Nằm trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ, Phan Thiết – thành phố nổi tiếng với những bờ cát trắng xinh đẹp hay làn nước biển trong xanh của đại dương. Ẩm thực nơi đây cũng không hề kém cạnh. Các món ngon Phan Thiết thì nhiều vô kể dù có cạn túi cũng chưa chắc du khách đã thưởng thức được hết.
1. Răng Mực
Món ăn vặt, món nhậu xuất sắc nhất trong các món ngon Phan Thiết phải kể đến là Răng Mực. Món ăn này thường được lựa chọn từ những con mực trứng tại Phan Thiết. Vì vậy mà khi ăn du khách sẽ thấy có vị giòn giòn sật sật chứ không bị bở hay quá dai như những nơi khác.
Có nhiều cách chế biến răng mực khác nhau. Ngon nhất là đem tẩm ướp gia vị, nướng trên than hoa. Ngoài ra, răng mực còn có thế được chế biến các cách khác nhau như đem hấp với gừng và xả hay xào lăn. Đặc biệt, món răng mực tẩm bột chiên giòn ăn cùng với đồ chua hoặc rau răm cũng được nhiều người gọi.
2. Bánh tráng cuốn mắm ruốc
Bánh tráng cuốn mắm ruốc không giống như bánh tráng nướng chấm mắm ruốc truyền thống ở Phan Thiết vì dùng loại bánh mỏng hơn, thêm nhiều nguyên liệu hơn, cách chế biến cũng cầu kỳ hơn. Món này về hình dáng tương tự bánh tráng cuốn ở Nam bộ, nhưng đặc biệt ở chỗ phần bánh tráng cuốn bên ngoài được cuộn lại từng chút một khi nướng trên than hồng.
Món ăn đơn giản gồm bánh tráng, trứng gà, trứng cút luộc, xoài chua, dưa chuột, bánh tráng nướng, rau răm và một số gia vị khác nhưng không thể thiếu mắm ruốc. Tùy vào mỗi hàng quán mà món này sẽ có thêm các nguyên liệu khác nhau như bắp cải thái chỉ sợi, bơ.
Bí quyết để làm nên một cuốn bánh đẹp mắt, dễ ăn nằm ở khâu nướng – cuộn bánh. Bánh tráng không quá dày mà cũng không quá mỏng để dễ cuộn hơn khi nướng và không bị vỡ vụn lúc thưởng thức. Lúc nướng phải canh lửa thật kỹ sao cho bánh tráng vừa chín tới thì cuộn lại. Cuộn quá sớm bánh tráng không giòn, còn quá muộn bánh thường bị vỡ. Bên cạnh đó, phải cuốn đều tay để cuốn bánh tròn và giữ chặt nhân bánh, tránh bị rơi ra ngoài khi ăn.
Hương vị đầu tiên khi nếm thử món ăn dân dã này là sự pha trộn giữa cái ấm nóng của bánh vừa nướng, âm thanh giòn giòn vỡ vụn của bánh. Rồi sự mềm mại của trứng, chả lụa và sần sật của nem khi ngập vào răng. Hương vị mằn mặn ngòn ngọt của mắm ruốc lẫn trong vị béo của mỡ hành và cay cay của tương ớt chạm vào lưỡi.
3. Bánh hỏi lòng heo
Bánh hỏi lòng heo có thể dùng cho cả ngày, nhưng thích hợp nhất vẫn là bữa sáng, vì vừa giàu năng lượng vừa thanh cảnh. Để có được mẻ bánh hỏi vừa ý, sau khi chọn được loại gạo phù hợp, người làm bánh sẽ ngâm qua đêm, xả đi xả lại thật sạch. Sau đó là nhiều công đoạn tỉ mỉ khác trước khi cho ra đời những sợi bánh trắng tinh, ráo hoảnh nhưng mềm mượt, tan trong miệng.
