Đà Lạt được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh, là nàng thơ đối với những tâm hồn nghệ sĩ với khao khát được đồng điệu cùng thiên nhiên đất trời. Đà Lạt trong mắt của người nghệ sĩ hay kẻ mê dịch chuyển không chỉ để tận hưởng, để nghỉ dưỡng, mà Đà Lạt còn là nơi để trải nghiệm những cung đường, khám phá những khung cảnh thật tình, thật tĩnh.

Rừng thông

Đà Lạt được biết đến là “thành phố ngàn thông reo”. Cảm giác đi nơi nào cũng có thể bắt gặp được những cánh rừng thông đang vi vu trước gió. Thông dường như là một thứ khiến cho người ta thêm yêu và nhớ Đà Lạt day dứt hơn.

Ngay trong trung tâm của thành phố cho đến những đoạn đèo, trên đỉnh Langbiang, nơi trường học, bên sân ga cũ,… tất cả đều mang dáng dấp của thông khiến người ta không ngừng ngước mắt nhìn.

Rừng thông đẹp ở Đà Lạt là thông ba lá, kiêu hùng, tán lá nhọn, duyên dáng nhưng lại cho người ta cái cảm giác nó có hồn. Cả cánh rừng thông có nơi lại có 4 tầng nhưng tuyệt nhiên không âm u, rập rạp. Nhiều người cho rằng, thông là loài cây đẹp đối với họ.

Thông đẹp từ dáng đứng thẳng vút như hiên ngang giữa đất trời, cho đến nhánh lá kim, quả thông nhìn cũng khiến người ta thấy thích thú nữa. Tất cả mang nét mạnh mẽ, kiên cường nhưng lại mảnh khảnh, dịu dàng tạo nên bao xúc cảm.

Lạc vào những rừng thông xanh, du khách như đi vào thế giới cổ tích huyền bí trải dài vô tận không có điểm dừng. Thiên nhiên trong lành quyến rũ du khách đến đây thật chẳng muốn về. Nhặt quả thông rơi, ngắm nhìn hoàng hôn nắng chiều xuống xen qua những cánh rừng thông, khó mà có một nơi nào thứ hai cho du khách được khoảnh khắc này.

Vẻ đẹp thiên nhiên rừng thông như một món quà tuyệt vời xuất hiện trong MV bài hát của Hà Anh Tuấn – “Tháng tư là lời nói dối của em”. Đây cũng là nơi ra đời của nhiều bức tranh sống ảo tuyệt đẹp của các bạn trẻ khi đi lạc vào khu rừng thông mộng mơ.

Đồi Thiên Phúc Đức

Cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 6km, đồi Thiên Phúc Đức luôn im lìm tĩnh lặng như còn ngái ngủ trong màn sương. Là ngọn đồi ít được người thường biết đến nhưng lại quen thuộc với kẻ du hành, đồi Thiên Phúc Đức là một nơi hoang sơ, kì vĩ nhưng không kém chất “tình” để du khách có thể thoải mái “sống ảo”.

Không gian im phắc tĩnh lặng là điều đầu tiên mà du khách cảm nhận được ở đồi Thiên Phúc Đức. Dường như những sự xô bồ, hối hả của thành phố du lịch không thể chạm tới nơi đây, Đà Lạt vẫn luôn hằng cất giấu một nơi chốn làm rung động lòng người, hoang sơ mà bình yên như thế.

Chỉ với độ cao vừa phải, nhưng đứng từ đỉnh đồi Thiên Phúc Đức cũng đủ để du khách cảm nhận tất cả những gì tuyệt đẹp nhất, thơ nhất, tình nhất của Đà Lạt từ trên cao. Từ đây phóng tầm mắt song song, có thể dễ dàng bắt gặp đỉnh Lang Biang huyền thoại. Những đồi thông xanh ngát, những thảo nguyên ít bóng người, cùng hoa cỏ quyến rũ quyện hòa cùng làn sương mây mờ mỏng là những gì du khách có thể cảm nhận được khi đứng ở đây.

Khi đến đồi Thiên Đức Phúc, một hình ảnh huyền thoại không thể bỏ qua chính là cây thông cô đơn. Một cây thông khẳng khiu, gầy guộc với ít tán lá đứng một mình giữa đồi mênh mông như là một điểm nhấn đáng chú ý của mảnh đồi này.

Hồ Xuân Hương

“Quanh co hồ nước gợn hoa văn
Nghe động càn khôn ngọn bút thần
Đà Lạt em – vừa tròn thế kỷ
Xuân Hương tranh sáng với sao trăng”

Đấy là những câu thơ mà tác giả Trinh Đường đã phác họa nên hồ Xuân Hương với vẻ đẹp lãng mạn. Hầu hết các khách du lịch đặt chân đến Đà Lạt đều đưa hồ Xuân Hương vào hành trình khám phá của mình.

Hồ Xuân Hương nằm ở vị trí trung tâm thành phố, là một hồ nhân tạo có hình trăng lưỡi liềm, hồ rộng 25 hecta, mặt nước trong xanh, lăn tăn những con sóng nhỏ mỗi khi có cơn gió mát thổi qua. Du khách sẽ bị mê mẩn bởi cảnh đẹp khi đi vào các thời điểm khác nhau trong ngày.

Vào mùa xuân mùa hoa Mai Anh Đào nở rộ đem theo sự tinh tế khí sắc của trời đất, hai bên Hồ Xuân Hương rực rỡ sắc hồng. Một gam màu ấm nóng của Mai Anh Đào đã xua tan đi hơi lạnh của mùa đông còn sót lại. Thời điểm này, du khách đến hồ rất đông để ngắm cảnh, thong dong đi dạo trên đường từng cơn gió như mơn man len lỏi vào từng kẽ lá, nhành hoa. Mặt hồ gợn sóng, lung linh phản chiếu những tia nắng vàng buổi sớm làm cho khung cảnh thêm phần hư ảo.

Hồ Xuân Hương mang đến phong cảnh hữu tình làm cho những cặp đôi thêm sự gắn kết. Du khách có thể đi trên cỗ xe ngựa được trang hoàng lộng lẫy vừa trò chuyện vừa chụp ảnh, hưởng thụ cảm giác yên bình, tránh khỏi những xô bồ cuộc sống và đi qua các điểm nổi bật của thành phố như: công viên Yersin, vườn hoa thành phố, Đồi Cù. Buổi chiều khi ráng chiều đỏ rực, tia nắng cuối ngày dần mất những giây phút huy hoàng của ánh mặt trời đang nhường chỗ cho màn đêm.

