Phú Quốc, nơi có biển xanh nắng vàng, bờ cát trắng mịn, có vẻ đẹp núi rừng hùng vĩ, có hải sản tươi ngon hấp dẫn. Và tại “đảo Ngọc” xinh đẹp này còn nổi tiếng với những lễ hội truyền thống đặc sắc và ý nghĩa.
LỄ HỘI NGHINH ÔNG
Phú Quốc cũng như bao mảnh đất được bao bọc trong biển cả tại Việt Nam gắn bó với nghề làng chài, đánh bắt. Bởi vậy, người dân Phú Quốc rất coi trọng các nghi lễ tạ ơn thần biển, cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống người dân ấm no. Hiếm có hòn đảo nào vừa có truyền thống văn hóa lâu đời lại sở hữu nét đẹp tự nhiên như “đảo ngọc” Phú Quốc. Hòa mình vào Lễ hội Nghinh Ông trên đảo, du khách sẽ thêm hiểu hơn về đời sống văn hóa của người dân xứ biển.
Tại Phú Quốc, Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ hội này được tổ chức nhằm thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn với Đức ngài Cá Ông – một biểu tượng thiêng liêng về biển cả cũng như cầu mong sự thuận lợi cho các ngư dân khi ra khơi.
Theo phong tục, nghi thức của Lễ hội Nghinh Ông ở Phú Quốc được chia thành 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ rước và lễ tế. Trong phần lễ, người dân sẽ rước kiệu Nghinh Ông từ biển và rước về lăng, dọc theo đường rước, ngư dân sẽ bày các lễ vật ra để nghênh đón, cùng với đó là các đoàn múa lân, sư tử nhảy múa chào đón “Ông” vô cùng nhộn nhịp. Sau lễ rước là lễ tế đầy trang trọng của ngư dân với tất cả sự thành kính. Sau cùng là phần hội, người dân sẽ tổ chức ăn mừng và múa hát vui nhộn.
Sau phần lễ trang nghiêm là phần hội rộn ràng với tiếng cười của người dân, phần hội gồm các nghi thức rước Ông ra biển với hàng trăm ghe tàu lớn nhỏ được trang trí hoa đẹp rực rỡ cùng các nghi thức lễ cúng trang trọng. Đến Phú Quốc và hòa mình vào Lễ hội Nghinh Ông, du khách mới thấu hiểu được đời sống tinh thần và những ước mơ rất đỗi giản dị của người ngư dân. Mỗi khi phần hội bắt đầu, vùng biển Phú Quốc tựa như một biển hoa rực rỡ sắc màu giữa đại dương, những tiếng trống đánh thúc giục, tiếng cười nói xôn xao thật bình dị và hạnh phúc mà chốn phồn hoa đô thị không thể có được.
Tham gia Lễ hội Nghinh Ông, du khách còn được trải nghiệm với nhiều trò chơi truyền thống hấp dẫn trong phần hội như: hát bội, đua thuyền, bắt vịt, trói cua… và thưởng thức những món ăn truyền thống. Thế mới biết được Phú Quốc không chỉ mang nét đẹp thơ mộng của tự nhiên mà còn đẹp cả trong tâm hồn những người dân giản dị, mến khách.
LỄ HỘI NGUYỄN TRUNG TRỰC
Lễ hội Nguyễn Trung Trực được bắt đầu tổ chức vào năm 1996, khi đền thờ vị anh hùng này được xây dựng trên địa bàn xã Gành Dầu – cách trung tâm huyện Phú Quốc gần 40km. Đây là lễ hội mang ý nghĩa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc, tôn vinh và ghi nhận công lao của những vị anh hùng đã hi sinh vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, lễ hội Nguyên Trung Trực cũng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hiện tại và mai sau.
Ngày nay, cứ vào ngày 27/8 đến ngày 3/10 âm lịch hàng năm, lễ hội lại được tổ chức tại xã Gành Dầu đã thu hút đông đảo người dân từ khắp mọi nơi và cả khách du lịch đến tham dự.
Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm theo đúng nghi lễ truyền thống, với các nghi lễ như: Lễ thượng đại kỳ, phần hương, tế đàn cả,… Phần hội chủ yếu là các trò chơi dân gian, những hình thức giải trí sôi động như: múa lân, hội thi thể thao, chợ phiên,… chương trình văn nghệ tái hiện lại lịch sự, hình tượng vị anh hùng dân tộc. Ngoài ra, tại lễ hội còn tổ chức các hoạt động giao lưu nhằm tăng cường tình đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể kể đến một số hoạt động có quy mô lớn như: Liên hoan Đàn, hát dân ca 3 miền; liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long,… Và đến với lễ hội, du khách còn có thể tìm hiểu vẻ đẹp của đền thờ khá giản dị khiêm tốn không quá đặc sắc như những đền thờ khác – đây được coi là điểu đặc biệt của đền Nguyễn Trung Trực.
LỄ HỘI DINH BÀ ÔNG LANG
Lễ hội Dinh Bà Ông Lang là một lễ hội truyền thống của người dân trên đảo Phú Quốc, cũng giống như những lễ hội văn hóa khác, nó thể hiện những giá trị văn hóa lịch sự truyền thống của cha ông chúng ta để lại từ bao đời nay
Hàng năm, Lễ hội Dinh Bà Ông Lang lại được người dân địa phương tổ chức tại Dinh Bà Ông Lang (ấp Ông Lang, xã Cửa Dương) vào hai ngày 18 và ngày 19 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng nhớ công lao của vợ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực – Bà Kim Giao. Thông qua lễ hội, người dân mong cầu bình an, sức khỏe, cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Lễ hội luôn thu hút rất đông đảo khách thập phương đến để thắp hương, hành lễ cầu mong cho một năm mới an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, thuận buồm xuôi gió,… Không chỉ đối với những người lớn tuổi, những đôi bạn trẻ hay những cặp đôi trai gái yêu nhau cũng thường đến đây cầu mong được sống chọn đời bên nhau.
Trước khi diễn ra lễ hội, người dân địa phương đã có nhũng khâu chuẩn bị vô cùng chu đáo, kỹ lưỡng để đảm bảo cho du khách đến với một lẽ hội văn minh nhất.Những du khách đến với lễ hội cũng sẽ thắp hương hành lễ để cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình mình. Đặc biệt, đến vào ngày lễ hội người dân và du khách đến đây thắp hương hành lễ còn được thưởng thức các món ăn chay và mặn của Dinh, đây là một bữa ăn chay vô cùng thú vị và có ý nghĩa.
Ngoài ra, du khách còn được tham quan toàn bộ khu Dinh và tham gia vào các trò chơi đang được tổ chức tại đây, được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng trên đảo Phú Quốc, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí được tổ chức trên đảo. Tất cả tạo nên một bức tranh sống động về những hoạt động và khám phá vô cùng thú vị dành cho những du khách cả trong và ngoài nước khi đến du lịch Phú Quốc vào dịp lễ hội độc đáo và có ý nghĩa này.
LỄ HỘI DINH CẬU
Khi đặt chân đến đảo Phú Quốc vào dịp Lễ hội Dinh Cậu (15/10 âm lịch), du khách không chỉ được khám phá, hòa mình vào không khí vui vẻ, nhộn nhịp và sôi động tại lễ hội mà còn được người dân nơi đây kể lại câu chuyện truyền thuyết về Lễ hội Dinh Cậu truyền thống của Phú Quốc.
Theo như các cụ kể lại rằng thì từ xa xưa, người dân ở biển đảo Phú Quốc đã sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá. Đây là một công việc khá là nguy hiểm với nhiều rủi ro có thể xảy đến, khi ra khơi nhiều ngư dân gặp phải mưa bão, sóng biển dữ dội và có khi là không bao giờ trở về. Và rồi một ngày kia bỗng xuất hiện có một mũi đá xuất hiện ngay cửa biển và các ngư dân nơi đây cho rằng đó chính là điểm linh ứng, nên đã cho xây dựng một ngôi miếu tại đó để cầu mong thần linh che chở, bảo vệ. Ban đầu Dinh được làm khá thô sơ chỉ bằng cây, lá và sau nhiều lần trùng tu cho đến nay Dinh đã trở nên khang trang và bề thế hơn. Tuy nhiên, nơi đây vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp cổ xưa vốn có của nó. Từ đó cho đến ngay, cứ vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm là những người ngư dân và cả khách bốn phương lại về đây để tụ họp và làm lễ thắp hương cầu cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, chuyến đi bội thu và sự bình an của những ngư dân khi ra khơi đánh bắt.
