Đến với Hội An, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính của nó từ những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, đến những bãi biển thơ mộng tại Cửa Đại hay sự tươi mát của Cù Lao Chàm và những ánh đèn lung linh sắc màu khi về đêm. Tất cả những điều đó tạo nên cái nét rất riêng của Hội An mà ai đã đến nơi đây rồi đều muốn ghé lại một lần nữa.

Hội An là nơi giao thoa giữa 2 nền văn hóa Đông và Tây, là sự kết hợp văn hóa tinh hoa của Việt, Trung, Nhật và Châu Âu. Trải qua hàng trăm năm lịch sử với biết bao thăng trầm của đất nước, phố cổ Hội An vẫn gìn giữ được sự nguyên vẹn của các công trình kiến trúc văn hóa cổ. Đặc biệt nếu “bỏ túi” 34 địa điểm ở Hội An dưới đây, thì chắc chắn du khách sẽ khám phá hết được những điều thú vị nhất tại thành phố nhỏ bé mà mang đậm bản sắc này.

Sông Hoài

Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn chảy qua Hội An. Với người dân nơi đây nói riêng và khách du lịch nói chung, con sông này như biểu tượng không thể tách rời của phố cổ. Không chỉ vậy, dòng sông nhỏ hiền hòa này còn gắn liền với cuộc sống mưu sinh của dân cư phố Hội. Nghề chính của họ là chèo thuyền, đưa khách du lịch tham quan.

Một ngày trên sông thường bắt đầu từ sáng sớm. Chính vì nhu cầu muốn ngắm bình minh, nhiều đoàn khách thường tới bến thuyền từ sớm. Do vậy, người dân nơi đây phải chuẩn bị trước, khi có khách là sẵn sàng lên đường. Một chuyến lênh đênh sông nước có giá từ 30.000 đến 50.000 VNĐ. Du khách sẽ được du ngoạn phố Hội trong vòng 30 phút. Với những đoàn khách đông hơn, mức giá khoảng 100.000 VNĐ.

Điểm hấp dẫn nơi đây là các con thuyền đều không sử dụng động cơ máy. Điều này khiến du khách được cảm nhận rõ rệt nhất về sự cổ kính và nét giản dị, gần gũi nơi đây. Không chỉ chiêm ngưỡng cảnh đẹp Hội An, du khách còn được nghe những câu chuyện thường ngày thú vị từ người lái đò. Cùng tiếng mái chèo khỏa nước giữa không gian yên bình, ấn tượng về miền đất bình yên trong mỗi người cứ thế đầy lên. Vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, du khách đều thấy những con thuyền nhỏ chở khách trên sông nước. Dù sáng sớm nắng nhẹ, chiều tàn…

Quảng trường Sông Hoài

Quảng trường Sông Hoài có một khuôn viên khá rộng với diện tích 01 hecta, lại trải dài bên bờ sông Hoài thơ mộng, ngay cạnh khu vực Phố cổ, đường giao thông đi lại khá thuận tiện.

Đặc biệt, nơi đây như là điểm hẹn của các sự kiện lễ hội, hội nghị, lễ meeting trọng đại của thành phố, quốc gia và cả quốc tế như: lễ hội Việt Nhật, lễ hội hành trình di sản, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008, gần đây nhất là cuộc thi Hợp xướng quốc tế lần thứ nhất tại Việt Nam – Hội An, Quảng Nam,… Cũng chính nơi đây thường được chọn là điểm đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và quốc tế,…

Không gian thứ nhất là tòa nhà chính với phòng Hội nghị rộng 250m2; phòng họp VIP rộng 18m2, đạt tiêu chuẩn quốc tế về trang thiết bị cũng như đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp; phòng triển lãm ở tầng trệt của tòa nhà có khả năng thích nghi tốt để cung cấp các dịch vụ như: triển lãm, tiệc cưới hỏi, sinh hoạt… theo yêu cầu. Khu vực thứ hai là gồm một khuôn viên vườn xinh xắn có thể tổ chức các hoạt động ẩm thực dân gian kết hợp tổ chức giao lưu, sinh hoạt nhỏ, một quảng trường khá rộng trải dài dọc bờ sông để tổ chức các hoạt động lễ hội, trình diễn nghệ thuật, hội chợ,…

Cùng với khuôn viên quảng trường thoáng đẹp là một mặt sông khá rộng, thơ mộng có thể tổ chức hiệu quả các dịch vụ dạo mát trên các thuyền ngang, tổ chức các hoạt động thể thao sông nước như đua thuyền ngang,…

Ngoài ra, cùng với bãi đổ xe và hệ thống nhà vệ sinh được đầu tư khá khang trang và hiện đại. Quảng trường còn là điểm đón tiếp khách tham quan Khu phố cổ Hội An.

Chùa Phước Lâm

Cách Phố cổ nhộn nhịp, sầm uất không xa, ngôi chùa Phước Lâm với niên đại hơn 200 năm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc nơi cảnh chùa. Ngôi chùa như một chốn thanh tịnh dành cho những người dân Hội An, không những thế nơi đây còn trở thành điểm đến thăm quan hấp dẫn khách du lịch.

Theo những tài liệu sử sách có ghi chép thì ngôi chùa được xây dựng từ những năm của thế kỷ 18, mang đậm nét kiến trúc phong kiến Á Đông, do Hòa thượng Minh Giác khai sơn. Sau đó là những đóng góp xây dựng của những vị trụ trì khác trong việc trùng tu, tôn tạo cảnh chùa.

Được thiết kế, xây dựng theo hình chữ “Môn”, ngôi chùa được chia làm ba phần chính, đầu tiên là cổng tam quan, tiếp đến là sân chùa, cuối cùng là chính điện nơi thờ cúng chính. Cổng tam quan được xây bằng gạch, với hai bên là hai cửa Đông và Tây, cửa chính được đề ba chữ “Phước Lâm Tự” ở phía trên. Tiếp tới là sân chùa Phước Lâm, được trồng rất nhiều cây xanh, với bầu không khí trong lành. Đi sâu vào trong sẽ tới chính điện, chính điện được xây dựng theo kiểu ba gian, hai chái, với hai đầu là hai gác chuông lớn, các mái đều được lợp bằng ngói âm dương, đỉnh nóc hình huyền với hai đầu uốn cong được trang trí với hình rồng chầu.

Trong chùa đang lưu giữ rất nhiều những hiện vật có giá trị, đặc biệt có thể nhắc đến bộ bát sứ cổ, hay những mộc bản cổ được chạm khắc tinh tế… Không những thế, trong sân chùa cũng là nơi đặt rất nhiều những pho tượng lớn được tạc từ những đời các vị trụ trì trước đây của chùa để lại.

Chùa Pháp Bảo

Pháp Bảo là đạo hiệu của tổ Minh Hải, thiền phái Lâm Tế Chánh tông đời thứ 34, khai sơn chùa Pháp Bảo – Hội An. Kế thừa tổ đạo, Thượng tọa Thích Bảo Lạc (du học Nhật Bản, qua sự giới thiệu của TT. Thích Như Điển, Hội PGVN tại NSW bảo lãnh) đời thứ 43, khai sơn chùa Pháp Bảo – Sydney.

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí tượng đức Phật Thích Ca thuyết pháp, phía trước đặt tượng đức Phật A Di Đà và tượng Bồ tát Di Lặc. Án thờ hai bên đặt tượng Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí.

Chùa được Thượng tọa Thích Hạnh Niệm tổ chức đại trùng tu vào năm 2000. Chùa hiện đặt văn phòng Ban đại diện Phật giáo TP. Hội An.

Chùa mở cửa mỗi ngày tiếp đón khách thập phương lễ bái cầu nguyện, học đạo tu hành với những lễ cầu an cầu siêu, thành hôn, khoá thiền, tu bát quan trai, lớp giáo lý… Đặc biệt từ 3 năm nay mỗi năm chùa có tổ chức khóa tu gieo duyên một tháng để những ai mến nếp sống thanh tịnh của thiền môn đều có thể tham dự tập sự sống đời xuất gia vào dịp nghỉ cuối năm.

Chùa Chúc Thánh

Chùa Chúc Thánh tọa lạc tại phường Tân An và nó nằm nép mình dưới những tán cây cổ thụ rợp bóng nên mang trong mình dáng vẻ uy nghi nhưng rất cổ kính. Điểm nhấn đặc biệt của ngôi chùa chính là phong cách kiến trúc kết hợp giữa Trung Hoa và Việt Nam.

