[kkstarratings]
Từ lâu Trung Quốc đã thu hút du khách nhờ khung cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn hay những cổ trấn với phong cảnh hữu tình, nên thơ như lưu giữ lại tất cả những trầm mặc của thời gian. Sở hữu vé máy bay giá rẻ đi Trung Quốc của Airbooking, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những cổ trấn đẹp tựa như tranh ở đất nước này.
1. Phượng Hoàng Cổ Trấn
Phượng Hoàng cổ trấn là một trấn nhỏ của huyện Phượng Hoàng, phía tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, một nơi mà ai trong đời cũng ao ước được tới tham quan dù chỉ một lần.
Tiên cảnh và nét cổ trang tạo nên một thị trấn đậm nét mà ta chỉ thấy trong những bộ phim kiếm hiệp! Nếu ai chưa một lần đến đây, xem qua ảnh cũng đã choáng ngợp, thực sự là một vẻ đẹp hớp hồn người.
Kiến trúc ở nơi đây mang đậm phong cách riêng biệt của thành cổ. Bờ tường của quán và những cây cột gỗ chi chit giấy đính, được đóng vững chắc bằng đinh tán, phần lớn là được viết bằng chữ tượng hình của người Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Đoạn bờ sông của trấn chưa đầy một km có đến 10 cây cầu, một vài cây cầu trong số đó cực kỳ đặc biệt. Hồng Kiều duyên dáng với kiến trúc cầu có mái che, một chiếc cầu – nhà, được thiết kế theo phong cách “Phượng Hoàng” đặc trưng của cổ trấn. Một cây cầu gỗ ghép cong dưới chân một đoạn thác lùn róc rách, một bên còn có chiếc cọn nước rêu phong quay nhịp nhàng suốt đêm ngày. Đặc biệt nhất là cây cầu được đổ trụ bằng những cột đá theo nhịp bước chân, có hai luồng đi cho hai chiều ngược nhau, cách đó không xa là một cây cầu gỗ khác gồm những đoạn cầu bắc qua mố trụ đứng chênh vênh, bề rộng chỉ chừng hơn nửa mét.
Tại cổ trấn, du khách có thể tìm rất dễ dàng nhưng sinh hoạt rất đời thường của các dân tộc. Một vài người Miêu bên mẹt hàng nhỏ thêu thùa khâu vá hay làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng bạc rất khéo léo. Hay gặp người Hán đi lang thang bán cho du khách những chiếc vòng hoa đeo cổ, đội đầu xinh xinh. Hoặc người Thổ Gia làm đèn hoa bằng giấy với nhụy là một cây nến nhỏ, để ai đó có thể đốt lên ước mơ của mình và thả xuống dòng sông. Con sông Đà Giang chảy qua cổ trấn không quá sâu, đáy sông có nhiều tảo và rêu tạo cho mặt nước một màu xanh lục. Điểm thú vị ở chỗ dân trong thành thường ra bờ sông để tắm, giặt giũ, rửa rau, hoa quả trước khi đem bán ngoài chợ hoặc quanh phố cổ dù trong nhà cũng có phòng tắm riêng. Có hệ thống dẫn nước, có máy giặt nhưng chỉ dùng để vắt đồ. Và dường như tắm sông vào mỗi sáng hay mỗi chiều đã trở thành một nghi thức quen thuộc của người dân địa phương chốn này.
Con sông đã trở thành một kiểu du lịch cực kỳ thú vị, những con đèo chèo cho du khách đi du ngoạn khám phá cuộc sống người dân. Ban đầu Phượng Hoàng chỉ là một thành cổ nhỏ nằm về một phía của bờ sông. Theo thời gian, người địa phương chuyển sang sinh sống ở cả hai bên bờ, khiến dòng sông trở thành một điểm nhấn đặc biệt của thành.
