Một xứ Huế mộng mơ cùng những nét cổ xưa đã đi vào lòng không biết bao lữ khách. Vậy liệu đó có phải ở Huế chỉ có những điều như thế thôi? Hãy cùng Airbooking tìm hiểu những địa điểm tham quan nổi tiếng để hiểu hơn về mảnh đất Cố đô này nhé!
SÔNG HƯƠNG
Là biểu tượng và cũng là niềm tự hào của người dân xứ Huế, sông Hương hiền hoà như một dải lụa dài mềm mại dài miên man giữa mảnh đất Kinh kỳ mộng mơ.
Sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng trùng điệp, đồi cây, mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới. Dòng sông chầm chậm lướt qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Ðông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Dòng sông xanh trong vắt lung linh như ngọc bích dưới ánh mặt trời, những con thuyền Huế xuôi ngược, dọc ngang với điệu hò man mác, trầm tư, sâu lắng giữa đêm khuya. Biết bao nghệ sĩ khi đi du thuyền ngắm cảnh Hương Giang êm đềm và lắng tai nghe những điệu dân ca xứ Huế truyền thống nơi đây đã tìm thấy nguồn cảm hứng dạt dào để sáng tác nên những áng thơ văn bất hủ.
CẦU TRÀNG TIỀN
Cầu Tràng Tiền (hay còn được gọi là Cầu Trường Tiền) bắc qua Sông Hương với những nhịp cầu cong cong mềm mại, uyển chuyển và là một trong những biểu tượng đặc trưng của Cố đô Huế. Cầu Tràng Tiền còn gắn liền với lịch sử hơn 100 năm và chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Cầu Tràng Tiền dài 402,6m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67m. Khổ cầu 6m, được thiết kế theo kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu cầu phía nam thuộc phường Phú Hội; ở ngay giữa thành phố Huế.
Ngày nay, cây cầu được lắp đặt một hệ thống ánh sáng hiện đại, mỗi khi chiều buông lại toả sáng lung linh rực rỡ nhiều màu sắc.
NÚI NGỰ BÌNH
Ngoài dòng sông Hương thơ mộng, núi Ngự Bình cũng là một biểu tượng thiên nhiên và là niềm tự hào của người dân xứ Huế. Cứ nhắc đến sông Hương thì người ta không thể quên nhắc tới núi Ngự Bình. Đứng trên đỉnh của ngọn núi xinh đẹp này, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa và chiêm ngưỡng những địa danh và khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ của thành phố Huế. Từ chân tới đỉnh núi được bao phủ bởi rừng cây thông xanh tươi, hoà trong làn gió mát rượi, mang lại không gian mát lành và cảm giác thư thái đến tột cùng.
ĐẠI NỘI HUẾ
Nằm ngay bên bờ sông Hương thơ mộng, Đại Nội Huế là một quần thể di tích văn hoá bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, được bao bọc bởi khu vực Kinh thành.
Đến thăm quan quần thể di tích Đại Nội Huế, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình cung điện nguy nga, đền đài và miếu thờ bề thế, đồ sộ mang đậm nét kiến trúc thời nhà Nguyễn. Không chỉ có cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử, du khách còn được tha hồ chụp ảnh trong không gian kiến trúc độc đáo này.
Đặc biệt hơn nữa, gần đây Đại Nội Huế đã chính thức mở cửa đón khách tham quan vào ban đêm từ 19:00-22:00 và đây chính là dịp để du khách “sở hữu” những bức ảnh tuyệt đẹp bên những công trình rực rỡ, lung linh ánh đèn.
LĂNG GIA LONG
Lăng Gia Long (hay Thiên Thọ Lăng) được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820, nằm giữa quần thể núi Thiên Thọ thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Đây là nơi yên nghỉ của vua Gia Long (1762 – 1820), vị vua đầu tiên trong số 13 đời vua nhà Nguyễn.
Lăng Gia Long có chu vi hơn 11.000m, trước mặt có núi Đại Thiên Thọ làm tiền án, mỗi bên có 14 ngọn núi chầu vào tạo thành thế “tả thanh long” và “hữu bạch hổ”. Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiện Cao Hoàng hậu.
Lăng nằm xuôi theo dòng sông Hương, quanh năm trong không khí mát lành. Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt tác về sự phối trí giữa thiên nhiên kiến trúc.
LĂNG MINH MẠNG
Lăng Minh Mạng sở hữu một vị trí đắc địa, tọa lạc trên ngọn núi Cẩm Khê, đây là nơi giao thoa giữa hai con sông Tả Trạch và Hữu Trạch, hợp lại thành sông Hương mộng mơ.
Đây là một trong những lăng tẩm được đánh giá là uy nghi, chuẩn mực nhất trong những kiến trúc của thời nhà Nguyễn. Toàn bộ khuôn viên La thành có diện tích 1.750m được sắp xếp đăng đối với nhau tạo nên một quần thể kiến trúc vô cùng đẹp mắt. Nhìn từ trên cao, hình dáng của lăng tựa như dáng một người đang nằm nghỉ ngơi rất tự nhiên và thoải mái: Đầu hướng về phía núi Kim Phụng, hai bên hông là hai bên hồ Trừng Minh còn chân lại đặt lên ngã ba sông đầy thoải mái.
Từ cổng lăng bước vào phía bên trong, đập vào mắt du khách là những công trình kiến trúc được sắp xếp đối xứng, song song theo ba trục. Ở giữa khuôn viên ấy là một đầm sen tỏa ngát hương thơm. Hình ảnh những bông sen đơn thuần, mộc mạc mà đẹp lạ thường là một biểu tượng không thể thiếu khi người ta nhắc tới những lăng tẩm ở Việt Nam.
LĂNG THIỆU TRỊ
Lăng Thiệu Trị nằm dựa lưng vào núi Thuận Đạo, thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách thành phố Huế chừng 8km. Đây là lăng có thời gian xây dựng ngắn nhất (hoàn tất trong 10 tháng).
Lăng không có La thành (tường bảo vệ quanh lăng) bao bọc. Sau khi vua Thiệu Trị qua đời, người con trai kế vị là Tự Đức đã chọn đất xây. Kiến trúc của lăng Thiệu Trị (hay Xương lăng) là sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng Gia Long và lăng Minh Mạng trong khung cảnh thanh bình của đồng quê với những cánh đồng, ruộng lúa và vườn cây ăn trái quây quanh.
LĂNG TỰ ĐỨC
Lăng Tự Đức được chính vua Tự Đức cho xây dựng khi còn tại vị. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn Chày Vôi, Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi Tự Đức mất, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng.
Nằm trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh, Lăng Tự Đức có lẽ là lăng đẹp nhất trong những lăng tẩm của các đời vua nhà Nguyễn bởi sự hài hoà giữa khung cảnh thiên nhiên “sơn thuỷ hữu tình” và không gian kiến trúc bao la, rộng lớn. Được bao bọc giữa bồn bề cây cối xanh mát và nằm gần một hồ nước rộng lớn, lăng Tự Đức hiện lên với nét cổ kính và kiến trúc cầu kì hoà mình trong thiên nhiên thật thơ mộng và không gian thanh bình đến lạ kì.
