Hội An – vùng đất của những lễ hội, nơi diễn ra những hoạt động thú vị, năng động. Hàng năm, số lượng lớn lễ hội ở Hội An sẽ được diễn ra và việc của du khách là nạp thật nhiều năng lượng và trải nghiệm những lễ hội đặc sắc này.

Lễ hội Hoa Đăng

Mỗi tháng một lần, vào ngày 14 âm lịch, phố cổ Hội An lại trở nên đẹp lộng lẫy với Lễ hội Hoa Đăng. Từ 16h, các tuyến đường ven sông Hoài thuộc khu phố cổ đã cấm xe cộ lưu thông, và đến 18h, những dãy đèn lồng đã được thắp sáng.

Trên sông, những con vật khổng lồ hiện lên sáng rực rỡ, chiếc cầu nhỏ xinh được thắp sáng bởi đèn lồng lớn nhỏ. Người dân Hội An và khách du lịch đi lại rất đông ở khu vực này với một trạng thái nhẹ nhàng và lãng mạn. Dọc theo các tuyến phố, ánh điện trở nên chìm khuất bởi sắc màu của đèn lồng trên các khung cửa gỗ. Người dân Hội An yêu sản phẩm của quê mình đến độ từng chiếc đèn soi bảng hiệu, từng đèn trang trí… đều được thắp bằng đèn lồng. Thậm chí, có những cửa hiệu tắt hẳn đèn điện bình thường, chỉ dùng những dãy đèn lồng nhiều màu sắc để soi sáng đồ vật.

Trên đường, khách du lịch rất hứng thú với lễ hội thả đèn hoa đăng. Đây là thông lệ của Hội An từ nhiều năm nay, và không ít người đến đây với mục tiêu chính là đêm hội độc đáo này. Những chiếc đèn hoa đăng làm bằng giấy nhiều màu sắc, giá chỉ 2.500-5000 VNĐ/chiếc được bán dọc theo đoạn sông trung tâm của phố. Tại đây, khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ không ngần ngại mua đèn hoa đăng để thả xuống sông mang theo những ước mong. Để lãng mạn hơn, các đôi tình nhân hoặc nhóm bạn có thể thuê một chiếc thuyền nhỏ và lững lờ trôi theo dòng nước, mang theo từng đèn hoa đăng nhỏ xinh ra giữa lòng sông rồi thả xuống.

Thành phố Hội An trầm lắng, dù là lễ hội với lượng khách rất đông đảo như mọi thứ luôn chuyển động rất nhẹ nhàng, thư thái và an toàn. Có lẽ vì nhịp sống như vậy nên đến khoảng 22h là mọi hoạt động đã ngừng lại, đến 23h thì ở khu lễ hội mọi ánh sáng lung linh đã nhường chỗ cho những ngọn đèn hiu hắt và vài hàng ăn nhỏ bên vỉa hè. Vì thế, khi đã hết những nơi để mua sắm, chụp ảnh, để kết thúc một đêm thú vị ở Hội An, du khách có thể ghé vào một quán bar, cùng gọi món đồ uống yêu thích và trò chuyện với bạn bè.

Lễ Giỗ Tổ làng mộc Kim Bồng

Từ ngàn xưa, dân gian Việt có câu: “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn” – như để nhắc nhở con cháu luôn nhớ về cội nguồn gốc rễ của mình. Vì thế, hàng năm cứ vào ngày mùng 6 tháng Giêng, người dân Làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim) bằng tấm lòng thành kính đã làm lễ tưởng nhớ ơn công đức của các vị tổ nghề mộc Kim Bồng.

Lễ Giỗ Tổ làng mộc Kim Bồng gồm có 2 phần:

Phần lễ được tổ chức tại đình Tiền Hiền – nơi thờ cúng các vị Tiền hiền, các vị Tổ của các nghề – được diễn ra tại đình tiền hiền dưới sự chủ trì của các bô lão trong làng. Sau khi lễ xong các cơ sở, hộ sản xuất nghề mộc, tàu thuyền, xây dựng,… tiến hành cúng tổ và “phát mộc” tại cơ sở và hộ gia đình của mình.

