Quy Nhơn là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam với nhiều biển đảo và di tích lịch sử. Điểm đến này chưa bao giờ ngừng hot đối với những “tín đồ” thích trải nghiệm và khám phá. Cùng Airbooking điểm danh top 20 địa điểm tham quan nổi tiếng ở Quy Nhơn nhất định phải ghé nhé!
1. Eo Gió
Nằm ở phía Đông bán đảo Phương Mai, án ngữ bởi thành phố Quy Nhơn với dãy núi đá chạy dài ven biển và một số đỉnh núi cao như núi Đen, Hòn Mai, Hòn Yến, Hòn Chóp Vùng cao nhất khoảng 200-300 và ở nơi xa nhất của vòng cung chính là địa danh Eo Gió. Ngay từ trên cung đường đến với Eo Gió, du khách sẽ được chiêm ngưỡng phần cảnh thiên nhiên kì vĩ qua những hàng phi lao dọc hai bên con đường nhựa trải dài, xa xa là những dãy núi hùng vĩ, sừng sững giữa không gian biển xanh, cát trắng đẹp tuyệt diệu.
Đi đến gần, Eo Gió như một eo biển nhỏ được bao bọc che chắn bởi những rặng núi đá cao duyên dáng uốn lượn “ôm trọn” lấy bãi biển. Không thua kém bất kì bãi biển nào của miền Trung, Eo Gió sở hữu làn nước trong xanh bên bờ cát vàng rực óng ánh, những con sóng rì rào, ào ào vỗ vào những bờ đá gập ghềnh, toả bọt trắng xóa mát lạnh. Dưới làn nước xanh trong vắt là những đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội giữa những rặng san hô tuyệt đẹp đầy màu sắc.
Dưới chân núi là bãi đá Đẻ với những con đường gập ghềnh muôn vàn bãi đá phủ được bào mòn từ nước biển qua năm tháng. Những viên đá ở đây có nhiều kích thước và hình dạng kì thú, tạo nên một tuyệt tác của đá và nước vô cùng độc đáo.
2. Tịnh Xá Ngọc Hòa
Tịnh xá Ngọc Hòa nằm ở xã Nhơn Lý, sát cạnh danh thắng Eo Gió nổi tiếng – nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam. Tịnh Xá Ngọc Hòa được khởi công xây dựng bởi cố Đức Thầy Thích Giác An từ năm 1960 và chính thức thành lập vào tháng 5/1962. Trải qua quá trình biến động lịch sử, Tịnh Xá cũng được trụ trì các đời tu sửa khang trang, rộng rãi hơn nhưng vẫn giữ được nét đẹp tâm linh Phật giáo nơi đây.
Điều đầu tiên mà Tịnh xá Ngọc Hòa gây ấn tượng với du khách đó là Chánh điện với thiết kế vừa cổ kính vừa hiện đại. Hình thù giống chiếc chìa khóa nằm theo hướng Bắc – Nam. Trung tâm hình bát giác là nơi thờ tự Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng), mặt trước là cổng tam quan truyền thống hệ phái Khất sĩ.
Bức tượng Phật đôi Quan Thế Âm được xem là kiến trúc nổi bật nhất của Tịnh Xá Ngọc Hòa. Tượng Phật đôi cao đến 30m gồm hai tượng phật Bà Quan Thế Âm, một tượng hướng về phía Nam (Cổng chính Tịnh Xá) còn được gọi là Quan Thế Âm Kiết Tường phù trợ cho rừng vàng. Còn bức tượng còn lại là Quan Thế Âm Nam Hải hướng ra biển được người dân xem là phù trợ cho biển bạc. Được biết tượng Phật đôi được xây bằng đá tổ ong. Phía bên trong của tượng có thể đặt được 8.000 tro cốt. Ngoài ra, bên trong tượng còn lưu giữ khoảng 2.000 tượng Quan Thế Âm cỡ nhỏ nhiều màu sắc và kèm thông tin về quá trình hình thành nhằm mục đích lưu lại những nét đặc trưng cũng như nhắc nhở các hậu bối về lịch sử của tượng Phật đôi nói riêng và Tịnh Xá nói chung.
Ngoài Chánh Điện và tượng Phật đôi Quan Thế Âm còn có các công trình khác đã và đang thi công như dãy Nhà Tăng, Nhà Khách, cột đá khắc kinh Phật, bức tường nghệ thuật phật giáo… Xung quanh và khuôn viên Tịnh Xá cũng bày trí nhiều cây cảnh, cây cổ thụ như bang, xoài, mận, sanh, sứ… làm tôn thêm vẻ uy nghi của Tịnh Xá.
3. Chùa Phật Lồi
Chùa Phật Lồi có tên chữ là Linh Sơn cổ tự. Chùa được xây dựng vào năm 1913, tọa lạc ở làng chài Hải Giang (nay đã dời về khu tái định cư Nhơn Phước, xã Nhơn Hội, Quy Nhơn). Đây là ngôi chùa nhỏ nhưng có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh của người dân Hải Giang. Đặc biệt, chùa nổi tiếng khắp tỉnh với pho tượng Chăm được thờ tại chùa.
Tên Phật Lồi của chùa gắn liền với pho tượng này. Tương truyền, xưa kia, trong lúc cày ruộng, một người dân Hải Giang nhìn thấy một pho tượng từ lòng đất trồi lên. Sau đó, dân làng đã lập chùa để thờ pho tượng này. Chùa được đặt tên là Phật Lồi vì gắn với sự kiện tượng Phật lồi lên từ lòng đất.