LĂNG DỤC ĐỨC
Lăng Dục Đức (hay An Lăng) tọa lạc ở phường An Cựu, thành phố Huế. Lăng xây dựng vào năm 1889 và là nơi an tang các vua Dục Đức, vua Thành Thái và vua Duy Tân.
So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Khu lăng mộ có hình chữ nhật, diện tích 3.445m2, bên trong không có Bi Đình và tượng đá như các lăng vua khác. Lăng lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm và dòng khe chảy vòng qua trước mặt làm minh đường tụ thủy.
LĂNG ĐỒNG KHÁNH
Lăng Ðồng Khánh (hay Tư lăng) là nơi an táng vua Đồng Khánh thuộc thôn Thượng Hai, xã Thuỷ Xuân, thành phố Huế, nằm giữa khu lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức. Lăng được xây dựng qua 4 đời vua, kéo dài từ năm 1888 đến năm 1923, mang lối kiến trúc phong kiến truyền thống và chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Âu.
Điện Ngưng Hy được coi là nơi bảo lưu bật nhất nghệ thuật sơn mài nổi tiếng của Viêt Nam hài hòa cùng hệ thống cửa kính nhiều màu. Kiến trúc lăng mộ hầu như Âu hoá hoàn toàn, từ đặc trưng kiến trúc, mô típ trang trí đến vật kiệu xây dựng nhưng vẫn hoà hợp với phong cảnh thôn dã trong vùng.
LĂNG KHẢI ĐỊNH
Được xây dựng trên núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê), Lăng Khải Định (hay còn gọi là Ứng lăng) là nơi yên nghỉ của vị hoàng đế thứ 12 của triều nhà Nguyễn. Tuy có kích thước khiêm tốn hơn so với lăng của các vị vua tiền nhiệm nhưng lăng Khải Định lại được xây một cách vô cùng công phu và tinh xảo trong thời gian đến 10 năm, từ 1920 đến 1930.
Lăng Khải Định là công trình lăng tẩm duy nhất có kiến trúc giao thoa giữa hai nền văn hoá Đông – Tây. Điều ấy được thể hiện qua những tấm phù điêu lộng lẫy được ghép tỉ mỉ bằng sành sứ và thuỷ tinh, những khay trà, vương miện, cùng những vật dụng trang trí hiện đại vào thời bấy giờ như: vợt tennis, đèn dầu,… Đặc biệt, lăng Khải Định nổi tiếng với 3 bức bích họa “cửu long ẩn vân” được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định, được coi là hoành tráng và có giá trị nhất tại Việt Nam.
ĐÀN NAM GIAO
Đàn Nam Giao triều Nguyễn là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời và đất vào mùa xuân hàng năm. Đây là đàn Nam Giao duy nhất còn hiện hữu (dù trong tình trạng không còn nguyên vẹn) ở Việt Nam, cũng là đàn tế duy nhất còn tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế.
Lúc đầu đàn được vua Gia Long cho xây tạm ở làng An Ninh thượng, sau đó đến năm 1806 thì dời về vị trí hiện nay ở làng Dương Xuân thuộc phía nam kinh thành. Đàn có diện tích 390x265m, được bao phủ bởi rừng thông xanh mướt được chăm sóc cẩn thận. Đàn có 4 cửa ứng với 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, ở mỗi cửa có một tấm bình phong lớn, xung quanh đàn có tường cao 1,5m bao bọc. Trung tâm đàn là hệ thống đàn tế với 3 tầng: tầng dưới cùng có hình vuông mỗi cạnh 165m – tượng trưng cho con người, tầng kế cũng hình vuông – tượng trưng cho đất, tầng trên cùng có hình tròn đường kính 45m – tượng trưng cho trời. Điểm đặc biệt ở tầng trên cùng của Đàn Nam Giao là hệ thống khuếch đại âm thanh, trung tâm đàn tế có lát những viên đá thanh với kỹ thuật đặc biệt, bất kỳ ai khi đứng ngay trung tâm nói thì trong phạm vi vài trăm mét vẫn nghe rõ mà không cần dùng bất kỳ vật gì hỗ trợ.
Nguyên thủy thì mỗi tầng được sơn một màu khác nhau: tầng trên cùng sơn màu xanh – màu của trời, tầng giữa sơn màu vàng – màu của đất, tầng dưới cùng sơn màu đỏ – màu của con người. Vào mỗi kỳ tế lễ người ta thường dựng những ngôi nhà tương ứng với các màu trên để làm nơi dâng đồ cúng.
Ở một khu đất phía nam đàn có một khu vực đặc biệt là Trai cung, nơi vua ngự giá đến và ở lại đây trong 3 ngày trước khi tế lễ, ngoài ra xung quanh đàn còn có các công trình như: quan cư và bình xá – nơi ở của quan binh trong lúc tế lễ, thần trù – nhà bếp, thần khố – nhà kho, ế sở – nơi phục vụ cho việc tế tam sanh. Hiện nay thì các công trình này đã thành phế tích chỉ còn Trai cung tương đối nguyên vẹn.
Đến với đàn Nam Giao ngày nay, du khách sẽ hòa mình vào thiên nhiên trong lành, chứng kiến một giao đàn từng có giá trị về mặt tâm linh rất lớn trong lòng người dân Huế xưa.
BẢO TÀNG MỸ THUẬT CUNG ĐÌNH HUẾ
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế nằm tại số 3, Lê Trực, TP. Huế. Tòa nhà chính của viện bảo tàng bằng gỗ, có 128 cây cột gỗ quý, trên các cột có hình chạm khắc tứ linh: Long – Lân – Quy – Phụng và hơn 1.000 bài thơ bằng chữ Hán. Tòa nhà này chính là điện Long An xây năm 1845 dưới thời vua Hiến Tổ nhà Nguyễn, niên hiệu là Thiệu Trị. Hiện bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn, cho khách tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống cung đình Huế.
CHỢ ĐÔNG BA
Chợ Đông Ba là ngôi chợ cổ nhất của xứ Huế mang nhiều nét sinh hoạt, văn hóa con người từ ngàn xưa không hề mất theo thời gian. Ngôi chợ có diện tích gần 15.600m2, phục vụ nhiều loại hàng buôn bán khác nhau, từ hải sản tươi ngon, trái cây chín mọng, các món ăn dân dã được chế biến sẵn, đặc sản của người dân địa phương cho đến các quầy lưu niệm bán quần áo, trang sức, đồ thủ công, giày dép, túi xách,… Chợ có 3 tầng, trong đó tầng 2 và 3 chủ yếu bán đồ lưu niệm còn tầng 1 thì bán hải sản và đồ ăn vặt.
Chợ Đông Ba là một nơi lý tưởng để khám phá đời sống thường nhật của người dân xứ Huế và là địa điểm tuyệt vời để ăn uống, thưởng thức những món ăn dân dã mà cũng rất cầu kỳ của người Huế vốn nổi tiếng sành ăn như chè Huế, bánh bột lọc, bún nghệ, bánh tráng Sịa, bún thịt nướng Kim Long, nem chả tré Phú Hòa,…
PHỐ TÂY PHẠM NGŨ LÃO
Nếu ở TP. Hồ Chí Minh có phố tây Bùi Viện, Hà Nội có phố tây Tạ Hiện thì Huế cũng có phố Tây Phạm Ngũ Lão không thua kém gì hai thành phố du lịch lớn này. Nói là khu phố tây Phạm Ngũ Lão vì hầu như ở đây tập trung đông đúc nhất nhưng về đúng nghĩa thì khu phố tây còn mở rộng ra ở đoạn giao Lê Lợi hay Võ Thị Sáu.
