Côn Đảo là điểm du lịch hấp dẫn bởi nơi đây sở hữu thiên nhiên hoang dã, những bãi biển trong vắt, cát trắng mịn làm say đắm lòng người. Ngoài ra, nơi đây còn mang đậm dấu ấn lịch sử dân tộc thể hiện qua cái tên “địa ngục trần gian” và qua những địa danh nổi tiếng như: nhà tù Côn Đảo, dinh chúa đảo…
1. Dinh Chúa Đảo
Dinh Chúa Đảo hay còn gọi là Dinh ông lớn, Dinh tỉnh trưởng, được hình thành trong khoảng thời gian 1862-1876. Dinh có tổng diện tích 18.600m2 trong đó bao gồm nhà chính, nhà phụ và sân vườn và các công trình phụ khác, cổng nhìn ra thẳng Cầu Tàu. Nơi đây trước kia là nơi ngự trị của 53 đời chúa đảo gồm 39 chúa đảo thời thực dân Pháp và 14 chúa đảo thời đế quốc Mỹ qua 113 năm.
Dinh chúa đảo là cơ quan đầu não của hệ thống nhà tù, tất cả bộ máy cai trị tù từ chúa đảo đến các quan chức trên toàn đảo đều dưới quyền điều khiển của chúa đảo. Dinh cũng là nơi xuất phát những mệnh lệnh, âm mưu, thủ đoạn của địch nhằm đày ải, tiêu diệt tù nhân Dinh, là hiện thân cho hai đời sống đối lập nhau: cuộc sống xa hoa của chúa đảo và sự khổ cực của những người tù.
Dinh Chúa Đảo cũng là nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên ở Côn Đảo năm 1945 và ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng năm 1975. Từ sau ngày giải phóng 01/05/1975, Dinh Chúa Đảo được sử dụng làm Phòng trưng bày khu di tích lịch sử Côn Đảo tới nay.
Phòng trưng bày dinh chúa đảo trưng bày 4 chủ đề chính: Côn Đảo – đất nước – con người, Côn Đảo – địa ngục trần gian, Côn Đảo – trường học đấu tranh cách mạng, Côn Đảo – di tích lịch sử cách mạng hiện nay và trong lòng người dân Việt Nam. Ngoài ra, phòng còn trưng bày một chuyên đề ảnh về nhà tù Côn Đảo từ năm 1908 đến 1916. Với gần 700 hiện vật, hình ảnh trưng bày cũng phần nào truyền tải đến công chúng về bằng chứng đích thực của những hi sinh mất mát, bằng chứng về tội ác của thực dân và đế quốc đã gây ra cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước và các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Côn Đảo. Từ năm 2000 đến nay, ban quản lý di tích cũng đã thu thập thêm được hơn 6.000 hồ sơ tù chính trị Côn Đảo qua các thời kỳ, 266 hiện vật thể khối, 542 tư liệu ảnh và giấy để bổ sung cho phòng trưng bày, tố cáo rõ nét nhất tội ác của các chúa đảo thời kỳ kháng chiến.
2. Hệ thống Nhà tù Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo luôn gắn liền với các tên gọi “Địa ngục trần gian” hay “nơi khắc nghiệt nhất của chế độ tù đày”, được chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho xây dựng bắt đầu từ ngày 1/2/1862 với hệ thống nhà tù và các nghĩa trang. Hệ thống nhà tù này bao gồm 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập – “chuồng cọp”. Các tù phạm chính trị, tử tù hay các nhân vật quan trọng mà thực dân Pháp cho là nguy hiểm đối với chúng đều bị giam giữ tại hệ thống nhà tù này. Và sau đó thì được đế quốc Mỹ sử dụng và tiếp tục giam cầm.
Hệ thống Nhà tù Côn Đảo bao gồm: Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn, Trại Phú Thọ, Trại Phú Tường, khu biệt lập Chuồng Cọp, khu Chuồng Bò, Trại Phú Phong, Trại Phú An và Trại Phú Hưng. Tất cả các trại đều là nơi giam giữ tra tấn các chiến sĩ dã man, đây cũng là minh chứng rõ nhất cho sự tàn bạo của đế quốc Mỹ và thực dân Pháp thời xưa.
