Phú Quốc là một trong những hòn đảo đẹp nhất Việt Nam, nơi được người ta ví như đảo Hawaii thần thánh của Mỹ. Du khách biết đến Phú Quốc không chỉ bởi nơi đây có nhiều cảnh đẹp mà còn bởi Phú Quốc có rất nhiều món ăn ngon, độc đáo và hấp dẫn, có những món ăn du khách sẽ không thể tìm được ở nơi nào khác.
Ghẹ Hàm Ninh
Nói đến các món ăn nổi tiếng của “đảo ngọc” Phú Quốc có lẽ không nên bỏ qua Ghẹ Hàm Ninh. Với bất cứ ai một khi có cơ hội được nếm thử đều không thể quên được cái hương vị rất đặc biệt của món ăn tươi ngon này.
Đúng như tên gọi của nó, Ghẹ Hàm Ninh có nguồn gốc từ làng chài Hàm Ninh, đây được xem là ngôi làng cổ nhất vùng ốc đảo với sự mộc mạc, hoang sơ của cảnh vật, thiên nhiên, những mái nhà tranh vách lá nhỏ nhỏ, tiêu điều.
Rất khó tìm kiếm ở nơi đâu có ghẹ chắc và ngon thịt như ở Hàm Ninh. Những con ghẹ tươi xanh, đang còn bò dọc bò xuôi, được ngư dân bắt ngoài biển đem lên chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, hấp dẫn biết bao nhiêu người.
Vì bản chất trong ghẹ đã thơm ngọt rồi nên khi mua ghẹ về chỉ cần chế biến sơ qua, không cần màu mè hay cầu kì gì cả, đem lên luộc trong mổ thời gian rất ngắn rồi vớt ra ăn ngay. Nhìn dĩa ghẹ đỏ tươi kèm với dĩa nuối chanh tiêu cay nồng thiệt hấp dẫn, khiến trái tim thực khách rụng rời chảy cả nước miếng, ngọt lịm tim gan.
Những con ghẹ với mùi thơm nồng nàn, đậm đà, vừa mới cho những miếng thị trắng nuốt bỏ vào miệng, nhai từ từ, cái cảm giác thật tuyệt vời biết bao, vị ngọt béo ngậy của ghẹ kết hợp với vi chua cay của muối tạo nên một hương vị khó diễn tả, chỉ khi ăn du khách mới thấm được cái ngon và cái hương vị đặc biệt ấy.
Không chỉ có ghẹ luộc, đến Phú Quốc, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn đến từ ghẹ như Bánh canh ghẹ, Ghẹ Rang muối, Ghẹ sốt, Ghẹ Rang me cũng hấp dẫn và thơm ngon không kém.
Tiết canh cua
“Tiết canh cua”, cái tên nghe lần đầu tưởng đùa nhưng với nhiều người đây lại là “đệ nhất đặc sản” gói trọn sự tinh túy của ẩm thực Phú Quốc.
Theo như người đi biển kể lại: Trong quá trình đi đánh bắt xa bờ, khi thuyền không kịp ghé đảo Hòn Khoai để tiếp ứng thêm nước ngọt thì người đi biển thường bẻ càng cua và uống chất dịch bên trong càng cua. Chất dịch này có vị ít mặn và hơi ngọt hơn so với nước biển, lại không tanh nên dễ uống hơn. Từ đó, món tiết canh cua được chế biến từ chất dịch này trong cơ thể cua.
Không phải cua nào làm tiết canh cũng ngon, để làm tiết canh thì phải là cua biển, ngoài ra cua nhiều gạch thì tiết canh cua sẽ ngon ngọt và bổ hơn khi ăn. Cua làm món này phải lựa những con từ 700g đến 1kg. khi luộc cua thì cho thêm vào một ít rượu đế thịt cua thơm hơn và át đi mùi tanh.
Kế đến, giai đoạn quan trọng nhất là cắt tiết cua. Cua còn sống, rửa thật sạch, sau đó dùng dây buộc thật chặt bốn chiếc ngoe lại thành một chụm. Dùng kéo bén cắt thật ngọt một lượt. Tiết cua màu trắng từ những chiếc chân còn ngo ngoe chảy thẳng xuống đĩa thịt cua đã được bày biện sẵn, ban đầu thành vòi nhỏ, sau cứ ri rỉ cho đến hết. Xong phần chân bên này lại cắt tiếp phần chân bên kia.
Ở những con cua có gạch thì lấy phần gạch có ở mu cua cho vào đĩa tiếp theo sau phần lấy tiết cua. Phần tiết cua luôn có lẫn nước, khi tiết đã đông, phần nước nổi lên mặt, phải khéo léo dùng muỗng hớt ra cho thật khô, rồi mới rắc lên ngò rí, đậu phộng rang giã nhỏ.
Tiết cua đông lại trông như rau câu. Tiết canh cua ăn là lạ, phần thịt cua mềm lẫn với tiết cua, thêm vào đó vị ngọt béo của gạch cua cho ta một hỗn hợp: mằn mặn, ngòn ngọt.