Nằm bên bờ Nam sông Hương, Phố tây Phạm Ngũ Lão chính là điểm đến nhộn nhịp đã khiến cho bức tranh trầm mặc của Huế thêm một màu sắc phá cách. Hỏi người dân nơi đây về thời gian xuất hiện của phố Tây nhưng hầu như cũng không ai biết. Chắc có lẽ khi du lịch Huế dần phát triển, du khách nước ngoài đến đây nhiều hơn thì những bar, pub, lounge cũng dần mọc lên, trở thành điểm lui tới của nhiều khách Tây.
CẦU NGÓI THANH TOÀN
Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vòm bằng gỗ với mái ngói bắc qua một con mương làng Thanh Thủy Chánh, thuộc xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, cách thành phố Huế khoảng 8km về phía Đông Nam. Đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.
Cây cầu được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu). Cầu dài 18,75m, rộng 5,82m, chia làm 7 gian, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói lưu ly. Cầu đầu tiên được xây dựng cách đây hơn 2 thế kỷ đã bao lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau các lần hư hỏng, nhân dân xã đều chung nhau tu sửa, tôn tạo và gìn giữ.
Ngày nay, Cầu Ngói Thanh Toàn không chỉ mang đến giá trị lịch sử, văn hóa của người Huế mà còn là một cảnh đẹp để chiêm ngưỡng, ngắm nhìn. Vào các ngày thường điểm du lịch này không có gì nổi bật, nhưng vào mùa lễ hội Festival Huế thì trở nên cuốn hút với lễ hội rước đèn đầy sắc màu.
NHÀ VƯỜN AN HIÊN
Nhà vườn An Hiên đã có hơn 200 năm lịch sử, là phủ đệ của các quan lại thời phong kiến xưa, nơi đây kết hợp hài hòa giữa kiến trúc nhà ở quý tộc và vườn tược, cây xanh dân giã. Đến thăm căn nhà cũng là một trong những cách để du khách hiểu thêm về vùng đất gắn liền với một đoạn thăng trầm của lịch sử.
Nhà vườn An Hiên được xây dựng dành cho công chúa thứ 18 của vua Dục Đức, qua nhiều giai đoạn khu nhà vườn này được đổi chủ nhiều lần hầu hết là các hoàng thân hoặc quý tộc trong triều. Ngôi nhà là một trong những kiểu mẫu của những ngôi nhà vườn Huế, với hướng quay thẳng ra sông Hương. Nhà chủ yếu làm bằng gỗ, được chạm trổ hoa văn tinh xảo, chịu ảnh hưởng nhiều của lối kiến trúc, quy tắc bài trí xưa như: “tả nam hữu nữ” hay “tiền phật hậu linh”. Khu sân vườn cực rộng với nhiều loại trái cây 3 miền độc đáo được chăm sóc cẩn thận nổi bật nhất trong những nhà vườn Huế.
Nhà vườn An Hiên là điểm tham quan mang đậm dấu tích lịch sử, mang đến bức tranh toàn cảnh của triều đại nhà Nguyễn, sự xa hoa, lộng lẫy lúc bấy giờ. Một nơi lý tưởng để khám phá và hiểu hơn về lịch sử.
CHÙA THIÊN MỤ
Toạ lạc trên ngọn đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, chùa Thiên Mụ (hay chùa Linh Mụ) hiện lên giữa một không gian thiên nhiên thơ mộng đầy trữ tình và là khơi nguồn cảm hứng cho biết bao tác phẩm thi ca nhạc hoạ.
Chùa Thiên Mụ được ra đời năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Đây được coi là ngôi chùa cổ có kiến trúc và khung cảnh đẹp nhất xứ Huế. Ngoài vẻ đẹp của kiến trúc và văn hóa, chùa còn giàu về giá trị lịch sử, chứng nhân của hơn 400 năm từ thời dựng nước.
Đến với chùa Thiên Mụ, du khách sẽ được đắm mình trong không gian cổ kính, xung quanh được bao phủ bởi những cây thông, cây cảnh và ao sen tinh tế, hương thơm tràn ngập khắp không gian, mang đến một cảm giác yên bình khó tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác, du khách sẽ thấy hồn nhẹ bẫng và sâu lắng như thể đang đi vào không gian của trăm năm thanh tịnh và thơ mộng, nơi mang dáng vẻ uy nghiêm cổ kính, với cảnh trí thanh thoát nên thơ.
Leo lên mấy tầng cấp, sau hai trụ đá, du khách bước vào khuôn viên chùa qua bốn trụ biểu cao gần 8m, có gắn gạch hoa tráng men, không gian khiến ai cũng liên tưởng như đi đang lạc bước vào lối thơ. Kiến trúc hòa quyện với thiên nhiên như những cung bậc của thi ca. Du khách sẽ không còn nghe thấy sự ồn ào náo ngoài kia, chỉ có tiếng bước chân du khách chậm rãi bước đi, đôi lúc một tiếng chuông trong vắt, sớm chiều ngân nga, vang vọng, một âm thanh đục của tiếng gỗ phát ra từ chiếc mõ nơi chánh điện cũng làm cho du khách như đang đi giữa không gian của Phật pháp. Tất cả cùng tạo nên một không gian an yên giữa cố đô ngàn năm hiền hòa.
Biểu tượng nổi bậc nhất của chùa là tháp Phước Duyên. Tháp có 7 tầng, cao đến 21m, bên trong có cầu thang xoắn ốc dẫn đến tầng cao nhất của tháp, mỗi tầng đều có thờ tượng Phật và trước đây tầng cao nhất là thờ tượng Phật bằng vàng. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, hai bên tháp là những khu nhà để chuông đồng rất uy nghi. Đứng trên tòa tháp phóng tầm mắt ra phía xa, du khách có thể chiêm ngưỡng nơi gặp gỡ sông nước và non cao.
Gắn liền với chùa Thiên Mụ còn có những công trình kiến trúc như điện Đại Hùng, điện Quan Âm,…Trong điện đặt nhiều tượng phật bằng đồng sáng chói cùng một khánh đồng được đúc năm 1677 và một bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng năm 1714. Ngôi chùa còn là nơi lưu giữ những hiện vật và công trình kiến trúc đặc trưng để lại từ thời Chúa Nguyễn có giá trị như: các loại bia đá có tuổi thọ lâu đời, rùa đội bia, trái tim của cố hòa thượng Thích Quảng Đức…
Du khách hãy một lần đến đây để cảm nhận hết những dấu ấn lịch sử còn sót lại, cầu nguyện bình an hay đơn giản là thả hồn vào thiên nhiên nhiên trữ tình và lắng nghe những câu chuyện, những truyền thuyết trong quá khứ của nơi đây nhé!
CHÙA TỪ HIẾU
Chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi cổ tự lớn và là một danh lam có tính văn hoá và lịch sử của Cố đô Huế. Tương truyền, chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một cái am nhỏ có tên là “An Dưỡng Am” là do nhà sư Nhất Định lập ra để phụng dưỡng mẹ già. Cảm động trước tấm lòng hiếu kính của nhà sư, vua Tự Đức đã ban tặng tấm biển “Sắc tứ Từ Hiếu Tự”, từ đó chùa có tên là “Từ Hiếu.” Các vị thái giám trong cung nội thường xuyên ghé thăm và góp tiền công đức để tu sửa và mở rộng ngôi chùa.