Trại Phú Hải
Đây là trại giam cổ nhất Côn Đảo, còn có tên là “Bange 1”, được Pháp xây dựng năm 1862 với diện tích khoảng 12.000 m², với 10 phòng giam tập thể, 20 xà lim (hầm đá), 2 hầm xay lúa (nơi bác Tôn Đức Thắng bị giam giữ) và 1 khu đập đá – nơi cụ Phan Chu Trinh bị đày và để lại bài thơ nổi tiếng “Đập đá Côn Lôn”. Ngoài ra, Trại giam Phú Hải còn có đầy đủ các khu vực như giảng đường, bệnh xá, nhà thờ, nhà bếp, nhà ăn. Tuy nhiên, tất cả đều được dựng lên để đối phó với các đoàn giám sát về nhân quyền của quốc tế và đánh lừa dư luận.
Trại Phú Sơn
Nằm kế bên Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn được xây dựng năm 1916, cách thời điểm Trại Phú Hải xây dựng không lâu nên 2 trại có cùng kiểu xây dựng. Tuy nhiên, Trại Phú Sơn được xây dựng với quy mô rộng hơn, vững chắc hơn, có thêm nhiều phòng giam. Trại Phú Sơn cũng có những công trình che mắt dư luận như: nhà ăn, nhà bếp, phòng y tế, câu lạc bộ, phòng hớt tóc, văn phòng giám thị, phòng trật tự. Cơ bản những công trình đó giống với Trại Phú Hải.
Trại Phú Thọ
Tiếp đó sau 12 năm, thực dân Pháp cho xây dựng Trại Phú Thọ. Ban đầu Trại Phú Thọ gồm 3 dãy trại giam gồm 2 dãy phòng giam tập thể, 1 dãy biệt lập, 1 khu bệnh xá, 1 khu nhà bếp. Tuy nhiên sau đó chỉ còn 2 dãy gồm 4 phòng mỗi dãy vào thời điểm sau Cách mạng tháng 8/1945.
Trại Phú Thọ còn được biết đến với cái tên gọi khác là “khu biệt lập chuồng gà” bởi sau này người Mỹ cho xây thêm phòng 9, phòng 10 dùng làm khu biệt lập bổ sung của khu Chuồng Cọp, trên trần không có song sắt mà thay vào đó là các hàng kẽm gai đan vào nhau chằng chịt.
Các công trình phụ bao gồm: nhà ăn, nhà kho, nhà bếp, văn phòng giám thị và sân vườn…
Trại Phú Tường
Trại Phú Tường được biết đến với tên gọi khác là Trung Tâm Cải Huấn Phú Hải, nhưng thực chất đây là khu chuồng cọp kiểu Pháp là nơi đầy ải rất nhiều chiến sĩ cách mạng. Nơi đây được xây dựng từ năm 1940 với tổng diện tích là 1.475m2 gồm các phòng giam, phòng tắm nắng, chia 2 khu với 120 phòng giam biệt lập.
Các tù nhân bị tra tấn, lột trần quần áo, phơi nắng phơi sương tới khi nào kiệt sức và chết gục tại khu phòng tắm nắng với xung quanh là 4 bức tường đá, bọc bởi dây thép gai chằng chịt. Ngoài ra, chúng còn tra tấn các nữ tử tù một cách thâm độc. Một khu bệnh xá cũng được xây lên nhưng thực chất đây chỉ là chiêu thức mà thực dân dùng để đối phó với dư luận thế giới, che mắt người dân.
Tàn ác là thế nhưng mãi về sau khu này mới bị phát hiện vì trong khi đày ải các chiến sĩ tới đây, vốn dĩ họ đã bị bịt mắt, cũng chẳng biết là đâu, chỉ biết gồng mình chống chọi, hiếm có cơ hội thoát chết. Mãi về sau này, khi có 5 sinh viên được thả, họ bắt đầu biểu tình và dần dần bức màn độc ác của thực dân không còn che dấu được nữa.
Khu biệt lập Chuồng Cọp
Khu biệt lập Chuồng Cọp hay trại Phú Bình được chia thành 2 khu, tổng 40 chuồng cho 2 dãy mỗi khu, phía trên có gác ngục thường xuyên đi lại hành hạ người tù qua những giàn song sắt. Ở đây cũng có phòng tắm nắng giống như Trại Phú Tường.
Tận dụng cái khắc nghiệt của thiên nhiên, Mỹ – Ngụy lợp mái tôn thấp hấp thụ toàn bộ ánh nắng như thiêu cháy tử tù rồi ban đêm tử tù phải nằm dưới lớp đá lạnh toát, dần hao mòn sức khỏe theo năm tháng. Một hình thức tra tấn dã man nữa đó là tra tấn tù nhân bằng âm thanh. Phòng giam rất kín được trang bị bởi cửa sắt rất to, chúng chỉ cần mở cửa ra rồi đóng mạnh hết sức là tiếng vang khiến con người ta đau nhói đầu óc.