Khi về đêm hồ Xuân Hương cũng rộn ràng không kém các quán vỉa hè hoạt động tấp nập, hơn hết là khu cho thuê xe đạp đôi luôn đắt khách. Những cặp đôi, bạn bè, đoàn du lịch đều muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ khi về đêm. Tiếng nói chuyện, tiếng cười đùa vui làm cho không gian hồ luôn náo nhiệt.

Một hình thức khác để thưởng thức cảnh đẹp tại hồ Xuân Hương đó chính là trò chơi đạp vịt. Những cặp tình nhân thường rất hứng thú với loại hình dịch vụ này khi được chủ động điều khiển hướng đi, điều khiển tốc độ của những con vịt lướt nhẹ, dập dềnh trên mặt hồ.

Hồ Tuyền Lâm

Bên cạnh hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm được ví như “lá phổi thứ hai” của “thành phố ngàn hoa”. Hồ nằm cách trung tâm thành phố khoảng 6km về phía nam, được bao bọc bởi dòng suối tía và ngọn núi Voi hùng vĩ. Hiện đây là hồ nước ngọt rộng nhất tại Đà Lạt.

Hồ Tuyền Lâm mang một vẻ đẹp hoang sơ thơ mộng đến nao lòng. Bao quanh hồ là khu rừng thông xanh mát quanh năm. Cũng vì vậy mà nơi đây còn được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất hồ”. Hồ có diện tích lên đến hơn 350 hecta, sâu trên 30m. Nước hồ chảy qua một đập tràn 6 bậc cung cấp nước tưới cho khu du lịch thác Prenn.

Nhờ nằm trọn trong khu rừng thông mà không khí trong hồ luôn mát mẻ quanh năm. Xa xa, núi đồi và những thảm rừng nguyên sinh xanh biếc tạo nên một bức tranh thiên nhiên thanh bình, thơ mộng. Còn gì tuyệt vời hơn khi được khám phá điểm du lịch còn mang đậm nét hoang sơ này. Nơi đây vừa là điểm nghỉ mát lý tưởng, vừa thích hợp cho các hoạt động dã ngoại vui chơi giải trí cuối tuần.

Phim trường Secret Garden

Đà Lạt không thiếu những địa điểm sống ảo chất ngất, nhưng Secret Garden lại được bài trí lại từ bàn tay con người, hưởng vẻ ma mị của hồ Tuyền Lâm cùng cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tạo thành một khu vườn bí mật hấp dẫn cho du khách, đặc biệt là các bạn trẻ khám phá.

Bước vào Secrec Garden, du khách sẽ bị choáng ngợp và mê hoặc bởi khung cảnh nơi đây. Núi non hùng vỹ, hòa quyện cùng hồ nước xanh ngắt tĩnh lặng, kết hợp với rừng thông mơ màng trong sương… Những khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên này như từng thước phim điện ảnh sẽ hiện ra trước mắt du khách.

Nổi bật nhất ở phim trường này có lẽ là những cây cầu gỗ băng rừng, các ngôi nhà gỗ nhỏ được dựng khéo léo và kì công, nhưng bậc thang gỗ bắt mắt hay những chiếc bè nổi giữa mặt hồ không một gợn nước… Khu vườn bí mật này là nơi ra đời những bức ảnh check-in độc nhất và đẹp nhất của giới trẻ.

Thiền viện Trúc Lâm

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, nằm ngay cạnh hồ Tuyền Lâm. Đây là một Thiền viện lớn thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng là một thắng cảnh của Đà Lạt thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm.

Thiền viện Trúc Lâm được xây dựng vào năm 1993, tới năm 1994 thì hoàn thành. Tổng thể Thiền viện có 4 khu vực: khu ngoại viện, khu tịnh thất hòa thượng, hòa thượng viện trưởng; khu nội viện tăng và khu nội viện ni. Hòa thượng trụ trì đầu tiên cũng là người thành lập ra Thiền viện này chính là Hòa thượng Thích Thanh Từ.

Thiền viện Trúc Lâm nằm trên núi Phượng Hoàng. Muốn lên đây, du khách phải vượt qua ít nhất 140 bậc thang đá, đi hết các bậc thang này, qua 3 cổng tam quan sẽ vào chính điện. Chính điện có diện tích 192m2, giữa điện thờ tượng Phật Thích Ca cao 2m, tay phải cầm hoa sen. Bên phải tượng Phật Thích Ca là tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử, bên trái là Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà. Xung quanh chính điện có các bức phù điêu chạm khắc công phu.

Bước ra ngoài chính điện, du khách sẽ gặp một lầu chuông được chạm khắc phù điêu rất tinh xảo và đẹp mắt. Từ chính điện, du khách có thể nhìn xuống hồ Tuyền Lâm, một hồ nước trong xanh và thơ mộng. Phong cảnh ở hồ Tuyền Lâm thật lãng mạn, mặt nước trong xanh phẳng lì không chút gợn sóng, được bao bọc bởi những hàng thông xanh rì, tỏa bóng mát quanh năm.

Sau khi ngắm cảnh ở hồ Tuyền Lâm, du khách có thể ra vườn hoa sau Thiền viện để thưởng hoa, ngắm cảnh. Vườn hoa trong Thiền viện quy tụ nhiều loại hoa đẹp, độc, lạ; được lấy giống từ nhiều nơi trên thế giới. Nổi bật nhất là các loài hoa như sim tím, bông gòn Úc, phù dung… Vườn hoa quanh năm đua nở mang đến cho Thiền viện những màu sắc khác nhau.

Chùa Linh Ẩn

Linh Ẩn Tự là một ngôi chùa lớn chỉ đứng sau Thiền Viện Trúc Lâm, là điểm dừng chân trong chuyến hành hương của đa phần khách du lịch khi đến với xứ Đà Lạt mộng mơ. Không chỉ sở hữu lối kiến trúc uy nghiêm và thanh tịnh, chùa còn nằm ngay bên thác Voi đầy hùng vĩ, là nơi mà du khách có thể cảm nhận thấy sự giao thoa giữa vẻ đẹp đầy trang nghiêm của chốn chùa chiền cùng với một không gian rừng núi đầy hoang sơ, tĩnh lặng.

Dù được xây dựng trên mộ ngọn đồi cao 3.000m, bao bọc ở xung quanh là những cánh rừng già xanh ngắt nhưng chùa Linh Ẩn vẫn sở hữu lối kiến trúc độc đáo và hiện đại. Đây cũng là ngôi chùa sở hữu tượng Phật Di Lặc lớn nhất ở Đà Lạt.

Hiện ra trong sắc trắng tinh khiết với một nụ cười đầy hiền hòa, tượng Phật Di Lặc là một công trình rất được yêu thích. Bức tượng với độ cao 12.5m, rộng 6.5m và bề ngang lên đến 9m. Đến thăm tượng Phật Di Lặc, du khách có thể cảm nhận được sự bình yên, tĩnh tâm.

