Đến với Đà Nẵng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh rực rỡ của những bãi biển xanh cát trắng, màu trầm lắng của danh thắng nổi tiếng như Ngũ Hành Sơn, màu thiên nhiên tươi đẹp ở bán đảo Sơn Trà, màu vui nhộn ở những khu vui chơi giải trí nổi tiếng nhất Đà Nẵng… Và đặc biệt hơn nữa, khi du lịch Đà Nẵng, du khách không nên bỏ qua “gam màu” đa dạng phong phú của ẩm thực nơi đây.
1. HẢI SẢN
Đà Nẵng nổi danh với các món hải sản phong phú, tươi ngon. Đến với Đà Nẵng, du khách có thể đi đến những con đường nằm dọc bãi biển và lựa chọn cho mình một quán nhậu hay thậm chí là một nhà hàng cao cấp để ăn hải sản tươi ngon, chất lượng nhưng giá cả lại vô cùng bình dân.
Chíp chíp
Đây là loại hải sản ngon, rẻ và vô cùng đặc trưng của Đà Nẵng. Chíp chíp thường được hấp hoặc luộc với cách chế biến giống như ngao. Thưởng thức những con chíp chíp nóng hổi, chấm cùng muối tiêu chanh ớt, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm, thơm ngon của món này.
Ốc hương
Được coi là món tương đối ngon trong những đặc sản ốc biển, đúng như tên gọi, loại ốc này luôn nhẹ nhàng tỏa ra hương thơm tự nhiên, hấp dẫn ngay cả khi chúng còn tươi sống. Ốc hương có thể luộc, nướng hay đem xào me, xả ớt. Món nào cũng ngon và hấp dẫn vô cùng.
Cua sốt me
Nếu là một tín đồ hải sản chắc chắn du khách sẽ không thể nào quên được cái hương vị thơm nồng từ cua biển và nước xốt me bốc lên trong một buổi chiều đầy gió. Từ từ cảm nhận hương vị của món ăn bằng cách gỡ từng miếng thịt cua săn ngọt chấm vào nước sốt me sền sệt, chua ngọt là bao nhiêu suy nghĩ sẽ “tạm ngưng ngay”, nhường chỗ cho cảm giác mê li đang chiếm lấy đầu lưỡi của du khách.
Ghẹ
Ghẹ thuộc họ Cua nhưng thân mỏng và vỏ mềm hơn, thịt chắc và ngọt. Chính vì vậy, ghẹ có thể chế biến được rất nhiều món ngon. Một trong những cách chế biến ghẹ đơn giản nhất là ghẹ hấp. Ghẹ sống rửa sạch cho vào nồi hấp, thêm chút sả đập dập, gừng tươi rồi đun nhỏ lửa trên bếp.
Cùm cụm
Cùm cụm là loại hải sản có họ hàng với cua, ghẹ, có vỏ rất cứng, mặt trên màu xám, hai càng kẹp và hai que bơi màu vàng. Thịt cùm cụm trắng, giòn, rất ngọt, dày thịt hơn càng cua, ghẹ và đặc biệt trứng rất béo thơm.
Sò
Các loại sò điệp hay sò lông đều có vị ngọt, mềm, thơm được nướng trên than hồng kèm hành mỡ vừa tới thơm lừng cùng bùi, béo của lạc sẽ khiến du khách không thể nào quên.
Ốc hút
Ốc sau khi được ngâm với nước vo gạo để rã hết đất sẽ được cắt đít rồi đem xào chung với ớt, nước cốt dừa, gừng xả để những gia vị ấy thấm đều vào từng con. Ốc hút thường được ăn kèm với đu đủ xanh và bánh tráng. Chỉ nghĩ đến cái giòn tan của bánh tráng quyệt với ốc thơ, nước ốc sền sệt thơm lừng có đủ vị mặn ngọt, cay bùi cũng đủ “bắt thèm” những người đã từng được thưởng thức món quà dân dã này của Đà Nẵng.
Tôm
Đây là loại hản sản quen thuộc thường thấy ở nhiều vùng biển, trong đó có Đà Nẵng. Tôm được tẩm ướp kỹ càng bằng các loại nguyên liệu riêng theo công thức của mỗi quán, sau đó tất cả được xiên que và nướng trên than hồng.
Mực nướng
Những con mực tươi rói vừa được vớt từ biển lên sẽ được rửa sạch, tẩm gia vị rồi nướng trên bếp than hoa. Mùi vị của món mực sa tế thì không lẫn vào đâu được với hương thơm vô cùng kích thích và giòn ngọt của mực tươi xì xèo trên nồi bếp than đỏ hồng.
Bạch tuộc nướng
Bạch tuộc tươi ngon được ướp đẫm gia vị rồi đem nướng trên bếp than. Thịt bạch tuộc dai, sực sực, khi nướng quét thêm một lớp tương cay cay ở trên. Ăn kèm với xoài và rau răm chấm đẫm trong chén nước mắm cay mùi ớt.
