[kkstarratings]
Nhạc Phi là một người yêu nước và là một vị tướng của nhà Nam Tống chống lại sự xâm lăng của nhà Kim của người Nữ Chân. Trước sau tổng cộng quân của ông đã đánh nhau với quân Kim 126 trận và toàn thắng. Ông là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc, chức tước của ông trước khi bị giết là Đại nguyên soái. Người Trung Hoa luôn lấy Nhạc Phi làm gương, đời đời kính nhớ người con chí hiếu, cũng là một người anh hùng dân tộc, một bậc sĩ phu dũng liệt trung thần.
Ông sinh ra ở huyện Thang Âm, Tương Châu, nay là huyện Thang Âm tỉnh Hà Nam. Theo chuyện kể lại, những ngày sau khi ông sinh ra thì ngập lụt của sông Hoàng Hà đã tiêu hủy làng của ông. Bố của ông đã chết đuối nhưng đã kịp thời cứu vợ và con của mình bằng cách thả họ trôi xuôi dòng nước trong một cái chum. Sau đó Nhạc Phi và mẹ ông định cư ở tỉnh Hà Bắc. Từ khi còn rất nhỏ ông đã thành thạo trong các chiến lược và chiến thuật chiến tranh cũng như võ thuật. Nhạc Phi khi còn trẻ đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc sau khi ông giết Tiểu Lương Vương Sài Quế trong một cuộc thi đấu Võ Trạng. Ông đã không tham gia vào các trận chiến chống lại người Nữ Chân cho đến khi ông 23 tuổi.
Theo truyền thuyết, mẹ Nhạc Phi đã xăm bốn chữ “tinh trung báo quốc” (tức tận trung báo quốc) trên lưng ông trước khi ông rời nhà. Câu này đã trở thành quan trọng nhất trong phần còn lại của cuộc đời ông.
Trong suốt 20 năm chiến đấu chống quân Kim, Nhạc Phi đã trải qua 26 trận, chưa bại trận nào, không hổ danh là “Thường thắng tướng quân”. Lịch sử gọi Nhạc Phi là người văn võ mưu trí, có những ưu điểm của Hàn Tín, Bành Việt, Chu Bột, Quán Anh, tác phong của Gia Cát Khổng Minh (Tống sử, “Nhạc Phi truyện”). Mỗi lần sắp vào cuộc chiến, Nhạc Phi đều triệu các chỉ huy để bàn bạc, mưu định xong mới đánh, cho nên mỗi lần đánh nhau ông đều chiến thắng. Bất ngờ gặp địch, ông không hề nao núng, người Kim có câu “Bạt núi dễ, đánh quân Nhạc khó”. Ông đã giúp nhà Tống thu hồi lại lãnh thổ phía nam sông Dương Tử và sông Hoài. Thế nhưng, tinh thần tận trung và hết lòng một cách mù quáng của ông đã bị 1 đời nhà Tống Trung Hoa phủ nhận.
Vua Tống Cao Tông lúc bấy giờ bạc nhược, hèn nhát và chỉ biết hưởng lạc đã nghe lời xúi giục của những quan nịnh thần, tham nhũng mà đứng đầu là tể tướng Tần Cối – kẻ tư thông với giặc Kim hãm hại, vu oan Nhạc Phi bằng án tử hình.
Ông và con trai của mình, Nhạc Vân, bị xử tội chết và bị hành quyết tại đình Phong Ba. Giai thoại kể rằng, Nguyên soái Hàn Thế Trung đã chất vấn Tần Cối: “xử tội Nhạc Phi, thế bằng chứng đâu?” Tần Cối trả lời: “Không có, nhưng cũng không cần có”. Ba chữ “không cần có” từ đó gắn liền với tên Nhạc Phi và đi vào tiếng Trung để chỉ những lời buộc tội ngụy tạo. Sau cái chết của Nhạc Phi, lòng dân khắp nơi oán hận, căm thù Tần Cối…
Ở kinh thành, có người bán bánh rong, trong lúc ế khách lấy bột ra nặn 2 chiếc bánh hình người, một hình đàn ông là Tần Cối, một hình đàn bà là Vương Thị vợ hắn. Nặn xong, 2 cái bánh bị ném vào chảo mỡ sôi sùng sục. Ông rán chiếc bánh như đang hành hình hai kẻ bán nước hại dân để thỏa lòng căm tức. Dân chúng đi ngang qua, thấy lạ bèn đặt làm vài chiếc. Một đồn mười, mười đồn trăm, món bánh này ngày một lan rộng. Ngày nào cũng có người đến xếp hàng để chờ rán và ăn ngay tại chỗ.
