Hội An – thành phố du lịch nổi tiếng của Quảng Nam với những ngôi nhà cổ kính thơ mộng, mê đắm lòng người. Nhưng thật thiếu sót, nếu du khách bỏ qua những món đặc sản của Hội An. Hãy cùng Airbooking khám phá xem ở vùng đất này có những đặc sản nào níu chân bao thực khách nhé!

Cơm gà

Không chỉ riêng tại Hội An, cơm gà còn là một món ăn được ưa chuộng tại rất nhiều các thành phố khác trên khắp mảnh đất hình chữ S này. Nhưng có lẽ chưa có một nơi nào có thể giữ được nguyên vẹn hương vị của món ăn này như chính tại quê hương của nó là Hội An.

Để làm nên món cơm gà ngon, gạo phải được ướp gia vị trước rồi mới nấu bằng nước luộc gà và lá dứa. Đặc biệt, cơm được nấu bằng bếp củi chứ không phải các loại nồi cơm điện hiện đại. Bởi có như vậy, nồi cơm mới giữ được mùi thơm thơm của khói bếp, tạo nên hương vị đặc trưng cho cơm gà. Bên cạnh đó, thịt gà sau khi luộc vừa chín tới thì xé nhỏ thành sợi, trộn đều với các loại hành, rau thơm và gia vị cho ngấm rồi bày lên đĩa cùng với cơm. Cơm gà được ăn cùng với đu đủ dưa chuột muối chua ngọt, các loại rau Trà Quế và thêm một bát canh nóng hổi, đậm đà.

Mì Quảng

Mì Quảng là món ngon đặc sản Hội An chiếm được cảm tình của đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Với hương vị thơm ngon không thể lẫn vào đâu được, Mì Quảng là sự kết hoàn hảo giữa những sợi mì có màu vàng tươi như nghệ với phần nước dùng được chế từ tôm, thịt lợn hoặc thịt gà ninh nhừ để lấy vị ngọt. Đặc biệt, người nấu thường cho thêm cà chua và dứa để tạo ra mùi thơm và góp phần làm nên vị chua chua ngọt ngọt rất thanh mà chỉ có ở tô Mì Quảng này mới có được.

Mì Quảng có các vị: gà, cua, tôm, cá… Để thưởng thức trọn vẹn hương vị đậm đà khó cưỡng của món Mì Quảng này hãy nhớ cho thêm chút đậu phộng rang giòn và rau sống ăn kèm như rau muống hoặc rau cải xắt nhỏ, trộn với búp chuối non, rau thơm, rau quế, rau răm. Nhiều người còn thích cho thêm rau Trà Quế, loại rau sống nổi tiếng của Hội An tăng thêm phần hấp dẫn cho hương vị của tô mì. Ngoài ra, du khách cũng có thể ăn kèm bánh tráng nướng giòn tan.

Khi chan Mì Quảng, thực khách chỉ nên chan xâm xấp, vừa đủ để nước dùng ngấm vào từng sợi mì, lẫn vào lớp rau sống, hiện rõ lớp thịt màu mỡ giữa màu vàng mịn của sợi mì, khiến tô mì càng thêm ngon và thu hút hơn. Một bát Mì Quảng bình dị nhưng béo ngậy, thơm phức.

Ở Hội An, du khách sẽ rất dễ dàng để có thể tìm thấy và thưởng thức một tô Mì Quảng ngon, nhưng để có thể vừa ăn vừa cảm nhận được cái nét bình dị của phố Hội, các bạn nên tìm và thưởng thức chúng tại các gánh hàng rong, đảm bảo du khách sẽ có được những trải nghiệm không thể nào quên.

Cao Lầu

Món ngon này mang một chút hơi hướng của các món ăn Trung Hoa, nhưng cũng có nét gì đó tương đồng với món Udon của người Nhật.

Để có thể làm ra được sợi mì cho món ăn độc đáo này, phải trải qua một quá trình rất công phu. Không đơn giản chỉ là chọn loại gạo thơm ngon như khi làm phở bún, mà gạo này còn phải ngâm vào nước tro, tạo ra được sợi mì giòn nhưng vẫn dẻo thơm. Cũng có lẽ vì gạo được ngâm vào nước tro nên sợi cao lầu sau đó cũng mang màu nước tro đặc trưng, khác hẳn so với loại mì, bún khác.

Không sử dụng nước lèo như các một số món mì khác, Cao Lầu được ăn cùng với thịt xíu, bì lợn, tóp mỡ chiên giòn, thêm một chút đậu phộng rang giã nhỏ rưới một chút nước sốt lên trên để giữ được hương vị béo ngậy, đậm đà. Hơn hết, một đĩa rau sống Trà Quế cũng không thể thiếu khi ăn cao lầu, nó làm tăng thêm hương vị cho món ăn và giúp giảm bớt cảm giác béo ngậy.

