Côn Đảo bây giờ đang là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước. Ngoài những danh lam thắng cảnh hay điểm tham quan hấp dẫn, những món đặc sản ẩm thực làm thực khách lưu luyến thì Côn Đảo còn có những lễ hội văn hóa mang nét rất riêng của nó.

1. “Ngày Côn Đảo” – Ngày giỗ chung Côn Đảo

Đối với mỗi người dân trên dải đất hình chữ S này Côn Đảo luôn có một ý nghĩa linh thiêng và đặc biệt riêng. Nơi từng được ví như “địa ngục trần gian”, một thời giam cầm những tù nhân chính trị, người dân yêu nước và cũng có biết bao nhiêu người con ra đi mãi mãi chẳng thể trở về. Do vậy, bắt đầu từ năm 2012 vào ngày 20/6 Âm lịch hàng năm, tại vùng đất này lại tổ chức ngày giỗ chung thật long trọng và bài bản.

Ý tưởng này được đưa ra bởi Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Nên chăng một lễ cầu siêu long trọng dành cho những người đã khuất sẽ được cử hành định kỳ hằng năm, tiếp nối từ truyền thống dân tộc như một mỹ tục mới mà chúng ta sẽ xây dựng. Ngày ấy rất có thể được chọn làm “Ngày Côn Đảo” được tiến hành trong cả nước. Ngày mảnh đất này cũng là ngày hành hương dành cho thân nhân các gia đình liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây và cũng đánh dấu ngày mở đầu mùa chương trình”.

“Ngày Côn Đảo” nhằm đáp ứng được sự mong mỏi của các cựu tù chính trị năm xưa muốn có một ngày tạo thành dấu mốc để mọi người có cơ hội quay trở về thăm đồng đội và chốn xưa, những địa danh lịch sử ở Côn Đảo để sống lại năm tháng đau thương nhưng hào hùng. Những người thân được đến thắp nén hương tưởng niệm cho con, em, mình. Lễ hội truyền thống này cũng đồng thời nhắc nhở thế hệ mai sau về những giá trị trường tồn. Trong không khí trang trọng của ngày hội tâm linh ấy, mọi người cùng tưởng nhớ những người đã nằm xuống mãi mãi ở Côn Đảo.

Trong đám giỗ lớn, tại đền thờ Côn Đảo, 22 nhóm cụm dân cư và các cơ quan ở nơi này tụ họp, xôn xao trong hội thi nấu ăn. Mỗi nhóm một món, các cô, các chị cắm cúi chăm chút nêm nếm thật đậm đà, trang trí thật đẹp trước khi rón rén mang bày trên bàn thờ, thắp nén nhang thơm. Trên hành lang đền thờ, dưới bóng hồng chung, từng nhóm thanh niên quây lấy những bác, những chú cựu tù, say mê nghe kể chuyện ngày xưa.

Và từng người cựu tù tóc bạc, chân yếu, chống nạng theo nhau đến trước bàn thờ, tỏa ra các ngôi mộ trong nghĩa trang Hàng Dương. Đền thờ nơi đây nghi ngút khói hương, tiếng chuông trầm bổng, lời văn tế vấn vít: “Ngút ngàn sóng bể, đảo quê hương cô quạnh lúc xế tà/ Côn Lôn nhấp nhô, ngày hai bận theo hải triều lên xuống/ Vạn oan hồn lẩn khuất… Cái chết như lưỡi dao sắc cứa tim đồng đội, như lời nhắn gởi vững tin vào thắng lợi ngày mai/ Vĩnh viễn ra đi đem cái sống còn cho người ở lại, quằn quại đớn đau, vẫn rực lên niềm tin tưởng diệu kỳ/ Món nợ ân tình ngày càng lớn mãi, biết bao giờ đền đáp được ơn sâu/ Bởi cái chết chưa phải là đã hết, chết vì non sông vẫn sống mãi muôn đời…”. Không mấy trau chuốt, không chuẩn niêm luật nhưng là những lời tế được viết ra từ trong tim, ông Bùi Văn Toản, “hạt nhân” của lễ giỗ, đã chứng minh lòng thành của mình bằng mấy mươi năm làm việc cho vùng này và vì Côn Đảo.

