Đến với Nha Trang, thành phố biển xinh đẹp, hoa lệ của vùng duyên hải Miền Trung, chắc hẳn du khách sẽ bị đắm chìm vào cảnh sắc tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Tuy nhiên, cũng đừng vì vậy mà du khách bỏ qua những món ăn ngon, hấp dẫn của nơi này bởi đi du lịch Nha Trang mà không thưởng thức được những món ăn ngon, hấp dẫn tại đây thì coi như chưa từng đến với thành phố biển này.

1. Nem nướng

Đặc sản nem nướng của Nha Trang vốn có nguồn gốc từ Ninh Hòa, thế nhưng nem Ninh Hòa nổi tiếng không phải chính nơi nó sinh ra mà được biết đến trong ngoài nước khi vượt 34km đến thành phố biển Nha Trang. Là một món ngon không thể thiếu khi nhắc đến ẩm thực Nha Trang, nem nướng là một nốt nhạc thú vị cuốn hút cho bản hòa ca mời chào lữ khách đến với vùng đất xinh đẹp này.

Tại Nha Trang, Nem nướng có 2 loại là Nem chua và Nem nướng, mỗi thứ có vị ngon riêng, riêng Nem chua – từ xa xưa đã được chọn là món ngon, không thế thiếu trên mâm cỗ khi đi cùng với chả lụa. Với những người muốn tận hưởng đầy đủ phong vị ẩm thực của vị giác và thị giác, người ta thường chọn Nem nướng để có thể vừa thưởng thức hương vị thơm nồng vừa có thể ngắm nhìn xâu Nem tươm mỡ rồi đượm hồng trên bếp lửa than.

Nguyên liệu chính làm Nem là thịt nạc heo, một giống heo ngon gắn liền với làng nghề nơi đây: “Mây Hòn Hèo, heo đất đỏ”. Chỉ lấy phần thịt đùi mềm nhất và còn nóng vì vậy con heo nặng cả tạ chỉ chọn được khoảng mươi cân thịt để làm Nem và người làm nem thường thức dậy từ lúc gà gáy, chờ mổ heo để chọn thịt.

Giã thịt cũng là một nghệ thuật, ngày xưa chưa có máy, chỉ những thanh niên khỏe mạnh mới có thể đảm đương phần việc này. Người cầm chày không được ngừng tay cho đến lúc quết thịt nhuyễn như xay với muối, đường, gia vị… mà phải dẻo như nếp và ửng hồng như mới vừa chín tới.

Thưởng thức món nem nướng của Nha Trang, thực khách sẽ cảm nhận được vị chua dịu, mùi thơm của thịt, vị cay của ớt… được hòa quyện vào với nhau. Nem nướng ăn kèm với nộm đu đủ cùng nước chấm ngon (được chế biến bao gồm: hỗn hợp thịt heo băm, tương, đường, muối, tỏi, ớt và một số gia vị khác) sẽ làm cho du khách khó quên được vị ngon của món đặc sản này.

2. Bánh canh chả cá

Bánh canh chả cá, tuy chỉ là một món ăn địa phương bình dân, nhưng đã trở thành một đặc sản mà nhiều du khách ghé đến Nha Trang luôn muốn đi ăn cho bằng được.

Một tô bánh canh chả cá gồm có sợi bánh canh bột gạo hoặc bún được chần qua nước sôi, tiếp đến là những lát chả cá và cá dầm, thêm vào ít hành lá, hành phi, tiêu rồi chan nước dùng nóng hổi. Bánh canh Nha Trang ngon đặc biệt nhờ nước dùng được nấu từ các loại cá biển nên ngọt đậm đà. Chả cá cũng được quết từ cá tươi nên dai mịn, mềm và ngọt thanh vị cá. Nhờ nguồn hải sản phong phú miền biển, chả cá Nha Trang có thể được làm từ rất nhiều loại cá, từ cá thu, cá cờ, cho đến cá mối, cá chuồn, cá nhồng…

Thêm vào đó, bánh canh chả cá còn ăn kèm với cá dầm, thường là cá thu, cá ngừ hoặc cá cờ. Ăn một tô bánh canh chả cá với cá ngừ hoặc cá thu dầm, thêm một tí mắm ớt cay Nha Trang, du khách có cảm nhận được hương vị ẩm thực rất đặc trưng miền biển. Vì vậy, những người xa quê hay những vị khách du lịch đã từng thưởng thức thường thèm một tô bánh canh chả cá khi nhớ về Nha Trang. Nhiều người ghiền chả cá Nha Trang còn mua những khoanh chả chiên hoặc hấp mang về ăn hoặc làm quà. Nhiều người xa quê thì mang theo chả cá để nấu bánh canh cho đỡ nhớ hương vị quê nhà.