Được người dân xem là tượng Phật nhưng thực ra, tượng được thờ trong Linh Sơn cổ tự là một pho tượng Chăm. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, đây là pho tượng thờ thần Siva, có niên đại thế kỷ 15, được tạc bằng đá sa thạch. Tượng cao 0,82m, rộng 0,46m, được thể hiện dưới dạng thần Siva đang ngồi trong tư thế thiền, tay trái đặt ngửa giữa hai chân, tay phải lần tràng hạt, gương mặt trầm tư. Đây là tượng độc bản, có hình thức khác hẳn với các tượng thần Siva khác từng được phát hiện ở Bình Định. Đặc biệt, tượng được gắn chặt với tấm bia đá sau lưng, trên bia khắc 12 dòng chữ Chăm cổ từng là bí ẩn trong một thời gian dài. Tượng Phật Lồi tại chùa Linh Sơn là một trong những hiện vật Chăm Pa tiêu biểu tại Bình Định hiện nay.
Liên quan tới tượng Phật Lồi, người dân Hải Giang còn lưu truyền nhiều giai thoại ly kỳ. Chẳng hạn, trước đây, có hai ngư dân của làng đang kéo lưới chẳng may trượt chân ngã xuống biển. Dân làng tìm kiếm hai ngày nhưng không thấy. Sau đó, gia đình đến chùa cầu xin Phật Lồi phù hộ thì thấy hai người đánh cá còn sống đang trôi trên chiếc phao cách nơi bị nạn 2 km. Hoặc như chuyện năm 1945, sau khi Nhật thua trận phải rút về nước, một viên sĩ quan Nhật nghe đồn tượng Phật Lồi là đồng đen quý hiếm nên dẫn một toán lính đến cướp tượng nhưng khiêng không nổi nên phải từ bỏ ý định. Hắn ta tức giận rút kiếm chém tượng, vết chém vẫn còn đến ngày nay. Đối với người dân Hải Giang, tượng Phật Lồi là linh hồn của chùa Linh Sơn, là điểm đến tâm linh để người dân nơi đây cầu mong yên bình, biển yên gió lặng…
Hiện nay, chùa Phật Lồi đã được xây mới khang trang hơn. Về Quy Nhơn, đến làng chài Hải Giang, du khách không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ vĩ, nên thơ của Eo Gió, Kỳ Co, thưởng thức hải sản tươi sống, mà còn được trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc của người dân miền biển. Đến thăm chùa Linh Sơn, nghe người dân Hải Giang kể chuyện tượng Phật Lồi phù hộ dân lành, trừng trị kẻ tham ác… chắc chắn sẽ khiến hành trình khám phá phố biển Quy Nhơn của du khách thêm thú vị.
4. Chùa Long Khánh
Chùa Long Khánh là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất tại thành phố biển Quy Nhơn chứng kiến những thăng trầm của lịch sử và trải qua rất nhiều lần trùng tu để có được hiện trạng như ngày hôm nay.
Theo các tài liệu lịch sử, chùa có từ năm Ất Mùi (1715) do Thiền sư Đức Sơn xây dựng. Đến nay, chùa Long Khánh đã có tuổi đời trên 300 năm với 14 đời sư trụ trì.
Chùa Long Khánh nằm trong một khuôn viên rộng rãi với kiến trúc và cách bài trí trang nghiêm, thanh thoát. Nhìn từ trên cao, chùa được xây dựng theo kiến trúc hình chữ “khẩu” (trông như hình vuông) với hai khu vực chính là thượng điện và hậu điện, hai bên là hai dãy Đông phòng và Tây phòng dành riêng cho tăng ni, phật tử. Trong chánh điện của chùa có tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao 2m được đúc vào năm 1960. Trước sân chùa là tượng Phật Di Đà cao 17m đứng trên tòa sen, đúc năm 1972. Tam quan của chùa được xây bằng đá xanh, lợp ngói âm dương, chính giữa có cổ lầu đặt tượng Bạch y Quán Thế Âm. Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như chiếc khánh đồng dùng để khai hiệu lệnh dài 75cm, cao 25,5cm, được đúc vào thời điểm khánh thành chùa; Thái Bình hồng chung (chuông Thái Bình) và tấm dấu biểu trưng Long Khánh tự được tạo vào năm 1805 thời Gia Long.
Trải qua hàng trăm năm với nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử, chùa Long Khánh đã được trùng tu nhiều lần dưới thời các thiền sư Tịch, Thiên Chánh, Chính Nguyên, Chánh Nhơn. Do đó, kiến trúc của chùa đã thay đổi khá nhiều. Tuy nhiên, với bề dày lịch sử cùng nhiều hiện vật có giá trị, chùa Long Khánh được xem là nơi lưu giữ những chứng tích lịch sử – văn hóa quan trọng đối với Phật giáo Quy Nhơn nói chung, Bình Định nói riêng.
Hằng năm, mỗi dịp hè chùa Long Khánh thường tổ chức những khóa tu để hàng ngàn người đặc biệt là các bạn trẻ có những trải nghiệm mới mẻ và ý nghĩa để tâm hồn được tĩnh lặng và hiểu hơn về ý nghĩa của cuộc sống.
5. Chùa Sơn Long
Chùa Sơn Long mà người dân địa phương quen gọi là chùa Hang đã được thành lập hơn 300 năm. Chùa Sơn Long nguyên là Giang Long Thiền Thất, tọa lạc trên sườn núi Trường Úc.
Thoắt nhìn, du khách sẽ gặp một ngôi chùa cổ nép mình bên núi Trường Úc, cổng tam quan khiêm nhường hòa mình cùng hàng rào cây lá xanh mướt xưa kia nay đã lùi vào trong, nhường chỗ cho đôi cổng mới được thiết kế quy mô và hiện đại hơn nhưng ngôi chùa vẫn giữ được những nét rêu phong, cổ kính ban sơ của nó. Kiến trúc chùa đã có nhiều thay đổi nhưng khuôn viên chùa vẫn giữ như cũ.