Tu hài
Tu hài sống trong nước mặn trong môi trường tự nhiên. Thịt tu hài ăn giòn, ngon, có hương vị rất riêng biệt và chúng cũng có thể chế biến đa dạng thành nhiều món ăn hấp dẫn như: tu hài nướng mỡ hành, hấp sả, nấu cháo.
2. CÁC LOẠI BÁNH
Bánh xèo
Bánh xèo với một bột bên ngoài và nhân là tôm, thịt, giá đỗ, được rán màu vàng, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt.
Tuỳ theo từng địa phương mà bánh xèo được thưởng thức với nét đặc trưng riêng. Thường có 2 phong cách: đổ bánh xèo giòn và bánh xèo dai.
Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non. Cầu kỳ nhất là ở các vùng miền Trung Việt Nam, ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua.
Bánh bèo
Bánh bèo được làm từ bột gạo, sau đó được tráng vào những chiếc chén nhỏ hấp chín phần bột. Khi được bày trên khay bưng lên cho khách dùng mới được rắc lên trên phần thịt tôm đã giã nhuyễn xào với hành tỏi, không thể thiếu miếng tóp mỡ giòn tan. Màu trắng của bánh có vẻ tinh khiết cùng với màu hồng tươi rực rỡ của nhân tôm tạo cho khách ăn cảm giác vừa mắt, ngon lành.
Bánh bèo ăn với nước chấm là nước mắm ngon có ớt, tỏi được pha rất khéo khiến người ăn đôi khi có thể húp nước chấm mà không sợ mặn.
Bánh bột lọc
Bánh bột lọc cũng là món ăn dân dã, mang đậm nét ẩm thực Đà Thành rất quen thuộc, luôn thu hút một số lượng lớn thực khách.
Bánh bột lọc rất gần gũi và giản dị như chính con người thân thiện của miền Trung nắng gió này. Được làm từ tinh chất bột của cây sắn, vỏ bánh trong suốt có thể nhìn thấy rõ nhân ở bên trong. Hình bánh được nặn nho nhỏ vừa ăn, dai dai, tạo một cảm giác tuyệt vời cho thực khách.
Bánh bột lọc thường có 2 loại là bánh trần và bánh gói lá chuối. Một loại bánh đều được làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau, tùy theo ý muốn của người chế biến như nhân thịt, tôm, hay đơn giản chỉ là nhân đậu xanh giã nhuyễn. Chính bởi nhân bánh đa dạng như vậy, món bánh này có thể chiều lòng được hầu hết những vị khách. Song, bánh bột lọc ngon và được nhiều thực khách ưa chuộng vẫn là món bánh lọc trần nhân tôm thịt. Bởi khi ra thành phẩm, du khách có thể nhìn thấu được cái bánh trong suốt, bọc quanh con tôm đỏ quạch, cùng lớp dầu phết bóng lộn bên ngoài, trông rất hấp dẫn và luôn gây ra cảm giác thèm ăn cho bất cứ thực khách nào nhìn thấy.
Khi ăn, bánh được xếp ra đĩa, có bày thêm chút hành phi, ớt, tưới thêm chút dầu bóng lộn và thêm ít nước chấm pha chia ngọt và thưởng thức. Cắn ngập răng cả phần vỏ dai dai và nhân bánh đậm đà, du khách sẽ thực sự ngất ngây với đủ vị, ngọt của tôm thịt, nhẹ của dầu phi phụng hòa quyện cùng hành lá, chua ngọt the của ớt…
Với hương vị đậm đà khó quên, bánh bột lọc là một trong những món ngon ở Đà Nẵng, góp phần làm nên nét riêng biệt, độc đáo của ẩm thực nơi đây.
Bánh nậm
Bánh nậm lại được làm từ bột gạo trắng trong, chiếc bánh được gói hình chữ nhật bằng lá chuối xanh, nhân bánh làm từ tôm bằm và thịt ba rọi xào sơ qua với củ hành tím, sau đó quết bột bánh và nhân vào lá dong hấp trong xửng khoảng 20 phút cho bánh mềm. Chiếc bánh nóng hổi lúc bóc ra chính là sự hài hòa từ mùi thơm của lá, vị béo béo từ nhân bánh, từng miếng một mềm tan trong miệng dùng kèm với nước mắm mặn hay ngọt đều ngon tuyệt.
Bánh căn
Cũng là những chiếc bánh nhỏ được làm từ bột gạo, có hình tròn, song, so với bánh cùng loại ở Nha Trang và Đà Lạt thì bánh căn Đà Nẵng có một nét riêng khác biệt từ cách ăn cho đến hình thức. Nếu bánh căn ở Nha Trang và Đà Lạt, khi đổ bánh gần như không dùng đến dầu ăn thì bánh căn Đà Nẵng lại được chiên ngập dầu. Và đây là điểm khác biệt lớn nhất để tạo nên cái riêng của món ăn này tại Đà Nẵng. Điều này giải thích cho việc tại sao bánh căn Đà Nẵng lại giòn rụm, có màu vàng ươm còn bánh căn ở Nha Trang và Đà Lạt thì đặc ruột hơn, mềm chứ không giòn và thường có màu trắng tinh của bột gạo.
