hội, làm cho lễ hội bắt nguồn từ cuộc sống, bắt nguồn từ nhân dân trở lại phục vụ nhân dân.

Lễ Thu tế

Vào tháng 7 âm lịch hàng năm, các đình làng ở Thừa Thiên Huế tổ chức lễ Thu tế. Sau khi đình làng Phú Xuân (nay tọa lạc tại số 69 Thái Phiên, phường Tây Lộc) tổ chức lễ Thu tế (vào ngày 6/6 Âm lịch), các đình làng lớn nhỏ khác cũng bắt đầu tổ chức lễ hội này một cách trọng thể như làng Kế Môn (3/7 Âm lịch), làng Kim Long (7-8/7 Âm lịch), làng Lại Thế (11/7 Âm lịch)… Riêng Lễ Thu tế làng An Truyền (làng Chuồn) còn tổ chức đến 3 ngày (15 – 16 – 17/7 âm lịch).

Lễ Thu tế là ngày biểu thị lòng biết ơn của dân làng đối với các vị thần và tiền nhân đã có công gây dựng nên làng mạc và phù hộ cho dân làng an khang thịnh vượng.

Mặc dù mỗi làng có một quy định riêng nhưng một Lễ Thu tế thường bao gồm: lễ Túc Yết, lễ cúng cô hồn, lễ Chánh tế và lễ Bái – lễ Tất.

Tết A Za

Vào những ngày đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, khắp các bản làng của đồng bào dân tộc Pa Kô tại A Lưới lại rộn ràng chuẩn bị đón lễ hội A Za – ngày Tết truyền thống của đồng bào trên đỉnh Trường Sơn này. Đây cũng là thời điểm kết thúc vụ mùa cuối năm, khi những hạt lúa, bắp ngô, củ sắn… đã được thu hoạch và cất vào trong kho của mỗi gia đình; là lúc để bản làng trẩy hội, cất lên những điệu khèn, điệu múa… hay nhất đón chào Tết A Za.

Tết A Za thường được bắt đầu từ mùng 6/11 âm lịch và kéo dài cho đến hết ngày 24/12 âm lịch; mỗi làng sẽ chọn một ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian đó để tổ chức lễ A Za. Theo quan niệm của đồng bào Pa Cô, hai ngày tốt nhất để đón Tết A Za đó là ngày mồng 6/11 và ngày 24/12 âm lịch vì đó là thời điểm mặt trăng đẹp nhất.

Lễ hội A Za còn được gọi với cái tên khác như: Tết cơm mới, lễ hội tri ân cây lúa. Bởi cây lúa là đại diện cho tất cả các giống cây trồng khác đã cho bà con “cái bụng no ấm”. Nên trong phần nghi thức cúng, dâng lễ vật lên các Giàng thì không thể thiếu cây lúa và một đĩa cơm trắng, được lấy từ những hạt lúa ngon nhất trong thửa ruộng của mỗi gia đình của đồng bào Pa Kô.

Những lễ vật được chuẩn bị để cúng Giàng như: chuột hang, thịt (hươu, nai, lợn… săn được trong rừng), cá trắng suối, gà trống luộc, cơm nếp được nướng trong ống tre, cơm trắng, những bát tiết canh, bánh a quát, rượu, nước trắng, chuối xanh, mía. Có đến chín Giàng mà đồng bào Pa Cô sẽ tri ân trong dịp lễ A Za này như: Giàng A Zel (thần trời, đất), Giàng A Zal (thần núi), Giàng Đung (thần nhà ở)… Không khí chuẩn bị Tết cũng phải chuẩn bị một tuần trước đó, khi đàn ông vào rừng đi săn, bắt cá, những người phụ nữ thì xay gạo làm bánh, đi mua những tấm Zèng đẹp nhất để dâng lên Giàng và làm quà cho cả gia đình.

Sau khi chuẩn bị xong các lễ vật, lễ A Za sẽ được bắt đầu khi một người trong gia đình đập nổ ba thanh pháo tre trong bếp (từng thân tre còn kín được hơ nóng trên bếp lửa, khi đập sẽ nổ như tiếng pháo) – pháo là tín hiệu để mời Giàng về. Khi pháo nổ thì người chủ lễ – thường là đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ hú to để mời Giàng về nhà. Những tiếng trống, chiêng được vang lên từ đầu buổi lễ cho đến khi kết thúc. Người Pa Kô thường sử dụng A Xiéo để thông ngôn cho Giàng hiểu được tấm lòng tôn kính thần linh và những lời cầu nguyện. A Xiéo được làm từ hai mảnh của một khúc tre, nếu cả năm lần cầu nguyện mà hai mảnh A Xiéo đều ngửa đó là một dấu hiệu rất tốt, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no.

Đặc biệt, khi cúng Giàng phải có một người đại diện trong họ đến chứng kiến buổi lễ đó. Theo quan niệm từ xa xưa của đồng bào Pa Cô, mỗi khi mời Giàng về thì phải có sự chứng kiến của một người khác nữa trong họ, thể hiện sự đoàn kết, vui vẻ. Nếu không có người đến dự là một điều “cữ”, bởi chủ lễ nếu làm không đúng thì sẽ bị Giàng “phạt”.

Khoảng 10 giờ trưa, khi làm xong lễ cúng ở mỗi nhà thì đại diện các dòng họ sẽ mang mâm lễ vật tới nhà rông để tổ chức A Za cho cả bản mình. Già làng sẽ là người đại diện cho các dòng họ trong bản tiến hành nghi lễ cúng Giàng, cũng tương tự như cúng trong mỗi gia đình. Sau đó, sẽ là phần hội, bà con sẽ ăn uống chúc tụng nhau, họ nhảy múa ca hát cho đến tận sáng ngày hôm sau. Những chàng trai, cô gái say sưa trong những điệu nhảy truyền thống của dân tộc, họ trao cho nhau nụ cười hạnh phúc khi trời đất chuyển giao bước sang một năm mới. Tết A Za là dịp gắn kết sự bền chặt, thân thiết giữa các bản làng cùng chung sống trên dải Trường Sơn…

Lễ hội đền Huyền Trân Công chúa

Lễ hội đền Huyền Trân công chúa được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 9 tháng 1 âm lịch, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế. Đây là một hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ, tôn vinh công chúa Huyền Trân và các bậc tiền nhân của dân tộc đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi.

Mở đầu cho chuỗi hoạt động của lễ hội là Đại lễ cầu nguyện “Quốc thái dân an”, Lễ Hội hoa đăng, Ca múa nhạc Phật Giáo… Tiếp đến là lễ khai mạc với phần nghi lễ chính dâng hương tại Điện Huyền Trân công chúa, đền thờ vua Trần Nhân Tông và vãng cảnh.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội còn tổ chức triển lãm, trưng bày và giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống Huế, như: đúc đồng Phường Đúc, chạm khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, hương nhang Tự Đức, nón lá, mây tre đan Bao La, đệm bàng Phò Trạch, thổ cẩm A Lưới, sơn mài Huế và bánh kẹo Huế; các trò chơi dân gian; triển lãm thư pháp… Bên cạnh đó, là một số hoạt động dân gian như: cờ tướng, cờ người, võ thuật cổ truyền Vạn An, thư pháp, hò giã gạo, nghệ thuật ca múa, vẽ chân dung, vẽ tranh thiếu nhi, thi cắm hoa… cũng được tổ chức trong khuôn khổ của lễ hội.

Những lễ hội trên đây đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho xứ Huế. Cố đô Huế “hội tụ” nhiều văn hóa lễ hội đặc sắc đang chờ du khách khám phá.