Tượng Quan Âm cũng cũng được biết đến là công trình kiến trúc tiêu biểu và nổi bật nhất ở Linh Ẩn Tự. Chùa nằm lộ thiên, du khách từ đăng xa có thể nhìn thấy một cách rõ nét, giữa một không gian yên tĩnh của rừng núi hiện ra một bức tượng cao đồ sộ đến 54m, được chạm khắc đẹp mắt. Được khởi công từ năm 2017, bức tượng cho đến nay đã hoàn thành, trở thành điểm đến cầu nguyện của du khách tứ phương.

Khu vườn Tịnh Thánh, nơi được biết đến là nơi đặt gần 500 tượng Quan Âm Bồ Tát, với thiết kế giống đến 100%, được sắp xếp ngay hàng thẳng lối vô cùng trang nghiêm. Mỗi bức tượng đều được đặt trên một bục đá, tượng cao đến 3m. Nếu để ý kỹ, du khách sẽ thấy những bức tượng Quan Âm được bố trí ở ngoài khuôn viên được sơn màu trắng. Riêng một số bức tượng được bài trí bên trong khu chánh điện được bao bọc bởi màu vàng vô cùng lộng lẫy.

Công trình nổi bật nhất của chùa Linh Ẩn chính là khu chánh điện, được xây dựng trong khuôn viên rộng đến 1.400m2, toàn bộ mái nhà được lợp bằng ngói đỏ. Điểm nhấn ngay khi bước vào điện là cặp Rồng Châu lớn hiện diện hai bên lối vào, được đúc bằng xi măng cực kỳ tinh xảo. Bên trong chánh điện là không gian thờ 5 vị phật gồm Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Phật Dược Sư được đặt ở chính diện, bên trái là Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và bên phải là tượng Phật Chuẩn Đề. Cả 5 tượng phật đều được khắc trổ tinh xảo và đẹp mắt, mang đến một không thờ tự linh thiêng. Đây cũng là khu vực dành cho du khách tứ phương đến thắp nhang, cầu tự.

Chùa Thiên Vương Cổ Sát

Chọn cho mình một vị trí yên tĩnh trên đồi rồng của phố núi nhưng lại không tách biệt khỏi thành phố như Thiền Viện Trúc Lâm, chùa Thiên Vương Cổ Sát chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 5km. Chùa còn được gọi với cái tên khác là chùa Phật Trầm hay Chùa Tàu.

Chùa Thiên Vương Cổ Sát được xây dựng năm 1958 do các nhà sư thuộc tông Hoa Nghiên và các Phật tử người Hoa xây dựng. Ban đầu Chùa được xây dựng rất giản dị với ba gian nhà gỗ lợp tôn đơn giản. Đến năm 1989 thì Chùa được xây dựng, trùng tu và có diện mạo như ngày nay.

Đến với chùa Thiên Vương Cổ Sát, từ những bước chân đầu tiên trên những miếng lát bằng đá du khách sẽ cảm nhận được nét đặc biệt của ngôi chùa. Được xây dựng theo phong cách Chùa Hoa kết hợp với hội quán tạo nên một quần thể kiến trúc độc đáo và đặc biệt làm nên nét đặc trưng riêng của Thiên Vương Cổ Sát. Điểm đến đầu tiên là Từ Bi Bảo Điện. Bên trong trung tâm điện là tượng Phật Di Lặc nằm ngang với chiều cao tượng là 3m, hai bên tượng Phật Di Lặc là tượng Tứ Đại Thiên Viên tạo nên một không khí trang nghiêm mà không kém phần độc đáo.

Kế đến là công trình kiến trúc chính của Chùa chính là Quang Minh Bảo Điện. được xây dựng rất độc đáo, Quang Minh Bảo Điện được dựng thành hình tứ giác có chiều cao là 12m và chiều dài các cạnh là 12m, được xây dựng với 2 tầng chông mái. Ngoài ra, bên trên nóc Điện còn được đắp hình hai con rồng đang chầu vào. Đây quả là một tòa kiến trúc rất độc đáo tạo nên một tòa Bảo Điện vừa lộng lẫy vừa uy nghi. Bên trong Quang Minh Bảo Điện thờ Tây Phương Tam Thánh gồm: A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Cả ba pho tượng đều cao 4m , nặng khoảng 1.500kg và được làm từ gỗ trầm hương quý. Và đặc biệt hơn nữa đó là 3 pho tượng quý này được thỉnh từ Hồng Kông về năm 1958.

Cuối cùng phải nói đến tượng Phật Thích Ca cao hơn 10m tọa trên đài sen ở khuôn viên phía sau chùa. Bức tượng khổng lồ góp phần tạo nên sự tráng lệ cho ngôi chùa đặc biệt này. Với những nét kiến trúc độc đáo cùng lịch sử hình thành và những sự kiện nổi bật của mình mà Chùa Thiên Vương Cổ Sát đã và đang là điểm đến được nhiều khách bốn phương tìm đến.

Thung lũng Tình yêu – Valley d’Amour

Valley d’Amour, chỉ cái tên thôi cũng đã nói lên được sự lãng mạn của địa danh này. Thung lũng Tình Yêu có lẽ là nơi điển hình minh chứng cho nét thơ mộng của Đà Lạt, nơi các cặp đôi khi cùng đi du lịch phải ghé qua một lần, cùng dạo quanh thung lũng và cảm nhận non nước hữu tình nơi đây.

Thung lũng Tình yêu đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch) xếp hạng là Thắng cảnh cấp Quốc gia vào tháng 10/1998. Cái tên “Thung Lũng Tình Yêu” ra đời vào năm 1972, được dịch ra từ tên gốc tiếng Pháp – Valley d’Amour.

Thung lũng Tình Yêu có tổng diện tích 137,3 hecta, bao gồm những ngọn đồi (đồi Vọng Cảnh, đồi Địa Đàng, đồi Uyên ương Hồ Điệp…), hồ Đa Thiện, thảm cỏ, tiểu cảnh và rừng thông quanh năm xanh biếc…, trong đó điểm nhấn của khu du lịch là hồ Đa Thiện (diện tích 13 hecta) – nơi đón những dòng suối bắt nguồn từ trên núi cao chảy xuống. Trên mặt hồ có cầu khóa tình yêu – nơi các đôi tình nhân thể hiện tình cảm và gắn ổ khóa tình yêu lên thành cầu với mong ước tình yêu luôn chung thủy, bền chặt. Vào mỗi mùa hoa Mimosa nở ở Thung lũng Tình Yêu, đỉnh đồi Vọng Cảnh là vị trí đẹp nhất để ngắm hoa Mimosa và bao quát toàn cảnh hồ Đa Thiện cũng như Thung lũng Tình Yêu lãng mạn, hữu tình.