Mặt tiền hình cánh cung niễng, mặt hậu đất đá lồi lõm sát vách núi. Chính vẻ mộc mạc, hoang sơ của khuôn viên chùa đã phần nào tạo nên vẻ u huyền cổ kính cho chùa. Tương truyền, dưới chân núi phía sau chùa, xưa kia có một tảng đá rất lớn trông như miệng rồng có hàm trên, hàm dưới với một cái lưỡi nhỏ đưa ra ở chính giữa. Vào những tiết hạn hán, các cụ tiên chỉ trong vùng thường đến đây ăn chay, đạp đất để cầu mưa thuận, gió hòa. Tảng đá đó có tên gọi đá Hàm Long, nay không còn nữa vì nạn chẻ đá.
Trong chùa có 15 ngôi mộ tháp lớn nhỏ, có những ngôi mộ vẫn còn giữ nét rêu phong, cũ kỹ của mấy trăm năm về trước, có mộ tháp đã được trùng tu khang trang hơn.
Năm 1992, chùa Sơn Long đã cho xây dựng thêm tượng Bồ Tát Quan Âm ở hướng Tây. Năm 1996, xây tượng Thích Ca Mâu Ni tọa thiền phía Tây Bắc đã mang lại sắc khí mới cho chùa. Đến Sơn Long, du khách còn được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Lồi 7 đầu rồng bằng đá nặng 1,5 tấn, cao 3,1m với chạm khắc hoa văn sau lưng. Bức tượng được xác định của người Chăm Pa tạc từ thế kỷ thứ VIII. Dù dáng vẻ còn khiêm tốn nhưng Sơn Long vẫn dập dìu khách phương xa đến thăm thú, lễ bái, vãn cảnh… đặc biệt là trong những dịp đầu năm mới.
6. Đồi cát Phương Mai
Đồi cát Phương Mai nằm cạnh bãi biển Nhơn Lý, thuộc bán đảo Phương Mai và cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20km.
Đồi cát Phương Mai có độ cao từ 20-30m, có nơi lên đến 100m so với mực nước biển. Đồi trải rộng trên diện tích rộng lớn với địa hình thoai thoải, uốn cong. Một điểm rất đặc biệt đó là từ độ cao này, du khách có thể phóng tầm mắt ra toàn cảnh bán đảo Phương mai, khu kinh tế Nhơn Hội, đầm Thị Nại và gần như cả thành phố Quy Nhơn.
Mỗi ngày hình dạng vân cát tại đồi cát Phương Mai sẽ thay đổi phụ thuộc vào gió biển Nhơn Lý. Nơi này hút khách bởi những trải nghiệm tự nhiên như hòa mình vào làn gió biển mát rượi, khung cảnh biển tươi đẹp và hàng dương từ trên cao, đồi cát trải dài hút mắt.
Đến với đồi cát Phương Mai, du khách có thể nghịch cát, tạo dáng cùng đồi cát, chụp những shoot hình nghệ thuật và lưu giữ những bộ tấm ảnh kỷ niệm đẹp nhất. Ngoài ra cũng có nhiều trò chơi cảm giác mạnh được cung cấp đến khách du lịch như trò Trượt cát. Với địa hình dốc của đồi cát lên đến 100m, tốc độ trượt cát ở đây có thể lên đến 40km/h và đây gần như là tốc độ trượt nhanh nhất ở các đồi cát Việt Nam hiện nay. Sau khi trượt cát xong, du khách có thể chọn đến Eo Gió cạnh đó ngắm biển, câu cá để chuyến du lịch Quy Nhơn thêm thú vị.
7. Đảo Kỳ Co
Kỳ Co nằm dưới chân núi Phương Mai, thuộc xã đảo Nhơn Lý, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn tầm 20km. Là điểm đến chưa hề được khai thác du lịch nhưng cũng chính nhờ thế mà Kỳ Co vẫn giữ được vẻ đẹp tinh khôi. Với khí hậu trong lành, phong cảnh đẹp, những người dân địa phương luôn thân thiện, hiếu khách, Kỳ Co là lựa chọn lý tưởng để du khách có những trải nghiệm tuyệt vời:
Khi du khách đặt chân lên đảo sẽ hiện ra trước mắt là một bãi cát trắng phau trải dài dưới núi đá cao sừng sững. Những hòn đá với nhiều hình dáng và kích thước khác nhau trải dài vô tận, những vách đá cheo leo vươn thẳng ra biển tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ.
Nước biển ở đây có hai màu rõ rệt, ở gần bờ là màu xanh lam trong vắt, có thể nhìn thấy tận đáy, đi dần ra xa nước biển có màu xanh đậm như dải lụa nhấp nhô quyến rũ vô cùng. Du khách có thể thả mình vào làn nước mát, vui đùa với từng con sóng hoặc ngâm mình trong những hồ nước tự nhiên ngay sát bãi biển do nước biển đánh vào những vách đá lõm tạo thành.
Nơi đây có hai mỏm đá mọc lên từ giữa biển tạo nên một cảnh tượng kỳ lạ của tạo hóa khiến du khách gần xa không khỏi ngỡ ngàng. Chính nó đã tạo nên một eo biển nhỏ lặng sóng để chiêu đãi những du khách thập phương ghé thăm.
Lẳng lặng liếc mắt xuống đáy biển, du khách sẽ được ngắm nhìn đàn cá nhỏ xíu tung tăng bơi lội. Đắm mình dưới làn nước mát hay nằm dài trên cát mà ngắm nhìn khung cảnh non nước hữu tình ngay trước mắt, du khách sẽ cảm tưởng có thể với tay mà ôm trọn cả bầu trời.
