Bình Dương không có quá nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và nổi tiếng như các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, ở đây vẫn có những điểm đến vô cùng rất thú vị, hấp dẫn và mang dấu ấn riêng của mình. 

Công viên thành phố mới Bình Dương

Nằm tại phường Phú Mỹ, trong khuôn viên xây dựng của thành phố mới thay thế cho thành phố Thủ Dầu Một trở thành trung tâm của tỉnh Bình Dương, Công viên thành phố mới Bình Dương được xây dựng theo tiêu chuẩn Singapore không chỉ là lá phổi xanh của thành phố mà còn là địa điểm giải trí, dã ngoại với nhiều khung cảnh đẹp được đông đảo mọi người yêu thích.

Công viên được tiến hành xây dựng từ năm 2009, là nơi hòa quyện tất cả những gì đẹp nhất của thiên nhiên: những hàng cây xanh mát đầy sức sống trải dài theo những con đường đi bộ trong công viên, hồ nước tự nhiên trong xanh ngay trong trung tâm được bao bọc bởi những thảm cỏ xanh mướt ngay phía trên bờ hồ. Tất cả trải dài trên một diện tích 75 hecta làm cho không khí tại đây và thành phố mới luôn trong lành, thơm mát.

Tất cả những gì đẹp nhất được thiên nhiên ưu ái ban tặng đã được chủ đầu tư kết nối một cách nhịp nhàng với các khuôn viên lớn nhỏ khác nhau bằng một hạ tầng cao cấp và hiện đại và tinh tế bậc nhất Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là công viên nhạc nước với thiết kế độc đáo hứa hẹn nhiều điều thú vị. Đến đây vào buổi sớm bình minh cảnh sắc tinh khôi, bình yên sẽ hớp hồn du khách; còn nếu du khách ghé thăm nơi đây vào khoảng chiều tối, khi phố xá đã lên đèn thì sẽ được chứng kiến những màn biểu diễn nhạc nước mãn nhãn.

Công viên thành phố mới Bình Dương là sự tổng hòa của nét đẹp của cảnh sắc thiên nhiên yên bình, khoáng đạt với sự đẳng cấp, hiện đại của một hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây chính là điểm khiến cho công viên trở thành điểm nhấn của thành phố mới tại tỉnh Bình Dương – một thành phố hiện đại, trong xanh và bình yên.

Khu Du lịch Đại Nam

Khu Du lịch Đại Nam còn có tên là “Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến” được biết đến bởi những cảnh đẹp mê hồn và những công trình vĩ đại hiện tọa lạc tại TP Thủ Dầu Một. Khu du lịch này được khởi công xây dựng vào năm 1999 và đến năm 2008 thì chính thức mở cửa khai trương đón khách. Đây là khu du lịch ghi nhận rất nhiều kỷ lục như: khu du lịch có diện tích lớn nhất Đông Nam Á, bức trường thành dài nhất, sở hữu đền thờ lớn nhất, núi nhân tạo dài nhất, biển nhân tạo lớn nhất, vườn thú thiết kế mở đầu tiên tại Việt Nam.

Khu Du lịch Đại Nam có 5 khu vực chính bao gồm: trường đua, đền thờ, vườn bách thú, biển nhân tạo, khu vui chơi giải trí. Khu vực trường đua là một công trình phức hợp đầu tiên ở mảng thể thao tại Việt Nam với sự kết hợp của 5 loại hình: đua ngựa, đua mô tô, go-kart, jet-ski và biểu diễn fly-board. Một điểm nổi bật khác của khu du lịch Đại Nam là đền Đại Nam rộng 9 ha và có cửa chính hướng về Hoa viên Quan Thế Âm Bồ Tát. Đây cũng là nơi diễn ra các lễ hội tầm cỡ quốc gia, tiêu biểu phải kể đến lễ chào mừng Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc cùng các màn trình diễn đặc sắc vào các dịp đại lễ. Ngoài đền Đại Nam, khu du lịch này còn sở hữu vườn bách thú với chủng loại đa dạng các loài vật quý hiếm như: sư tử trắng, hổ trắng, công trắng, bạch xà, tê giác, ngựa vằn, kangaroo, rùa da báo, hươu cao cổ, hà mã, chim chóc, bò sát và cá cảnh… thậm chí còn có cả các loài vật đang có nguy cơ tuyệt chủng như: hổ Đông Dương, Nai Cà-Tông, Linh Dương sừng xoắn… Khu du lịch Đại Nam cũng sở hữu một bãi biển nhân tạo thực sự ấn tượng, thu hút đông đảo các gia đình đưa con trẻ đến đây vui chơi, hòa mình vào làn nước trong xanh vào những dịp lễ hay ngày cuối tuần. Ngoài khu vực biển còn có các lâu đài được nước biển bao quanh cùng các đảo nhỏ và hệ thống tạo sóng mang lại cảm giác chân thật nhất cho du khách như ở biển tự nhiên. Và đặc biệt, khu du lịch Đại Nam nổi tiếng với khu vui chơi giải trí với hơn 40 trò chơi ở nhiều cấp độ khác nhau để đáp ứng nhu cầu vui chơi của mọi đối tượng, mọi độ tuổi. Diện tích rộng lớn của khu vực trò chơi cùng với số lượng đa dạng của các loại hình trò chơi nơi đây hứa hẹn sẽ mang lại cho bạn những giây phút nghỉ ngơi tuyệt vời nhất tại đây.

Công viên nước Thanh Lễ

Với diện tích hơn 14,2 hecta cùng nhiều khung cảnh rộng lớn, Công viên nước Thanh Lễ xứng đáng là địa điểm giải trí cho mọi gia đình.

Nơi đây được ví như là lá phổi xanh của thành phố Thủ Dầu Một bởi nơi đây được xây dựng theo phong cách gần gũi với thiên nhiên. Những cảnh trí đều được bố trí đẹp với hệ thống cây cỏ thụ, thảm cỏ, hoa tươi bắt mắt. Tới đây, du khách sẽ được hòa mình vào với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Hơn nữa, với nhiều cỏ cây hoa lá, du khách cũng có được những background cực tươi tắn.

Được thiết kế với lối kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, trên toàn thể diện tích Công viên nước Thanh Lễ Bình Dương có đến hơn 500 cây xanh lâu năm cùng với hơn 6.000m2 hoa kiểng. Du khách tới đây như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh vậy. Ngoài ra, tại công viên còn có không gian sinh hoạt chung với nhà ăn xã hội, bãi gửi xe, hồ bơi, nhà hàng tiệc cưới, sân bãi rộng 5.000m2,… Không chỉ vui chơi, nhiều người còn chọn đây làm địa điểm tổ chức hoạt động ngoại khá hấp dẫn.