Theo thời gian, mặc dù đã bị tàn phá nhiều nhưng nhìn chung, kiến trúc tổng thể của ngôi chùa hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Cấu trúc của chùa bao gồm nhiều phần: cổng chùa, sân vườn, chính điện, hậu điện. Cổng chùa được xây dựng theo kiểu vòm cuốn, bước qua cổng du khách sẽ bắt gặp một hồ nước hình bán nguyệt nuôi cá cảnh và trồng hoa sen. Trong những ngày nắng ấm, hồ sen tỏa hương thơm ngát, đàn cá bơi lội tung tăng tạo nên khung cảnh yên bình nơi cửa Phật. Chính điện được xây dựng theo kiểu ba gian hai chái, phía trước thờ Phật Tổ Như Lai, phía sau thờ Tả quân đô thống Lê Văn Duyệt và nhiều vị thần khác. Trong khuôn viên của chùa có nhiều cây trái sum suê và hồ nước uốn quanh xen lẫn tháp mộ của các vị thiền tăng đời trước. Đặc biệt, chùa Từ Hiếu còn là nơi chôn cất các phi tần triều Nguyễn và gần 30 ngôi mộ của các vị thái giám thời xưa…
Ẩn mình sau những hàng cây xanh mướt, chùa Từ Hiếu nhuốm màu hoang sơ, huyền bí giữa đạo và đời. Cảnh chùa được bố trí đẹp mắt, người xem như lạc vào một thế giới nửa thực, nửa mơ. Giữa không gian yên ắng, âm thanh của những tiếng kinh kệ vang lên làm cho lòng người thư thái, hướng tâm hồn đến những điều tốt đẹp. Không vướng bận bụi trần, chùa Từ Hiếu là nơi thư giãn lý tưởng cho những những ai yêu cái đẹp, cái tĩnh tại của vạn vật. Bởi vậy, từ xưa cho đến nay, ngôi chùa cổ kính này được mệnh danh là một trong những danh lam thắng cảnh hiếm có của đất Thần Kinh.
CHÙA TỪ ĐÀM
Là một ngôi chùa cổ nổi tiếng ở xứ Huế, chùa Từ Đàm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng của cả nước, nhất là với các tỉnh miền Trung. Đây là ngôi chùa đã trải qua bao nhiêu biến cố của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Vào thăm chùa, du khách sẽ thấy được cấu trúc chung của chùa đặc trưng cho kiểu chùa Hội cổ kính nhưng thiết kế đơn giản và diện tích rộng rãi, cao ráo. Đây là nơi đón tiếp các vị Tôn đức lãnh đạo Phật giáo, chư vị học giả, trí thức và du khách, Phật tử trên các nước đến để tham quan, lễ Phật. Ngoài tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa, du khách còn được chiêm ngưỡng toàn bộ kiến trúc, cảnh quan tuyệt đẹp trong chùa.
Dù được trùng tu nhiều lần nhưng nơi đây vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ xưa. Ngôi chùa được xây dựng trong không gian rộng rãi, thoáng mát với nhiều cây xanh bao quanh. Về kiến trúc chùa gồm có ba phần quan trọng là cổng tam quan, chùa chính và nhà Hội.
Cổng tam quan của chùa cao có mái ngói, là loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa truyền thống khác ở Việt Nam. Phía sau cổng có cây bồ đề được chiết ra từ cây bồ đề nơi Phật đắc đạo do bà Karpeies hội trưởng hội Phật học Pháp tặng và được trồng vào năm 1936. Tiếp đến là sân chùa rộng, được lát đá bằng phẳng, rộng rãi đủ chỗ để tập trung hàng nghìn người về đây dự lễ. Chùa chính gồm tiền đường, chính điện và nhà Tổ. Tiền đường được xây trên một nền móng bằng đá hoa cương chạy chỉ và cao 1,5m và mái được thiết kế theo kiểu cổ lầu làm cho ngôi chùa trông cao hơn.
Chùa Từ Đàm nổi bật, đẹp mắt với thiết kế ở các bờ mái và trên nóc chùa là những cặp rồng uốn cong, được đặt đối xứng nổi lên trên những dãy ngói. Dưới mái cổ lầu là những bức tượng đắp nổi về lịch sử đức Phật, dọc theo các cột trụ là các bức câu đối dài được chạm khắc sắc sảo và hai lầu chuông trống.
Trong điện được bài trí tôn nghiêm, có pho tượng đức Thế tôn Thích ca mâu ni ngồi uy nghi trên tòa sen, hai bên có phù điêu hai vị Bồ tát Văn Thù và Phố Hiền. Cách bài trí trong điện đơn giản so với các ngôi chùa khác ở Huế. Phía bên phải chánh điện là nhà khách và phòng Tăng. Trước nhà khách có một vườn hoa nhỏ, ở giữa vườn có tượng bán thân của cư sĩ Tâm Minh (người góp nhiều công lao cho chùa và cho phong trào phục hưng và phát triển Phật giáo Việt Nam).
Chùa Từ Đàm là ngôi chùa Hội cho nên Hội quán được xây dựng lớn, rộng với 10 căn, cao hai tầng. Thêm nữa, ngôi chùa còn nổi tiếng với Tháp Ấn Tôn thờ 7 vị Phật quá khứ được đúc bằng đồng được xây dựng theo hình tháp bát giác có 7 tầng cao và càng lên cao càng nhỏ dần, bên góc trái cổng Tam Quan của chùa từ ngoài nhìn vào, gần đường Điện Biên Phủ. Đối diện với tháp Ấn Tôn là Giảng đường và văn phòng Tỉnh Giáo Hội. Toà nhà xây cao 3 tầng với tầng hầm ở dưới, tầng giữa là Văn phòng tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế và tầng trên cùng là giảng đường và để tổ chức triển lãm, hội nghị, diễn giảng,…
CHÙA THIỀN LÂM
Chùa Thiền Lâm (hay còn gọi chùa “Phật đứng – Phật nằm”) được Hoà thượng Hộ Nhẫn xây dựng năm 1960 với hình hài ban đầu chỉ là một Cốc nhỏ. Đến hiện tại, chùa là quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc như tượng, tháp mộ, tháp Phật, nhà tăng chúng… ở nhiều vị trí khác nhau.
Khác với bất kỳ những ngôi tự của Phật giáo Bắc Tông với cổng tam quan dẫn lối vào vườn thiền, chùa Thiền Lâm mở cửa đón đồ chúng bằng cổng chào mang phong cách Phật giáo Nam Tông, nhẹ nhàng nhưng ấn tượng. Vào đến chùa, tận cùng khuôn viên ở bên trái là ngôi bảo tháp màu trắng đỉnh vàng cao vút, uy nghi mà thanh thoát giữa nền trời. Bảo tháp có 2 phần: tầng dưới là chánh điện; tầng trên tôn trí Xá lợi Phật Thích Ca và chư Thánh tăng. Là ngôi chùa Phật giáo Nam Tông nhưng chất thiền vẫn rõ nét trong không gian và các công trình kiến trúc của chùa. Không mang trên mình bề dày như những ngôi chùa Bắc Tông trên vùng đất xứ Huế, chùa Thiền Lâm gợi đến cảm giác “là lạ”, nhẹ nhàng và tĩnh tại toát lên từ những gì mà ngôi tự đang có.