Lễ hội được chuẩn bị rất chu đáo và được tổ chức vô cùng long trọng, trang nghiêm. Trong lễ hội thường được tổ chức làm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức rất trang trọng ngay trong khuôn viên của Dinh Cậu, bao gồm các nghi thức lễ nghinh cậu, lễ yết cậu, lễ chánh tế,… Đây là một phần lễ rất có ý nghĩa nhằm cầu bình an cho bà con ngư dân biển đảo và mong có một vụ mùa làm ăn tốt đẹp.
Phần hội là phần sôi nổi, hào hứng nhất dành cho những người tham gia với nhiều cuộc thi, trò chơi hấp dẫn được diễn ra ngay trên biển và trên bờ gần khu vực Dinh Cậu như: đua thuyền trên biển, đi cà kheo, bắt vịt trên biển, đập nồi, nhảy bao bố,… Trong rất nhiều các trò chơi được tổ chức thì có thể thấy vui nhộn nhất chính là trò bắt vịt trên biển. Theo luật chơi của ban tổ chức, hàng chục con vịt sẽ được mang ra thả trên biển cách bờ khoảng độ vài chục mét. Những người dân hay bất kì một du khách nào nếu như muốn tham gia thì ai cũng có thể bơi ra đó để bắt vịt và mang về nhà. Tuy nhiên, để bắt được một con vịt cũng chẳng phải là môt chuyện dễ dàng gì bởi người chơi phải vừa bơi vừa bắt, vịt lại bơi rất nhanh, trong khi đó sóng biển thì lại đánh liên tục vào người nên khi kết thúc cuộc chơi có người thì trắng tay, nhưng có những người lại bắt được tận 2 đến 3 con.
Là một lễ hội độc đáo và ý nghĩa, vì vậy mà Lễ hội Dinh Cậu luôn thu hút lượng người tham gia đông đảo, không chỉ là những ngư dân trên đảo, những người dân địa phương mà còn cả những khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại biển đảo Phú Quốc cũng chọn ngày này để tới và hòa chung với không khí sôi động của lễ hội cũng như khám phá những điều đặc sắc hấp dẫn tại nơi đây.
LỄ HỘI ĐUA THUYỀN
Trong các hành trình du lịch Phú Quốc, du khách có cơ hội thưởng thức nền ẩm thực đa dạng với sự hòa trộn của người miền Tây Nam Bộ, miền Trung, người Khơ-me và người Hoa, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc mà không nơi nào sánh được, các lễ hội dân gian cũng được tổ chức hàng năm rất nhiều trong đó có hội đua thuyền.
Cuộc thi đua thuyền trên biển được tổ chức trước đây chỉ với phạm vi trong khu phố ven biển, từ cuộc thi đó đã được huyện đảo Phú Quốc phát động thành cuộc thi đua thuyền trên biển cấp huyện diễn ra đầu tiên tại huyện đảo Phú Quốc chào mừng dịp lễ 30/4. Hàng năm, lễ hội này được tổ chức với quy mô khá lớn, được thanh niên nam nữ trên đảo ủng hộ khá nhiệt tình, thu hút số lượng đăng ký tham gia lớn. Điều này thể hiện nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của cư dân trên đảo, vừa mang tính truyền thống của người dân đảo Phú Quốc nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, được duy trì hàng trăm năm nay.
Cuộc thi đua thuyền được diễn ra tại bãi biển Dinh Cậu nổi tiếng. Ở đây, các đội đua đến từ các khu vực khác nhau sẽ tập hợp lại và trổ tài đua thuyền để có thể giành được chiến thắng cuối cùng. Cùng với không khí cạnh tranh của các đội đua chính là bầu không khí cổ vũ vô cùng nhiệt tình và sôi nổi của người dân ở trên bờ. Nhờ bầu không khí nào nhiệt này, lễ hội không những thu hút sự tham gia của người dân mà còn có cả những du khách đến đây để hòa mình vào không khí lễ hội này.