Ở khu vực trẻ em có hồ bơi riêng cho các bé. Tới đây, các bé có thể thoải mái vui đùa cùng các trò chơi như máng trượt, tàu chạy hơi nước,… Bên cạnh đó còn có các mô hình rùa, cá sâu phun nước, nấm,… bắt mắt nữa. Đối với người lớn, có thể thỏa thích vui chơi các hoạt động hấp dẫn như máng trượt độ cao 6m, 9m; máng trượt xoắn kín, xoắn hở,… Nhiều trò chơi cảm giác mạnh khác như sóng ngắn, song kéo, sóng đơn, sóng đan xen hay sóng cao 0,9m,… Vui chơi thỏa thích, du khách sẽ được nghỉ ngơi bên dòng sông lười mát mẻ.

Bên cạnh đó, Công viên nước Thanh Lễ còn có nhiều dịch vụ cao cấp. Du khách có thể trải nghiệm sân golf đẳng cấp, khu vui chơi trong nhà, nhà thi đấu đa năng, nhà hát,…

Khu Du lịch Thuỷ Châu

Với khoảng không rộng hơn 18 hecta, đến với Khu Du lịch Thủy Châu dù chỉ là phong cảnh nhân tạo nhưng với rừng cây, sông suối, thác nhân tạo sẽ giúp du khách tạm thời thoát khỏi không gian ồn ào, nhộn nhịp của thành phố và hòa mình vào một không gian thiên nhiên trong lành.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên du khách sẽ bị nơi đây mê hoặc. Khung cảnh hai bên lối vào rợp bóng những tán cây xanh ngút ngàn cứ thế uốn lượn theo cung đường dẫn lối đến thác nước nhân tạo lớn nhất tỉnh Bình Dương thì làm sao không yêu cho được. Thi thoảng khung cảnh từng tán lá khô rơi rụng neo mình xuống đất sẽ khiến du khách ngỡ ngàng đó, cảnh đẹp lãng mạn chẳng khác nào Hàn Quốc.

Du khách đến nơi đây, cái thú vui nhất là được tắm suối và vụng xung sóng. Nước suối là nước máy, trong quá trình tắm sẽ tiếp tục được lọc tuần hoàn bằng hệ thống lọc cao áp. Sau mỗi ngày nước được sát khuẩn bằng clorine Nhật Bản để đảm bảo an toàn vệ sinh cho người tắm. Ngoài ra, trong Khu Du lịch Thủy Châu còn có Hồ bơi công viên, với độ sâu chỉ 1,2m và công trình rộng trên 1.200m² du khách có thể thoả sức chơi đùa dưới những làn nước mát lạnh cũng như xả stress cực kỳ hiệu quả. Đồng thời, Khu Du lịch Thủy Châu cũng có cảnh viên sạch sẽ, rộng rãi, thoáng mát nên du khách có thể mang theo đồ ăn thức uống để tổ chức một buổi picnic ngoài trời, hay tổ chức tiệc sinh nhật cùng với gia đình hay bạn bè.

Khu Du lịch Suối Lồ Ồ

Khu Du lịch Suối Lồ Ồ hiện là khu du lịch sinh thái với cảnh quan thiên nhiên, núi rừng hoang sơ tuyệt đẹp, suối chảy róc rách tạo nên khung cảnh nên thơ giữa trời, cây và nước hòa quyện vào nhau mặc cho quá trình bê tông hóa đang diễn ra hàng giờ, trở thành điểm đến thu hút khá đông khách du lịch đến thăm và hứa hẹn là khu du lịch sinh thái lý tưởng trong một vài năm gần đây cho người dân Bình Dương và các tỉnh lân cận như TP.HCM, Đồng Nai,…

Khu Du lịch Suối Lồ Ồ từng là địa danh với cảnh quan thiên nhiên được các người mẫu, hoa hậu chọn làm ảnh nền để tôn vinh vẻ đẹp của mình, đồng thời là địa điểm du lịch với cảnh quan hoang sơ ngoạn mục tuyệt vời, điểm hẹn hò lý tưởng của các cặp đôi với rừng cây cổ thụ rợp bóng mát và nước suối trong lành, mát rượi.

Đối với các gia đình thì đây là điểm vui chơi lý tưởng sau những ngày dài lau động mệt mỏi muốn tìm một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi, thư giãn. Hay tổ chức các buổi dã ngoại, picnic. Còn gì thú vị hơn nữa!

Không dừng lại ở cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp yên ả của núi đồi, sông suối Khu Du lịch Suối Lồ Ồ còn có nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn như: hồ bơi, trung tâm văn hóa, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, phòng tập thể dục, spa… đầy đủ các tiện nghi, trở thành các địa điểm du lịch hấp dẫn, đầy tiềm năng. Hiện tại, nơi đây còn địa điểm phục vụ các hoạt động thể dục thể thao được rất nhiều bạn trẻ yêu thích.

Khu Du lịch Xanh Dìn Ký

Được thành lập từ năm 1995, tọa lạc tại ven sông Sài Gòn, trên đường quốc lộ 13, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An. Với khuôn viên rộng 3 ha, khu du lịch này tái hiện lại quang cảnh đồng quê yên bình gồm những vườn cây xanh mát tạo không gian thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên.

Khu du lịch bao gồm hệ thống nhà hàng ven sông, hồ bơi, khách sạn, phòng karaoke, khu vui chơi dành cho trẻ em,… với cảm hứng đến từ không gian xanh mát. Tất cả các chi tiết bài trí dù nhỏ nhất ở Dìn Ký Lái Thiêu – Cầu Ngang đều mang hơi thở của miền sông nước Nam Bộ, từ những đôi quang gánh đựng đầy trái cây chín mọng cho đến những chiếc cầu dừa, những con xuồng ba lá dập dềnh trên sóng nước hay đó là những rặng tre già, những hàng dừa đung đưa trước gió. Được đắm mình trong không gian thiên nhiên tuyệt vời đó dường như mọi sự mệt nhọc, lo toan về cuộc sống bộn bề ngoài kia đều được gột rửa sạch, chỉ còn lại những phút giây thư giãn, thoải mái bên bạn bè, gia đình.

Hơn nữa, khi đến với Khu Du lịch Xanh Dìn Ký, du khách sẽ được cung cấp các dịch vụ miễn phí như hồ bơi với diện tích 1000m2 và 500m2 dành cho trẻ em, võng, ghế bố, câu cá, khu vui chơi của trẻ em với nhiều trò chơi hấp dẫn, mới lạ,…

Làng Tre Phú An

Làng tre Phú An được khởi công xây dựng từ năm 2004 tại xã Phú An, huyện Bến Cát và đến năm 2008 bắt đầu được đưa vào phục vụ du lịch.

Làng tre Phú An không những là khu bảo tồn tre tự nhiên lớn nhất cũng như sớm nhất tại Việt Nam mà còn là địa điểm du lịch xanh lý tưởng cho những ngày cuối tuần. Nơi đây lưu giữ khoảng 1.500 bụi tre với nhiều giống loài khác nhau, hứa hẹn sẽ đem lại cho người yêu thiên nhiên nhiều điều lý thú.

