Địa danh Đà Lạt cực kỳ lý tưởng cho các chuyến du lịch, bởi thời tiết nơi đây quanh năm luôn mát lạnh ôn hòa. Không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp lãng mạn, nhẹ nhàng và chút lãng du đúng như cái biệt danh “Paris thu nhỏ của Việt Nam”, vùng đất “mơ mộng” này còn có vô số món đặc sản “đầy thi vị” lôi cuốn lữ khách một cách mạnh mẽ. 

1. Nem nướng

Một trong số những món ăn đầu tiên phải thử khi đến Đà Lạt, và nếu đã thử thì nhất định sẽ tìm đến lần thứ hai, đó là nem nướng. Thông thường, nghe đến nem, người ta nghĩ đến thịt chua, nhưng với món nem nướng của Đà Lạt thì không!

Nem nướng Đà Lạt bắt buộc phải làm từ loại thịt nóng (heo mới mổ) mang về xay nhuyễn với tỏi, đường, nước mắm ngon, hạt nêm. Muốn cho nem được thơm, ngon và sau khi nướng bóng đẹp thì nên cho thêm chút thịt mỡ. Sau khi trộn đều các nguyên liệu với nhau, người đầu bếp sẽ dùng tay lấy từng phần thịt nhỏ, viên tròn lại to bằng cỡ quả bóng bàn rồi đặt lên que tre, khéo léo xoay để phần thịt viên từ từ biến thành dải thịt dài ôm lấy 1/3 thân que tre.

Quạt cho than hoa thật hồng, đặt xiên nem lên nướng, khi những tiếng xèo xèo của mỡ chảy xuống, mặt ngoài của nem có màu vàng ươm là đã chín, mùi thơm lan tỏa khắp phố, thu hút người đi đường.

Ăn kèm với nem nướng luôn kèm với bánh tráng, cùng rau salad, dưa món, chuối, khế,… Một cuốn nem nướng sẽ đầy đủ hương vị với vị đậm, thơm của nem nướng, vị chua của dưa món, vị mát của rau xanh… Vị béo ngậy của nem nướng kết hợp hài hòa cùng vị tươi mát của rau quả dậy nên mùi vị hấp dẫn khó cưỡng và không bao giờ ngán.

Một điều làm nên hương vị đặc trưng của nem nướng Đà Lạt chính là nước chấm. Một thứ nước chấm vô cùng độc đáo, riêng biệt, đó là nước tương màu vàng được làm từ thứ gạo nếp thơm ngon nhất. Không quá loãng cũng không quá đặc mà sền sệt vừa tạo được độ dính, mà lại đậm đà thanh thanh, hấp dẫn vô cùng.

2. Chả ram bắp

Du khách hay thường nghe tới các món như ram thịt, ram tôm, nhưng có lẽ món “chả ram bắp” sẽ tạo sự tò mò mới lạ. Ram bắp có vị ngọt thơm, ngậy béo của trái bắp, vị đậm đà của các loại gia vị trộn đều, xen vào vị cay nhẹ của tiêu, thơm của hành tím, giòn tan của lớp vỏ ram cuốn.

Chả ram bắp có hương vị rất ngon và cách chế biến cũng lắm công phu. Trái bắp được đem bào nhỏ, ướp cùng các gia vị như: hành tím, tiêu, muối, trộn cùng thịt heo xay nhuyễn. Bánh tráng mỏng cuốn phần bắp nhuyễn bên trong, đem chiên trong chảo dầu nóng cho đến khi vàng ruộm. Chả ram bắp còn cầu kì ở khoản nước chấm đi kèm làm từ đậu phộng xay nhuyễn ngậy ngậy, ăn kèm với đĩa rau sống. Tất cả tạo nên vị ngon hòa quyện hấp dẫn khó quên của món “đặc sản phố núi” này.

3. Canh Atiso hầm giò heo

Artiso là loại cây quen thuộc với người dân “xứ ngàn hoa”. Artiso được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn. Trong đó, canh Artiso hầm giò heo là món đặc sản nổi tiếng, thường xuất hiện trong bữa cơm của người dân nơi đây.

Canh Artiso là kết tinh của vị ngọt thuần túy từ giò heo hòa quyện cùng vị ngọt thơm tự nhiên của bông Artiso tươi. Giò heo được hầm mềm, vừa ăn, cắn một miếng ngập chân răng, thêm một miếng Artiso chín mềm, khi hai thứ tưởng chẳng liên quan gì hòa lẫn vào nhau, người thưởng thức mới gật gù nhận ra thế nào là đỉnh cao của ẩm thực Đà Lạt.