Tiết canh cua cũng được ăn chung với bánh tráng như các loại tiết canh khác, nhưng phần rau thì ngoài mùi tàu, không thể thiếu rau dấp cá và có khi cũng ăn chung với khế chua, chuối chát cũng rất hợp và ngon.
Bào ngư
Bào ngư Phú Quốc là một trong những món quà quý của biển ban tặng, cũng giống như những thực phẩm biển khác chúng có tác dụng bồi bổ canxi cho cơ thể, rất thích hợp cho người bị bệnh loãng xương, trẻ em còi xương suy dinh dưỡng. Công dụng của bào ngư: bào ngư có tính bổ âm, tăng khí, bổ thận, tăng cường sinh lực cho nam giới, chống suy nhược cơ thể, sáng mắt… và chữa được rất nhiều bệnh. Vì vậy trong Đông y bào ngư được coi là một vị thuốc, chế biến thành nhiều thành phẩm thuốc để chữa bệnh.
Biển đảo Phú Quốc có 2 loại bào ngư: bào ngư loại 9 lỗ và bào ngư cổ khiếu. Trong đó, bào ngư cổ khiếu là loại lớn hơn và có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Bào ngư 9 lỗ lại được chia thành 2 loại: Bào ngưu vành tròn và bào ngư dài, bào ngư cổ khiếu là loại lớn hơn và có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Loại nguyên liệu thực phẩm cao cấp này được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: súp bào ngư rau củ, cơm bào ngư, bào ngư om lòng trắng gạch cua, bào ngư nướng than hồng… tất cả đều là những món ăn khá hấp dẫn và đặc biệt. Các món chế biến từ bào ngư có thể ăn chơi thưởng thức như hải sản quý hay ăn với cơm đều ngon tuyệt. Thịt bào ngư giòn giòn, có mùi thơm ngọt, ăn lai rai rất thích. Thịt bào ngư là một khối cứng, giòn, có mùi vị thơm rất đặc trưng, ăn rất ngậy, độ đậm, ngọt của đạm ngon mê ly.
Hải sâm
Hải sâm có tên gọi dân gian là con rum, đỉa biển, hay thường được người dân Phú Quốc gọi là đồn đột” hoặc “đột ngậu”, là một loại động vật biển được xếp vào hạng quý hiếm trên thế giới. Chúng có thân hình thuôn dài như quả dưa chuột, bên ngoài da có một lớp lông mỏng, xương nằm ngay dưới lớp da mềm mại.
Tuy có bề ngoài xù xì khiến nhiều người sợ sệt không dám động vào chúng khi chúng còn sống, nhưng hải sâm có thể giúp chế biến ra những món ăn rất thơm ngon và độc đáo, như hải sâm tiềm chim cút, hải sâm hầm rau củ, hải sâm nấu đu đủ, hải sâm hầm cải thìa,… Ngoài ra, với những người có hầu bao rủng rỉnh thì ngâm rượu hải sâm cũng là một lựa chọn cực kì hợp lý. Có một điều khá thú vị là khi ngâm rượu, hải sâm sẽ nở ra khá to so với kích thước cơ thể ban đầu.
Muốn chế biến hải sâm ngon, khâu sơ chế là vô cùng quan trọng. Nếu là hải sâm tươi, khi mua về phải ngâm và rửa kĩ với muối hoặc dấm chua để giảm mùi tanh, sau đó xào sơ qua với chút rượu, gừng hoặc tỏi. Hải sâm khô sau khi ngâm mềm với nước thì cũng cần làm tương tự, nếu không mùi tanh nồng của chúng sẽ khiến nhiều người cảm thấy không quen.
Nhum nướng mỡ hành
Đây là một trong những món ăn nổi tiếng và độc lạ nhất ở Phú Quốc. Người ta phải chọn những con nhum tươi vừa mới bắt mang về cắt gai, tách đôi ra, rửa sạch rồi đặt lên bếp than hồng nướng, cho thêm mỡ hành vào và thêm chút đậu phộng rang giã nhỏ cho thơm. Mùi thơm thơm phức dậy lên cả một khu phố, khiến mọi người mới chỉ nghe mùi đã háo hức và được thưởng thức món ăn tuyệt vời ấy.
Khi ăn, du khách có thể dùng muỗng nhỏ xúc từng miếng thịt hoặc trứng, rắc chút muối tiêu chanh, đưa vào miệng nhai từ tốn… Chắc chắn du khách sẽ ấn tượng với hương vị đậm đà quyến rũ của nó. Đúng là một món ăn ngon và lạ, hương vị không giống bất cứ loại hải sản nào. Nó vừa có vị ngọt lẫn mùi thơm của gạch cua, hòa quyện cùng hương nồng của biển tạo nên nét ẩm thực Phú Quốc đặc biệt.