Thiết kế Làng tre Phú An thoáng mát, tạo ra không gian mở để du khách có thể tham quan, trải nghiệm. Nơi đây được chia làm 2 khu riêng biệt: khu bảo tàng tre và khu nghiên cứu tre. Khu bảo tồn tre là khu vực du khách có thể tham quan, ngắm cảnh và tìm hiểu phương pháp trồng tre. Diện tích khu này lên đến 200 mẫu chuyên để trồng các giống tre đặc chủng. Ngoài ra, du khách cũng có thể mua các sản phẩm thủ công như quạt, mũ, giỏ tre về làm quà. Khác với khu bảo tồn tre, khu nghiên cứu tre là nơi dành riêng cho các nhà nghiên cứu, sinh viên tìm hiểu chuyên sâu về cách gây giống, trồng và chăm sóc tre thông qua những hình ảnh, thước phim tư liệu đắt giá. Khu này rất lý tưởng dành cho những người yêu khoa học, thích nghiên cứu hệ sinh thái tre,…

Làng tre Phú An không chỉ thu hút những người yêu khoa học đến tìm hiểu về nghiên cứu về hệ sinh thái tre xanh phong phú, đa dạng giống loài mà còn hấp dẫn được nhiều người yêu thiên nhiên, thích sự tĩnh lặng thanh bình. Bước vào khuôn viên Làng tre, du khách như lạc bước vào thế giới miền quê yên ả với những làn gió nhè nhẹ thổi mang theo cả mùi hương dìu dịu của cây cỏ cùng những tiếng chim hót líu lo… tất cả hợp lại tạo nên một bức tranh dung dị mà rất tình.

Đây cũng là một trong những địa điểm dã ngoại được đông đảo du khách yêu thích. Vào một ngày đầy nắng dạo bước dưới những hàng tre xanh rì rào trong gió hay ngồi dưới gốc cây cùng thưởng thức bữa trưa bên gia đình và người thân cũng thật tuyệt phải không?

Hồ Bình An

Hồ Bình An thuộc địa phận Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An. Đúng như tên gọi của nó, khung cảnh ở hồ rất bình yên, tĩnh lặng, phù hợp để nghỉ ngơi thư giãn. Du khách đến với Hồ Bình An sẽ cảm nhận được vẻ đẹp quyến rũ của nơi này bởi đây được bao phủ rất nhiều cây xanh, không khí thoáng đạt dưới bầu trời đầy nắng và gió.

Vẻ đẹp thơ mộng của Hồ Bình An chính là lý do mà nhiều người lựa chọn ghé thăm. Đi dọc theo con đường chạy quanh theo bờ hồ được bao phủ bơi 2 hàng cây xanh biếc, gió thổi vi vu cùng với tiếng chim hót líu lo tạo nên một cảm giác thật sảng khoái. Du khách tiến sâu vào hơn một chút nữa là khu trung tâm nhà hàng với rất nhiều món ăn tuyệt vời đang chờ đón du khách. Bên cạnh đó còn là nơi để tổ chức tiệc cưới, party, sinh nhật.

Men theo con đường nhỏ, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy những căn nhà Rông nổi bật với lối thiết kế mái nhà cao và đẹp mắt của người Tây Nguyên. Trong nhà có đầy đủ tiện nghi để du khách có thể nghỉ ngơi tại đây.

Hầu hết khách đến với Hồ Bình An thường theo đi theo nhóm hoặc đôi ba người. Quanh hồ có nhiều chỗ vừa đẹp vừa thuận tiện cho du khách tổ chức dã ngoại ngoài trời hoặc tổ chức các trò chơi thú vị. Một trong những hoạt động được nhiều người lựa chọn đó chính là câu cá. Có rất nhiều giải thưởng vô cùng hấp dẫn được đưa ra nên khu câu cá lúc nào cũng kín người và rất náo nhiệt.

Hồ Bình An về đêm lại khách hoàn toàn với ban ngày, bao chùm bởi một màu đen nhưng ở khu trung tâm lại rực sáng với ánh đèn nhiều màu. Đứng từ bờ bên kia, nhìn Hồ Bình An giống như một viên ngọc sáng lấp lánh giữa bầu trời đêm tuyệt đẹp.

Rừng cao su 

Khu rừng cao su tuyệt đẹp này nằm ở trên đường đến hồ Cần Nôm, thuộc địa phận xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Với vẻ đẹp lãng mạn như những thước phim Hàn, nơi đây là điểm đến hoàn hảo cho những kẻ thích mộng mơ.

Cứ vào khoảng cuối tháng 12 cho đến tháng 3, Bình Dương như được thay một lớp áo mới với sắc vàng rực rỡ của lá, đây cũng chính là mùa những cánh rừng cao su bạt ngàn đồng loạt chuyển sang màu vàng tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy mê hoặc. Vào thời khắc này, nó hiện lên với vẻ đẹp đầy mộng mơ chẳng thua kém gì với những khu rừng lá vàng ở Hàn Quốc hay lá đỏ ở Châu Âu vào mùa thu dịu nhẹ.

Khí hậu của Bình Dương cũng giống như những vùng khác ở Đông Nam Bộ đều được chia thành hai mùa rõ rệt, đó là mùa mưa và mùa khô. Đặc biệt, thêm một yếu tố quan trọng nữa là ở đây thuộc vùng đất đỏ bazan màu mỡ thích hợp để trồng những cây công nghiệp cao su. Vậy nên những cánh rừng cao su ở đây luôn phát triển tốt và cho ra sản phẩm có chất lượng cao hằng năm.

Đường đến cánh rừng này khá dễ tìm cũng khá dễ đi nên du khách cứ yên tâm di chuyển. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng sự trong lành, bình yên dưới bóng mát của những cánh rừng cao su bạt ngàn, đi bộ trong khí trời dịu nhẹ của mùa thu và cảm nhận sự an yên trong lòng. Nếu đến đây vào lúc chiều tà, du khách sẽ được ngắm những hàng cây cao su thẳng tắp được phủ đầy bởi sắc vàng của lá cây len lỏi trong từng ánh nắng đẹp đến ngỡ ngàng. Khung cảnh lãng mạn này thật sự là chốn bình yên để mọi người đưa nhau đi trốn sau những bộn bề của cuộc sống.

Vườn trái cây Lái Thiêu

Với diện tích rộng 1.200 hecta trải dài trên địa bàn 6 xã, phường ven sông Sài Gòn như Vĩnh phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn. Đây là vùng trồng cây ăn trái lâu đời với tuổi đời lên tới 200 năm tuổi. Những trái cây nổi tiếng và được đánh giá là ngon nhất vùng miền Đông Nam Bộ là sầu riêng, mít tố nữ, bòn bon. Nhưng nổi bật nhất ở đây là Măng cụt Lái Thiêu.

Du khách tới đây sẽ được tận mắt thấy những vòm cây trĩu quả, mắc võng nghỉ ngơi trong vườn và thưởng thức hương vị ngọt ngào từ đất mẹ. Ngoài ra, du khách yêu thích cảnh sông nước cũng có thể ghé Cầu Ngang đi du thuyền dạo chơi trên sông Sài Gòn đầy thú vị. Vừa ngắm nhìn cảnh vườn cây xanh mượt soi bóng nước lặng lờ, vừa tận hưởng trái cây tươi ngon còn điều gì tuyệt vời hơn.