CHÙA DIỆU ĐẾ
Chùa Diệu Đế toạ lạc bên bờ sông Hộ Thành, người dân Huế gọi là sông Gia Hội, hoặc sông Đông Ba. Chùa Diệu Đế có một vị trí quan trọng trong lịch sử Phật giáo ở Huế. Chùa nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi nên đã có cảnh quan rất đẹp, với vườn tược rộng rãi, cây cối xanh tươi. Năm 1844 nhà vua đã tôn tạo và sắc phong làm Quốc tự. Chùa trở thành một danh lam của đất kinh kỳ.
NHÀ THỜ CHÍNH TÒA PHỦ CAM
Nhà thờ chính tòa Phủ Cam là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Huế, tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Đây là một trong những nhà thờ to lớn, nổi tiếng và lâu đời nhất tại Huế. Ngôi nhà thờ ngày nay được xây theo lối kiến trúc hiện đại, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế.
Về kiến trúc, mặt bằng xây dựng nhà thờ mang dạng thánh giá, đầu hướng về phía Nam đuôi hướng Bắc. Nhà thờ có kết cấu theo kỹ thuật xây dựng hiện đại nhưng phần trang trí vẫn theo nghệ thuật cổ điển của phương Tây. Các trụ đỡ được đúc sát vào tường, chạy uốn cong dần về phía trước, mềm mại. Bốn góc mỗi góc có ba trụ đỡ vươn dần ra, tạo thành một không gian đủ rộng ôm kín Cung thánh và bàn thờ.
Lòng nhà thờ rộng, có thể chứa được 2.500 người đến dự lễ. Có hai dãy cửa gương màu nằm ở phần trên bên trong lòng nhà thờ cung cấp ánh sáng cho nội thất. Cung thánh là một hình tròn có các cấp đi lên, trên cung là một hình tròn nhưng nhỏ hơn với bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối.
ĐỀN THỜ HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
Nằm dưới chân núi Ngũ Phong thuộc phường An Tây của TP.Huế, Trung tâm văn hóa Huyền Trân hay còn được gọi là đền thờ công chúa Huyền Trân là cụm quần thể kiến trúc mang đậm màu sắc văn hóa, tâm linh, lịch sử.
Cụm quần thể kiến trúc Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được bao quanh bốn bề là trùng điệp đồi núi, có không gian phong cảnh hữu tình và thâm nghiêm. Từ phía ngoài đi vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có đặt nghê đá phục chầu, tiếp đó là 3 bậc sân khá rộng được lát bằng gạch Bát Tràng, có cả hồ nước và cây cầu nhỏ bắc qua tương tự như cây cầu Trung Đạo được bắc qua hồ Thái Dịch trước điện Thái Hòa trong kinh thành Huế; tiếp đến nữa là khu vực tam quan và trong cùng là đền thờ Huyền Trân Công chúa. Tất cả các công trình đều nằm trên một trục thẳng.
Phía bên trong đền thờ có pho tượng mô phỏng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Hậu điện có thờ Đoàn Nhữ Hài, người được cho đã soạn biểu giúp gỡ tội cho vua Trần Anh Tông thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thượng hoàng Nhân Tông, ông còn là vị quan của người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này được từ Chiêm Thành sát nhập vào Đại Việt…
Trong khuôn viên đền còn có nhiều công trình kiến trúc khác, như là: Tháp chuông Hòa Bình có chiều cao 7m và được dựng trên đỉnh Ngũ Phong cùng với một chuông đồng khác nặng 1,6 tấn và cao 2,16m. Tiếng chuông ngân lên như lan toả vào cõi nhân gian tĩnh lặng mang lại cho con người những phút giây thư thái và bình yên. Trên con đường đi lên Tháp chuông Hòa Bình, du khách sẽ còn gặp bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ với nụ cười viên mãn thường trực trên môi. Nơi đây còn có một số hạng mục công trình khác như: Nhà thư pháp; Nhà phong lan, Thiền đường, Thư viện để lưu giữ và nghiên cứu chủ yếu các tài liệu về vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Huyền Trân Công Chúa… cùng các nhân vật anh hùng khác dưới triều đại nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm qua các Triều đại, văn hoá Huế và lịch sử văn hoá kiến trúc của Chămpa,…
Hàng năm cứ vào ngày 9/1 âm lịch hàng năm, tại đây sẽ diễn ra Lễ hội Đền Huyền Trân, với sự tham dự của hàng ngàn du khách và người dân địa phương nhằm tri ân bao lớp tiền nhân có công mở mang bờ cõi.
ĐỒI VỌNG CẢNH
Đồi Vọng Cảnh cao 43m tọa lạc ở phía Tây Nam thành phố Huế, chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương. Nó tọa lạc giữa vùng lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn và đối diện với điện Hòn Chén được thiết lập từ thời xa xưa ở phái đối ngạn.
Đứng trên đồi Vọng Cảnh, người ta có được một cái nhìn bao quát đối với nhiều di tích cổ kính và những cảnh đẹp tuyệt vời ở một không gian thiên nhiên rộng lớn chung quanh, đặc biệt nhất là vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Hương. Ngọn đồi nằm giữa một khúc uốn mềm mại, dịu dàng và hấp dẫn nhất của dòng sông nổi tiếng đa tình và gợi cảm này. Đây là nơi sông núi xích lại gần nhau để tạo ra một không gian sơn kỳ thủy tú. Ý nghĩa của địa danh Vọng Cảnh là như vậy.
ĐIỆN HÒN CHÉN
Núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi tên là Ngọc Trản (có nghĩa là “chén ngọc”), dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén vì nó ngay ngắn tròn trĩnh như hình chén úp. Cũng vì vậy, người ta quen gọi ngôi điện thờ Thánh mẫu tọa lạc giữa lưng chừng núi là điện Hòn Chén – thuộc địa bàn làng Hải Cát, phường Hương Thọ, thị xã Hương Trà.
Điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây cao bóng cả. Mặt bằng của toàn bộ cụm di tích này không lớn lắm, công trình kiến trúc chính là Minh Kính Đài tọa lạc ở giữa; bên phải là nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh; bên trái là dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, động thờ ông Hổ, am Ngoại Cảnh. Sát mép bờ sông còn có am Thủy Phủ. Ngoài ra, trong phạm vi ấy còn có nhiều bệ thờ, nhiều am nhỏ nằm rải rác đó đây.
Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo thu hút hàng ngàn khách tham quan, nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hàng năm.
ĐỒI THIÊN AN VÀ HỒ THỦY TIÊN
Nằm ở phía nam, cách thành phố Huế khoảng 10km, đồi Thiên An sẽ hiện ra ngay trước mắt du khách với một màu xanh của ngàn thông, những mái lá và những con dốc ngoằn ngoèo. Khỏi phải nói, đây chính là địa điểm để du khách tha hồ check-in bằng những bức hình “chất ngất” ví như một Đà Lạt “thu nhỏ” ngay tại xứ Huế mộng mơ.