Với lòng heo, chủ quán thường đến lò mổ từ tinh mơ, chọn về những mẻ lòng non, ngon nhất. Lòng sau đó được sơ chế kĩ lưỡng, hấp trong nồi với gừng, riềng cho vừa chín, giòn sừn sựt, ngọt lừ và phục vụ nóng hổi cho mỗi lượt khách. Một đĩa lòng đầy đủ dù lớn hay nhỏ đều có: tim, gan, cật, phèo non, thịt ba chỉ và dồi nướng.
Ăn kèm bánh hỏi lòng heo còn có bánh tráng mỏng và rau sống. Để bánh dẻo dai, người bán thường cẩn thận lau sạch từng cái, cắt miếng tam giác, phơi sương hoặc ủ lá chuối. Rau sống ăn kèm thường là húng lũi, xà lách, tía tô, quế, ớt xanh… được lấy từ nguồn địa phương, nhỏ nhưng thơm thanh.
Khi mà mâm bánh hỏi mềm mại, trắng nõn; đĩa lòng heo nóng hổi thơm lừng; rổ rau sống trồng trên cát biển xanh mướt được dọn ra, món ăn vẫn chưa thể hoàn hảo nếu thiếu bát nước chấm đỏ au, quyến rũ được nấu tương tự như nước chấm của món bánh xèo, bánh căn địa phương. Nước chấm ăn bánh hỏi lòng heo nhất thiết phải được nấu từ nước mắm ngon. Người Phan Thiết thường luộc cà chua, ớt sừng, xay nhuyễn để lấy màu đỏ tươi tự nhiên. Tiếp đến nước mắm sẽ được nấu loãng với đường, nước và hỗn hợp bên trên. Để thêm vị chua thanh, nhiều nơi còn chắt thêm ít me vắt hoặc cho thêm tép chanh mọng nước vào sau cùng. Vì là nước mắm nấu nên tô nước chấm ăn kèm lúc nào cũng nóng hổi, đậm đà.
Một thành phần nhỏ, nhưng không thể thiếu cho món này chính là tóp mỡ gion giòn được làm từ bánh mì sấy khô, mỡ heo và hành lá. Vậy nên, không ngoa khi nói bánh hỏi lòng heo là sự kết hợp tuyệt vời của cả hương vị lẫn sắc màu.
4. Bánh quai vạc
Bánh quai vạc là món ăn đặc sản Phan Thiết mà bất cứ tín đồ ẩm thực nào cũng muốn thưởng thức. Thoạt đầu du khách có thể nhầm lẫn món ăn này với bánh bột lọc, thế nhưng hai món ăn này khác nhau.
Bánh quai vạc có hình dáng nhỏ hơn so với bánh bột lọc. Bánh được chế biến từ nhiều nguyên liệu và hương vị khác nhau. Vỏ bánh được làm từ bột lọc, nhân bánh là tôm được xào chín và luộc trần chứ không gói vào lá như bánh bột lọc truyền thống. Bánh nấu chín được ăn kèm với mỡ hành, nước mắm pha hoặc ăn với nem, chả. Hương vị hòa quyện thơm ngon giữa nhiều loại nguyên liệu, gia vị làm nên sức hấp dẫn khó chối từ của đặc sản bánh quai vạc.
5. Bánh xèo
Bánh xèo là món ăn được nhiều khách du lịch yêu thích khi đến Phan Thiết. Bánh xèo ở đây chỉ nhỏ như bàn tay nhưng lại có hương vị thơm ngon khiến nhiều người say mê. Món bánh xèo tại Phan Thiết được làm theo cách làm bánh của người miền Trung nhưng vẫn có nét riêng độc đáo của mình.
Ngoài loại nhân bánh xèo tôm thịt ra thì bánh xèo ở Phan Thiết còn có nhân thịt vịt. Phần thịt vịt được băm nhuyễn ra sau đó được xào sơ trước khi cho vào bánh. Và cách ăn bánh xèo ở đây cũng rất thú vị mà chắc chắn du khách sẽ phải ngạc nhiên. Không cuốn bánh và rau lại với nhau, bánh xèo ở đây được ăn trong một tô cùng nước chấm và rau sống.