Trong những năm trở lại đây, vườn trái cây Lái Thiêu đã được xem là một địa điểm dã ngoại lý tưởng dành cho các bạn trẻ. Bởi vì vào đầu từ tháng tư cũng chính là vào dịp nghỉ hè của các em học sinh. Thêm vào đó, vườn trái cây này còn nằm ở rất gần TP.HCM, chỉ cách nhau chừng 20km nên du khách có thể thoải mái đi lại trong ngày.

Chùa Châu Thới

Tọa lạc trên núi Châu Thới, thuộc địa phận xã Bình An, huyện Dĩ An, Chùa Châu Thới được mệnh danh là một thắng cảnh giữa một vùng đồng bằng rộng lớn. Với độ cao cách mặt nước biển 82m, ngôi chùa ẩn hiện sau rặng những hàng cây cối xanh rì, xung quanh có nhiều hồ nhân tạo tuyệt đẹp.

Theo một số tài liệu ghi chép cho biết, ngôi chùa này được xây dựng vào khoảng năm 1612, đầu thế kỷ 17. Tuy nhiên, lại có những tư liệu cho thấy ngôi chùa này được lập vào năm 1681. Nhưng cho dù được thành lập vào thời điểm nào thì Chùa Châu Thới vẫn là ngôi chùa xưa nhất tại Bình Dương. Không những thế còn là ngôi chùa được hình thành sớm vào hàng đầu ở Nam Bộ.

Với không gian huyền ảo và lối kiến trúc độc đáo với nhiều công trình nổi bật, Chùa Châu Thới luôn thu hút rất nhiều khách thập phương tới tham quan. Hiện Chùa là một quần thể kiến trúc vô cùng đa dạng và phong phú bao gồm: ngôi chánh điện, điện thờ Ngũ Hành Nương Nương, Thiên Thủ Thiên Nhãn, Diêu Trì Kim Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Nét nổi bật nhất trong trang trí kiến trúc của chùa đó chính là sử dụng nhiều mảnh gốm sứ màu sắc khác nhau gắn kết lại tạo thành hình con rồng dài hơn cả mét đặt ở đầu đao của mái chùa. Trên đỉnh mái, có chín con rồng nhìn ra nhiều hướng. Mặt tiền được đắp gốm sứ tạo các loại hình như tứ linh, thủ quyển, đức Phật đản sanh…

Du khách tới đây tham quan còn được tận mắt chiêm ngưỡng những pho tượng Phật, Quán Thế Âm lớn được đúc bằng đồng hoặc đá cẩm thạch. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ ba pho tượng Phật bằng đá cổ và một tượng Quan Âm bằng gỗ mít có tuổi đời hơn 100 năm. Điểm nhấn của chùa là tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ngự trên đài hoa sen, trên tay cầm dương liễu vẩy nước cam lồ trong bình thanh tịnh trông thật đẹp mắt.

Mặc dù ngôi chùa được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ kính của nó, hài hòa với cảnh quan u nhã, thoát phàm tại đây. Giữa không gian thanh tịnh, phảng qua một làn gió trong lành cùng với âm hưởng tiếng chuông ngân nga vang sẽ khiến bất cứ ai tới đây cảm thấy hồn lâng lâng, trút hết mọi muộn phiền.

Chùa Hội Khánh

Chùa Hội Khánh được xây dựng vào thế kỷ 18 (1741), là một công trình tôn giáo mang tính chất lịch sử và mỹ thuật cao.

Dù được trùng tu và mở rộng nhiều lần nhưng về cơ bản đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu. Nét nổi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ Bình Dương.

Kiến trúc chùa được thiết kế gồm 4 phần: tiền điện, chánh điện, giảng đường có 92 cột gỗ quý. Cuối cùng là Đông lang và Tây lang bố trí theo kiểu “sắp đôi” nối liền nhau với kiến trúc “trùng thềm, trùng lương” – biến tấu đặc biệt trong kiến trúc theo truyền thống chùa cổ miền Nam.

Trong khuôn viên chùa còn có 4 kiến trúc mang tên 4 thánh tích gắn với Đức Phật, gồm vườn Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật đản sinh); Bồ Đề đạo tràng (nơi Đức Phật thành đạo), vườn Lộc Uyển (nơi Đức Phật giảng kinh Chuyển pháp luân) và Câu Thi Na (nơi Đức Phật nhập niết bàn). Xung quanh sân chùa là 9 ngôi tháp của 9 vị trụ trì đã viên tịch, được xây dựng công phu. Phía bên trái Chùa còn có ngọn tháp 7 tầng, được phục dựng gần đây, tầng dưới của tháp là nơi trưng bày các văn hóa phẩm của chùa như: băng đĩa, tượng Phật kỷ niệm, chuông mõ…

Nội thất kiến trúc, tranh, tượng, đồ thờ tự trong Chùa Hội Khánh đều được điêu khắc, chạm trổ rất tinh vi, với những đề tài như tứ linh, cửu long, dây nho, lá lấp, hoa phù dung.

Ở khu đất phía trước chùa là Phật đài cao 22m. Tầng trệt là dãy nhà dài 64m, rộng 23m dùng làm trường Phật học, thư viện… Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Bức tượng này được Tổ chức kỷ lục Châu Á công nhận là “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất Châu Á”.

Chùa Tây Tạng

Ngôi chùa tọa lạc tại thành phố Thủ Dầu Một được xây dựng năm 1928 với tên gọi đầu tiên là “Bửu Hương Tự”. Năm 1937, chùa được đổi tên như ngày nay sau chuyến đi sang Tây Tạng nghiên cứu Phật học của vị trụ trì. Vào thời điểm xây dựng, chùa chỉ là một am nhỏ thờ Phật. Sau lần đại trùng tu vào năm 1992, chùa có dáng dấp gần giống như một ngôi chùa theo hệ phái Mật Tông ở Tây Tạng.

Khi bước vào cổng chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hai câu đối do Thiền sư Minh Tịnh đặt với sự kết hợp rất nhịp nhàng hai tên trước và hiện nay của chùa: “Tây quy độc diệu thiên chơn Bửu / Tạng xuất hàm linh địa chánh Hương” (Tạm dịch: Ngọc thật của trời độc diệu từ Tây lại / Chánh hương của đất chứa linh thiêng do Tạng sinh).

Ở chánh điện được thiết kế với cấu trúc hình khối vuông, chính giữa là ngôi tháp và các tứ giác có chiều cao trên 15m. Còn ở tầng thượng nóc chùa là nơi điện thờ 5 vị Phật của Phật giáo Tây Tạng. Tượng “Ngũ trí Như Lai” được bố cục theo Mandala – biểu tượng của Phật giáo Mật tông.Đi sâu vào bên trong chánh điện, du khách sẽ được chiêm ngưỡng thiết kế thờ phượng như một pháp hội khi Phật Thích Ca còn tại thế. Ở giữa điện thờ  tượng Phật Thích Ca ngồi thiền có chiều cao lên tới 2,3m. Xung quanh có chư Phật và Bồ tát ở các vị trí khác nhau.