Phần hội được diễn ra ở trung tâm làng nghề với đa dạng các hoạt động như trình diễn nghề chạm trổ, dệt chiếu, đan rổ, dệt chiếu, chợ quê…

Lễ hội Cầu Bông

Thường niên vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch, nhiều khách du lịch khắp nơi lại đổ về làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP. Hội An) để cùng người dân nơi đây dự Lễ hội Cầu Bông.

Lễ hội Cầu Bông là dịp để người dân làng Trà Quế bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân có công khai phá làng rau. Đồng thời cũng là dịp để nhân dân cầu mưa thuận gió hòa, làng rau bội thu và giới thiệu với khách du lịch về nghề trồng rau truyền thống 500 năm của mình.

Từ sáng sớm, các bậc cao niên trong thôn sẽ tập trung về đình làng để chuẩn bị cho buổi lễ cầu bông. Trước đoàn nghinh thần là hai hàng cờ, biển, theo sau kiệu thần là trống chiêng, đồ gia lễ, đội nhạc cổ và các nghệ nhân, các bô lão trong sắc phục áo dài, khăn đóng tiến về đình làng. Lễ nghinh thần của làng rau Trà Quế bao giờ cũng có thêm phụ nữ mặc áo dài, trên tay bưng mâm ngũ quả. Trong khi đó, tại mỗi gia đình trong thôn cũng bày biện một mâm lễ vật để cầu bông. Sau khi các gia đình trong thôn cúng xong thì tập trung về đình làng dự lễ cả làng. Đúng 8 giờ sáng, 6 tổ trong thôn cử người bưng mâm cỗ tiến về đình làng.

Các phẩm vật được dân làng dâng cúng trong Lễ Cầu Bông ở làng rau Trà Quế là các sản vật từ chăn nuôi và trồng trọt trên đất làng. Lễ vật nhất thiết phải có một con gà trống thiến miệng ngậm hoa và mâm xôi nhuộm màu được cắm hoa rực rỡ. Các bô lão trong làng khăn mão chỉnh tề rước mâm lễ của mỗi tổ về nơi tế lễ ngay giữa những luống rau xanh tươi mơn mởn của làng.

Sau khi các mâm cỗ của các tổ được bày biện, vị chánh bái đốt nhang và xướng “Khởi chinh cổ” thì nghi lễ cầu bông chính thức được bắt đầu.

Sau khi tế lễ xong, thanh niên trong thôn phụ giúp các bậc tiền hiền hạ cây nêu. Các cụ cao niên tập trung lại để xem giò gà đầu năm, nếu giữa bàn chân gà đầy đặn thì xóm làng bình an, khá giả, hoa trái tốt tươi. Đó cũng nghi thức để bà con làng rau làm lễ tịch điền đầu năm.

Sau phần lễ, phần được đông đảo bà con trong vùng và khách du lịch hào hứng tham gia là phần hội. Mỗi năm lịch thi có khác nhau. Các cuộc thi như làm tôm hữu, thi thố các kỹ năng xới đất chăm bón cây với sự tham gia của các người giỏi nhất tạo nên bản sắc riêng cho lễ hội này.

Ở một không gian khác, trong nhà tiếp khách ghé thăm làng, người dân và du khách lại có dịp thưởng thức tài năng ẩm thực của các bà nội trợ Trà Quế. Những món ăn dân giã như cao lầu, canh rau diếp cá, các món xào… không chỉ ngon miệng mà còn ngon mắt khi được trình bày khéo léo. Bữa cơm thết khách của làng rau Trà Quế không thể thiếu món tam hữu là món đặc sản có tiếng của làng. Tôm tươi, thịt heo ngon được cuộn khéo léo với các món rau húng lủi, hành lá… thật hấp dẫn.

Lễ hội Cầu Bông là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân làng Trà Quế góp phần bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo thêm sản phẩm đặc biệt cho khách du lịch đến đây có góc nhìn mới là hơn về làng rau Trà Quế của mảnh đất Hội An thân thương.