Đến Thung lũng Tình yêu, ngoài thưởng lãm cảnh đẹp, thưởng thức các món ăn tại nhà hàng Vallée D’amour, du khách còn có dịp tham gia các dịch vụ du lịch hấp dẫn như: đạp vịt, đi canô trên hồ Đa Thiện; bắn súng sơn; giữ thăng bằng trên dây cáp (highwire); đu dây mạo hiểm tự do (zipline); cưỡi ngựa tham quan Thung lũng Tình yêu; đi xe lửa cổ, xe Jeep tham quan Thung lũng Tình yêu; teambuilding – tham gia các hoạt động theo nhóm; ngày hội Tình Yêu… Trong đó, ấn tượng và ý nghĩa nhất là trò chơi khám phá Mê cung tình yêu hình trái tim màu xanh trải rộng trên diện tích 4.000m².

Đồi Mộng Mơ

Đồi Mộng Mơ với tổng diện tích gần 12 hecta, nằm cách trung tâm thành phố chỉ 4km về phía Bắc và nằm bên cạnh Thung lũng Tình yêu xinh đẹp.

Đến với khu du lịch Đồi Mộng Mơ, ngoài việc thưởng ngoạn các thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng hữu tình với muôn ngàn hoa khoe sắc, một không gian lãng mạn và hấp dẫn, du khách còn được vui chơi, giải trí và có những trải nghiệm vô cùng thú vị với nghệ thuật đá chen hoa, thác vàng, hồ nước, nhà hàng, khu vui chơi thể thao, giải trí và bán đồ lưu niệm.

Đồi Mộng Mơ với đầy đủ màu sắc của hoa, cỏ xanh mướt bốn mùa, nhiều giống hoa mới, màu sắc rực rỡ được chăm sóc tốt, thiết kế đẹp tạo cảm tình cho khách ngay từ ban đầu.

Đến đây, du khách có dịp thưởng thức những kiến trúc nhân tạo được kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên từ tiểu Vạn Lý Trường Thành vắt ngang qua 2km đồi núi đến căn nhà cổ hơn 300 năm được dựng từ nguyên bản nhà rường ở Bình Định sẽ đưa bước chân du khách đến với những hoài niệm của quá khứ ngàn xưa, từ vườn đá cảnh thiên nhiên đầy đủ sắc màu đến những kỳ hoa dị thảo rực rỡ khoe sắc tỏa hương trong những khu vườn chung quanh Đồi Mộng Mơ giúp cho du khách có những cảm giác mới lạ và thư thái.

Điều thú vị thu hút du khách chính là sân khấu cồng chiêng, và Làng Văn hoá dân tộc. Công ty Cổ Phần Thành Ngọc đã đầu tư cho xây dựng một sân khấu biểu diễn cồng chiêng, mái hình rẽ quạt, lợp tôn màu, sâu khấu và khán đài tam cấp chính được làm bằng đá đủ chỗ cho 550 người ngồi trên địa hình dốc cao của khu đất. Cách bố trí này tạo sự liên kết về mặt không gian văn hóa. Tại nơi đây, du khách có thể vừa xem biễu diễn giao lưu cồng chiêng vừa có thể thưởng thức thịt nướng, rượu cần và cũng có thể đặt hàng các show diễn riêng vào buổi tối.

Ngoài ra, tại Đồi Mông Mơ, du khách còn có thể chơi Golf trên sân mini có tất cả 9 lỗ với giá rất rẻ phù hợp cho mọi lứa tuổi. Một trong những dịch vụ đang thu hút du khách đến với đồi mộng mơ đó là dịch vụ trị liệu bằng cá – du khách sẽ hòa mình vào làn nước và được các bác sĩ cá tẩy đi tế bào chết kích thích các tế bào mới được sinh ra.

Khu du lịch Đồi Mộng mơ thực sự là một sản phẩm du lịch đặc sắc độc đáo đã góp phần tạo nên những sắc thái riêng về cảnh quan và con người Đà Lạt mà du khách không nên bỏ lỡ khi đến với “xứ sở mù sương” thân yêu.

Quảng trường Lâm Viên

Sức hút kỳ lạ của công trình độc đáo này đã tạo nên một diện mạo mới cho thành phố Đà Lạt mộng mơ. Được xây dựng từ đầu năm 2016, Quảng trường Lâm Viên nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ du khách trong nước và quốc tế mà còn là điểm “sống ảo” của giới trẻ.

Được mệnh danh là “đóa hoa dã quỳ khổng lồ của Đà Lạt” thật không có một nơi nào có thể sánh bằng. Với diện tích 72.000m2 đã mang tới một không gian rộng lớn với nhiều hoạt động giải trí thu hút du khách. Điểm gây ấn tượng với du khách chính là bông hoa dã quỳ khổng lồ được thiết kế hơi nghiêng bằng kính nhiều màu sắc trông thật lạ mắt.

Đi vào sâu bên trong “bông hoa khổng lồ”, du khách sẽ choáng ngợp với không gian bên trong với những quán cafe, quán bar được trang trí tuyệt đẹp. Sẽ chẳng đắn đo gì khi du khách gọi một tách cafe ngắm nhìn ánh nắng chiều nhuộm vàng chiếu qua những ô cửa kính đa sắc màu trông thật huyền ảo.

Dinh Bảo Đại

Du khách muốn tìm hiểu về vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của các triều đại phong kiến ở Việt Nam, không cần phải đi đâu xa mà vẫn có thể biết được chi tiết về cuộc đời của ông qua các Dinh Bảo Đại ở Đà Lạt.

Dinh Bảo Đại Đà Lạt bao gồm Dinh I, Dinh II, Dinh III. Trong đó Dinh III là nơi được đông đảo khách du lịch tham quan nhất vì đây là nơi sinh thời Vua Bảo Đại sống, sinh hoạt và làm việc và được bảo tồn nguyên vẹn nhất trong các Dinh của Bảo Đại tại Đà Lạt.

Dinh I

Nằm cách trung tâm Đà Lạt chừng 4 km về hướng Đông Nam, trên một ngọn đồi thơ mộng có độ cao 1.550m với những rừng thông bao quanh, Dinh 1 là một công trình kiến trúc độc đáo trong dáng vẻ cổ kính, uy nghi và tao nhã khiến ai đã một lần đến đây đều phải trầm trồ cảm thán.

Nguyên đây là nhà của một viên chức người Pháp tên Robert Clément Bourgery – thấy nơi đây khá đẹp lại yên tĩnh nên chính phủ Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng đã mua lại từ tháng 8/1949 và sửa sang toàn bộ dinh cơ này.