Nét độc đáo nhất tại Chùa Tây Tạng là bức tượng Đạt Ma Sư Tổ được sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là bức tượng được làm bằng tóc lớn nhất Việt Nam. Bức tượng này mô tả hình tướng của Sơ tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma đang bước đi, ở trên vai ông là một đòn gánh. Đầu đòn gánh bên trái là hòm kinh Lăng Già và bên tay phải là túi càn khôn. Đặc biệt, trên đòn gánh còn treo một chiếc nón lá mang đậm chất văn hóa Việt Nam.

Vào dịp đầu năm, Chùa Tây Tạng có rất nhiều người tới hành hương. Chùa đông nhất là tối ngày mùng tám tháng Giêng vì chùa tổ chức lễ cúng sao giải hạn, cầu an cho bá tánh thập phương.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu được người dân địa phương gọi là “Chùa Bà”, có tên chữ là “Thiên Hậu Cung”. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Bình Dương do hội người Việt gốc Hoa đóng góp và xây dựng nên để thờ vị nữ thần Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Cho tới hiện nay, vẫn chưa thể xác định được Chùa Bà Thiên Hậu xây dựng vào năm nào, chỉ biết rằng lúc đầu ngôi chùa này tọa lạc bên rạch Hương Chủ Hiếu. Mãi cho đến năm 1923, sau khi ngôi miếu đã bị hư hoại do hỏa hoạn thì bốn Bang người Hoa tại đây là Triều Châu, Quảng Đông, Hẹ và Phúc Kiến chung sức tái tạo lại ngôi chùa ở vị trí ngày nay (tại số 4 Nguyễn Du, TP Thủ Dầu Một).

Ngôi chùa này bao gồm ba dãy nhà, ở giữa là chính điện đề ba chữ “Thiên Hậu Cung”, hai dãy nhà bên thì được xem như là Đông lang, Tây lang của ngôi chùa. Ở trên hai cánh cửa chính có đề bốn chữ “Quốc Thái Dân An”, còn ở hai bên là cặp câu đối ca ngợi công đức của Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Khi bước vào sân chùa, trước cửa điện có đặt một cái đỉnh lớn để cho người dân đến cúng và cắm nhang. Mái trước của chính điện được lợp ngói âm dương theo phong cách truyền thống với những đường vân đắp nổi và trang trí hình tượng “cá chép hóa rồng”, “lưỡng long tranh châu”. Còn ở hai bên đường viền của mái là tượng “bà mặt trăng”, tượng quan võ, quan văn,… được điêu khắc theo lối kiến trúc của người Hoa.

Tại chánh cung thì được người dân thờ vị chánh thần là Thiên Hậu Thánh Mẫu, bức tượng được trang trí áo mão nghiêm trang và luôn được thay mới. Bên phải thì thờ Ông Bổn, tức Bổn Đầu Công. Và bên trái của bà là nơi thờ năm vị nữ thần Ngũ Hành Nương Nương tượng trương cho: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Hai bên tường chính điện có giá treo tấm biển đề Túc Tĩnh – Hồi Tị với mục đích kêu gọi mọi người nghiêm trang mỗi khi có rước kiệu Bà đi trên đường. Cặp biển thứ hai có đề Thiên Hậu Nguyên Quân, còn được hiểu là Vị thần chủ việc tiền tài. Những cặp biển được sắp theo thứ tự trong thờ tự cũng như trong diễu hành Lễ rước bà – lễ hội văn hóa lớn nhất của tỉnh Bình Dương và được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch.

Chùa Ông Ngựa

Nơi đây còn được gọi là “Chùa Ông” hay “Chùa Thanh An”, toạ lạc tại đường Hùng Vương, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một. Chùa có kiến trúc hình chữ “Nhất”, gồm một dãy nhà, được xây dựng theo phong cách kiến trúc chùa chiền Huế. Phần lớn kết cấu của chánh điện đều bằng gỗ, sau này khi trùng tu thì được xây lại toàn bộ bằng bê tông cốt thép, lớp cửa gỗ của chánh điện cũng được làm lại mới hoàn toàn.

Chùa thờ phụng các vị thánh: Quan Vũ, Đức thánh Trần Hưng Đạo… Có thể nói, chùa Ông Ngựa là một ngôi chùa lớn nhất Bình Dương về việc thờ tụng 30 vị anh hùng lịch sử cận đại như Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung…

Tại đây có một bức tượng ngựa Xích Thố để trấn giữ, ai đi qua cổng cũng đều phải cúi đầu đi qua bụng Xích Thố để cầu bình an cho gia đạo.

Hàng năm, tại chùa đều có tổ chức lễ vía Quan Thánh Đế Quân. Trước đây, chùa chỉ cúng chay ngày vía Quan Thánh Đế Quân quy y nhà Phật (23/6 âm lịch) là cúng chay. Nhưng hiện nay, kể cả ngày vía sanh (13 tháng Giêng âm lịch) và ngày vía tử (13/5 âm lịch) đều được tổ chức cúng chay tại chùa.

Nhà thờ Chánh toà giáo phận Phú Cường

Nhà thờ Chánh tòa giáo phận Phú Cường được xây dựng nằm trên một gò đất ngay ngã 6 trung tâm phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một. Điều này tạo cho nhà thờ một nét vô cùng độc đáo và mới lạ trong toàn bộ kiến trúc.

Nhà thờ đã được xây mới hoàn toàn từ nhà thờ cũ, khánh thành vào tháng 4/2014. Hình ảnh ngôi nhà thờ cũ với tiêng chuông ngân nga mỗi chiều đã được thay thế bằng một ngôi nhà thờ mới theo phong cách Gothic, nhưng dáng dấp đầy hiện đại sau khi được tôn tạo. Nhìn từ xa, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy nhà thờ nổi bật với tháp chuông lớn và cao.

Với tông màu chủ đạo xanh xám và trắng lịch lãm, nhà thờ đã trở thành điểm đến của rất nhiều bạn trẻ tới chụp ảnh. Tạo ấn tượng mạnh không chỉ những người mới đến Nhà thờ Phú Cường lần đầu mà ngay cả với người dân đã nhiều lần đến cũng để lại ấn tượng khó phai.

Khi đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc mà còn được dạo quanh khuôn viên nhà thờ rộng rãi, thoáng mát. Tại có khá nhiều tiểu cảnh, màu sắc nhã nhặn, kiến trúc đẹp kết hợp với những mảng xanh tạo nên một không gian vô cùng ấn tượng.