Bánh cuốn thịt nướng
Bánh cuốn được làm từ bột gạo nguyên chất, khi tráng xong có màu trắng muốt với phần nhân đi kèm là một ít nấm mèo, thịt nạc vai được băm nhỏ. Bánh bày ra dĩa sẽ được cho thêm ít dăm bông, hành phi nhà làm lên trên cùng để tăng hương vị. Ăn kèm với bánh cuốn gồm có rau sống, đồ chua ngọt, nước mắm tỏi ớt và đặc biệt là xiên thịt nướng.
Bánh Đập
Bánh Đập là món ngon dân dã của người dân ở các tỉnh miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Món ăn đơn giản nhưng lại kích thích vô cùng. Miếng bánh tráng giòn, nướng vàng thơm trải cùng một lớp bánh ướt mỏng thêm chút mỡ hành. Khi ăn, thực khách gập lại làm 4 rồi đập dập chấm cùng mắm nêm cay cay rất hấp dẫn.
Bánh Kẹp
Từng miếng bánh tráng dừa mỏng hình tam giác, phết trứng cút, patê, bò khô và hành lá được nướng trên bếp than đỏ hồng khiến nhiều thực khách nôn nao. Tiết trời lành lạnh, cùng bạn bè tụ họp, tám chuyện và ăn bánh kẹp thật là vừa ngon vừa vui đúng không nào?
Bánh Mì
Không chỉ là một nét ẩm thực Đà Nẵng, bánh mì còn là món ăn tiện lợi và dân dã, đặc biệt là với các bạn học sinh sinh viên. Vào ngày mưa, chiếc bánh mì trở thành món ăn sáng hữu ích và ấm lòng của bao nhiêu thế hệ sinh viên Đà Nẵng cũng như người dân… Có rất nhiều loại bánh mì: mì thịt chả, mì cá bò, mì bò khô, mì heo quay, mì thịt nướng, mì ốp la, mì gà… rất phong phú và hấp dẫn. Đến du lịch Đà Nẵng, hay thăm chơi, bánh mì cũng là một thức ăn rất đặc biệt làm cho du khách nhớ đó!
3. BÁNH CANH
Ở Đà Nẵng, có rất nhiều món bánh canh khác nhau: Bánh canh cá lóc, bánh canh thịt chả, bánh canh cua… Món Bánh canh có thể được nấu từ bột gạo, bột mì, nhưng phổ biến hơn cả là bột lọc (làm từ củ sắn). Sợi bánh canh thường to gần bằng chiếc đũa, dài và dai. Ăn bánh canh phải “vừa ăn, vừa thổi” vì chỉ khi bắt đầu ăn, sợi bánh mới được thả vào nồi nước đang sôi sùng sục, nếu không bánh sẽ nở to, đặc queo.
Và khi nhắc đến ẩm thực Đà Nẵng, không thể nào bỏ qua món “Bánh canh ruộng” nổi tiếng từ bao lớp người dân xa xưa. Từng cọng bánh mềm mại, dai và dài được tạo ra từ những loại gạo ngon nhất. Ăn cùng với đó là những cá chỉ vàng, hoặc cá ngừ được tẩm gia vị rồi nướng vừa phải. Nước dùng bánh canh nóng hổi, sền sệt ăn đậm đà ngọt nhẹ rất là ngon. Vừa no vừa rẻ ngại gì không thử ngay đi?
3. CÁC MÓN BÚN, MÌ
Mì Quảng
Mì Quảng từ bao đời nay được biết đến không chỉ là món ngon Đà Nẵng, mà nó còn mang linh hồn, niềm tự hào to lớn của con dân Đà Thành.
Mì Quảng gồm những sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm. Sợi mì làm bằng bột mì được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ giòn, dai.
Hòa quyện với các sợi mì là các loại nhân như thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ… Sau đó là chan lên một ít nước nhân. Nước nhân rất đặc biệt, không đầy tràn như các món bún phở khác, chỉ xâm xấp nhưng đậm đà thơm cay.
Tô mì nhiều nguyên liệu hấp dẫn và không thể thiếu các loại rau sống tươi ngon như búp chuối thái mỏng, cải con… cùng dĩa ớt xanh, bánh tráng, miếng chanh và chén nước mắm nguyên chất… tất cả tạo nên hương vị đậm đà khó quên
Hiện nay, Mì Quảng cũng có khá nhiều biến tấu như Mì Quảng sườn non, Mì Quảng cá lóc, Mì Quảng lươn, Mì Quảng chả cua, Mì Quảng sứa,…
Bún chả cá
Có thể du khách đã từng thưởng thức qua nhiều tô bún chả cá nhưng khi đến với Đà Nẵng thưởng thức món bún này sẽ làm du khách mê ngay đấy!