Từ cây cầu lớn nối hai bờ sông Đà Giang dành cho xe cơ giới, Phượng Hoàng cổ trấn trải dài ngút tầm mắt với những mái ngói cổ âm dương dày dặn xám như đá tai mèo. Những phù điêu trên đầu mái cong vút một cách kiêu hãnh, như một niềm tự hào sâu sắc về một cổ trấn có tuổi đời 1.300 năm.
2. Ô Trấn
Nằm ở trung tâm của 6 thị trấn cổ phía nam của sông Dương Tử, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, Ô Trấn là thành cổ tuyệt đẹp với hơn 1300 năm lịch sử thể hiện qua những cây cầu đá cổ, những con đường lát đá và những công trình gỗ chạm khắc tinh tế.
Ô Trấn dài khoảng 2km và được chia thành sáu huyện theo 6 đặc trưng như làng nghề truyền thống, làng nhà cổ truyền thống, làng văn hóa truyền thống, làng ẩm thực truyền thống, làng đồ uống truyền thống, xóm chợ ven sông truyền thống. Nơi đây có khoảng 60.000 người nhưng chỉ có khoảng 12.000 người dân thường trú ở thị trấn cổ này.
Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng Ô Trấn vẫn giữ nguyên nét cổ xưa. Hơn 80% các ngôi nhà cổ và cửa hàng ven sông vẫn giữ nguyên trạng, soi bóng dưới mặt nước êm đềm, khiến du khách có cảm giác như đang sống giữa một vùng đất cổ xưa và thanh bình. Tất cả các ngồi nhà cổ đều hướng ra con sông vắt ngang qua thị trấn cổ này, do đó đường thủy và việc di chuyển bằng những chiếc thuyền gỗ nhỏ là hình thức giao thông chủ yếu ở Ô Trấn.
Cuộc sống yên bình bên bến nước với những buổi sớm mờ sương chính là vẻ đẹp đặc trưng của Ô Trấn mà hiếm thị trấn cổ nào có được. Ngoài ra người dân nơi đây cũng rất có ý thức giữ gìn nguồn nước sông luôn sạch sẽ.
Được bao bọc trong bởi những xứ sở thiên đường như Hàng Châu, Tô Châu và Thượng Hải, Ô Trấn đang xếp hạng đầu tiên trong số 6 cổ trấn ở phía Nam sông Dương Tử. Ngày nay, rất nhiều khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đã biết đến nơi này với vẻ đẹp thanh bình mộc mạc qua những hình ảnh đẹp như tranh từ những người tiên phong đến khám phá cổ trấn này.
3. Châu Trang
“Thượng giới có thiên đàng, hạ giới có Tô – Hàng, giữa có Châu Trang” – người Trung Hoa luôn tự hào như thế. Với nét đẹp hữu tình được bảo tồn nguyên vẹn của một thành phố bên sông cổ kính bậc nhất phía Nam sông Dương Tử, cổ trấn Châu Trang xứng đáng với tên gọi “Venice phương Đông” dành cho mình.
Nằm cách Thượng Hải khoảng 70km về phía Tây, cổ trấn Châu Trang là thành phố nước ra đời sớm và tiêu biểu nhất ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Châu Trang đã có từ thời Xuân – Thu (770–476 trước Công nguyên), nhưng đến thời Bắc Tống (960–1127), Châu Trang mới có tên gọi như hôm nay.
Châu Trang sở hữu tất cả những gì tiêu biểu cho một thị trấn thời xa xưa: những cây cầu đá cong cong vắt ngang con kênh, những ngôi nhà cổ rêu phong tường trắng mái đen soi bóng xuống dòng nước, những chiếc đèn lồng đỏ treo cao trước cửa những căn nhà cổ.
Bất chợt thấy một ông lão mặc bộ đồ từ thời xưa, tôi bèn đứng lại chụp ảnh, ông vui vẻ để tôi chụp cùng ông. Thế đấy, người dân ở đây thân thiện và dễ mến. Có lẽ vì cuộc sống bình dị ở thị trấn nước cổ xưa nhất Trung Hoa đã góp phần tạo nên tính cách hòa nhã của người dân nơi đây.
