Phan Thiết, một vùng đất có rất nhiều các phong tục và lễ hội rất đa dạng và đặc sắc. Đây cũng chính là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
LỄ HỘI NGHINH ÔNG
Cứ 2 năm một lần vào năm chẵn, cộng đồng người Hoa ở Phan Thiết lại tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân xuất du vào hạ tuần tháng 7 âm lịch, tức vào tuần thứ 3 của tháng 7 âm lịch và diễn ra liên tục trong 3 ngày, thể hiện mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, mọi người đều có cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc. Lễ hội này được đánh giá còn lưu giữ được hầu hết những giá trị văn hóa cổ truyền dù đã có “tuổi đời” gần 200 năm.
Lễ hội Nghinh Ông được chia thành hai phần chính, gồm: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trong 2 ngày đầu tiên với 16 nghi lễ dân gian truyền thống được các thế hệ người Hoa kế thừa và phát huy như: Lễ rước Thánh Mẫu, lễ thỉnh Kinh, thỉnh Nước, lễ thỉnh Chiêu Ứng công, lễ yết Quan Thánh và chư vị tiền hiền,…
Từ sớm tinh mơ, đoàn diễu hành xuất phát từ Quan Đế Miếu rước Ông với hàng trăm người tham gia trên các đường phố Phan Thiết với các phần trình diễn múa rồng, múa lân, đồng tử bái Quan Âm, các điệu múa dân gian như gánh hoa, múa quạt,… và những tiết mục biểu diễn mang màu sắc lễ hội hóa trang hiện đại như Đường Tăng, Ngộ Không, Trưa Bát Giới,…
Nghinh Ông là nghi thức rước linh vị Ông đi qua các con đường có đông người Hoa sinh sống và ghé thăm 4 Hội quán ở Phan Thiết gồm: Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến và Hải Nam. Người ta quan niệm rằng, khi Ông ghé thăm Hội quán của các Bang thì việc làm ăn mới thuận lợi, cuộc sống bà con thêm phần ấm no hạnh phúc.
Tất cả thật sự là một ngày hội dân gian sống động giữa đường phố của Phan Thiết. Lễ hội này thu hút hàng nghìn người dân địa phương, các vùng lân cận cùng khách du lịch thập phương hiếu kỳ đến xem và thưởng thức. Lễ hội Nghinh Ông tuy không không phải là lễ hội truyền thống của người Phan Thiết bản địa nhưng cũng góp phần làm phong phú thêm nét đẹp cho văn hóa Việt Nam.
LỄ HỘI RƯỚC ĐÈN TRUNG THU
Mỗi khi đến dịp Rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, người dân Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung lại nô nức chuẩn bị cho Lễ hội rước đèn Trung thu. Lễ hội không chỉ là sân chơi thú vị và hấp dẫn cho các em thiếu nhi trong dịp Trung Thu mà còn là một lễ hội Trung thu lớn nhất ở Việt Nam, thu hút đông đảo du khách mỗi dịp đến với thành phố biển Phan Thiết.
Lễ hội rước đèn Trung thu ở thành phố Phan Thiết là một lễ hội tôn vinh những giá trị truyền thống đã xác lập kỷ lục “Lễ hội rước đèn Trung thu lớn nhất ở Việt Nam” và cũng được công nhận là “Lễ hội văn hoá đặc sắc và thành công nhất trong ngành du lịch Việt Nam”.
Điểm đặc sắc của lễ hội là hàng nghìn chiếc đèn lồng nhỏ xinh đều được làm thủ công bằng vải, tre, giấy, khung sắt và được thắp sáng bằng đèn sáp sáng lung linh, không sử dụng đèn pin và đèn điện tử. Những chiếc đèn lồng với đủ các hình dạng truyền thống: ông sao, kéo quân, cá chép,… đã mang đến cho lễ hội không gian truyền thống rực rỡ trong đêm hội Trung thu.
Không chỉ có hàng ngàn những chiếc đèn nhỏ xinh, du khách tham gia lễ hội còn ấn tượng bởi những chiếc đèn khổng lồ được chế tác cực kì công phu, cao đến 4m, đẹp mắt và giàu ý nghĩa.
Trong đêm hội này, dòng người đổ về thành phố Phan Thiết cũng ngày càng đông đúc và nhộn nhịp. Trong khung cảnh đường phố rực rỡ của những ánh đèn lồng lung linh, người dân thành phố Phan Thiết cùng nhiều khách du lịch thập phương cùng hoà mình vào không khí sôi động, rộng ràng để mang đến cho các em thiếu nhi một đêm hội trăng rằm độc đáo và một Tết Trung Thu ý nghĩa.