3. Bánh canh lòng cá Ngừ

Bên cạnh món bánh canh chả cá, Nha Trang còn có một món ăn độc đáo vừa ngon vừa rẻ, lại đảm bảo vệ sinh đó là món bánh canh lòng cá Ngừ. Hương vị thơm ngọt lạ lùng của lòng cá Ngừ đại dương kết hợp với bánh canh bột gạo, là món đặc sản mà du khách không thể bỏ lỡ khi đi du lịch Nha Trang.

Trước đây, người dân vùng biển Nha Trang sau khi xuất khẩu thịt cá thì còn thừa lòng cá, họ đã nấu và ăn với cơm, bún hoặc nhấm nháp với vài ly rượu. Vì lòng cá còn dư quá nhiều, nên sau đó người dân đã kết hợp bánh canh với lòng cá ngừ đại dương, và món ăn đến được với nhiều người từ đây.

Sợi bánh canh được làm từ gạo, giống như bún bò Huế nhưng to và ngắn hơn. Nước dùng trong và ngọt thanh, không váng mỡ, ăn kèm đó là thịt, trứng cá, bao tử cá, chả cá hấp hoặc chiên, trứng cút, da heo được luộc chín (không có mỡ) cho ra một tô bánh canh thơm ngon, lại nóng hổi, giá cả hợp lý, dao động từ 15.000 đến 20.000 VNĐ/tô.

4. Bún Sứa

Có thể nói, Bún Sứa là món ăn đặc sản Nha Trang, mà du khách có thể tìm thấy ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Món bún sứa xuất hiện ở mọi ngõ ngách trong thành phố, bên bờ biển.

Bún sứa Nha Trang mang nét đặc trưng, không giống những vùng khác. Chính vì vậy, người dân địa phương và khách du lịch đều yêu thích món ăn mang đậm hương vị biển này.

Để chế biến món ăn ngon này, người làm không cần quá kỳ công hay mất nhiều thời gian. Nguyên liệu đều mang đậm hương vị biển, chính vì vậy, món ăn rất hạn chế dùng gia vị mà đều có sẵn độ mặn, ngọt của các loại hải sản. Nước dùng của Bún Sứa cũng trong veo từ cá, không mỡ, béo và có mùi vị thanh ngọt, rất thích hợp khi ăn trời nóng.

Khi thưởng thức bún, chủ quán sẽ trần bún qua nước sôi, cho vào bát, thêm những miếng sứa trong vắt giòn lên trên, một vài miếng chả cá, chan cùng nước lèo thơm lừng nóng hổi, điểm tô thêm vài cọng giá đỗ trắng, cùng một chút rau xanh. Chỉ cần nhìn tô bún bốc hơi nghi ngút, thực khách sẽ muốn được thưởng thức ngay.

Nhưng muốn ăn bún sứa ngon hơn, thực khách thường nêm chút ớt cay, mắm ruốc, để có tô bún đúng vị thơm ngon và mang màu sắc biển cả.

Khi thưởng thức món ăn này, thực khách sẽ cảm nhận vị ngọt thơm, đậm đà của cá thu, cá nhồng, sứa và nước lèo. Khi ăn hết tô bún, mồ hôi toát ra, du khách sẽ thấy cơ thể nhẹ nhàng như xua tan cái oi bức, nóng nực của mùa hè.

Không chỉ người dân Nha Trang mà ngay cả khách du lịch cũng khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn của tô bún sứa bình dị, dân dã. Bởi chính sự đơn giản trong cách chế biến, bún sứa trở thành món ăn đặc trưng cho ẩm thực của Nha Trang. Thực khách đến và thưởng thức món ăn Nha Trang ngon tuyệt qua tô Bún Sứa chính là giữ lại hương vị biển mặn mòi một cách trọn vẹn nhất.

5. Bún Mực Vạn Ninh

Bún mực Vạn Ninh là món ăn có cách chế biến không cầu kì nhưng lại mang hương vị mà không nơi nào có thể bắt chước được.