Tô bún với các viên chả cá được làm theo những công thức riêng, nước lèo được chế biến từ cá biển ăn cùng với ớt tỏi, hành hương và ớt xanh ngâm giấm đường. Vắt thêm một ít chanh và chút mắm ruốc vào tô bún nóng hổi. Vị chua chua ngọt ngọt cộng với vị cay xé sẽ cho du khách những trải nghiệm thú vị khó tả và không thể nào quên.
Món ăn được sử dụng kèm với rau sống, tuy không cầu kì như rau sống mì Quảng nhưng rau cũng cần phải tươi và đủ loại như xà lách, húng, quế và đặc biệt phải có giá đỗ sống đi kèm.
Bún Bò Huế
Bún bò Huế là một trong những món ăn ngon ở Đà Nẵng, được nhiều thực khách yêu thích. Nếu đã thử một lần, du khách sẽ khó cưỡng lại sức hấp dẫn ngọt ngào bởi hương vị đặc trưng, riêng biệt.
Nổi tiếng không chỉ ở xứ Cố đô, bún bò Huế có sức lan tỏa ra khắp mọi miền đất nước. Bởi món ăn này có vị ngọt ngào của nước dùng, hương thơm nức mùi của sả hòa quyện cùng chân giò béo ngậy.
Để tạo ra một bát bún thơm ngon đúng chất Huế, ngoài thịt bò, giò heo, nước dùng cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng. Nước dùng được ninh từ xương và các nguyên liệu theo bí quyết riêng của mỗi quán.
Đặc biệt, mắm ruốc là thứ hương vị nồng không thể thiếu trong món ngon Đà Nẵng này. Chính vì thế, ít ai có thể từ chối một tô bún nghi ngút khói, với mùi bò ngây ngất xông lên cánh mũi.
Bún mắm nêm
Món ăn đậm bản sắc vùng miền này được gọi là bún mắm nêm, bún mắm Đà Nẵng hay bún mắm miền Trung để phân biệt với bún mắm đặc sản của miền Tây Nam Bộ. Dẫu được biến tấu như thế nào thì “cái hồn” của món ăn dân dã này vẫn chính là nguyên liệu nước mắm nêm. Mắm đựng trong những chiếc vại nhỏ, đến ngày chín có màu đỏ hây. Sau vài công đoạn gạn lọc, đun sôi, thành quả thu được là thứ mắm màu nâu, sền sệt và sực nức mùi thơm đặc trưng từ cá biển.
Khi ăn, người bán sẽ trải một lớp rau sống dưới đáy tô, kế đến là một lớp bún, thịt heo luộc / quay hoặc nem, chả ăn kèm, mít non luộc chín, hành phi vàng giòn, đậu phộng rang, đu đủ bào sợi mỏng và chan mắm nêm đã pha lên trên.
Bún thịt nướng
Món bún thịt nướng trông đơn giản nhưng để được một tô bún ngon, đậm chất thì chẳng phải dễ dàng gì. Khó nhất là công đoạn chế biến thịt nướng. Thông thường chọn mua thịt ba chỉ hoặc thịt nạc. Thịt xắt (thái) mỏng cho vào một tô lớn rồi nêm gia vị gồm sả, tỏi, tiêu, mắm, muối, bột ngọt, dầu, đường, và một ít mè trắng để thịt dậy mùi thơm hơn khi nướng. Sau đó trộn đều thịt để cho ngấm gia vị và xếp thịt ra vỉ. Tuy nhiên, có người thích thịt nướng có vị chua chua thì ép thịt chặt xuống cho mau thấm gia vị, để trong tủ lạnh một đêm, hoặc ướp thịt vào buổi sáng buổi chiều mới nướng. Nướng thịt phải trở tay liên tục, thịt ba chỉ mỡ chảy ra vàng rụm làm miếng thịt trông bắt mắt hơn. Khi thịt vừa chín tới, khói bốc lê nghi ngút mùi thơm lừng ai ngửi được cũng cảm thấy bụng cồn cào.
Bún thịt nướng phải chan với nước tương mới ngon. Tuy là thức nước phụ gia nhưng nếu không có hoặc thay bằng nước chan khác thì không thể ngon miệng được. Cách nấu nước tương cũng đơn giản nhưng không được nôn nóng khi nấu. Hòa nước vào bột mì, nước tương đậu nành, gan heo xay nhuyễn, đậu phộng và mè đập dập, đường, nước mắm, ít muối khuấy đều rồi đun sôi nhưng không được để đặc quánh, cũng không được lỏng quá mà phải sền sệt còn chan được thì mới ngon, mới đậm đà được mùi vị. Bún thịt nướng Đà Nẵng ngon ở điểm đó.
Sau khi hoàn thành các công đoạn, chỉ cần bỏ một ít bún vào tô, thêm rau sống, xếp thịt lên trên và đặt một chén nước lèo bên cạnh thì tô bún cũng đã hấp dẫn thực khách bởi màu sắc và hương vị của nó. Ngoài ra, thêm vài cọng chua ngọt làm từ đu đủ, cà rốt bào giòn thì lại càng thú vị hơn nhiều. Nhiều người cứ ngỡ bún thịt nướng sẽ rất nhanh ngán bởi thịt ba chỉ nướng, nhưng cái béo ngậy của thịt nướng, của đậu, của mè hòa quyện vào mùi thơm của rau, vị mát của bún, cái giòn giòn của đu đủ, cà rốt làm vị béo của thịt cũng trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều.