Cháo nhum biển
Đây cũng là món ăn rất được yêu thích của khách du lịch gần xa. Sau khi sửa sạch và bổ đôi ra thì việc phải làm là cạo hết lớp thịt bên trong, xào sơ với mỡ tỏi và cho vào nồi cháo đang sôi. Múc ra tô, thêm tí hành lá và tiêu. Thế là mọi người đã có món cháo nhum thơm ngon đầy dinh dưỡng.
Cháo nhum với vị béo, bùi và đặc biệt có mùi thơm ngai ngái rất đặc trưng, được xem là thức ăn bổ dưỡng, giúp nhanh lấy lại sức sau những chuyến đi biển, những khi đi đường xa mệt nhọc.
Cơm chiên ghẹ
Cơm chiên ghẹ là sự kết hợp của cơm trắng thơm dẻo, những thớ thịt ghẹ luộc thơm ngậy, những lát trứng gà chiên vàng, chén nước tương kèm ớt xắt cay nồng… tất cả hòa quyện tạo ra một hương vị rất dân dã, đậm đà hấp dẫn bất cứ thực khách khó tính nào.
Điểm đặc biệt của món này là được làm từ ghẹ Phú Quốc. Ghẹ Phú Quốc rất chắc thịt và có mùi vị thơm ngon hơn các vùng khác nên món cơm ghẹ có hương vị rất thơm ngon.
Cơm chiên ghẹ khi chế biến có màu vàng ươm của tơ vàng óng ánh rất đẹp. Cơm khi xào xong được ăn kèm với dưa leo xắt nhuyễn, rau tươi, cà chua xắt lát dùng với nước mắm pha chế sẵn. Đây là món ăn ngon, giàu chất đạm, vị lạ đặc trưng rất ấn tượng và cũng rất khó quên.
Không như cơm Hến của Huế, không màu sắc rực rỡ như cơm chiên Dương Châu của Trung Hoa, cơm chiên ghẹ là cốt cách của đất, là tinh túy của biển, là tinh thần của người phương Nam Việt Nam.
Ốc gai nướng mỡ hành
Ốc gai là loại ốc có hình dáng hơi lạ mắt, vỏ gồm nhiều gai nhọn tủa ra – thường sinh sống quanh các hải đảo vùng biển Tây Nam. Giới sành hải sản rất thích loại ốc này nhờ thịt nhiều, béo và ngọt. Ngay những ngư dân ở Phú Quốc mỗi lần đánh bắt được loại ốc gai cũng thường dùng để ăn chứ không bán, coi đó là món quà của biển.
Ốc gai có nhiều tại bãi Khem, bãi Sao Phú Quốc. Ốc gai tương đối hiếm nên ít bày bán ở các cửa hàng hải sản như các loại ốc khác. Ốc gai có nhiều cách chế biến khác nhau như nướng, luộc, xào tỏi, hấp gừng, trộn gỏi, nhưng được ưa chuộng hơn cả là nướng hoặc luộc, vừa thơm ngon, vừa tiện lợi cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với các ngư dân lúc đang trên thuyền đánh bắt thì lựa chọn hàng đầu vẫn là nướng hoặc luộc, vì dễ chế biến lại vừa thơm ngon, tiện lợi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Món ốc gai nướng có vị béo ngọt thơm ngon độc đáo. Trước khi ăn nên chọn những con vừa nướng chín rồi dùng chiếc tăm tre nhọn khều thịt ra, mùi thơm xông lên tận mũi đủ kích thích vị giác, làm mọi người háo hức muốn vào cuộc. Thịt ốc có màu trắng đục, no tròn, cho vào miệng nhai từ từ sẽ cảm thấy vừa béo, vừa dai dai, giòn giòn, hương vị đậm đà khác hẳn với mùi vị của ốc mỡ, vọp hoặc nghêu, sò.
Nước chấm cho loại ốc gai này cũng rất đa dạng. Nếu là những ngư dân đang đi chài hay những du khách đang cắm trại nơi đây thì lựa chọn đơn giản nhất làm món ốc gai nướng chấm với muối tiêu chanh hoặc nước mắm chua cay. Còn với những người thích cầu kỳ hay trong nhà hàng thì có thể dùng bằng nước chấm cơm mẻ, mắm ớt hiểm xanh hoặc vị cay cay, nồng nàn, lạ miệng của nước mắm sả ớt.
Nấm tràm
Phú Quốc được thiên nhiên ban tặng một sản vật mà không nơi nào có được. Sản vật này được ẩn chứa dưới những cánh rừng tràm xanh ngát. Lộ mình ra khi những cơn mưa mùa hè đổ xuống – Nấm tràm. Một cái tên nghe quen mà làm xao xuyến những du khách đã thưởng thức qua dù chỉ một lần.
Nấm tràm đặc trưng chỉ có ở Phú Quốc. Người dân trên đảo đã kết hợp hài hòa giữa nấm tràm và các loại hải sản để tạo ra các món ăn vừa hấp dẫn vừa bổ dưỡng cho bữa ăn của gia đình.