Đúng như cái tên, bún mực có nguyên liệu chính là mực. Nhưng tất nhiên, không phải loại mực nào cũng có thể dùng để chế biến món bún mực Vạn Ninh. Phải là loại mực ống, mực lá không quá lớn, chỉ khoảng 2-3 ngón tay. Loại mực này ngọt, không dai mà sần sần, ruột trắng, thường có trứng ăn rất ngon. Và hơn hết là phải tươi, chứ mực mà ươn là hỏng hay. Tô bún mà chế biến từ mực ươn thì không ai ăn được, rất tanh và hôi. Vì thế những quán bún ở đây thường có mối quen ở ngư dân, đặt sẵn hằng ngày khi tàu đánh bắt vừa về nên sẽ đảm bảo được độ tươi nhất cho mực.

Sau khi đã chọn ra những con mực ngon nhất thì tiến hành sơ chế. Chỉ cần cắt đôi mực, rửa sạch rồi để ráo nước. Tiếp theo là chế biến nước lèo. Chỉ cần xào cà chua với thơm trong khoảng 5 phút, sau đó thêm nước rồi thêm gia vị vừa ăn. Nước sôi thì cho mực vào. Vì mực rất tươi nên chỉ cần săn lại là đã có thể ăn ngay. Tránh nấu mực quá lâu khiến mực bị dai và mất độ tươi.

Sau đó cho bún vào tô, thêm hành, rau ngổ, rau thơm vào bát rồi cho nước lèo mực vào. Vậy là đã có ngay một tô bún mực Vạn Ninh thơm ngon hấp dẫn rồi. Cả quá trình để có một tô bún mực chỉ khoảng vài chục phút nhưng hương vị lưu lại sẽ khiến người thưởng thức nhớ mãi.

Chính vì được chế biến hoàn toàn từ những nguyên liệu tự nhiên, thơm ngon nhất nên món bún mực Vạn Ninh mang trong mình những hương vị rất riêng. Vị ngọt của nước lèo hoàn toàn đến từ những con mực tươi được đánh bắt từ vùng biển Đại Lãnh chứ không phải từ mì chính, bột ngọt nhân tạo. Miếng mực chín tới, không bị quá kĩ và còn nguyên vị ngọt của biển cả. Vì con mực không quá to sẽ có độ ngọt hơn những loại mực to. Cắn một miếng là cảm nhận được cảm giác sần sần rất thú vị. Nước ngọt trong con mực chảy ra hấp dẫn, vẫn còn nguyên hương vị hải sản nhưng lại không bị tanh.

Sợi bún sử dụng trong món bún mực Vạn Ninh cũng không phải loại bún công nghiệp bình thường mà được làm từ gạo thơm, mềm dai, còn nguyên mùi gạo. Sự kết hợp giữa hương vị biển cả và đất liền khiến chúng ta ăn một lần mà vương vấn mãi không quên.

Khi thưởng thức món bún mực Vạn Ninh, du khách nhớ vắt thêm chanh tươi nhé vì hải sản mà ăn với chanh tươi còn dậy mùi hơn nữa.

6. Bánh ướt Diên Khánh

Đã từ lâu, Bánh ướt Diên Khánh là món ăn khá nổi tiếng với du khách phương xa khi đến Nha Trang du lịch. Bất kỳ ai đã từng thưởng thức qua món bánh ướt Diên Khánh một lần đều khó có thể quên đi hương vị của món bánh này.

Món ăn này xuất phát từ phố bánh ướt Diên Khánh. Tuy gọi là phố nhưng thực chất nơi đây là một con đường nơi tụ tập rất nhiều các hàng bán bánh ướt, những hàng quán này được mở từ 4 giờ sáng đến tận đêm khuya. Do đó, khách muốn có thể dùng món này bất cứ khi nào.

Tuy là một đặc sản rất nổi tiếng của thành phố biển Nha Trang, nhưng món ăn này có cách chế biến khá đơn giản. Để làm bột tráng bánh, đầu tiên người làm bánh sẽ lựa chọn ra một loại gạo tẻ thật thơm và ngon đem đi rửa rồi vo, thật sạch và xay nhuyễn cho đến khi gạo thành bột mịn. Bột sau khi xay sẽ được đem đi trộn với nước và được tráng thành những miếng bánh nóng hổi trên chiếc lò bằng đất nung. Khi chiếc bánh ướt vừa chín tới, bàn tay khéo léo của người tráng tay, nhẹ nhàng lấy chiếc đũa vót tre luồn phía dưới chiếc bánh ướt đang nóng hổi để lấy bánh ra, xếp gọn gàng vào trong dĩa.