Khi xây dựng Dinh người ta phát hiện ra một đường hầm bí mật, nhưng vua Bảo Đại đã chỉ thị giấu kín. Đường hầm này nằm ngay sau lưng Dinh 1 thông ra tận Dinh 2, dài gần 4km với các nhánh rẽ vào các biệt thự 11, 16, 18, 26… ở đường Trần Hưng Đạo – người Nhật đã đào từ trước khi đảo chánh Pháp với ý đồ bắt sống các sĩ quan Pháp trong Dinh Toàn Quyền cũng như ở các biệt thự xung quanh.

Dinh II

Dinh II là Dinh thự mùa hè của Toàn quyền Decoux, hay còn gọi là Dinh Toàn quyền, là nơi ở và làm việc của Decoux vào mùa hè hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 10.

Tọa lạc trên một ngọn đồi thông rợp bóng ở độ cao 1.540m trên đường Trần Hưng Đạo, Dinh 2 được xây dựng từ năm 1933 là một tòa lâu đài tráng lệ gồm 25 phòng được bài trí cực kỳ sang trọng. Đứng ở nơi đây, du khách có thể nhìn thấy hồ Xuân Hương cách xa chừng 1km thấp thoáng qua những tán lá thông.

Từ ngày chuyển Phủ Toàn quyền về đây làm việc, Decoux đã cho xây dựng những đường hầm bí mật rất kiên cố nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ông và gia đình. Đường hầm này được nối vào hầm chứa rượu với bề ngang chừng 1,5m và bề cao hơn 1m với nhiều ngóc ngách được đổ bê tông chắc chắn.

Dinh III

Là tên gọi để chỉ Biệt Điện của Vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, đồng thời cũng là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Biệt điện có 25 phòng ngủ, 2 tầng lầu. Công trình được xây dựng trong khoảng từ năm 1933 đến năm 1938, do một kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế.

Dinh III được đánh giá là dinh thự đẹp đẽ và trang nhã nằm giữa một rừng thông thuần chủng, gắn liền với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn Thượng Uyển, rừng Ái Ân và một hồ nước nhỏ hòa quyện vào nhau một cách rất hợp lý và thơ mộng.

Dinh được bố trí trên một đỉnh đồi mà trong dự án chỉnh trang Đà Lạt của kiến trúc sư Hébrard dành cho Dinh Toàn quyền. Ngọn đồi này có độ cao 1.539m ở đường Triệu Việt Vương – Đà Lạt ngày nay.

Về hình thức kiến trúc, Dinh III cũng là một trong những công trình chịu ảnh hưởng của trào lưu cách tân về kiến trúc ở châu Âu. Điểm đáng lưu ý ở đây là phía bên phải cổng vào và phía sau Dinh có một vườn hoa nhỏ theo kiểu vườn hoa ở các cung điện của Pháp, bố cục theo hình kỷ hà. Tại đây trồng nhiều cây cảnh được cắt tỉa đẹp, những cụm hồng quý nở quanh năm theo những bố cục đối xứng qua hai trục. Có một bồn hoa rộng phía trước dinh được chăm sóc chu đáo. Những con đường đi dạo nhỏ quanh dinh nằm ẩn mình dưới những tán lá thông, xen kẽ giữa các đám cỏ xanh.

Tương tự như Dinh II, Dinh III cũng là một công trình đồ sộ với hệ thống mái bằng, các mảng – khối được bố cục cân đối nhưng không đối xứng một cách cứng nhắc. Phía trước sảnh chính cũng có mái hiên đưa ra che vị trí đậu xe. Tầng trệt là phòng khách, các phòng làm việc, văn phòng của vua Bảo Đại, thư viện, các phòng giải trí và một phòng ăn lớn. Đặc biệt, các phòng làm việc đều được gắn với các tiểu cảnh kiến trúc, các không gian trong và ngoài liên hệ với nhau qua các cửa đi và cửa sổ bằng kính khung thép, tạo ra một khung cảnh hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên.

Toàn bộ tầng hai được dùng cho sinh hoạt gia đình, gồm các phòng sinh hoạt, các phòng ngủ của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, các công chúa và hoàng tử. Từ phòng ngủ của vua Bảo Đại có một cửa ra sân thượng còn gọi là Vọng Nguyệt Lầu. Đứng ở đây có thể ngắm nhìn vườn hoa, đường đi dạo, đồi thông và cả thung lũng phía xa xa. Ván gỗ vẫn là vật liệu chính để ốp cầu thang, sàn lầu và làm các vật dụng nội thất của Dinh.

Có thể thấy rằng, tất cả các Dinh thự đều được nằm ở vị trí trên đỉnh đồi cao, chiếm một diện tích lớn với rừng thông bao phủ xung quanh. Công trình kiến trúc chỉ là một điểm nhấn nhẹ nhàng, thấp thoáng giữa cây cỏ, thiên nhiên.

XQ Sử Quán

XQ Sử Quán hay còn gọi là tranh thêu XQ – là một trong những điểm đến nổi tiếng thu hút khách tới đây tham quan và khám phá vẻ đẹp độc đáo mà chỉ nguyên XQ Sứ Quán mới có.

Choáng ngợp với không gian của nghề thêu và ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật được thêu rất tinh tế bởi bàn tay của người nghệ nhân. Du khách như ngập chìm vào những câu chuyện huyền thoại, những câu chuyện mang đậm dấu ấn cổ kính và được biết thêm nhiều nét văn hóa truyền thống.

XQ Sử Quán có rất nhiều khu vực như: khu vực truyền thống, khu vực phát tích, khu vực nghệ thuật của người địa phương. Mỗi một khu vực du khách đến sẽ ngỡ như lạc vào thiên đường của mỗi một nét đẹp văn hóa nghề thêu khác nhau. Từ những câu chuyện liên quan đến nghề thêu rồi tới nghệ thuật thêu tranh phong cảnh thậm chí là trưng bày những tác phẩm đặc sắc.

Tham quan một vòng XQ Sử Quán, thưởng thức những chương trình biểu diễn nghệ thuật cuối tuần hay dạo một vòng ẩm thực những món ăn dân gian được chế biến khéo léo qua các nghệ nhân mang đến cho du khách những giây phút tuyệt vời khi lạc vào đây.

Nhà Ga Đà Lạt

Là thủ phủ của Lâm Đồng nhưng Đà Lạt lại mang hơi thở của nước Pháp xa xôi. Một trong những công trình tiêu biểu cho sự hiện diện của người Pháp ở thành phố này là “Nhà Ga Đà Lạt”. Nằm cách trung tâm thành phố chừng 2km về hướng Đông Bắc, Nhà Ga Đà Lạt là một trong những công trình kiến trúc cổ lâu đời nhất của “thành phố tình yêu” này. Nó được xây dựng vào năm 1932 và hoàn thành vào năm 1938. Vào năm 2001 đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc cấp Quốc gia. Nhìn tổng thể nhà ga này có là sự hòa quyện giữa kiến trúc phương Tây và kiến trúc nhà rông của Tây Nguyên.

