Nói đến Quy Nhơn, người ta thường nghĩ đến hình ảnh một vùng đất nơi duyên hải miền Trung với biển xanh, nắng vàng. Thế nhưng có lẽ, mùi vị những món ăn quê nhà dân dã của địa phương mới chính là thứ níu chân lữ khách đến đây. Món ăn của Quy Nhơn tuy mang nét mộc mạc, chân chất, không cầu kì nhưng lại thấm đượm hương vị của biển cả với những nguyên liệu tươi ngon, bổ dưỡng.
Bánh xèo tôm nhảy
“Chưa thử qua bánh xèo tôm nhảy xem như chưa đến Quy Nhơn” là câu nói mà nhiều khách du lịch thường rỉ tai nhau. Món đặc sản có mặt ở hầu hết quán từ bình dân đến sang trọng để du khách lựa chọn.
Tên món ăn xuất phát từ nguyên liệu để chế biến chính là những con tôm đất tươi, được đánh bắt lên còn nhảy lao xao.
Trên lò than rực lửa, đầu bếp sẽ bắt đầu công đoạn đổ bánh bằng việc tráng đều một lớp dầu trên mặt chảo. Những con tôm còn nhảy được thả “một cái xèo” vào chảo nóng. Sau đó, người nấu rưới một lớp bột đã pha sẵn và cho thêm hành giá lên trên.
Bột bánh xèo được pha từ bột gạo có thêm chút bột nghệ và nước cốt dừa nên có vị béo và màu vàng đặc trưng. Những con tôm đất không quá lớn nhưng chắc thịt, mỗi chiếc có khoảng 2-3 con.
Ở bất kỳ quán nào, chỉ mất vài phút là thực khách có ngay chiếc bánh xèo nóng hổi, thơm mùi gạo. Nếu ngồi ăn ở những địa chỉ có bếp đặt ngay trong không gian ngồi, thực khách còn được dịp nghe âm thanh xèo xèo và quan sát các bước nấu nướng của đầu bếp.
Chiếc bánh nhỏ với con tôm đỏ au, thơm lừng ngay lập tức xuất hiện trước mặt du khách. Trên bàn không thể thiếu chén nước mắm chua ngọt cùng đĩa rau ăn kèm tươi xanh.
Để thưởng thức đúng điệu món này, du khách đặt bánh xèo lên chiếc bánh tráng dẻo, cho thêm ít rau mầm và xoài chua rồi cuộn tròn lại. Chậm rãi chấm cuốn bánh ngập trong nước mắm sóng sánh rồi cắn một miếng, du khách cảm nhận vị béo của dầu, vị ngọt của tôm tươi. Ai thích ăn cay có thể cho thêm ớt.
Bánh hỏi cháo lòng
Nhắc đến đặc sản Quy Nhơn mà bỏ qua món Bánh hỏi cháo lòng thì quả thực là một thiếu sót lớn.
Thật ra, bánh hỏi và lòng heo vốn không phải là món độc nhất vô nhị chỉ Quy Nhơn mới có. Thế nhưng mỗi vùng miền lại có một cách kết hợp và thưởng thức khác nhau. Ở Quy Nhơn, lòng heo sẽ được xếp riêng kèm đĩa bánh hỏi và rau sống để làm món ăn chính, đi cùng là chén cháo loãng nóng hổi ấm bụng. Chính cách ăn đặc biệt cùng hương vị tuyệt vời ấy đã “gây nghiện” biết bao lữ khách cũng như chính người dân nơi đây.
Gắp một lá bánh hỏi, kèm thêm miếng lòng heo và ít rau sống, chấm nhẹ vào chén mắm ngon rồi đưa vào miệng. Vị ngọt của bánh hỏi, lòng heo quyện với hương vị đậm đà của nước mắm nhĩ thì thôi… Chậc!…Thi thoảng lại bẻ miếng bánh tráng nướng giòn giòn thơm thơm, húp vài thìa cháo ấm ấm nữa thì đúng là không gì bằng mà!
Bún chả cá
Bún chả cá không phải là món ăn xa lạ với người Việt, nhất là với những người dân biển dọc miền đất nước. Nhưng không vì thế mà bún chả cá ở Quy Nhơn lại mờ nhạt hay kém màu đặc sắc hơn so với những tô bún chả cá Nha Trang hay Đà Nẵng, trái lại, dường như, món ăn quen thuộc này đã trở thành đặc sản Quy Nhơn, một món ăn mà ai cũng phải cố tìm để thưởng thức mỗi khi có dịp đến thành phố biển này. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt cho tô bún chả cá Quy Nhơn?