Trời sụp tối, nhóm múa của các cô cựu tù, lạ thay, vẫn duyên dáng, dẻo mềm trong điệu nhạc hùng tráng, những giọng hát tuổi 70-80 vẫn cao vút: “Giữa ngàn thác lũ nghiêng trời đất, nhưng cánh hoa kia vẫn ngược dòng… Lời hẹn hò rướm máu trong tim/ Lời dặn dò thắm thiết sao quên/ Dù chị đi, dù em đi xa mãi cuộc đời/ Nhưng nụ cười còn đó trên môi…” (Những cánh hoa ngược dòng – Hồng Nguyễn). Những bài hát của một thời cứ thế tiếp nối nhau. Dù thấm mệt sau những chuyến bay, chuyến tàu, chuyến xe dài để đến được Côn Đảo, nhưng các ông cựu tù đầu bạc tuổi 70, 80 vẫn lắc đầu khi được mời ra xe về nghỉ.

2. Ngày giỗ Chị Sáu

Chị Sáu là cái tên thân thương mà người dân Côn Đảo thường gọi cho nữ anh hùng Võ Thị Sáu, một người thiếu nữ quật cường đã chiến đấu và hi sinh cho tổ quốc (23/01/1952). Hàng năm, cứ đến dịp 23/1, gia đình nào ở Côn Đảo cũng làm giỗ chị. Nhà nhà mang hoa, mang lễ ra thắp hương kín mộ chị từ sáng tới khuya. Trong ngày này, người dân trong cả nước cũng đến Côn Đảo để tưởng nhớ đến anh linh của người con gái đó. Từ một liệt sĩ anh hùng hi sinh vì dân, vì nước, để rồi trở thành một vị thần hộ mệnh của nhân dân Côn Đảo, đó là điều mà chỉ có chị – người cộng sản kiên trung bất khuất hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ mới làm được!

Năm 1947, khi mới 14 tuổi, Võ Thị Sáu trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Tết Canh Dần (1950), Võ Thị Sáu tình nguyện tìm diệt bọn ác ôn chuyên vào chợ Đất Đỏ quê để cướp bóc. Diệt được bọn ác ôn này, nhưng Sáu lại bị bọn ác ôn khác đuổi theo, bắt được. Tháng 4/1950, Võ Thị Sáu bị giam ở khám Chí Hòa. Bọn Pháp mở phiên tòa xử chị án tử hình khi chưa đủ tuổi thành niên. Pháp sợ dư luận phản đối, nên chúng đưa Võ Thị Sáu ra vùng này để hành quyết. 4 giờ sáng ngày 21/1/1952, tàu chở Võ Thị Sáu cùng với 40 tù chính trị và 3 tử tù nữa vượt biển ra Côn Đảo. Ngày 23/1/1952, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở mảnh đất này không cho kẻ thù bịt mắt, cất cao tiếng hát “Tiến quân ca”: “Đoàn quân Việt nam đi. Sao vàng phất phới…”. Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: “Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm!”. 7 tên đao phủ đứng cách chị vài mét, đồng loạt nổ súng, nhưng chị không chết. Vì bọn đao phủ bị hoảng loạn, run rẩy trước ánh mắt nhìn của chị Sáu.Tên đội lê dương tức giận rút súng ngắn tiến lại, dí tận mang tai chị bóp cò. Đó là 7 giờ sáng ngày 23/1/1952, Võ Thị Sáu tròn 17 tuổi.

Đã bao nhiêu năm qua đi hình ảnh ấy vẫn còn ấn tượng mãi, giờ đây trên bàn thờ của mỗi gia đình ở Côn Đảo ai cũng có ảnh thờ, ở nghĩa trang Hàng Dương tại mộ chị Sáu lúc nào cũng ấm áp hương khói.

Trước đây, người dân Côn Đảo lấy ngày 23/1 hàng năm là ngày giỗ Chị Sáu theo thông số của giấy báo tử của Thời Pháp đúng thời gian chị đã hi sinh. Sau từ năm 2010, chúng ta dựa vào ngày 27 tháng Chạp Âm lịch làm ngày giỗ của chị. Trong ngày giỗ long trọng này, nhà nào cũng làm cơm thắp hương cúng, không chỉ vậy còn có khách du lịch đến mang đèn hương, lễ vật và hoa ra mộ chị. Họ cùng nhau làm lễ, khấn vái và cầu mong chị phù hộ cho mình.