Món Artiso hầm được dùng khi nóng, với nước mắm ớt cay. Vị nước ngọt, thanh và xương hầm mềm, béo mà không nát càng khiến món ăn được lòng nhiều thực khách. Với vị ngọt, tính mát và tác dụng giải nhiệt thì canh bông Artiso thích hợp để thưởng thức trong những ngày hè oi bức.

Khi ăn, thực khách cho thêm ít rau mùi để món ăn dậy mùi thơm. Phần thịt của cánh hoa Artiso là phần nhiều chất dinh dưỡng và rất mềm. Còn lại phần sơ khi ăn sẽ bỏ bã. Không chỉ là món ăn ngon, Artiso hầm giò heo còn là loại thuốc bổ. Nó giúp cho người ăn ngủ ngon, lợi tiểu, mát gan, tăng thêm sức khỏe.

4. Bánh ướt lòng gà

Rất nhiều người đến với Đà Lạt, bên cạnh việc tận hưởng không khí mát mẻ thì họ còn thưởng thức món bánh ướt lòng gà thật chất nơi này. Sự kết hợp độc đáo giữa bánh ướt và lòng gà đã gợi sự tò mò cho không ít khách du lịch khi đến với mảnh đất Đà Lạt thơ mộng, để rồi khi thưởng thức ai nấy đều thích thú với hương vị rất lạ và vô cùng lôi cuốn của món ăn này. Đó là vị dẻo dai, mềm mại của bánh quyện hòa cùng vị thơm ngậy, vị ngọt bùi của thịt gà.

Nếu bánh ướt ở các nơi khác thường đi kèm với chả, với nem chua hay bánh tôm thì ở Đà Lạt món này lại được biến tấu đi có thêm thịt và lòng gà. Sự kết hợp của bánh ướt mềm với thịt gà thơm ngọt và lòng gà dai đã tạo thành món ăn không thể bỏ qua khi đến với Đà Lạt.

Món bánh ướt lòng gà thực chất có cách chế biến không phức tạp, nhưng với người Đà Lạt, bản chất thanh lịch và sự cầu toàn đã làm cho món bánh ướt trở nên rất đặc biệt. Người Đà Lạt làm bánh ướt rất khéo và cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Gạo tẻ làm bánh phải là gạo ngon và mới thì bánh mới thơm. Gạo được đem đi ngâm, xay bột, rong bột rồi trộn với bột năng, bột khoai mì và nước theo tỉ lệ nhất định để bánh có độ dai thì khi tráng bánh sẽ không bị vỡ.

Công đoạn tráng bánh phải thật tỷ mỷ. Khi tráng bánh, người tráng cũng phải thật khéo léo để bánh đều mặt, không bị chỗ dày chỗ mỏng. Còn đối với lòng gà và thịt gà dùng kèm với bánh ướt cũng phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Bí quyết của người làm bánh này là phải chọn gà vườn không quá lớn, chắc thịt và thịt không được nhão hay quá dai. Lòng gà thì phải được làm thật kỹ để không có mùi tanh, làm sạch xong thì đem ướp sơ qua một chút gia vị cùng một ít hành tỏi cho thấm, khi nào dùng thì mới xào chín để lòng gà được giòn thơm. Thịt gà thường được hấp hoặc luộc chín tới và xé phay.

Khi ăn, người ta dùng đĩa sâu lòng hoặc loại tô nông, cho bánh ướt nóng mới tráng vào, thêm một ít rau thơm, ớt thái lát rồi cho lòng gà xào chín và thịt gà lên trên rồi rắc thêm một chút tiêu. Đi kèm theo đĩa hoặc tô bánh ướt lòng gà là một chén nước mắm pha vừa ăn với một chút tỏi, mang vị cay dịu ngọt nhưng đậm đà.

Vị dẻo thơm và rất mới của bánh ướt nóng mới tráng, chút béo ngậy của lòng gà và ngọt thơm của thịt gà vườn, quyện trong vị nước chấm đậm đà, thêm vào đó là vị cay nồng của ớt lẫn rau thơm tạo nên hương vị lạ, nhẹ nhàng, tinh tế khiến món bánh ướt ngon đến lạ lùng.

Món bánh ướt lòng gà là thế, mang một hương vị lạ lẫm nhưng ngon với vị ngon nhẹ nhàng, tinh tế bởi người Đà Lạt dùng gia vị rất vừa phải.

5. Bánh tráng nướng Đà Lạt

Được đùa vui ví von bằng tên gọi “Pizza Việt”, bánh tráng nướng Đà Lạt là một trong những món ăn vặt đường phố thu hút nhất đối với khách du lịch gần xa khi đến thăm “thành phố ngàn hoa”.