Nước chấm trong món bánh xèo Phan Thiết tuy không có gì nổi trội so với nước chấm trong món bánh xèo của các vùng miền khác, song cái vị đậm đà của cà và nước cốt me cùng chút bùi của đậu phụng rang giã nhuyễn, đã biến món bánh xèo giản dị trở thành như một món ăn rất tinh tế nào đó chứ không phải một món bánh ăn chơi bình thường.
6. Bánh căn
Có vẻ ngoài giống bánh khọt ở các tỉnh miền Nam nhưng bánh căn Phan Thiết vẫn có rất nhiều điểm khác biệt. Bánh cũng được làm từ bột gạo rồi được đổ vào trong khuôn như bánh khọt bình thường. Tuy nhiên bánh căn ở đây khác ở chỗ bánh được đổ vào khuôn đất và không tráng mỡ vào khuôn. Do vậy bánh căn là bột “nướng” khác với bột “chiên” quen thuộc của bánh khọt. Khi bánh chín sẽ được nạy ra, sau đó úp 2 cái lại vào nhau, ở giữa là hành lá thái nhỏ vô cùng bắt mắt.
Nguyên liệu để làm bánh căn là gạo tẻ ngâm nước, sau đó đem xay thành bột loãng giống như bột đổ bánh xèo hay bánh xèo. Một bí quyết ở đây đó là trước khi đổ bánh, người làm bánh thường bỏ một ít lá hẹ hay lá hành thái nhỏ để bánh có mùi thơm hơn. Mỗi lần đổ bột vào khuôn, người đổ bánh thường dùng một cây que đầu có quấn bông. Sau đó nhúng vào dầu phụng hay mỡ heo thoa lên mặt khuôn. Làm như vậy thì khi róc bánh chín ra khỏi khuôn sẽ dễ dàng hơn.
Người ta thường bảo nên thưởng thức bánh khi bánh còn nóng, như vậy mới ngon. Tuy nhiên, ăn bánh căn ngon nhiều hay ít cũng phụ thuộc nhiều vào nước chan. Thông thường, bánh được dọn ra cùng với nước mắm tỏi ớt pha loãng. Khi dùng sẽ lấy nguyên bánh chấm vào nước mắm. Tuy nhiên, đặc biệt ở đây, bánh căn Phan Thiết còn hay được ăn kèm với nước cá kho. Ngoài ra còn một số món ăn kèm khác như xíu mại, trứng cút, da heo và xoài sống.
Kể đến đây không thể nào quên được hương vị của bánh căn ăn cùng nước cá kho. Ở mỗi quán mỗi khác, món cá kho không cố định loại cá chế biến. Tùy vào cá tươi đánh bắt mỗi ngày mà người bán có thể chọn để kho, nhưng thường là cá nục và cá ngân. Những món cá kho có hương vị rất dễ ăn. Cá rất mềm, ăn kèm bánh căn nóng giòn quả là một trải nghiệm thú vị.
Bánh căn Phan Thiết còn có thể ăn kèm với rau sống, khế lát, chuối xanh thái mỏng, dưa chuột, rau răm, rau húng, giá chần, xà lách,… Trời mưa, ngồi nhâm nhi một bát bánh căn với khế bầm cùng với nước mắm “giã” thì quả là ngon tuyệt.
7. Bún Bò
Nếu nói đến món bún bò thì hẳn du khách sẽ nghĩ ngay đến món bún bò Huế, nhưng liệu du khách có biết Phan Thiết cũng có món bún bò rất riêng của mình. Với mùi vị hoàn toàn khác lạ, đặc biệt là sợi bún nhỏ chứ không lớn như bún bò Huế.