Nấm tràm có thể nấu với tôm, mực, nấm xào thịt, xào tôm… rất tốt cho sức khỏe cả gia đình. Đặc biệt, nấm tràm rất tốt đối với những người bị cảm cúm. Nhức đầu, mệt mỏi, thanh nhiệt, giải độc cũng như có tác dụng giã rượu. Nấm tràm có thể chế biến thành nhiều món ngon, nhanh nhất là xào với thịt, tôm, mực, sò, ốc, món nào cũng thơm ngon hấp dẫn. Cầu kỳ hơn thì xào với bào ngư hay hải sâm, nấm tươi hay khô đều được, rắc thêm ít tiêu nêm chút nước mắm Phú Quốc.
Và người dân Phú Quốc cũng có thêm món canh độc đáo – Canh nấm tràm nấu với chả cá viên, phải là cá nhồng hay cá rựa. Đem quết chả mới dai và ngọt, vị đắng hòa lẫn với vị ngọt, ngon ngất ngây. Thêm quả trứng vào cho có vị beo béo thì khỏi chê. Đặc sắc nhất vẫn là món cháo nấm tràm – món ngon thanh lọc, giải nhiệt những ngày hè oi bức. Sự kết hợp từ vị ngọt của tôm, thịt và vị nhân nhẫn của nấm đã tạo nên được món cháo nấm tràm không những ngon mà còn dễ tiêu hóa và thích hợp cho tiết hè nóng bức.
Gỏi cá trích
Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa thịt cá còn tươi sống cùng với các nguyên liệu của đất liền đã tạo nên một món ngon mang đậm chất hương vị của biển. Gỏi cá trích không chỉ là một món ăn dân dã mà còn là đặc sản của huyện đảo Phú Quốc được rất nhiều khách du lịch biết tới.
Để có thể làm được món ăn hấp dẫn này, người dân Phú Quốc đã lựa chọn những con cá trích vừa mới được đánh bắt từ biển về vẫn còn tươi sống. Do đó mà món ăn mới ngon và đảm bảo được vệ sinh. Cá trích sau khi được chế biến và rửa sạch sẽ thì có thể chuẩn bị bóp gỏi. Những nguyên liệu được dùng để trộn với cá trích bao gồm hành tây thái sợi, hành tím, ớt và dừa nạo.
Về phần nước chấm gỏi cá trích thì chắc chắn sẽ dùng nước mắm Phú Quốc lừng danh pha cùng với chanh, đường, tỏi, ớt và lạc rang dã nhỏ đến khi các vị chua, mặn, ngọt hòa quyện vào với nhau. Và một phần nữa không thể thiếu trong món gỏi cá trích Phú Quốc đó là bánh tráng và các loại rau ăn kèm. Rau ở đây có thể là xà lách, rau thơm, quế, lá cách hay là các loại rau rừng xanh tươi ở Phú Quốc.
Khi ăn, du khách nên trải bánh tráng ra đĩa rồi lần lượt cho các loại rau sống, hành tây, dừa nạo và một miếng cá trích lên rồi cuộn lại giống như gỏi cuốn. Bước cuối cùng là chấm chìm vào nước chấm rồi từ từ thưởng thức thôi. Hương vị của gỏi cá trích sẽ khiến ai cũng muốn ăn thêm.
Bởi vì không qua một hình thức nấu nướng nào nên món gỏi cá trích vẫn còn giữ được nguyên hương vị của biển. Thêm một chút rượu sim nữa sẽ khiến du khách có thêm nhiều trải nghiệm khó quên. Có thể nói rằng gỏi cá trích xứng đáng là một đặc sản nổi tiếng mà du khách nên thưởng thức mỗi khi tới Phú Quốc.
Cá mú nướng mọi
Cá mú hay còn gọi là cá song, là loại cá nước mặn được ưa chuộng hàng đầu trong các loại cá biển bởi vị thơm ngon riêng: thịt trắng, dai, ngọt thanh. Theo các ngư dân, cá mú càng to, thịt càng thơm và ngọt, nhất là cá mú đỏ.
Cá mú có thể chế biến theo nhiều cách như: chiên, hấp, nấu canh chua,…nhưng đặc sắc nhất vẫn là cá mú nướng mọi – cách chế biến chinh phục biết bao trái tim thực khách từ phương xa có dịp nếm thử.
Điều đặc biệt thu hút thực khách ở món cá mú nướng mọi này chính bởi vì được nướng trực tiếp không qua các công đoạn ướp, nên vị ngon ngọt của cá được giữ lại toàn bộ, không bị lấn át bởi bất kỳ thứ gia vị nào khác. Hương vị biển cả cũng như cảm giác dân dã vẫn còn đậm đà trên từng miếng thịt, cá nướng nằm trên đĩa với màu xanh tươi mát của những cọng rau.
Để chế biến được món cá mú nướng mọi, người ta sẽ chọn cá mú còn tươi nguyên mới đánh bắt, làm sạch, mổ bụng và nướng trui trong than hồng. Không giống như cá lóc thường nhỏ và có thể nướng trực tiếp, vì cá mú khá lớn nên ta phải mổ bụng thì cá mới được chín đều.