3. Lễ giỗ Bà Phi Yến

Bà Phi Yến có tên thật là Lê Thị Răm – Thứ Phi của Chúa Nguyễn Ánh (Vua Gia Long). Bà là một người phụ nữ “Trung trinh tiết liệt” không chỉ ngăn cản chồng theo giặc mà còn tự tử để bảo toàn danh tiết cho mình.

Năm 1783, Chiến tranh với quân Tây Sơn thất bại, Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng gồm khoảng 100 gia đình phải chạy trốn ra Côn Đảo để tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Tại đây, Nguyễn Ánh đã lập lên 3 làng là: An Hải, Ăn Hội và Cỏ Ống.

Mong muốn xin viện binh từ Pháp để đánh lại quân Tây Sơn nên Nguyễn Ánh đưa Hoàng tử Hội An (Hoàng tử Cải) tháp tùng cùng viên quan người Pháp tên Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin để cầu viện. Bà Phi Yên ngỏ lời can ngăn Nguyễn Ánh: “Việc đánh nhau với quân Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, nếu thắng được quân Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau…”.

Với điều can ấy mà chúa Nguyễn Ánh đã nổi trận lôi đình, nghi Bà Phi Yến có thông đồng với quân Tây Sơn từ trước, nên hô quân bắt chém. Nhưng may mắn được các quan cận thần hết lời xin ngăn cho bà thoát tội chết. Tuy nhiên, Chúa Nguyễn Ánh vẫn bắt giam bà vào một hang đá trên hòn đảo hoang nằm về phía Tây Nam của quần đảo Côn Lôn (Hòn Bà ngày nay hay còn gọi đảo Côn Sơn nhỏ).

Truyền lệnh giam cầm Bà Phi Yến xong, Nguyễn Ánh được tin quân Tây Sơn sắp truy đuổi đến Đảo, ông liền cùng đoàn tùy tùng xuống thuyền bỏ chạy. Hoàng tử Cải (5 tuổi) đứa con duy nhất của bà Phi Yến cùng với chúa Nguyễn Ánh không chịu đi theo mà khóc đòi mẹ. Trong lúc tức giận, Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển, xác Hoàng tử Cải trôi tấp vào làng Cỏ Ống, được người dân vớt, chôn cất tử tế và lập miếu thờ tên gọi “Thiếu gia miếu”.

Còn về phần Bà Phi Yến, bà đã được người dân tại Đảo giải thoát và được hai con vật là vượn bạch và hắc hổ đưa đến làng Cỏ Ống nơi có mộ Hoàng tử Cải. Dân làng cám cảnh, họ hát ví: “Gió đưa cây Cải về trời, Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay” (Cải đây là Hoàng tử Cải và Răm là tên tục của bà Phi Yến) và người dân Côn Đảo tin rằng, câu hát này, xuất phát từ một câu chuyện lịch sử, đau lòng của Bà Phi Yến. Dân làng Cỏ Ống đã dựng cho bà một ngôi nhà nhỏ ở gần đó để tiện bề chăm sóc phần mộ đứa con bạc phước của mình. Trong một hôm dự lễ làng, một kẻ tên là Bện Thi không kìm lòng được trước nhan sắc của bà liền lẻn vào nơi bà ở định giờ trò đồi bại. Để thủ tiết, bà đã tự vẫn ở chân ngọn núi cao nhất Côn Đảo bây giờ. Cảm phục người phụ nữ trung trinh tiết liệt ấy, người dân lập miếu thờ bà tên gọi “An Sơn Miếu”.