Sở dĩ có tên gọi “Pizza Việt” là vì hình thức của nó, ở phần đế bánh, cũng là phần đặc biệt nhất mang thuần nguyên liệu Việt Nam. Đó là những chiếc bánh tráng mỏng tang, một món ăn thường được dùng để cuốn chấm hoặc gói nem rán. Nhân bánh thì tương đối đơn giản dù khá đa dạng thành phần và hương vị.

Đầu tiên, chiếc bánh tráng nguyên bản sẽ được bôi phết một lớp mỡ hành phi, rồi đem lên vỉ than nóng. Sau đó đập vỡ trứng trộn thêm một lớp hành lá xanh thái nhỏ, nhanh tay dải đều trên bề mặt bánh. Vì chiếc bánh tráng khá mỏng nên các công đoạn đòi hỏi tốc độ, sự khéo léo cũng như căn chỉnh thời gian hợp lý để chiếc bánh vàng đều, chín giòn và đẹp mắt. Người đầu bếp vừa phải một tay quạt than, một tay cầm bánh xoay đều chừng một phút cho đến khi trứng hành chín thơm thì lúc đó mới là thời điểm cho các nguyên liệu khác vào. Ban đầu, người Đà Lạt ăn bánh tráng nướng rất đơn giản, chỉ có bánh tráng nướng trứng mỡ hành, sau dần để phục vụ nhu cầu sở thích của người ăn cũng như sự sáng tạo của người bán mà món bánh tráng nướng ngày nay đã rất phong phú về nguyên liệu: có thể là bò khô, chà bông, pate, xúc xích, thịt gà, phô mai… tha hồ lựa chọn.

Một chiếc bánh tráng nướng hoàn chỉnh khi đến tay thực khách luôn nóng hôi hổi, đầy đủ sắc vị, từ màu vàng của trứng, pha sắc xanh của hành lá hoặc đỏ của bò khô, xúc xích, hoặc trắng của thịt gà, phô mai… có lẽ vì thế nó càng trông giống một chiếc pizza phiên bản nhỏ nhưng hoàn toàn là hương vị và biến tấu của người Việt.

Dù đã có mặt ở nhiều nơi nhưng ai cũng phải công nhận bánh tráng nướng chỉ ngon nhất ở Đà Lạt, khi nó phù hợp nhất với khí hậu mát lạnh của phố núi. Còn gì tuyệt vời hơn sau một ngày tham quan thành phố, dạo chân quanh Hồ Xuân Hương, du khách được dừng chân ở một góc nhỏ bên chợ, ở một hẻm nhỏ, một hàng xe đẩy… tự tay thưởng thức những miếng bánh tráng nướng bốc hơi nóng hổi, giòn rụm trong không gian khí hậu tuyệt vời của “thành phố ngàn hoa”.

6. Bò Pía mặn

Bò Pía mặn cũng là một món ăn vặt phổ biến ở Đà Lạt. Món ăn này có sự kết hợp hương vị rất hài hòa của rau củ tươi ngon ở Đà Lạt như: su hào, cà rốt, xà lách, cùng với trứng, thơm béo lạp xưởng, chút vị biển của tôm khô dai mềm. Bò Pía mặn được chấm với nước chấm đậm đà vị tỏi.

Bò Pía mặn được chế biến khá đơn giản. Su hào, cà rốt bào sợi, xào chung cho chín mà vẫn giữ được độ dai giòn sừn sựt. Trứng tráng mỏng cắt sợi. Các nguyên liệu đó được cuốn chung với lạp xưởng, rau xà lách trong lớp bánh tráng dai mỏng.

Món ăn vặt này được khá nhiều bạn trẻ ưa thích vì có thể ngồi ở những quán cóc vỉa hè, lai rai cùng bạn bè và tranh thủ ngắm nhìn đường phố Đà Lạt.

7. Xắp xắp

Nhắc đến “xắp xắp”, người ta không chỉ nhớ đến đây là một món ăn đường phố đặc trưng ở Đà Lạt mà còn khiến họ nhớ về cuộc sống yên bình, giản dị ở “xứ sở sương mù” này.

Có lẽ ai cũng thắc mắc về cái tên “xắp xắp” khá lạ tai này, và theo người dân Đà Lạt thì “xắp xắp” là cái tên dân dã mà họ đặt cho món ăn. Họ gọi theo cách sắp xếp các nguyên liệu và gia vị vào đĩa.