Ngôi chùa này nổi bậc với khu tháp cổ bao gồm 16 tháp mộ cũng chính là nơi lưu giữ nhục thân của của Tổ sư Minh Hải cùng với các chư Tăng trong môn phái. Với khu vực Chính điện được xây dựng nằm uy nghiêm ở giữa cùng với hệ thống kèo cột dựng vững chãi nên sẽ mang đến không gian thoáng đãng cho tổng thể ngôi nhà. Điểm đặc biệt nữa đó là mái chùa lợp bằng ngói âm dương, bên trên chính là cặp long và cặp phụng với những hoa văn tỉ mỉ, tinh tế vô cùng độc đáo.

Chùa Long Tuyền

Chùa Long Tuyền thuộc hệ phái Bắc tông, là một trong những ngôi chùa nổi tiếng thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An.

Nhìn tổng thể, chùa Long Tuyền có diện tích trên 1.500m2, mặt tiền quay về hướng Đông Nam. Tam quan chùa nằm sát đường bêtông, cửa vào ra dạng vòm cuốn, phần trên tam quan có ghi “Tam quan chùa Long Tuyền”. Bước qua tam quan là hai lối dẫn vào chùa được láng ximăng, hai bên là vườn hoa. Các hạng mục kiến trúc lớn của chùa gồm 4 công trình nằm trên trục dọc. Nếu lấy chánh điện làm trung tâm thì các công trình còn lại được bố trí như sau: bên phải là nhà tăng, trai đường, phòng tiếp khách, phòng trụ trì; bên trái là giảng đường, chính giữa là chánh điện, cách chánh điện khoảng 10m về phía Bắc là Tổ đường.

Chánh điện là công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật nhất, kết cấu theo kiểu tiền đường hậu điện. Công trình được lợp ngói âm dương. Các trụ tiền đường đúc bằng bê tông cốt thép hình tròn. Bờ nóc, bờ chảy cẩn sành sứ hoa văn rồng, hoa lá. Chánh điện có lối vào được đóng mở bằng sáu cánh cửa bằng gỗ kết cấu “thượng song hạ bản”. Chánh điện được chia làm 3 gian 2 chái, ba gian giữa thờ tự, 2 chái là hành lang. Xà cò chánh điện có ghi Ấn nghiêm Đại sư khai sơn chùa Long Tuyền năm Kỷ Dậu (1909), Đại trùng tu năm Quý Dậu (1993). Phía Tây Bắc chánh điện còn có tháp tổ là nơi an táng cố hòa thượng Phổ Thoại được chạm khắc tinh xảo, đỉnh tháp trang trí hình hoa sen.

Hệ thống thờ tự trong chùa rất phong phú và trang nghiêm, gồm có Quan âm Thiên thủ thiên nhãn, Tiêu diện Đại sĩ, Hộ Pháp Vi Đà, Tam thế phật ở sân chùa. Bộ tượng chính ở Đại hùng Bửu điện thờ Đức Phật thích ca và Di đà Tam Tôn gồm tượng Phật Di Đà ở giữa, bên phải là Quan Thế Âm Bồ Tát, bên trái là Đại Thế Chí Bồ Tát. Ngoài ra còn có thờ Phổ Hiền Bồ tát, Văn Thù Bồ Tát và Thập Bát La Hán. Phía sau chính điện là Hậu đường thờ Lịch đại tổ sư. Sau cùng là Tổ đường thờ Bồ Đề Đạt Ma, long vị và di ảnh các cố Hòa thượng trụ trì của chùa.

Cũng như các ngôi chùa khác, hàng năm tín đồ trong chùa tổ chức những ngày lễ tế lớn sau: Vía Phật Đản sanh, Vía Quan Thế âm, Vu Lan báo hiếu, Vía Đức Phật thành đạo… Bên cạnh đó, tín đồ trong chùa còn tổ chức kỵ tổ Ấn Nghiêm Tổ Thân Phổ Thoại (1875-1954); Hòa thượng Chơn Quả Đạo Trấn Đương Như (1881 – 1961).

Hiện nay, chùa Long Tuyền nằm trong sự quản lý của giáo hội Phật giáo thành phố Hội An, được các chư tăng, đại đức trong chùa bảo quản và hương khói thường xuyên. Chùa Long Tuyền có niên đại trên 100 năm, có nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa. Các hiện vật trong di tích bảo quản tương đối nguyên vẹn như tượng, chuông, liễn đối, hoành phi… Chùa còn là một địa điểm sinh hoạt tôn giáo đặc trưng của phái Lâm Tế Chúc Thánh, góp phần làm phong phú thêm đời sống tôn giáo Hội An.

Chùa Cầu

Chùa Cầu nằm vắt mình qua Sông Hoài quanh năm ôm ấp thành phố, xung quanh được bao bọc bởi khu phố cổ nghìn năm lịch sử.

Chùa Cầu hiện toạ lạc trên đoạn tiếp giáp giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú, thuộc phố cổ Hội An. Tổng chiều dài cây cầu dài khoảng 18m có mái che mưa, che nắng. Tương truyền, vào năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Lai đã đến thăm chùa và ban tặng cho chùa ba chữ “Lai Vãn Kiều”, có nghĩa là “Bạn từ phương xa đến”, như một sự trầm trồ, ngợi khen, đồng thời thể hiện tấm lòng yêu mến khung cảnh nơi đây và cũng như một cách ghi dấu bước chân Chúa đã từng ghé qua miền đất này.

Khéo léo được đặt trên một cây cầu, dưới là dòng nước mát trong, trên là nóc nhà bình yên che chở, Chùa Cầu là đại diện tiêu biểu cho lối kiến trúc truyền thống của các nước phương Đông. Chùa Cầu là một trong những địa điểm tham quan đầy ý nghĩa, sẽ là điểm dừng chân hoàn hảo cho chuyến đi của du khách bởi nét kiến trúc độc đáo của những cây cột bằng gỗ, được sơn son, chạm trổ kỳ công, tỉ mỉ.

Chùa Cầu được gọi là chùa nhưng không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ – một vị thần bảo hộ xứ sở, đem niềm vui, hạnh phúc đến cho con người trên mảnh đất này. Bởi vậy, hàng năm, không chỉ người dân mà du khách cũng đến đây, không chỉ là địa điểm tham quan, khám phá mà còn để tìm chút thanh thản, bình yên cho những tâm hồn đã quá xáo động.

Chùa Ông Hội An

Tọa lạc ở số 24 đường Trần Phú, Chùa Ông Hội An còn có tên gọi khác là Quan Công Miếu. Tên chữ tiếng Tàu là “Trừng Hán Cung” được người Minh Hương định cư tị nạn tại Hội An và người Việt xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 17, thờ vị tướng tài ba thời Tam Quốc là Quan Vân Trường (Quan Công).

Toàn thể ngôi chùa gồm 4 tòa nhà, một tiền đình, hai gian tả, hữu và một chính điện rộng lớn. Bốn tòa cất xây theo kiểu hình vuông và kiến trúc, cấu trúc theo kiểu chồng tránh, ngói và nóc được lợp rất độc đáo, trang trí Rồng, Giao.

Chính điện đặt pho tượng Quan Công, mặc thanh bào thêu rồng nổi kim tuyến, nét mặt oai nghiêm tươi sáng, đôi mắt sắc mà lung linh nhìn về phía trước. Hình tượng Quan Công được tô điểm khá kỳ công dưới bàn tay tài hoa của người thợ xa xưa. Chính điện còn có hai pho tượng Châu Thương, người nô tì dũng cảm, trung thành của Quan Công và tượng Quan Bình nghĩa tử. Ngoài ra, còn thêm hai con ngựa thờ cao bằng ngựa thật, bên tả là con ngựa trắng, bên hữu là con ngựa xích thố – con ngựa mà Quan Công rất thích cưỡi khi được Tào Tháo ban cho. Đứng trước những pho tượng này du khách không thể không bật lên lời ngợi khen bàn tay tinh xảo tỉ mỉ của người thợ tạo hình từ xa xưa.

Hiện nay, trong Chùa Ông Hội An còn rất nhiều biển liễn, hoành phi, sắc phong, bia đá và những hiện vật cổ, đặc biệt là còn lưu lại bài thơ đề vịnh của Nguyễn Nghiễm (thân phụ của Đại thi hào Nguyễn Du) xướng và hai bài họa của Uông Sĩ Cư và Nguyễn Lệnh Tân cùng bài ngụ ngôn cổ phong của Nguyễn Nghiễm.

Mấy bài này làm vào năm 1775, lúc Nguyễn Nghiễm phụng chức tả tướng quân Bình Nam vào đóng quân ở Hội An. Đó là một di tích lịch sử lưu dấu vết xa xưa trong thời phân tranh Trịnh – Nguyễn còn lại ở xứ Đàng Trong từ thế kỷ 18 cho đến ngày nay.