Khu Chuồng Bò
Cũng được biết đến với tên gọi trại An Ninh Chuồng Bò, Mỹ xây dựng nơi này năm 1930, mở rộng thêm vào năm 1936, bao gồm: 9 phòng biệt giam, 24 hộc chứa heo, 2 chuồng nhốt bò, một hầm chứa phân bò.
Sau khi Khu Chuồng Cọp bị phát hiện, chúng sửa chữa Chuồng Bò một cách nhanh chóng và đưa các tử tù tiếp tục tra tấn với các hình thức đánh đập bằng đòn củi, nẹp hai thanh tre vào ống chân, bỏ đói, bỏ khát trong thời gian dài…
Một sự thật rùng rợn rằng chúng còn sử dụng hầm phân bò sâu 3m để hành hình. Đây được biết đến như hình thức tra tấn dã man nhất: sử dụng hệ thống cống ngầm từ chuồng nuôi bò và ngâm người tử tù xuống đó. Mãi về sau, khi giải phóng Côn Đảo vào năm 1975, có tiếng kêu cứu vọng lên từ khu Chuồng Bò, người dân ở đây đã ngay lập tức cứu họ lên nhưng không thể qua khỏi vì họ đã bị giòi ăn đến tận xương tuỷ.
3. Sở Lò Vôi
Sở Lò Vôi do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1864, đây cũng là chứng tích điển hình về chính sách bóc lột sức lao động, cùng với chế độ hà khắc nhằm dập tắt ý chí của những người yêu nước chống thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Thực dân Pháp không những giam cầm người tù trong hệ thống nhà tù Côn Đảo và thành lập 18 sở khổ sai, trong đó Sở Lò Vôi là một trong 18 sở khắc nghiệt nhất. Lò Vôi chuyên nung san hô cung cấp cho toàn Côn Đảo, ở đây có 4-5 kíp tù trông coi việc đốt lò chủ yếu, lao động khổ sai ở đây chia làm hai kíp: Một kíp thường xuyên bám biển lặn san hô, mỗi tháng phải có 4 sà lan san hô, một kíp 12 người chuyên đưa san hô vào đốt lò nung thành vôi xây dựng nhà cửa, cầu đường.
Di tích Sở Lò Vôi là một bản cáo trạng về chính sách khai thác sức lao động của tù nhân. Ngày đi làm khổ sai tối về nhốt xà lim trong cái đói rét, lạnh lẽo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Bước sang giai đọan đế quốc Mỹ, nhà giam này thành nơi đóng quân và xây thêm một căn nhà phụ tại khu vực này.
4. Nghĩa trang Hàng Dương
Nghĩa trang Hàng Dương là điểm di tích lịch sử nổi tiếng tại Côn Đảo, là 1 trong 46 điểm đến tham quan du lịch trên địa bàn huyện. Đây là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài 113 năm đã lần lượt hi sinh dưới ách tàn bạo của thực dân và đế quốc.
Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2, theo số liệu ước định có hơn 2 vạn tù nhân yêu nước yên nghỉ tại Côn Đảo. Năm 1992, Nghĩa trang Hàng Dương đã được khởi công trùng tu, tôn tạo. Nghĩa trang Hàng Dương có 4 khu mộ. Khu A có mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh; Khu B có mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Võ Thị Sáu, Lê Chí Hiếu; Khu C có mộ Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Việt; Khu D là nơi quy tập các phần mộ từ Nghĩa trang hàng Keo, Hòn Cau… Ngày nay, nhằm tôn vinh các Anh hùng Liệt sĩ và những người yêu nước Việt Nam đã chiến đấu và hi sinh tại Côn Đảo, đồng thời tố cáo tội ác dã man của chế độ nhà tù Côn Đảo dưới hai thời kỳ Thực dân kiểu cũ và mới, một hệ thống các công trình mỹ thuật có tính khái quát cao đã được xây dựng như: khu hành lễ với tượng đài chính và phù điêu lịch sử Côn Đảo, khu vườn đá với phù điêu Bất Khuất, tượng Thủy chung và tượng Hi vọng.
5. Núi Yên Ngựa
Núi Yên Ngựa sở hữu độ cao khoảng 540m và nằm về phía Nam của khu vực đảo chính Côn Sơn. Nếu như nhìn từ xa du khách có thể thấy phần đỉnh của ngọn núi này trông không khác gì một chiếc “Kim tự tháp” với 3 mặt quay về 3 hướng khác nhau. Từ trên đổ xuống tạo thành triền dốc cao với thảm thực vật xanh bao phủ ở khắp mọi nơi. Khung cảnh hoang sơ, mộc mạc chưa bị bất cứ tác động nào của con người view trọn những bãi biển đẹp ở Côn Đảo.