Bên cạnh đồi là hồ Thủy Tiên rộng lớn được dẫn nước từ sông Hương trong vắt, đây là một địa điểm bị bỏ hoang đã khá lâu, có phần ma mị và bí ẩn. Tuy vậy, vẫn không thể phủ nhận được vẻ đẹp tĩnh lặng, đầy lãng mạn của hồ Thủy Tiên nên nó vẫn là điểm hấp dẫn các du khách ưa khám phá tìm đến nơi này để tham quan và chụp ảnh lưu niệm.
HỒ TỊNH TÂM
Được mệnh danh là 20 cảnh đẹp nhất của xứ Huế dưới thời vua Thiệu Trị (1840 – 1847), hồ Tịnh Tâm hay còn gọi là Tĩnh Tâm thường được nhắc đến trong thơ ca với cảnh vật rất giản dị và tĩnh lặng đúng với tên của nó.
Hồ Tịnh Tâm thuộc phường Thuận Thành (TP. Huế) là di tích cảnh quan nổi tiếng được xây dựng từ thời triều đình nhà Nguyễn. Nguyên xưa, hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8.000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một Ngự Uyển của Hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm. Nó được xem là một thành tựu nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan tiêu biểu của Việt Nam ở thế kỷ 19.
Đến với hồ Tịnh Tâm, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy ba hòn đảo nhỏ với ba cái tên đó là: Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Xung quanh các đảo trên hồ và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc, các hoa cỏ lạ, dưới hồ trồng sen bách diệp, giống sen quý nhất trong các loài sen ở nước ta.
Hồ được ngăn cách với bên ngoài bằng hệ thống tường gạch. Bốn mặt có bốn cửa gồm: cửa Hạ Huân ở phía Nam, cửa Đông Hy ở phía Bắc, cửa Xuân Quang ở phía Đông và cửa Thu Nguyệt ở phía Tây.
Hồ Tịnh Tâm vừa là một di tích kiến trúc, vừa là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Cố đô Huế. Đặc biệt hơn, đây là một tổng thể kiến trúc cung đình gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật khác nhau, được phân bố đan xen giữa một ví trí mà thiên nhiên hết sức ưu ái. Ngày nay, hồ Tịnh Tâm là nơi dừng chân của khách du lịch khi đến tham quan và khám phá Huế. Đây cũng là địa điểm hết sức thú vị để du khách lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời qua những tấm ảnh chụp ở nơi này.
VƯỜN QUỐC GIA BẠCH MÃ
Vườn Quốc gia Bạch Mã cách thành phố Huế 60km về phía Nam, ở độ cao 1.450m, là nơi nghỉ mát nổi tiếng ở Việt Nam. Trên đỉnh núi hùng vỹ 4 mùa xanh tươi với thác nước, suối rừng, là cả một vùng khí hậu ôn đới như ở SaPa, Tam Ðảo, Ðà Lạt… Núi Bạch Mã còn là nơi quy tụ nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm ở miền nhiệt đới.
Núi Bạch Mã nổi tiếng bởi có những con suối và nhiều ngọn thác ngoạn mục. Thác Ðỗ Quyên cao 400m, rộng 20m, những ngày hè, hai bên bờ thác, hoa Ðỗ Quyên nở rộ như hai thảm lụa hoa khổng lồ. Ở trung tâm khu nghỉ mát có ngọn thác Bạc cao 10m, rộng 40m như một bức rèm trắng muốt đung đưa trước gió.
Ðứng trên đỉnh núi Bạch Mã, du khách có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh lộng lẫy của đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và ánh điện lung linh của thành phố Huế vào ban đêm.
BẠCH MÃ VILLAGE
Những ai đã từng xem qua bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” ở Matamata hẳn sẽ biết ngôi làng cổ tích Hobbit của những chú lùn. Và du khách sẽ rất ngạc nhiên khi được tận mắt nhìn thấy bối cảnh ngôi làng đó ngoài đời thực khi đến với Bạch Mã Village. Thực chất khu du lịch này được tái tạo từ khu trượt thác Bạch Mã. Sau khi đầu tư hoàn thiện, trở thành một địa điểm mới và lấy tên khu du lịch Bạch Mã Village.
Bạch Mã Village sẽ đón chào du khách bước vào một thế giới cổ tích, ở đó có nhiều bối cảnh được bài trí hết sức ấn tượng và độc đáo. Du khách sẽ bắt gặp những ngôi nhà với kiến trúc nửa chìm nửa nổi, xung quanh là không gian tự nhiên xanh mướt, khiến cho nó mang một màu sắc yên bình giống hệt như trong truyện tranh.
Nhưng ngoài cái tên “Làng người lùn”, nơi đây còn được ví như xứ sở thần tiên. Ghi điểm trong mắt du khách chính là không gian thanh bình, trong trẻo, cho người ta có cảm giác như đang ở một vùng trời Bắc Âu. Và xen lẫn vào đó chính là những ngôi nhà bằng gỗ với lối thiết kế rất riêng, nhỏ nhắn chỉ ngang người. Không chỉ có một hay hai mà có đến tận vài chục ngôi nhà như thế.
Nối tiếp giữa những ngôi nhà bằng gỗ là con đừng bậc thang bằng đá xinh xắn, nằm xen lẽ là những thảm cỏ xanh mướt, đám hoa dại xinh xắn. Tới đây, du khách có thể dạo bước trên những con đường này để ngắm nhìn toàn cảnh của ngôi làng, chắc chắn du khách sẽ mãn nhãn với những gì nằm trong tầm mắt mình: là thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, là khe suối,… Tất cả dệt nên bức tranh phong cảnh cuốn hút.
Còn gì tuyệt vời bằng khi được thỏa sức “sống ảo” lại được trải nghiệm các dịch vụ trải độc đáo bao gồm: lưu trú qua đêm bằng lều trại ngoài trời, khách sạn, tắm suối, trượt thác thiên nhiên, hoạt động lửa trại, teambuilding, Galadiner,…
HỒ TRUỒI VÀ THIỀN VIỆN TRÚC LÂM BẠCH MÃ
Nằm ở dưới chân núi Bạch Mã, hồ Truồi là một công trình thuỷ điện rộng lớn. Hồ có diện tích khoảng 400 hecta, dung tích lòng hồ đến 60.000.000 m3 khối nước. Trước kia diện tích hồ lòng hồ rất nhỏ. Đập Truồi ngăn nước cao 50m được tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng vào năm 1996.
Khu du lịch Hồ Truồi nằm dưới chân dãy Bạch Mã hùng vĩ. Đến hồ Truồi, du khách sẽ thấy một vùng nước trong xanh được bao bọc bởi các dãy núi xanh ngát, phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Giữa lòng hồ Truồi, Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã là ngôi thiền viện đầu tiên ở miền Trung, nhìn xa trông như một đoá sen giữa lòng hồ trong xanh. Được xây dựng hài hoà trong một chỉnh thể của kiến trúc Phật giáo và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Bạch Mã cũng có chính điện thờ Phật tổ đang ngồi tu niệm dưới gốc cây bồ đề, phía sau chính điện là khu vực tổ đường thờ tổ sư Đạt ma của thiền phái Trúc Lâm.