Hương thơm của nước sốt, mùi ngầy ngậy của tóp mỡ hòa lẫn với vị thơm ngọt của tôm, thịt xá xíu cùng vị cay nồng của rau sống đảm bảo sẽ khiến du khách nhớ mãi không quên.

Hủ tiếu

Với những khách du lịch đã đến Hội An nhiều lần, đã thưởng thức hết những cơm gà, mì quảng, cao lầu… thì hủ tiếu có thể là một lựa chọn khác để trải nghiệm. Hủ tiếu được xếp gọn trong tô, đầy đặn, phía trên gọn gàng vài lát thịt, hai lát chả bò, có cả bao tử và gan heo, trộn thêm chút hương vị của kiểu hủ tiếu sa tế người Hoa, vô cùng hấp dẫn. Nước hủ tiếu trong vắt, chỉ có ít váng mỡ vàng vàng nổi lên khiêm tốn, húp vào thấy thanh tao, dịu nhẹ. Sợi hủ tiếu thì đặc biệt dai và không chua. Thịt dùng cho hủ tiếu cũng là thịt dùng cho món cao lầu, được rim chiên đậm đà, có màu nâu mật trông rất hấp dẫn, còn chả thì thơm dai khỏi nói. Rau ăn kèm hủ tiếu là những lát đu đủ xanh ngâm chua giòn rụm, vài cọng cần tàu và giá.

Bún mắm

Một món ngon Hội An không kém nổi tiếng chính là bún mắm. Bún mắm ở đây mặc dù cùng tên với bún mắm ở miền Tây nhưng lại có mùi vị và hương thơm đặc biệt, dùng mắm nêm được làm từ cá tươi nguyên chất, pha một chút gia vị ớt, tỏi và thơm (dứa) bằm nhỏ kết hợp một chút chua của chanh sau đó chan trực tiếp lên tô bún có mít non luộc bằm nhuyễn, có thịt heo và ít đậu phộng rang đập dập dập.

Lúc ăn, du khách còn được cho thêm một muỗng dầu ăn phi với hành vàng để sợi bún trơn dễ ăn mà không hề béo ngậy, bên cạnh đó mỗi tô bún đều ăn kèm với rau sống được lấy từ chính làng rau Trà Quế nổi danh một vùng ở thành phố cổ Hội An.

Bánh xèo

Bánh xèo là một món ăn dân dã đặc trưng của Việt Nam, tuy nhiên tùy ở mỗi vùng miền mà bánh xèo lại mang những hương vị khác nhau, theo những cách chế biến cũng khác nhau, để phù hợp với khâu vị của từng địa phương cũng như là tận dụng được các nguồn nguyên liệu đặc trưng của địa phương đó. Và đương nhiên Hội An, thành phố ẩm thực nổi tiếng về các loại bánh cũng không ngoại lệ, bánh xèo cũng là một trong những món ăn vặt khá nổi tiếng ở vùng đất phố Hội này.

Ở phố cổ Hội An và mùa lạnh thì bánh xèo là loại bánh thịnh hành nhất. Vào những ngày này, trong quán bất cứ giờ nào cũng đều có khách đến ăn. Cũng có thể mua mưa ở đây là mùa có nhiều tôm nhất, mà nguyên liệu chính làm nhân bánh xèo chính lại chính là tôm. Những con tôm nước lợ (tôm đất) mập mạp, tươi rói, thịt ngọt là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên vị ngọt của bánh xèo. Thịt chỉ là phần phụ, hơn nữa làm bánh xèo phải ngồi bên bếp lửa liên tục rất là nóng nực, vì vậy mùa mưa là mùa thích hợp nhất cho việc làm loại bánh này.

Sự cuốn hút của món ăn này là nhờ vào vị giòn tan của bột gạo, vị béo bùi của nước cốt dừa, mùi thơm của bột nghệ hòa lẫn các loại của rau thơm, bên cạnh đó chất đạm thường được sử dụng là thịt bò, tôm, mực. Bánh phải ăn nóng mới ngon, đúng điệu, tức làm đến đâu ăn đến đấy và khi ăn không dùng đũa, muỗng mà chỉ dùng tay. Cách thưởng thức bánh xèo ngoài việc dùng khứu giác, vị giác ra, bắt buộc người ăn phải dùng đến xúc giác, thính giác mới thấy hết phần hấp dẫn. Và nó đặc biệt hợp khẩu vị của mọi du khách trong những ngày đông giá rét.Thông thường khi ăn bánh xèo chúng ta dễ ngán bởi vị béo của bánh được chiên bằng dầu, mỡ và đạm ở tôm thịt mực… đi kèm trong bánh vì thế du khách có thể thưởng thức kèm các loại chè đặc sản rất ngon ở Hội An.