Khi du khách bước vào trong thánh đường, không gian nhà thờ dường như mở rộng với mái vòm cong, tạo nên nét uy nghi. Trên tường là những bức tranh nhiều màu sắc kể về cuộc đời của chúa Jesus thật sinh động. Các ô cửa nhiều màu sắc và họa tiết bắt mắt khiến cho ánh sáng lọt qua càng thêm phần lung linh, huyền ảo.

Ngoài không gian thánh đường tôn nghiêm ra thì ở nhà thờ còn có một dãy nhà với những chức năng khác nhau, phục vụ hoạt động tôn giáo, như: nơi học tập cộng đồng, thư viện, văn phòng giáo phận, phòng nghỉ.

Nhà tù Phú Lợi

Nhà tù Phú Lợi nay là một di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Bình Dương. Di tích này nằm cách trung tâm TP Thủ Dầu Một 3km. Nơi đây là một nhà tù do chế độ Đệ Nhất Việt Nam Cộng hòa xây dựng vào năm 1957 để giam cầm những người được cho là Cộng sản. Nhà tù Phú Lợi có tổng diện tích khoảng 77.0822 m2. Trong suốt 8 năm tồn tại (1957 – 1964), Nhà tù Phú Lợi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” với đủ thứ cực hình tàn khốc. Cũng chính tại đây, trong thời gian bị giam cầm, nhà văn Sơn Nam đã cho ra đời bài thơ thay lời tựa truyện “Hương rừng Cà Mau” nổi tiếng.

Ngày nay, Nhà tù Phú Lợi được xem như một bằng chứng về tội ác của chế độ Đệ Nhất Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.

Trung tâm nhà tù là bức tượng bằng đồng cao 3,5m của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu ghi lại sự kiện “Phú Lợi căm thù”. Các khu nhà giam C, nền nhà giam A, B, nhà kỷ luật, tháp canh, lô cốt đều được giữ nguyên vẹn hoặc tôn tạo lại. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý về cuộc đấu tranh của các tù nhân đồng thời phản ánh đời sống tâm hồn phong phú của các tù nhân, như: bộ cờ tướng chạm khắc tinh xảo bằng gỗ cẩm lai, chiếc vỏ gối được thêu hay chiếc quần nhiều tác dụng…

Mọi thứ ở đây đều rất thật, các mô hình, các bức hoạ rồi đến cả những hiện vật cùng với lời thuyết dẫn rất hay của các hướng dẫn viên, toàn bộ bức tranh lịch sử như tái hiện lại trong kí ức của chúng ta ngay cả khi chúng ta không tận mắt chứng kiến. Những hiện vật nơi đây đều được đánh đổi bằng xương bằng máu của những người đã gục xuống, thật khiến cho ta xúc động… Những cái xiềng, cái xích, những cái tù sắt khổng lồ, những chiếc máy chém, những “lồng” nuôi “cọp”, những bài ca, những câu thơ yêu nước của các chiến sĩ viết trên những bức tường vôi khắc khổ… Đến tham quan Nhà tù Phú Lợi, chúng ta không chỉ có thể hiểu biết thêm về lịch sử, mà còn có thêm sự cảm nhận mới mà cuộc sống mà ông cha ta đã giành lại…

Trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang ấy, Nhà tù Phú Lợi đã và đang được tôn tạo thành công viên xanh, làm nơi vui chơi, giải trí cho mọi người và là điểm tham quan giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Hàng ngàn các bông hoa xanh đua nhau nở rộ, hàng ngàn các bóng cây xanh rợp bóng che phủ như bắt tay chung sức bảo vệ cho Phú Lợi này. Dấu tích đau thương còn lại ở nơi này là cho người ta hiểu hơn giá trị của cuộc sống yên bình ngày nay. Nhắc nhở mỗi con người chúng ta trong thời đại tiến bộ đừng bao giờ quên và cũng đừng bao giờ để cho lịch sử lặp lại…

Cầu Sông Bé (Cầu Gãy)

Cầu Sông Bé nối liền 2 xã Phước Hòa và Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo). Trong chiến tranh, đây là con đường huyết mạch giao thông của ngụy quyền Sài Gòn. Cầu bị Mỹ đánh sập năm 1975. Tại đây đã lưu giữ nhiều chiến công hào hùng của quân và dân Bình Dương. Với những chiến công vang dội, Cầu Sông Bé đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Cây cầu này được Pháp xây dựng những năm 1925-1926 khi thành lập Sở cao su Phước Hòa. Việc xây cầu nhằm khai thác thuộc địa, cũng như mở rộng những đồn điền cao su tại Phú Giáo, Phước Long… và đây là tuyến đường huyết mạch lên Tây nguyên. Cây cầu có bề ngang hơn 4,5m, chiều dài mỗi bên của cầu còn lại khoảng 50m, gồm 3 nhịp dầm thép, bê tông. Chỗ cao nhất 2 bên thành cầu 6m, thấp nhất 3,5m, chân cầu cao 30m.

Những năm 1930, phong trào đấu tranh của công nhân các đồn điền cao su bùng phát mạnh, quân địch đã coi cầu như đoạn đầu đài, điểm xử bắn và dòng sông Bé trở thành huyệt mộ sâu của những người cách mạng. Trước sự đàn áp dã man của giặc, nhân dân ta vẫn đứng lên đấu tranh quyết liệt, lúc này cầu sông Bé lại trở thành cửa ngõ chiến khu Đ. Với quyết tâm quyết thắng, năm 1945, lá cờ đỏ sao vàng đã được cắm trên cầu thể hiện chủ quyền.

Trong thời Mỹ – ngụy, cầu là tuyến giao thông huyết mạch của ngụy quyền Sài Gòn thời Tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành Nguyễn Minh Mẫn, bọn ác ôn đã “biến” nơi đây thành điểm xử bắn, chôn cất các đồng chí, đồng bào hoạt động cách mạng. Trong đêm 27, rạng sáng ngày 28/4/1975, lực lượng vũ trang huyện Phú Giáo đã diệt địch và cắt đứt toàn bộ đồn bót trên 2 xã Bình Mỹ và Bình Cơ dọc trục lộ 16, mở đường cho 2 cánh của Quân đoàn 1 đánh qua phía tây (nam Bến Cát) xuống Dĩ An, Lái Thiêu. Với cuộc tấn công mạnh mẽ của quân, dân Bình Dương, địch ở Chi khu Phú Giáo (Phước Vĩnh) rút qua Cầu Sông Bé để chạy về Lai Khê. Trên đường tháo chạy, địch đã bị bộ đội, du kích Phú Giáo chặn đánh diệt 30 tên. Chiều 29/4/1975, quân địch tràn về Phước Hòa để tìm đường rút chạy. Để tránh bị truy kích, tên chỉ huy trung đội biệt kích ngụy tại Phước Vĩnh đã cho đặt mìn phá hủy Cầu Sông Bé. Sau đó, quân và dân Phú Giáo đã phá ấp chiến lược, phá đồn… bắt hơn 200 tên ác ôn ngoan cố, thu giữ hơn 200 súng các loại. Trưa 30/4, huyện Phú Giáo đã hoàn toàn giải phóng.