Để bánh ướt có thêm hương vị, khi bánh còn đang nóng hổi, người làm bánh sẽ nhanh tay phủ lên lớp bánh một lớp mỡ hành mỏng béo ngậy, một ít ruốc thịt và đậu xanh nhuyễn.

Những hương vị trên, nào là mỡ hành, nào là ruốc thịt, nào là tôm khô xay nhuyễn hay đậu xanh được xay nhuyễn, tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên một đĩa bánh ướt nóng hổi vừa thơm mùi gia vị.

Khâu quan trọng không kém để có một đĩa bánh ướt nóng hổi, đó là ăn kèm chung với nước chấm. Nước chấm được pha làm sao cho hài hòa với hương vị của bánh ướt, mà cách pha làm sao cũng là một nghệ thuật mà hầu hết các chủ cửa hàng nổi tiếng tại đây đều giữ kín bí quyết này. Thường món bánh ướt sẽ được ăn cùng với nước mắm tỏi hoặc với mắm nêm. Một số quán còn có cách pha nước chấm khác nhau, có chỗ dùng nước mắm từ ruột cá thu, hay một số quán dùng nước mắm làm từ ruột cá cơm… tất cả hòa quyện với nhau để tạo nên món chấm đậm đà. Bánh ướt ăn kèm với chả lụa Diên Khánh thì sẽ mang đến hương vị tuyệt vời, khó cưỡng, khó quên.

7. Bánh Căn

Bánh Căn là một món ăn quen thuộc của người dân vùng ven biển Nam Trung Bộ. Dọc các tỉnh duyên hải như Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, du khách đều có thể thưởng thức món bánh này nhưng khi đến các địa điểm ăn uống Nha Trang, du khách sẽ bắt gặp món Bánh Căn mang hương vị rất độc đáo.

Nhìn từ bên ngoài, Bánh Căn có hình dáng gần giống bánh Khọt, được làm từ bột gạo và pha chế theo một công thức đặc biệt. Gạo làm bánh được đem ngâm nước cho mềm rồi xay thành bột ở dạng lỏng. Để làm cho những chiếc bánh ngon, giòn, thì trước khi làm bánh, người ta sẽ cho thêm ít bột cơm nguội đã phơi khô.

Trước khi làm bánh, bột làm bánh được hòa với nước, cho thêm trứng gà hoặc trứng cút vào khuôn, sau đó đậy nắp lại và chờ bánh chín. Khuôn làm bánh căn cũng rất đặc biệt, khuôn thường được làm từ đất nung và có nhiều lỗ tròn để đặt khuôn.

Bánh căn được ăn kèm với nhiều loại nước chấm như mắm chưng mỡ hành, mắm nêm, mắm cá kho hay mắm chanh tỏi ớt. Tùy theo yêu cầu của thực khách, chủ quán sẽ chọn loại nước chấm phù hợp nhất. Ngoài ra, du khách có thể ăn kèm bánh căn với rau xà lách, các loại rau thơm như húng, quế…

Vị thơm giòn của vỏ bánh, vị ngọt của tôm, thịt hòa quyện với vị đậm đà của nước mắm, cùng chút chua chua dịu dịu của những lát xoài xanh bào nhỏ và vị cay nồng của ớt sẽ tạo nên một món ngon Nha Trang mang hương vị cực kỳ hấp dẫn.

8. Bánh xèo áp chảo

Bánh xèo áp chảo ở Nha Trang cũng gần giống như món bánh xèo của người Miền Nam nhưng điểm khác biệt là bánh xèo áp chảo còn cho thêm hải sản vào để tăng thêm hương vị và độ ngon cho món ăn này. Ở Nha Trang bánh xèo áp chảo được đúc bằng chảo chứ không phải bằng khuôn đất như ở Miền Trung nên nó mới được gọi bằng cái tên bánh xèo áp chảo. Đây là món ăn vặt thơm ngon, bổ dưỡng có thể chống đói mà khách du lịch nào khi đến Nha Trang cũng phải ghé lại một lần để thưởng thức được nó.

Bánh xèo áp chảo tại Nha Trang không chỉ có giá đậu hay thịt mà còn có thêm tôm, mực… hải sản của miền biển. Bánh xèo được ăn kèm với rau sống, bánh tráng dùng để cuốn bánh xèo và nước chấm là một phần quan trọng tạo nên hương vị hấp dẫn của món ăn.