Bánh bèo

Bánh bèo là một món đặc sản Hội An luôn thu hút thực khách vào mỗi buổi xế chiều. Nước bột gạo sánh mịn được cho vào từng đĩa nhỏ rồi đặt vào nồi hấp. Đĩa bánh hấp xong có màu trắng tinh, mềm mịn, lại có một xoáy tròn ở giữa. Nhân bánh được làm từ tôm, thịt xắt nhỏ, ướp cùng với các loại gia vị vừa ăn rồi xào chín, thêm chút nước bột gạo để tạo độ sánh, sền sệt cho nhân thịt. Đặc biệt, tại Hội An, người ta không dùng đũa hay dĩa để ăn bánh, mà dùng một thanh tre vót nhỏ thành hình lưỡi dao, được gọi là “dao tre” để ăn bánh. Lối ăn độc đáo này cũng thu hút không ít sự hiếu kì của khách hàng, và tạo nên sự khác biệt cho món bánh bèo xứ Hội.

Bánh đập

Bánh đập (hay còn gọi là bánh chập) là loại bánh dân dã mà người xứ Quảng nào cũng biết đến. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa hai loại bánh tráng nướng và bánh tráng ướt với một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị mới lạ. Miếng bánh đập ròn rụm tan trong miệng ăn kèm với hến xào vừa miệng là món ăn chơi cực hấp dẫn ở Hội An

Bánh được tráng từ loại gạo dẻo thơm ngon, một phần làm bánh tráng nướng, một phần làm bánh tráng ướt. Với bánh tráng nướng, bánh được tráng cực kỳ mỏng, rồi mang đi phơi khô và nướng trên bếp than đỏ, sau đó bỏ vào bao cột kín để giữ được độ giòn lâu và dùng làm dự trữ. Bánh tráng ướt, chỉ khi nào ăn mới làm.

Bánh đập được tạo nên từ hai loại bánh này. Ghép một miếng bánh ướt với một miếng bánh tráng giòn, trên nửa lớp bánh ướt quệt lên nhân đậu xanh nhuyễn, phết dầu mỡ hành. Tùy theo sở thích, người ta có thể cho thêm mì lá (mì bánh đa sợi nhỏ) vào cùng với lớp bánh tráng ướt. Tiếp đó dùng tay đập nhẹ nhẹ lên bánh để hai miếng bánh dính lại với nhau, phần bánh tráng nướng bị vỡ và phần bánh ướt sẽ kết dính các vụn bánh nướng lại, giúp cho miếng bánh tráng nướng không cứng cũng không bị mềm nhũn mà ươn ướt, dẻo dẻo. Sau đó gập đôi bánh lại là đã có một chiếc bánh đập. Bánh đập phải thật mỏng ăn mới ngon.

Ăn bánh đập phải có vừng, chấm nước mắm ớt và đồ ăn ghém chua. Nước chấm được pha từ mắm cái. Mắm pha với một chút đường, trái dứa bằm nhỏ, một chút hành phi dầu, nêm nhiều tỏi và ớt sừng xanh đặc hiệu của xứ Quảng, loại ớt này khi giằm vào mắm thì dậy mùi thơm đặc trưng. Như thế là đã có một chén nước chấm hoàn thiện. Chén nước chấm chỉ đơn giản vậy thôi nhưng ngon đến lạ.

Hến xào

Khi đặt chân đến Hội An và trò chuyện với dân địa phương để khám phá ẩm thực, bạn sẽ nghe nhắc đến Cồn Hến nổi tiếng ở khu vực Cẩm Nam thuộc khu Phố cổ. Hến ở đây rất ngon, chắc thịt dù kích thước nhỏ xíu. Mỗi lần bắt được Hến là nhiều người nghĩ đến việc chế biến xào sơ để ăn cùng bánh đập. Cứ như vậy rồi món này trở nên quen thuộc và là đặc sản khó lòng bỏ qua của bất kỳ ai đặt chân đến.

Để chế biến món này, Hến được xào một cách đơn giản để giữ được độ ngọt. Người đầu bếp sẽ cho chút dầu ăn vào chảo, đổ hến vào đảo qua đảo lại và nêm nếm chút gia vị vừa phải. Tiếp đó, họ sẽ đổ thêm các nguyên liệu như đậu phộng, hành phi, sa tế, thêm chút vừng và rau răm. Cuối cùng đổ ra đĩa nhỏ và dùng cùng với bánh đập.

Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm được vị thơm ngọt nhè nhẹ của bánh đập, vị mặn của hến xào và gật gù vì độ đơn giản nhưng vẫn ngon miệng của món này.

Bánh mì

Bánh mì không chỉ nổi tiếng với các du khách trong nước mà còn vang danh ra cả quốc tế. Rất nhiều các chuyên gia về ẩm thực quốc tế đều trầm trồ khen ngợi khi được nếm thử món bánh mì đặc sản Hội An này.