Trong tô Bún chả cá điều đặc biệt đầu tiên là nước dùng. Bún chả cá Quy Nhơn không dùng nước nấu từ xương heo mà nước dùng được nấu từ xương cá tươi, thường là xương hoặc đầu cá thu, cá cờ, cá quả (Cá lóc, cá trầu,…) tạo cho nước dùng có vị ngọt tự nhiên, đậm đà và không tanh. Điều đặc biệt thứ hai là Chả cá, thành phần ngon nhất của tô bún. Để có chả cá ngon, người ta lóc thịt cá, trộn với tỏi ớt, tiêu, bột ngọt, dầu ăn, chút muối cùng da lợn xay nhuyễn, sau đó khuấy thật đều tay, càng nhuyễn thịt sẽ càng dai và mền. Chả cá miền Trung hoàn toàn không có “thì là” như ở miền Bắc nhưng miếng chả cá vẫn thơm ngon. Sau khi được đánh nhuyễn, cá xay được chia thành từng mảnh nhỏ, mỏng hoặc từng viên tròn, vừa miệng cho vào chảo dầu chiên vàng. Một phần khác đem cho vào khuôn để hấp cách thủy, khi ăn sẽ cắt nhỏ thành từng miếng. Khi thưởng thức tô bún chả cá Quy Nhơn, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ vị mềm, mịn, ngọt của chả cá viên, chả cá hấp và vị dai, giòn của chả cá chiên. Điều đặc biệt thứ ba là các loại gia vị, rau sống ăn kèm. Rau sống là sự phối hợp hoàn hảo giữa màu xanh của xà lách, màu trắng của bắp cải bào mỏng, màu sậm của vài sợi bắp chuối, vài cọng giá, lá bạc hà tươi xanh. Khi ăn, chấm miếng chả cá vào chén tương ớt đặc trưng, kèm củ hành tím ngâm, kèm một ít rau, húp một tý nước dùng, du khách sẽ nghe vị thơm ngon của đồng quê và biển cả tan trên đầu lưỡi.
Bún rạm
Với mỗi vùng miền khác nhau sẽ lưu giữ cho mình những nét văn hóa và nền ẩm thực riêng biệt. Nếu như Hà Nội nổi tiếng với món Chả cá lã vọng gần xa, thì ở Quy Nhơn có món bún rạm tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của ẩm thực xứ “nẫu” mà mỗi lần ghé thăm khiến du khách không khỏi tò mò.
Có nguồn gốc từ huyện Phù Mỹ, món bún rạm nhanh chóng lan tỏa ra khắp toàn tỉnh Bình Định, đặc biệt là thành phố Quy Nhơn. Sở dĩ món ăn này nổi tiếng gần xa là bởi bí quyết chế biến khiến nước dùng thanh ngọt tự nhiên, phảng phất hương vị của biển lẫn trong thịt tôm, khiến cho người ăn phát ghiền.
Để chế biến ra món bún rạm, người ta phải dùng những com rạm còn tươi để có được vị ngon ngọt. Những con rạm này sau khi rửa sạch sẽ giữ nguyên vỏ thì đem đi xay cho nhuyễn và lọc lấy nước. Đem nước rạm đi nấu, cho thêm một ít hành phi, dầu ăn, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, khi nước rạm sôi thì tắt bếp.
Điểm cộng của món ăn bún rạm là sợi bún được làm tại chỗ, cọng bún tươi mới nên ăn sẽ có cảm giác dai, dẻo hơn so với bún làm qua đêm. Một phần ăn sẽ gồm một tô bún tươi có để sẵn dưa leo bào, rau sống phía trên kèm thêm một tô nước dùng màu đỏ đặc quánh gạch rạm và một cái bánh tráng.
Khi ăn, khách dùng muỗng múc nước dùng chan vào tô bún, tùy theo khách muốn ăn khô hay nhiều nước mà chủ quán cho thêm nước ít hay nhiều.
Tô bún trắng trong, chẳng màu mè phô trương, vị ngọt dịu thơm thơm của mùi gạch rạm, cái giòn giòn của bánh tráng, dai dai của cọng bún, vị tươi mới của rau ăn kèm, mùi rau húng thơm nồng trong từng gắp bún tạo nên mọt vị ngon ngọt, đậm đà tự nhiên cứ vương vấn trong khoang miệng, khiến cho những người mê ẩm thực cứ vương vấn mãi.