Ngoài cọng bún nhỏ hơn hẳn cọng bún bò Huế truyền thống, trong hỗn hợp nước lèo món bún bò Phan Thiết không có mắm ruốc và cũng không có bất kỳ loại chả nào. Bù lại, khi nấu nước lèo, người ta thường cho một thứ gọi là cari bò để tạo hương vị và sau khi bún cùng nước lèo được múc ra tô, người ta lại rắc thêm lên phía trên ít đâu phộng rang, góp thêm phần giòn bùi, thơm béo cho tô bún.
Điều đặc biệt để tạo nên hương vị món bún bò chính là bí quyết ướp thịt bò. Loại gia vị, liều lượng và thời gian ướp sẽ tạo nên một món ăn thơm ngon với miếng thịt bò béo, nồng và mềm vừa phải khi ăn. Cùng với những nguyên liệu ăn kèm như giá, bắp chuối, cọng rau muống bào, rau thơm và nặn thêm tí chanh để tạo mùi thơm kích thích vị giác nâng thêm sự độc đáo và ngon miệng cho mọi đối tượng khách.
8. Mì Quảng
Nằm trong danh sách món ăn ngon Phan Thiết nhất định phải thưởng thức chắc chắn sẽ không thể không nhắc đến món Mì Quảng ngon không kém cạnh ở Quảng Nam!
Từ sợi mì cho đến mùi vị, giò heo, thịt vịt và đặc biệt là nước dùng đều hoàn toàn khác biệt. Cái hương vị cay cay, vị ngòn ngọt beo béo của Mì Quảng càng thơm ngon hơn nếu nấu với thịt vịt (thay vì thịt heo). Miếng thịt vịt mềm, thơm béo và đậm đà hương vị đặc trưng của món Mì Quảng.
Mì Quảng vịt thường được ăn kèm với rau thơm, giá trụng, đậu phộng, tương ớt… Tất cả trên một bát mì với từng sợi mì vàng bóng hấp dẫn, vừa tạo thêm màu sắc vừa làm cho món ăn thêm tròn vị.
Một tô Mì Quảng vịt vừa nóng, vừa thơm nồng, cắn miếng thịt mềm với vị béo vừa phải cùng với cay của ớt, béo của đậu phộng, thơm của rau, bùi của hủ tíu mì sẽ là một món ăn để lại nhiều xúc cảm vị giác cho thực khách.
Vào những dịp cuối tuần hay lễ tết, món Mì Quảng vịt sẽ được nêm mặn một chút để phục vụ số đông khách du lịch khắp nơi, còn với người địa phương sẽ là món Mì Quảng vịt có vị hơi ngọt.
9. Bánh canh chả cá
Bánh canh chả cá là một trong những đặc sản dân dã du khách nên ăn thử khi đến Phan Thiết. Nguyên liệu cá tươi được đánh bắt từ chính vùng biển nơi đây là yếu tố tạo nên sức hút của món ăn. Người nấu sử dụng thịt cá để làm chả, xương cá để nấu nước dùng và mắm cá để nêm. Cá thu ảo, cá chai, cá rựa, cá mối, cá bóp, cá cam là các loài phổ biến dùng để chế biến.
Chả cá được nghiền, quết thật nhuyễn từ thịt cá sống lóc xương, thêm vài miếng mỡ heo cắt hạt lựu rồi trộn gia vị theo công thức riêng mỗi quán, sau đó nặn thành miếng dẹt to bằng khum bàn tay. Chả hấp khi gần chín sẽ được quết một lớp lòng đỏ trứng gà lên mặt trên để tạo độ ngậy và màu sắc bắt mắt. Chả chiên được đảo trong chảo ngập dầu với lửa vừa phải, ra lò có màu vàng ruộm.
Món bánh canh chả cá Phan Thiết có nước trong, ít váng mỡ, mang vị ngọt thanh, chủ yếu được chiết xuất từ xương cá hầm. Xương heo và da heo tạo độ béo, nhưng không làm đục nồi nước xương cá. Ngoài ra, một số nơi còn thả nấu chung nấm rơm, củ cải trắng để tăng vị ngọt và mùi thơm tự nhiên.