Chùa Bà Mụ

Nằm trên trục đường Hai Bà Trưng, không xa chùa Cầu, đây là hạng mục cổng của một tổ hợp công trình kiến trúc văn hóa tín ngưỡng Cẩm Hà cung và Hải Bình cung, dân gian thường gọi là “Chùa Bà Mụ”. Di tích từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư Hội An nói chung và cộng đồng làng Minh Hương nói riêng.

Chùa gồm một ngôi nhà ba gian làm Điện, phía trước điện có một nhà bia, hai bên nhà bia là hai nhà trù, cách một khoảng sân rộng là tam quan chùa. Trong điện, gian chính giữa là Hải Bình Cung thờ Đức Thiên Hậu Thánh Mẫu, phụ thờ 12 bà mụ, phía trước có thờ tượng hai vị thần Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ. Gian trái là Cẩm Hà Cung thờ Đức Bảo Sanh Đại cùng 36 vị tôn thần, tượng các vị này xếp thành hai hàng. Gian còn lại thờ Thổ Kỳ và Tổ đình Minh Hương.

Hội An vốn dĩ đã rất đẹp với những góc phố cổ kính, với chùa cầu và sông Hoài thơ mộng, thế nhưng sau một thời gian phục dựng thì Chùa Bà Mụ đã trở thành địa điểm check-in cực hot cho các tín đồ đam mê sống ảo khi du lịch tại Hội An. Đặc biệt bức Tam Quan tại ngôi chùa này khiến bất cứ ai cũng gật gù khen ngợi bởi vẻ đẹp đậm chất hoài cổ, lên ảnh lung linh.

Chùa Bà Mụ được đánh giá là một công trình kiến trúc đẹp của Hội An, mang dáng dấp của hoài niệm xưa cũ cùng nét tâm linh vốn có thu hút rất nhiều khách du lịch gần xa.

Hội Quán Quảng Đông

Hội Quán Quảng Đông do người Hoa kiều bang Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, và còn có tên là Quảng Triệu Hội Quán. Hội quán này được dùng làm nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng riêng của người Quảng Đông ở Hội An.

Hội quán Quảng Triệu thờ Thiên hậu thánh mẫu và Khổng tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan công và Tiền hiền của bang Quảng Đông. Với nghệ thuật kiến trúc độc đáo kết hợp giữa vùng Quảng Đông và truyền thống địa phương, các nghệ nhân xa xưa đã dày công xây dựng, trang trí tạo nên Hội Quán Quảng Đông có vẻ đẹp riêng tinh xảo, cầu kỳ.

Nghệ thuật sử dụng hài hòa các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực và họa tiết trang trí đã đem lại cho hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hiện nay hội quán còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như: 4 bức hoành phi lớn, 1 lư trầm lớn bằng đồng cao 1,6m rộng 0,6m, 1 cặp đôn sứ men ngọc Trung Quốc… Hàng năm, vào ngày Nguyên Tiêu (15/1 âm lịch) và vía Quan Công (24/6 âm lịch), hội quán lại tổ chức lễ hội rất linh đình, thu hút nhiều người tham gia.

Hội quán nằm trong khuôn viên hình chữ “Quốc” khép kín, bao gồm cổng tam quan, sân trước rộng đặt cây cảnh, phương đình, nhà đông, nhà tây, sân trời và chính điện.

Hội Quán Triều Châu

Hội Quán Triều Châu thường được gọi với cái tên dân dã là “Chùa Ông Bổn”, do Hoa kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845 làm nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng khi đến Hội An sinh sống. Hội quán thờ các vị thần chế ngự sóng gió, qua đó cầu mong việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm, xuôi gió.

Hội Quán Triều Châu là một công trình kiến trúc cầu kỳ với bộ khung gỗ được chạm trổ tinh xảo, cùng các họa tiết trang trí bằng gỗ theo truyền thuyết dân gian, và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp, thể hiện sự khéo léo tài hoa của người nghệ nhân xưa. Tổng thể Hội Quán Triều Châu được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc:

– Mặt tiền hội quán được lắp dựng bằng nhiều mảng đá lớn có chạm trổ các đồ án trang trí như: cá chép hóa rồng, hồ điệp, tứ linh…

– Nhà tiền điện chủ yếu bằng gỗ và đá. Bên trong kiến trúc theo kiểu chồng rường, phần thân các vì kèo chạm trổ hết sức tinh vi. Cạnh các rường chính còn gắn những mảng chạm lộng, chạm lủng theo các môtíp bức bình phong, long mã, chim muông… Bờ nóc, bờ hồi được tạo dáng cong vuốt, mềm mại với kết cấu đa tầng, giữa các tầng được đắp nổi nhiều hình hoa điểu, nhân vật…

– Chính điện rộng lớn gồm 3 gian, kết cấu chủ yếu là các cột gỗ to và các vì chồng rường giả thủ đặt trưng. Các con-ke trang trí được điêu khắc thành các hình thân rồng đầu cá. Các cánh cửa chính đều được làm bằng gỗ, chạm trổ nhiều đồ án cát tường như: thái bình hữu tượng, sư tử hý tiền… Gian giữa chính điện có khám thờ cũng được chạm trổ công phu, lộng lẫy.

– Nối liền giữa nhà tiền điện với chính điện là nơi tiếp khách, chuẩn bị các phẩm vật để hiến cúng trong các dịp đại lễ của hội quán. Hàng năm, vào dịp tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), Hội Quán Triều Châu đều tổ chức lễ cầu phước và cúng giỗ tiền hiền.

Đến thăm Hội quán Triều Châu ở phố cổ, là dịp để thưởng lãm vẻ trầm lắng của những nét kiến trúc hội quán đặc trưng, và biết thêm nhiều điều về cộng đồng thương nhân Triều Châu vào thời thương cảng Hội An xưa.

Hội Quán Phúc Kiến

Được xây dựng vào năm 1697, Hội Quán Phúc Kiến là không chỉ là một di tích lịch sử lâu đời mà còn là một công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố Hội An. Ngoài mục đích thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng các vị thần bảo hộ, Hội Quán Phúc Kiến còn là nơi hội họp đồng hương của người Phúc Kiến, những người đến Hội An sớm nhất vào thời bấy giờ.

Đến với Hội Quán Phúc Kiến, du khách sẽ được ngắm nhìn những công trình kiến trúc được chạm trổ vô cùng tinh xảo và khéo léo. Bước vào cổng tam quan để vào thăm Hội quán, du khách sẽ thấy một sân vườn rộng với một đài phun nước chạm rồng tinh xảo bên những pho tượng và những vườn cây rợp bóng xanh mát. Hãy bước từng bước chậm rãi và thưởng thức những bức bích hoạ về lịch sử vùng Phúc Kiến, chiêm ngưỡng những hoạ tiết chạm khắc đầy nghệ thuật trên những bức bình trong khuôn viên hội quán, bạn sẽ phải trầm trồ trước những chi tiết tinh xảo, cầu kì và một phong cách kiến trúc cổ vô cùng đặc sắc.

Bên trong gian chính điện, xung quanh là tượng các vị hộ thần là bức tượng Thiên Hậu linh thiêng, trang trọng đang ở trong thư thế thiền. Hàng năm vào ngày 23/3, cộng đồng người Hoa tại đây lại tổ chức lễ vía Bà Thiên Hậu cùng nhiều hoạt động thu hút nhiều du khách đến tham gia.

Phía trong hậu tẩm, khách tham quan thường hay thắp những vòng hương lớn để cầu chúc sức khỏe và tài lộc cho gia đình và người thân. Những vòng hương này có thể cháy đến hơn 30 ngày, nếu bị tắt thì người trong Hội quán sẽ thắp lại. Những người đến đây thờ cúng thường viết lên một tờ giấy có ghi thông tin của gia đình đặt trên các khoanh hương với mong muốn mọi việc trong cuộc sống luôn suôn sẻ. Sau khi hương cháy hết, người trong Hội quán sẽ đốt đi những mảnh giấy này. Có như vậy, lời ước mới trở nên linh thiêng.

Nhà Cổ Tấn Ký

Nhà cổ Tấn Ký được xây dựng từ hơn 200 năm trước đây. Mặc dù đây không phải là một ngôi nhà cổ xưa nhất ở Hội An nhưng nó là ngôi nhà cổ có kiến trúc hình ống đặc trưng của loại nhà phố ở Hội An.

Kiến trúc nhà cổ Tấn Ký được chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Tất cả đều không có cửa sổ. Thế nhưng, không giống như những ngôi nhà ống trên các dãy phố mới ở các đô thị mới ở Việt Nam hiện nay, nhà cổ Tấn Ký Hội An không có cảm giác nặng nề, ngột ngạt nhờ sự thông thoáng ở mặt tiền, mặt hậu và nơi giếng trời.