Cá mú khi vừa chín tới, có mùi rất thơm và hấp dẫn. Gắp từng lát thịt cá trắng phau, nóng hổi, dai dai, ngọt
thịt mang hương vị mằn mặn của biển cả, của gió, nước và con người nơi đây. Lớp da mỏng giòn tan vẫn còn phảng phất mùi khói, điểm thêm chút gia vị là những giọt nước mắm hảo hạng Phú Quốc thì không còn gì tuyệt vời hơn.
Cá bò da nướng
Tuy vẻ bề ngoài của cá da bò không đẹp và sắc màu như các loài cá khác, thế nhưng loại cá này thịt rất trắng và thơm, dai ngon như thịt gà. Món cá bò da nướng này được sơ chế kĩ và nướng trực tiếp lên than hồng hoặc có thể nướng giấy bạc.
Tuy có hơi kĩ trong khâu chế biến thế nhưng sau khi hoàn thành món cá nướng này thì ai ai cũng hài lòng với những gì mà nó mang lại. Thịt cá ráo và ngon ngọt vô cùng. Cá bò da nướng thơm ăn chấm với muối ớt tiêu chanh thì không còn gì có thể bàn cãi.
Mực trứng nướng
Những con mực trứng tập trung rất nhiều ở Phú Quốc và đa số con nào cũng to hơn ngón tay cái người trưởng thành. Món ăn này cần phải lựa những con mực trứng còn tươi, khi ăn mới cảm nhận được vị ngọt và béo của trứng.
Sau khi được sơ chế và ướp với muối và dầu ăn trong khoảng 15 phút. Thì những con mực sẽ được xếp ra vỉ và nướng trên bếp than hồng. Khi ăn chấm với muối tiêu chanh hay nước mắm Phú Quốc thì thơm và béo vô cùng. Thực khách còn có thể dùng các loại rau ăn kèm để tăng thêm hương vị cho món ngon này.
Còi biên mai nướng muối ớt
Còi biên mai thực chất là hai lớp cơ thịt nối liền hai mảnh con sò biên mai, đây là loài nhuyễn thể hai mảnh có nhiều ở vùng biển Phú Quốc. Con biên mai có màu nâu thẫm, suôn dài như hình nan quạt, trọng lượng khoảng 200 – 250 gam. Theo các ngư dân nơi đây, thịt thân biên mai nhão, không ngon, duy nhất chỉ có 2 lớp cơ thịt nối liền 2 mảnh vỏ gọi là “còi” là ngon nhất, mọi tinh túy của con vật này đều tập trung vào hai còi mà thôi.
Từ còi biên mai, có thể chế biến thành rất nhiều những món ăn khác nhau như Còi biên mai xào nấm, còi biên mai xào chua ngọt, còi biên mai hấp, còi biên mai nướng muối ớt, còi biên mai nướng chao… hay còi biên mai nhúng lẩu. Nhưng theo kinh nghiệm của người dân trên đảo, để thưởng thức được trọn vẹn hương vị của còi biên mai thì chỉ có nướng muối ớt, nướng chao hay nướng sa tế là ngon nhất. Chỉ khi nướng, từng phần còi săn lại thấm đẫm vị mằn mặn, cay cay của ớt đem đến hương vị thơm ngon mà khi đã được ăn một lần, du khách sẽ khó quên được.
Làm món ăn này, công việc mất nhiều thời gian nhất chính là ngồi gỡ từng phần còi ra khỏi vỏ sò. Muốn lấy phần còi này, phải đập bể vỏ sò, bỏ phần thịt đi, dùng dao nhọn tách phần còi ra, rửa thật sạch rồi để ráo nước. Ướp còi biên mai với sa tế (nếu không thích bạn có thể thay thế bằng chao hay muối ớt), trộn thật đều để gia vị ngấm đều vào từng phần còi, rồi đâm nhuyễn mấy trái ớt đỏ tươi, sau đó, dùng sống lá dừa xâu chúng lại để nướng trên than hồng. Người nướng còi biên mai phải thật khéo léo, và khi còi vừa ngả sang màu vàng là đã có thể ăn được. Nếu nướng trên bếp quá lâu, còi sẽ khô và cứng chứ không còn giòn, dai nữa. Khi ăn còi biên mai ta có thể cảm nhận được cái vị ngon ngọt của nó trong cái cay xé của ớt tan trong miệng. Muốn thưởng thức được hết cái vị ngon ngọt của còi biên mai thì chỉ nên chấm chao và ăn còi cùng với rau húng, diếp cá, xà lách, chuối chát, dưa leo và khóm…
Chả cua
Trong một “rừng” món ăn đặc sản của Phú Quốc, chả cua là món ăn đang còn lạ miệng lạ mắt đối với nhiều khách du lịch.