Đặc biệt, các quán bánh canh Phan Thiết thường bán ba loại sợi, đều làm từ bột gạo. Một loại giống sợi bún nhưng to dài, màu trắng đục và có độ bở xốp hơn, thông thường chủ quán sẽ phục vụ loại sợi này. Hai loại còn lại ngắn và to hơn, là sợi bột lọc tròn lẳn màu trắng trong có độ dai và sợi bột xắt có bản dẹt, dẻo hơn.
Gia vị của món ăn khá đa dạng, bao gồm nước mắm ớt loại mặn hoặc pha ngọt, tiêu, chanh, hành ngò tươi, hành khô. Theo cách ăn của người địa phương, thực khách nên dùng bánh canh khi còn nóng hổi, rồi gọi thêm ổ bánh mì xé nhỏ nhúng nước dùng ăn kèm.
10. Bún cá ngừ
Với nguồn hải đặc sản phong phú và bồ dưỡng, người Phan Thiết không chỉ chế biến nên những món ăn thơm ngon với hương vị rất riêng mà còn rất gần, gũi mộc mạc trong tên gọi như tính cách đôn hậu của miền biển. Và bún cá ngừ kho là một món ăn như thế.
Theo một số tài liệu ẩm thực, món bún cá ngừ kho có xuất xứ từ các tỉnh miền Trung theo chân người “ngũ Quảng” đến lập nghiệp tại Phan Thiết hơn 100 năm qua. Dần dà, theo thời gian món ăn này cũng được nêm nếm lại cho hợp khẩu vị hơn khi “người Phan Thiết” thích nghi dần với mảnh đất nắng nhiều, mưa ít.
Về cơ bản, cách chế biến cá ngừ kho rất đơn giản. Cá ngừ tươi mua ở chợ về làm sạch, cắt từng lát dày khoảng 2,5cm, ngâm nước muối, rửa sạch, cho vào rổ để ráo nước rồi ướp đều gia vị ở hai mặt lát cá (muối, bột ngọt). Khi những lát cá vừa thấm thì dùng dầu chiên sơ rồi cho vào nồi nước đã có gia vị (cà, hành, tỏi, ớt giã nhuyễn, ớt nguyên trái, nước mắm, bột ngọt, nước dừa …) sao cho vừa xăm xắp mặt lát cá. Vặn lửa to, cho nước trong nồi sôi bung lên rồi vớt bọt, hạ lửa dần để cá thấm cho đến khi cá chín thơm lừng Vậy là đã có món cá ngừ kho đậm đà hương vị miền biển. Cá ngừ kho thường là món ăn với cơm của đại bộ phận người Phan Thiết. Nhưng nếu ăn với bún tươi kiểu Phan Thiết lại là một món ăn rất lạ miệng và hợp khẩu vị nhiều người.
11. Chả lụi
Chả lụi là món ăn đặc sản Phan Thiết có xuất xứ tại Hàm Tân. Đây là một trong những món ăn vặt ngon, hấp dẫn hàng đầu Phan Thiết. Món ăn này khá giống với món nem chả lụi bởi được ăn kèm với rau thơm xoài xanh và bánh tráng. Sự kết hợp của các loại nguyên liệu làm nên hương vị ngon, độc đáo, kích thích vị giác khiến món ăn này trở thành món khoái khẩu của người dân Phan Thiết và cả khách du lịch gần xa.
12. Chả cuốn cá trích
Nếu là một người yêu thích ẩm thực của Phan Thiết thì bạn không thể bỏ qua món chả cuốn cá trích. Món ăn ngon này rất đặc biệt và chỉ có ở mỗi Phan Thiết. Cá trích và củ sắn được cuốn trong một loại bánh tráng đặc biệt của Phan Thiết tạo nên một cuốn chả đặc biệt. Khi thưởng thức chả cuốn cá trích được dọn kèm rau sống, nem, trứng luộc, chả và được chấm cùng nước chấm đậu phộng.