Nhà cổ Tấn Ký được dựng nên bởi những đường nét kiến trúc đa quốc gia. Ở đây có thể nhìn thấy những chi tiết của kiến trúc Nhật Bản, thể hiện ở chi tiết trồng rường giả thủ. Một kiến trúc khác của phương Đông được đan xen với hình ảnh thanh kiếm vắt chéo cùng dải lụa. Kiến trúc Việt Nam thể hiện qua những đường nét kiến trúc trên tầng hai với mái âm dương.

Mặt tiền nhà cổ là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất, nhập hàng hóa. Vật liệu trang trí nội thất ngôi nhà cổ Tấn Ký chủ yếu là các loại gỗ quý, được chạm trổ rất tinh xảo… thể hiện sự giàu có, phô trương của các thế hệ chủ nhân.  Gạch và đá cũng được sử dụng nhiều ở các chi tiết như sàn nhà, ngoại thất, tường… Các loại gạch và đá được mang về từ Bát Tràng, Thanh Hóa, Non Nước… Nhà cổ Tấn Ký có hệ sàn nhà đá rất bền theo thời gian. Sau nhiều lần nước lụt ngập mênh mông, đến khi nước rút, toàn bộ hệ sàn nhà vẫn còn lại như chưa từng trải qua một biến cố nào.

Đến đây, du khách tham quan còn có thể được chiêm ngưỡng chén Khổng Tử, một loại chén có vẻ ngoài trang trí đơn giản theo kiểu Tàu. Nhưng đây là loại chén đặc biệt, khi từ từ rót nước gần đầy thì phải ngừng lại bởi nếu rót thêm thì nước sẽ tự chảy đi hết. Triết lý của Khổng Tử thông qua cái chén này là con người nên kiềm chế ham muốn, tuy vậy triết lý của ông cũng mang tính tiêu cực khi không muốn con người phấn đấu, vươn lên mà mang nặng tính bảo thủ, trì trệ, kìm hãm sự phát triển.

Chủ nhà cổ Tấn Ký vẫn giữ cách bày trí nội thất và sử dụng các vật dụng cổ kính có từ thời xưa. Nhiều vật chứng của thời kỳ thương mại phồn thịnh và sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc Nhật – Việt rất phổ biến trong giai đoạn sau thế kỷ 17 hiện vẫn được bảo quản, giữ gìn theo thời gian.

Nhà cổ Phùng Hưng

Nhà cổ Phùng Hưng có tuổi đời hơn 100 năm, được xây dựng từ thế kỷ 19. Chủ nhân của ngôi nhà từng là một thương gia nổi tiếng và giàu có, với mong muốn gia đình luôn hưng thịnh làm ăn phát đạt nên ông đã lấy tên là “Phùng Hưng”.

Với kết cấu đặc biệt, phần gác được làm bằng nhiều thanh gỗ cao, nhà được bao quanh bằng các hành lang rộng thể hiện rõ phong cách Á Đông đặc trưng của ngôi nhà. Mang đậm kiến trúc của 3 nền văn hóa: Nhật – Trung – Việt.

Ngôi nhà mang đậm dấu ăn văn hóa lịch sử về lối sống của các thương nhân phố Hội. Đây từng là nơi giao thương trao đổi, mua bán nhiều mặt hàng như: tơ tằm, muối, tiêu…

Nhà cổ Quân Thắng

Nhà cổ Quân Thắng là một trong những ngôi nhà cổ được đánh giá là đẹp nhất Hội An hiện nay. Ngôi nhà có niên đại hơn 150 năm, mang phong cách kiến trúc cổ xưa độc đáo.

Qua năm tháng, Nhà cổ Quân Thắng vẫn được bảo tồn khá nguyên trạng về kiểu dáng kiến trúc và các bài trí nội thất, giúp du khách hình dung được phần nào lối sống của các thế hệ chủ nhân, những người thuộc tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An trước đây.

Được biết, toàn bộ phần kiến trúc và điêu khắc gỗ rất sinh động, tinh tế của ngôi nhà này đều do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện.

Nhà cổ Đức An

Nhà cổ Đức An nằm trong hệ thống nhà cổ được gìn giữ và đưa vào tham quan tại Phố cổ Hội An. Nơi này không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cách thiết kế đậm chất phương Đông, mà nó còn ẩn chứa vô vàn những ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Với tuổi thọ lên tới hơn 180 năm tuổi, ngôi nhà mang nét cổ kính và trầm mặc, thể hiện dấu ấn của thời gian cũng như là những nét văn hóa xưa trong từng chi tiết.

Nhà cổ Đức An có sự kết hợp giữa nét kiến trúc Việt cổ xưa và phong cách Trung Hoa. Diện tích tổng thể của nó khá lớn so với một ngôi nhà ngay ở trung tâm phố cổ. Với chiều dài 39m và chiều ngang lên tới 7m, nó có kết cấu theo kiểu hình ống và một khoảng sân ở giữa.

Ngay mặt tiền cửa nhà là hệ thống 3 cửa, ở giữa là cửa ra vào chính và 2 bên là 2 cửa sổ lớn, chỉ cách mặt đất khoảng 70-80 phân. Đặc biệt toàn bộ phần mặt trước ấy đều là làm bằng gỗ, càng làm tăng thêm sự cổ kính cho ngôi nhà ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hơn nữa không giống với những ngôi nhà cổ khác, 3 cửa ở đây khá độc đáo. Cửa chính sử dụng loại cánh cửa thấp, còn chưa quá đầu người lớn. Còn 2 cửa bên lại không sử dụng cánh cửa mà lại dùng những tấm gỗ xếp ngang, hay theo cách gọi của người nơi đây là cửa ván xáng.

Cũng giống như các ngôi nhà cổ khác ở Hội An, nhà cổ Đức An được lợp ngói âm dương quen thuộc. Bên dưới lớp ngói ấy là hệ thống xà, trần nhà đều bằng gỗ, được đóng dựng chắc chắn và bền vững theo thời gian dù cho hàng trăm năm trôi qua. Một điều đặc biệt trong kết cấu của ngôi nhà này, đó là được dựng nên đa số đều bằng gỗ. Và loại gỗ đó là gỗ kiềng kiềng đặc biệt chỉ có ở vùng đất Quảng Nam. Với loại gỗ ấy, ngôi nhà có khả năng chịu được thời tiết vừa nóng lại vừa ẩm khắc nhiệt của mảnh đất miền Trung đầy nắng gió này. Ngoài ra, ngôi nhà còn tận dụng nguồn ánh sáng từ tự nhiên, đưa thiên nhiên hòa quyện vào trong kết cấu của nó.

Không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa và nét đẹp của kiến trúc cổ, nhà cổ Đức An còn là một nhân chứng quan trọng, gắn liền với tên tuổi của đồng chí Cao Hồng Lãnh trong cuộc kháng chiến của nước ta thời xưa. Khi đó, đây là nơi gặp gỡ của các chiến sĩ, thanh niên yêu nước. Và cho đến những năm 1925-1926, ngôi nhà này chính thức trở thành điểm họp mặt, bàn bạc của các nhà trí thức yêu nước. Bởi vậy mà nơi đây còn lưu lại nhiều tác phẩm của nhà yêu nước nổi tiếng Phan Châu Trinh trong thời kỳ của phong trào Duy Tân, và đặc biệt là còn có nhiều các loại sách báo nổi tiếng trong lịch sử như Tân Thế Kỷ, Đông Pháp thời báo… Bởi thế, nơi này được coi như là một điểm khởi nguồn và nơi thắp sáng cho tình yêu nước của những người con miền Trung, đóng một vai trò không nhỏ trong chiến thắng của nước ta.

Như vậy, nhà cổ Đức An chắc chắn là một địa điểm tham quan của nơi phố Hội mà bạn không thể nào bỏ qua. Hãy tới đây để cảm nhận được nét đẹp của lịch sử ẩn chứa trong mọi vật nhé!

Nhà thờ tộc Trần

Nằm trong khuôn viên có diện tích 1.500m2, nhà thờ cổ tộc Trần là một không gian riêng biệt, bình yên và tĩnh lặng giữa lòng phố cổ. Nhìn bên ngoài, Nhà thờ cổ tộc Trần cũng không khác biệt quá nhiều với các ngôi nhà cổ khác ở Hội An với mái được lợp bằng ngói âm dương và hệ kèo cột được chạm trổ tinh xảo.