Bánh canh cá dầm lá hẹ
Đã đến Quy Nhơn, du khách không nên bỏ qua món ngon bánh canh cá dầm lá hẹ. Nước lèo nấu từ xương cá, thơm; bánh canh bột gạo kết hợp những miếng cá thu phi lê, lá hẹ phủ xanh thơm lừng. Bánh canh cá dầm lá hẹ ăn kèm với chén mắm nhĩ thái thêm ớt xanh, vị rất đậm đà.
Bánh canh cá dầm lá hẹ thường được nhắc đến nhiều ở Nha Trang (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên) nhưng vài năm gần đây, người Quy Nhơn đã biến tấu, bổ sung nhiều hương vị để có thể đáp ứng khẩu vị khách phương xa cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Một số quán chế biến bánh canh cá dầm lá hẹ từ cá thu tươi; một số khác kết hợp gồm phi lê cá thu tươi, chả cá, trứng cút, tạo hương thơm làm nền với hành phi… Tùy theo sở thích của mỗi người, chủ quán sẽ phục vụ những tô bánh canh vừa ý nhất.
Bánh bèo
Một trong số món ngon ở Quy Nhơn phải nhắc đến đó là món bánh bèo. Bánh có màu sắc hài hòa, nhìn là muốn ăn do được rắc nhiều lá hẹ nhỏ xinh bên trên lớp bột mịn dai trắng muốt, chưa hết còn màu từ đậu phộng giã nhuyễn, thêm ít ruốc tôm hay vài mẩu bánh mì nhỏ giòn tan nữa. Ăn bánh bèo lúc còn nghi ngút khói, được chan nước chấm nóng ấm vào bột mới chín tới, vừa ăn vừa xuýt xoa, tận hưởng cảm giác của nhiều thứ hòa quyện thì chỉ có thể dùng từ tuyệt vời thôi.
Bánh giò
Bánh giò vốn dĩ là một món ăn đặc sản nổi tiếng của người Hà Nội nhưng khi vào đến Quy Nhơn đã được rất nhiều tín đồ yêu thích. Khác với những chiếc bánh giò ở Hà Nội, bánh giò Quy Nhơn được chế biến theo kiểu hấp rồi ăn cùng với nước chấm ngọt ngọt tạo nên hương vị riêng biệt.
So với nhiều nơi, cái ruột của chiếc bánh giò Quy Nhơn phong phú hơn khá nhiều khi có: trứng cút, thịt ba chỉ, nấm, mộc nhĩ băm nhuyễn, gia vị vừa miệng. Phần vỏ bánh được làm từ bột gạo tẻ hòa cùng nước xương hầm để tăng độ ngọt của chiếc bánh, gói trong lớp lá chuối xanh. Bánh giò ăn nóng, kèm với mắm cay khá ngon miệng.
Nem nướng
Nem nướng không còn là món mới lạ. Tuy đều được chế biến từ thịt heo nạc giã hoặc say nhuyễn và trộn đều với mỡ hạt liệu cùng các gia vị như muối, tiêu, đường, tỏi,… rồi vo thành các viên tròn tròn, dài vừa ăn, kẹp vỉ hay xiên que và nướng trên bếp than hồng, nhưng nem nướng Quy Nhơn khác ở nơi khác ở chỗ là bánh tráng để cuốn nem được sản xuất trực tiếp từ bột gạo của vùng lúa Bình Định.
Cuốn miếng nem nướng với miếng bánh tráng, thêm diếp cá, dưa leo, khế hay xoài xanh, hẹ, húng quê, dưa chua, chuối chát, xà lách, tầng ô, tép tỏi hay lát ớt rồi sau đó thả ngập trong bát nước chấm, đưa lên miệng và cảm nhận. Nói thôi cũng thấy chảy nước miếng vi thèm rồi!
Tré Quy Nhơn
Tré là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của vùng đất Quy Nhơn. Món ăn có cái tên lạ tai và hình dáng bên ngoài cũng rất lạ mắt. Nhưng với hương vị đặc biệt, món tré là đặc sản được rất nhiều người yêu thích.