Cách ăn món chả cuốn cá trích này khá đơn giản. Du khách sẽ cuộn cuốn chả cá trích và các nguyên liệu được dọn kèm lại với nhau trong một miếng bánh tráng và chấm với nước chấm đậu phộng. Độ ngon của món ăn này rất khó cưỡng lại. Đây là món ăn được nhiều khách du lịch yêu thích nhất khi đến Phan Thiết hiện nay.
13. Nem nướng
Nem nướng Nha Trang, nem nướng Đà Lạt đã vô cùng nổi tiếng. Nhưng ít ai biết rằng, ở thành phố Phan Thiết cũng có món nem nướng rất nổi tiếng. Không biết món ăn này xuất hiện từ nơi đâu và có từ khi nào nhưng giờ đây nó đã trở thành món ăn được cả người dân địa phương và khách du lịch gần xa rất yêu thích.
Nem nướng Phan Thiết được làm từ thịt heo tươi vừa xẻ, xay mịn rồi ướp thêm gia vị. Chúng xiên thành que rồi nướng trên bếp than hồng. Chờ cho tới khi xiên nem nướng có màu vàng rụm là có thể ăn được. Cái mùi thơm hấp dẫn của thịt nướng lan tỏa khắp không gian, khiến ai cũng có khó thể cầm lòng trước món ăn này.
14. Lẩu cá bớp
Lẩu cá bớp được xem là món ngon Phan Thiết danh bất hư truyền. Nước lẩu đậm đà đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Thịt cá tươi vừa dai vừa thơm, gọi thêm trứng cá và bao tử cá, thêm tóp mỡ béo giòn, ngổ và vài lát ớt là ngon xuất sắc. Ngoài ra, bún và rổ rau to bự có rau đắng, bắp chuối, rau muống bào, giá đỗ nhúng nhúng ăn không biết chán là gì. Đừng quên chén mắm ớt chuẩn bị biển cho đúng điệu Phan Thiết.
15. Lẩu thả
Lẩu thả là món ăn nổi tiếng được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích. Nếu du khách không biết ăn gì ở Phan Thiết thì đây chính là câu trả lời dành cho du khách. Để làm lẩu thả thì có thể chọn nhiều loài cá khác nhau nhưng ngon nhất là sử dụng cá mai. Các nguyên liệu của món lẩu này cũng khá dễ tìm nên giá thành của món lẩu này cũng ở mức bình dân. Lẩu thả cũng là món lẩu có cách bày trí đẹp và nghệ thuật nhất trong các món ngon Phan Thiết.
16. Chang Chang nấu khế
Chang chang là loài nhuyễn thể sống trong môi trường nước ngọt vùi mình trong sình bùn ven sông hoặc dưới đáy sông. Loại sò này sống nhiều ở Phan Thiết – Bình Thuận, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, chúng có quanh năm nhưng nhiều nhất là sau Tết Âm lịch, rồi rộ lên từ cuối tháng 3. Nói rộ nhưng số lượng chang chang không nhiều, muốn ăn phải dặn trước người đi mò chừng mấy ngày trước đó.
Vào những ngày hè oi bức, các bà nội trợ vẫn thường tìm mua chang chang về nấu món canh với khế. Canh chang chang có tác dụng giải nhiệt cơ thể, tốt cho sức khỏe. Với món canh dân dã này cũng đủ làm xao lòng những thực khách phương xa.
17. Gỏi cá mai
Cá mai được xem là đặc sản ở các tỉnh miền Trung nói chung và Phan Thiết nói riêng. Loại cá này rất giống cá cơm, xuất hiện trong bữa cơm thường ngày của người dân với các món như canh, kho tiêu, kho đường hay chiên giòn… Vì cá mai có thịt trong, thơm, dai, giòn và không máu nên không tanh, rất phù hợp để chế biến thành các món ăn chơi thơm ngon như món lẩu thả và đặc biệt là món gỏi cá mai thanh mát.
