[kkstarratings]
Tài chính là vấn đề sống còn với mỗi chuyến du lịch, đặc biệt là khi du lịch ở nước ngoài. Nếu không đủ tiền mặt, thất lạc thẻ tín dụng hay gặp trục trặc bất kỳ vấn đề gì với việc thanh toán thì cũng sẽ biến kỳ nghỉ thơ mộng của bạn biến thành cơn ác mộng. Dưới đây là một số lời khuyên về chuẩn bị tài chính cho chuyến du lịch nước ngoài mà bạn nên tham khảo:
1 – Lập kế hoạch trước cho những khoản chi.
Khi đặt chân đến một vùng đất xa lạ nào đó, nếu du khách mang một đống tiền mặt theo mình thì điều này vừa bất tiện, vừa nguy hiểm. Bởi du khách sẽ thành mục tiêu cho những kẻ móc túi, cướp giật. Vậy nên, việc lập kế hoạch thu chi giúp du khách ước chừng được số tiền mình mang theo và sử dụng. Nhưng ngược lại, nếu du khách không mang đủ tiền mặt (đồng tiền được chấp nhận sử dụng tại nước sở tại) thì lúc này du khách phải chịu mức đổi tiền cao trong những hoàn cảnh cấp thiết. Một lưu ý nhỏ là đổi tiền ở những thành phố lớn sẽ có lợi hơn là ở những thị trấn nhỏ, hơn nữa ở một số nước du khách sẽ không thể tìm thấy chỗ đổi tiền ở vùng ngoại ô.
Có 2 khoản du khách cần chi cho một chuyến đi:
Tiền cố định
Vé máy bay: khoản tiền này bằng mọi giá du khách phải tiết kiệm, tuy nhiên mặt trái của nó là chuyến bay của du khách có thể bị hoãn hoặc phải quá cảnh.
Vé tàu, xe: đây cũng là loại tiền phải tiết kiệm nếu muốn chuyến đi tốn ít nhất.
Vé tham quan: khoản này khó tiết kiệm vì được quy định cụ thể ở từng nơi. Đừng bao giờ nghĩ tới việc đi chui vì có thể số tiền phạt cao hơn nhiều lần so với tiền vé.
Tiền phát sinh
Chỗ ngủ: Có nhiều loại hình cho du khách lựa chọn nhưng không nên ngủ bụi, đặc biệt khi du lịch nước ngoài. Du khách có thể ngủ ở sân bay trong trường hợp bất khả kháng, như bay tới là 11h đêm, hôm sau có chuyến bay sớm. Còn khách sạn có nhiều loại giá rẻ, phòng ở ghép, kiểu nhà dân cho thuê lại. Để tính phí, du khách nên chọn loại cơ bản nhất với phòng có một giường và toilet.
Ăn uống: Đây là 2 khoản chi phí dễ phát sinh nhất, ngay cả khi bạn chọn nhà hàng, quán ăn lớn hay chợ hoặc thức ăn đường phố. Vì thế để lên kinh phí cho chuyến đi, bạn tham khảo đồ ăn nước ngoài bao nhiêu một phần đủ no rồi tính ra, cộng thêm một khoản mà bạn cho phép phát sinh khi muốn ăn thêm.
Tiền phát sinh khác: khoản này dùng khi cần như “tip” cho nhân viên phục vụ, hoặc cho tiền người hát rong…
Cách tham khảo những khoản kinh phí trên
– Tận dụng các tính năng của Google để tìm kiếm (cửa sổ ẩn danh). Bạn ngồi ở Việt Nam nhưng có thể đặt phòng tận châu Âu bằng cách lên các trang web booking khách sạn.
– Dùng những từ khóa tiếng Anh để tìm thứ du kháchcần tìm hiểu.
– Muốn tìm hiểu quán ăn giá cả bao nhiêu nên vào Tripadvisor đánh địa điểm muốn kiếm rồi chọn nhà hàng.
– Sau khi tính ra số tiền cho từng mục chi trong một ngày, nhân lên với số ngày du khách sẽ ghi ra số tiền dự kiến cần phải chi.
– Đây là những khoản căn bản nhất, ngoài ra du khách cần cộng thêm một khoản phòng thân, khoảng gấp rưỡi số tiền dự kiến.
2 – Liên hệ ngân hàng, kiểm tra tài khoản.
Trước chuyến đi, hãy liên lạc với ngân hàng để đảm bảo rằng tài khoản của du khách có khả năng thanh toán quốc tế và số dư là bao nhiêu. Điều này sẽ không thừa bởi nhiều người từng rất yên tâm với thẻ tín dụng của mình sau đó gặp trục trặc khi ra nước ngoài, chỉ bởi vì thẻ tín dụng đang bị khóa vì nhiều lý do không ngờ hay số dư không đủ như du khách vẫn nghĩ.
3 – Nhớ số điện thoại khẩn cấp của ngân hàng.
Hãy lưu lại số đường dây nóng của ngân hàng để dùng trong trường hợp khẩn cấp như khóa thẻ tín dụng vừa bị thất lạc hay những rắc rối mắc phải khi thanh toán ở nước ngoài. Ngoài số đường dây nóng, hãy hỏi thêm ngân hàng về những cách liên lạc khác để thay thế.
4 – Đổi mã PIN thẻ ngân hàng.
Du khách nên đổi mã PIN của tất cả các thẻ mang theo trước khi đi; ngoài ra cũng nên tìm hiểu về số ký tự mã PIN cho phép ở quốc gia đó, ví dụ ở một số nước không chấp nhận 6 ký tự mà chỉ chấp nhận 4 ký tự. Nên nhớ, hãy thử đi thử lại nhiều lần để chắc chắn rằng mã PIN mới đã được chấp nhận.