Món xắp xắp được làm từ những quả đu đủ non bào thành sợi nhỏ và dài. Khi đu đủ được bào xong sẽ ngâm nước muối cho mềm, sau đó vớt ra để ráo nước rồi mới chuẩn bị chế biến. Người ta sẽ cho đu đủ vào đĩa trước, sau đó bỏ thịt lên. Thịt ở đây cũng có thể là khô bò, gan bò nấu với ngũ vị, gan heo rim ngũ vị. Sau đó, người ta sẽ cho quế rắc nhỏ lên trên cùng, thêm một ít đậu phộng rang giã dập, rau thơm, ớt và cuối cùng là rưới nước dùng chua ngọt. Nước dùng được làm bằng nước me có độ chua dịu, và độ ngọt thanh nên phù hợp với khẩu vị của nhiều thực khách.

Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị giòn giòn của đu đủ, vị béo ngậy của lớp thịt và vị chua thanh trong nước dùng, cùng với mùi ớt, rau thơm nồng nồng, đậu phộng rang bùi bùi mang đến cảm giác rất thích thú khi ăn. Nhiều người khi thưởng thức xắp xắp còn cho rằng món ăn này giống gỏi khô bò ở miền Nam và miền Trung. Nhưng nhờ sự khéo léo kết hợp giữa hương vị các vùng miền cũng như tạo ra hương vị riêng mà món ăn này mang đặc trưng riêng không lẫn với nơi nào khác.

Khắp Đà Lạt, gần như chỗ nào cũng bán món xắp xắp, du khách sẽ dễ dàng tìm kiếm và thưởng thức theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, mỗi tối lãng du bên Hồ Xuân Hương, dừng chân thưởng thức đĩa xắp xắp trong không khí mát mẻ mới thật đáng nhớ. Ngoài ra, du khách cũng có thể tìm những đĩa xắp xắp ngon đậm đà khi ghé quán ăn trên dốc Bà Triệu, ngã ba chùa, đường Nguyễn Văn Trỗi ở khúc giao với chùa Linh Sơn, hồ Hoàng Văn Thụ…

8. Salad sú kẹp nách

Sú kẹp nách có nguồn gốc từ đất nước Bỉ. Thời Pháp thuộc, đó là loại rau cao cấp, chỉ phục vụ cho giới quan chức. Sú kẹp nách có hình dạng giống bắp cải nhưng lại nhỏ tí hon bằng ngón tay, trông rất ngộ nghĩnh. Người dân Đà Lạt chế biến sú kẹp nách cho các món ăn như: Salad, luộc, chiên, xào, nướng đều ngon và giữ được độ ngọt của rau. Trong đó, sú kẹp nách luộc là món ngon được ưa chuộng bởi độ thanh mát, giòn của rau.

Sú kẹp nách sơ chế bỏ lá ngoài bị vàng, sau đó phải đem ngâm mầm sú trong nước lạnh khoảng 10 phút để loại bỏ bụi bẩn. Phần cuống sú được loại bỏ vì cứng. Người Đà Lạt hay khía hình chữ “X” nho nhỏ ngay đỉnh sú. Việc này giúp cho sú nhanh chín và mềm hơn.

9. Bún thố

Bún Thố là một món điểm tâm tuyệt ngon hợp với “thành phố ngàn hoa” đến khó tả. Không giống như tô bún truyền thống, bún ở Đà Lạt được đặt trong một thố đen nóng đậy nắp. Bún thố luôn thưởng thức nóng hổi, khi khách gọi, thố bún sẽ được làm nóng, nên khi thưởng thức, du khách sẽ thấy nước lèo vẫn còn lăn tăn sôi nhẹ.

Một thố bún sẽ dậy thơm hương vị của biển: có cá, tôm, thêm vài viên thịt. Nước lèo chan bún được ninh hầm từ xương ống, thêm cả vị thơm của nước dừa tươi. Du khách sẽ cảm nhận ngay được vị ngọt dịu thanh nhẹ của thố bún, khác hẳn với loại gia vị hóa chất.

Bún thố được ăn kèm rau đắng, salad và giá. Khi ăn, du khách vắt thêm chút chanh, thêm ớt là đủ để đánh thức mọi vị giác của du khách vào buổi sáng.

Sáng sớm Đà Lạt có phần lạnh giá, hơi thở như phả ra khói, du khách ngồi thưởng thức một thố bún sôi sục thơm nức mũi với nghi ngút khói thì còn gì tuyệt bằng.

10. Lẩu Gà lá é

Thời tiết Đà Lạt mát mẻ quanh năm nên những món lẩu rất được ưa thích. Một trong những món lẩu nổi tiếng phải kể đến của ẩm thực Đà Lạt là Lẩu gà lá é.