6. Mũi Cá Mập
Mũi Cá Mập là một hòn đảo hoang sơ, đẹp, có phiến đá lớn nhô ra biển, nhìn từ trên cao có hình dáng giống với chiếc mũi của cá mập, nên người ta đã đặt tên cho hòn đảo là Mũi Cá Mập. Bên cạnh đó, có một vài giả thiết khác đưa ra, trước kia Mũi Cá Mập là nơi sinh sống của rất nhiều loài cá mập khác nhau, chính vì thế mà có tên là Mũi Cá Mập.
Mũi Cá Mập rất tự nhiên và hoang sơ, khi đến đây du khách có thể thoải mái tận hưởng không khí ngoài đảo xa được tự do tắm biển, cắm trại, nướng đồ ăn, nhâm nhi vài cốc bia với nhóm bạn… Cùng nhau thưởng thức bữa tối, ngắm bầu trời đêm ngàn vì sao và sáng hôm sau dậy sớm ngắm bình minh ló rạng trên mũi Cá Mập thì tuyệt vời làm sao!
Chẳng vậy mà rất nhiều khách du lịch đã bình chọn và để lại lời nhắn tốt đẹp rằng bình minh Mũi Cá Mập được đánh giá là một trong những cảnh bình minh tuyệt đẹp trên thế giới. Không chỉ thế khi đến với Mũi Cá Mập trên đường đi du khách còn được tận mắt trông thấy những hòn đảo thấp thoáng ngoài xa. Tham quan học hỏi kinh nghiệm đánh bắt cá ở càng Bến Đầm cũng rất thú vị.
7. Hòn Cau
Nằm trong quần thể 16 hòn đảo đẹp nhất của Côn Đảo, Hòn Cau là một địa điểm dừng chân tuyệt vời, mang lại cho du khách những dư âm thú vị. Hòn Cau còn được gọi bằng một cái tên rất đẹp khác là hòn Phú Lệ. Phía trước có bãi cát trắng, trải dài theo dãy núi hình cánh cung, luôn rì rào tiếng sóng biển, Hòn Cau là một tổng thể hài hòa của nước, của mây, của biển, của gió trời và mặt đất.
Hòn Cau nổi tiếng không chỉ là một trong những nơi đầu tiên được người Việt đến khai phá lập nghiệp vào những năm thế kỷ 14, mà còn nức tiếng gần xa bởi vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như con người nơi đây, đặc biệt là những nét hoang sơ của tạo hóa còn lưu lại chưa được khám phá hết.
Một trong những điểm nổi bật tạo nên nét đẹp độc đáo cho Hòn Cau có lẽ là ở dừa, những hàng dừa trải dài theo bát cát trắng trải dài, nghiêng mình theo cơn gió thổi qua từ biển cả trong xanh, bãi tắm rộng hình cánh cung. Không những vậy, Hòn Cau còn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách với những hàng phong ba sừng sững đứng chắn gió xanh mát ngút ngàn cùng hệ thống động thực vật ở khu rừng liền kề.
Thiên nhiên còn ưu ái trao tặng cho Hòn Cau cả một rặng san hô lấp lánh sắc màu cùng cả một hệ thống động thực vật dưới nước vô cùng phong phú.
Với nguồn nước ngầm phong phú của mình, dù nằm giữa biển cả mênh mông, Hòn Cau vẫn có nguồn nước ngọt, có cây ăn quả như đu đủ, mãng cầu, chuối, và tất nhiên là rất nhiều dừa, thứ thức uống được nhiều người yêu thích mỗi lần đi du lịch biển.
Đêm đến, những người đến Hòn Cau thăm thú thường thích tản bộ bên bãi biển đêm, để nghe tiếng sóng vỗ, để cảm nhận từng đợt gió mang cái lành lạnh man mác có chút mùi của biển, hay chỉ đơn giản là nằm lên bãi cát mà ngắm sao trời. Thú vị hơn, du khách có thể khám phá cuộc sống về đêm của động vật nơi đây, đi xem những chú rùa đẻ trứng, thả rùa con về biển (thường diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, cũng là mùa cao điểm của du lịch biển).
Hòn Cau hiện đang là một trong những điểm quan trọng của quốc gia trong việc bảo tồn các loài động vật biển qúy hiếm như vích biển, yến sào và rùa biển. Đây cũng là điểm du lịch nghỉ dưỡng được rất nhiều người yêu thích mỗi khi đến Côn Đảo.