Tùy theo khẩu vị mà du khách có thể chọn tôm hoặc mực để chế biến. Có nhiều quán bánh xèo tại Nha Trang cũng cho trứng cút hoặc trứng gà vào giữa bánh giống bánh căn. Bánh xèo áp chảo rất đa dạng về hương vị, nếu có dịp đi tour Nha Trang của Airbooking, du khách đừng bỏ lỡ món ngon này nhé!

9. Bánh đập

Bánh đập là một món ăn dân dã rất quen thuộc của người dân Nha Trang. Khi được hỏi ăn gì khi đến Nha Trang thì không thể quên được món bánh này. Bánh là sự kết hợp từ bánh tráng nướng và bánh ướt, kẹp cùng nhân tôm, thịt nạc xay nhuyễn và kèm theo một số loại rau thơm.

Bánh tráng nướng được kẹp phía bên ngoài bánh ướt nhân thịt hoặc nhân tôm. Khi ăn, du khách chỉ cần để bánh vào lòng bàn tay đạp cho miếng bánh tráng bên ngoài vỡ vụn là có xé từng miếng bánh kẹp với rau thơm và chấm mắm nêm là có thể thưởng thức một món bánh đập ngon tuyệt.

Bánh đập cầu kì từ các công đoạn chuẩn bị và chế biến. Để làm được bánh tráng người ta dùng thứ bột gạo thơm và dẻo, tráng trên bếp, sau đó được đem đi phơi. Trước khi sử dụng bánh sẽ được nướng trên than hồng để bánh chín và giòn. Tiếp đến là bánh ướt, bánh ướt thì được tráng một lớp mỏng hơn, rất mỏng, sau khi chín có màu trắng ngà của bộ gạo được dùng thanh tre để gỡ ra cuộn cùng tôm đã được luộc và bóc vỏ, thịt heo xay nhuyễn xào hành. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một món ăn thú vị.

10. Bò nướng Lạc Cảnh

Du lịch Nha Trang mà không thưởng thức món Bò nướng Lạc Cảnh thì thật đáng tiếc. Lạc Cảnh, một nhà hàng thuộc loại “cổ” nhất Nha Trang, nằm ở số 44 Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Món Bò nướng Lạc Cảnh, mà thương hiệu Lạc Cảnh đi liền theo sau được đăng ký bảo hộ từ mấy năm nay, là món chế biến đặc biệt luôn làm cho khách ngon miệng và ăn tới miếng cuối cùng.

Sự khéo léo, cách chế biến tinh tế của người đầu bếp đã làm cho món ăn trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Từ việc bò được rửa sạch, xắt miếng nhỏ vừa miệng ăn đến việc tẩm ướp gia vị đặc biệt và trộn cùng với mật ong thật kích thích vị giác của du khách.

Chiếc lò đất truyền thống đang bén than hồng kèm theo chiếc vỉ nướng cùng với đó là đĩa thịt bò và rau ăn kèm gồm: Xà lách, cà chua, dưa leo, hành tây thái mỏng và không thể thiếu món chấm đơn giản là vị chua, cay, mặn của muối ớt chanh.

Du khách sẽ thấy việc tự nướng thịt là điều thú vị. Bò được nướng trực tiếp trên than hoa, chờ khoảng 15 phút là thịt tới độ chín, có thể ăn. Thịt bò vừa ngọt vừa mềm, màu đỏ au chấm với nước chấm thôi đã thấy đậm đà, thơm lừng rồi.

Du khách cảm nhận miếng thịt bò nóng hổi, cảm giác thịt mềm là một cảm giác ngon khó tả. Để trung hoà được vị nóng cũng như vị ngậy thơm của thịt, bạn có thể ăn cùng với những loại rau thanh mát như xà lách, cà chua,… Nhìn từng miếng thịt đang nóng đỏ hôi hổi trên bếp than khiến bạn muốn ăn mãi không thôi. Ngoài ra, Bò nướng Lạc Cảnh còn được ăn kèm với bánh mì. Miếng bánh được nướng trên bếp than hồng vừa thơm, vừa giòn lại đậm đà dễ ăn.

11. Vịt Cầu Dứa

Nếu ai đã từng du lịch Nha Trang, ghé qua “Khu phố vịt” Cầu Dứa – nằm trên quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố 3-4km về phía Nam, với san sát nhà hàng chuyên món này… chắc chắn sẽ không bao giờ quên những món ngon từ vịt trứ danh, thơm ngon, béo ngậy.