Khi thưởng thức món Lẩu gà lá é, du khách sẽ cảm nhận được hương vị khác biệt mà không nơi nào có được. Thịt gà để nấu lẩu là loại gà ta, tuy nhỏ nhưng rất chắc, bằng chứng là miếng thịt gà dai, lớp da giòn rất ngon miệng. Lá é là loại rau thơm độc đáo của miền trung nước ta, đặc biệt là vùng Tây Nguyên. Lá é trong nồi lẩu đặc sản này giữ vai trò là loại rau khử mùi tanh của thịt và tăng hương vị cho lẩu. Mùi thơm nồng đặc trưng của lá é sẽ khiến các bạn khó quên nổi dù chỉ thưởng thức một lần.

Về phần nước lẩu, phải được ninh từ xương heo, sau đó dùng nước này để luộc thịt gà. Nước lẩu được nêm nếm thêm các gia vị khác. Để cuối cùng, khi thưởng thức món đặc sản này, người ăn sẽ cảm nhận được hương vị cay nồng, bùi, ngọt. Tất cả hòa quyện trong nồi lẩu gà lá é đang sôi sục bốc lên những làn khói mờ, ấm lòng thực khách.

11. Lẩu Bò tơ Artiso

Lẩu bò không phải món ăn xa lạ đối với thực khách gần xa. Thế nhưng phiên bản lẩu bò được biến tấu khi nấu cùng lá Artiso lại khiến món ăn dân dã này trở nên đặc biệt hơn hẳn. Vẫn với nguyên liệu chính là thịt bò, nhưng nước lẩu được nấu thêm cùng với lá Artiso trở nên thanh hơn, ngọt hơn rất nhiều. Hãy tự mình trải nghiệm nhé!

12. Bánh căn

Bánh căn là món ăn của người dân vùng duyên hải Nam Trung bộ. Đặc sản này được làm từ gạo tẻ, nướng trên khuôn đất, bằng than củi. Không ai biết bánh căn có từ bao giờ, nhưng xuất xứ ở Ninh Thuận, là một món ăn của người Chăm.

Đến với Đà Lạt, ngoài những vườn hoa thơm ngát, rau củ quả xanh mướt, thì du khách còn “chết thèm” với món bánh căn mang phong cách riêng của “xứ sở ngàn hoa” này. Ghé bất cứ khu ăn uống nào du khách cũng có thể bắt gặp cửa hàng bán bánh căn. Có khi chỉ là một quán nhỏ ven đường, vài ba cái bàn và chục cái ghế nhựa nhưng cũng đủ làm người ta mê mẩn. Bởi khi đi ngang qua, dân sành ăn vặt đã bị mùi thơm hấp dẫn của bánh làm cho khứu giác níu chân.

Để làm được bánh căn thì trước tiên phải ngâm gạo tẻ (gạo cũ càng ngon vì có độ xốp, giòn, thơm) trộn với ít cơm nguội khoảng sáu giờ, rồi mang đi xay thành bột. Bột cần pha thêm ít nước lạnh cho sền sệt cùng một ít dầu lạc hoặc mỡ heo cho ngậy.

Ngoài ra, làm dầu hẹ cũng tương tự như phi hành, nhưng cần cho thêm chút tỏi băm nhuyễn vào để dậy mùi thơm. Khi đã có đầy đủ nguyên liệu thì bắt đầu làm bánh. Cần chuẩn bị một bộ khuôn nướng bằng đất nung với các lỗ tròn và nắp đậy. Đặt khuôn lên bếp than rực hồng cho đủ nhiệt, xoa chút dầu mỡ cho bánh không dính rồi đổ bột vào khuôn tỉ mẩn, không dày cũng không mỏng để bánh vàng đều. Sau đó đậy nắp chờ chín. Khi bánh chín, cạy ra dĩa và thoa dầu hẹ lên.

Tiếp đến là làm nước chấm. Xắt hành lá cho nhuyễn rồi đem phi lên cho thơm, nhưng nhớ đừng vàng quá. Cũng với nồi phi hành ấy, cho cà chua băm nhuyễn vào xào cho thấm. Sau đó thì đổ khoảng nửa lít nước sôi vào. Khi nước đã sôi đều thì nêm nếm đường, bột ngọt, mắm cho vừa khẩu vị rồi tắt bếp.

Món này ăn với nước chấm, rắc đậu phộng cùng với ớt tươi xay, bỏ thêm xíu mại để tăng hương vị. Ngoài ra có thể dùng với nước cá kho (cá nục, cá ngừ) hoặc mắm nêm. Không như những món ăn mặn khác kèm với rau sống, món này dùng với xoài xanh bào sợi, hành tây, dưa leo băm sợi. Giữa cái lạnh cứa da cứa thịt của miền cao nguyên Đà Lạt mà dùng bánh căn với ly trà nóng thì còn gì tuyệt vời hơn.