Tết Nguyên Tiêu

Đối với cộng đồng người Hoa ở Hội An, Tết Nguyên Tiêu không chỉ là Tết thuần túy mang thú vui thưởng ngoạn mà còn ý nghĩa tâm linh lớn lao, cúng các vị tiền hiền, vừa cầu mong cuộc sống tốt đẹp no đủ, buôn bán phát tài. Đây còn là ngày các quan trời ban bố phước lành cho mọi người trên thế gian, do vậy phải tổ chức cúng tế cầu an, cầu phước, đồng thời mở hội vui chơi để chuẩn bị bước vào công việc của năm mới với nhiều ước vọng như ý. Ngoài phần nghi lễ truyền thống, trong lễ Nguyên Tiêu còn tổ chức múa lân, chơi bài chòi. Lễ hội thu hút khá đông du khách tham dự.

Hằng năm, sau ngày khai hạ mồng 7 tháng Giêng, người dân Hội An nô nức chuẩn bị ăn tết Nguyên Tiêu. Đây vừa là dịp lễ hội, vừa là ngày cúng tế cầu an, tế tự của nhiều di tích tín ngưỡng trên địa bàn Hội An và một số hội quán của người Hoa trong Khu phố cổ.

Ở Hội An, vào dịp Nguyên Tiêu các đình làng, chùa chiền và Hội quán đều tổ chức cúng tế long trọng, giăng đèn kết hoa rực rỡ không khí chuẩn bị nhộn nhịp vui tươi chẳng khác gì những ngày giáp Tết. Đặc biệt những bang Quảng Triệu, Triều Châu không chỉ tổ chức cúng cầu an bình thịnh vượng mà đồng thời là ngày tế tự Tiền hiền và làm ngày gặp mặt thường niên của con cháu xa gần trong bang. Ở mỗi hội quán đều trang trí cờ hoa rực rỡ, đèn lồng nhiều màu sắc, bên trong các khám thờ cũng được trang hoàng lộng lẫy, trang nghiêm. Trên đường phố, người dân, du khách thưởng thức các đặc sản ngày Tết của phố Hội như bắp nướng, chè bắp, bánh ít, bánh khoai, bánh ít tạo nên không khí vui tươi, sôi động trong phố cổ.

Lễ hội đua ghe

Lễ hội đua ghe được tổ chức cùng với Tết Nguyên Tiêu với mục đích bảo tồn văn hóa truyền thống từ nhiều năm nay.

Tại các làng chài ven sông, biển Hội An, đua ghe là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu, thường diễn ra trong dịp mừng xuân từ mùng 2 đến mùng 7 tháng Giêng, cầu ngư vào rằm tháng 2 và cầu an vào khoảng trung tuần tháng 3 âm lịch. Theo quan niệm dân gian, đua ghe là dịp làm vui lòng các thánh thần thượng sơn hạ thủy và những đấng khuất mặt đã phù hộ cho thôn xóm bình yên. Trước mỗi cuộc đua ghe, các làng xã náo nhiệt chuẩn bị, tập luyện. Chiến thắng trong các cuộc đua là niềm tự hào của dân làng, có ý nghĩa mang lại vận may trong mùa màng sắp tới.

Lễ hội đua ghe ngày nay không chỉ nhằm mục đích bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, mà còn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến cổ vũ, mặc dù tất cả những tay đua đều là vận động viên nghiệp dư.

Lễ hội làng gốm Thanh Hà

Theo lịch sử, cư dân Thanh Hà có nguồn gốc chủ yếu ở vùng Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương vào định cư từ khoảng cuối thế kỷ 15. Trong buổi sơ khai, khi đồ dùng của đại bộ phận dân cư chủ yếu là đồ gốm sứ, đất nung thì cư dân ở đây đã tiếp tục truyền thống của cha ông, khai thác địa thế thuận lợi của vùng đất mới để phát triển nghề gốm. Theo cách nhớ của người làng Thanh Hà thì năm 1516, nghề gốm bắt đầu sản xuất tại làng Thanh Chiêm (nay là khối phố 6 phường Thanh Hà), sau đó do không hợp phong thủy nên dời lên Nam Diêu (tức khối phố 5 phường Thanh Hà), Nam Diêu có nghĩa là “lò gốm phía Nam”.

Hiện nay, tại Nam Diêu còn miếu Tổ nghề của làng. Hằng năm, người dân làng gốm tổ chức lễ tế Xuân vào ngày mùng 10 tháng Giêng nhằm cúng tổ tiên, mong cho chư thần, tổ nghề và các bậc tiền nhân ban cho năm mới bình an, làng nghề phát triển.

