Phú Yên là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Nơi đây vào mỗi dịp đầu năm thường tổ chức rất nhiều lễ hội lớn đặc sắc. Trong đó phải kể tới: Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Đầm Ô Loan, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Hội Bài Chòi… Ngoài ra còn có lễ hội mùa, lễ hội đâm trâu, bỏ mả… Đây đều là những lễ hội độc đáo làm nên những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân “xứ Nẫu”.
1. Lễ hội Sông nước Tam Giang
Hàng năm, cứ vào ngày mùng 5 & 6 tháng Giêng (Âm lịch), tại Thị xã Sông Cầu lại tổ chức Lễ hội Sông nước Tam Giang.
Lễ hội diễn ra nhiều cuộc thi như đua thuyền rồng, lắc thúng chai, đan lưới,… được tổ chức trên dòng sông Tam Giang thu hút đông đảo du khách đến từ các vùng trong và ngoài tỉnh.
Ngoài các môn thể thao dưới nước, lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian như bắt vịt trên sông, leo cột, đẩy gậy… Tất cả mang đến bầu không khí sôi sục, khẩn trương cho cả một vùng sông nước dịp đầu năm mới.
2. Lễ hội Đầm Ô Loan
Khi nhắc tới các địa danh nổi tiếng của Phú Yên không thể không nhắc tới Đầm Ô Loan. Đây là điểm đến mang tới cho du khách rất nhiều những trải nghiệm thú vị và độc đáo. Đầm Ô Loan là Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia, cách thành phố Tuy Hòa 25km về phía Bắc, nằm bên Quốc lộ 1 và tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Hàng năm, vào ngày mùng 7 tháng Giêng (Âm lịch), ngư dân sinh sống quanh đầm Ô Loan tổ chức “Lễ hội đầm Ô Loan”, thu hút hàng vạn người về trẩy hội. Lễ hội này đã có từ xa xưa và ngày nay nó là nét đẹp văn hóa truyền thống của “xứ Nẫu”.
Phần lễ được tiến hành từ ngày mùng 6 tại các đình làng và Lăng Ông (thờ Cá Voi). Phần hội diễn ra trên mặt đầm vào sáng ngày mùng 7, gồm có: Đua thuyền rồng, sõng chài, sõng lưới, sõng chống sào, lắc thúng chai… Ngoài ra, còn có các màn trình diễn: Múa siêu, múa lân, hò bá trạo… cùng nhiều trò chơi dân gian khác.
3. Lễ hội Sông nước Đà Nông
Lễ hội được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm tại xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa. Lễ hội là điểm du xuân đầu năm hấp dẫn của mảnh đất Phú Yên. Khách du lịch thập phương và người dân địa phương sẽ được xem những cuộc tranh tài với nhiều môn thi đa dạng. Kể đến như bơi lội, lắc thúng chai, đua thuyền rồng.
Cũng như các lễ hội sông nước khác, Lễ hội Sông nước Đà Nông cũng diễn ra lễ cầu ngư và biểu diễn nghệ thuật.
4. Hội Bài Chòi
Khi mùa xuân bắt đầu cũng là mùa lễ hội, trong đó có các Hội Bài Chòi. Tiếng hô bài chòi pha đậm chất ca từ rặt giọng địa phương vẫn vang lên đều đặn vào mỗi buổi tối.
Có dịp ghé vào chơi bài chòi, ai cũng nhận ra nét đơn sơ, mộc mạc với những chiếc chòi được dựng bằng gỗ, tre… Được dựng đơn giản nhưng không gian bài chòi được trang trí cẩn thận và tỉ mỉ với cờ hoa, câu đối tứ bề. Chòi còn có mái che, có bậc thang cho người chơi lên xuống… Các chòi chơi được xếp bao quanh một khoảng sân nhỏ. Giữa sân có một ống đựng các thẻ bài với những tên gọi khác nhau. Ở giữa cũng là nơi thường đặt chiếc ghế nhỏ có cờ hiệu, cờ xéo, trống chầu… và cả phần thưởng trên đó.
Người điều khiển Hội Bài Chòi là một nghệ nhân dân gian, gọi là “anh hiệu”, vừa phải thuộc nhiều “câu thai” (làn điệu bài chòi), vừa phải có khả năng diễn xuất và ứng biến linh hoạt để thu hút người chơi. “Anh hiệu” vừa hát vừa lấy ống thẻ xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài và hát hô: “Có chồng thì mặc có chồng/ Còn duyên anh ẵm, anh bồng, anh đưa/ Anh ơi, xin có đừng mơ/ Gái đâu, gái để anh đưa anh bồng là anh “bát bồng”. Cứ như vậy, mỗi lần anh hiệu rút được con bài nào là hô câu hát mang tên con bài đó. Chòi nào giữ quân bài vừa được hô tên thì người chơi nhanh tay cầm mõ tre gõ liên tục ba tiếng “tóc, tóc, tóc” hoặc hô vang “có đây”, người chơi sẽ nhận được thẻ con ứng với tên trong thẻ cái của mình. Đến lúc chòi nào ăn đủ 3 thẻ con thì người chơi gõ một hồi mõ kéo dài chiến thắng, gọi to “kinh rồi”. Người chiến thắng sẽ được nhận thưởng và được hiệu dâng rượu chúc mừng.