Tuy chỉ là thức ăn nhẹ nhưng bánh mì là món ăn đòi hỏi một quá trình chế biến khá công phu, với nhiều công đoạn khác nhau. Chỉ khi được cầm trên nay chiếc bánh mì nóng hổi với rất nhiều nhân bên trong du khách mới cảm thấy món ăn ăn này hấp dẫn đến nhường nào. Nếu thiếu một trong các loại nhân bên trong, ổ bánh mì sẽ mất đi hương vị thơm ngon của nó.

Phần quan trọng nhất của chiếc bánh mì kẹp đó là bánh mì. Bánh mì để làm bánh mì kẹp phải là bánh làm từ bột mì tươi mới ra lò và luôn được giữ nóng, để đảm bảo độ giòn nhưng không quá cứng của lớp vỏ và độ mềm, dai của bột mì bên trong. Thay vì sử dụng thịt nguội như những nơi khác, bánh mì Hội An chỉ dùng thịt xíu thấm gia vị, chín mềm.

Bên cạnh thịt xíu, pate cũng là nguyên liệu đóng góp một phần hương vị đặc trưng cho bánh mì Hội An. Quá trình chế biến pate cũng rất kỳ công, khi pate ra lò phải đảm bảo độ béo ngậy, mềm, không quá khô và dậy mùi thơm. Ngoài ra còn có bơ đánh bằng tay từ trứng gà và dầu ăn vàng óng, béo ngậy và tan chảy; còn có các nguyên liệu đi kèm như: chả thập cẩm bò heo, xíu mại, giăm bông… rau sống, đu đủ bóp chua sẽ khiến bánh mì không bị ngán; khác với nước sốt thịt ở những nơi khác, nước sốt ở đây được lấy một phần từ nước xíu thịt, có nêm nếm thêm cho thật vừa miệng, vì vậy mà có vị ngon ngọt tuyệt vời.

Sắp xếp nguyên liệu trong mỗi chiếc bánh dường như cũng được người bán tính toán và sắp đặt theo một thứ tự riêng, hết sức kĩ càng. Sự sắp đặt và hòa quyện của tất cả các nguyên liệu đã đến cho bánh mì Hội An một hương vị riêng biệt mà không nơi nào có được. Ngoài ra màu sắc cũng vô cùng sống động, hấp dẫn bởi những màu sắc của nguyên liệu: xanh đỏ, trắng, vàng… khiến du khách không thể cầm lòng trước một món ăn dậy mùi quyến rũ lại vừa đẹp mắt.

Bánh vạc

Về Hội An mà chưa ăn bánh vạc, xem như chưa hưởng hương vị đặc trưng của mảnh đất này. Đây là món ăn khá sang trọng, nổi tiếng ngon và lạ với tên gọi thi vị: “bánh hoa hồng trắng”… bởi hình dáng nhỏ xinh như một bông hoa cùng mới màu trắng muốt của bột gạo hấp.

Khi ăn, bánh vạc sẽ cho vị ngọt của nhân tôm, mùi thơm béo của gạo trắng nước trong cùng những lát hành phi béo ngậy và hương vị cay nồng của ớt.

Phần nhân bánh làm từ tôm đất giã nhuyễn, nấm tươi trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị gia truyền. Túm những chiếc bánh vừa xong thành hình quai vạc để làm bánh vạc và viền nhẹ vỏ bánh thành hình dáng như một bông hoa hồng để làm bánh bao. Hấp cách thủy bánh chừng 10 phút thì vớt ra và xếp bánh ra đĩa rồi.

Những chiếc bánh vạc nóng hổi màu trắng, vừa mềm vừa dai sẽ được rải thêm một lớp hành phi lên và ăn cùng nước chấm pha chế từ nước luộc tôm. Hương vị đậm đà, béo béo, ngọt ngọt nhân thịt chấm với những giọt nước mắm chua chua, cay cay quyện vào với nhau. Món đặc sản này vừa đủ khiến các tín đồ ẩm thực khó tính nhất cũng không thể quên được nếu được một lần thưởng thức.

Hoành thánh

Vốn là một món ăn có nguồn gốc từ Trung Hoa, song hoành thánh đã nhanh chóng trở thành một trong các món ngon đặc sản Hội An được người dân và du khách thập phương yêu thích.

Hoành thánh ở Hội An có 2 loại: chiên hoặc hoành thánh nước theo khẩu vị của thực khách. Với phần vỏ dai mềm cùng nhân thịt đậm đà, thưởng thức theo cách chiên hay kết hợp với nước súp rau củ thanh ngọt cũng khiến thực khách mê mẩn.

Lớp vỏ bánh được làm từ bột trộn với trứng gà. Phần nhân bánh có thể khác nhau, nhưng thường được làm từ thịt heo, tôm, mộc nhĩ, hành lá,… đã được xay nhuyễn, trộn đều với nhau và ướp thêm gia vị gồm tiêu, muối, đường,… Bỏ hỗn hợp nhân vào lá hoành thánh và gói chúng khéo léo lại với nhau sao cho bánh đẹp mắt và hấp dẫn nhất.