8. Hòn Bảy Cạnh
Nằm ở phía Đông của đảo Côn Sơn với diện tích 683ha, lớn thứ hai trong tổng số 16 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Đảo, Hòn Bảy Cạnh như một nét xanh chấm phá giữa biển trời mênh mông Côn Đảo, là khu vực có hệ thống rừng nguyên sinh rộng lớn bao phủ gần như là toàn bộ hòn đảo. Không những vậy, nơi đây còn có cả một hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng 5,1 ha, tồn tại và sinh trưởng trên nền cát lẫn san hô chết, đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết các hệ sinh thái rừng nguyên sinh trên toàn bộ hòn đảo.
Hòn Bảy Cạnh từ lâu đã được quy hoạch làm nơi chuyên phục hồi sinh thái, được bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo sự đa dạng sinh học của hòn đảo. Thiên nhiên trù phú đã cho nơi đây cả một hệ sinh thái với nhiều loài khác nhau, từ các rạn san hô, rong biển, cỏ biển, cho đến các loài trai, ốc, hải sâm, cá sinh sống trong các rặng san hô. Đặc biệt hơn, hòn Bảy Cạnh còn là bãi biển có số lượng rùa đến đẻ trứng nhiều nhất trong tổng số 14 bãi đẻ trứng của Côn Đảo, đỉnh điểm của mùa sinh sản có thể đạt số lượng lên tới 20-30 rùa mẹ lên bờ đẻ trứng. Đây cũng là một trong những điểm thú vị thu hút khách du lịch, đặc biệt là cho những ai tò mò, muốn tìm hiểu về quá trình sinh nở của loài động vật này.
Ở phía Đông Bắc của hòn đảo có một ngọn hải đăng được Pháp xây dựng từ năm 1884 vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ, là điểm đến yêu thích của du khách gần xa. Khách tham quan khi đến với hòn Bảy Cạnh có thể lên hải đăng để có thể thu vào tầm mắt toàn bộ biển trời bao quanh hòn Bảy Cạnh cũng như là vùng biển Côn Đảo.
9. Hòn Bà
Hòn Bà có diện tích tự nhiên là 576 ha, là đảo lớn thứ ba trong quần đảo Côn Sơn. Hòn Bà nối liền với hòn Côn Sơn bằng Cửa Tử, tạo thành vịnh Bến Đầm. Đây là vịnh kín gió, rộng là nơi neo đậu trú bão của tàu thuyền ngư dân trên biển.
Tại đây, du khách có thể dễ dàng tìm thấy những bãi biển tuyệt đẹp, hệ sinh thái rừng và rừng ngập mặn đa dạng với nhiều chủng loại động, thực vật quý hiếm.
Khi đến Trạm kiểm lâm Hòn Bà, du khách đi bộ xuyên rừng khoảng 20 phút về phía Tây sẽ đến được bãi Đầm Quốc để khám phá rừng ngập mặn nguyên sinh, tắm biển, bơi lội có kiếng lặn và ống thở xem san hô và sinh vật biển; hoặc du khách có thể leo núi chinh phục Đỉnh Tình Yêu, với độ cao 352m và các đỉnh núi lân cận quan sát toàn bộ vịnh Bến Đầm và các đảo xung quanh. Vào mùa mưa, sau khi tắm biển, du khách còn có thể thỏa thích tắm suối trong mát ngay bìa rừng gần bãi biển.
10. Hòn Tài
Hòn Tài hay còn được gọi là Hòn Phú Bình, là một trong những địa danh còn giữ được nét hoang sơ vốn có mà thiên nhiên ban tặng. Đảo rộng 31,5 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái, nằm về phía Đông Nam đảo Côn Sơn, cách trung tâm huyện Côn Đảo chừng 5km.
Ở Hòn Tài có nhiều loài động vật quý hiếm như: Sóc Mun – loại sóc đặc hữu chỉ có ở vùng này, Kỳ đà, Tắc kè,…và nhiều loài chim biển, Gầm Ghì trắng, một loại chim quý hiếm thuộc họ bồ câu; khỉ mặt đỏ.
Hệ sinh thái dưới biển là bức tranh phong phú đầy màu sắc của các rặng san hô hòa mình với những loại sinh vật biển ẩn dưới nắng xuyên qua làn nước trong xanh cũng là điểm hấp dẫn khách du lịch tại Hòn Tài. Với Hòn Tài, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẽ đẹp lung linh huyền bí của chốn thủy cung với nhiều loại san hô rực rỡ, lạ mắt mà khó có thể bắt gặp ở một nơi nào khác.