Bún đậu mắm tôm
Là món ăn đặc sản đậm chất Hà Nội, xong bún đậu mắm tôm lại được xếp vào danh sách các món ăn ngon ở Đà Nẵng khiến nhiều người mê mẩn.
Để làm nên món bún đậu mắm tôm vừa ngon vừa lạ miệng này, đầu bếp cần phải có những nguyên liệu như bún lá, đậu chiên, chả hấp, mắm tôm và đặc biệt là các loại rau sống như dưa leo, tía tô, kinh giới, mắm tôm, ớt, quất…
Khi ăn, bát bún của thực khách sẽ có tất cả các nguyên liệu đó, chan mắm rồi trộn đều. Thực khách sẽ thưởng thức và cảm nhận được từng vị đang lan tỏa ở đầu lưỡi với vị béo của đậu, mùi thơm nồng của mắm tôm và vị cay xè của ớt.
Du khách gắp một miếng bún lá trắng tinh chấm mắm tôm, ăn cùng đậu rán nóng và rau thơm. Mùi thơm ngon của các nguyên liệu quyện vào nhau tạo cho món ăn với hương vị thơm ngon khó quên.
Bún giả cầy
Ngoài những món ăn đặc trưng của vùng miền, ẩm thực Đà Nẵng còn có món ngon mang đậm hương vị xứ Bắc, trong đó phải kể đến món bún giả cầy, luôn chiếm được cảm tình của rất đông thực khách.
Nguyên liệu gồm có giò lợn, bún tươi, sả, riềng mẻ, mắm tôm cùng các gia vị khác. Chân giò được rửa sạch, nướng vàng lớp da bên ngoài, chặt khúc vừa ăn. Riềng sả được băm nhuyễn, trộn lẫn với móng giò cùng các gia vị khác như mắm tôm, mẻ, hạt nêm, muối… Sau đó, để khoảng 2-3 giờ đồng hồ cho thấm vị. Tiếp theo, đặt nồi lên bếp, làm nóng dầu ăn và đổ hỗn hợp móng giò đã ướp vào. Sau đó, đảo đều đến khi săn lại, cho nước xâm xấp thịt và đun sôi. Lúc thịt đủ mềm là được.
Một suất bún giả cầy gồm đĩa bún tươi trắng tinh, một bát chân giò vàng ươm, rắc thêm chút hành lá, rau răm lên trên. Khi ăn, khách chan nước sốt béo đậm đà, thơm mùi riềng sả và thưởng thức những sợi bún béo ngậy. Chắc chắn, đây sẽ là trải nghiệm tuyệt vời khi thưởng thức món ngon ở Đà Nẵng cho bất cứ thực khách nào.
4. CAO LẦU
Cao lầu không phải là một món bún, món mì, cũng chẳng giống món phở chút nào. Món ăn này được xem là một món trộn, chỉ xuất hiện ở Hội An, Đà Nẵng và Huế.
Cái tên “cao lầu” luôn là một dấu hỏi cho những khách du lịch xa gần mỗi khi trải nghiệm nét cổ kính của phố Hội. Cao lầu không phải có xuất xứ từ đất Hoa, cũng chẳng phải của Nhật. Có thể nói đây là món ăn được tổng hợp của nhiều dân tộc, cái tên lạ tai này có lẽ bắt nguồn từ tiếng Hoa, chỉ những món “cao lương mĩ vị”. Những người giàu có xưa khi đi đến các tiệm ăn thường ngồi trên lầu, món cao lương mĩ vị này quen được xướng mang “lên lầu”, dần quen rút lại chỉ còn “cao lầu”.
Dù có một vài nét tương đồng với mì quảng, cao lầu lại là một món ăn được chế biến công phu hơn rất nhiều. Để sợi mì được vàng và ngon, ta phải dùng loại tro nấu từ Cù Lao Chàm ngâm gạo thì mới tạo được độ giòn, dẻo khô đặc trưng. Nước xay gạo phải là nước giếng Bá Lễ, một giếng nước rất nổi tiếng về độ không phèn, nước mát lạnh. Để điểm thêm cho món ăn, người ta cũng thường thêm một ít da heo hoặc cao lầu khô thái vuông đã chiên giòn.
Sợi cao lầu có màu vàng gạo lứt hoặc được nhuộm vàng. Cao lầu không cần nước lèo, nhưng thay vào là thịt xíu, nước xíu, tép mỡ. Để làm thịt xíu người ta chọn thịt đùi heo nạc, ướp gia vị và ngũ vị hương. Còn tép mỡ cũng là một nguyên liệu phụ khác lạ, trước làm bằng da heo chiên giòn, nay thay bằng bột làm sợi cao lầu. Ngoài ra, để cho món cao lầu thêm hương vị thơm cũng hơi giống món mì quảng, người ta còn thêm đậu phộng rang giã nhỏ. Các món này đặt trên sợi cao lầu. Nước xốt khi làm xá xíu rưới lên, ai thích ăn đậm đà một chút thì thêm một chút nước mắm.