Nhìn từ phía trước, Nhà Ga Đà Lạt có hình dáng như núi Lang Biang hùng vĩ, có chiều dài 66,5m, chiều ngang là 11,4m và có chiều cao 11m với mô hình kiến trúc giống như nhà ga của các tỉnh miền ở nước Pháp với mái trên có hình vòm uốn cong. Nếu nhìn từ phía trước nhìn sang ngang theo hướng mái nhà có 3 mái nhọn nhô ra ở phía chân nhưng theo phương thẳng đứng, còn từ phía trước mặt trước, nhà ga có ba chóp nhọn hình tam giác tượng trưng cho ba đỉnh núi Lang Biang, còn các mái ngói ở chân tam giác như sườn núi. Đây là một công trình kiến trúc vừa duyên dáng vừa độc đáo, là sự kết hợp với kiến trúc phương tây kết hợp với kiểu kiến trúc nhà rông Tây Nguyên.

Nhà Ga Đà Lạt được biết đến là nhà ga cổ kính và đẹp nhất Việt Nam, với thiết kế đường ray răng cưa độc đáo và hiếm có trên thế giới, được xây dựng theo kiểu Art-deco – một kiểu kiến trúc thịnh hành tại Châu Âu và những năm đầu thế kỷ 20.

Hiện nay, Nhà Ga Đà Lạt đã không còn sử dụng để vận chuyển nữa mà dùng vào tham quan và du lịch. Với đường ray dài gần 7km, tàu sẽ đưa du khách tham quan, khám phá phố núi mộng mơ. Đa số khách du lịch ở đây là người nước ngoài muốn trải nghiệm vẻ đẹp cổ kính, độc nhất vô nhị của Việt Nam. Ngoài ra đây cũng là một địa điểm được nhiều bạn trẻ lựa chọn để chụp những bức ảnh cưới để đời nữa đấy.

Nhà ga sở hữu rất nhiều kỷ lục như: “nhà ga cao nhất”, “nhà ga cổ nhất”, “đầu tàu chạy bằng hơi nước duy nhất”, “nhà ga độc đáo nhất” và “nhà ga đẹp nhất”. Với những cái “nhất” này hẳn đã đủ để làm nên sức cuốn hút khách du lịch của nhà ga cổ này.

Đồi Chè Cầu Đất

Cách trung tâm thành phố khoảng 25km, Đồi Chè Cầu Đất là một trong những điểm đến ăn khách nhất tại “xứ sương mù”. Sở dĩ, nơi đây thu hút đông đảo khách đến vậy là bởi vẻ đẹp thiên nhiên vô cùng tuyệt vời. Đồi chè rộng khoảng 230 hecta, cao 1.650m so với mực nước biển, trải dài là một màu xanh bất tận của những cây trà xanh. Đồi chè không chỉ là điểm đến bình yên, trong lành của thành phố. Nơi đây còn mang nét văn hóa Đà Lạt mà biết bao thế hệ đã đi qua.

Đến với Đồi Chè Cầu Đất, du khách có thể thỏa sức trải nghiệm đồi chè, tham quan nhà máy Chè Cầu đất với lịch sử lâu đời hàng trăm năm. Đặc biệt trên đỉnh đồi, có một quán cafe cực ấn tượng. Ở đây, du khách có thể phóng hết tầm mắt 360 độ ngắm nhìn toàn cảnh đồi chè Cầu Đất từ trên cao.

Nếu đã có dịp ghé thăm Đồi Chè Cầu Đất thì du khách đừng nên bỏ lỡ những điểm check-in cực độc đáo này. Chẳng hạn như tác phẩm “Bình Trà Cầu Đất” có chiều cao 2,6m, chiều ngang rộng 7,1m và nặng khoảng 3 tấn. Ngoài ra, du khách có thể tham quan chợ Cầu Đất để mua quà hoặc thưởng thức những món ăn địa phương. Ở đây bán rất nhiều hoa và các loại nông sản trong vùng, đảm bảo độ tươi ngon và sạch sẽ hàng đầu.

Đồi Chè Cầu Đất ngoài là một điểm du lịch ăn khách, còn là là nơi chuyên sản xuất chè chuyển đi khắp các thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.

Thác Cam Ly

Nếu du khách đã một lần được đặt chân đến thành phố Đà Lạt mộng mơ thì không thể không ghé thăm thác Cam Ly – dòng thác nhẹ nhàng, êm ái như một nàng thiếu nữ dịu dàng, ngây thơ trong màu xanh của những đồi thông bao quanh.

Nằm ngay trên dòng suối Cẩm Lệ xinh đẹp, Thác Cam Ly được hình thành nhờ một dòng suối đổ vào hồ Xuân Hương phía bắc và một dòng suối khác ở phía nam từ hồ chảy ra.

Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn tung bọt trắng xoá như nụ cười của thiếu nữ đang bộc lộ tâm tư vui mừng chào đón những vị khách du lịch khi đến tham quan thác. Vào mùa khô, thác ít nước để lộ ra những tảng đá lớn như những người vệ sĩ cơ bắp trung thành vẫn nằm đó từ bao năm tháng để góp phần vào sự kì vĩ của thác.

Đến với thác Cam Ly, du khách sẽ nghe được tiếng róc rách của dòng suối hoà cùng tiếng chim hót líu lo tạo nên một bản giao hưởng thú vị mà chỉ có ở nơi đây, khoảnh khắc thả mình vào khoảng không bao la khiến con người ta cảm thất như được chở che, bao bọc bởi thiên nhiên hùng vĩ của điểm đến Đà Lạt.

Xung quanh thác Cam Ly có dựng những lều tranh giản dị, đơn sơ để du khách nghỉ chân, một thú vui khá đặc biệt là du khách có thể vừa nghỉ chân nhâm nhi ngụm nước vừa đưa ánh mắt ngắm nhìn những hạt nước trong vắt tươi mát bắn ra từ thác trông thật lung linh, huyền ảo như những hạt thuỷ tinh dưới ánh mặt trời.

Theo dòng thời gian, vẻ đẹp của bức tranh phong thủy hữu tình thác Cam Ly không chỉ là nơi đến hấp dẫn cho du khách yêu cái đẹp trong nước và ngoài nước mà nó còn trở thành cảm hứng đi vào những tác phẩm văn học, thơ ca, bài hát có giá trị thẩm mỹ, mà cái đẹp của thác Cam Ly còn khiến cho biết bao tâm hồn thanh khiết, du ngoạn, lánh đời cũng phải rung động, yêu mến.