Lễ hội làng gốm Thanh Hà, một hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân Thanh Hà luôn diễn ra sôi nổi, đậm tính dân gian với nhiều nghi thức cổ truyền được chính các nghệ nhân và bà con nhân dân trong làng thực hiện.

Ngay từ sáng sớm, phần lễ chính tế Tổ với đoàn rước thần chủ đã diễn hành qua khắp các ngã đường. Đội hình lân, sư, dàn bát âm, nghi trượng, kiệu thần chủ, kiệu lư hương gốm cùng hơn 100 nam phụ lão ấu đi từ miếu Nam Diêu về đình Thanh Chiếm tế lễ. Đây là nơi được cư dân thờ tự, tôn vinh và ngưỡng vọng về công đức của các vị tổ nghề.

Ngay sau phần lễ tế chấm dứt, người làng Thanh Hà đa phần “mặc áo vải, khăn hoa” cùng mời du khách vui hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: cõng nàng về dinh, lái buôn xuất sắc, thi chuốt gốm, làm con thổi đất nung, nấu cơm bằng nồi đất, thi đập nồi, bịt mắt đánh trống,… Sôi nổi nhất là hội đua thuyền, hô hát bài chòi, hát bội diễn ra liên tục từ đêm trước đến tận tàn ngày hội.

Lễ hội Cầu Ngư

Lễ hội Cầu Ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với cuộc sống của ngư dân miền biển. Đây là lễ hội nhằm tạ ơn biển cả, cầu xin thần Nam Hải cho một vụ mùa bội thu, đồng thời đây còn là dịp để các ngư dân thư giãn, tạo lập thế cân bằng trong đời sống tinh thần chuẩn bị cho một năm đánh bắt vất vả, cực nhọc, là dịp họ gặp gỡ nhau để trao đổi kinh nghiệm cũng như chúc nhau những điều tốt lành.

Lễ hội Cầu Ngư gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông (cá Voi) – vật linh của ngư dân miền biển. Theo các ngư dân kể rằng nhiều lần thuyền gặp gió bão ở ngoài biển khơi, thường hay có cá Ông đến cứu. Cá áp lưng vào mạn thuyền làm cho thuyền khỏi bị sóng gió lật đổ và đưa thuyền ra khỏi nơi nguy hiểm. Từ sự cứu nạn lớn lao của cá Ông, nên loài cá này đã trở thành vị Thần ngư Nam Hải (có địa phương còn gọi là “Quan Âm Nam Hải” hoặc “Nam Hải Ngọc Lân”). Sự tôn kính của ngư dân miền biển dành cho cá Ông không chỉ ở trong tiềm thức mà còn bằng cả những hành động thực tế, như khi ngư dân gặp cá Ông “luỵ” (cá Ông chết dạt vào bờ) thì lập tức phải tập trung dân trong làng lại để tổ chức an táng cho cá Ông, hoặc khi đang đánh lưới mà phát hiện thấy trong lưới có cá Ông dù nhỏ hay lớn thì cũng phải lập tức mở toang lưới cho cá Ông thoát ra.

Từ những lý do trên nên Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức nhằm bày tỏ lòng thành kính của ngư dân với thần Nam Hải, cầu mong sự che chở, một mùa bội thu và xua đi mọi điều xấu.

Lễ hội Cầu Ngư ở làng Phước Trạch (làng chài được hình thành khá sớm ở Cẩm An – nay là phường Cửa Đại) diễn ra vào ngày 16 tháng 2 âm lịch hàng năm. Theo thông lệ, lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày đêm. Ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ nghi thần, lễ túc; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Phần hội gồm có: Chèo bả trạo, hát bội (hát tuồng) và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển như đua thuyền, lắc thúng chai,..được diễn ra trong ngày thứ ba hoặc có thể đan xen trong 2 ngày đầu.