Cây Cầu Sông Bé ngày nay được xây dựng lại thành cầu đôi và đổi tên thành Cầu Phước Hòa. Tuy nhiên, cây cầu cũ vẫn còn được giữ lại như một chiến tích bi hùng.

Để ghi lại tội ác của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đối với nhân dân ta trong chiến tranh, Đảng bộ huyện Phú Giáo đã cho xây dựng khu vực bia tưởng niệm rộng gần 100m2 tại đầu cầu phía ấp Bưng Riền, xã Vĩnh Hòa. Nơi đây lính ngụy đã tra tấn những chiến sĩ cách mạng và những người mà chúng nghi ngờ theo cách mạng một cách tàn bạo. Bên cạnh đó, trên cây cầu gãy, Đảng bộ huyện Phú Giáo còn dùng làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, dùng làm nơi để kết nạp đảng viên mới.

Có thể thấy, Cầu Sông Bé không chỉ thể hiện giá trị lịch sử của riêng nó mà còn tiêu biểu cho một vùng đất, một thời kỳ đấu tranh cách mạng oanh liệt của quân và dân nơi đây.

Bảo tàng Dược học cổ truyền Việt Nam

Bảo tàng Dược học cổ truyền Việt Nam (Fito Museum) là nơi trưng bày, lưu giữ hàng ngàn hiện vật về y học cổ truyền của Việt Nam.

Fito Museum nằm trong quần thể rộng hơn 2.000 m2, gồm các toà nhà cổ theo phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam. Năm 2016, bảo tàng chính thức mở cửa để đón khách tham quan.

Nét cổ kính của bảo tàng được thể hiện qua những khung nhà gỗ có tuổi thọ từ 200 đến 300 tuổi mà ông Lê Khắc Tâm, chủ nhân bảo tàng đã dày công sưu tầm từ các tỉnh phía Bắc. Song song với đó, là những bức tranh cẩn xà cừ mô tả về y học cổ truyền trong cuộc sống cộng đồng người Việt, giúp người xem “trở về” quá khứ để hiểu hơn về phương pháp chữa bệnh trước đây.

Bảo tàng còn trưng bày hơn 3.000 hiện vật quý về y học cổ truyền Việt Nam như: tranh cây thuốc vẽ tay, mô hình thuốc Đông y, thuốc Nam… Trong đó, có 48 phương thuốc của Đại danh y Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Làng nghề mây tre đan

Nền văn hóa nông nghiệp của người Nam Bộ gắn liền với các vật dụng sinh hoạt làm từ mây, tre,… mang nét đẹp bình dị, mộc mạc. Có lẽ vì thế mà ở Bình Dương đã sớm hình thành một làng nghề truyền thống, chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng từ mây và tre nứa.

Có dịp du lịch Bình Dương và ghé qua thị xã Tân Uyên, du khách sẽ bắt gặp những làng nghề làm mây tre đẹp, công phu và độc đáo. Đa phần những làng làm mây tre đan ở đây đều làm thủ công, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, được làm nên từ đôi tay điệu nghệ đầy kinh nghiệm của những người thợ.

Sản phẩm mây tre đan ở Tân Uyên rất đa dạng, gồm có thúng, mẹt, quạt, lẵng hoa quả, khay để bàn và cả hoành phi, câu đối,… Với mỗi chủng loại, người Bình Dương đều cố gắng sáng tạo nên nhiều mẫu mã đa dạng, vừa giúp khách hàng có nhiều lựa chọn, vừa phần nào làm tăng giá trị sản phẩm khi tung ra thị trường.

Dù ngày nay, cuộc sống hiện đại với nhiều vật dụng có chất liệu sang trọng, nhưng không vì thế mà sản phẩm mây tre đan ở Tân Uyên thất sủng. Ngược lại, với vẻ đẹp công phu cùng chất liệu bền đẹp, làng nghề truyền thống này vẫn rất “ăn nên làm ra”, lúc nào cũng có khách đến mua hàng.

Làng nghề sơn mài

Làng nghề sơn mài nằm ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một. Nơi này được xem là cái nôi của nghề sơn mài vùng Nam Bộ với những sản phẩm đậm chất Á Đông, không chỉ được bán trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Làng nghề này đã xuất hiện từ giữa thế kỷ 18, ở khu vực Đồng Nai, Tương Bình Hiệp. Thuở sơ khai hình thành, làng nghề chỉ có vài hộ dân làm sơn son, thếp vàng. Song nhiều năm sau, làng nghề ngày càng có nhiều hộ gia đình hơn, phát triển đa dạng các sản phẩm sơn mài, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ phong phú của thị trường.

Ngày nay, khi về làng nghề truyền thống Tương Bình Hiệp theo hướng quốc lộ 13 về trạm thu phí Suối Giữa rồi rẽ trái vào đường Hồ Văn Cống, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều cửa hàng bán vật phẩm sơn mài như bình hoa, trang ảnh, hộp đựng nữ trang,… Ngoài ra, còn có những đồ vật kích thước lớn như giường, ghế, tủ, bàn,… cũng được gia công tỉ mỉ, đẹp mắt.

Những nghề nhân sơn mài giàu kinh nghiệm nhất ờ làng nghề này cho biết, để có một sản phẩm đẹp theo cách làm truyền thống, người thợ phải làm đến 25 công đoạn khác nhau, gồm hom, sơn lót,… để tạo ra một tác phẩm chỉn chu nhất. Đó là lý do mà sản phẩm của làng nghề đạt đến độ tinh xảo cao, đẹp và sang trọng, dù đó là đồ gia dụng hay vật phẩm trưng bày.

Không chỉ là một làng nghề ở Bình Dương có tuổi đời trăm năm mà Tương Bình Hiệp còn là nơi mang đến những nghệ nhân tài hoa, điêu luyện như Ngô Từ Sâm, Thái Văn Ngôn, Trần Văn Nam, Trương Văn Cang,… Ngày nay, làng nghề này còn mở nhiều khóa học sơn mài, đào tạo cho bất kỳ ai có nhu cầu muốn học về sơn mài.

Làng nghề gốm 

Rời làng nghề sơn mài, du khách có thể dành thời gian ghé qua làng nghề truyền thống chuyên làm gốm sứ tại Lái Thiêu. Đây là vùng đất có nguồn đất sét cao lanh chất lượng nên từ cuối thế kỷ 19 đã hình thành nên làng nghề chuyên sản xuất gốm sứ.

Gốm sứ Lái Thiêu phong phú về chủng loại, màu sắc và họa tiết trang trí, vừa có giá trị về thẩm mỹ, vừa có tính ứng dụng cao. Từ những ngày đầu xuất hiện, sản phẩm gốm của làng nghề ở Bình Dương này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường gốm miền Nam. Ngày nay, gốm sứ Lái Thiêu đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Đặc trưng của gốm sứ Lái Thiêu là những sản phẩm mang đậm chất hội họa. Dù là những vật dụng như chén, dĩa,… nhưng mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, phảng phất vẻ đẹp rất thơ, rất bay bổng. Ngoài chén, dĩa, ấm trà, ly tách,… làng gồm này còn là nơi cung cấp các sản phẩm như heo đất, chậu, bình,… với kích thước lớn.