Lễ hội rước đèn đã đi vào truyền thống và trở thành nét văn hoá đặc sắc không thể thiếu mỗi dịp Trung thu của người dân nơi đây.
LỄ HỘI ĐUA THUYỀN
Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về, dòng Cà Ty lại được khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ cờ hoa để hòa mình vào không khí vui tươi của đất trời qua Lễ hội đua thuyền mừng xuân. Hội đua thuyền, nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân Phan Thiết được tổ chức vào mùng 2 Tết hàng năm thu hút hàng chục ngàn người đến xem.
Như truyền thống trong những năm gần đây, Lễ hội đua thuyền ở Phan Thiết được tổ chức với 2 môn: đua thuyền nam và đua thúng. Ở môn đua thuyền, các vận động viên của 9 đội đến từ 9 phường, xã. Các đội tham gia thi đấu ở hai cự ly: đua thuyền nam đồng hàng 500m và đua thuyền nam quay vòng 1.700m. Ở cả hai nội dung đua thuyền, 9 đội được chia làm 3 bảng thi đấu vòng loại, đội nhất mỗi bảng vào thi đấu chung kết. Còn ở môn đua thúng, các vận động viên thi đấu các nội dung: bơi thúng đơn, bơi thúng đôi và quấy thúng với cự ly 500m.
Khi cuộc đua diễn ra, trên dòng sông Cà Ty yên ả, hiền hòa vang dội bởi tiếng reo hò cổ vũ của hàng chục nghìn người xem. Sự cổ vũ hết mình của người xem đã tiếp thêm sức cho các vận động viên cố gắng tối đa khả năng của mình. Sự thành công của một đội đua được quyết định bởi sự đồng lòng, đoàn kết, hợp sức của các vận động viên trên thuyền.
Lễ hội đua thuyền ở Phan Thiết nhằm tạo sân chơi giao lưu giữa các ngư dân, chọn lựa những vận động viên xuất sắc tham gia vào đội đua thuyền truyền thống của tỉnh Bình Thuận. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa để quảng bá du lịch, thu hút đông du khách mỗi dịp đầu năm.
LỄ “MBĂNG” KATÊ
“Mbăng” Katê tức là ăn lễ Katê của người Chăm. Lễ hội là dịp để hội tụ gia đình dâng cúng tổ tiên, ông bà, những người có công. Lễ Katê thường diễn ra vào ngày đầu tháng 7 Chăm lịch – khoảng tháng 10 Dương lịch và kéo dài đến 1 tháng. Vào những ngày này, các tháp Chăm ở dải đất miền Trung đầy sắc màu trong không gian rộn ràng.
Nhắc đến lễ Katê, nhiều người nghĩ đến đến 2 khu tháp Chăm ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) là nơi diễn ra các nghi thức thờ cúng được giữ gìn lưu truyền từ bao đời. Khoảng 5 năm trở lại đây, nghi thức cổ truyền đã được phục dựng lại tại khu vực tháp Pô Sah Inư ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Hiện nay thay vì vượt đường xa đến Phan Rang, Nha Trang để “Mbăng” Katê, nhiều người chọn điểm đến là Phan Thiết dự lễ.
Lễ Katê của người Chăm có thể hiểu như lễ Đon-ta của người Khmer, tức là lễ để tưởng nhớ những người đã khuất vào thời điểm thu hoạch vụ mùa đã xong. Những người tại thế dâng cúng những gì mình làm ra lên tổ tiên, thần linh đã phù hộ mình và mang lại mùa màng tươi tốt trong suốt năm qua. Nếu người Khmer múa lâm-thôn trong tiếng nhạc ngũ âm rộn ràng thì những K’lu (con trai) và những Kamei Tàrà (con gái) người Chăm cũng uyển chuyển trong các điệu múa dân gian. Tiếng trống Ba-ra-nưng rộn ràng hòa điệu cùng tiếng kèn Sa-ra-nai réo rắt, tạo nên những cung bậc âm thanh trầm bổng giữa núi đồi. Hằng năm, dịp lễ Katê, người Chăm khắp nơi trong tỉnh đổ về đây cúng tháp trước khi làm lễ Katê ở làng và gia đình.