5. TRÉ
Nhiều người bảo Tré trông rất giống các loại nem như nem chua, nem thính, nem nướng ở Thanh Hóa. Nhưng ai ăn Tré rồi thì biết. Tré có mùi vị khác biệt và đặc trưng không lẫn vào đâu được so với những loại nem ấy. Cũng từ thịt heo, da heo gói trong màu xanh lá chuối, Tré được tỉ mẩn ướp thêm những phụ liệu riêng để món ăn trở nên đậm đà hương vị.
Làm Tré không quá cầu kì, đơn giản là thịt, là tai heo được rửa sạch, luộc lên rồi thái chỉ. Sau đó nêm nếm các loại gia vị, phụ liệu khác rồi trộn đều. Từng phần Tré được gói lại, bọc lá chuối, bọc giấy rồi ủ từ 2-3 ngày. Tré cất tủ lạnh có thể bảo quản khoảng nửa tháng nhưng nên ăn khi vừa tới. Tré vừa thơm, vừa ngon lại vừa đảm bảo chất lượng.
Thưởng thức Tré là người ta thưởng thức từ hương cho tới vị, thưởng thức cái sự ngon lành, giòn rụm của tai heo, thịt heo. Hòa vào đó là vị cay nồng của ớt, của riềng, của tỏi. Cách ăn Tré khá đơn giản, không cầu kì nhưng người ta cảm nhận rõ được sự trân trọng đối với món ăn của người Đà Nẵng.
Khi ăn Tré, người ta cho một ít đồ chua như đu đủ, cà rốt, củ kiệu muối vào trong đĩa. Sau đó bóc vỏ Tré cho vào xếp xen kẽ nem, chả, ớt, đậu phộng rang, tỏi và rau húng… Gắp từng miếng Tré lên ăn hay cuộn đầy đủ nguyên liệu trong rau sống lá rau sống ta đều cảm nhận được hương vị đậm đà. Ăn đến đâu, ta thấy ngấm đến đó.
Ăn Tré, người ta thường ăn kèm với tương ớt. Tương ớt có đủ vị thơm cay của ớt, của tỏi, ngọt của đường. Vốn dĩ, loại tương ớt này là sản phẩm của người Hoa ở Hội An từ thế kỷ 17 nhưng nó hòa vị với Tré đến nỗi mà người Đà Nẵng đã cất công học công thức về để bán ăn kèm với Tré. Đảm bảo cho người thưởng thức được hưởng cái hương vị tròn đầy, viên mãn nhất của loại đặc sản này.
6. NEM LỤI
Nem lụi là một món ăn ngon trong “khu vườn ẩm thực Đà Nẵng”. Nem lụi đem đến hương vị quyến rũ đầy mê hoặc bởi mùi thơm của thịt, hương thơm đặc trưng của các loại gia vị, kết hợp cùng nước chấm thơm ngon sánh mịn.
Nguyên liệu chế biến món nem lụi là từ thịt nạc heo xay nhỏ nhuyễn thành dạng giò sống, có trộn bì heo luộc thái thật mỏng cùng gia vị, quết cho hỗn hợp trộn đều. Để làm nên đặc biệt cho món nem này, người đầu bếp có cho thêm ít bột mì tinh vào hỗn hợp thịt. Sau đó cuộn tròn như tăm bông trên que, tẩm thêm chút gia vị cho vừa ăn.
Khi ăn nem lụi thường dùng kèm rau thơm, rau xà lách, chuối chát, khế chua. Điều đặc biệt cho món nem lụi Đà Nẵng khác những vùng miền khác là hương vị nước chấm. Nước chấm được pha từ tương đậu nành loại ngon xay nhuyễn trộn thêm vào hỗn hợp nước chấm một chút bột năng làm nên độ sánh của nước chấm. Chắc chắc chỉ cần thử miếng thôi, du khách sẽ nghiền món ăn này ngay lập tức, nhất là những lúc tiết trời sang đông se se lạnh.
7. BÁNH TRÁNG CUỐN THỊT HEO
Nổi tiếng không kém so với các món ăn trên, bánh tráng thịt heo cũng là một trong những món ngon khiến thực khách phải dành nhiều lời khen nức nở.
Điều ấn tượng nhất khi thưởng thức món ăn này là ở những miếng thịt heo. Thịt heo được chọn làm nguyên luyện thường là thịt mông hoặc thịt vai, sau khi luộc (hoặc hấp) vừa chín tới thì cắt thành lát mỏng và to.
Những miếng thịt được cuốn gọn trong chiếc bánh tráng, nhớ thêm cả các loại rau sống gồm mùi thơm, tía tô, xà lách, diếp cá… và củ quả thái lát như dứa, xoài, chuối xanh, dưa chuột, giá đỗ… Sau đó sẽ chấm cùng nước chấm mắm đậm đà, ăn một miếng rồi lại thêm nữa, cứ như vậy rồi nghiền lúc nào chẳng biết.