Du khách nên đi thuyền để thưởng ngoạn cảnh đẹp của thành phố. Giá đi thuyền chỉ có 50 tệ (khoảng 150.000 đồng). Những người chèo thuyền luôn chào đón du khách với nụ cười thật tươi. Trong tiết trời mát mẻ của mùa hè, bạn sẽ được thưởng thức cảnh đẹp yên bình của những hàng liễu rủ ven sông, ngắm các trà quán nhộn nhịp du khách… Điều đặc biệt ở nơi đây là hình ảnh những người phụ nữ vẫn giữ nguyên thói quen giặt giũ trên dòng sông như từ hàng trăm năm trước.
Trưa hoặc chiều, du khách có thể ghé vào một tiệm ăn nhỏ, gọi món mì hoành thánh và đậu phụ thối. Dù mang tiếng là thối, đây lại là một trong những món ăn được ưa thích nhất tại Trung Quốc, như món mắm của người Việt vậy.
Tham quan hết một ngày mới thấy, mọi sinh hoạt trong cổ trấn Châu Trang đều rất bình lặng. Trong những ngôi nhà cổ, người dân bán các mặt hàng truyền thống hay những sản phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó là những cửa hàng đậu phụ nghi ngút khói, cửa hàng gỗ với tiếng cưa cọt kẹt, cửa hàng thư pháp với cô gái mặc áo dài Tàu ngồi đăm chiêu bên khung cửa.
4. Châu Gia Giác
Nằm ở ngoại ô thành phố Thượng Hải, Châu Gia Giác nổi tiếng với hình ảnh thị trấn sông nước cổ kính, có niên đại hơn 1.700 năm, với diện tích khoảng 47 km2. Những dòng sông, kênh rạch, cầu đá cùng lối kiến trúc cổ từ thời nhà Thanh, nhà Minh khiến Châu Gia Giác có khung cảnh dịu dàng, đằm thắm tách mình khỏi chốn đô thị tấp nập, ồn ã.
Người ta nói rằng nếu đến Châu Gia Giác mà không tham quan những cây cầu là coi như du khách chưa hề đến đây. Những cây cầu cổ với kiến trúc cổ, độc đáo được xây dựng từ thời nhà Minh và nhà Thanh.
Du ngoạn bằng thuyền là cách tốt nhất để chiêm ngưỡng hết được vẻ đẹp nơi đây. Giá vé thuyền là khoảng 80 NDT một người (khoảng 280.000 đồng). Thuyền sẽ đưa du khách đi qua 36 chiếc cầu lớn bé nối liền các khu phố cổ. Đặc biệt trong đó có cầu Phóng Sinh – cây cầu đá lớn và cổ nhất ở Châu Gia Giác hay cầu Lang – cầu gỗ duy nhất của thị trấn…
Đến với Châu Gia Giác, du khách nên dạo một vòng tới những cửa hàng bán đồ lưu niệm như đồ dệt thủ công, đồ gỗ chạm khắc, cửa hàng phục vụ đồ ăn các loại, cửa hàng sách… Tất cả đều giữ nguyên vẹn nét văn hóa Trung Hoa cổ xưa.
Từ Thượng Hải, du khách có nhiều lựa chọn để tới thị trấn. Đặc biệt nhất có tuyến xe buýt giá chỉ 12 NDT (khoảng 50.000 đồng) từ cổng số 5 sân vận động Thượng Hải, rất phù hợp nếu du khách đi phượt.
5. Tây Đường
Tọa lạc ở huyện Gia Thiện, Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), cổ trấn Tây Đường (Xitang) từ lâu đã được mệnh danh là “thiên đường hạ giới”, và là điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi du lịch Trung Quốc.
Tây Đường là một cổ trấn đặc biệt của Trung Quốc, nơi đây gây ấn tượng với du khách bởi những chiếc cầu nhỏ xinh đẹp bắc qua dòng kênh. Tuy cổ trấn này đã có hơn một ngàn năm lịch sử, nhưng vẫn tràn đầy sức sống.