So với các địa điểm tham quan nổi tiếng khác tại phố cổ Hội An, nhà thờ tộc Trần hấp dẫn du khách không chỉ bởi giá trị lịch sử và văn hóa mà đường nét kiến trúc độc đáo của khu nhà cũng là điểm làm nên sức hấp dẫn của khu di tích. Trải qua hơn 200 năm lịch sử, ngôi nhà vẫn còn nguyên lối kiến trúc cổ xưa với kiểu nhà Việt truyền thống kếp hợp thêm nét kiến trúc đặc sắc của Trung Hoa, Nhật Bản đã làm cho ngôi nhà thờ thêm giá trị và rất ý nghĩa. Nhà thờ cổ tộc Trần chia làm 2 phần: phần chính dùng để thờ cúng và phần phụ bên cạnh là chỗ ở lại của trưởng tộc và những người trong họ. Tất cả các không gian được xây dựng hài hòa và tuân thủ theo thuật phong thủy rất nghiêm ngặt.

Gian thờ cúng lớn nhất, nằm vị trí chính giữa, nơi đây được bài trí trang trọng với không gian cao và thoáng đãng ở phía trên. Gian thờ chính này được dùng để thờ ông Tổ của tộc Trần, người đã có công khai sinh ra dòng họ trên địa điểm tham quan du lịch Hội An này, gian này gồm 3 cửa, trong đó có 1 cửa chính dành cho những người lớn tuổi và có chức sắc, 2 cửa phụ ở hai bên dành cho nam, nữ tộc và chỉ được mở vào những dịp lễ, tết. Đặc biệt, khi đi vào gian thờ này du khách sẽ bắt gặp một ngạch cửa chắn lối như nhắc nhở bất cứ ai bước vào đều phải cúi đầu hành lễ và tỏ sự tôn kính của mình với nơi này.

Khu thờ phụ ở phía trong, có đặt bàn thờ quan Tứ Nhạc với bức hình ông mặc triều phục oai nghiêm. Trước bài vị là cặp đèn lồng luôn toả sáng suốt ngày đêm, cùng chiếc lư đồng to lớn quanh năm nghi ngút khói hương. Hằng năm, vào một ngày giỗ Tổ, tất cả bà con trong dòng họ đều tụ tập lại ở nhà thờ cùng nhau hương khói để tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Đây cũng là dịp củng cố mối quan hệ dòng tộc giữa các thành viên thêm gắn bó và nhắc nhở con cháu, thế hệ sau không quên nguồn cội.

Phía sau nhà thờ có một khu vườn rộng được gọi là hậu viên, đặc biệt ở đây có cây khế ngọt cổ thụ cũng đã 200 tuổi, tương truyền đây là nơi “chôn nhau, cắt rốn” của các thế hệ con cháu trong dòng tộc họ Trần.

Có thể nói kiến trúc nhà thờ tộc Trần là tiêu biểu cho những công trình kiến trúc nhà thờ các dòng họ ở Hội An. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà vẫn giữ vững được dáng vẻ uy nghiêm và thanh tịnh giữa lòng phố cổ. Nơi đây như minh chứng hùng hồn cho một thời kỳ vàng son của lịch sử phố Hội.

Chợ Hội An

Chợ Hội An nằm ở điểm giao nhau của các con phố Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học. Chợ nằm ngay trung tâm phố cổ, du khách chỉ mất vài phút tản bộ là có thể đến nơi. Khác hẳn với sự yên bình, tĩnh lặng của Hội An, khu chợ lại mang trong mình một màu sắc khác biệt. Chợ Hội An từ sáng đến tối đều tấp nập, nhộn nhịp bởi kẻ mua người bán.

Nơi đây đã từng là một nơi trao đổi hàng hóa, giao thương rất sầm uất và nhộn nhịp. Cho tới nay, Chợ Hội An vẫn giữ được những nét mua bán truyền thống xưa cũ của người miền Trung. Vì lẽ đó, ngôi chợ này được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa thế giới”.

Chợ Hội An không quá lớn nhưng dường như có tất cả mọi thứ. Khu chợ được chia ra làm nhiều khu vực như hải sản tươi sống, rau củ, trái cây, quà lưu niệm… Nhưng có lẽ nơi hấp dẫn khách tham quan nhất chính là khu ẩm thực. Tại đây được chia thành hàng cơm, hàng Cao Lầu, hàng bún, hàng bánh, hàng chè… Du khách đến đây sẽ rất dễ để tìm kiếm những thứ mà mình muốn ăn.

Các quầy hàng tại đây được đặt san sát nhau, tuy nhỏ nhưng rất ngăn nắp, sạch sẽ. Du khách đi qua sẽ khó mà “cầm lòng” được trước sự hấp dẫn của các món ăn, thức uống.

Chợ Hội An chính là một điểm đến mà những vị khách có tâm hồn ăn uống không thể bỏ qua. Ngôi chợ này còn nằm trong top những “thiên đường ẩm thực” trên khắp thế giới do tạp chí Lonelyplanet bình chọn.

Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An

Xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ Hội An nằm ngay trên đường Nguyễn Thái Học và được lập ra với mục đích bảo tồn, duy trì những ngành nghề thủ công truyền thống từ bao lâu nay của người dân nơi đây.

Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An quy tụ được nhiều các nghệ nhân tài hoa, khéo léo ở hầu hết các ngành nghề thủ công truyền thống của Hội An và Quảng Nam như làm gốm, sơn mài, dệt vải,…

Du khách ghé thăm địa điểm này, không những được chiêm ngưỡng, tham quan, nhìn ngắm và mua các sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, mà còn được quan sát cách mà những người thợ lành nghề tỉ mỉ trong công việc để làm nên một sản phẩm, và du khách còn có dịp tham gia vào một số công đoạn sản xuất, tự tay mình làm để có những trải nghiệm thực tế và thú vị về công việc ở xưởng.

Bảo tàng Lịch sử – Văn hoá Hội An

Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa Hội An giống như một cuốn phim tư liệu ghi lại lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của thương cảng Hội An sầm uất một thời.

Bảo tàng hiện chứa 434 hiện vật được trưng bày theo chủ đề. Các hiện vật được sắp xếp, phân khu theo tiến trình thời gian. Đi theo dòng chảy lịch sử được ghi ấn tại đây, khách tham quan sẽ có được một hình dung tương đối đầy đủ về từng thời kỳ đã qua.

Để thể hiện lịch sử Hội An, bảo tàng được phân chia làm 3 thời kỳ chính, tương ứng với những khu vực trưng bày: tiền – sơ sử, Champa và Đại Việt. Như vậy, những hiện vật được lưu trữ tại đây sẽ có lịch sử trải dài từ những thế kỷ thứ 2 sau công nguyên cho đến thế kỷ 19.

Nhìn vào những vật dụng, đồ trang sức từ thời tiền – sơ sử, du khách sẽ khá bất ngờ bởi có không ít hiện vật có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông… Đây là chứng cứ xác đáng nhất để khẳng định quá trình hình thành hoạt động ngoại thương đã có ở Hội An từ rất sớm, tạo tiền đề cho sự phát triển thương cảng sầm uất sau này.

Đến các giai đoạn sau, du khách sẽ thấy một cách rõ ràng quá trình hình thành trung tâm thương mại, quá trình phát triển vượt bậc của thương cảng Hội An xưa.

Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An

Bảo tàng Văn hóa Dân gian Hội An được bắt đầu mở cửa đón khách vào ngày 24/3/2005. Nguyên đây là ngôi nhà cổ điển hình trong Đô thị cổ, có chiều dài 57m, chiều ngang 9m, gồm hai tầng, sàn bằng gỗ, thông hai mặt phố Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng. Ở tầng 2, Bảo tàng trưng bày 490 hiện vật, giới thiệu về bốn chủ đề chính: Nghệ thuật tạo hình dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân gian, ngành nghề truyền thống và sinh hoạt dân gian. Ở tầng 1, gồm các hoạt động trình diễn khá sống động minh hoạ cho những giá trị Văn hóa Dân gian Hội An.

Bảo tàng được coi là thiết chế văn hóa đặc biệt và hiếm hoi trong khu vực. Bằng những hình ảnh, hiện vật gốc và các hoạt động trình diễn Bảo tàng Văn hóa Dân gian đã thể hiện các giá trị thuộc văn hoá phi vật thể, giới thiệu về bề dày truyền thống văn hóa, sự sáng tạo, những đóng góp của các thế hệ cư dân địa phương trong quá trình xây dựng phát triển vùng đất Hội An.

Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch

Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch không quy mô, hoành tráng như những viện bảo tàng mà du khách thường thấy. Điểm đến này là một căn nhà cổ hai tầng có từ năm 1920. Căn nhà đã từng được trùng tu vào năm 1994 và nay là nơi trưng bày hơn 430 hiện vật cổ quý hiếm.