Cách chế biến chả cua khá cầu kỳ và công phu. Đầu tiên phải rửa sạch rồi đem con cua đi luộc, khi cua chín lấy ra gỡ thịt cua rồi trộn với thịt bằm, trứng, gia vị, bún tàu, sau đó khoanh thành các khoanh hình tròn rồi cho hỗn hợp nguyên liệu vào hấp chín. Nếu cầu kỳ hơn, có thể nướng chả cua trên bếp than hồng vài phút thì món chả của của bạn sẽ ngon hơn. Còn muốn cho món ăn thêm phần hấp dẫn thì bạn hãy cho thịt cua với các nguyên liệu đã trộn sẵn vào từng cái mai cua rồi đem đi hấp hoặc đem đi chiên cũng rất tuyệt vời.
Chả cua dù hấp, nướng hay chiên vàng thì tất cả chúng đều rất hấp dẫn. Khi thưởng thức món chả cua được chế biến theo nhiều cách khác nhau nhưng khi ăn chả cua đều không thể thiếu muối tiêu chanh, ngoài ra du khách nên ăn kèm với rau sống và rau thơm để món ăn thêm phần tươi ngon.
Chả nhum
Chắc mọi người đã biết đến chả heo, chả cá, chả mực,…nhưng chả nhum thì có vẻ hơi lạ, cũng bởi vì chỉ có Phú Quốc mới có chả nhum. Muốn làm chả nhum người ta cho thịt nhum tươi vào một chiếc tô lớn. Thêm một ít tiêu, hành, nước mắm rồi đánh nhuyễn. Nén thành miếng thả dần vào chảo dầu đang sôi để chiên. Dùng đũa con trở đều hai mặt cho đến khi miếng chả chín đều, vàng ruộm, dậy mùi thơm thì vớt ra, để ráo, ăn với bánh tráng mè nướng.
Bánh canh cá thu
Có thể nói bánh canh cá thu là một thức đặc sản bình dân, ai cũng có thể tìm đến và thưởng thức. Món ăn không hề kén người ăn, vì thế mà các quán bán bánh canh ở Phú Quốc luôn tấp nập người ra vào. Trong quán ngoài quán thực khách chăm chú với bát bánh canh của mình, nghe tiếng xì xụp húp nước dùng mà dịch vị như tuôn trào.
Đúng như tên gọi, bánh canh cá thu nổi tiếng trước hết là nhờ sử dụng cá thu hoặc cá nhồng được các tàu cá đánh bắt ngoài biển còn tươi. Loài cá này có hương vị đặc biệt, vừa ngon ngọt lại rất bổ dưỡng, phù hợp với khẩu vị của mọi lứa tuổi. Ngoài thịt cá, người ta còn cho vào tô bánh món chả cũng được làm bằng cá thu (cá nhồng) vừa mềm vừa dai, hương vị rất đặc biệt. Sợi bánh canh bột lọc cũng được chế biến khá công phu. Trước tiên, người ta lấy khoai mì làm thành bột, nhào bột này với nước nóng rồi cán thành miếng dẹt, xắt thành sợi. Sau đó cho sợi bánh vào nồi nước sôi, dùng đũa to đảo vài lần thì vớt ra. Sợi bánh canh ngon phải đạt các tiêu chí: trong, trắng, mềm, dai… Nhưng như thế chưa đủ. Bí quyết để tạo ra tô bánh canh thơm ngon, đậm đà chính là nhờ nồi nước súp. Muốn có tô bánh canh ngon, nước súp phải được nấu bằng nước mưa thiên nhiên với xương ống và thịt heo bằm, cùng với xương cá thu được tận dụng sau khi đã lóc hết thịt cá. Cần lưu ý nồi súp lúc nào cũng phải được giữ sôi, hớt bọt liên tục để nước được trong.
Theo nhiều thực khách, sở dĩ món bánh canh cá thu được ưa thích là do sự phối hợp hương vị giữa cá với thịt heo, giữa độ ngọt và béo, giữa gia vị và tài nêm nếm nước súp của chủ quán. Một ít sợi bánh canh, vài lát thịt cá thu trắng tinh, ít chả cá thu tươi, vài viên thịt heo bằm và mấy miếng cá thu chiên vàng, xắt thành từng miếng nhỏ; thêm vào hành lá, hành củ, rắc thêm ít tiêu và ngò; bên cạnh là chén nước mắm Phú Quốc cốt pha với chanh ớt khiến thực khách ăn no rồi vẫn còn vấn vương.
Bún Kèn
Trên bản đồ ẩm thực Việt Nam thì bún kèn là một trong ít được biết đến và có tại một số quán vỉa hè tại Châu Đốc hay Cần Thơ. Ngay tại huyện đảo Phú Quốc cũng có ít người biết được cách chế biến món bún kèn đúng vị mặc dù nguyên liệu khá đơn giản.