Trước khi tiến hành tổ chức lễ thì các ngư dân trong làng phải họp lại để bầu ra một ban trần thiết. Những người trong ban này là những vị cao niên trong làng, có đức độ, gia đình trọn vẹn, hoà thuận, đặc biệt là không bị vướng táng. Ban trần thiết gồm có 2 vị chánh bái, 2 vị sướng, 2 vị đọc văn tế, 2 vị đánh chinh cổ (bulu và trống), 1 đội nhạc lễ (khoảng 5 người) và 1 đội học trò lễ (4 người) và một số vị tham gia các hoạt động khác. Ban trần thiết có nhiệm vụ phụ trách tất cả các hoạt động diễn ra trong lễ hội.

Nghi thức đầu tiên là lễ nghinh thần, đây là một nghi thức quan trọng thể hiện tính cộng đồng cao. Đoàn rước gồm có 01 vị chánh bái, 4 – 5 người cầm cờ, 4 người khiêng bàn hương án, 1 người đánh bu lu, 2 người khiêng và đánh trống chầu, ngoài ra còn có nhiều cụ già trong trang phục áo dài khăn đóng đi theo đoàn rước. Lễ vật cúng gồm có một bát nhang, bình bông, nải chuối và vàng bạc giấy tiền. Đoàn rước khởi hành từ lăng rồi đi quanh làng và trở về lại lăng. Mục đích của nghinh thần là rước thần Nam Hải cũng như di thỉnh cô bác, chư vị tiền hiền vãn ngự ở các nơi trong làng về lăng cùng phụng hưởng (nếu trời êm biển lặng thì có tổ chức nghinh ở dưới biển).

Sau khi nghinh thần trở về thì thỉnh thần vào lăng, và tối hôm đó tổ chức cúng Lễ túc. Đây là lễ cáo giỗ, báo cáo với thần những việc sẽ làm trong dịp lễ đồng thời cầu xin thần Nam Hải báo ứng cho vạn chài điềm lành dữ trong năm. Lễ được cử hành trang nghiêm, dâng đủ ba tuần rượu.

Bắt đầu từ rạng sáng ngày thứ hai tổ chức lễ tế chính thức. Nhưng trước đó phải tiến hành lễ tế âm linh tại sân lăng. Đây là lễ cúng các oan hồn đã khuất, lễ vật gồm: Bát cháo thánh (cháo trắng), khoai lang luộc, đường cục, bát gạo muối, trầu cau, rượu cùng hương đèn và đồ vàng mã. Bắt đầu vị chánh bái gõ ba hồi mõ sau đó dâng tuần rượu và đọc văn tế. Nội dung của văn tế âm linh biểu hiện sự yêu thương cho những kẻ bất hạnh, khốn khổ đã khuất. Tế xong, vật tế lễ được tung ra khắp nơi để thí thực cô hồn.

Sau khi lễ tế âm linh xong thì bước vào Lễ tế chính, đây là lễ chính trong lễ hội Cầu Ngư. Lễ vật cúng gồm thịt heo luộc (hoặc heo quay), hoa quả, giấy tiền vàng bạc,… Phần tế đủ nghi thức lễ tục cúng, trong đó có đọc văn tế ca ngợi công đức của thần Nam Hải, cầu xin thần ban cho một mùa bội thu.

Đan xen với phần lễ là phần hội, đó là những sinh hoạt dân gian truyền thống, đặc trưng của các ngư dân miền biển. Trong đó, có hình thức sinh hoạt văn hoá vừa thuộc lễ vừa thuộc hội như hát bả trạo, đây là hình thức diễn xướng để hầu thần. Đội hình bả trạo khoảng 18 người, bao gồm các con trạo (tay chèo) dưới sự chỉ huy của các tổng mũi, tổng thương, tổng lái và tổng khậu, tất cả được xếp theo hình một chiếc thuyền rồng. Lời hát và động tác múa diễn tả lại quá trình đi biển từ lúc thuyền ra khơi cho đến khi về bến, trong hành trình đó có lúc vất vả để chống chọi với giông bão; có lúc biển lặng để quăng lưới, buông câu. Nội dung xuyên suốt là tạ ơn và ca ngợi công đức của thần Nam Hải xin thần ban cho vạn chài sự bình an và cuộc sống no đủ. Bên cạnh đó còn có hát bội, cũng là một loại hình nghệ thuật quan trọng không thể thiếu trong Lễ hội Cầu Ngư. Hát bội trong lễ hội này còn gọi là hát thứ lễ, hát án hay hát cúng lăng. Nội dung các vở tuồng kết thúc thường có hậu, coi như hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai như tuồng Tiết Nhơn Quý chinh đông, Lưu Kim Đính hạ san,… Ngoài ra, trong phần hội còn tổ chức các trò chơi thể thao miền biển như đua thuyền, lắc thúng, kéo co,…