8. Đảo Hòn Khô
Được mệnh danh là “Maldives của Việt Nam”, Hòn Khô chắc chắn là một điểm đến tuyệt đẹp mà du khách không nên bỏ qua khi đi du lịch Quy Nhơn.
Đảo Hòn Khô, hay còn được biết đến như Cù lao Hòn Khô, nằm trong quần thể 32 hòn đảo gần bờ của tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 19km. Hòn Khô xinh đẹp, bình yên, mềm mại chứ không hề khô khan như cái tên của mình. Điểm nổi bật lớn nhất của hòn đảo này có lẽ là chất hoang sơ xinh đẹp còn được bảo tồn cho đến tận bây giờ, gần như không có sự can thiệp của con người. Không những vậy, hòn đảo này còn có rất nhiều đá, đá nằm rải rác khắp đảo với nhiều hình thù, kích cỡ khác nhau.
Hòn Khô yên bình, hoang sơ, bởi thế mà khi đến đây du khách có thể cảm nhận được sự tự do, phóng khoáng, bình dị. Xung quanh đảo không có nhiều cây cao bóng mát, mà chỉ có những bụi cỏ xanh xen lẫn những tảng đá tạo nên khung cảnh hoang dại rất đặc biệt. Điều gây ấn tượng nhất của Hòn Khô chính là con đường trên biển tuyệt đẹp. Khi thuỷ triều rút, một gành đá xen lẫn bãi cát dần lộ ra tạo nên con đường biển dài hơn 500m dẫn từ làng chài Nhơn Hải ra tới đảo cực phẩm. Đây là con đường biển độc nhất vô nhị tưởng chỉ có trong truyện cổ tích mà không nơi đâu có được. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể thấy được con đường biển bí ẩn này do mực nước lên xuống tuỳ theo từng mùa.
Cây cầu gỗ vòng theo đường eo biển cũng là địa điểm được rất nhiều các bạn trẻ yêu thích. Đứng trên cầu có thể nhìn thấy biển xanh ngời ngợi vô cùng ấn tượng. Một bên là núi đá hùng vĩ,một bên là biển xanh thơ mộng tạo nên khung cảnh non nước hữu tình đẹp đến không thể quên được.
9. Đảo Hòn Sẹo
Hòn Sẹo tọa lạc gần địa phận thôn Lý Chánh, thuộc bán đảo Phương Mai, xã Nhơn Lý, cách dãy núi Cám hơn 3km, cách bờ khoảng 6km, đồng thời cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 15km về phía Đông Bắc.
Đây cũng là một trong hai đảo cao nhất ở đảo Nghiêm Kinh Chiểu với gần 90m so với mặt nước biển và được bình chọn là một trong 32 hòn đảo đẹp nhất của tỉnh Bình Định bởi vẻ hoang sơ, trong lành hiếm có.
Không phải những bãi cát vàng trải dài hay hàng dừa xanh đung đưa trong gió, điều làm nên “thương hiệu” của hòn Sẹo chính là những khối đá lớn nhỏ muôn hình vạn trạng, từ xa trông lại lúc thì như một đầu rồng đang nhìn về phía Đông Nam, lúc lại như một con thuyền khổng lồ đang tiến vào bờ, cực kỳ thú vị và bắt mắt.
Đặc biệt, hòn đảo này không có cư dân sinh sống, cũng không có nhiều khách du lịch ghé thăm như Hòn Khô hay Kỳ Co, Eo Gió… nên vẫn có nguyên dáng vẻ nguyên sơ mà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng với những ghềnh đá và cây dại mọc khắp nơi.
Nếu cần dùng một từ để miêu tả Hòn Sẹo, ta hoàn toàn có thể chọn từ “sạch”. Nước biển xanh ngắt và trong veo có thể nhìn thấy tận đáy làm cho ta liên tưởng đến thiên đường biển Maldives. Quả không ngoa khi ví nơi đây là “hòn ngọc giữa biển khơi”.
Ngoài ra, sức hút của Hòn Sẹo còn đến từ một bãi đá rộng với vô vàn các viên đá đủ màu sắc, được sóng biển mài dũa tròn trịa vừa bằng nắm tay, gối đầu lên nhau trông rất hút mắt. Điểm thú vị của bãi đá này là càng ngày càng xuất hiện nhiều tưởng chừng như không bao giờ hết nên người ta đã đặt cho nó một cái tên độc đáo là bãi Đá Đẻ.
Có thể nói, mỗi một thứ trên hòn đảo này không phải đặc biệt nhất nhưng khi chúng cùng kết hợp lại với nhau lại mang đến cho nơi đây một sự quyến rũ không ai có thể chối từ.
10. Đảo Cù Lao Xanh
Cù Lao Xanh hay còn gọi là Đảo Vân Phi, biển đảo xinh đẹp thuộc xã Nhơn Châu, Quy Nhơn. Đây là một hòn đảo nhỏ, diện tích chỉ khoảng 364ha, tức chỉ bằng 1/2 diện tích đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), bằng 1/4 diện tích đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), với hơn 2.300 dân sinh sống. Cũng giống như bao miền biển khác, nghề nghiệp chính của người dân nơi đây là đánh bắt hải sản.
Đảo Cù Lao Xanh có khá nhiều bãi biển đẹp du khách nên ghé qua như bãi Gala, bãi Nhỏ, bãi Đông, bãi Nam. Tuy các bãi biển này không dài nhưng đều là những bãi biển rất đẹp, cực kì trong, nước thì xanh ngắt. Tại đây có một ngọn hải đăng, được ví như “mắt thần” của đảo. Đứng trên này cực kì mát, view thì nhìn toàn cảnh đảo Cù Lao Xanh. Hơn nữa, nơi đây lưu giữ cột cờ đầu tiên trong 7 cột cờ Tổ quốc được xây dựng tại các đảo tiền tiêu gần bờ của cả nước – cột cờ Thanh Niên. Công trình mang ý nghĩa thiêng liêng này là một trong những điểm thu hút các đoàn khách du lịch, đó cũng là niềm tự hào, vinh dự của người dân nơi đây.