Theo như tài liệu được ghi chép lại thì từ “kèn” trong tiếng Khmer được dùng để ám chỉ những món ăn được sử dụng nước cốt dừa. So với bún kèn ở đất liền, bún kèn Phú Quốc có một số đặc điểm tương đồng. Tuy nhiên, nước lèo bún kèn ở Phú Quốc lại được nấu bằng cá nhàu hay cá ngân chứ không phải là cá lóc như ở đất liền.
Điều làm sự khác biệt của bún kèn Phú Quốc đó là cá được xay nhuyễn giống chà bông chứ không để nguyên miếng. Do đó mà vẫn giữ được hương vị cá có vị bùi và mặn mà, thơm ngon. Sau khi được xay nhuyễn thì mang đem đi xào với sả, ớt, tỏi đến khi cá khô, giòn và có mùi thơm hấp dẫn. Tiếp theo cho nước cốt dừa cùng nước cá luộc đã lọc bỏ xương trộn lại với nhau và nêm nếm gia vị nấu cho đến khi nước sền sền là được. Khi nấu nước lèo bún kèn Phú Quốc thì không thể thiếu một số gia vị như bột cà ri, ngũ vị hương hay nước cốt dừa.
Một tô bún kèn Phú Quốc có xanh của rau, một chút đỏ của ớt, màu cam của đu đủ bào, vàng của nước lèo và màu trắng của bún, giá. Tạo nên một món ăn không chỉ thơm ngon mà còn vô cùng đẹp mắt, hấp dẫn thực khách. Bún kèn Phú Quốc có vị cay của ớt, vị béo của nước cốt dừa hòa quyện với vị ngọt đậm đà của cá đậm chất biển.
Bún quậy
Đây là một món ăn rất quen thuộc với người dân Phú Quốc, được làm từ những cọng bún tươi ngon hòa quyện với nước dùng đặc biệt thêm những gia vị như chanh, tỏi, ớt. Nhưng khiến người ta ăn một lần rồi nhớ mãi không quên hương vị dẻo thơm của những cọng bún mềm mịn thấm đậm hương vị mằn mặn, đậm đà của từng muỗng nước dùng quyện chặt vào cái ngòn ngọt chân chất của tôm cá hoặc mực tươi rói.
Đến những quán bún quậy ở đây, du khách sẽ được dịp ngạc nhiên khi thấy cảnh tượng có một không hai: khách hàng tự làm lấy mọi thứ. Quán đông nghẹt, khách quen đều hiểu “muốn ăn thì lăn vào bếp”. Gia vị làm nước chấm gồm: muối, đường, tiêu, bột ngọt, ớt được để sẵn, khách tới tự động vào bếp làm nước chấm theo khẩu vị của mình. Dao thớt để xắt ớt, tắc chỉ có một, mà quanh bếp luôn có hàng chục người cầm đứng chờ, người này hối người kia xắt nhanh lên nên không khí lúc nào cũng rộn ràng, vui vẻ.
Sau khi đã làm xong nước chấm thực khách vẫn chưa được ăn ngay mà còn phải đợi chủ quán làm bún cho mình nữa, thực khách đến đây đều phải xếp hàng chờ tới lượt và được tận mắt chứng kiến cả quá trình làm bún, lúc đó du khách sẽ tự giải đáp được lý do tại sao món này được gọi là món bún quậy. Chả tôm, chả cá sẽ được quết lên xung quanh tô, sau đó cho bún vào và chan nước lèo, quậy quậy là thành ngay tô bún “vừa thổi vừa ăn”.
Bánh Tét mật cật
Vào mỗi dịp Tết đến người dân trên đảo Phú Quốc lại làm ra một món bánh ngon hội tụ hương vị của trời đất, đó chính là bánh Tét mật cật. Đây là món ăn “độc quyền” trên đảo Phú Quốc. Bánh được gói bằng lá mật cật mang hương vị đặc trưng mà không nơi nào giống.
Cách chế biến món bánh này đòi hỏi một bàn tay hết sức khéo léo và dẻo dai: Lá Mật cật được phơi hơi héo cho cọng và lá mềm, không rách khi gói. Sau thời gian ấy, lá được rửa, lau sạch, bôi lớp dầu. Gói đòn bánh tét bằng lá mật cật là một việc làm “tử công phu” vì mặt lá hẹp , không to bản như lá chuối. Càng phải giỏi hoặc chuyên nghiệp khi làm gì đó hơn vì bánh được cột bằng gân lá mật cật, không mềm như dây lạt.
Bánh ngon còn nhờ kỹ thuật buộc dây, buộc chặt bánh không chín đều; buộc lỏng bánh nong nước, nhão nhoẹt, ăn mất ngon. Khó hơn là đòn bánh dài khoảng 30cm này được gói theo hình dạng tam giác. Nhờ vậy, bánh tét mật cật vừa không giống bánh những nơi khác mà còn có một hình trạng rất đẹp mắt.