Đến với Hòn Tài, du khách hành trình sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh huyền bí của chốn thủy cung với nhiều loại san hô rực rỡ, lạ mắt mà khó có thể bắt gặp ở một nơi nào khác.
Thú vị nhất ở Hòn Tài là tour xem rùa và cua đẻ trứng, du khách cần lưu đêm tại hòn, cần có tính kiên nhẫn và một chút may mắn. Thông thường, mùa rùa lên bãi làm tổ và đẻ trứng là từ tháng 6 đến tháng 9. Sau khoảng 60 ngày ấp trứng, những chú rùa con bé bỏng chui ra khỏi vỏ trứng. Cũng thật vui nếu bạn cùng các nhân viên kiểm lâm thả những chú rùa con này về với biển xanh để cảm nhận khát vọng sống mãnh liệt của muôn loài.
11. Bãi Nhát
Nằm trên tuyến đường chính nối cảng Bến Đầm và thị trấn Côn Sơn, Bãi Nhát đã từ lâu được xem như bãi biển đẹp nhất tại Côn Đảo.
Bãi Nhát không nhộn nhịp, đông đúc như những địa điểm nổi tiếng khác, cảnh vật thiên nhiên nơi đây hoang sơ, mang vẻ đẹp yên bình. Ít bị ảnh hưởng bởi sự tác động của con người nên bãi biển, cát trắng mịn, sỏi đá nằm xếp lớp, hòa quyện cùng tiếng sóng như một bức họa biển mộc mạc.
Lưu lại trong tâm trí khách du lịch tới đây có lẽ là làn nước biển xanh trong, bãi sỏi đá, xếp tầng lên nhau. Đây cũng chính là “background sống ảo” lý tưởng trong nhiều bức ảnh đẹp. Hay đơn giản chỉ là ngồi trên những mỏm đá to, ngắm biển cũng thấy thư giãn.
Bãi Nhát đẹp nhất khi vào thời khắc giao thoa giữa sớm bình minh và chiều hoàng hôn. Nếu ai có dịp tới đây vào buổi trưa, nắng vàng chiếu lên bãi cát trắng, bãi đá lấp lánh đến kỳ lạ. Vẻ đẹp hoàn hảo nhất của bờ biển này sẽ mất đi sau khi thủy triều lên.
Không thể lặn ngắm san hô như Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, nhưng không vì vậy mà bãi biển hoang sơ này kém hấp dẫn. Đi dạo, ngồi ngắm cảnh trên bãi cát trắng cũng đủ giúp con người ta thư giãn, giải tỏa.
12. Bãi Đầm Trầu
Bãi Đầm Trầu là bãi biển đẹp nhất trên quần đảo Côn Đảo, nằm gần sân bay Cỏ Ống, ở rìa ngoài Vườn Quốc gia Côn Đảo. Bãi Đầm Trầu như nàng tiên nữ say sưa giấc nồng chưa tỉnh giấc. Quả thật vậy, bãi Đầm Trầu sở hữu phong cảnh đẹp ngất ngây, vừa hoang sơ, kỳ bí lại vừa thơ mộng, hữu tình. Càng tiến dần đến bãi Đầm Trầu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cận cảnh vẻ đẹp của bãi tắm đẹp nhất Côn Đảo.
Đến bãi biển Đầm Trầu, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên đích thực, tận hưởng món quà quý báu của tạo hóa. Làn nước xanh biếc, trong veo và mát lạnh cùng bờ cát thoai thoải mịn màng, sóng biển dập dềnh nhẹ nhàng hẳn sẽ là thiên đường biển thu nhỏ của riêng du khách.
Tại Bãi Đầm Trầu, một khung cảnh cực kỳ thú vị mà du khách có thể bắt gặp chính là khoảnh khắc ánh mặt trời vừa ló dạng, sắc đỏ tràn ngập, bao trùm toàn bộ không gian, một vẻ đẹp mê hồn.
Không chỉ có quang cảnh thơ mộng, những cánh rừng nguyên sinh, bãi tắm đẹp, Đầm Trầu còn lôi cuốn du khách với những rạn san hô đầy màu sắc. Cùng gia đình, bạn bè thực hiện một chuyến khám phá lòng đại dương, chiêm ngưỡng vẻ đẹp san hô và ngắm nhìn những đàn cá tung tăng nhiều màu sắc, chắc chắn sẽ mang đến cho du khách những cảm xúc mới lạ và khó quên.