Món Tré được chế biến từ hỗn hợp thịt đầu heo, tai heo, riềng, ớt, tỏi, mè, muối, thính… sau đó gói trong lá ổi, bọc quanh lá chuối và được bao bọc bằng một lớp rơm dày khoảng 3cm, bó chặt hai đầu. Do ở ngoài được bọc bằng rơm nên nhìn những bó tré rất giống cái cán chổi rơm.
Món Tré sau khi để khoảng 2-3 ngày là đã bắt đầu dùng được. Khi mở bó tré ra, hương thơm của thịt lên men, của các loại gia vị như tỏi, riềng,…ngay lập tức sẽ xộc vào mũi. Thịt tré tơi, ngấm đều gia vị và sần sật nhai rất vui miệng. Lá ổi có vị chát nhẹ giúp món ăn không hề ngán. Điểm khác biệt của món tré Quy Nhơn đó là còn có mùi thơm từ lớp rơm bên ngoài ngấm vào thịt. Thưởng thức món tré Quy Nhơn mà du khách như có thể cảm nhận được hương vị của đồng quê xứ sở nơi đây.
Bánh cuốn
Thoạt nhìn, bánh cuốn Quy Nhơn rất giống món gỏi cuốn nhưng hương vị của nhân bánh lại rất đậm nét miền Trung. Bánh tráng được làm trực tiếp từ bột gạo của vùng lúa Bình Định, ăn vào rõ vị mềm dẻo chứ không bở, nhân bánh là tổng hợp từ rau sống, đậu hũ chiên, chả ram, nem nướng, chả, nem chua, trứng vịt luộc, xiên thịt bò nướng.
Bánh cuốn ngon phải được ăn kèm với nước chấm pha đúng điệu. Theo người Quy Nhơn, món này có thật sự ngon và làm cho người ăn nhớ đến hoài hay không là do nước chấm quyết định. Một bát nước chấm chuẩn được pha từ nước mắm nguyên chất cùng với tỏi, ớt, đậu phộng rang xay nhuyễn, xào chín. Bát nước chấm sóng sánh, thơm thơm, đậm đà đã tạo nên hương vị đặc trưng cho món bánh cuốn.
Chả ram tôm đất
Đây là món nằm trong top món ngon Quy Nhơn bởi không chỉ ngày thường mà vào dịp đặc biệt trong năm như ngày Tết thì món ăn này không thể thiếu trong những bữa cơm cuối năm.
Với nguyên liệu chính đơn giản bao gồm tôm đất, thịt ba chỉ, bánh tráng nhưng món chả ram khiến du khách ăn mãi không ngán vì miếng chả nhỏ nhỏ xinh xinh bằng ngón tay.
Khi ăn vào thấy rõ vị giòn rụm bởi lớp bánh tráng được cuốn bên ngoài là loại bánh tráng phơi sương, vị thơm ngọt của những con tôm đất tươi rói, béo ụ và săn chắc, vị thơm nồng ấm của hành hương, loại củ nhỏ chỉ có ở vùng đất Quy Nhơn. Cứ thế món ăn dân dã này lấy lòng thực khách bằng sự độc đáo riêng của mình khiến người ta cứ vấn vương mãi cái vị của đất trời Quy Nhơn.
Cua, ghẹ, tôm và các loại ốc
Quy Nhơn là người con của biển cả, vì thế hải sản của Quy Nhơn đặc biệt tươi, đa dạng và giá cả cũng phải chăng. Nổi bật nhất có lẽ là ghẹ, tôm và các loại ốc. Đến với Quy Nhơn chắc chắn du khách phải thưởng thức một địa ghẹ hấp bia siêu to. Những con ghẹ to mẩy, đầy thịt tươi ngon được đánh trực tiếp từ biển về. Thưởng thức ghẹ hấp chấm muối thì ngon hết nấc luôn, du khách sẽ cảm nhận thấy trọn vẹn hương vị của biển cả với món ăn này đấy.
Một loại cua rất hiếm mà du khách có thể thưởng thức ở Quy Nhơn đó là cua huỳnh đế. Loài cua này chỉ xuất hiện ở những vùng biển có nguồn nước trong xanh, đáy cát vàng và biển Quy Nhơn cũng nằm trong những nơi có hải sản cua huỳnh đế thơm ngon. Thịt cua huỳnh đế cực kì ngon, thơm, thịt rất chắc và vô cùng bổ dưỡng. Muốn cảm nhận được vị ngọt nguyên thủy nhất của cua huỳnh đế bạn nên thưởng thức món cua huỳnh đế hấp bia chấm cùng muối ớt Quy Nhơn. Bên cạnh đó khi ăn cua huỳnh đế du khách nên ăn kèm cùng các loại ốc đặc biệt của Quy Nhơn. Vô vàn loại ốc cho du khách lựa chọn: ốc đá, ốc nón, ốc bươu, ốc mặt trăng,… Chế biến các món ốc, nhà hàng thường chọn ốc hấp sả lá dứa nóng hổi thơm mùi sả chấm với muối chanh ớt hay món ốc mỡ xào sả ớt vị cay cay vừa ăn vừa xuýt xoa, kích thích khẩu vị thực khách.