Sau thời gian dài gián đoạn, lễ được phục dựng lại vào năm 2005, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sản phẩm du lịch văn hóa phục vụ du khách. Lễ Katê năm nay diễn ra vào ngày 6 và 7/10 Dương lịch – tức 30/6 và 1/7 Chăm lịch. Các nghi thức lễ cúng truyền thống được thực hiện bên cạnh các hoạt động văn hóa phong phú. Những dòng người xiêm y truyền thống chỉnh tề, đầu đội lễ vật về dâng cúng các vị thần linh và công chúa Pô Sah Inư đổ về điểm lễ. Du khách có thể chứng kiến dòng người nối gót nhau dài cả cây số trên đường vào tháp. Dòng người này càng dài gấp nhiều lần khi diễn ra lễ rước kiệu và y trang của công chúa lên tháp thờ. Không khí nghiêm trang và rực rỡ sắc màu. Du khách đến đây sẽ được dịp chứng kiến và tìm hiểu các nghi thức cúng bái truyền thống của người Chăm với các hoạt động nhuộm màu tâm linh nhưng không có tình trạng mê tín dị đoan.
Sau khi các hoạt động cúng bái tại tháp đã xong, người người nhóm họp trước cửa tháp hòa mình vào những vũ điệu, âm thanh của các nghệ nhân. Nếu vũ điệu Apsara uyển chuyển thì vũ điệu múa dâng quả nhịp nhàng và rộn ràng. Du khách đứng xem cũng lắc lư, vui say cùng điệu nhạc.
Không khí lễ hội “Mbăng” Katê ở Phan Thiết bởi không kém so với ở Nha Trang và Phan Rang. Du khách tự do hòa mình vào không gian lễ hội, tham gia vào các vũ điệu hay trổ tài vỗ trống, thổi kèn theo sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Dịp này, các phụ nữ Chăm cũng trình làng các khung dệt tại sân tháp để biểu diễn các “ngón” dệt thổ cẩm độc đáo. Du khách có thể ngồi vào khung dệt để dệt những đường thổ cẩm làm quà lưu niệm cho người thân, bạn bè. Người Chăm vốn rất thân thiện nên du khách dễ bị thuyết phục ngay lần tiếp xúc đầu tiên. Đó cũng chính là “sản phẩm du lịch” giữ chân được du khách và lôi kéo khách đến lễ hội. Nếu còn nhiều thời gian, du khách có thể đến các làng của người Chăm ở Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… để ăn lễ Katê làng rồi đến gia đình sau khi kết thúc lễ ở Kalan (tháp).
Đến Phan Thiết, ăn lễ Katê cùng người Chăm, du khách còn có cơ hội lướt sóng, dù lượn tại làng resort Mũi Né và cả trượt cát, chinh phục những ngọn đồi cát bay. Không ai cưỡng lại được khi nhìn thấy biển Mũi Né – mà không nhảy ào xuống lặn ngụp cho thỏa.
LỄ HỘI CẦU NGƯ
Vạn Thủy Tú tọa lạc ở đường Ngư Ông, thành phố Phan Thiết là ngôi vạn gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp, ra đời sớm nhất tại Phan Thiết cũng như tỉnh Bình Thuận. Đây được xem là ngôi vạn gốc, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần và tâm linh của ngư dân địa phương với tín ngưỡng thờ cá Ông (cá Voi). Cùng với sự ra đời của của ngôi vạn, tại đây còn xuất hiện các nghi thức truyền thống của Lễ hội Cầu Ngư gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân Phan Thiết.
Lễ hội Cầu Ngư mang tính chất cầu mùa biển bội thu và thể hiện tấm lòng biết ơn của ngư dân đối với cá Ông đã phù trợ, giúp đỡ ngư dân bình an và được mùa tôm cá trong những chuyến ra khơi. Lễ hội Cầu Ngư ở vạn Thủy Tú thường diễn ra vào ngày 20/6 âm lịch hàng năm với các nghi thức cúng tế trang trọng như: lễ Nghệ sắc, lễ Nghinh Thần từ biển về và phần hội gồm chèo Bả Trạo, hát Bội, đua thuyền trên sông Cà Ty. Ngoài ra, còn có các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển như hát bài chòi, thi đua thuyền, lắc thúng giữa các Vạn với nhau như câu ca xưa còn truyền lại: “Dưới sông sắp đặt ghe đua / Trên bờ sửa soạn Miếu Chìa Trạo ca” (Hát chèo Bả Trạo).
Hiện nay, Lễ hội Cầu Ngư đã được địa phương chọn là lễ hội truyền thống phục vụ phát triển du lịch với việc đáo lệ 2 năm tổ chức 1 lần. Riêng di tích Vạn Thủy Tú với bộ xương cá Ông lớn nhất Đông Nam Á hàng năm đón khoảng 30.000 lượt khách đến tham quan và chiêm bái. Được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội Cầu Ngư tại Vạn Thủy Tú sẽ vừa thuận lợi hơn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, vừa tạo thêm những nét thú vị hấp dẫn du khách khi đến du lịch tại thành phố Phan Thiết.