Đúng như tên gọi, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch trưng bày các hiện vật bằng gốm. Đây là những món đồ gốm quý giá có từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ 18. Căn nhà gỗ cổ kính, những kệ gỗ đơn sơ đã tạo nên một không gian ăn nhập hoàn hảo với những món đồ được bày biện nơi đây. Những bảo vật gốm trong và ngoài nước được xếp trên giá, mỗi loại một vẻ, tinh xảo và đẹp đến lạ lùng.

Hội An chính là một điểm đến của gốm sứ, là nơi trao đổi, buôn bán, thông thương trong lịch sử. Những đồ vật gốm trong bảo tàng này không chỉ có giá trị lớn mà còn là chứng nhân lịch sử cho một thương cảng xa xưa với các món đồ đến từ Tây Âu, Trung Đông…

Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh

Du khách có biết ai là chủ nhân của cảng – thị sơ khai Hội An xưa kia? Chính là những cư dân cổ thuộc hệ văn hóa Sa Huỳnh. Những người này đã xuất hiện cách đây hơn 2000 năm. Những giá trị mà hệ văn hóa này để lại đến nay vẫn còn được lưu trữ và phân tích bởi các nhà khảo cổ học hàng đầu.

Nơi lưu trữ những giá trị văn hóa Sa Huỳnh lớn nhất Việt Nam chính là Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh. Khi tham quan bảo tàng này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hiện vật cổ như đồ dùng, trang phục, trang sức… của những cư dân xưa cũ. Không chỉ thế, những phong tục tập quán quen thuộc như cưới hỏi, ma chay, táng tục hay những quan niệm về sự sống, cái chết cũng được thể hiện và trình bày trong khuôn viên bảo tàng.

Kho cổ vật của bảo tàng có số lượng khá lớn, riêng những đồ vật được trưng bày đã lên đến con số 216. Bước vào bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, khách du lịch như lạc vào một nền văn hóa lạ mà quen, thấy ngỡ ngàng mà đầy thích thú.

Đảo Cẩm Nam

Cẩm Nam là một hòn đảo nhỏ nằm cạnh Phố cổ Hội An, được bao bọc xung quanh bởi sông nước từ các nhánh sông ở hạ lưu Thu Bồn. Là một hòn đảo xinh đẹp, xung quanh là không gian xanh của dãy tre, hàng cau, hàng dừa,….

Điểm tham quan này cách Phố cổ Hội An chỉ với một cây cầu bê tông dài 200m, là mạch nối giao thông chính giữa phường Cẩm Nam với thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hoá,… Đặc biệt nơi đây có rất nhiều khách sạn cho khách du lịch nghỉ ngơi và có nhiều quán ăn bán các món đặc sản Hội An với giá bình dân, quán ven sông khá mát mẻ.

Trước đây làng được người dân gọi là làng Cẩm Phô. Du khách có thể ghé thăm làng Cẩm Nam để khám phá những nét văn hóa đặc trưng của người dân địa phương, về những ngôi nhà tranh tre vách đất. Đây là nơi cư dân lập nghiệp, họ trồng lúa, hoa màu và đánh bắt thủy sản như hến, cá, tôm nước lợ, sắn, khoai, bắp bãi bồi,… để trang trải cuộc sống hằng ngày.

Ðến đảo Cẩm Nam, du khách sẽ được trải nghiệm một chuyến về làng quê yên bình với những mái nhà tranh, hương hoa cau phảng phất. Ngoài ra, du khách có thể đến thăm các khu nấu bắp mới bẻ của người dân, và còn được ăn món chè bắp thơm ngon, dẻo có vị ngọt riêng của sữa bắp non. Bên cạnh đó, làng Cẩm Nam được du khách biết đến với các món ăn đặc sản không thể không nếm thử như hến trộn, hến xào xúc bánh tráng, bánh tráng đập chấm mắm nêm, chè bắp,…

Tiếp đến, du khách có thể thuê xe đạp để dạo quanh nơi đây, tham quan tất cả thắng cảnh hoang sơ,dân dã về một vùng quê yên bình, xinh đẹp chỉ có ở Hội An.

Rừng Dừa Bảy Mẫu

Ít ai ngờ rằng giữa một phố hội vốn nổi tiếng với những kiến trúc cổ xưa, khoác lên mình lớp áo cổ kính, yên bình ấy lại xuất hiện một khu rừng dừa độc đáo giống hệt miền Tây sông nước, đó chính là rừng dừa Bảy Mẫu (hay còn gọi là rừng dừa Cẩm Thanh), chỉ cách Phố cổ chừng 3km. Sở dĩ có cái tên này vì ngày xưa, khu rừng có khoảng 7 mẫu dừa tự do sinh sôi nảy nở. Tới nay, rừng đã phát triển lên hơn 100 hecta nhưng người ta vẫn giữ cái tên “Rừng Dừa Bảy Mẫu” vì nó đã quá quen thuộc và thân thương với người dân và khách du lịch Hội An.

Khu du lịch rừng dừa Bảy Mẫu Hội An trước đây được biết đến khu căn cứ địa cách mạng của quân dân trong kháng chiến. Cũng nhờ địa hình kín đáo mà kể từ thời kháng Pháp, dân ta đã tổ chức nhiều trận phục kích đánh bại nhiều trận càn của địch. Giờ đây, tận dụng vẻ đẹp của rừng dừa, người dân địa phương đã “sáng tạo” nên một cách làm du lịch hoàn toàn mới, đó là chở khách đi chơi bằng thúng, bằng thuyền. Đó cũng là điều mà ai khi đến đây cũng đều phải trầm trồ.

Theo sự điều khiển bằng tay chèo dẻo dai, chiếc thuyền từ từ di chuyển đi vào sâu bên trong Rừng dừa Bảy Mẫu. Những rặng dừa cao cao xanh rì ngả bóng in xuống dòng nước. Trên chuyến đi, người chèo thuyền sẽ hái lá dừa làm thành những món trang sức thiên nhiên ngộ nghĩnh như mũ, nhẫn, mắt kiếng… vô cùng đáng yêu tặng cho khách.

Vừa xuôi theo dòng nước yên ả ngắm nhìn rặng dừa xanh mát bạt ngàn, vừa lắng nghe bác lái thuyền ca một điệu hò Quảng hay chìm đắm trong câu chuyện thời kháng chiến qua giọng kể trầm ấm, thân thương của người miền Trung sẽ trở thành một trải nghiệm mà du khách không bao giờ muốn kết thúc.

Hãy đề xuất để được tự mình trải nghiệm cảm giác lái con thuyền trôi theo dòng nước bồng bềnh, bên dưới là đàn cá bơi lội tung tăng, bên trên là rặng dừa xanh đung đưa trong gió; hay tham gia buổi diễn xiếc thuyền thúng “cảm giác mạnh” ngay trên sông.

Biển Cửa Đại

Cửa Đại là bãi biển đẹp nhất ở Hội An với những bãi cát dài xa tít, những ngọn sóng xô nhẹ cuốn mọi thứ ra xa trong nắng chiều óng ả, một vẻ đẹp đến mê hồn. Cửa Đại nổi bật bởi những khu nhà lộng lẫy, những khu resort mới xây tiện nghi và hiện đại, bao quanh là những khóm hoa rực rỡ sắc màu và toả hương thơm ngát.

Những loài hoa dại nhỏ bé giản dị, khiêm tốn bên đường rập rờn những cánh bướm hay những cành phong lan đài các đẫm sương đêm, những rặng liễu xõa mình xuống cát hay những hàng tre xanh vút trên trời cao tô màu trong nắng. Chút thơ mộng đó làm cho du khách thêm xao xuyến với cảnh đẹp nơi đây. Khi bình minh lên, từ những khu nhà nghỉ, du khách có thể mở cửa sổ có ban công hướng ra biển để đón bình minh lên. Ngoài khơi xa kia mặt trời đang nhởn nhơ cùng với mây với gió, thấp thoáng ngoài xa những cánh buồm nhỏ đi tìm những luồng cá mới, báo hiệu một ngày mới tươi đẹp tràn về.

Buổi chiều là thời gian tốt nhất để du khách đắm mình trong làn nước biển xanh trong mát lạnh, những con sóng vỗ nhẹ vào người tạo cảm giác thích thú, dễ chịu vô cùng. Những bãi cát trải dài lấp lánh dưới ánh nắng chói chang và cùng làn gió mang vị mặn của biển khiến người ta cảm thấy tâm hồn tươi mát hơn và thoải mái hơn.

Du khách cũng có thể nằm hàng giờ trên cát, lắng nghe tiếng gió biển vi vu, tiếng sóng vỗ rì rào bên tai hay là nô đùa cùng mọi người, chơi những môn thể thao yêu thích và tạo cho mình một khoảng trời riêng bên những hình vẽ, những toà tháp bằng cát để rồi sóng biển vỗ vào lại tan ra.