Chuyện đến tai Tần Cối, hắn cho quân lính đến bắt cửa hàng bán bánh nọ. Nhưng do binh lính cũng đồng tình với lòng dân nên họ cố tình trùng trình đánh động để người bán bánh trốn thoát. Họ trốn khỏi kinh thành và tiếp tục bán bánh kiếm ăn. Nhưng do ở trong tình thế bị săn đuổi, phải cảnh giác ngó trước ngó sau, nên họ không còn đủ thời gian nặn bánh thành hình người như trước nữa mà chỉ còn vê hai thỏi bột dài rồi quấn vào nhau, giả làm 2 vợ chồng Tần Cối.
Thấy bánh dễ làm, lại ăn ngon, món đó được lan truyền rộng rãi khắp nước. Tên của món bánh đó là “Du Gia Quỷ” hay “Dầu chá kuảy” hàm ý mong cho cặp vợ chồng kẻ phản nghịch bị nấu trong chảo dầu ở địa ngục. Âm “Kuảy” có nghĩa là quỷ mà cũng trùng âm là “Cối” tức dầu chiên Tần Cối.
Đến đời Tống Minh Tông, mọi chuyện sáng tỏ, Nhạc Phi được minh oan, được đem hài cốt về chôn và lập miếu tại Hàng Châu. Người ta cũng làm 2 pho tượng sắt theo hình vợ chồng Tần Cối đặt quỳ ở trước mộ tạ tội, trong khuôn viên miếu Nhạc Phi. Người tới viếng mộ Nhạc Phi thường nhổ nước bọt hoặc cầm dùi đập vào đầu tượng cho hả giận, người đời nhân đó có câu đối:
“Thanh sơn hữu hạnh mai trung cốt,
Bạch thiết vô cô chú nịnh thần”
(Núi xanh có phúc được vùi xương người trung nghĩa,
Thép trắng tội tình gì mà phải đúc nên đầu kẻ gian nịnh).
Nhạc Phi được coi như là một trong các biểu tượng lớn của lòng yêu nước và là anh hùng dân tộc của Trung Quốc. Và lời kêu than tận trung và hết lòng vì nước non bị bọn gian thần làm ô nhục đã được ông viết trong bài từ Mãn giang hồng, được lưu truyền đến tận ngày nay:
“Ngưỡng thiên trường khiếu,
Tráng hoài khích liệt.
Tam thập công danh trần dữ thổ,
Bát thiên lý lộ vân hoà nguyệt.
(…)
Tráng chí cơ xan Hồ lỗ nhục,
Tiếu đàm khát ẩm Hung Nô huyết”.
Dịch:
“Ngóng trời xa,
Uất hận kêu dài,
Hùng tâm khích liệt.
Ba mươi tuổi cát bụi công danh,
Tám nghìn dặm dầm sương dãi nguyệt.
(…)
Đói, vùng lên ăn thịt giặc Hồ,
Khát, cười chém Hung Nô uống huyết”.
(Nam Trân dịch)
Bài từ Mãn giang hồng được người Trung Hoa trên toàn thế giới biết tới và mộ của ông ở Tây Hà, Hàng Châu được nhiều người viếng thăm. Ngoài ra, trong chương trình giảng dạy của trường tiểu học tại Trung Quốc ngày nay học sinh được học ít nhất một bài về Nhạc Phi.
Viếng thăm Đền Nhạc Phi trong hành trình du lịch Trung Quốc cùng vé máy bay giá rẻ của Airbooking chắc chắn sẽ đem đến cho du khách những sự hiểu biết lý thú về các danh tướng trong lịch sử Trung Quốc.
0 Comment