Bánh ướt cuốn thịt nướng

Bánh ướt cuốn thịt nướng có hình dạng và cách làm gần giống món bánh phở cuốn ở miền Bắc. Thế nhưng, bánh ướt cuốn thịt nướng ở Hội An lại luôn tạo ra hương vị thơm ngon khó cưỡng khiến thực khách không khỏi xuýt xoa rạo rực.

Món ngon này là những xiên thịt nướng nóng hổi, thơm phức vừa được nướng trên than hồng sẽ được cuốn kèm rau thơm, dưa chuột, bọc bên ngoài là miếng bánh ướt dẻo dai. Thịt nướng là loại thịt vai, vừa nạc vừa mỡ để khi nướng, lớp mỡ chảy ra giúp thịt mềm mà không bị khô. Ngoài các loại cơ bản, gia vị để ướp thịt còn có ngũ vị hương, tiêu, sả, hành tím, mật ong. Nhiều hàng cầu kỳ còn cho thêm rượu trắng vào để tăng mùi vị.

Độ ngon của món ăn hơn thua ở chén nước chấm. Người Hội An thường dùng tương đậu pha với đậu phộng thành thứ nước có độ sệt và cay. Nhiều quán còn cho thêm mè rang vào để tăng hương vị. Chậm rãi chấm vào nước sốt rồi cho vào miệng, du khách sẽ cảm nhận được vị bùi bùi, mặn cay từ nước chấm trước rồi đến miếng thịt được ướp đậm đà hòa quyện với bánh ướt và rau.

Ốc hút

Một trong những món ăn khá vui mắt vui miệng ở Hội An là ốc hút. Ốc hút có nhiều loại, nhưng đặc điểm chung là đều khá rẻ. Ốc hút ăn vui miệng bởi nó vừa có sự cay nóng của ớt, vừa ngon ngọt của ốc và nước chấm, thơm của sả, mà đặc biệt lại rất nhiều. Chắc cũng phải kiên trì lắm mới có thể ngồi khều hết một lon khi mà có những loại ốc chỉ bé bằng nửa cái móng tay.

Chè bắp

Nếu đã nếm thử các món ăn mặn, các du khách có thể ăn thử món chè ngô ngọt mát của Hội An. Chè bắp được nấu từ những bắp ngô Cẩm Nam thơm dẻo chắc hạt nổi tiếng phố Hội. Bắp tươi bẻ về được làm sạch vỏ và râu bắp, luộc qua lên để lấy nước bắp thơm ngọt rồi nạo mỏng phần hạt cho tới khi chạm lõi. Bát chè bắp sánh mịn, trong suốt với màu vàng tươi của hạt bắp non khiến du khách không thể kìm lòng mà chỉ muốn được thưởng thức ngay.

Để tăng thêm vị thơm ngọt cho chè bắp, người ta thường rưới lên trên một chút cốt dừa béo ngậy, sền sệt. Khi ăn sẽ trộn đều chè với cốt dừa để cảm nhận hương thơm hấp dẫn của bắp sánh quyện với mùi thơm hấp dẫn của dừa.

Chè xí

Chè xí mà chính là món ngon đặc sản Hội An có tuổi đời gần trăm năm. Đó là điều du khách không nên bỏ qua đặc sản này. Chè xí mà là mè đen, đường bát, các loại lá cây dược liệu và rau ngót, ăn có vị thanh mát mà còn là thức uống được ví như thang thuốc bổ rất tốt cho hệ tiêu hóa, bồi bổ cơ thể hay là lưu thông mạch máu.

Thưởng thức chén chè xí mà nhỏ xíu, nóng hổi, du khách không chỉ cảm nhận vị ngọt ngào thấm dần nơi đầu lưỡi mà còn thoải mái tận hưởng sự ấm áp bên bờ sông Hoài đầy gió, ngắm dòng người qua lại.

Bánh đậu xanh

Du khách khi đến với Hội An thường truyền tai nhau rằng, nếu đến Hội An mà chưa được thưởng thức chén trà chanh xả và nhâm nhi chút bánh đậu xanh thì thật là uổng phí.

Bánh đậu xanh là một món ăn quen thuộc của người Việt Nam ở khắp ba miền, nhưng mỗi vùng đất sẽ đều mang những dấu ấn và hương vị riêng, và bánh đậu xanh Hội An cũng vậy. Cái thú khác biệt của món bánh nơi đây nằm ở chỗ, bánh khi được nén thành hình sẽ không được hấp chín như thông thường mà phải nướng lên. Thật tuyệt vời làm sao khi giữa không gian bình yên của phố cổ, bên chén trà thanh mát, du khách được thưởng thức vị ngọt thơm của bánh đậu xanh nướng, chút đậm đà mà khó quên.