Hội bài chòi và các trò chơi dân gian khác được tổ chức trong những ngày Tết, trong các dịp lễ hội thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân Phú Yên. Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên cũng được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
5. Hội đua ngựa Gò Thì Thùng
Hội đua ngựa diễn ra hàng năm vào sáng ngày mùng 9 tháng Giêng (Âm lịch), tại thôn Xuân Thành, xã An Xuân, huyện Tuy An. Bãi đua là một vùng đất rộng, bằng phẳng trên Gò Thì Thùng. Đường đua hình vòng tròn, chu vi khoảng hơn 500m, được rào chắn an toàn.
Mở đầu là màn diễu hành của các “kỵ sĩ” ăn mặc chỉnh tề và ngồi trên lưng ngựa bệ vệ, oai phong như những kỵ sĩ dũng mãnh và oai hùng.
Tiếp đến là phần đua, được chia thành nhiều tốp. Dưới sự điều khiển của các “kỵ sĩ”, những con ngựa to khỏe thả sức phi nước đại trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng ngàn người xem, làm cho không khí hết sức sôi động. Tiếp sau phần đua ngựa là các trò chơi dân gian truyền thống như: Đánh bài chòi, kéo co, đẩy gậy…
Thông qua lễ hội đua ngựa, người dân An Xuân muốn gìn giữ và gợi lại tinh thần thượng võ của cha ông ta. Cuộc đua sẽ thể hiện cho ý chí kiên cường, bất khuất của con người Phú Yên trước thiên nhiên, biển cả bao la, hùng vĩ.
6. Lễ hội Chùa Từ Quang
Lễ hội Chùa Từ Quang được tổ chức trong 2 ngày 10 và 11 tháng Giêng (Âm lịch) tại Xã An Dân, Huyện Tuy An, nhằm giúp cho tăng ni, Phật tử và nhân dân khắp nơi về đây tưởng nhớ các vị hòa thượng đã có công lao khai lập, trụ trì và những anh hùng của dân tộc từng chọn nơi đây làm căn cứ đấu tranh giữ nước, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đồng thời, lễ hội còn là dịp cho thanh niên trai tráng tại địa phương biểu thị sức khỏe qua các trò chơi dân gian như thi đấu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy và nhảy thụng.
7. Hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn
Hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn được hình thành từ năm 1980, ban đầu được tổ chức ở Thư viện Hải Phú. Về sau, những người yêu thi phú, lãng mạn đã chọn núi Nhạn.
Hội thơ Nguyên tiêu ngày càng được mở rộng kết hợp một số hoạt động nghệ thuật khác để tăng thêm tính sinh động được tổ chức 2 đêm 15 và 16 tháng Giêng hàng năm. Con đường uốn lượn gần 300m dẫn lên đỉnh núi trong đêm thơ được trang hoàng lộng lẫy cờ thơ cùng ánh trăng rằm càng thêm kỳ ảo và lãng mạn thu hút đông đảo các nhà thơ, người yêu thơ, giai nhân tài tử, tao nhân mặc khách.
Hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn là niềm tự hào của người Phú Yên, với trái tim nồng nàn đối với “nàng thơ”, là cách tôn vinh, biến thơ trở thành một lễ thức văn hóa đầy tính nghệ thuật và nhân văn. Chính tiếng vang từ lễ hội thơ Nguyên tiêu Núi Nhạn là một trong những lý do quan trọng để Hội Nhà văn Việt Nam quyết định lập Ngày Thơ Việt Nam vào rằm Nguyên tiêu hàng năm (từ năm 2003).
8. Lễ hội Cầu Ngư
Các làng ven biển, ven đầm ở Phú Yên thường tổ chức “Lễ hội Cầu Ngư” vào khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng 6 (Âm lịch) hàng năm. Địa điểm diễn ra lễ hội là tại các Lăng Ông (nơi thờ Cá Voi).
Lễ hội gồm có hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành trang nghiêm với các nghi thức: Múa siêu, nghinh thần, rước sắc, đọc văn tế… Phần hội là các hình thức diễn xướng trò chơi dân gian như: Hát bả trạo, đua thuyền, lắc thúng… Đặc biệt, trong Lễ hội Cầu Ngư không thể thiếu loại hình nghệ thuật truyền thống hát bội.