8. BÊ THUI CẦU MỐNG
Đĩa bê thui Cầu Mống hồng tươi chấm cùng với mắm nêm đặc trưng chắc chắn là món ngon Đà Nẵng khó cưỡng lại với dân sành ăn. Trải miếng bánh tráng Đại Lộc lên đĩa, cuốn hai ba lát thịt bê tươi cùng xoài chua và rau sống chấm với mắm nêm. Một cuốn to đầy ụ, với các hương vị thơm ngon của chua, cay, ngọt, mặn “nhảy múa” trong miệng. Ôi sao mà thích quá thế này!
9. GỎI CÁ NAM Ô
Nằm trong top những món ăn phải thử khi đến Đà Nẵng – “Gỏi cá Nam Ô” đã làm bao lữ khách phải say mê ngay lần đầu thưởng thức. Gỏi cá Nam Ô thường được làm từ cá mòi, cá tớp, cá cơm… Ngon và thích hợp nhất là cá trích, vì cá này thịt có vị ngọt, săn chắc. Cá trích sống gần bờ được các ngư dân đánh bắt quanh năm nên còn là nguồn nguyên liệu dồi dào cho món gỏi. Cá trích cỡ lớn hơn ngón tay, cắt đầu, đuôi, bụng, bỏ xương, tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và “thính”.
Món gỏi cá có 2 loại là gỏi cá khô và gỏi cá ướt, thực khách có thể lựa chọn thưởng thức theo sở thích của mình.
Cách thưởng thức gỏi cá ngon đúng điệu là thực khách sẽ cho cá và rau rừng vào trong bánh tráng sau đó cuốn lại và chấm vào chén nước mắm được pha riêng. Lúc cho vào miệng thưởng thức thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt cá, vị hơi đắng của rau rừng và tí mặn mà từ nước chấm. Chỉ cần thưởng thức một phần thôi là đã đủ “ấm bụng” rồi đấy!
10. BÒ NÉ
Đây là món ăn nóng kèm bánh mì, 2-3 miếng thịt bò to bằng 3 ngón tay, một cục thịt bò băm trộn gia vị (xíu mại) cuốn mỡ chài, một quả trứng ốp la nguyên lòng đỏ và trên hết là mấy cọng hành lá có chân, cành ngò rí, vài lát hành tây xắt tất cả được làm chín trong chiếc chảo gang vô cùng giữ nhiệt.
11. CƠM GÀ
Món ăn phải thử khi đến Đà Nẵng không thể nào thiếu tên món Cơm gà được. Một phần cơm gà gồm có cơm trắng hoặc cơm rang cùng với thịt gà được xé lát mỏng trộn cùng với rau hoặc đùi gà được chiên vàng giòn. Khi thưởng thức, du khách sẽ cảm nhận được hương vị thịt gà vừa ngọt lại hơi dai dai, sau một ngày dạo chơi thưởng thức món cơm gà là đúng chuẩn đấy!
12. PHÁ LẤU
Khi nghe đến cái tên “Phá Lấu” nhiều người có khi thấy lạ. Nếu du khách chưa biết món ngon này thì phải thử ngay thôi khi có dịp du lịch Đà Nẵng. Những miếng lòng bò thơm ngon cùng các loại rau xanh bắt mắt khiến dân ăn vặt mê mẫn. Chan thêm chút nước mắm chua ngọt cay cay vào, cùng tí hành phi ăn vừa dai giòn lại đậm đà thật đã!
13. MÍT TRỘN
Đây là một trong những món ăn vặt ngon ở Đà Nẵng. Nguyên liệu của món ăn là những lát mít nhỏ đã được luộc lên, trộn với da lợn và các loại rau như hung quế, đủ đủ bào, rau thơm… nếu cầu kì hơn có thể cho cả tôm vào nữa rồi cho thêm ít dầu, vài thìa nước mắm ớt, đậu phộng rang giã nhỏ rồi trộn đều chúng lên là đã có một đĩa mít trộn ngon lành.
Khi ăn thưởng thức cùng bánh tráng nướng càng thêm thú vị, hấp dẫn. Dù đã cay đến toát mồ hôi nhưng thực khách vẫn thèm thuồng muốn ăn tiếp.
14. RAM CUỐN CẢI
Lại thêm một món ngon Đà Nẵng cho du khách lựa chọn thưởng thức nữa đây. Ram cuốn cải là món ăn vặt rất được ưa thích với các bạn trẻ. Từng chiếc ram giòn, ú nụ vàng ươm cuốn cùng rau cải cay chấm nước chấm đậm đà cay cay. Chính nhờ vị đắng nhẹ của cải khiến món ram này ăn mãi không ngán, chỉ thèm thuồng thêm thôi!