11. FLC Zoo Safari Park
Nằm trong khu du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến và được kết nối với quần thể nghỉ dưỡng, sân golf, biệt thự và giải trí cao cấp FLC Quy Nhon Beach & Golf Resort, FLC Zoo Safari Park có tổng diện tích 129,1ha được thiết kế xây dựng theo mô hình safari chuẩn thế giới. Đây là nơi bảo tồn của gần 900 cá thể động vật như: gấu, đà điểu, hươu sao, lạc đà, vượn, voọc, thiên nga đen, vịt vàng Tadorama…
FLC Zoo Safari Park được thiết kế hướng đến sự tương tác tự nhiên giữa con người và các loài động vật, nhằm mang đến cho du khách sự trải nghiệm về môi trường sống và tập tính sinh sống của các loài động vật hoang dã tự nhiên.
Tham quan FLC Zoo Safari Park, du khách sẽ có cơ hội được quan sát và tiếp cận gần nhất với các loài động vật, đây cũng là môi trường tuyệt vời dành cho các em nhỏ. Thông qua đây các em sẽ thêm yêu thiên nhiên và động vật, qua đó hình thành ý thức tăng cường các hoạt động gìn giữ, bảo tồn động vật hoang dã nói riêng và thiên nhiên nói chung.
Ngoài ra, FLC Zoo Safari Park còn có đầy đủ khu vực nhà hàng, đồ ăn nhanh và nơi bán đồ lưu niệm cho du khách tham quan. Bên cạnh đó còn có các trò chơi giải trí như dịch vụ: xe đạp đôi, xe Burgy, dịch vụ thuê lều trại phục vụ cho dã ngoại, dịch vụ thuê thuyền hơi, thuyền Kayak dưới nước phục vụ thư giãn ngắm cảnh.
12. Khu du lịch Ghềnh Ráng – Tiên Sa
Khu Du Lịch Ghềnh Ráng – Tiên Sa nằm ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn, cạnh điểm cuối của bờ biển Quy Nhơn vầng trăng khuyết. Từ trên đỉnh đồi Ghềnh Ráng, du khách có thể nhìn thấy vịnh biển Quy Nhơn như một bức tranh thủy mặc, nhưng hiện đại hơn nhờ những tòa nhà cao tầng với hiệu ứng của âm thanh và ánh sáng.
Khu du lịch Ghềnh Ráng – Tiên Sa là một không gian thơ mộng và hùng vĩ. Tại đây có những bãi tắm đẹp tuyệt vời như bãi đá trứng hay còn gọi Bãi Tắm Hoàng Hậu. Xưa kia nơi đây Bảo Đại cho xây một dinh thự lưng tựa núi, mặt hướng biển. Do chiến tranh, Dinh thự này không còn nữa, nhưng vẻ đẹp thơ mộng thì vẫn còn nguyên vẹn. Tiến vào sâu thêm trong khu du lịch chừng gần 1km, du khách sẽ gặp Bãi Tắm Tiên Sa. Bãi tắm tuy nhỏ nhưng cát trắng muốt và nước trong xanh êm dịu.
Ngoài ra, đến đây du khách không thể không lên đồi Thi Nhân, thăm hòn Vọng Phu, Mộ Hàn Mặc Tử, dốc Mộng Cầm,… Đứng trên đồi thi nhân du khách sẽ thu vào tầm mắt toàn cảnh bờ biển Quy Nhơn cong cong hình vầng trăng lưỡi liềm, duyên dáng, đáng yêu.
13. Khu du lịch Bãi Bàu
Nằm trên tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu, khu du lịch Bãi Bàu nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20km. Khu du lịch Bãi Bàu từ lâu nổi tiếng là địa điểm du lịch lý tưởng được nhiều khách du lịch ghé qua.
Khu du lịch Bãi Bàu là một bãi biển sạch, vào mùa du lịch thì nơi đây có đôi chút nhộn nhịp và vui vẻ. Nhưng du khách vẫn cảm nhận được nét êm ái của bờ biển và khung cảnh núi non nên thơ. Đặc biệt là vào buổi chiều tà, khi những tia nắng đã bắt đầu dịu dần là lúc du khách có thể trải những bước chân trên bờ cát trắng, hoặc có thể thả mình vào dòng nước biển trong xanh. Vào buổi sáng sớm, du khách có thể ngắm bình minh trên biển, khung cảnh ở nơi này lại trở nên vô cùng thư thái và dễ chịu, làm cho bất kì ai cũng cảm thấy như được giải tỏa và quên đi tất cả những mệt mỏi và bộn bề cuộc sống hàng ngày. Tất cả được tô vẽ lên như một bức tranh thiên nhiên thật thú vị mà ai đã từ ghé qua cũng đều để lại những ký ức khó quên.
Bên cạnh làn nước biển trong xanh sạch sẽ, bờ cát trắng mịn, sóng gợn lăn tăn khu du lịch Bãi Bàu còn sở hữu những ghềnh đá lớn, đồi núi nhấp nhô tạo thành một không gian hùng vĩ. Nếu du khách là người yêu thích sự phiêu lưu mạo hiểm, thích khám phá tạo những cảm giác mạnh có thể tham gia nhảy ghềnh, leo núi…và những hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn khác. Đến khi đã thấm mệt, đừng quên thả người thư giãn trên cát và thưởng thức những hải sản tươi ngon nhé!