Đặc biệt, biển Cửa Đại buổi sáng còn màu xanh lục nhạt, đến chiều thì đã chuyển thành màu xanh ngọc bích đậm, điều đó càng tăng vẻ quyến rũ của biển, xa xa là vệt mây ôm choàng đỉnh núi, những con sóng tung tăng đuổi bắt nhau và nắng điểm tô thêm màu vàng của cát.

Cửa Đại là nơi sông Thu Bồn đổ ra biển nên ở đây có rất nhiều cá, một trong những điểm thích thú nhất thu hút khách du lịch chính là loại hình câu cá, săn những loài cá săn mồi như cá Hanh, Hanh Lươm, Hồng Vực,… Du khách có thể câu ngay gần bờ hoặc cũng có thể thuê một chiếc mủng nhỏ lênh đênh trên biển giữa sóng trời mênh mông. Với những nét riêng của mình, Cửa Đại để lại trong lòng du khách một cảm giác khó quên khi rời nơi đây.

Bãi biển An Bàng

Tĩnh lặng như chính tâm hồn của những con người nơi đây, như chính mảnh đất phố Hội cổ kính, bình lặng, bãi biển An Bàng được nhắc đến như một phần linh hồn của Hội An. Biển An Bàng xưa vốn chỉ bãi biển để người dân trong vùng đến tắm vào mỗi buổi sáng sớm, bởi vậy, nơi đây vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ đến thuần khiết, chưa có sự gọt giũa nhân tạo. Bãi biển An Bàng an bình, chất chứa vẻ trầm ngâm, tĩnh lặng, trái ngược hoàn toàn với biển Cửa Đại sôi động, náo nhiệt của cuộc sống trẻ trung, hiện đại.

Chỉ cách trung tâm thành phố Hội An vài cây số, du khách đến đây, đặt chân lên bờ cát trắng mịn, ngắm nhìn những dải hoa muống biển màu tím nhạt mọc trên mặt cát thoai thoải, bước xuống làn nước trong xanh, tươi mát khiến cho tâm hồn thoải mái, nhẹ nhàng hoà nhịp cùng thiên nhiên. Du khách sẽ ngỡ ngàng trước cảnh đẹp rất riêng biệt của bãi biển An Bàng, bãi biển rộng với màu sắc xanh của nước biển, của bầu trời làm chủ đạo xen kẽ là màu trắng ngà của bờ cát bát ngát như một tấm lụa mỏng vắt ngang. Nổi bật trên đó là hình ảnh những chiếc thuyền thúng đơn sơ, giản dị của những người dân chài. Không khí trong lành thoáng đãng, yên bình. Đến nơi đây, giang hai tay đón hít thở thật sâu để cảm nhận được không khí trong lành tươi mát, vị mặn mòi của hơi gió biển sẽ làm cho du khách cảm thấy thư thái dễ chịu giống như đang lạc vào một thế giới thần tiên.

Cù lao Chàm

Cù lao Chàm là một cụm đảo, về mặt hành chính trực thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, nằm cách bờ biển Cửa Đại 16 km và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo (hòn): Hòn Lao (còn gọi là hòn Cù Lao, lớn nhất), Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông. Dân số trên các hòn đảo này gồm khoảng 3.000 người.

Cù lao Chàm là một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Bản đồ Tây-phương xưa thường ghi Cù lao Chàm với tên “Champello” lấy từ tiếng Nam-Ấn (Autronesian) “Pulau Champa”. Cù lao Chàm còn có các tên gọi khác như Chiêm Dự (thời vua Tự Đức), Puliciam, Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.

Hành trình đến với Cù Lao Chàm bằng tàu du lịch, du khách sẽ được khám phá một vùng thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng tại hòn Lao, hòn Dài, hòn Chồng, hang Yến… được hòa mình vào cuộc sống dân dã trong sự đón tiếp nồng hậu của cư dân các làng chài, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ của các địa danh mang nhiều huyền thoại như bãi Hương, bãi Làng, bãi Chồng, hang Bà, Âu thuyền, chùa Hải Tạng; được thưởng thức các loại đặc sản đậm đà hương vị biển Cù Lao Chàm như: tôm, cá, mực, vú nàng vú xao, bào ngư, cua đá, rau rừng,…

Tại đây, du khách còn được tận hưởng những cảm giác thú vị thỏa thích đùa vui cùng sóng biển, tắm nắng trên những bãi cát trắng mịn màng, chinh phục những ngọn đồi hùng vĩ, tham gia các hoạt động thể thao: mô tô nước, dù bay, lướt ván, bơi thuyền kayak hay lặn thám biển các hang đá nằm sâu dưới lòng đại dương cùng hàng trăm loài cá, loài san hô lấp lánh muôn sắc màu của miền nhiệt đới. Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan đảo Yến, câu cá và tham gia vào đêm sinh hoạt lửa trại với nhiều trò chơi dân gian vui nhộn.

Làng gốm Thanh Hà

Nằm bên dòng sông Thu Bồn thanh bình, Làng gốm Thanh Hà với hơn 500 năm hình thành và phát triển đã làm nên tên tuổi một vùng đất. Trước đây, làng gốm đã được hình thành tại làng Thanh Chiêm rồi sau đó mới chuyển về địa chỉ phường Thanh Hà, Hội An như hiện hay. Cùng trải qua lịch sử bao thăng trầm nơi phố cảng Hội An, làng nghề cũng đã có những thời kỳ huy hoàng vào thế kỷ 17 – 18 nổi danh như một “thổ sản quốc gia” được tiến vua cũng vì thế mà tiếng lành đồn xa.

Đến với làng gốm Thanh Hà, du khách không chỉ được hoà mình trong không gian làng quê mộc mạc, thanh bình mà còn được tha hồ lựa chọn những món quà lưu niệm cho người thân và bạn bè hay trải nghiệm tự tay làm ra những sản phẩm gốm độc đáo. Đồ gốm Thanh Hà đặc biệt bởi được làm từ loại đất sét màu nâu, đặc, dẻo và có độ kết dính cao. Cũng chính vì lẽ đó, khi đi dọc phố cổ Hội An bạn sẽ thấy màu chủ đạo là nâu, vàng, đỏ thẫm… Đó là màu đất, màu gỗ và cũng là màu mái ngói được làm từ làng gốm.

Đến đây, du khách còn được chứng kiến quá trình tạo ra những sản phẩm gốm tuyệt mỹ của các nghệ nhân tài hoa và khéo léo. Qua nhiều công đoạn, các khối đất được tạo hình bằng tay trên bàn xoay. Sau đó, họ mang sản phẩm của mình ra phơi nắng hay hong bếp củi cho mau khô. Cuối cùng, những vật phẩm này được đưa vào lò nung. Một món đồ gốm được làm ra bởi sự công phu và cầu kỳ như thế. Người thợ Thanh Hà không chỉ khéo léo, sáng tạo mà họ còn là người có lòng yêu nghề, yêu quê, nâng niu, chắt chiu và gửi hồn vào từng hòn đất. Mọi người không những được quan sát trực tiếp các công đoạn để tạo ra một sản phẩm đồ gốm qua bàn tay tài hoa nghệ sĩ của những nghệ nhân trong làng và mà còn có thể sáng tạo riêng cho mình những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân.

Khi tham quan làng gốm Thanh Hà, du khách đừng quên ghé thăm Công viên Đất nung Thanh Hà – công viên gốm lớn nhất tại Việt Nam! Đây được ví như một bảo tàng gốm “có một không hai” trên cả nước với nhiều khu vực chợ, triển lãm, bảo tàng trưng bày các sản phẩm gốm độc đáo. Trong đó đặc biệt nhất có lẽ là khu thế giới thu nhỏ, nơi tái hiện sinh động lại các công trình kiến trúc của Việt Nam và những kỳ quan thế giới bằng gốm.

Làng Lụa

Chỉ cách trung tâm Phố cổ 1km, Làng Lụa là nơi trình diễn nghề nuôi tằm, ơm tơ, dệt lụa với ước muốn tôn vinh Tinh hoa Nghề Việt. Tại đây, để tiếp nối mạch nguồn Di sản Văn hóa Thế giới Đô Thị cổ Hội An, Làng Lụa còn là Bảo tàng sống về các giống dâu, tằm, công cụ cùng cách thức dệt thủ công của Champa – Đại Việt. Các bộ sưu tập này nhằm cung cấp suy tưởng về Con đường Tơ lụa trên biển cách nay vài trăm năm diễn ra liên tục suốt nhiều thế kỷ mà Hội An từng là Trung tâm Trung chuyển Mậu dịch Quốc tế, nơi cửa ngõ cho hằng hà sa số tơ lụa Xứ Quảng nối nhau đến với Văn hóa Mặc của thế giới bên ngoài. Khách đến Làng Lụa sẽ thêm dịp tiếp nhận, trải nghiệm, khám phá, cảm thông, góp phần cổ vũ, nâng đỡ, tiếp sức cho nghề truyền thống Tàm – Tang Đất Việt tìm cơ may ngoạn mục phục hưng.