Những món vịt ngon tại khu phố này chủ yếu được chế biến từ vịt Ninh Hòa. Thiên nhiên ưu ái cho mảnh đất này những cánh đồng phì nhiêu, những cánh đồng với đủ đầy tôm, cua, cá, và với cách chăm sóc đặc biệt… Vịt được chăn thả trên địa điểm, môi trường lý tưởng như vậy, hỏi làm sao có thể không béo, không ngon?

Chính vì những con vịt béo tốt mà món ăn được chế biến từ nó cũng trở nên hấp dẫn bội phần. Đến khu phố vịt, du khách sẽ lần lượt được thưởng thức những món ngon ngoài tiết canh vịt như vịt luộc, vịt nướng, gỏi vịt, cháo vịt… vô cùng phong phú. Mỗi món đều để lại một nét riêng, nhưng cảm nhận chung của du khách sẽ là sự mềm, nạc, không hề bở của thịt và hương vị đặc trưng của từng món dậy lên khi chế biến.

12. Gỏi cá Mai

Nha Trang chẳng thiếu gì đặc sản. Nhắc đến Nha Trang người ta nghĩ ngay đến hải sản, đến nem Ninh Hòa, yến sào hòn Nội hay sò huyết Thủy Triều… Nhưng có lẽ món ăn thú vị và hấp dẫn nhất phố biển phải kể đến Gỏi cá Mai.

Gỏi cá Mai là một đặc sản nổi tiếng mà không phải vùng biển nào cũng có. Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết… là những nơi sở hữu món Gỏi cá Mai ngon “đệ nhất”.

Món Gỏi cá Mai được làm từ một loài cá đặc biệt của đại dương – cá Mai. Loài cá này trông giống như cá Cơm nhưng có mình ngắn và dẹp. Cá có màu trắng trong suốt, mình trơn và nhỏ chỉ bằng hai ngón tay. Đặc biệt cá mai hoàn toàn không có vảy và mùi tanh (hoặc rất ít tanh) rất phù hợp cho chế biến món gỏi. Bởi vậy mà cá mai hầu như chỉ dùng chế biến độc một món là gỏi.

Gỏi cá Mai được chế biến một cách công phu. Trước tiên là việc lựa chọn cá mai để chế biến món gỏi. Cá phải thật tươi ngon, được chọn từ lúc thuyền mới cập bến về. Thêm vào đó là các phụ liệu như hạt đậu nành rang giã mịn (để làm thính), hành tây, gừng, các loại rau thơm… Đến công đoạn từ hai đó là sơ chế. Cá mai được rửa sạch và rút xương. Đây là khâu mất công, mất thì giờ nhất nhưng cũng là khâu quyết định đến độ ngon của món gỏi. Việc rút xương được làm tỉ mỉ trên từng con cá nên đòi hỏi người nấu phải thật khéo léo và kiên nhẫn. Cá mai sau khi rút xương sẽ dùng giấy thấm thật ráo để tạo độ giòn, thơm. Tiếp theo là khâu làm tái cá. Thông thường nấu có thể sử dụng chanh, khế chua, me hoặc giấm… cùng một số gia vị đặc biệt khác để bóp cá cho chín. Cá mai chuyển từ màu trắng sang màu ngà đục là đã chín. Tuy nhiên, khi bóp cá cần khéo léo sao cho đều tay mà cá không bị dập nát. Lúc này người nấu sẽ lấy thính rắc đều lên trên cùng với các nguyên liệu như hành tây, gừng và rau thơm đã chuẩn bị sẵn trước đó. Sau đó trộn đều tất cả và nêm lại gia vị vừa ăn là đã xong món gỏi. Tuy nhiên, món gỏi ngon hay không còn phụ thuộc thêm một khâu nữa đó là làm nước chấm. Nước chấm Gỏi cá Mai khá đặc biệt – làm từ xương cá Mai cùng các nguyên liệu như thịt băm, mắm canh tỏi ớt…