Thác Datanla

Như nét cá tính ẩn mình trong cô gái thơ mộng Đà Lạt, thác Datanla mạnh mẽ ngày đêm cuồn cuộn dòng chảy giữa “thành phố ngàn hoa” yên bình. Thác Datanla nằm cách không xa trung tâm thành phố nhưng nơi đây vẫn mang đậm nét hoang sơ, nằm giữa một vùng rừng núi đầy hoa thơm cỏ lạ, cảnh sắc hữu tình.

Thác Datanla là một thác lớn thuộc hệ thống 7 thác của dòng suối Datanla chảy từ đỉnh đèo Prenn. Dòng suối Datanla bắt nguồn từ hồ Tuyền Lâm uốn mình chảy giữa những rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt rồi đổ xuống thác. Thác cao 20m, nước đổ mạnh xuống những tảng đá nhiều tầng giữa hai triền dốc tạo thành nhiều thác nhỏ liên tiếp len lỏi qua các ghềnh và lẩn khuất trong rừng sâu tạo thành những dòng suối hiền hòa, trong mát như mời gọi.

Hệ thống máng trượt ấn tượng dài 1km là cách xuống thác tuyệt vời cho du khách. Uốn lượn quanh các sườn núi, du khách chỉ cần khoảng 2 phút để xuống thác Datanla cùng với một trải nghiệm tốc độ, từ trung bình để ngắm những vườn hoa rực rỡ sắc màu ở hai bên đường máng, cho đến chóng mặt lao vun vút xuống núi, tùy theo điều chỉnh của du khách.

Dưới chân thác, dòng suối Datanla chảy chậm lại, luồn lách qua những mỏm đá rồi chảy vào một hố sâu gọi là “Vực tử thần” nằm giữa hai bên vách đá thẳng đứng. Đặc biệt, với những ai thích phiêu lưu mạo hiểm, hẳn sẽ không thể bỏ qua bộ môn leo dây vượt qua đỉnh thác để khám phá hang Tử thần. Đặt chân xuống đáy vực Tử Thần, du khách sẽ nổi bồng bềnh trên dòng suối và được dòng nước chảy xiết đẩy đến một vực khác – vực Lưu Thủy. Nếu có sức khỏe tốt và muốn thử thách lòng can đảm của mình, du khách có thể chinh phục cả 7 tầng thác Datanla.

Thác Prenn

Thác Prenn mang một nét duyên ngầm từ sự dịu dàng, cảm giác thanh bình êm đềm đem đến cho du khách. Thác Prenn sở hữu độ cao gần 10m, rộng chừng 20m, nên nơi đây không có một tiếng ào ào thác đổ dứt khoát, mà là âm thanh dịu êm róc rách nhẹ nhàng đổ xuống.

Nhiều người ví thác Prenn như mái tóc của người thiếu nữ miền sơn cước buông lơi tự nhiên trong ánh nắng mặt trời. Du khách đến thăm thác Prenn có thể chạm tay vào làn tóc mềm mại mà sống động ấy, cảm nhận được sự mát lạnh và hơi ẩm ướt chắc chắn sẽ khiến du khách thích thú. Những giọt nước nhỏ bởi tốc độ dòng chảy mà bắn tung bọt trắng xóa, vương vài khách tham quan, tạo cho du khách một cảm giác sảng khoái, mát mẻ như đang lạc vào xứ sở thần tiên.

Khung cảnh thiên nhiên là sự kết hợp khéo léo của tiếng thác đổ chậm nhẹ, tiếng chim hót líu lo, tiếng gió thổi lay nhẹ cành lá tán thông khiến người ta có được một cảm giác sảng khoái và an yên nhất có thể. Du khách có thể tự do men theo các con đường mòn, các con đường có bậc đá để đến thăm vườn thú, vườn hoa lan hay vườn thông thoáng đãng. Những bức ảnh check-in đậm chất hoang sơ của núi rừng bạt ngàn khiến du khách không khỏi thích thú khi đến đây.

Lạc Tiên Giới

Mang vẻ đẹp riêng biệt, Lạc Tiên Giới chiêu đãi du khách bằng phong cảnh núi rừng nguyên sơ, bên trên có khinh khí cầu, bên dưới là hồ nước tĩnh lặng. Điểm check-in được yêu thích nhất của nơi này chính là cây đàn dương cầm đặt dưới hồ nước và các góc bên bờ hồ, lên hình vô cùng lung linh.

Bắc Thang Lên Hỏi Ông Trời

Là điểm đến “sống ảo” mới toanh của Đà Lạt, Bắc Thang Lên Hỏi Ông Trời chiêu đãi du khách nhiều background đẹp như mô hình Cầu Vàng – Đà Nẵng, Nấc thang lên thiên đường, khung cửa trên không… Bên cạnh đó, nơi này cũng thu hút du khách bởi không khí yên tĩnh, trong lành thoáng đãng. Chẳng cần đi Đà Nẵng hay đến Bình Hưng, chỉ đi Đà Lạt thôi, du khách cũng check-in những điểm đến nổi tiếng này rồi.

Hoa Sơn Điền Trang

Hoa Sơn Điền Trang là một địa điểm cực hot mà du khách không thể nào bỏ qua được khi đến với thành phố Đà Lạt. Địa điểm này hiện đang làm mưa làm gió trên hầu hết các trang mạng xã hội lớn. Tên gọi “Hoa Sơn Điền Trang” đã phần nào nói lên đặc điểm của khu du lịch sinh thái này. Khung cảnh lãng mạn với hàng loạt vườn hoa đa sắc màu, những con suối chảy đan xen quanh khu rừng nguyên sinh tạo nên cảnh sắc thiên nhiên yên bình và độc đáo. Điều thú vị là hầu hết các công trình, vật dụng trong khu du lịch này đều dùng vật liệu là cây cỏ sẵn có ở núi rừng, hạn chế bê tông hóa, rất gần gũi với thiên nhiên và đương nhiên là thân thiện với môi trường.