Ngày nay, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, làng nghề truyền thống này dần thu hẹp diện tích. Đã có nhiều gia đình phải bỏ nghề tìm công việc khác có thu nhập khá hơn hoặc về làm cho các nhà máy gốm sứ công nghiệp trong vùng. Tuy nhiên, vẫn có những hộ gia đình quyết bám trụ với nghề sốm sứ mà ông cha để lại, quyết giữ gìn phần nào vẻ đẹp của làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm ở đất Bình Dương.

Làng nghề guốc mộc

Dù ngày nay guốc mộc không còn là một loại giày dép được sử dụng quá phổ biến. Thế nhưng ở Bình Dương vẫn tồn tại những làng nghề truyền thống chuyên sản xuất guốc. Đó là khu vực thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một. Có dịp du lịch Bình Dương và ghé đây, bạn sẽ choáng ngợp trước những cửa hàng bán guốc mộc với đủ sắc màu, kiểu dáng bắt mắt.

Theo các nghệ nhân làm guốc lâu năm, loại gỗ dùng làm guốc là các loại gỗ có đặc tính nhẹ, xốp và dễ dàng xẻ để tạo hình dáng guốc. Thông thường, gỗ xoài, dừa, mít, thông, trầm hương,… sẽ được ưu tiên sử dụng. Nhìn đôi guốc mộc có vẻ đơn giản, mộc mạc nhưng phải tận mắt chứng kiến quy trình làm guốc, bạn mới hiểu hết được sự tỉ mỉ của sản phẩm này.

Mỗi đôi guốc thường trải qua nhiều công đoạn như cưa xẻ gỗ, mài thô, định dạng đôi guốc, mài bóng, phun sơn trang trí, đóng đế, lắp quai mới hoàn tất. Đặc biệt, guốc ở làng nghề truyền thống này có rất nhiều loại, từ guốc sơn, guốc vẽ cho đến guốc khắc. Mỗi loại đều được thực hiện tinh xảo, tỉ mỉ với vẻ ngoài bắt mắt.

Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian cùng nhu cầu ngày càng ít đi của thị trường, làng nghề ở Bình Dương này dần dần vắng bóng. Nhiều hộ gia đình bắt đầu tìm hướng đi mới. Nhưng cũng còn nhiều hộ vẫn kiên định làm nghề, ngày ngày tỉ mẩn sản xuất nên những đôi guốc đẹp, phục vụ nhu cầu sử dụng của những người yêu guốc mộc.

Làng nghề nhang

Cùng với làng nghề sơn mài, gốm sứ, mây tre đan, guốc mộc, làng nghề nhang ở thị xã Dĩ An góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của một làng nghề truyền thống lâu đời. Ở Dĩ An hiện nay có khoảng hơn 50 hộ gia đình gắn bó với công việc làm nhang thủ công.

Nhìn sơ qua những nén nhang trông có vẻ đơn giản. Thế nhưng khi đến làng nhang và trực tiếp nhìn người thợ làm nhang, bạn mới hiểu rằng để làm nên một cây nhang cần rất nhiều công đoạn và công sức. Để những nén nhang có mùi thơm tự nhiên, người làm nhang phải kéo léo pha trộn giữa bột cây keo, bột áo, bột thơm và mạt cưa với tỷ lệ phù hợp nhất. Đặc biệt, khâu trộn bột phải thật đều tay để đạt độ dẻo phù hợp.

Nhờ giữ trọn công thức làm nhang truyền thống với mùi hương đặc trưng mà chất lượng sản phẩm ở làng nhang Dĩ An vang xa khắp mọi nơi. Sản phẩm nhang ở làng nghề không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân trong nước, mà còn được xuất khẩu các các nước khác như Đài Loan Ấn Độ, Singapore, Malaysia,… Vì thế mà người dân ở làng nghề tuy có lao động vất vả nhưng cuộc sống vẫn ấm no, ổn định.

Chợ đêm Bạch Đằng

Khu chợ này được chính thức đưa vào hoạt động ngày 25/8, bắt đầu hoạt động từ 17h đến 23h30 hàng ngày. Với sức chứa gần 338 gian hàng chủ yếu kinh doanh các mặt hàng như quần áo may sẵn, nón, mỹ phẩm, giày dép, trang sức, phụ kiện thời trang,…

Bên cạnh đó, trong chợ còn phục vụ rất nhiều món ăn dân dã với các món ăn đặc sản vùng miền. Các cháu thiếu nhi cũng có thể tới đây vui chơi với khu trò chơi giải trí lành mạnh giành cho trẻ em. Chợ đêm – phố đi bộ Bạch Đằng ra đời không những giúp người dân có chỗ để đi dạo mát, mua sắm, mà còn giúp thành phố giải quyết được những bất cập của khu chợ gà cũ đã xuống cấp.

Chợ đêm Bạch Đằng có hạ tầng hiện đại, thiết kế và bài trí khoa học và còn sạch sẽ là điểm đến lý tưởng cho người dân và du khách đến Bình Dương mua sắm. Một nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của người dân thành phố Thủ Dầu một khi đêm về. Mọi người có thể thoải mái đưa nhau đi dạo ven sông, ăn uống, vui chơi thỏa thích sau một ngày lao động mệt nhọc.

Chợ đêm Thủ Dầu Một

Chợ Thủ Dầu Một là khu chợ có hàng ngàn tiểu thương tới đây buôn bán, hoạt động 24/24h. Từ 6h đến 20h là thời gian hoạt động buôn bán của các tiểu thương kinh doanh mặt hàng tiêu dùng. Bắt đầu từ 18h thì những chiếc xe đẩy chở đồ nghề, hàng ăn uống đã chuẩn bị rục rịch đổ về quanh bãi giữ xe để sắp xếp đồ.

Hầu hết các loại hàng hóa về đây được bày la liệt từ vỉa hè đến lòng lề đường, kéo dài gần cây số cho người dân thoải mái lựa chọn mua sắm. Nhờ có ngôi chợ này mà nhiều các sản phẩm của những nhà nông mới tiêu thụ được.

Chợ Thủ Dầu Một là một trong những khu chợ giữ vị trí trung tâm thương mại tiêu biểu của tỉnh Bình Dương. Đồng thời đây cũng là nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính vì vậy mà chợ đêm Thủ Dầu Một không chỉ là nơi mua bán nhộn nhịp mà còn là một biểu trưng văn hóa không thể xóa nhòa, gắn liền với lịch sử phát triển của Bình Dương và Nam Bộ.

Trên đây là 26 địa điểm du lịch Bình Dương thú vị mà quý khách có thể tham khảo. Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho hành trình du lịch Bình Dương của quý khách. Đừng quên theo dõi Airbooking để biết thêm nhiều địa điểm thú vị khác nhé!