Gỏi cá mai được chế biến khá cầu kỳ. Những con cá mai tươi ngon sẽ được làm sạch bằng cách đánh vảy, bỏ đầu đuôi, rồi rút hết phần xương. Trước khi chế biến thành món gỏi, thịt cá thường được ngâm nước cốt chanh hoặc giấm cho chín tái. Để món gỏi thêm thơm ngon, du khách có thể dùng gừng sau khi làm sạch thái chỉ, hành tây thì thái theo khoanh mỏng, húng lủi, rau răm thái nhỏ trộn chung với cá mai và rưới thêm một ít nước mắm tỏi ớt cho thêm đậm đà gia vị.
Điều khác biệt trong món gỏi cá mai các vùng miền có lẽ là ở nước chấm bởi nó mang đến hương vị rất đặc trưng không nhầm lẫn. Nước chấm của món gỏi cá mai Phan Thiết được nấu từ nước me chua kết hợp với đường cho có độ sệt đặc để cho ra vị chua ngọt thanh, sau đó rắc lên một ít mè cho món nước chấm thêm đẹp mắt và mùi thơm đặc trưng.
Bày cá lên đĩa, rắc ít mè và đậu phộng rang lên trên. Với món ăn này, du khách có thể cuốn với bánh tráng, các loại rau sống hoặc ăn kèm với bánh tráng nướng đều thích hợp và ngon miệng. Miếng bánh tráng cuộn bên trong là cá còn tươi, vị ngọt, dai, thêm ít lạc rang giòn bùi, rau sống thanh mát, cùng cùng nước chấm mắm mẹ chua ngọt cay đậm đà… khiến du khách không thể quên hương vị vốn có của món khi một lần thử qua.
18. Cá lồi xối mỡ
Cá lồi xối mỡ là đặc sản Phan Thiết được nhiều người yêu thích. Cá lồi sau khi được làm sạch cho hết nhờn thì sẽ được sơ chế sau đó cắt thành từng lát. Cá sẽ được hấp cách thuỷ để chín và có được độ ngọt, sau đó cá sẽ được xối mỡ hành lên. Món cá lồi xối mỡ này ngon nhất là khi được ăn lúc nóng. Du khách có thể thưởng thức món cá này cùng với rau sống, bánh tráng và nước mắm.
19. Cá nục kho
Cá nục là một trong những món ăn bình dân nhưng rất thơm ngon và nhiều dinh dưỡng. Thịt cá nục chắc và ngọt nên chế biến được nhiều món ngon như kho, nướng, chiên, hấp, nấu chua, nấu sốt, trong đó đậm đà hương vị miền biển nhất là món cá nục kho theo bí quyết của người Phan Thiết.
Với món cá nục kho, người Phan Thiết thường kho theo kiểu “cá nục kho tỏi ớt” cùng một điểm rất khác biệt trong chế biến là bẻ đầu nhét vào bụng cá, vừa tạo cho con cá nục kho căng tròn hấp dẫn vừa làm cho miếng cá (nhất là những người thích ăn đầu) thêm thơm ngon khi thấm đều gia vị.
20. Các món về Dông
Dông là loài bò sát sống chủ yếu ở khu vực các đồi cát. Chúng ăn các chồi non của cây cỏ và uống các hạt sương nên khá sạch sẽ. Thoạt nhìn dông sẽ khá giống với tắc kè nhưng lại có kích thước to hơn một chút. Thịt của dông khi ăn sẽ khá giống với thịt gà và có vị ngọi, bùi, da thì có độ giòn. Đến Phan Thiết, du khách có thể thưởng thức các món ngon được làm từ dông như: dông nướng muối ớt, gỏi dông, dông chiên…
21. Măng le cuốn bánh tráng
Măng le với vị đặc trưng giòn ngọt, không đắng chát là loại rau rừng “khoái khẩu” của nhiều người. Mùa măng le thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, rộ nhất là tháng 7 âm lịch vì đây thời gian cao điểm mùa mưa. Măng le ngon nhất là loại mới chỉ mọc nhú dưới đám lá khô hay trong các hốc đá. Do các bụi le có tán thấp và rậm rạp nên người đào măng phải luồn, lách vào bụi le, dùng dao đào lớp đất chung quanh cho đến lúc có thể lấy tay bẻ măng.