Bò bọ biển
Có thể nói, bò bọ biển là một trong những món ăn không thể không nhắc đến trong ẩm thực Quy Nhơn. Khoác lên mình một lớp áo giáp màu nâu sáng bóng cùng thân hình tròn trục khiến cho dòng họ bò bọ biển (cùng dòng họ với tôm) được nhiều người yêu thích.
Dòng bò bọ biển được cho là loài quý hiếm nhất trong thế giới hải sản Việt Nam nói chung và Quy Nhơn nói riêng. Do đó, việc sở hữu hay được thưởng thức món bò bọ biển không phải dễ dàng.
Người ta thường nói tôm hùm là “vua hải sản” nhưng có lẽ ai chưa thử bò bọ biển thì chưa thể khẳng định được đâu mới là vua của hải sản. Chế biến bò bọ biển du khách có thể thử bằng cách nướng, hấp hay luộc. Một điều đặc biệt khi thưởng thức bò bọ biển chính là không thêm bất kỳ gia vị nào khi chế biến bởi gia vị này sẽ làm mất đi hương vị chính gốc của chúng. Du khách chỉ cần thưởng thức chúng với tương ớt và lá rau dăm.
Cá ninja nướng
Thời gian gần đây, cá ninja được cư dân biển nơi đây đánh giá và đưa vào thực đơn và trở thành món ăn “lạ độc” thu hút nhiều du khách. Nhắc đến cá ninja, du khách sẽ hoàn toàn ngỡ ngàng với hình ảnh lạ mắt của loài cá này.
Cá ninja trong bề ngoài vô cùng dị hợm với phần da cá trơn dài khoảng gang tay lưng chỉ một màu đen tuyền. Không những vậy, đầu của chúng còn có hình dáng giống với các chạch cui, đuôi như hải cẩu…
Tất cả khiến cho du khách khi thoạt nhìn thấy loài cá này ai nấy cũng phải khiếp sợ. Thế nhưng, nếu chưa thử bạn ắt hẳn sẽ chưa thể biết sự hấp dẫn của loài cá này bởi chỉ có những du khách tinh tế mới nhận thấy sự độc đáo và khác lạ trong món ngon đặc sắc này.
Lý giải về tên gọi của chúng, cư dân vùng biển Quy Nhơn cho rằng do chúng thoát ẩn thoát hiện trong biển tiếp đó là vùng da đen tuyền khiến chúng trông như những ninja mặc áo trong các thước phim. Như vậy, tên gọi của loài cá đặc sản này cũng nghệ thuật, cũng hài hước không kém đúng không nào. Tên gọi là một chuyện nhưng thưởng thức chúng lại là vấn đề khác, du khách nhất định phải nếm thử cá ninja nướng khi đến với vùng đất Quy Nhơn.
Bánh mì Lagu
Bánh mì Lagu là món ăn được người dân Quy Nhơn ưa chuộng từ cách đây rất lâu. Nước dùng được nấu sánh dẻo, gồm nhiều nguyên liệu như cà rốt, hạt sen, khoai lang, đậu đỏ, thịt heo được ninh kỹ… Thoạt nhìn trông có vẻ giống với súp cà ri, nhưng hương vị lại đậm đà và thơm ngon hơn, thịt có độ mềm vừa phải, ăn vào không quá dai cũng không quá mềm.
Về phần bánh mì thì vỏ bánh được phết một lớp bơ mỏng và được nướng trên bếp than hồng, nhờ vậy là bánh mì sẽ có vị khói thơm thơm. Bánh mì được cắt thành những miếng vừa ăn, chấm kèm với nước súp đậm vị thì còn gì tuyệt vời hơn!