13. Bánh mì xíu mại

Khi nhắc đến xíu mại, có lẽ thực khách sẽ liên tưởng đến những viên thịt được xay nhuyễn rồi vo tròn, ăn kèm với bánh mì. Thế nhưng món bánh mì xíu mại Đà Lạt lại được chế biến một cách công phu và tỉ mỉ hơn, dù là món ăn vỉa hè.

Giống như tên gọi, “bánh mì xíu mại” đơn giản là một chén nước dùng khá trong. Nổi bật trong chén là hai viên xíu mại nhỏ xinh, miếng chả lụa vừa lột lá chuối xắt làm hai kết hợp với vài miếng da heo tạo cảm giác “sực sực” ngon không thể tả. Hầu hết xíu mại được làm từ thịt quết khéo nên có độ dẻo dai vừa đủ, nêm nếm cũng vừa phải nên hương vị nhẹ nhàng. Nước xíu mại là nước dùng ninh từ xương heo quyện cùng vị ngọt thanh từ thịt nạc viên, thêm một chút hành lá cắt nhuyễn, khiến món ăn trở nên lôi cuốn từ hình thức đến hương vị.

Không giống với những địa phương khác thường cho xíu mại vào trong ổ bánh mì, ở Đà Lạt, một phần bánh mì xíu mại để riêng xíu mại và bánh mì. Khi ăn, thường người ta sẽ cắt bánh mì thành từng miếng nhỏ, chấm vào chén nước dùng xíu mại, cho thêm một chút sa tế để tạo vị cay cay. Ăn kèm với một chút ngò hay tép mỡ phi giòn thì ngon đúng điệu.

Ổ bánh mì nóng giòn tan trong miệng quyện với nước chấm thịt. Du khách còn cảm nhận được vị thơm của hành lá, ớt cay nồng thấm từng vị giác. Thưởng thức món này khi còn nóng cùng với tiết trời se se lạnh vào một buổi sớm ở Đà Lạt sẽ khiến tâm hồn du khách như được gột rửa, thảnh thơi hơn bao giờ hết.

14. Bột chiên

Bột chiên là món ăn rất ngon miệng lại khá nổi tiếng ở “xứ ngàn hoa”. Bột chiên nóng hổi giòn giòn hòa với vị béo ngậy của trứng, mùi hành phi thơm phức và vị chua chua cay của nước tương đã tạo nên một đĩa bột chiên trứng vô cùng hấp dẫn. Một đĩa bột chiên trứng thơm giòn, ăn kèm đu đủ xanh muối chua, nước tương đen, sa tế.

Một phần bột chiên tại Đà Lạt có giá khá rẻ, thường được bán ở quán ăn vặt Bà Triệu, quán bột chiên Trương Công Định, Bùi Thị Xuân…

15. Ốc Bươu nhồi thịt

Những món ăn tại Đà Lạt nổi tiếng đa phần là những món nóng hổi “vừa thổi vừa ăn” và ốc bươu nhồi thịt cũng nằm trong số đó.

Ốc bươu nhồi thịt ở đây đặc trưng bởi hình ảnh một chiếc thố to chất đầy ốc, đặt trên chiếc bếp củi luôn đỏ lửa để ốc luôn được nóng, dù khách có ăn chậm thì cũng không bị nguội, không sợ tanh hay mất đi mùi vị thơm ngon của món ăn.

Những con ốc được chọn rất vừa vặn, không quá nhỏ, cũng không quá lớn, sêm sêm nhau nên dù có đi theo nhóm thì cũng không sợ tranh giành. Ốc sau khi làm sạch sẽ được nhồi cùng với thịt, tẩm ướp nhiều gia vị để tạo nên hương vị thơm ngon, bắt miệng, vừa ăn, rồi nhồi lại phần vỏ ốc và cho vào hấp. Đặc biệt, bên trong mỗi con ốc nhồi thịt, ngoài phần sả băm nhuyễn cho vào thịt để ướp, người ta còn đặt thêm một nhánh sả để tăng mùi thơm và cho ốc thêm dậy vị. Bởi thế mà món ốc này ăn trong thời tiết lạnh thì lại càng thêm ngon bởi có chút ấm nóng từ sả.

Ốc đặt trên thố hấp còn nóng hổi, nghi ngút khói, chỉ việc kéo hai bên nhánh sả là cả miếng ốc cùng thịt được nhấc ra. Lúc này, bạn hãy chấm vào bát nước chấm được chuẩn bị sẵn. Đây là thứ nước chấm rất đặc biệt được pha riêng cho món ốc này.