Bánh Tổ

Bánh tổ cùng với món cao lầu là hai món ăn truyền thống, đặc trưng cho “văn hóa ẩm thực” và là món ngon, đặc sản phố cổ Hội An từ hàng trăm năm qua.

Nguyên liệu gồm có nếp và đường. Nếp phải chọn loại nếp thật tốt, phơi thật khô rồi đem xay thành bột. Bột nếp và đường đem “sên” cho thật kỹ, lọc bỏ hết tạp chất rồi thêm vào chút nước gừng tươi để làm tăng hương vị. Sau đó cho bột vào chiếc khuôn đan bằng nan tre trông như rọ có đường kính chừng 10-15cm, bên trong có lót sẵn lớp lá chuối khô. Bánh được gói lại và dùng tăm tre ghim kín các mép lá. Mỗi bánh cân nặng chừng 500 gam.

Bánh tổ đem hấp chín, vớt ra để nguội rồi cất vào nơi thoáng mát. Tùy theo bột và đường sên mà bánh có nhiều màu khác nhau, từ mầu trắng đục cho đến màu ngà hay nâu nhạt và giá cả có chênh lệch ít nhiều. Đặc trưng của bánh tổ Hội An là vừa dai vừa dẻo, hương vị đậm đà thơm ngon, có thể để được lâu mà không sợ bị ẩm mốc. Khi ăn, có người thích cứ lấy cái bánh tổ xắt ra từng miếng và ăn ngay. Có người lại thích nướng trên bếp than hồng cho mềm đi rồi mới ăn. Nhưng cách nhiều người thích nhất là xắt miếng và chiên với dầu phụng (dầu đậu phộng). Miếng bánh tổ béo ngậy, thơm lừng mùi đường, mùi gừng, mùi nếp. Bỏ miếng bánh tổ vào miệng, nhai và nuốt đến đâu cảm giác vị ngọt, thanh lan tỏa đến đó. Đậm đà và thú vị lắm!

Bánh thuẫn

Những chiếc bánh màu vàng ươm giống như một bông hoa mai được làm từ trứng gà bột và một số gia vị khác, đã luôn là món ăn đặc sản Hội An được các gia đình làm trong những ngày đặc biệt như cúng giỗ và các dịp tết truyền thống của dân tộc.

Để làm được mẻ bánh thơm ngon, giữ được hương vị, phải chuẩn bị khá công phu từ khâu làm bột. Bột được làm từ củ bình tinh, chọn loại mới trắng như sữa, sờ vào mát mịn cả da tay, như vậy khi đổ đánh bột dễ kết dính, bánh ra lò vừa mịn vừa đẹp.

Cho trứng gà vào tô, đánh thật bông lên, rồi cho từ từ đường vào, tiếp tục đánh sao cho hỗn hợp nổi bông đặc. Tiếp theo là cho tất cả bột và vani vào khuấy đều theo một chiều cho tới khi tất cả nguyên liệu hòa quyện vào nhau mịn màng, đánh mạnh từ dưới lên trên từ trong ra ngoài, đánh càng nhiều, càng mạnh tay cho nổi bọt thì lúc đổ bánh mới ngon.

Khuôn bánh thuẫn được làm bằng đồng, tùy theo kích cỡ khuôn mà số lượng ô bánh dao động từ 8-16 ô. Dùng than củi nướng mới đúng hương vị đặc trưng của bánh. Khi than đỏ, cho lên phía trên nắp khuôn để làm nóng cả hai mặt khuôn. Trước khi đổ bánh, quét dầu ăn đều lên các lỗ đúc của khuôn bánh cho khuôn trơn hơn và dễ lấy bánh ra khi nướng xong. Đợi khuôn nóng, múc bột đổ đầy các ô sao cho ngang mép khuôn rồi đậy kín, để trên lò than và gắp than đang đỏ bỏ lên nắp khuôn cho khuôn nóng hơn và bánh chín đều. Tầm 4-5 phút sau là bánh chín, sử dụng tăm xiên bánh nhấc ra bột không dính vào tăm là được.

Bánh thuẫn thơm béo, mềm xốp khá hấp dẫn, tin rằng ai đã thử qua vị bánh này đều không thể quên được. Có vị mát của bột bình tinh, thanh ngọt dịu của đường, hương bánh cứ thoang thoảng khi miếng bánh tan chảy nơi đầu lưỡi, ăn hoài không ngán. Bột bình tinh được mài từ củ bình tinh hay còn gọi là củ dong, đây là loại củ rất tốt cho hệ tiêu hóa cũng như hỗ trợ điều trị một số bệnh liên quan tới da, nóng trong cơ thể.

Bánh Bò

Bánh bò được xem là một trong số những món quà dân dã mà du khách có thể mua được dễ dàng trên khắp các nẻo đường phố Hội.