Tây Đường là một thị trấn sông nước, có tới chín con sông chảy qua địa bàn của Tây Đường chia thị trấn cổ này thành 8 phần được nối với nhau bằng 27 cây cầu đá cổ.
Trong phần phố cũ của Tây Đường, các tòa nhà được xây dựng dọc bờ các con kênh, vốn đóng vai trò là đường giao thông chủ yếu trong vùng. Ngoài ra Tây Đường còn có rất nhiều nhà, miếu cổ và giữ được không gian và cảnh quan yên tĩnh, vì vậy thị trấn này đã trở thành một địa điểm tham quan nổi tiếng ở Chiết Giang.
Đến Tây Đường mà không ngồi thuyền du ngoạn trên sông thì quả thật là một điều đáng tiếc. Khi đến buổi hoàng hôn, du khách có thể nghe tiếng cót két của những chiếc thuyền. Lúc này rất nhiều du khách xếp hàng dày đặc để có thể đi thuyền, ngồi trong thuyền êm ả trôi theo dòng nước, chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của cổ trấn.
Hiện cổ trấn Tây Đường được Cục Di sản văn hóa Trung Quốc lựa chọn là địa phương đầu tiên đứng vào danh sách “Trung Quốc lịch sử văn hóa danh trấn”.
6. Lệ Giang cổ trấn
Thành cổ Lệ Giang nằm ở huyện tự trị Naxi Lệ Giang, tỉnh Vân Nam bắt đầu được xây dựng vào cuối thời nhà Tống đầu thời nhà Nguyên. Đô thị cổ Lệ Giang thường được biết đến dưới tên gọi Đại Nghiên cổ trấn. Đây là một thành phố cổ tuyệt đẹp cả về phong cảnh và lịch sử, nơi sinh sống của các dân tộc Bạch (Bai), Nạp Tây và Tạng. Thành cổ này nằm trên độ cao 2.400m, trên cao nguyên Vân Quý, cách Côn Minh hơn 500km và có diện tích 3,8km².
Lệ Giang không có tường thành, được bao quanh bởi các ngọn núi quanh năm tuyết phủ. Lệ Giang nổi tiếng về hệ thống đường thủy và cầu cống, nên còn được gọi là “Venice của phương Đông”. Hệ thống sông Ngọc Hà trong nội thành Lệ Giang có 354 chiếc cầu. Những cầu nổi tiếng là: cầu Tỏa Thúy, cầu Đại Thạch, cầu Nam Môn, cầu Mã Yên, cầu Nhân Thọ… đều được xây dựng vào thời nhà Minh và Thanh (từ thế kỷ 14 đến thế kỳ 19). Trong đó cầu Đại Thạch cách phố Tứ Phương 100m là đặc sắc nhất.
Các phố xá trong thành cổ Lệ Giang đều giáp núi gần sông, dải đá màu đỏ, mùa mưa không lầy lội, mùa khô không bụi bặm. Những hoa văn trên mặt đá nền đường trông tự nhiên và thanh nhã, rất hài hòa với môi trường của cả thành cổ này. Phố Tứ Phương ở trung tâm thành cổ là phố cổ tiêu biểu của thành cổ Lệ Giang.
Phủ họ Mộc trong thành Lệ Giang vốn là dinh thự họ Mộc – thủ lĩnh thế tập của Lệ Giang. Dinh thự được xây dựng vào thời nhà Nguyên. Năm 1998 dinh thự được xây dựng lại và trở thành viện bảo tàng của thành cổ. Dinh thự họ Mộc rộng 46 mẫu, trong dinh thự có 162 gian nhà lớn nhỏ. Trong dinh thự treo 11 tấm biển do các đời vua ban tặng, phản ánh lịch sử hưng thịnh của gia tộc họ Mộc.