Lễ hội Cầu Ngư là nhu cầu trong đời sống tâm linh và tinh thần của bà con ngư dân, mong muốn trời yên biển lặng, lưới nặng cá đầy, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là một lễ hội dân gian truyền thống được bảo tồn, phát huy ở Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng. Lễ hội Cầu Ngư ở tỉnh Phú Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
9. Lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương
Hàng năm, lễ hội Đền thờ Lê Thành Phương xuân Mậu Tý (được tổ chức trong hai ngày 27 và 28 tháng Giêng Âm lịch tại thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An) được diễn ra với các hoạt động văn hóa – thể thao đậm màu sắc văn hóa dân tộc. Đây là một trong những lễ hội thu hút đông người nhất ở Phú Yên.
Vào ngày 28 tháng Giêng, ngay từ tờ mờ sáng, hàng ngàn người dân trong tỉnh đã náo nức đổ về khu vực sân trước đền thờ nhà chí sĩ yêu nước – danh nhân Lê Thành Phương, để được đắm mình trong không khí lễ hội. Lễ dâng hương tưởng nhớ vị anh hùng Lê Thành Phương, người tổ chức và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần vương chống Pháp ở Phú Yên những năm cuối thế kỷ XIX, được tổ chức trang trọng.
Sau nghi thức dâng hương, dâng lễ vật, những trò chơi dân gian như bài chòi, cờ tướng, cờ người, kéo co, nhảy dây, nhảy thụng, bịt mắt bắt dê… đã diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tất cả góp phần tạo nên những sắc màu đậm chất văn hóa dân gian, nhưng không kém phần sôi nổi.
10. Lễ Hội Đền Lương Văn Chánh
Hàng năm cứ vào ngày mùng 6/2 Âm lịch (ngày nhận sắc lệnh) và ngày 19/9 Âm lịch (ngày mất), người dân Phú Yên tổ chức Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh với sự tham gia đông đảo của bà con nhân dân và du khách gần xa.
Đến với lễ hội này, du khách có thể tham gia vào các trò chơi dân gian như đánh bài chòi, kéo co, thi nấu cơm, bắt vịt dưới sông, thi đấu cờ tướng, cờ người, đập ấm đất, nhảy thụng… thể hiện nét văn hóa truyền thống của người dân sinh sống trên vùng đất Phú Yên.
11. Lễ hội đâm trâu
Lễ hội đâm trâu là lễ hội truyền thống do đồng bào các dân tộc thiểu số của vùng núi Phú Yên tổ chức. Lễ hội này sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày đêm và sẽ được tổ chức vào tháng Chạp cho tới tháng 3 Âm lịch.
Nghi thức đâm trâu sẽ được thực hiện vào ngày thứ ba của lễ hội và trong suốt thời gian diễn ra lễ hội truyền thống tại Phú Yên này, thầy cúng sẽ tiến hành thực hiện nhiều nghi lễ như gieo quẻ, khấn vái và xin xăm…
Người dân nơi đây luôn quan niệm rằng hiến trâu tế thần sẽ là một sự thể hiện tấm lòng với Thần Nước, Thần Núi. Do đó, lễ hội đâm trâu luôn được bà con đồng bào thiểu số mong chờ. Tại lễ hội, các hoạt động nghi lễ truyền thống cũng như sinh hoạt văn hóa cộng đồng sẽ được người dân tổ chức với rất nhiều nét đẹp đặc sắc khác nhau. Do đó, mọi người khi tới đây tham gia lễ hội sẽ được khám phá rất nhiều điều hấp dẫn mà lễ hội đâm trâu mang lại như múa hát, uống rượu cần, ngắm cảnh và đánh chiêng trống…
12. Lễ Vía Bà
Từ ngày 22/4-27/4, tức 18 đến ngày 22/3 (Âm lịch), tại di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn diễn ra lễ Vía Bà, thu hút hàng nghìn người về hành lễ và tham quan.
Lễ Vía Bà là hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Bà Thiên Y A Na nói riêng cũng như tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung.
Lễ này cầu cho mưa thuận gió hoà, cuộc sống bình an, vạn vật sinh sôi. Quy trình hành lễ gồm nhiều cấp độ khác nhau, đơn giản là dâng hương lên bàn thờ Mẫu, kỹ hơn thì ngoài dâng hương còn có múa bóng, hầu đồng, phát lộc…
13. Lễ hội mùa
Vào dịp tháng 3 hàng năm, người dân Phú Yên lại nô nức chuẩn bị thu hoạch lúa. Đây cũng là thời điểm mà người dân Phú Yên hân hoan ăn mừng mùa lúa mới bội thu. Bởi sau bao nhiêu ngày vất vả trồng trọt, họ vui mừng khi trông thấy những thành quả mà mình đạt được. Do đó, lễ hội mùa được xem là một trong những lễ hội truyền thống mà nhiều người trông chờ nhất.