Cũng là chiếc bánh tét thường nhật với nếp, nhân đậu xanh, thịt heo thôi nhưng gói bằng thứ lá đặc biệt này làm cho bánh cũng mang vẻ đặc biệt hơn. Bánh mang màu xanh ngọc bích của nước cốt lá ngót và lá dứa, thêm mùi thơm phức khó cưỡng. Khi ăn gạo quyện với nhân đậu xanh bùi, thịt mỡ béo, mùi lá dứa thơm, rất tuyệt vời.
Bánh Khéo
Không biết bánh khéo có từ bao giờ và tại sao có cái tên như thế nhưng đã rất lâu rồi, chúng là một món ăn chơi bắt vị và được sản xuất để phục vụ du khách bốn phương. Đến các khu chợ, đặc biệt là chợ đêm Dinh Cậu, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy những chiếc bánh tròn tròn, nhỏ nhắn đủ màu sắc đang mời gọi. Thậm chí có nhiều người dân ở Phú Quốc có nguồn thu ổn định từ nghề làm bánh cung cấp đến các tỉnh thành khác.
Bánh được làm theo kinh nghiệm lâu đời được truyền lại nên đã tạo cho món hương vị đặc trưng rất riêng. Người ta phải chọn lọc gạo thật kĩ lưỡng để đem xay nhuyễn thành bột. Khi nhào thật kĩ cùng các nguyên liệu khác thì bột được ủ trong khoảng thời gian nhất định để dậy lên độ xốp và mùi thơm dịu nhẹ. Màu sắc đến từ việc kết hợp với các hương liệu tự nhiên đã tạo nên lớp vỏ đa sắc màu trông vô cùng bắt mắt.
Cái “khéo” ở đây chính là người thợ phải xoắn thật tỉ mỉ để lớp vỏ bột tạo thành những đường vân tròn đan xen vào nhau. Gói gọn bên trong là nhân đậu xanh, dừa, khoai môn… mỗi thứ mang đến một hương vị hấp dẫn riêng biệt. Bánh nướng phải canh thật chuẩn thời gian và nhiệt độ sau cho bột vừa giòn vừa xốp nhưng không làm mất đi màu và mùi vị của món.
Bánh khéo có độ thanh vị, ngọt dịu, xôm xốp nên không hề tạo cảm giác ngấy cho người thực khách. Hình dáng tròn xoe như một chiếc bánh bao nhỏ khiến ai nhìn cũng thích và tò mò muốn khám phá. Đôi khi cầu kì hơn, người ta còn nắn thành hình này hình kia cho thêm phần bắt mắt.
Chiếc bánh bình dân nhưng lại hài hoà tinh tế từ lớp vỏ giòn xốp đến phần nhân mềm dẻo, thơm ngon. Nếu dừa có độ béo, sần sật thì đậu xanh lại bùi bùi hay khoai môn dẻo mịn quyến rũ. Nhiều khách du lịch đến đây đã tò mò về món ăn này từ cái tên cho đến hình dáng và khi thưởng thức thì ngất ngây hương vị.
Bánh ướt ngọt
Bánh ướt ngọt có phần vỏ được làm từ đường thốt nốt và bột gạo, còn phần nhân làm từ cơm dừa và đậu xanh đánh nhuyễn. Tùy thuộc vào hương vị mà phần vỏ của món bánh này sẽ có thành phần và màu sắc khác nhau một xíu, ví dụ màu xanh là loại bánh làm từ lá dứa, màu tím là lá cẩm và màu trắng là loại bánh nguyên thủy.
Chỉ cần cắn nhẹ một miếng bánh ướt ngọt du khách sẽ nhận ra ngay cái vị béo béo của dừa tươi, ngọt bùi của đậu xanh hòa quyện cùng phần vỏ bánh dai dai, thơm thơm mùi lá dứa, lá cẩm. Vị ngọt của món bánh này được lấy từ đường thốt nốt nên không ngọt gắt mà thanh thanh và hơi se se, man mát khiến người thưởng thức ăn hoài không ngán.
Cà na ngào đường
Cà na là thứ quả có vị chua chua, chan chát mà bạn có thể tìm thấy dễ dàng tại nhiều tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, cà na tại Phú Quốc vẫn mang hương vị đặc trưng nhất mà không đâu có được. Bởi có lẽ, khi trải qua gió sương, sóng biển những cây cà na nơi đây đã cho trái to hơn, ngon hơn như một minh chứng cho sự kiên cường, vươn lên mạnh mẽ.
Món cà na ngào đường có vị chua chua, chan chát, pha thêm chút ngọt thanh, mặn mòi và hơi cay cay của ớt, tất cả thấm vào từng thớ quả và chỉ cần thưởng thức thôi vị giác của du khách sẽ muốn “bùng cháy”.
Có thể nói, Phú Quốc không chỉ là “thiên đường cảnh đẹp” mà còn là “thiên đường ẩm thực” cho những tín đồ luôn có một chiếc bụng đói. Hi vọng rằng, với thông tin về 23 món ăn mà Airbooking vừa giới thiệu sẽ giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm ẩm thực trong chuyến du lịch Phú Quốc. Chúc du khách có một kỳ nghỉ thật tuyệt vời.
0 Comment