Ngôi lầu Ngũ Phượng của chùa Phúc Quốc được xây dựng vào năm thứ 29 Vạn Lịch đời nhà Minh (năm 1601), lầu này cao 20m. Do hình dáng bên ngoài của nó trông như năm con phượng hoàng từ xa bay đến, cho nên được gọi là “lầu Ngũ Phượng”. Lầu Ngũ Phượng đã tập hợp phong cách kiến trúc của các dân tộc Hán, Tạng và Naxi, là của cải quý hiếm, tiêu biểu điển hình trong kiến trúc cổ đại Trung Quốc.
Cụm kiến trúc cư dân Bạch Sa cách thành cổ Lệ Giang 8km về phía Bắc, nơi đây là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của khu vực Lệ Giang thời nhà Tống đến thời nhà Nguyên (thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 14).
Cụm kiến trúc nhà ở tại Thúc Hà cách thành cổ Lệ Giang 4km về phía Tây Bắc, thị trấn nhỏ bên cạnh thành cổ, những ngôi nhà của cụm kiến trúc này cao thấp khác nhau, bố cục của nó giống phố Tứ Phương…
Bố cục của thành cổ Lệ Giang vừa mang bộ mặt của thành phố núi, lại có dáng dấp của thị trấn nhiều hồ ao. Cư dân Lệ Giang hoà nhập tinh hoa của các dân tộc Hán, Bạch, Di, Tạng, lại mang phong cách độc đáo của dân tộc Naxi, là di sản quan trọng và hiếm hoi để nghiên cứu lịch sử kiến trúc và lịch sử văn hóa của Trung Quốc. Thành cổ Lệ Giang bao dung nền văn hóa truyền thống dân tộc phong phú, tập trung thể hiện sự hưng thịnh và phát triển của dân tộc Naxi, là tài liệu lịch sử quan trọng để nghiên cứu sự phát triển của văn hóa loài người.
Thành cổ Lệ Giang được công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 1997.
7. Hoành Thôn
Hoành Thôn là ngôi làng cổ có tuổi đời hơn 800 tuổi, nằm dưới chân núi Hoàng Sơn, thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc. Những ngôi nhà trong làng đều in đậm dấu ấn thời gian với mái ngói rêu phong, tường gạch cũ kỹ. Hiện nay, Hoành Thôn còn khoảng hơn 100 ngôi nhà cổ được bảo tồn nguyên vẹn từ thời nhà Minh, Thanh. Mỗi ngôi nhà cổ ở đây đều có nét khác biệt riêng, khiến du khách vô cùng thích thú khi ghé thăm.
8. Hoàng Diệu cổ trấn
Tọa lạc tại tỉnh Quảng Tây, cổ trấn Hoàng Diệu được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi dốc và còn có rất nhiều hang động dành cho du khách khám phá. Đến đây, du khách có thể thoải mái tận hưởng những ngày dài trên sông nước, thưởng thức rượu trên những con thuyền tre mộc mạc khi ghé thăm cổ trấn ven sông này.
9. Đài Nhi Trang
Đài Nhi Trang nằm ở tỉnh Sơn Đông, phía Bắc Trung Quốc là điểm đến mang đậm nét kiến trúc của thời kỳ nhà Minh và triều đại nhà Thanh của Trung Quốc. Mặc dù là một khu dân cư nhỏ, Đài Nhi Trang vẫn sở hữu rất nhiều ngôi chùa cổ, bảo tàng nằm xen kẽ bên những bờ kênh. Du khách tới đây còn có cơ hội xem các buổi biểu diễn múa rối nước, bắn pháo hoa bên sông vào tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần.
Nếu đã trót lòng bởi vẻ đẹp bình yên, trầm mặc của những thị trấn cổ trên, du khách hãy liên hệ ngay với Airbooking và đặt mua cho mình tấm vé máy bay giá rẻ đến Trung Quốc. Chắc chắn đây là sự lựa chọn tuyệt vời dành cho du khách.