Và hàng năm, cứ vào ngày 18/10 (âm lịch), người dân tại làng An Hải (nơi có ngôi An Sơn Miếu ngày nay) lại tổ chức Lễ giỗ cho bà rất long trọng. Trước ngày giỗ chính thức – 17/10, tại An Sơn Miếu diễn ra các hoạt động thể dục thể thao, các trò chơi dân gian và các hoạt động giao lưu văn nghệ, đờn ca tài tử, với các tiết mục sân khấu hóa tái hiện lại cuộc đời của Bà Phi Yến. Cũng trong chiều cùng ngày, huyện Côn Đảo tổ chức lễ rước Bài vị của Hoàng tử Cải từ Miếu Cậu ở Cỏ Ống về An Sơn Miếu. Nghi thức lễ rước Bài vị Hoàng tử Cải được thực hiện rất quy mô, đẹp mắt và mới lạ. Vào 10 sáng ngày 18/10 âm lịch, ngày giỗ chính thức bà Phi Yến, hàng ngàn người dân địa phương và du khách nô nức hội tụ về khu vực An Sơn Miếu với xiêm áo chỉnh tề. Lễ giỗ chính thức bắt đầu, trong tiếng nhạc lễ rộn ràng nhưng trang nghiêm, từng đoàn tế lễ đại diện các Khu dân cư trong huyện thành kính dâng lên những sản vật của địa phương như các loại hương hoa, ngũ quả, xôi, chè… Sau đó Chủ tế đọc văn khấn, thành tâm cầu nguyện những điều tốt lành, mong quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người bình an mạnh khỏe.

Lễ hội giỗ Bà Phi Yến được tổ chức hàng năm là hoạt động văn hóa ý nghĩa của người dân Côn Đảo. Đây là niềm tự hào của địa phương, cũng là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy những hoạt động văn hóa gắn với di tích, để những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong dân gian mãi được lưu truyền.

4. Lễ Vu Lan

Cứ vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm, người dân Việt Nam lại đón lễ Vu Lan để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn. Lễ Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ.

Đặc biệt, Lễ Vu Lan ở Côn Đảo vô cùng nổi tiếng và có ý nghĩa lớn lao hơn. Ngày 1/2/1862, tướng Bonard đã ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, từ đó biến Côn Lôn thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng. Với chính sách đàn áp man rợ của quân thù, rất nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã phải hi sinh tại Côn Đảo, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu… Người ta đã ví những nhà tù ở Côn Đảo như là địa ngục trần gian, đủ thấy sự dã man, tàn bạo của quân thù đối với các tù binh như thế nào, Hiện tại, các vị anh hùng, liệt sĩ ấy được an nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương trên Côn Đảo. Vì lẽ đó, Lễ Vu Lan là dịp người dân Côn Đảo tri ân đối với mỗi vị anh hùng liệt sĩ đã “ngã” xuống ở đây.

Vào những ngày này, các đoàn Tăng ni, Phật tử cùng người dân đặt hoa hồng, thắp nến hơn 2.000 ngôi mộ tại nghĩa trang Hàng Dương và nhà tù Côn Đảo. Bên cạnh đó, còn tổ chức Lễ Hỏa Tịnh, rải cát Mạn-đà-la cầu nguyện cho anh linh của các chiến sĩ cách mạng, tù nhân và đồng bào đã hi sinh vì chính nghĩa và tử nạn vì thiên tai, hoạn nạn, nhất là anh linh của những người đã ngã xuống cho sự độc lập, tự do của Tổ quốc và hòa bình, thống nhất đất nước Việt Nam thân yêu trên Côn Đảo.

Những ngọn nến lung linh được thắp sáng trong đêm tại các nhà tù và trên các ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương đã tạo nên một không gian thiêng liêng và ấm áp nghĩa tình. Đây là một việc làm vô cùng cao đẹp, thể hiện tinh thần biết ơn và đền ơn của người con Việt. Việc làm này càng đặc biệt hơn vì được thực hiện trong mùa Vu Lan, một mùa lễ hội để cho Phật tử tưởng nhớ và báo đáp thâm ân của cha mẹ, ân đức của những người ân nhân và không quên tưởng nhớ đến ân đức sâu nặng của các bậc tiền bối hữu công, các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hi sinh để cho chúng ta có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Du lịch Côn Đảo dù xa xôi vượt biển cách trở nhưng những vẻ đẹp thiên nhiên, những di tích lịch sử, con người hiền hòa. Và đặc biệt là các lễ hội có ý nghĩa sâu sắc luôn thôi thúc những bước chân lên đường. Cùng Airbooking đến và tham gia vào những ngày lễ hội truyền thống ở Côn Đảo để thêm yêu mảnh đất một thời đau thương này nhiều hơn!