Để chế biến ra được chiếc bánh bò, người thợ làm bánh cũng phải trải qua nhiều công đoạn. Bột mì là nguyên liệu chính để làm bánh, người ta phải trộn bột với nước đường vừa thắng tới, cho thêm một chút men chua vào rồi trộn cho đều, sau đó mang bột đi ủ nửa ngày. Bột bánh đã lên men thì được nắn thành bánh hình tròn nhỏ, đặt lên xửng cho vào nồi hấp. Lúc nào mà thấy bánh cứng, mặt rỗ, lấy tăm xiên vào được là bánh đã chín. Bánh bò không chỉ có vị ngọt mà còn có vị chua thanh của men, vị thơm dịu của dừa nạo nên rất được ưa thích.

Bánh Xoài

Với 3 nguyên liệu đơn giản bột nếp, đậu phộng và đường, bánh xoài được xem là một trong những món ăn vặt được trẻ con yêu thích nhất. Cách làm bánh xoài Hội An khá đơn giản. Nhân đậu phộng được giã cùng với mè và đường cát, nhồi vào lớp bột nếp dẻo đã được chuẩn bị sẵn, sau đó được khéo léo nắn thành hình tựa như quả xoài. Cuối cùng là một lớp áo bột phủ bên ngoài để bánh không bị dính lại với nhau.

Lớp bột nếp bên ngoài thơm lừng cùng với hương vị mặn bùi của đậu phộng thêm vị ngọt của đường khiến cho món bánh này trở thành một trong những món bánh đáng để thử khi đến dạo quanh phố cổ Hội An.

Bánh Lăn

Với người Hội An thì vào những dịp Tết âm lịch hay những ngày giỗ, chạp, Bánh Lăn là một món không thể thiếu được trên bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên.

Để làm ra được những chiếc bánh thơm ngon, đòi hỏi những người thợ bánh phải cẩn thận chế biến qua nhiều công đoạn khác nhau. Bột nếp sau khi xay mịn phải được đem rang chín tiếp theo trộn gừng đã giã nát, cùng với một chút đậu phộng và một ít mè lên rồi đổ nước đường đã thắng vào. Kế đó người thợ phải vừa dùng cây khuấy đều, vừa nhồi bánh thật nhanh để nước đường thấm vào bột. Nhồi đến khi nào bột dẻo thì lăn bột tạo thành những chiếc bánh nhỏ nhỏ xinh xinh.

Chính vì thế bánh mới có tên gọi độc đáo là bánh lăn vì khi chế biến người ta không nặn bánh mà dùng tay lăn bánh thành những hình tròn nhỏ xinh. Sau công đoạn chế biến miệt mài đó, thành quả cho ra những chiếc bánh mịn màng với màu trắng trong, mang theo mùi thơm của gừng hoà quyện trong hương thơm nồng của bánh làm cho người thưởng thức không thể cầm lòng.

Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai là một trong số những món đặc sản Hội An nổi tiếng mà du khách luôn muốn có dịp thưởng thức. Bánh ít lá gai có mặt ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, song tại Hội An thì bánh có nét đặc trưng hơn cả nhờ hương vị khác lạ.

Bánh ít lá gai ở Hội An có màu đen, vịt ngọt đậm, nhân được làm từ đậu xanh giã nhuyễn xào chín, gói bằng lá chuối khô rồi đem hấp cách thủy. Thành phẩm ra đời là một chiếc bánh tròn trịa, khi ăn có cảm giác dai dai của lá gai quyện với đậu xanh rất đậm đà.

Nếu không thích vị ngọt, thì ở Hội An người ta còn làm thêm bánh ít nhân mặn làm từ mộc nhĩ, cà rốt, và đặc biệt được làm hoàn toàn từ bột nếp. Nên nó được xem là một biến thể khác lạ của bánh ít lá gai là bánh ít mặn.

Bánh Ú Tro

Bánh Ú Tro là món ngon truyền thống của Hội An thường được làm vào dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch, theo sự tích dân gian truyền lại rằng: vào thời chiến quốc tại nước Sở có một người tên là Khuất Nguyên vừa là một nhân tài nhưng không đuợc vua trọng dụng. Nên ông đã trầm mình tại sông Mạch La thuộc nước Sở vào ngày 5 tháng 5 âm lịch. Từ đó về sau, cứ đến ngày giỗ ông, nhân dân làm bánh ú tro thả xuống sông để cúng ông, vì bánh Ú Tro có 4 góc nên thả xuống nước cá không ăn được.

Trải qua thời gian nét văn hóa của người Trung Hoa đã được người Việt tiếp thu và chuyển hoá thành Tết Đoan Ngọ với tục giết sâu bọ khá đặc trưng. Bánh ú tro được xem là một trong những món ăn đặc sản Hội An vì nhờ có nguồn nước nơi này đã làm cho cái bánh thêm mềm, dẻo, và có hương thơm đặc trưng, khi ăn không cần chấm đường cát cũng cảm nhận được vị ngọt béo, thanh thanh của nếp.