Từ bãi biển, du khách sẽ nhìn thấy những hòn đảo lân cận, đàn chim hải âu tung cánh chao lượn, thuyền ngư dân nhấp nhô mẻ cá hay các tàu du lịch chở khách ra đảo… Khung cảnh bao la và bình dị ấy khiến du khách muốn hòa mình vào thiên nhiên đất trời nơi đây.
13. Bãi Suối Nóng
Từ Bãi Đầm Trầu, du khách có thể vượt một đoạn ngắn đường rừng để đến được Bãi Suối Nóng, một bãi biển còn giữ nguyên nét hoang sơ và ít người biết đến. Đây là bãi biển tuyệt đẹp như một bức tranh sống động của vùng biển nhiệt đới với bãi cát trắng phẳng lì và một hệ sinh thái rừng ngập mặn hiếm có.
Không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên mà Bãi Suối Nóng còn có một điểm đặc biệt đó là nước ở nơi đây quanh năm nóng trên 50 độ C. Chính vì thế, khi đến đây du khách sẽ được chứng kiến một quang cảnh kì lạ của làn khói hơi nước bốc lên tạo nên một khung cảnh rất huyền ảo. Theo những người dân ở đây, thì nguyên nhân của nước nóng ở bãi suối nóng là do một mạch ngầm từ trên thượng nguồn của con suối đi qua mỏ khoáng nóng nên nước ở đây mới nóng như vậy. Ngoài ra còn một điều đặc biệt khác đó là chưa có ai đi hết được bãi suối nóng này cả.
14. Chùa Núi Một
Chùa Núi Một hay còn gọi Vân Sơn Tự tọa lạc trên Núi Một thuộc huyện Côn Đảo, do Mỹ ngụy xây dựng vào năm 1964 nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình của những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sĩ trên đảo, bên cạnh đó còn mục đích mị dân, trá hình che mắt báo chí và dư luận quốc tế về sự cai trị tù nhân tàn bạo của chế độ Mỹ Ngụy. Đến thời gian sau năm 1975, nơi này trở thành nơi thờ Phật của người dân trên đảo. Hiện nay, chùa là công trình văn hóa nằm trong quần thể khu di tích lịch sử, danh thắng của huyện Côn Đảo.
Vân Sơn Tự được thiết kế với lối kiến trúc mang đậm nét Phật giáo Á Đông, chủ yếu thờ Phật và các chư vị Bồ Tát. Không gian chùa tuy không lớn, nhưng với vị trí tọa lạc lưng tựa vững chắc vào Núi Một các mặt còn lại đều có view ngắm cảnh, thưởng ngoạn trên cả tuyêt vời. Đứng ở chùa, du khách có thể phóng tầm mắt ra tứ phương đâu đâu cũng có phong cảnh hữu tình với hướng nam là màu xanh thăm thẳm của rừng núi bạt ngàn, hướng đông là vịnh Côn Sơn trong xanh cùng với thị trấn bình yên đang vương mình phát triển thì hướng bắc là cánh đồng sen An Hải đang e ấp nép mình bên lá xanh lan tỏa hương thơm từng giây từng phút.
Trong quần thể khu di tích rộng 19.434 m2 này có rất nhiều cảnh đẹp nổi bật và đặc trưng như: Cổng chùa, Gác chuông, Tượng Phật, Miếu Địa Tạng, Miếu Sơn Thần, Nhà tổ,… Bên cạnh đó, tiếng chuông chùa ngân vàng trong cõi tĩnh lặng hay tiếng tụng kinh của sư thầy cùng làn khói hương lan tỏa mang đến không gian cảnh chùa tĩnh lặng, thiêng liêng. Bởi vậy mà khi đặt chân tới dây, bất kỳ vị khách nào cũng cảm thấy lòng nhẹ nhõm, thư giãn, quên đi mọi buồn phiền, lo âu, những hối hả của cuộc sống đời thường hàng ngày.
15. An Sơn Miếu
Nằm gần với Vân Sơn Tự, An Sơn Miếu được xây dựng từ năm 1785 để thờ Bà Phi Yến – Thứ Phi của Chúa Nguyễn Ánh (Vua Gia Long). Có thể nói đây là một trong rất ít di sản văn hóa dân gian của Côn Đảo.