Với rất nhiều gia vị như ớt, gừng… được pha chế theo bí quyết riêng của chủ quán, khi chấm ốc vào rất hợp vị. Thậm chí, có thể nói rằng nếu thiếu đi thứ nước chấm này thì món ốc bươu nhồi thịt này sẽ bớt ngon đi vài phần. Bên cạnh đó, ở nhiều quán cũng chuẩn bị cả rau sống, khế và chuối xanh thái mỏng để ăn kèm cho đỡ ngấy.

Trong một buổi tối Đà Lạt se lạnh, đôi khi còn có thêm chút mưa mà gọi một thố ốc, vừa ngồi bên bếp củi nóng hổi vừa thưởng thức từng con ốc đầy ắp nhân thì còn gì tuyệt vời bằng.

16. Bánh tằm khoai mì

Bánh tằm khoai mì là một món ăn ngon ở Đà Lạt rất hấp dẫn du khách đến đây bởi màu sắc bắt mắt nhiều màu xanh, đỏ, hồng, trắng được kết hợp khéo léo với nhau. Bánh được làm từ khoai mì, bột năng, đường, nước cốt dừa và màu thực phẩm để tạo cho bánh có những màu sắc bắt mắt. Khi ăn, người bán sẽ rắc thêm chút lạc rang cho bánh thêm thơm và bùi.

Địa điểm ăn uống món bánh khoai mì hấp dẫn này có ở hầu hết các chợ Đà Lạt. Các bạn có thể thoải mái thưởng thức món ngon Đà Lạt ở đây.

Vị thơm dịu và bùi béo của nước cốt dừa, lạc rang, độ dẻo dai của miếng khoai mì cùng màu sắc bắt mắt sẽ làm du khách thấy hấp dẫn muốn nếm thử ngay.

17. Dâu tây

Dâu tây có hình dáng đẹp, lại chứa nhiều chất bổ hơn cả cà chua, quả kiwi, hay hoa lơ xanh nên được các chị em rất ưa thích.

Đặt chân đến Đà Lạt, vào vườn tự tay chọn dâu thì khó mà kiềm lòng không cầm mấy quả mọng đỏ cứ thế cắn để nghe vị chua chua ngọt ngọt, thơm thơm lan tỏa và thú vị khi thấy hạt dâu lạo xạo rất thực trong khoang miệng. Ngoài ra, mứt dâu tây nước, dâu tây sấy, mứt dâu tây khô, dâu tây sữa… chế biến sẵn cũng là sự lựa chọn quà tặng hoàn hảo sau chuyến đi.

18. Hồng giòn

Trước kia, quả hồng chỉ thường được để chín, làm mứt hoặc sấy khô nhưng đến những năm gần đây, hồng giòn mới thật đưa thương hiệu hồng Đà Lạt vang xa. Thay vì để quả mọng đỏ, người ta thu hoạch hồng già sớm hơn một chút. Dù là hồng đầu bằng hay hồng trứng lốc đều được lựa kỹ càng, chọn riêng những quả lành lặn. Sau đó, hồng được đem ủ giòn.

Hồng giòn ăn lâu chán, cứ miếng ra miếng vào cả ngày mà dễ thành nghiện. Vừa ngon lại có tác dụng chữa bệnh trong đông y nên hồng giòn được khách du lịch ưa thích vừa mua làm quà, vừa để ăn vặt khi vi vu “thành phố ngàn hoa”.

19. Mứt hoa quả, trái cây sấy

Với đặc trưng khí hậu ôn hòa, mát mẻ và trời phú cho cao nguyên đất đai màu mỡ, tươi tốt, Đà Lạt thực sự là thiên đường của những trái cây được coi là hiếm ở một đất nước mà đặc trưng khí hậu là nhiệt đới gió mùa như Việt Nam ta. Như một lẽ tất nhiên, người dân Đà Lạt đã biết tới nghề trồng cây ăn quả, trồng hoa ôn đới và sản xuất các thứ mứt quả tuyệt vời từ những nông sản tươi ngon, bổ dưỡng đó. Đến Đà Lạt, du khách sẽ phải ngỡ ngàng trước hàng trăm loại mứt trái cây với nguyên liệu và công thức chế biến truyền thống. Mứt Đà Lạt nổi tiếng với các loại như: mứt Atiso, mứt dâu tây, dâu tằm, mứt khoai, mận, hồng dẻo sấy.