14. Làng chài Hải Minh
Làng chài Hải Minh nằm khép mình bên dãy núi Phương Mai, ôn trọn thành phố biển Quy Nhơn. Không giống nhiều địa điểm nổi tiếng khác như đầm Thị Nại, Ghềnh Ráng,… du lịch nơi đây chưa thực sự phát triển. Tuy vậy làng chài Hải Minh vẫn chứa đựng những vẻ đẹp tiềm ẩn quyến rũ, hoang sơ thu hút khách du lịch.
Làng chài Hải Minh được chia làm Hải Minh Ngoài và Hải Minh Trong. Đến Hải Minh, hành trình đầu tiên mà du khách muốn tìm hiểu là thăm tượng đài vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trên đảo. Tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo được xây dựng năm 1972, cao trên 30m, trong tư thế oai phong đứng trên thuyền rồng ở trận Bạch Đằng giang chỉ huy, trang phục áo giáp, mũ sắt, chân trái đứng trụ, chân phải gác lên mạn thuyền, tay trái chạm kiếm, tay phải chỉ thẳng về phía trước. Bốn mặt của chân tượng, đều trang trí phù điêu về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả bài “Hịch tướng sĩ” hùng tráng thuở nào.
Từ tượng đài nhìn xuống, làng chài Hải Minh nằm uốn mình theo mép sóng, biển ôm làng, làng dựa lưng vào núi với sóng nước mênh mông. Phóng tầm mắt, du khách có cái nhìn bao quát thành phố Quy Nhơn, ngắm cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Dưới chân tượng là ngọn Hải đăng Phước Mai làm nhiệm vụ dẫn tàu bè vào cảng Quy Nhơn.
Sau khi thăm và chụp hình lưu niệm tại tượng đài vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, du khách tiếp tục hành trình đầy thử thách, vượt qua con đường mòn khúc khuỷu, chinh phục núi Đá Đen (núi Tam Tòa) tận mắt chứng kiến dấu tích Tường Lũy xưa với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Tại đây, vẫn còn sót lại hiếm hoi đoạn Tường Lũy dài khoảng vài chục mét, cao khoảng 0,6m đến 1m, mặt rộng khoảng 0,6m, được xếp bằng đá chồng lên nhau rất kiên cố. Theo các bậc cao niên trong làng, Tường Lũy này có từ thời nhà Nguyễn, điểm bắt đầu của Tường Lũy có thể từ tượng Đức Thánh Trần trải dài qua đỉnh núi Đá Đen. Qua thời gian dài, chiến tranh rồi tác động của thiên nhiên, con người nên Tường Lũy đã không còn nguyên trạng như xưa.
Dưới chân núi Tam Tòa còn có phế tích đền thờ cổ nằm trong làng chài Hải Minh được cho là nơi thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang. Hiện di tích này còn lại một cổng tam quan, phía sau là dấu vết tường xây bằng vôi, gạch đá ong… Đặc biệt, trước cổng có ngôi mộ một con cóc kỳ là mà xung quanh ngôi mộ có nhiều câu chuyện ly kỳ.
15. Bãi Xếp
Bãi Xếp hay còn được gọi là Bãi Xép là một làng chài nằm trong vùng biển Quy Hòa, thuộc phường Ghềnh Ráng, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 13km, với tối đa chỉ 100 người sinh sống trong một khu vực rộng khoảng 1km2. Đây là một làng chài lâu đời hàng trăm năm tuổi từng được trang Business Insider đánh giá là một trong những viên ngọc trong đá của Châu Á đã và đang thu hút rất nhiều khách du lịch ghé thăm mỗi năm.
Không sôi động, nhộn nhịp như bao khu du lịch khác, làng chài Bãi Xép e thẹn nép mình sau hàng dừa, hàng dương xanh mát, trước mặt là bãi biển trong xanh, sau lưng là núi đồi trập trùng và những bãi đá lớn nhỏ khiến cho nơi đây luôn có một không gian yên tĩnh và thanh bình.
Giống như bao ngôi làng cổ khác, đường đi trong Bãi Xếp vô cùng hẹp, nó giống như một mê cung khiến những ai không quen rất dễ bị lạc nhưng lại siêu thú vị để khám phá.
Những ngôi nhà trong làng thì được sơn đủ màu sắc khác nhau khiến cho ngôi làng trở nên nổi bật trong mắt du khách. Đặc biệt, ở đây được trồng rất nhiều cây xanh khiến không khí luôn mát mẻ, trong lành. Một vài ngôi nhà thì được trang trí bằng những lẵng hoa nhỏ xinh hoặc giàn hoa giấy bắt mắt làm ai đến đây cũng không khỏi trầm trồ, thích thú.
Quả thật, làng cổ Bãi Xép giống như một viên ngọc huyền bí, lộng lẫy nhưng không quá phô trương khiến ai đến đây du lịch cũng lưu luyến không muốn về.
16. Đầm Thị Nại
Nằm về phía Đông Bắc Quy Nhơn, với diện tích trên 5.000ha mặt nước, chạy dài hơn 10km, bề rộng tới gần 4km, đầm Thị Nại là một trong những đầm nước mặn lớn nhất ở Quy Nhơn nói riêng và Bình Định nói chung. Đầm này đã có thời gian mang tên chữ là Hải Hạc Đàm, nhưng trong dân gian thì từ lâu vẫn gọi là đầm Thị Nại. Đó là cách gọi tắt của một địa danh Chàm, nguyên gốc tiếng Phạn là Cri Vinaya đã được phiên âm qua tiếng Hán thành Thị-lị-bì-nại.
Đầm Thị Nại được hình thành bởi các nhánh sông Kôn, Hà Thanh hội tụ về đây. Sa bồi tụ dần theo năm tháng khiến cho đầm mỗi ngày một đầy thêm. Khi nước triều lên thì mặt đầm nước mênh mông, vào những hôm trời gió, sóng dập dờn như mặt biển. Những lúc triều xuống, nước rút cạn để trơ lòng đầm, sình lầy lai láng. Cảnh quan như vậy nên trong các sách cổ nơi đây có tên đầm Biển Cạn.