Lễ hội Cầu Ngư là một trong những sinh hoạt văn hoá mang đậm tính tâm linh của ngư dân miền biển. Nó góp phần bảo lưu các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc như nét đẹp của phong tục, các loại hình diễn xướng dân gian và tinh thần cố kết cộng đồng. Lễ hội này mang đậm yếu tố nhân văn, nó vừa thể hiện sự ứng xử văn hoá của con người trước biển cả, vừa thể hiện ý thức “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức đối với các vị tiền hiền có công lập làng, dựng nghề, vì thế cần phải bảo tồn và phát huy Lễ hội Cầu Ngư.

Lễ Giỗ Tổ nghề Yến

Hàng năm vào ngày mùng 10/3 âm lịch, Lễ Giỗ Tổ nghề Yến được tổ chức tại 2 ngôi miếu tổ nghề (thôn Bãi Hương, Tân Hiệp và thôn Thanh Đông, Cẩm Thanh). Đây là lễ hội dân gian có từ lâu đời ở Hội An nhằm tưởng niệm tri ân các bậc tiền bối đã có công trạng đối với nghề khai thác Yến, đồng thời cầu an đầu năm cho cộng đồng cư dân, nâng cao niềm tự hào và ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của vùng biển đảo thân yêu.

Thường Lễ Giỗ Tổ nghề Yến được diễn ra trong 2 ngày. Ngày đầu (9/3 âm lịch), cộng đồng cư dân dọn vệ sinh, trang hoàng khu vực cúng tế, bày biện lễ vật trên các bàn thờ, khám thờ. Đến tối, các vị cao niên trong làng và đại diện các tộc họ có liên quan đến nghề yến tập trung tại miếu tổ để cúng lễ túc, cáo trước với chư tổ, thần thánh về việc tế chính ngày mai.

Sáng mồng 10/3 âm lich, lễ nghinh thần, rước vọng được cử hành với kiệu thần được trang trí cờ hội lộng lẫy. Đoàn nghinh thần lần lượt đi qua khu vực các lăng thờ, miếu thờ dọc trên thôn xóm để vái vọng, thỉnh mời các vị chư thần. Khi đoàn nghinh thần quay về thì chiêng trống trong miếu tổ bắt đầu nổi lên, chuẩn bị tiến hành lễ cúng âm linh. Lễ cúng âm linh diễn ra đúng theo trình tự các nghi thức cổ truyền có xướng tế, có chánh tế, tả hữu phân hiến, có cổ nhạc, đi gia lễ, đọc văn tế …

Sau đó là lễ tế tổ nghề theo nghi thức cổ truyền như lễ tế âm linh nhưng về nội dung là lễ tế lịch đại tổ nghề và chư vị thánh thần sông biển bảo trợ nghề như: Đại Càn, Ngũ Hành tiên nương, Thành Hoàng bổn xứ, Phục Ba tướng quân, Nam Hải Ngọc Lân, Hà Bá, Thủy Long… Sau lễ tế tổ, thường được tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao, trò chơi dân gian để làm tăng thêm không khí vui nhộn trong ngày lễ hội.

Những năm gần đây, Lễ Giỗ Tổ nghề Yến còn được kết hợp tổ chức các chương trình văn hóa – du lịch như giao lưu lửa trại “Vui hội làng chài”, hô hát bài chòi, trò chơi đập nồi và chợ ẩm thực “món ngon miền biển”. Ngoài các sản vật như tôm, cua, cá, mực, vú sao, vú nàng, rau rừng, ốc… Yến sào cũng được giới thiệu và bán cho du khách với giá ưu đãi. Các doanh nghiệp du lịch tổ chức các tour tham quan khám phá Cù Lao Chàm, lặn biển khám phá lòng đại dương, xem san hô, tham quan các di tích lịch sử văn hóa tại đảo. Đặc biệt là tour tham quan hang Yến, du khách được đến tận nơi, quan sát cách Yến làm tổ trong hang sâu và tìm hiểu công việc cực nhọc của công nhân Đội khai thác Yến sào Hội An.