13. Hải sản

Thành phố Nha Trang nổi tiếng với những bãi biển đẹp như thiên đường và đồng thời cũng nổi tiếng với các loại hải sản thơm ngon, tươi sống. Đến với làng chài, du khách sẽ được thưởng thức hải sản tươi nguyên, trước khi chế biến tô, cá, mực… vẫn còn đang bơi lội tung tăng, chỉ cần du khách chọn món, đầu bếp sẽ chế biến ngay lập tức và du khách chỉ cần chờ đợi ít phút là có thể thưởng thức những món ngon này rồi. Làng chài có những nhà hàng nằm trên biển, dân làng sẽ đưa du khách đến với những nhà hàng này bằng phà. Vừa thưởng thức những món ngon, vừa cảm nhận được những cơn gió mang hơi mặn của biển, phóng tầm mắt ra phía xa ngoài khơi, dường như thấy được cả đường chân trời, khung cảnh thật là hùng vĩ. Ngoài các món hải sản, du khách cũng có thể thưởng thức thêm các món nướng tại đây. Tắc kè nướng chấm với muối ớt rất nổi tiếng tại Nha Trang, thịt tác kè dai, thơm, ngọt mang lại cho thực khách một trải nghiệm mới về ẩm thực nơi đây.

14. Cá Lóc nướng Bọt Biển

Cá lóc hay còn được gọi là cá trầu, cá quả, cá chuối. Khác với cá lóc miền nam có da dày và thịt dai, cá lóc ở Nha Trang có da mỏng, thịt săn chắc và có vị ngọt thanh rất ngon. Cá lóc có thể chế biến thành nhiều món đặc sắc, nhưng có lẽ ngon nhất và hấp dẫn nhất vẫn là nướng. Trong đó, món cá lóc nướng bọt biển là một sự sáng tạo tài tình và độc đáo của người Nha Trang.

Cá lóc khi vừa đánh bắt sẽ được làm sạch, đánh vây, bọc một lớp bọt biển trắng tinh và nướng chín trên lửa hồng. Bọt biển là một loài thực vật biển có ở vùng nước sâu dưới đáy đại dương, thường được thu hoạch bởi những người thợ lặn chuyên nghiệp. Được bao bọc bởi lớp bọt biển mềm mịn bên ngoài, sau khi được nướng phần cá lóc bên trong chín đều, phần da cá giòn nhưng phần thịt cá bên trong vẫn không bị vỡ, lại trắng phau, thơm lừng và giữ nguyên được vị ngon ngọt. Cá được phục vụ khi vẫn còn nguyên lớp bọt biển, thực khách phải bóc lớp bọt biển ra và từ từ khám phá món cá nướng tuyệt hảo này.

Cá lóc nướng bọt biển được ăn kèm với một đĩa rau sống gồm có chuối xanh, dưa leo, xà lách, tía tô, húng lủi…, cùng chén muối ớt xanh nặn thêm chút chanh. Tất cả kết hợp hài hòa mang lại một món ăn đậm đà, hấp dẫn. Đây là một trong những món ăn luôn khiến du khách nhớ mãi khi rời Nha Trang.

Cá lóc nướng bọt biển có thể được xem là một trong những món ăn ngon độc đáo trong ẩm thực Nha Trang, mà du khách nhất định phải thưởng thức khi có dịp đến thăm thành phố biển này. Món ăn hấp dẫn thực khách từ cái nhìn đầu tiên, đến mùi thơm lừng quyến rũ và cả hương vị đậm đà, tuyệt vời đến khó lòng quên.

15. Lươn đùm bọc mỡ chài

Đây là một trong những món ăn nổi tiếng Nha Trang. Thịt lươn nạc, chắc và béo ngọt, lại mát nên hấp dẫn nhiều thực khách.

Nguyên liệu dùng để chế biến món ăn này gồm thịt lươn, mỡ, miến, lạc và các loại gia vị như đường, hạt tiêu, bột nêm, tỏi, riềng, sả, rau ngổ, rau răm, ớt và hành tím…

Thịt lươn được cuốn một lớp mỡ chài, cùng chút nấm, hạt tiêu, thịt bằm rồi đem lên bếp nướng. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng chính cách tẩm ướp độc đáo theo bí quyết mà không nơi nào có được làm nên món ăn đặc sắc, lạ miệng nơi đây. Khi ăn cảm nhận được thịt lươn ngọt đậm, béo béo, cay cay lẫn trong mùi thơm dậy của riềng, sả.

16. Cơm chiên muối ớt xanh

Nói đến ẩm thực Nha Trang, du khách thường nhắc đến bún sứa, bánh canh chả cá hay những món ăn từ hải sản như tôm, cua, cá mực… Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua món cơm chiên muối ớt xanh tuy bình dị nhưng khó ai có thể quên được hương vị thơm ngon, cay nồng của nó nếu đã một lần thưởng thức.