Bánh Su Sê

Bánh Su Sê còn được gọi với cái tên đài các, kiểu cách là bánh Phu Thê. Chiếc bánh tuy nhỏ bé, bình dân nhưng gắn liền với câu chuyện tình chung thủy của vợ chồng mà người dân phố Hội vẫn lưu truyền, vẫn tin yêu.

Phần nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh hình vuông như biểu hiện cho vuông tròn của triết lý âm dương, thể hiện sự chở che ôm ấp của tình nghĩa phu thê. Nhân bánh óng ả vàng, lá dong xanh nền nã, thân bánh trắng nõn nà, mỗi cặp bánh phu thê như một lời cầu chúc hạnh phúc cho lứa đôi.

Bánh Su Sê muốn ngon và đẹp mắt thì phải khắt khe từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến chế biến thành phẩm. Gạo được dùng để làm vỏ bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng hạt mẩy, đều. Sau đó, gạo được ngâm và đem ra xay, lọc thật kỹ. Nhân bánh được làm từ đậu xanh và dừa. Đậu xanh được ngâm trong nước cho mềm, đãi sạch vỏ rồi hấp chín. Khi đậu xanh nguội thì đem tán nhuyễn, cho đường vào rồi bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ đến khi đặc quánh lại không dính tay là được. Để thêm vị thơm ngon, người ta còn cho thêm vào một chút nước hoa bưởi. Dừa thì được nạo thành sợi, trụng qua nước sôi với chút muối để sợi dừa giòn dai.

Công đoạn gói bánh cũng rất công phu, tỉ mỉ. Đồng thời, điểm đặc biệt của những chiếc bánh Su Sê chính là những chiếc khuôn vuông nhỏ xinh làm từ lá dừa tươi, không giống với bánh hình tròn dẹt gói bằng giấy kính ở trong Nam hay ngoài Bắc nên nhìn rất đẹp mắt. Đầu tiên, người ta đổ một lớp mỏng bột đã nấu với dừa vào khuôn rồi cho nhân đậu xanh vào và đổ tiếp một lớp bột nữa lên trên rồi đem đi hấp chín. Ngoài ra, khi làm bánh, người làm còn quét lên lá một lớp mỡ hoặc dầu để khi bóc bánh không bị dính, lại làm cho bánh có độ ngậy và béo rất đặc trưng.

Bánh luộc chín tỏa mùi thơm ngon hấp dẫn, làm nao lòng những vị khách phương xa. Bánh Su Sê phải ăn khi nguội, ta mới cảm nhận hết được độ dẻo, dai và giòn của vỏ bánh. Tiếp đến là mùi vị thơm ngon béo ngậy của đậu xanh, hạt sen và dừa tươi trong nhân bánh. Độ dẻo, dai và giòn của vỏ bánh và mùi vị thơm ngon béo ngậy của nhân bánh khiến người ăn nhớ mãi không thôi.

Bánh Tằm

Bánh Tằm từ lâu đã trở thành một món ngon ăn chơi không thể thiếu đối với người dân Hội An, được làm từ nguyên liệu chính là khoai mì (củ sắn). Để làm bánh tằm người làm bánh khéo léo tách vỏ sắn và rửa thật sạch, chẻ đôi sắn trước khi ngâm nước lạnh pha muối chừng nửa ngày. Sau đó mài nhuyễn sắn rồi cho vào túi vải, vắt ráo và giữ lại nước để lắng, thì lấy phần bột đọng bên dưới. Để tạo màu cho bánh, người thợ phải khéo tay phải vắt nước cốt dừa tạo màu trắng, giã lá dứa tươi để lấy nước màu xanh tự nhiên, sử dụng nước cà rốt tạo màu đỏ, hồng.

Công đoạn tiếp theo là lấy bột sắn đã vắt ráo đổ ra thau trộn chung với đường, bột năng, trộn phần nước màu theo tỉ lệ thích hợp. Trộn hỗn hợp trên cho thật đều tay, cắt bột thành từng đoạn nhỏ vừa ăn rồi đem hấp. Bánh chín sẽ lăn qua hỗn hợp dừa bào vụn rưới ít nước cốt dừa lên trên, rắc thêm chút mè rang ăn kèm để tạo nên vị đặc trưng của đặc sản này.

Bánh Tằm hấp dẫn thực khách bởi cảm giác dai, vị thơm bùi và cả vị béo ngậy của nước cốt dừa, thoang thoảng mùi thơm của mè rang tạo nên một hương vị vô cùng độc đáo và hấp dẫn.

Airbooking đã tổng hợp Top 26 món ngon Hội An du khách nhất định phải thử. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho du khách trong chuyến du lịch Hội An sắp tới. Hãy lên kế hoạch ngay cùng Airbooking với Combo Hội An bao gồm vé máy bay khứ hồi và phòng khách sạn để có chuyến du lịch nhiều ý nghĩa nhé!