Từ Thiền Viện, du khách hãy phóng tầm mắt ra xa để chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng hùng vĩ và vẻ đẹp “non xanh nước biếc” của Hồ Truồi trong không khí mát lạnh, trong lành của chốn thanh thịnh.
VỊNH BIỂN LĂNG CÔ
E ấp nghiêng mình bên sông nước mây trời, vịnh Lăng Cô sở hữu vẻ đẹp được ví như chốn “bồng lai tiên cảnh”. Vịnh Lăng Cô có chiều dài 42,5km, cách thành phố Huế hơn 60km và cách Đà Nẵng 20km. Năm 2009, Lăng Cô vinh dự nhận được danh hiệu “Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới” do Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới (Worldbays) bình chọn. Du lịch Lăng Cô dù đã và đang thu hút du khách trong và ngoài nước, nhưng điểm đến này vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ và quyến rũ như thuở đầu.
Vịnh Lăng Cô có bãi cát dài 8km trắng mịn, lung linh, hài hòa cùng gió nước và mây trời xứ Huế tạo nên bức tranh diệu kỳ. Nét thanh bình, quyến rũ của làng chài và bãi biển Lăng Cô mang lại sức hút khó cưỡng đối với du khách nếu một lần “lỡ” đặt chân đến.
Ấn tượng đầu tiên khi đến với Lăng Cô là sự thanh khiết của những cơn gió biển. Bầu không khí trong lành nơi đây sẽ giúp du khách rũ bỏ ưu tư sau những ngày làm việc mệt mỏi.
Đứng trên đèo Hải Vân nhìn xuống, vịnh Lăng Cô như một bức tranh thiên nhiên bát ngát hiện ngay dưới tầm mắt du khách. Non xanh nước biếc, gió đưa hương biển như muốn mời gọi du khách xuống chơi hay để tha hồ tắm mình dưới dòng nước mát lạnh.
Đến Lăng Cô, du khách sẽ được thoải mái tham quan, tắm biển hoặc tham gia những hoạt động thú vị như: chèo thuyền, lặn biển, câu mực… Điều đặc biệt là Lăng Cô có vị trí gần Hải Vân Quan và Vườn Quốc gia Bạch Mã nên hệ động thực vật quý hiếm tập trung khá nhiều.
ĐẦM LẬP AN
Hãy kết hợp chuyến du lịch biển Lăng Cô với chuyến tham quan Đầm Lập An (hay còn được gọi là đầm An Cư). Khi ánh nắng của buổi chiều hoàng hôn dần khuất sau dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, mặt nước phẳng lặng đầm Lập An chuyển sang gam màu vàng cam rực rỡ đan xen với gam màu xanh thẫm của nước đầm, nhìn xa trông như một bức tranh thủy mặc vô cùng huyền ảo và sống động. Hơn nữa, người dân nơi đây còn nổi tiếng với nghề nuôi bắt hàu nên đến đây, ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên trữ tình tuyệt đẹp, du khách còn có cơ hội thưởng thức các món ngon được chế biến từ hàu.
BÃI BIỂN THUẬN AN
Bãi biển Thuận An thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, biển nằm ngay bên cạnh cửa biển Thuận An. Đây chính là nơi sông Hương xuôi dòng hướng phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông, hòa cùng đại dương mênh mang. Do vậy mà bãi biển Thuận An mang một vẻ đẹp riêng giữa ánh sắc của dòng sông hiền hòa và biển cả rộng lớn. Chẳng thế mà nhà vua Thiệu Trị đã xếp bãi biển Thuận An là danh thắng thứ 10 trong Thần kinh nhị thập cảnh.
Một trong những điều đặc biệt làm cho bãi biển Thuận An mê mẩn du khách đó chính là cảnh sắc bồng bềnh thay đổi theo từng mùa, do chịu ảnh hưởng của khí hậu. Ấy thế nên, dù có trở lại thêm nhiều lần nữa thì bãi biển miền Trung này vẫn đủ sức hấp dẫn bất kỳ bước chân ai.
Một ngày ở bãi biển Thuận An, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng muôn vẻ đổi thay của “khuôn mặt” biển. Đó là lúc bình minh hừng sáng, những tia nắng mai đầu tiên ló dạng khỏi đường chân trời, đánh thức cả một phương. Bãi biển nhỏ bé oằn mình rồi nhẹ nhàng vươn vai đón ngày mới, khẽ “chào bằng nụ cười hiền” hết sức diễm lệ, mọi thứ như hư hư thực thực, động lòng người.
Khi nắng đã lên cao, sóng cũng vì thế mà triền miên không dứt, cứ ập vào rồi đùa nghịch đẩy ra xa, cả mặt nước mênh mông sóng sánh ánh bạc, huyễn hoặc vô cùng. Để khi hoàng hôn về, bức tranh ma mị lại xuất hiện, chỉ có cảm nhận bằng chính đôi mắt và trái tim được đặt ở đấy, người lữ hành mới giữ được trọn vẹn từng khoảnh khắc “đáng yêu” như vậy.
Đến với bãi biển Thuận An, không chỉ có ngắm cảnh, vui đùa tắm mát mà du khách còn có cơ hội khám phá làng chài, để chiêm nghiệm nhiều hơn những điều mới mẻ. Những chiếc thuyền đánh cá mưu sinh như nhỏ bé trước đại dương bao la, giống hệt như phận đời lênh đênh của người làng chài, thế nhưng ai cũng mến, cũng thương, quyết không bỏ cái nghiệp mà cha ông đã để lại. Và dĩ nhiên, đã ghé biển nhất định phải thưởng thức đặc sản tươi ngon đượm hương vị của đại dương. Đừng quên nướng ngay trên bếp than hồng ở bãi biển, nhấm nháp cùng chút rượu nồng của làng Chuồn và nghe gió biển tạt vào người mát rượi, đảm bảo những giây phút như thế sẽ là phần ký ức đẹp khó phai khi đến đây đấy.
BÃI BIỂN CẢNH DƯƠNG
Cảnh Dương là một trong những bãi biển đẹp cách thành phố Huế chừng 60km về phía Nam. Bãi biển Cảnh Dương dài 8km, rộng 200m, hình vòng cung, nằm giữa mũi chân Mây Tây và chân Mây Ðông, bờ biển có độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước biển trong xanh và tương đối kín gió rất thuận lợi cho việc tổ chức các loại hình du lịch và thể thao.
PHÁ TAM GIANG
Tam Giang là hợp lưu của ba con sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương trước khi đổ vào biển Đông. Vì thế, phá Tam Giang mang tính “biểu tượng” về môi trường sinh thái của xứ Huế xưa và nay. Không một du khách nào đến đây, lại bỏ qua địa danh nổi tiếng này.