Người dân Phú Yên tổ chức lễ hội mùa với mong muốn cảm tạ thần lúa đã giúp người nông dân có một vụ mùa thuận lợi, bội thu. Khi tổ chức lễ hội sẽ có rất nhiều hoạt động diễn ra như đánh cồng, chiêng, trống, uống rượu cần và vui chơi, ca hát.
14. Lễ hội bỏ mả
Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc miền núi Phú Yên. Lễ bỏ mả sẽ gồm cả phần lễ và phần hội. Phần hội sẽ bao gồm các hoạt động như múa hát, đánh cồng, chiêng và kể khan. Phần lễ sẽ diễn ra các nghi thức để giúp linh hồn của người đã khuất về hẳn với tổ tiên. Sau khi thực hiện xong nghi thức của phần lễ, người ta sẽ tiến hành xây dựng nhà mồ. Đây được xem là công trình nghệ thuật nổi tiếng của đồng bào dân tộc miền núi Phú Yên.
Lễ hội này được tổ chức với các khách mời danh dự ngoài bạn bè, người thân, hàng xóm còn có cả bà con ở các buôn làng lân cận sang tham dự.
15. Lễ Cúng Nhà Mới
Đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi ở Phú Yên hiện nay đang sở hữu những tinh hoa di sản, nhất là các lễ hội truyền thống, trong đó có Lễ Cúng Nhà Mới.
Trước khi cất nhà mới công việc đầu tiên đó là, họ chọn thổ cư cao ráo, nơi gần gũi với bà con dòng tộc. Họ đặt một ché đầy nước, sau một đêm thấy ché nước vẫn còn nguyên, đó là thần linh đất đai đã cho phép cất nhà ở tại cuộc đất này. Tiếp theo, người chủ cúng một ché rượu, một con gà, rồi mời bà con và những người thân thích đến nhờ họ giúp như đi lấy cây, cắt tranh, chặt mây tre…
Khi ngôi nhà đã được xây dựng hoàn thành, chủ nhà sẽ nổi lửa bếp chủ và bếp khách đầu tiên bởi người Chăm H’roi quan niệm rằng lửa sẽ xua đuổi mọi điều không tốt đẹp và đem đến sự may mắn. Sau khi chủ nhà nổi lửa bếp, thầy cúng làm lễ cầu bếp tránh sự lửa ăn (hỏa hoạn), mong bếp chủ lửa lúc nào cũng đỏ thể hiện sự đủ đầy về cái ăn, cầu cho bếp khách đêm đêm bừng sáng đó là tín hiệu vui nhà có bạn bè, người thân đến thăm. Trong lễ cúng nhà mới có phần lễ rửa nhà, lấy rượu ché tưới xung quanh bếp lửa khách, nghi thức này để nói lên sự trong sáng giữa chủ và khách bền lâu. Đặc biệt, thầy cúng còn lấy một cành lá nhúng vào rượu vào tiết heo quét từ cầu thang, chung quanh ngôi nhà mới, quét trên mặt cồng chiêng, mặt trống và ông cầu khấn thần nước ở suối sâu, thần núi ở trên cao, các thần linh đã nghe cùng về đây độ trì cho mọi người trong gia đình ai cũng khỏe đôi vai, mạnh đôi chân, trẻ con chóng lớn không còn điệu trên lưng, ngôi nhà mới này lúa, bắp đầy dày (kho), muối không thiếu, củi lúc nào cũng chất đầy dưới chân nhà sàn…
Xong các phần nghi lễ trên là đến phần chúc mừng, người Chăm H’roi theo truyền thống mẫu hệ nên người vợ mời rượu cho bà hoặc mẹ của mình trước, tiếp theo mời họ hàng. Trong lúc mời rượu cho mọi người cơm, thịt cũng dọn ra nong, nia và cồng chiêng nổi lên, khi nghe tiếng cồng chiêng mừng nhà mới mọi người trong làng buôn đến chúc mừng và mang đến những ché rượu.
Hi vọng những thông tin về 15 lễ hội mà Airbooking vừa trên đây sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa của người dân “xứ Nẫu”. Vùng đất Phú Yên là cả một kho tàng văn hóa nghệ thuật đặc sắc nên nếu có dịp ghé thăm, du khách đừng quên tham gia các lễ hội độc đáo này nhé!
0 Comment