Đầm Thị Nại là nơi sinh tồn của nhiều loại thủy hải sản nổi tiếng. Trong đầm có một núi nhỏ nhô lên ngoạn mục, trên núi nhỏ có ngôi miếu do dân chài lập ra để thờ thủy thần, hình dáng núi tựa như một ngôi tháp cổ, gọi là tháp Thầy Bói. Điều thích thú nhất khi đến đây, đó là mỗi buổi ban mai, ánh sáng trải trên những khu rừng ngập mặn khiến mặt đầm quyến rũ đến mê mẩn. Rừng Ngập mặn có một khu vực chim, cò, diệt về làm tổ, nghỉ trên những tán cây trên rừng ngập mặn. Khu vực này gọi là Cồn Chim.
Khoảnh khắc nào trong ngày, đầm Thị Nại cũng đẹp, cũng mộng thơ để tâm hồn lữ khách phiêu diêu cùng cảnh sắc “ngọt như mật” ấy. Là lúc nắng mai hắt luồng sáng ấm áp để mặt trời hệt quả cầu lửa dần dần nhô lên từ dãy Triều Châu. Là ánh hoàng hôn ma mị tím đỏ tựa thảm lụa khổng lồ phủ lên đầm phá, hư hư thực thực. Là những đêm trăng tròn thanh vắng, đầm bỗng trở nên huyền ảo hệt chốn thần tiên. Bắc ngang qua đầm Thị Nại là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam lúc nào cũng lộng gió, đứng trên cầu, du khách có thể thưởng ngoạn trọn vẹn phong cảnh của đầm Thị Nại với nhiều góc độ khác nhau.
17. Bãi biển Quy Hòa
Thành phố Quy Nhơn nổi tiếng với rất nhiều những bãi biển đẹp hút hồn và không thể không nhắc đến bãi biển Quy Hòa, cũng có biển xanh trong, mây trời khoáng đạt, bãi cát trải dài hút tầm mắt nhưng chắc chắn điểm đến này vẫn thu hút du khách bởi nét đẹp thanh bình, yên ả không nơi đâu sánh được.
Biển Quy Hòa – một vùng mênh mông với nước biển xanh mát, du khách có thể thỏa thích vùng vẫy, đùa nghịch với những con sóng đánh xô vào bờ, nhìn từng đợt sóng đến rồi nhảy người lên, để sóng đánh dạt dần vào bờ, rồi lại đi bộ ra xa hơn, cứ thế, cứ thế nô đùa hoài mà không biết chán. Du khách cũng có thể thảnh thơi đi dạo dọc bờ biển, trên những dải cát mềm mịn, nhặt cho mình những con sò biển làm kỷ niệm, đi hoài mới thấy biển dài lắm, hoặc không thì nằm ườn ra bãi cát, ngắm mây trời xanh cao vời vợi, nghe tiếng sóng đánh, tiếng gió thổi vi vu mang theo hơi biển mằn mặn.
Nếu không thích vùng vẫy nơi biển khơi, du khách có thể tản bộ đến tham quan khu vườn tượng danh y với 40 bức tượng bán thân của rất nhiều những bậc danh y nổi tiếng biết Đông Tây kim cổ. Chân dung của các bậc danh y khắc họa rất tài tình qua những bức tượng thể hiện được sự khéo tay của người nghệ sĩ, bạn sẽ thấy Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác, GS.Tôn Thất Tùng đến Hippocrate, A.Yersin, L.Pasteur hay H.Dunant,… vô cùng sống động. Những con người với tấm lòng quảng đại ấy đã giúp ích cho đời, chữa khỏi bênh cho không biết bao nhiêu con người.
Du khách cũng được tìm hiểu thêm về thi sĩ “tài danh bạc mệnh” Hàn Mặc Tử, viếng thăm ngôi mộ của ông trên đồi Thi Nhân (hay chính là đồi Ghềnh Ráng) hay ghé thăm Nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử, nơi mà vào ngày 11/11/1940 ông đã trút hơi thở cuối cùng của mình, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho trần thế sau thời gian dài chiến đấu với căn bệnh quái ác. Hàng hoa giấy đỏ hồng trồng ngay bên đường đi vào nhà lưu niệm, những cây dừa xanh cao, nhiều tán râm mát, tạo cho khung cảnh nơi đây nói riêng và bãi biển Quy Hòa nói chung thêm vẻ yên bình đến lạ.
Ngay gần đó du khách cũng sẽ thấy Bệnh viện phong – da liễu Quy Hòa được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đây là nơi điều trị của 11 tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên. Bước vào bên trong, trên con đường bê tông có bóng dừa tỏa xanh mát bạn bắt gặp hình ảnh những nụ cười thân thiện, mến khách, những trẻ em ở đây nếu thấy có khách nước ngoài chụp hình là lại đưa tay che mặt vì ngượng, nhưng sau đó thì lại nằng nặc, líu ríu muốn xem hình mình chụp trông ra sao. Khi đã quen quen thì chúng vô tư hồn nhiên làm “người mẫu”, nụ cười ngây thơ, ánh mắt vô tư của các em cho thấy sự lạc quan, yêu đời, không bận tâm vì căn bệnh mình đang mắc phải. Những hình ảnh ấy khiến ta vui lây bên ngoài nhưng trong lòng cũng phần nào xót xa.