Gà nướng lu xôi cháy
Đi Quy Nhơn mà được thưởng thức món gà nướng lu xôi cháy thì còn gì tuyệt hơn. Gà nướng lu xôi cháy là món ăn điển hình khi con gà được ướp đều tay, cắn vào sẽ cảm nhận ngay lớp da vừa thơm vừa ngon. Đây là món ngon mà du khách nên thử.
Để chế biến món này, người dân sẽ chọn những con gà ngon, sau đó làm sạch, đem đi ướp gia vị toàn thân và cho vào lu nướng ở nhiệt độ cao trong khoảng một tiếng. Lửa tỏa đều trong lu làm cho gà chín đều, giòn tan và mùi thơm hấp dẫn. Người đầu bếp cũng túc trực thường xuyên bên lu để bảo đảm gà không bị cháy xém. Gà được đánh giá là ngon khi lớp da giòn bóng, còn thịt bên trong mềm vừa phải. Phần xôi cháy cũng được nấu khá cầu kỳ sao cho lớp vỏ nóng giòn nhưng bên trong có phần tơi ra. Cuối cùng khi đã hoàn tất từng công đoạn, gà sẽ được chặt ra thành từng phần nhỏ, xếp gọn gàng lên một chiếc mâm bọc giấy bạc, kèm xôi được tạo hình đẹp mắt. Người đầu bếp cũng không quên cho thêm chút rau răm, dưa leo để ăn cùng… Đặc biệt, món mâm gà nướng lu này còn được dùng với kim chi.
Khi ăn, du khách sẽ cảm thấy vị ngọt dịu và mằn mặn của gà, một chút xôi để trung hòa và kim chi mang đến vị chua…
Bánh tráng nước dừa
Bánh tráng nước dừa được xem là đặc sản nổi tiếng ở Quy Nhơn. Món bánh này chất chứa trong nó hương vị của một vùng biển miền Trung đầy nắng gió.
Bánh tráng nước dừa được làm từ bột bánh và nước dừa Tam Quan. Bột được pha từ bột gạo và bột mì sau đó hòa với nước cốt dừa, cơm dừa xay. Không chỉ vậy, bánh tráng nước dừa ở Quy Nhơn còn được thêm vào nhiều nguyên liệu khác như mè, hành tím, ớt, tiêu,… để hương vị đậm đà hơn. Tất cả nguyên liệu được trộn đều vào nhau.
Bánh tráng nước dừa trải qua các công đoạn khuấy bột, tráng bánh trên lò sau đó phơi khô như những loại bánh tráng khác ở miền Nam. Tuy nhiên, người thợ làm bánh nước dừa có phần tỉ mỉ và khéo léo hơn vì bánh tráng nước dừa có nhiều nguyên liệu trong bột, nếu làm không khéo, các nguyên liệu sẽ rời rạc, bánh không giữ được hình tròn đẹp mắt.
Người trực tiếp tráng bánh phải khéo kéo làm sao cho bột dàn đều thành hình tròn, đều. Khi thấy mặt dưới bánh bắt đầu chín thì dùng đũa cuộn nhẹ để bánh ra phơi. Tùy vào cường độ ánh nắng, bánh tráng có thể phơi 1 – 2 nắng là khô.
Để làm bánh tráng nước dừa ngon không dễ. Chiếc bánh làm xong phải thoảng được hương thơm của các nguyên liệu cho vào bột. Người dân ở Quy Nhơn làm bánh tráng nước dừa khéo léo không chỉ để giới thiệu đặc sản mà còn là cách giữ gìn nghề truyền thống của quê hương.
Bánh tráng nước dừa ở Quy Nhơn khi ăn được nướng trên lửa than nồng đượm. Khi gặp lửa, bánh phồng lên, mùi thơm của nước cốt dừa và mè tỏa vào không gian. Nướng bánh tráng nước dừa cũng cần có sự khéo léo nhất định. Miếng bánh to tròn nên khi nước cần biết cách di chuyển, lật trở bánh để chín đều, không bị khét.
Chỉ có một món bánh tráng nước dừa nhưng du khách có thể thưởng thức theo nhiều cách khác nhau. Khi ăn bánh nướng, du khách sẽ cảm nhận được nguyên vị thơm béo. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể ăn chung với các loại mắm. Nướng bánh xong, du khách có thể nhúng nước bánh để bánh mềm đi rồi cuốn với rau, thịt.