Món măng cuốn bánh tráng thì phải dùng măng khô mới thích hợp. Măng khô có độ dai hơn măng tươi sẽ làm món măng cuốn bánh tráng ngon hơn gấp nhiều lần. Bỏ măng khô vào luộc sơ qua, sau đó xé măng thành từng sợi nhỏ, luộc đi luộc lại nhiều lần. Sau mỗi lần luộc, đổ nước và ngâm chừng vài tiếng trong nước lã rồi tiếp tục luộc lại, ngâm càng nhiều thì miếng măng càng trắng vàng rất đẹp mắt. Khi nào nếm thử thấy măng không còn vị đắng là đạt yêu cầu, vì khi ninh nhừ với thịt, thịt có thể mềm nhưng măng rừng vẫn giữ nguyên sợi dai mềm, giòn.
22. Sữa chua dẻo
Nếu du khách là tín đồ của những món ăn với hương vị ngọt ngào, tốt cho sức khỏe thì sữa chua dẻo chắc chắn sẽ đem đến cho bạn trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời tại thành phố biển Phan Thiết xinh đẹp. Khác với các loại sữa chua đóng hộp thông thường mà chúng ta ăn, sữa chua dẻo Phan Thiết được sắt thành miếng và phủ những hương vị lên trên. Nếu không biết du khách có thể nhầm rằng đây là một món bánh nào đó.
Sữa chua dẻo có hương vị thơm ngon lại rất tốt cho sức khỏe, dễ ăn nên vào buổi tối, một ly sữa chua dẻo sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho chiếc dạ dày của du khách tiêu hóa các món ăn nhiều đạm và tinh bột dễ dàng hơn và một giấc ngủ ngon hơn trong chuyến đi Phan Thiết của mình! Món ăn này cũng rất rẻ nên đây xứng đáng là món ăn nên thử mang đến trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn cho những tín đồ ăn vặt đấy!
23. Bánh rế
Bánh rế là loại bánh được làm từ khoai lang với nước đường. Khoai lang sẽ được thái ra thành từng sợi và đổ nước đường lên trong giống như một chiếc rế. Loại bánh này có vị ngọt của đường và vị bùi bùi của khoai. Tuỳ vào loại khoai được dùng làm bánh mà bánh rế có màu tím hoặc màu vàng.
Món bánh rế được bán ở khá nhiều nơi ở Phan Thiết, du khách có tìm mua và thưởng thức món bánh này ở những trạm ngừng chân khi đến Phan Thiết.
24. Bánh hòn
Bánh hòn được làm từ bột năng có màu trắng và mịn. Sau khi bột được nhào kỹ vo thành những viên tròn như hòn bi có hạt đậu phộng ở giữa, đem hấp cho đến khi chuyển sang màu trong, thì vớt ra rổ cho ráo nước. Kế tiếp là rắc dừa non bào thành sợi cùng với mè rang trộn đường. Vậy là có món bánh hòn thật hấp dẫn. Miếng bột dai dai, trộn lẫn vị bùi bùi của đậu phộng. Cứ cho từng viên nhỏ xíu vào miệng, và tận hưởng hương vị lan tỏa trên đầu lưỡi.
Mỗi món ngon Phan Thiết đều mang những đặc trưng riêng của vùng đất này. Chúng đều có điểm chung đó là tình cảm nồng hậu của người dân nơi đây. Những mỗi món ăn cũng mang trong mình những câu chuyện riêng của chúng. Airbooking hi vọng những thông tin này sẽ giúp chuyến đi sắp tới của du khách tới Phan Thiết thêm phần trọn vẹn!
0 Comment