18. Tháp Đôi
Nằm trong lòng thành phố Quy Nhơn, Tháp Đôi (hay Tháp Hưng Thạnh, tiếng J’rai: Sri Banoi) là hai tòa tháp với kiến trúc có một không hai của nền văn hóa Chăm cổ. Khi đến Tháp Đôi, du khách sẽ được tham quan hai tòa tháp Bắc (cao 20m) và tháp Nam (cao 18m) nằm song song với nhau như hai người thị vệ oai hùng.
Tháp Đôi được xây dựng vào thế kỷ 12 sau công nguyên và trùng tu vào năm 1990. Theo lịch sử, các triều đại Chăm Pa cổ rất chú trọng vào việc xây dựng đền đài. Nhưng qua nhiều năm tháng chiến tranh kèm sự tàn phá của thiên nhiên, những tòa tháp còn tồn tại cho đến ngày nay rất ít. Tháp Đôi là một trong 8 cụm tháp còn sót lại của nền văn hóa Chăm Pa cho đến ngày nay.
Toàn bộ khuôn viên của Tháp Đôi lên đến 6.000m2 với hai tòa tháp sừng sững cùng hàng cây rợp bóng. Đây là địa điểm lý tưởng được nhiều khách du lịch lựa chọn tham quan khi đặt chân đến Quy Nhơn.
19. Nhà thờ Chính Tòa Quy Nhơn
Nhà thờ Chính tòa Quy Nhơn là nhà thờ chính của giáo phận Quy Nhơn được xây dựng vào ngày 10/12/1939 và được gọi là “Đức Mẹ Mân Côi”.
Nơi đây còn được người dân gọi là “Nhà thờ Nhọn” vì nhà thờ có một tháp chuông nhọn cao 42,7m và đây chính là điểm đặc biệt và mang đậm phong cách Phương Tây của nơi đây.
Nhìn tổng thể bên ngoài có thể thấy nhà thờ được xây dựng giống một cây thánh giá. Với chiều rộng khoảng 22,6m, chiều dài lên tới 57,5m, hai hàng trụ đỡ được đúc xi măng cốt thép rất kiên cố. Chính điện rộng 8m, cung thánh có chiều dài khoảng 15m, rộng 8m được đặt tại đây là một bàn thờ làm từ hồng thạch có dạng hòm bia thánh. Năm bàn thờ phù được đặt ngay phía sau cung thánh. Có diện tích khá lớn nên nhà thờ có thể chứa tới 1.500 người. Với điểm nhấn kiến trúc mang đậm phong cách Phương Tây nổi bật ở đây là một tòa tháp nhọn cao tới 47,2m, vì lẽ đó mà nơi đây còn được người dân Quy Nhơn gọi là “Nhà thờ Nhọn”.
Đúng với cái tên “Đức Mẹ Mân Côi” ngay giữa chính bàn thờ là bức tượng Đức Mẹ Mân Côi lớn đứng sừng sững, dưới chân Đức Mẹ là những thiên thần thật xinh đẹp.
20. Nhà thờ Đá Ghềnh Ráng
Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3km về phía Đông Nam, đến khu du lịch Ghềnh Ráng, du khách sẽ thấy đối diện khu mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử là nhà thờ Đá nằm sâu dưới chân núi, hướng mặt ra biển cả bao la.
Nhà thờ Đá Ghềnh Ráng có tên đầy đủ là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, thuộc giáo phận Quy Nhơn. Theo các tài liệu, Nhà thờ Đá được khởi công xây dựng vào ngày 11/02/1963 và khánh thành ngày 15/8/1964, do linh mục Phạm Châu Diên đứng ra xây cất. Sau 40 năm trải qua mưa nắng, gió biển bào mòn, nhà thờ đã có một thời gian xuống cấp, hoang phế. Năm 2005, nhà thờ được tái thiết lại và khánh thành ngày 02/02/2007, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan.
Do nằm trên triền dốc nên lối đi vào nhà thờ khá quanh co, tuy vậy du khách vô cùng thích thú khi vừa đi vừa ngắm quang cảnh thiên nhiên tươi mát xung quanh. Không gian xanh với một bên là vách núi dày đặc những leo dây trường xanh, dương xỉ, một bên là bờ biển dài cong vút càng hấp dẫn bước chân du khách nhanh hơn để tiến vào khuôn viên của nhà thờ Đá.
Đứng trước cổng gỗ đơn sơ, du khách khó tưởng tượng được khung cảnh bên trong vô cùng nên thơ, trữ tình. Qua cổng gỗ, du khách sẽ bị chinh phục và cuốn hút bởi khung cảnh yên bình và không gian thoáng đãng nơi đây. Từ cổng vào nhà thờ có hàng cau, dây trầu, có những cụm đá ong làm nên một không gian thanh thuần, cổ xưa. Trên tường, men theo đường dốc có phù điêu Chúa Giêsu và nhiều tượng Thánh khác, càng tô đậm thêm vẻ thành kính cho nhà thờ Đá.
Phía dưới nhà thờ có dòng suối nhỏ, sân trước hang đá có hồ nước trong xanh, bàn thờ dâng lễ với phù điêu cảnh Tiệc ly. Chung quanh sân được tường kín bao bọc có những bức phù điêu điêu khắc các tiểu cảnh về Chúa Giêsu… tất cả tạo nên bầu khí yên bình, ấm cúng.
Đến với cảnh đẹp thanh bình của Nhà thờ Đá Ghềnh Ráng, du khách không chỉ đắm mình trong khung cảnh xanh mát, mà còn cảm nhận được sự gần gũi và nhẹ nhàng sâu lắng trong bầu không khí thành kính nơi thánh đường tôn nghiêm hòa hợp cùng thiên nhiên “sơn thủy hữu tình”.
Vậy là Airbooking đã điểm danh hết 20 địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Quy Nhơn. Hi vọng du khách sẽ có hội “cạ cứng” để cùng nhau vi vu hết những điểm đến hấp dẫn này.
0 Comment