LỄ HỘI CẦU YÊN
Lễ cầu yên (Raja Prông) là lễ hội truyền thống của người Chăm Bà Ni được tổ chức vào đầu tháng Giêng theo lịch Chăm (tức là vào tháng 4 dương lịch). Lễ cầu yên diễn ra trong khoảng 3 ngày 3 đêm để cầu an, xua đuổi những điều xấu, không may trong năm cũ, cầu may mắn và hạnh phúc cho người dân.
Người Chăm làm lễ cầu yên để tống tiễn những điều không may của năm cũ, cầu may mắn, bình an, mua thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi trong năm mới. Lễ cầu yên được bắt đầu lúc chạng vạng tối. Sau phần nghi lễ, dân làng tổ chức các cuộc vui chơi, múa hát những tiết mục truyền thống của dân tộc Chăm và trò chơi thả thuyền. Tất cả mọi hoạt động diễn ra vô cùng hứng khởi.
Lễ cầu yên ngày nay vẫn được người Chăm Bà Ni lưu giữ và bảo tồn. Lễ hội cũng là dịp để đồng bào Chăm giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, giáo dục con cháu bảo tổn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
LỄ HỘI THẢ DIỀU
Lễ hội quy tụ hàng trăm cánh diều đầy màu sắc, có nhiều hình dạng độc đáo, sáng tạo và kích thước đa dạng. Có thể kể đến như diều truyền thống, diều khí động học, diều quay… Trong đó, chủ yếu là những cánh diều động vật biển như bạch tuột, cá, mực, cua,…Một số cánh diều đại bàng, diều phượng hoàng, diều siêu nhân, diều quốc kỳ Việt Nam, diều lục giác truyền thống Nhật Bản,… cũng xuất hiện tại lễ hội. Có những con diều to lớn hơn chục mét và cũng có những cánh diều bé nhỏ chỉ bằng bàn tay người lớn.
Trên bãi biển lộng gió ngày hè, người dân địa phương và khách du lịch trong nước lẫn quốc tế nô nức tụ họp đông đúc để thả diều và ngắm những cánh diều. Trong chuyến du lịch Phan Thiết, du khách sẽ được tìm hiểu về nghệ thuật diều từ các nghệ nhân, chiêm ngưỡng những cánh diều căng gió và thả cánh diều của riêng mình lên bầu trời xanh bao la, mênh mông.
Lễ hội diều không chỉ là sân chơi tưng bừng, nhộn nhịp mà nó còn là hoạt động hè đầy ý nghĩa đối với người dân, du khách từ trẻ em đến người lớn. Lễ hội diều như làn gió mát, thổi bay không khí nóng nực của ngày hè và đem đến cho du khách không gian bình yên, thanh bình giữa biển xanh, cát vàng và bầu trời mênh mông.
LỄ HỘI ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ MŨI NÉ
Với mục tiêu phát triển ẩm thực Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch, Lễ hội Ẩm thực đường phố Mũi Né (Mui Ne Street Food Festival) được tổ chức với tần suất 06 đến 07 lần trong năm.
Lễ hội ẩm thực đường phố Mũi Né tập hợp các doanh nghiệp là resort, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tham gia giới thiệu và phục vụ thực khách trong nước và quốc tế các thực đơn hấp dẫn, đậm đà hương vị miền biển hay các gian hàng bán quà lưu niệm, hàng mỹ nghệ… Song song đó các chương trình giải trí như múa lân, múa lửa, nhảy hip hop, nhạc DJ… cực kì sôi động cũng được diễn ra.
Trong mỗi lần, lê hội diễn tra trong 2 ngày từ 17h00 đến 22h00. Khu vực thường diễn ra là trước mặt các khu resort kéo dài từ Coco Beach Resort đến Blue Ocean Resort ở Mũi Né.
Đến với lễ hội Ẩm thực đường phố Mũi Né, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn nhanh độc đáo từ các gian hàng và bầu không khí sôi động vui nhộn của những chương trình giải trí, âm nhạc nơi đây.
Trên đây là 8 lễ hội được thường xuyên tổ chức mỗi năm tại Phan Thiết. Hi vọng du khách sẽ chọn được lễ hội yêu thích và có những trải nghiệm tuyệt vời cùng miền đất hứa Phan Thiết!