5 – Tìm hiểu về những khoản phí ngân hàng đối với giao dịch quốc tế.
Du khách sẽ luôn nhận được tỷ giá hợp lý nhất khi sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng hoá. Tuy nhiên, mức rút tiền từ ATM có cao hơn một chút, bởi khi đó, du khách sẽ chỉ phải chịu mức phí rất ít ngân hàng đưa ra. Bên cạnh đó có nhiều ngân hàng hay công ty phát hàng thẻ tín dụng sẽ thu thêm một khoản phụ phí 3% với những giao dịch quốc tế. Vì vậy, bạn cần nghiên cứu kỹ để chọn được ngân hàng có mức phí chuyển dịch thấp nhất và cũng nên tìm hiểu về các khoản phí để cân nhắc khi nào nên quẹt thẻ tín dụng, khi nào nên rút tiền mặt để chi trả.
6 – Nắm được mức chuyển đổi ngoại tệ.
Trước mỗi chuyến đi, ngoài việc chuẩn bị tư trang hành lý thì điều cần thiết nữa là du khách nên tìm hiểu mức chuyển đổi ngoại tệ ở quốc gia du khách đến. Chúng có ở trên báo, trên mạng hoặc du khách cũng có thể gọi tổng đài. Du khách sẽ không muốn bị mất tiền oan uổng đâu nếu thực hiện việc này.
7 – Sử dụng triệt để thẻ ngân hàng.
Như đã nói ở trên, sử dụng thẻ ngân hàng khi đi mua sắm sẽ giúp du khách tiết kiệm được kha khá khoản phí mỗi lần rút tiền ở cây ATM. Nhưng khi cần phải rút tiền, du khách nên kiểm tra lại mức phí rút tiền, mức áp dụng cho những cây ATM ở nước ngoài là khoảng 5 USD.
8 – Lựa chọn địa điểm đổi tiền.
Du khách nên hạn chế đổi tiền ở các bốt trạm tàu điện, sân bay. Đơn giản bởi mức phí du khách phải chịu cũng sẽ cao hơn, tất nhiên cũng có ngoại lệ, dù không nhiều. Dù rằng những bốt trạm đó rất tiện lợi, thế nhưng khi bạn cần tiền mặt và không thể tìm ra cây ATM, tốt nhất nên đến thẳng ngân hàng uy tín, hay bưu điện để đổi tiền. Nhiều quốc gia du lịch, các bốt đổi tiền của ngân hàng được bố trí ở khắp nơi trong thành phố.
Một lời khuyên quan trọng là tuyệt đối không đổi tiền ở những khu chợ đêm. Sẽ thật khủng khiếp bởi du khách có thể bị móc túi, cướp giật hoặc đen đủi hơn là nhận lại cả đống tiền giả.
9 – Sử dụng máy tính khi cần thiết.
Việc chuyển đổi tiền đôi khi làm du khách lúng túng, mang theo một chiếc máy tính bỏ túi hoặc sử dụng luôn máy tính trên smartphone là một cách hữu hiệu. Đối với những khoản tiền lớn, việc tự tính lại số tiền cũng là điều nên làm, đôi khi ngân hàng hay giao dịch viên cũng có những sai sót.
10 – Luôn có sẵn tiền Đôla Mỹ trong ví.
Bất kể du khách đi du lịch đến nước nào thì tiền đôla Mỹ cũng có tác dụng nhất định. Rất nhiều nước chấp nhận đồng tiền này để giao dịch, tuy nhiên du khách cũng nên nắm được mức chuyển đổi ngoại tệ trước khi giao dịch.
11 – Mang tiền địa phương.
Dù có thẻ tín dụng có hạn mức khủng cỡ nào thì du khách cũng cần phải chuẩn bị số tiền mặt mang theo một cách dư dả nhất có thể, thậm chí là còn phải bằng tiền địa phương. Rất nhiều giao dịch không chấp nhận thanh toán thẻ như tiền đi lại, tiền ăn. Hơn nữa, ở một số khách sạn sang trọng, dù du khách đã thanh toán toàn bộ số tiền nghỉ thì họ vẫn bắt du khách để lại một khoản tiền đặt cọc (deposit) cho các rủi ro có thể phát sinh với các đồ đạc đắt tiền trong phòng.
12 – Chia tiền ra làm nhiều phần.
Theo các chuyên gia du lịch, du khách nên chia các khoản tiền tiết kiệm dành cho chuyến du lịch (ví dụ 20 triệu đồng) sang 2 phần, một phần đổi thành tiền mặt, mang theo người (ví dụ 10 triệu đồng), phần còn lại chuyển sang các loại thẻ có khả năng rút tiền mặt khi ở nước ngoài, trong trường hợp 10 triệu nói trên đã tiêu hết. Điều này đảm bảo bạn không phải mang theo quá nhiều tiền, dễ nguy hiểm, lại có phương án chuẩn bị cần thiết trong các tình huống bất ngờ.
Ngoài ra, du khách cũng nên mang theo một thẻ tín dụng (thẻ Visa hoặc Mastercard credit) với hạn mức quẹt tương đối ổn để an tâm luôn có hầu bao dư dả cho các giao dịch trong chuyến đi.
Trên đây là 12 lời khuyên hữu ích về chuẩn bị tài chính cho một chuyến du lịch nước ngoài trọn vẹn và suôn sẻ. Hãy để Airbooking làm bạn đồng hành trong suốt hành trình du lịch của du khách nhé!
0 Comment