Trong môi trường sinh thái và cảnh quan thơ mộng không dễ tìm thấy ở những nơi khác, khách còn được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống Quảng Nam, bởi đội ngũ phục vụ được đào tạo chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm, sẵn sàng đáp ứng làm hài lòng những vị khách quý của mình. Chính vì thế nhiều người đã cùng nhận xét, khi đến Làng Lụa Hội An về trong lòng luôn cảm thấy thư thái thật sự hài lòng với nhiều giá trị cuộc sống hôm nay.

Làng Lụa lưu giữ các nguồn gien quý về dâu tằm, giống tằm, tìm kiếm những gốc dâu cổ sót lại trên rừng chưa hề bị lai tạp với các loại giống dâu hiện đại. Nơi đây các khung cửi cổ xưa vẫn đang dệt ra những mét lụa nuột nà bởi sợi tơ nõn hảo hạng. Du khách có thể tự tay hái dâu sau vườn cho tằm ăn, mặc bộ đồ lụa truyền thống dạo quanh làng, nghe tiếng hát của các thôn nữ, thưởng thức món ngon dân dã của xứ Quảng, được tư vấn cách chọn lụa tốt. Nơi đây còn có phòng trưng bày bộ sưu tập 100 bộ trang phục áo dài lụa Việt cổ truyền. Ở Làng Lụa sẽ diễn ra các sự kiện văn hóa, tụ hội, gặp gỡ giữa các nhà văn hóa, văn học và người yêu nghề tơ lụa truyền thống Quảng Nam sẽ tìm đến đây.

Làng rau Trà Quế

Nằm cách Phố cổ Hội An 2,5km về phía Đông Bắc, Trà Quế là làng nghề trồng rau truyền thống với vị trí địa lý thuận lợi được bao bọc bởi sông Đế Võng và đầm Trà Quế, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, cùng diễn trình lịch sử – văn hóa lâu đời và người dân thuần hậu, chất phác.

Từ xưa đến nay, làng rau Trà Quế nổi tiếng vì có trên 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị, đặc biệt là có nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng như húng, é, tía tô… Khi trộn lẫn các loại rau vào nhau sẽ hội đủ 5 vị cay, chua, ngọt, đắng, chát. Nhờ hương vị đặc biệt ấy mà rau Trà Quế đã góp phần làm nổi tiếng các món ăn dân dã riêng có ở Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung.

Ngoài rau, Làng rau Trà Quế còn nổi danh với tư cách là một làng du lịch sinh thái. Rất nhiều người nước ngoài có sở thích thuê xe đạp rồi tự mình đi qua chặng đường khoảng 4km từ khu phố cổ Hội An đến đây chỉ để cùng bà con Trà Quế lao động dưới nắng mưa, tự tay gieo trồng từng cây rau, rồi sau đó thưởng thức những đặc sản dân quê…

Ghé thăm Làng Trà Quế vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch, du khách còn được tham gia vào lễ hội Cầu Bồng tổ chức tại làng với mục đích cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa rau bội thu, cuộc sống dân làng được yên bình.

Làng mộc Kim Bồng

Nét đẹp làng nghề Hội An không chỉ dừng lại ở nghề trồng rau, nghề làm gốm, làm lụa mà cả nghề mộc. Hình ảnh những nghệ nhân, với sự khéo léo ở đôi tay và sự sáng tạo ở trí óc sẽ tạo nên những sản phẩm mộc mang tính nghệ thuật, có giá vị văn hóa cao. Đến với Kim Bồng, tất cả mọi người sẽ phải vỡ òa với những đồ vật gần gũi với con người Hội An từ con trâu, cây tre, chiếc thuyền cho đến các vật dụng sinh hoạt. Mọi thứ được chạm trổ, tô vẽ hết sức sinh động và tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Vinpearl Land Nam Hội An

Vinpearl Land Nam Hội An là khu vui chơi giải trí, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên hoang dã lớn nhất, mới nhất và hấp dẫn nhất Việt Nam. Đẳng cấp của khu vui chơi này được thể hiện qua quy mô rộng lớn đến choáng ngợp , qua sự đa dạng về loại hình giải trí và sự chuyên nghiệp trong cách làm dịch vụ.

Cũng như các khu giải trí Vinpearl Land tại nơi khác, khu vui chơi ở Nam Hội An cũng vô cùng rộng lớn và được chia ra làm 9 khu vực gồm có: khu công viên nước, khu vườn thú trên sông, khu vui chơi giải trí trong nhà, khu bảo tàng văn hóa, khu chiếu phim,… Mỗi khu vực ở đây đều được bố trí các trò vui chơi, trải nghiệm theo đúng đặc điểm riêng của khu vực đó. Do đó, du khách có thể tham quan cả ngày mà không hề có cảm giác nhàm chán. Du khách có thể thỏa thích chơi đùa với hơn 95 trò chơi ở trong nhà, sau đó nhảy ùm ra nghịch nước tại khu công viên nước, vui chơi đã đời xong lại lên thuyền đi tham quan ngắm thú trên dòng sông, còn gì tuyệt hơn nữa đúng không?

Ngoài ra, Vinpearl Nam Hội An cũng được lòng các bạn trẻ thích “sống ảo” vì nơi đây có rất nhiều góc hình “ăn tiền” để du khách tha hồ làm giàu cho chùm ảnh trên facebook và instagram của mình. Bến cảng Giao Thoa chạy dọc theo dòng sông thơ mộng trải từ cổng vào đến Đồi Ước Nguyện chính là địa điểm được nhiều bạn trẻ cho lên hình nhiều nhất. Với một bên sông là dãy nhà mô phỏng phố cổ Hội An với những mái nhà có bức tường vàng thanh bình, trầm mặc. Bên còn lại là những công trình mang hơi thở của kiến trúc phương Tây như một “tiểu Châu Âu” xinh đẹp giữa lòng Hội An cổ kính.

Công viên Văn hóa Ấn tượng Hội An

Công Viên Văn Hóa Ấn Tượng Hội An toạ lạc gần đường Huyền Trân Công Chúa – phường Cẩm Nam và phường Cẩm Châu, là một điểm dừng chân mới trên con đường khám phá Hội An, đã khai trương đón khách từ tháng 1/2018 với diện tích rộng hơn 10 hecta bao gồm đảo lớn và các đảo nhỏ, vị trí và phong cảnh đẹp. Đây sẽ là nơi mà khách du lịch có cơ hội được trải nghiệm một Hội An trong không gian văn hóa, lịch sử thông qua các công trình kiến trúc và những show diễn thực cảnh đẹp mắt và đầy ấn tượng.

Đến với Công viên Văn hóa Ấn Tượng Hội An, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một thương cảng Hội An hơn 400 năm trước thông qua các công trình kiến trúc độc đáo, các show diễn tương tác dựa trên các cốt truyện lịch sử dân tộc kết hợp với nghệ thuật giải trí với công nghệ cao mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Bên cạnh đó du khách còn được trực tiếp tương tác với cuộc sống của người dân Hội An xưa được hòa mình vào dòng lịch sử với không khí lễ hội truyền thống của thương cảng phố Hội thế kỷ 16-17.

Đặc biệt show diễn thực cảnh ngoài trời hoành tráng với qui mô lớn nhất tại Việt Nam, diện tích rộng khoảng 20.000m2 với số lượng diễn viên lên đến 400 người sẽ mang đến cho du khách từng mảnh ghép về những câu chuyện lịch sử và trải nghiệm cuộc sống cổ xưa của người dân Hội An với những nét bình dị, đặc sắc và quyến rủ. show diễn thực cảnh cũng chính là điểm nhấn ấn tượng trong chuỗi trải nghiệm dành cho du khách.

Bằng nghệ thuật sân khấu đỉnh cao, kết hợp sông nước – núi non, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng quy mô và hiện đại. Chương trình biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An – Hoi An memories” sẽ đưa du khách đến những trải nghiệm hấp dẫn.

Với những địa điểm tham quan được chia sẻ trên đây, Airbooking mong rằng nó sẽ giúp ích ít nhiều cho du khách trong hành trình khám phá thành phố Hội An xinh đẹp.