Các loại trái cây, rau củ sấy – là nét đặc sắc khác trong ẩm thực Đà Lạt. Từng hộp, từng gói ngon lành đủ màu sắc chế biến sẵn với các nguyên liệu ngay tại chỗ như khoai tây, mít, khoai lang… Loại nào cũng giòn tan như Snack thượng hạng, vị thanh giản không quá ngọt khiến từ trẻ em đến người lớn tuổi đều thấy phù hợp.

20. Rượu Vang Đà Lạt

Đà Lạt không chỉ nổi tiếng là “thành phố hoa” và rau quả, mà còn cả rượu Vang. Mặc dù không lừng danh như rượu Vang của Pháp, nhưng rượu Vang Đà Lạt là niềm tự hào của người dân nơi đây. Thức uống thơm ngon bổ dưỡng này được chế tạo từ nhiều làng nghề rượu vang Đà Lạt.

Vang là một loại rượu nhẹ được chiết suất từ trái cây tươi, mà phổ biến là nho, mận…, nhưng Vang Đà Lạt lại được chế biến từ trái dâu tằm. Cây dâu tằm làm rượu vang không giống với dâu mà người ta thường trồng để nuôi tằm. Thay vì ít lá, loại dâu này cho nhiều trái, những trái dâu đen thẫm, cuộn xoắn như từng chùm nho nhỏ xíu. Dâu làm rượu vang chỉ thích hợp trồng ở vùng khí hậu lạnh.

Người dân Đà Lạt rất thích uống rượu Vang, có lẽ là để giữ ấm cho cơ thể khi sống trong vùng đất sương lạnh gần như quanh năm. Dần dần, rượu Vang được xem như một trong những đặc sản truyền thống không thể thiếu trong các gia đình ở Đà Lạt cũng như là quà được ưa chuộng của những vị khách du lịch phương xa.

21. Sữa đậu nành

Đà Lạt thật là vùng đất làm người ta dễ béo! Ngay cả món thức uống mộc mạc như sữa đậu nành, khi nhâm nhi tại đây cũng trở nên thơm ngon đến lạ. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy các gánh sữa đậu nành nóng trên các con phố hoặc chợ đêm. Bất cứ lúc nào cần chút hơi ấm cho cơ thể, du khách hãy mua ngay một ly sữa đậu nành nóng hổi và ăn kèm với bánh ngọt. Cảm giác rất là “chill” luôn đấy!

22. Sữa chua phô mai

Ở Đà Lạt, sữa chua phô mai là một món tráng miệng ngon và rất đỗi quen thuộc, nó được bán hầu hết tại các quán ăn. Lớp sữa chua béo dịu kết hợp với lớp phô mai thơm béo, khiến du khách càng ăn càng ghiền.

23. Chè vừng đen

Thêm một món ăn hay ho khác của Đà Lạt là chè vừng đen (hay chè mè đen trong miền Nam). Chè vừng đen thơm thơm vị vừng, ngọt nhẹ, thoảng mùi dứa vô cùng quyến rũ. Địa điểm hiếm hoi bán món đặc sản này là con hẻm nhỏ ở đường Phan Đình Phùng. Du khách có thể hỏi thăm người dân địa phương để được dẫn đường đến quán. Quán rất đông người nên chỉ mở cửa từ 15:00 đến khoảng 17:00 là hết. Nếu có ý định ghé ăn thử, du khách nên đi sớm nhé!

24. Kem bơ

Chắc hẳn du khách mới chỉ được thưởng thức sinh tố bơ mà chưa được thử một lần trong đời một kem bơ bao giờ? Thế nên khi đến Đà Lạt đặt ra muôn vàn câu hỏi ăn gì thì chắc chắn người dân nơi đây sẽ giới thiệu ngay với du khách món Kem Bơ.

Bơ có vị béo ngậy nên khi được hoà trộn với vị ngọt của kem dừa thật kích thích với du khách làm sao. Màu xanh tươi của bơ hoà với màu trắng của kem dừa, rắc chút đậu phộng và dừa khô lên trên trông thật hấp dẫn.

Chỉ cần cảm nhận những thìa kem bơ mát lạnh tới tê lưỡi, du khách sẽ không thể quên được cảm giác tuyệt vời ấy. thưởng thức kem bơ trong thời tiết se lạnh của Đà Lạt cũng là một trải nghiệm thú vị.

Với 22 món đặc sản, du khách sẽ có những trải nghiệm hương vị ẩm thực thú vị ở Đà Lạt. Đặc sản nào cũng sẽ khiến du khách phải xuýt xoa, đánh thức mọi vị giác. Du khách hãy nhớ lưu lại bài viết của Airbooking và trải nghiệm ngay nhé!