Đây là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, mặt nước rộng 248,7km2, khơi đầu từ cửa sông Ô Lâu ở phía bắc đến cửa sông Hương ở phía nam. Đầm phá bao đời nay có rất nhiều động vật thủy sinh, nhiều nhất ở các cửa biển Thuận An, cửa sông Ô Lâu, sông Bồ, đầm Thủy Tú. Cầu Hai, Hiện nay đã xác định được 163 loài cá, nhiều loài quý hiếm như cá vược, cá chình. Tùy theo mùa, còn một số loài cá di cư vào đầm phá để sinh sản như cá mòi, cá cơm biển… Ngược lại, cá đối, cá mú, cá dìa sống trong đầm phá lại di cư ra biển để đẻ trứng. Quanh năm, ngư dân đánh bắt được trên đầm phá khoảng 23 loài cá có giá trị kinh tế cao là cá dầy, cá dìa, cá bống thệ, cá hanh, cá hồng, cá căn…
Bề mặt đầm phá có thảm thực vật tự nhiên nên các loài chim nước tụ tập về đây, tạo thành các sân chim lớn tại cửa sông Ô Lâu, cửa sông Đại Giang và đầm Sam. Qua theo dõi, đã phát hiện được 34 loài chim di cư, 36 loài chim định cư, đặc biệt có 21 loài chim thuộc danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng Châu Âu và một loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Đầm phá đối diện với biển Đông trải dài hơn 68km, chỉ ngăn cách với biển bởi một dãi cát hẹp, thông thương qua hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Do đó nó có khả năng tự làm sạch môi trường nước và luôn được sóng gió biển Đông ùa vào bên trong, trở thành một “buồng phổi” lớn để điều hòa môi trường sinh thái cho toàn tỉnh Thừa Thiên Huế một cách tự nhiên và thường xuyên.
RỪNG NGẬP MẶN RÚ CHÁ
Rừng ngập mặn Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại trên phá Tam Giang. Có lẽ điểm gây ấn tượng mạnh đầu tiên của khu rừng ngập mặn này chính là cái tên độc đáo: “Rú Chá”. Thoạt nghe cái tên nghe vừa có vẻ hoang sơ, lại vừa có chút gì đó bí ẩn và ma mị. Theo tiếng địa phương Huế, “rú” ở đây nghĩa là rừng núi, còn “chá” là tên một loài cây mọc chiếm 90% diện tích nơi đây. Cái tên cũng từ đó mà ra đời, nghe dân dã quê mùa, nhưng lại rất đỗi gần gũi thân thương.
Đến với rừng ngập mặn Rú Chá, điều hút mắt nhất chính là một màu xanh của cây cỏ. Màu xanh ngát của cây chá phủ mênh mông trên mặt đầm với diện tích rộng khoảng 5 hecta. Một màu xanh mát mắt rất kích thích vào mùa hè, cho du khách đến đây được đắm chìm vào cảm giác sảng khoái, tươi mát và thư giãn nhất.
Người ta đến Rú Chá với những mục đích khác nhau. Nhiều người, nhiều đoàn học sinh, sinh viên đến đây để thực địa nghiên cứu thế giới nguyên sinh nơi đây. Nhiều người lại chọn đây làm nơi giải tỏa những căng thẳng và bộn bề của cuộc sống hằng ngày. Du khách có thể đến đây, tản bộ trên con đường nhỏ được đổ bê tông hoặc con đường đất để chiêm ngưỡng những bộ rễ cây trăm năm tuổi, cũng như hít hà lấy mùi rừng núi, sông nước, mùi cỏ cây nơi đây. Chỉ cần hít căng tràn lồng ngực không khí mát lành dịu nhẹ, thu hết vào tầm mắt một màu xanh trải dài quyến rũ, thì những mệt mỏi lo toan của guồng quay cuộc sống bỗng chốc sẽ bay biến đi.
KHE LẠNH
Đây là tên của một thác nước nhỏ trong khu vực lòng hồ của nhà máy thủy điện Bình Điền. Từ trung tâm thành phố Huế, chỉ mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ là du khách đã đến nơi này. Tại Khe Lạnh, du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng và thoải mái tận hưởng không khí mát lành, chiêm ngưỡng thiên nhiên hoang sơ của khu vực thác. Tuy nhiên, để có thể vào được khu vực này, du khách cần phải liên hệ xin phép đội ngũ quản lý của nhà máy thủy điện Bình Điền.
Đến với Khe Lạnh, du khách sẽ được vùng vẫy trong làn nước làn nước mát lạnh, gột rửa mọi phiền muộn, tạm quên lãng đô thị sầm uất và đắm mình trong cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể ngồi trên phiến đá ngắm nhìn thác đổ, lắng nghe tiếng nước chảy hòa với tiếng chim ríu rít, tiếng gió thổi rì rào và để cho tâm hồn bay miên man theo vẻ đẹp thiên nhiên.
SUỐI MƠ
Suối Mơ hay còn được gọi là thác Mơ nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 65km về phía Tây. Nằm ở vị trí thuận lợi, gần tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẳng, nên vào dịp hè về, thác Mơ đón một lượng lớn khách du lịch.
Con đường đi vào Thác Mơ nhìn chung không quá phức tạp, có thể di chuyển bằng nhiều loại phương tiện giao thông khác nhau như ô tô, xe máy… Thác Mơ nằm ở giữa những con núi, nên trên đường đi du khách sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vỹ của những khung cảnh núi đồi bình dị, với bầu không khí trong lành.
Điều gây ấn tượng nhất, mà ai đến đây cũng cảm nhận được và thích thú chính là không khí vô cùng mát mẻ, trong lành. Khác với thời tiết oi bức, nắng nóng của miền Trung, khi đến thác Mơ, một luồng không khí mát mẻ, không gian yên tĩnh là những gì du khách sẽ được cảm nhận. Có nhiều người ví von rằng thác Mơ như một “Đà Lạt thu nhỏ”, cũng dễ hiểu bởi xung quanh đây là khu vực núi rừng, vừa mát mẻ lại có chút se lạnh vào buổi tối, rất thú vị cho các buổi đi chơi.
Các con thác ở đây đều có độ cao nhất định, nên dòng nước khi chảy xuống tung bọt làm trắng xóa, hòa quyện cùng cảnh đồi núi, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Dòng nước chảy liên tục, nên mặt hồ lúc nào cũng trong veo, có thể nhìn thấy những viên đá rêu xanh ở dưới đáy hồ nước.
Không những được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên hữu tình với những dòng suối mát, hay bầu không khí trong lành, một điều khiến du khách thêm yêu thích nơi đây nữa chính là ẩm thực, với những món ăn dân dã, đặc trưng của miền núi bình dị được phục vụ chu đáo.
SUỐI VOI
Suối Voi còn được nhiều người dân địa phương gọi với cái tên khác là “suối Mệ”. Địa điểm dã ngoại này rất thích hợp cho những chuyến đi vào mùa hè, vì lúc đó thời tiết ở đây rất đẹp và mát mẻ.
Đến với suối Voi, du khách có thể ngắm trọn vẻ đẹp của những ngọn thác lớn, cánh rừng nguyên sinh cùng với nhiều hoa rừng như hoa sim tím và dọc hai bên suối là rừng cây cổ thụ. Tại đây, du khách còn được hòa mình vào hồ tắm thiên nhiên trong vắt của Đầm Voi nằm giữa hai ngọn thác tuyệt vời rộng đến 30m2 và sâu 2m.
Hi vọng rằng với những điểm đến gợi ý trên đây của Airbooking sẽ giúp cho chuyến du lịch Huế sắp tới của du khách trở nên mới lạ và hấp dẫn hơn. Nếu cần book tour du lịch Huế cũng như đặt vé máy bay, hoặc cần hỗ trợ đặt phòng resort/hotel với giá ưu đãi đừng ngần ngại liên hệ với Airbooking nhé!
0 Comment