Tương truyền rằng, vào năm 1783, Nguyễn Ánh thua quân Tây Sơn bỏ chạy ra Côn Đảo và có ý định cầu viện giặc Pháp. Biết ý định của chồng, bà Phi Yến khuyên can liền bị Nguyễn Ánh nổi giận, giam vào hang núi trên đảo. Còn Hoàng tử Cải – con của bà và Nguyễn Ánh thì bị ném xuống biển. Xác Hoàng tử trôi dạt vào làng Cổ Ống, được người dân vớt, chôn cất tử tế và lập miếu thờ tên gọi “Thiếu gia miếu”. Còn về phần bà Phi Yến đã được Hổ đen và Vượn trắng cứu và đưa về Cỏ Ống, nơi có ngôi mộ con mình, bà Phi Yến đã ở lại đây ngày đêm chăm sóc phần mộ đứa con bạc phước. Trong một hôm dự lễ làng, một kẻ tên là Bện Thi không kìm lòng được trước nhan sắc của bà liền lẻn vào nơi bà ở định giờ trò đồi bại. Để thủ tiết, bà Phi Yến đã tự vẫn ở chân ngọn núi cao nhất Côn Đảo bây giờ. Cảm phục người phụ nữ trung trinh tiết liệt người dân lập miếu thờ bà tên gọi “An Sơn Miếu”.
Không gian tại miếu rất thoáng đãng, rộng rãi và mát mẻ bởi những hàng cây tỏa bóng mát phủ khắp. Trước miếu có cổng chào. Khi bước chân vào miếu, du khách sẽ bắt gặp ngay tượng hai chú sư tử oai phong như đứng bảo vệ ngôi miếu. Bên cạnh là một hồ cá nhỏ với những chú cá đủ màu sắc. Bước chân vào trong miếu Bà, một không khí yên tĩnh và thành kính bao trùm. Du khách sẽ cảm nhận được đâu đó một sự trang nghiêm và linh thiêng tại nơi này. Du khách đừng quên thắp một nén nhang và thầm cầu nguyện những mong ước, những điều còn trăn trở trong lòng.
16. Vườn Quốc gia Côn Đảo
Vườn Quốc gia Côn Đảo là một khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng nằm tại khu vực phía Bắc của huyện Côn Đảo, được thành lập vào ngày 31/3/1993. Toàn bộ vườn quốc gia này có diện tích khoảng hơn 15.000 ha, trong đó có hơn 6.000 ha là đất liền, còn lại 9000 ha là biển. Năm 2014, nơi đây đã được công nhận là khu Ramsar của Thế giới. Từ đó góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch của Côn Đảo nói riêng cũng như của toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung.
Vườn Quốc gia Côn Đảo là một trong số ít vườn quốc gia trên thế giới hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng và biển vô cùng đặc sắc và hiếm có. Hiện đây là nơi đang nuôi dưỡng và bảo tồn 882 loại thực vật bậc cao, thuộc 562 chi, 161 họ và 144 loài động vật gồm 28 loài thú, 69 loài chim, 39 loài bò sát, 8 loài lưỡng cư. Trong số đó có rất nhiều loài quý hiếm đang nằm trong sách đỏ như: sóc mun, sóc đen, chuột hưu,… Không chỉ vậy, đây còn là nơi sinh sống của quần thể rùa biển lớn nhất Việt Nam, với hai loại phổ biến là Đồi Mồi và Tráng Đông. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Côn Đảo còn là nơi duy nhất của Việt Nam vẫn còn có loài bò biển (dugong) sinh sống.
Đến với Vườn Quốc gia Côn Đảo, du khách du khách sẽ được “thưởng thức” khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và hệ sinh thái động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Tới đây, du khách sẽ được thử sức mình với những cung đường trekking tuyệt đẹp, được khám phá những bờ biển hoang sơ và đặc biệt còn có cơ hội xem rùa đẻ trứng hết sức thú vị. Không những thế, du khách còn được tham quan di tích cầu Ma Thiên Lãnh và khám phá hang Đức Mẹ. Hang động này nằm sâu bên trong lòng núi. Bên trong có đặt bức tượng Đức Mẹ Maria, cùng nhiều tàn tích người Pháp đã để lại. Tham quan hang động, du khách cũng sẽ có dịp hiểu hơn về đời sống tinh thần của những người lính Pháp trong thời kỳ chiến tranh.
Vậy là du khách đã cùng Airbooking tìm hiểu hết 16 điểm đến nổi tiếng nhất Côn Đảo. Ngay bây giờ hãy sắp xếp lịch trình cho tour du lịch Côn Đảo sắp tới của du khách ngay thôi nào! Airbooking chúc du khách có những quãng thời gian đẹp nhất với những điểm tham quan tại Côn Đảo!
0 Comment