Bữa sáng trên thành phố du lịch Nha Trang với món cơm chiên muối ớt xanh thật là tuyệt vời với vị mặn của muối hòa trong hương thơm nồng nhưng cay xé lưỡi của những trái ớt xanh mang đến cho bạn những cung bậc cảm xúc. Món ăn có màu đỏ của tôm chấy, điểm xuyết màu xanh cùng vị cay nồng của những quả ớt hiểm tạo sức hút cho du khách.

Cơm chiên muối ớt, cái tên bình dân như chính các thành phần của món ăn, chỉ có cơm, muối và ớt… Không ai biết món này có từ khi nào. Nhưng từ lâu, cơm chiên muối ớt là món ăn sáng hoặc món ăn vào lúc xế chiều quen thuộc của người dân lao động. Ngày xưa, cơm chiên muối ớt được chế biến khá đơn giản, chỉ là cơm nguội được chiên nóng với ít muối ớt. Ngày nay, món ăn được chế biến cầu kỳ, chăm chút hơn, điều đó thể hiện qua việc lựa chọn nguyên liệu, cách phối hợp các thành phần với nhau…

Không sử dụng cơm nguội qua đêm như trước đây, hạt cơm để chế biến món ăn này phải được nấu từ loại gạo nguyên, không nở. Cơm nấu chín được để nguội, các hạt cơm đánh tơi ra, không được dính vào nhau. Ớt để chiên cơm phải là loại ớt xiêm xanh, thân to bằng đầu đũa vừa có vị cay vừa thơm nồng hấp dẫn. Bên cạnh đó, người Nha Trang đã cho thêm vào đĩa cơm chiên màu đỏ gạch của tôm chấy để món ăn không đơn điệu và tăng thêm hương vị thơm ngon khi thưởng thức.

Chế biến món cơm này khá đơn giản, chỉ cần phi thơm hành hoặc tỏi rồi cho cơm vào đảo đều. Đến khi hạt cơm săn lại thì nêm muối ớt xanh vào rồi trộn đều cho vừa miệng. Tiếp đến cho tôm chấy, ớt xiêm xanh giã dập vào, rang đều món ăn thêm ít phút trước khi tắt bếp. Chỉ chừng đó thôi là đủ để cho du khách có món ăn ngon.

Không cao sang, không cầu kỳ, rất đơn giản và bình dị nhưng chính nhờ cái vị thơm nồng, khiến thực khách phải xuýt xoa mỗi khi thưởng thức đã đưa “món ăn nhà quê” này đứng ngang hàng với những món ăn đắt tiền khác trong danh sách ẩm thực phố Biển.

17. Bánh xoài

Bánh xoài hay bánh tráng xoài là một đặc sản được yêu thích tại Nha Trang. Món bánh này xuất hiện từ những năm 1980 tại Cam Ranh – nơi được mệnh danh là xứ sở của xoài. Bánh có tên là bánh tráng xoài vì hình dạng bên ngoài giống như một chiếc bánh tráng nhưng nguyên liệu chính để chế biến bánh là xoài. Bánh được làm khá đơn giản nhưng có hương vị rất đặc biệt. Những quả xoài chín được bỏ hạt, bỏ vỏ, phần thịt xoài đem xay nhuyễn rồi cho lên bếp lửa, đảo đều tay. Thêm một chút gừng tươi, chút đường và khuấy cho đến khi đặc sệt lại. Sau đó người làm khéo léo tráng bánh, sao cho bánh đều và mỏng. Bánh xoài được đem phơi nắng, cho đến khi bề mặt se lại, sờ vào không thấy dính tay là được. Bánh xoài có màu vàng ươm, mềm dai, dễ xé, bề mặt bánh trơn láng và hơi mịn. Bánh có vị chua thanh, ngọt dịu và mùi thơm tự nhiên của xoài. Đến với Nha Trang, du khách đừng quên thưởng thức món bánh này và mua về làm quà cho bạn bè và người thân nhé!

Nha Trang còn có rất nhiều món ngon đang đợi du khách đến thưởng thức. Du lịch Nha Trang cùng Airbooking, chúng tôi sẽ mang đến cho du khách một chuyến đi chất lượng nhất. Hãy đến và khám phá thành phố biển xinh đẹp, thưởng thức những món ăn ngon và sống cùng với những con người thân thiện nhé!