Bánh ít lá gai
Nhắc đến bánh ít lá gai là nhắc đến một loại bánh có vị ngọt thanh, dẻo mềm nhưng lại nói lên được tính cách của người Bình Định: Mộc mạc, chân chất, nhưng uy hùng như ngọn tháp và luôn ấm áp lòng người.
Bánh ít lá gai được khách du lịch gọi bằng cái tên “bánh gây thương nhớ”. Bởi với bất kì ai đã từng có dịp đặt chân đến mảnh đất thanh bình này đều không thể quên món bánh đặc biệt này.
Bánh ít lá gai là món ăn không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Bánh được dùng để ăn chơi, làm quà cho bạn bè, người thân; đặc biệt đây là món bánh luôn đồng hành trong các dịp đại lễ, các nghi lễ quan trọng như cúng ông bà, tổ tiên của người dân nơi đây.
Món bánh này khi thưởng thức thì khá đơn giản nhưng để làm nên hương vị gây thương nhớ cho bao người, thì đó là cả một quá trình cẩn thận, tỉ mỉ, công phu và lòng yêu nghề của người làm bánh. Có ba công đoạn chính làm bánh đó là: làm vỏ bánh, nhận bánh, và gói bánh. Mỗi công đoạn đều là một nghệ thuật của người làm bánh. Công đoạn thứ nhất đó là làm vỏ bánh. Vỏ bánh được làm nguyên liệu chính là lá gai hình trái tim. Lá gai được bỏ cuốn lá, gân lá, xé là gai làm nhiều mảnh nhỏ bằng tay rửa sạch sau đó luộc chín như, sắt nhỏ sau đó cho vào cối giã thật nhuyễn. Khâu giả lá gai nhuyễn được làm thủ công bằng tay để bánh được mềm dẻo. Tiếp theo là gạo nếp dùng làm bánh phải là nếp mới, thơm, đem vo thật kỹ, ngâm với nước vài giờ, sau đó xay nhuyễn ép bỏ nước để có được một khối bột dẻo. Tiếp theo, bột nếp trộn với bột lá gai và đường, nhào nhiều lần cho thật dẻo và cho vào cối giã nhuyễn, sau đó chia thành từng cục bột nhỏ. Công đoạn thứ 2 là nhân bánh. Ở công đoạn này người thợ làm bánh chọn lựa những trái dừa không quá già quá nôn để bào thành sợi. Đậu xanh chọn loại đều hạt. Dừa nấu chín với đường cát cho thêm ít gừng đến khi xem khô lại là được. Còn đậu xanh thì sau khi ngâm mềm nấu chín giã nhuyễn sau đó đêm ngào với đường và gừng. Gừng là gia vị tạo ra hương vị rất riêng của món bánh ít lá gai Quy Nhơn. Công đoạn thứ 3 là gói bánh. Sau khi hoàn thành vỏ bánh và nhân bánh người thợ tiến hành gói bánh. Bánh được gói hình như kim tử tháp.
Bánh ít lá gai tuy dẻo nhưng khi ăn không hề bị dính răng. Cắn một miếng là có thể cảm nhận vỏ bánh mềm, mịn, dẻo, thơm của nếp, phần nhân dừa ngọt thơm vừa đủ, vị beo béo của dầu phụng hay vị hơi cay nồng của gừng khiến du khách ăn hoài không chán.
Bánh Hồng
Bánh Hồng cũng được xem là một đặc sản Quy Nhơn làm quà mà bạn nên mua về cho người thân và bạn bè của mình thưởng thức. Mặc dù có tên gọi là bánh hồng thế nhưng thực chất chúng lại có nhiều màu sắc khác nhau.
Bánh Hồng được làm từ gạo nếp ngự – loại gạo nếp ở vùng dừa Tam Quan nổi tiếng với độ mềm dẻo thơm ngon. Bánh được nhào nhuyễn cùng với đường và dừa, bên ngoài phủ một lớp bột màu trắng để không bị dính. Bánh Hồng thường xuất hiện trong những đám cưới hỏi hay những ngày Lễ Tết, tuy nhiên ngày nay ở các cửa hàng bán đồ đặc sản cũng có bày bán rất nhiều món bánh thơm ngon, ý nghĩa này.
Chỉ vài món liệt kê trên đấy thôi đã khiến bụng quý khách phải cồn cào vì thèm rồi đúng không? Vậy thì còn chần chừ gì mà không đến với thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp để vừa cho mình những trải nghiệm mới mẻ vừa thưởng thức những món ngon gây thương nhớ này nhé!
0 Comment