15. CÁC LOẠI CHÈ
Chè xoa xoa
Trong thời tiết nắng nóng khi tới du lịch Đà Nẵng, một cốc chè xoa xoa hạt lựu đúng điệu Đà Nẵng không chỉ thơm ngon, giải khát mà còn rất tốt cho sức khỏe.
Chè được chế biến từ các nguyên liệu: xoa xoa, hạt lựu, thạch đen, thêm một chút đậu xanh và nước cốt dừa là hoàn thiện. Khi ăn cho thật nhiều đá trộn đều, du khách sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngọt và dai dai sật sật thú vị.
Chè Thái
Ly Chè Thái có màu sắc bắt mắt, vị ngọt thanh mát, hương thơm dễ chịu với nhiều nguyên liệu như: mít, thạch, sầu riêng, nhãn,… làm nên vị ngọt, béo, thơm mùi sầu riêng đặc trưng của nước chè. Quán chè Liên nổi tiếng nhất với món này.
Chè thập cẩm
Món chè này được tổng hợp từ nhiều loại đậu khác nhau, có đậu đỏ, đậu đen, nước dừa, đậu phộng, đôi khi có kèm theo dừa sợi thái nhỏ, ăn bùi bùi.
Chè chuối nướng
Chè chuối nướng rất thích hợp cho những ngày se lạnh, ngồi cùng bạn bè thưởng thức dĩa chè chuối nướng nóng nóng, thơm thơm của chuối quyện với nước dừa cùng vị bùi của đậu phộng khiến món chè luôn được thực khách yêu thích mỗi khi đến Đà Nẵng.
16. ĐẶC SẢN LÀM QUÀ
Nước mắm Nam Ô
Từ lâu nước mắm Nam Ô đã có tiếng tăm trên thị trường trong và ngoài nước. Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu mắm Nam Ô, có lẽ chính là nằm ở công thức chế biến. Mắm Nam Ô được chế biến từ cá cơm than, đánh bắt vào tháng ba âm lịch (vì có độ đạm rất cao), lựa con vừa phải, và không rửa bằng nước ngọt sẽ làm cá mất ngon, để lâu sẽ bị thối.
Hải sản khô
Với nguồn hải sản tươi sống dồi dào, Đà Nẵng cũng là thiên đường của những món hải sản khô nổi tiếng. Du khách đến với Đà Nẵng sẽ tìm thấy các loại hải sản khô tại các khu chợ ẩm thực, các siêu thị đặc sản và các khu bán hải sản khô trong các chợ nổi tiếng như chợ Cồn, chợ Hàn…
Chả bò
Theo nhiều ý kiến, món chả bò của Đà Nẵng nhiều khả năng xuất hiện từ thời Pháp. Bởi người Pháp có thói quen uống sữa, ăn xúc xích, ăn bò bít-tết… Họ buộc phải tìm ra giải pháp để nuôi bò đáp ứng nhu cầu và nhanh chóng nhận ra một số vùng tương đối ấm áp và nắng nhiều ở miền Trung nuôi bò cho chất lượng thịt ngon, chả bò có nguồn nguyên liệu dồi dào từ đó.
Để chả bò ngon, phải chọn thịt bò đùi (loại 1) lọc bỏ hết gân, xay nhuyễn, được ướp với hành, tỏi, tiêu, nước mắm nguyên chất, chất lượng và không được trộn bất kỳ loại thịt, cũng như phụ gia khác. Khi đó, chả bò mới có mùi thơm đặc trưng của thịt bò tươi, của tiêu, hành, tỏi, có vị ngọt dịu, giòn dai, không béo ngậy. “Đặc biệt, để có những đòn chả ngon, từ khâu lọc thịt, xay thịt, trộn gia vị, gói chả đến khi chả luộc xong không nên quá 2 giờ đồng hồ.
Mực một nắng
Mực một nắng là món đặc sản làm quà mà hầu hết các vùng biển trên cả nước đều có, trong đó có Đà Nẵng. Mực được đem đi rửa sạch để giảm bớt nước biển trong con mực, sau đó sẽ đem ra phơi nắng. Phải chọn nơi nhiều ánh nắng, nắng to để mực được ngon hơn. Điều quan trọng ở đây là mực chỉ phơi một nắng, không phơi nhiều lần.
Bánh khô mè
Bánh khô mè người dân địa phương hay gọi bằng “bánh khô khổ” hay “bánh 7 lửa”. Bánh phải trải qua lửa 7 công đoạn để tạo nên một mẻ bánh thành phẩm: hấp bánh, rang mè, thắn đường, nướng bánh 4 lần cho đến khô hẳn. Cái tên của bánh cũng đủ khắc họa sự vất vả của những người thợ thủ công khi làm ra nó. Mỗi chiếc bánh đó là thành quả của sự sáng tạo, của nét đẹp lao động.
Khó mà có thể kìm lòng với những món ngon Đà Nẵng trên phải không du khách? Nếu đã đến thành phố trẻ này, nhất định phải hết những món ngon này nhé! Chúc du khách có một chuyến du lịch Đà Nẵng thật vui và trải nghiệm được nhiều món ăn ngon.
0 Comment