Lễ hội đua thuyền chính là nét đẹp văn hóa thể thao truyền thống từ ngàn xưa đáng trân trọng, giữ gìn và phát triển không chỉ đối với riêng Phú Quốc mà còn cả những vùng biển khác trên cả nước. Lễ hội này cũng là dịp để người dân Phú Quốc tập luyện và thử thách sự dẻo dai, rèn luyện ý chí và kích thích người dân phấn đấu vươn lên làm ăn, xây dựng quê hương giàu đẹp. Lễ hội này cũng là cơ hội nhắc nhở về truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.
LỄ HỘI ĐÌNH THẦN DƯƠNG ĐÔNG
Đình Thần Dương Đông tọa lạc trên đường 30 tháng 4, khu phố 1, thị trấn Dương Đông. Đây là địa điểm thể hiện tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của người dân trên huyện đảo Phú Quốc. Hằng năm, hội đình mở vào các ngày 10-11 tháng Giêng âm lịch và rằm tháng Bảy âm lịch để tưởng nhớ những người có công trong việc mở làng lập ấp. Vào những ngày này, nhân dân quy tụ về rất đông để cúng thần và cầu nguyện được thần phù hộ, che chở. Đây cũng là dịp khách tham quan có thể thưởng thức những tiết mục văn hóa lễ hội đặc sắc của cư dân trên đảo.
Vào những ngày này tất cả tập thể Ban tế tự, hương chức và dân làng đều có mặt đông đủ để hưởng trọn đêm cầu lễ thần – ban hát, nhạc, ăn chay, niệm Thần để cầu nguyện mưa thuận, gió hòa, mùa màng được tốt, bội thu, con cháu đoàn tụ sum vầy.
Lễ Đình Thần Dương Đông ngoài những thú vui chơi, văn nghệ còn là một nhu cầu hướng con người vào tâm thánh thiện. Trên bước đường đi tới ấm no hạnh phúc, non nước thanh bình. Người dân đến đây thắp hương hành lễ được tham quan, vui chơi còn được thưởng thức các món ăn dân gian, đặc sản của Phú Quốc. Đình bao gồm các khu như: khu hành hương, vui chơi, ăn uống, bãi đậu xe, an ninh trật tự… mọi thứ đã chuẩn bị tươm tất và lúc nào cũng sẵn sàng chào đón các bà con trên đảo và khách thập phương đến tham quan cúng bái.
ĐẠI LỄ TRAI ĐÀN
Du lịch Phú Quốc vào 2 ngày cuối của tháng 7 âm lịch hàng năm, du khách sẽ có cơ hội tham gia Đại lễ Trai Đàn được diễn ra tại Sùng Hưng Cổ Tự – ngôi chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 theo phong cách truyền thống “trước miếu, sau chùa”. Trong sân chùa có tượng Quan Âm Nam Hải, kế sau là cột cờ. Bên phải có miếu thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, bên trái có miếu thờ bà Chúa Xứ Nương Nương,. Hai bên Chánh điện thờ Ngũ Điện Diêm Vương và Thập Điện Diêm Vương. Trên bàn thờ chính còn thờ nhiều vị thần thánh khác. Sau Chánh điện là khu Hậu tổ và Hậu liêu. Đường lên viếng đài Phật tổ A Di Đà ở bên hông chùa. Phía sau là tượng phật Thích Ca Niết Bàn được xây dựng vào năm 1960 và một số ngôi miếu thờ khác.
Đại lễ Trai Đàn được diễn ra với một số nghi thức tế lễ như: Thỉnh Tiêu Diện Thượng Giàn, Công Phu, Động Đàn, Thí cổ (Xô Đụng), Tiếp đãi quan khách,… Đến với lễ hội này, du khách còn được nếm những mâm cỗ chay do chính các Phật tử và người dân nơi đây làm.
Nét đẹp Phú Quốc dễ làm say đắm lòng người nay lại thêm những lễ hội văn hóa cổ truyền vẫn còn lưu giữ lại càng thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với Phú Quốc. Nếu có dịp đến đây, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội tham gia những lễ hội truyền thống đặc sắc này nhé!
0 Comment