Lễ Giỗ Tổ nghề Yến là một điểm nhấn quan trọng, góp phần tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển du lịch trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa và sinh thái đa dạng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.

Lễ vía bà Thiên Hậu

Cứ vào ngày 23/3 âm lịch hàng năm tại Hội Quán Phúc Kiến và Hội Quán Ngũ Bang, cư dân gốc Hoa sống ở Hội An lại cùng nhau tổ chức Lễ vía bà Thiên Hậu để tưởng nhớ và suy tôn bà. Theo truyền thuyết kể rằng, bà chính là người đã công cứu vớt bè thuyền mắc cạn nơi vùng cảng thị thuở xưa. Không những vậy, nhiều người dân ở đây tin rằng bà Thiên Hậu rất linh thiêng và đã nhiều người gặp khó khăn thành tâm đến khấn vái bà đều được như ý nguyện.

Cũng giống như các lễ hội khác, Lễ vía Bà Thiên Hậu cũng có 2 phần chính là phần lễ và phần hội, với phần lễ được tổ chức chủ trì theo các nghi thức truyền thống của các bô lão người Hoa, và phần hội sẽ có các hoạt động thú vị như múa lân sư, xin xăm,…

Đến với Lễ hội vía bà Thiên Hậu, du khách như được hòa mình vào với nét văn hóa độc đáo của một bộ phận người Hoa sinh sống nơi đây, cảm nhận được sự thông linh với thần linh và tìm hiểu thêm về tín ngưỡng văn hóa của người Hoa. Lễ hội vía bà Thiên Hậu là biểu hiện cao nhất cho tinh thần dung hợp nét văn hóa Việt – Hoa từ ngày xưa và cứ thế duy trì và phát triển theo dòng lịch sử đến tận bây giờ.

Lễ hội Long Chu

Lễ hội Long Chu là một ngày lễ đặc sắc ở Hội An. “Long Chu” là từ chỉ chiếc thuyền làm theo hình con rồng để phục vụ cho vua chúa ngự lãm hoặc tuần du ngày xưa.

Với dân gian xưa, ôn hoàng, dịch lệ là lực lượng siêu nhiên gây hại cho người, đáng ghét đáng sợ nhưng cũng cần kính nể. Vì vậy, làm Long Chu là dựa theo loại thuyền của vua để chở thần, tướng, âm binh áp tải, tống quái, tống ôn và xú uế đi, mong hưởng cái tốt lành cho nơi cư trú của con người.

Lễ hội Long Chu tổ chức tại làng biển quanh thành phố Hội An, vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm, ở các đình làng hoặc ở các nhà trụ sở chính quyền của các thôn, ấp. Đối với người dân vùng này, thuyền rồng là một biểu tượng oai linh để tống dịch, trừ ôn. Chiếc thuyền rồng, tức Long Chu bằng cót tre, voi, giấy, vải được rước từ đình làng đến bến nước, đẩy bè để thuyền trôi ra sông, ra biển.

Theo thủ tục thường trước ngày lễ hội Long Chu, thầy cúng đặt hương án, cúng bái nơi linh thiêng, theo sau là một đoàn nam nữ, tay cầm giáo mác phát quang đường làng cho sạch, miệng hát hò đối đáp hồn nhiên, vui vẻ.

Vào ngày lễ hội, thầy Cả làm tế lễ, sau đó là rước thuyền rồng đi trừ tà ma dịch tế quanh làng. Ngoài ra, nghi lễ truyền thống còn có các trò vui như hát hò khoan, hát bội, xô cộ và các trò chơi dân gian được kéo dài đến tận đêm.

Lễ hội ở Hội An là một trong những nét đẹp truyền thống đã được người dân nơi đây bảo tồn, gìn giữ và phát huy cho đến tận hôm nay. Đi du lịch Hội An, chính mình tham gia vào các lễ hội truyền thống của địa phương du khách sẽ được khám phá thêm nhiều điều mới lạ đặc trưng đậm nét văn hóa mà chỉ ở đây mới có thể đem lại.