[kkstarratings]
Đất nước hình lục lăng – Pháp không chỉ được thế giới biết đến qua nền ẩm thực tinh hoa hàng đầu thế giới, các lễ hội sôi động có một không hai mà còn được biết đến qua các công trình ấn tượng bậc nhất như tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn… Và sẽ thật thiếu sót nếu như không kể đến hai nhà hát “anh em ruột” với nhau, đó là Opera Garnier và Opera Bastille.
Nhà hát Opera Garnier (tên khác: nhà hát Palais Garnier, Opera House) ra đời từ ý tưởng của Nam tước Haussmann, tỉnh trưởng Paris năm 1853 nhằm tạo ra không gian giải trí cho tầng lớp quý tộc.
Giống như nhiều các công trình nổi tiếng khác ở Pháp được đặt theo tên của “cha đẻ” ra nó như tháp Eiffel, nhà hát Opera Garnier được đặt từ tên của kiến trúc sư trưởng chịu trách nhiệm thiết kế công trình này, Charles Garnier. Điều đặc biệt là người chịu trách nhiệm thiết kế ra nhà hát lớn nhất châu Âu lại là một chàng trai trẻ, chưa có tên tuổi trong giới kiến trúc lúc đó. Vượt qua rất nhiều người nổi danh khác, Charles Garnier đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế.
Nhà hát Opera Garnier bắt đầu được xây dựng từ năm 1861 theo phong cách Baroque và đế chế thứ hai ở Châu Âu. Người ta biết đến nhà hát Opera Garnier trước hết bởi kiến trúc đẹp ngoài sức tưởng tượng, có thể nói là hàng đầu trong số các nhà hát trên thế giới.
Nhà hát Opéra Garnier có sức chứa 1.979 người, với chiều dài lên tới 172m, rộng 124m, cao 79m. Sảnh ngoài nhà hát gây ấn tượng mạnh mẽ với bức tượng điêu khắc bằng đá cẩm thạch của các nghệ sĩ trứ danh như Jean-Baptiste Carpeaux hay Francois Jouffroy.
Nhưng chưa đủ, bước vào bên trong nhà hát, du khách sẽ thực sự choáng ngợp trước đại sảnh được trang trí cầu kỳ, sử dụng những tác phẩm của thời kỳ Phục hưng. Gây choáng ngợp là trần nhà treo những chùm đèn lớn, nặng tới 6 tấn, mang đậm phong cách cổ điển, trang nhã.
Nhà hát Opéra Garnier nổi tiếng với hai căn phòng đối lập “mặt trăng” và “mặt trời”, với một bên sử dụng tông màu lạnh, một bên tông màu nóng gây hứng thú đặc biệt cho khán giả. Nhiều người nhận xét, bản thân nhà hát đã là một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại của nước Pháp, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho bất kỳ ai từng một lần may mắn được chiêm ngưỡng.
Không chỉ là nhà hát lớn nhất châu Âu, nơi công diễn những tác phẩm xuất sắc, mà xung quanh sự ra đời và tồn tại của nhà hát Opera Garnier cũng ẩn chứa nhiều câu chuyện hấp dẫn, thú vị, gây tò mò cho khách tham quan. Theo những gì được ghi lại, bên dưới nhà hát Opéra Garnier có một giếng ngầm dẫn nước từ sông Seine. Điều này khiến cho việc thi công nhà hát kéo dài tới 13 năm mới hoàn thành, chủ yếu để tìm cách xử lý nguồn nước giếng ngầm. Về sau, có những điều kỳ lạ xảy ra trong nhà hát, như có tiếng hát ai oán ở đâu đó, có những tiếng động lạ xuất hiện… đều làm cho nhà hát Opera Garnier trở nên muôn phần kỳ bí. Đây chính là nguồn cảm hứng giúp nhà văn Gaston Leroux sáng tạo ra cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Bóng ma trong nhà hát. Sau này, cuốn tiểu thuyết đã được dựng thành nhạc kịch, và từng được thể hiện trên chính sân khấu của nhà hát này.
Kể từ khi ra đời đến nay, mỗi suất trình diễn tại nhà hát Opera Garnier luôn chật kín khán giả. Ngạc nhiên thay, sức hấp dẫn của nhà hát Opera Garnier theo thời gian không giảm, mà ngày càng tăng lên. Ngày càng nhiều người từ khắp nơi trên thế giới khi du lịch Pháp đều không bỏ lỡ cơ hội thăm nhà hát Opéra Garnier, nhằm chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc vĩ đại của nhân loại.
Bên cạnh “người anh em” Opera Garnier, nhà hát Opera Bastille nằm ở Quảng trường Bastille thuộc quận 12, thành phố Paris cũng là một “điểm sáng” của du lịch Pháp, được đông đảo du khách ghé thăm.
Vào năm 1982, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ đã đưa ra ý tưởng xây thêm một nhà hát nữa để chia sẻ bớt “gánh nặng” cũng như tìm “anh em” cho Opera Garnier. Ngay sau đó, một cuộc thi thiết kế kiến trúc mang tầm quốc tế được tổ chức và nhận được sự ủng hộ đông đảo đến từ các quốc gia trên thế giới với 1700 đăng ký và 756 đồ án được gửi đến. Cuối năm 1983, ban tổ chức đã quyết định lựa chọn bản thiết kế của kiến trúc sư Carlos Ott. Một năm sau đó, công trình được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 1989, đúng dịp kỷ niệm 200 năm ngày chiếm ngục Bastille.
Nhà hát Opera Bastille mang một kiến trúc hiện đại với chất liệu kính được ốp cho cả mặt ngoài và mặt trong, khiến cho nhà hát trông giống như một bình thủy tinh trong suốt. Vì vậy, mỗi khi có chương trình biểu diễn, cả sân khấu như sáng rực lên huyền bí đến lạ kì. Mỗi một phòng trình diễn có sức chứa lên đến 2700 chỗ, có cả trang thiết bị âm thanh truyền âm đồng nhất mang đến âm thanh sống động hàng đầu cho khán giả. Ngoài ra, các phòng phục trang, phòng làm việc, phòng chuẩn bị cũng được trang bị hiện đại và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Khoang dàn nhạc hoành tráng của sân khấu có thể di chuyển và đóng lại khi cần, dành cho 130 nhạc công. Sân khấu chính cao 20m, rộng 40m và sâu 32m vào phía trong, là một cơ sở làm nên thành công cho các buổi biểu diễn. Thêm vào đó, sàn sân khấu với nhiều tầng đã được đầu tư chín máy nâng lên tạo thành các cấp độ để hỗ trợ. Như vậy, không chỉ là một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử mà Opera Bastille còn là công trình kiến trúc hiện đại ngang tầm với các nhà hát nổi tiếng hàng đầu thế giới.
Với vị trí ngay tại trung tâm quảng trường Bastille, nhà hát này là một trong những địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch. Bên cạnh đó, với số lượng lớn các khu phố, cửa hàng trưng bày đồ lưu niệm, vật trang trí… cũng góp phần tạo nên không khí nhộn nhịp cho khuôn viên quanh quảng trường.
Trong hành trình đến với nước Pháp kiều diễm, hẳn du khách sẽ được biết đến rất nhiều các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới, nhưng với hai nhà hát Opera Garnier và Opera Bastille chắc chắn sẽ góp phần làm cho chuyến đi của du khách trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Vì vậy, đừng ngần ngại gì nữa, hãy đặt ngay cho mình một tấm vé máy bay giá rẻ đi Pháp của Airbooking để đến và chiêm ngưỡng hai công trình kiến trúc đặc sắc này nhé!
0 Comment