Điều đặc biệt mà ai ai cũng thích khi đến với Hoa Sơn Điền Trang, đó chính là bàn tay Phật khổng lồ được các người thợ tạo nên rất công phu và mất nhiều công đoạn. Bàn tay này được tạo thành bằng cách bện những sợ dây thừng cổ thụ lại với nhau. Tạo nên một bàn tay vô cùng đặc sắc và bắt mắt. Ai ai khi đến đây thì đều phải check-in bàn tay Phật này một lần. Khi đứng trên bàn tay này nhìn xuống du khách sẽ được ngắm nhìn. Phong cảnh thiên nhiên mơ mộng hão huyền. Ngoài ra, nơi đây còn có rất nhiều địa điểm lý tưởng cho du khách tha hồ “sống ảo” như: Cây đa hàng ngàn năm tuổi, Cánh đồng hoa tam giác mạch Đà Lạt,Cánh đồng hoa hồng cổ Spa, Khu vườn hoa anh đào tựa Nhật Bản, Những căn nhà gỗ trên những thân cây cổ thụ, Các căn nhà gỗ bên sườn núi thơ mộng, Cổng trời Hoa Sơn Điền Trang,…

Sunny Farm

Sunny Farm – Nông trại vui vẻ là một khu phức hợp quán cafe và homestay cực kỳ dễ thương. Sunny Farm có một vườn ươm nhỏ xinh mà du khách có thể tự tay ươm trồng loại cây yêu thích ngay tại vườn, trải nghiệm cảm giác làm nông. Du khách có thể mang cây về ngay rồi tiếp tục tự tay chăm sóc hoặc nhờ mọi người ở nông trại thay du khách chăm sóc cho đến khi cây đủ lớn rồi nhận về. Đây sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị nếu du khách là một người yêu cây cỏ hoa lá xanh tươi.

Sunny Farm Homestay là những túp lều đầy sắc màu dễ thương có thiết kế mới lạ với 3 mặt bằng bạt trong suốt mang lại cho du khách không gian thư giãn nghỉ dưỡng vô cùng yên bình và trọn vẹn với nhiều trải nghiệm lý thú cùng bạn bè hay người thân. Du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Đà Lạt thơ mộng ngay cả khi đang đứng ở trong lều. Nội thất căn lều được decor gọn gàng, tinh tế, đơn giản sẽ mang lại cảm giác vô cùng thoải mái và gần gũi cho du khách.

Quán cafe Sunny Farm được cấu tạo bởi những mặt kính trong suốt cho du khách thoải mái chiêm ngưỡng không gian bao la, có cây hoa đào hồng rực cả một góc sân, xa xa là toàn cảnh thành phố Đà Lạt mộng mơ. Khoảng sân khá rộng rãi bên ngoài quán đủ để du khách tổ chức những buổi tiệc nướng, hay chỉ là lặng ngắm trong lúc nhâm nhi thưởng thức tách cafe ấm nóng.

Nông trại vui vẻ Sunny Farm có một tấm lưới được căng lên như chiếc võng khổng lồ để du khách có thể thu được toàn cảnh “thành phố hoa” vào tầm mắt. Không còn điều gì tuyệt vời hơn khi mỗi buổi tối được ngồi với người thương trên chiếc võng khổng lồ này và ngắm nhìn cả thành phố lung linh ánh đèn, lãng mạn tựa như trong những cảnh phim Hàn Quốc.

Đến nông trại Sunny Farm, ai cũng sẽ phải tấm tắc khen ngợi mọi ngóc ngách trong nông trại đều xinh đẹp thần thánh. Có ti tỉ góc nhìn khiến chúng ta không thể bỏ qua để chụp hình check-in “sống ảo”, từ chiếc võng khổng lồ đến những tán cây hoa đào hồng rực, từ những căn nhà gỗ đến chiếc xích đu xinh xắn… hầu như mọi nơi đều có những góc view ôm trọn cả Đà Lạt.

Đặc biệt, vào tháng 11 và tháng 12 hàng năm, vườn hoa hướng dương ở nông trại sẽ bung nở rực rỡ sắc vàng cả một khoảng trời. Sức sống của loài hoa tươi tắn này sẽ khiến bất kỳ bạn nữ nào cũng phải “ngất lịm”.

“Biệt thự Hằng Nga”

“Biệt thự Hằng Nga” là một trong những điểm tham quan hấp dẫn của Đà Lạt trong suốt một thập kỷ vừa qua. Công trình do nữ kiến trúc sư Đặng Việt Nga thiết kế nên ban đầu được đặt tên là “Biệt thự Hằng Nga” nhưng sau này đổi tên thành “Crazy House” hay “Ngôi nhà quái dị” bởi vì cái tên ban đầu đã bị một số nơi khác sử dụng theo.

Công trình được xây dựng từ năm 1990 thuộc trường phái biểu hiện, theo trào lưu thiên nhiên-hữu cơ như các công trình của Antonio Gaudi ở Barcelona. Tuy nhiên, nội thất bên trong rất hiện đại. Khách tham quan có thể có cảm giác như đến thăm xứ sở thần tiên của Alice khi ngắm các ô cửa sổ lồi lõm, hình thù kỳ lạ hay khu vườn trong lâu đài với một tấm mạng nhện khổng lồ bằng sắt ở ngay lối vào biệt thự. Biệt thự Hằng Nga bao gồm khách sạn Hốc Cây và lâu đài Mạng Nhện, đó là hai thân cây cổ thụ làm bằng bê tông, trong đó có những gian phòng mang tên hang của các loài vật như Kangourou, Hổ, Gấu, Chim trĩ, Khỉ… và để lên được những “cái hang” này, du khách phải đi qua một cầu thang bao vòng quanh thân cây.

Có lẽ đẹp nhất là phòng “quả bầu”. Phòng “quả Bầu” cũng chính là phòng cao nhất của biệt thự Hằng Nga và là phòng được khách du lịch quốc tế rất thích. Vì ở trong này có thể đốt củi trong bụng quả bầu, giữ ấm suốt đêm để ngủ mà không cần đắp chăn. Các phòng nghỉ ở đây có đầy đủ tiện nghi cần thiết của một khách sạn sang trọng.

Điều đặc biệt ở ngôi biệt thự này là từ trần đến cửa và mái đều thiết kế tùy hứng không theo quy luật, thả sức uốn lượn, cửa sổ được cắt theo những hình thù kỳ lạ và đặt ở trong những chỗ lồi lõm của những bức tường hình bầu dục. Từ trên ban công hay từ những ô cửa sổ, du khách có thể ngắm nhìn khu vườn trong lâu đài với một tấm mạng nhện khổng lồ bằng sắt ở ngay lối vào của khách sạn. Mảnh vườn tuy nhỏ nhưng là nơi hội tụ của hoa lá, chim muông và của con người tìm đến sự thanh thản trong tâm hồn. Vào buổi chiều tối, du khách còn được nghe tiếng chẫu chuộc kêu, tạo cảm giác như mình đang lạc vào một khu rừng lạ kỳ và bí hiểm.

Fresh Garden Đà Lạt

Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố ngàn hoa”. Đến Đà lạt, nếu muốn ngắm nhiều loài hoa cùng một nơi mà không cần di chuyển nhiều thì chẳng thể bỏ lỡ được Khu du lịch Fresh Garden Đà Lạt.

Khi bước vào Fresh Garden Đà Lạt, điều đầu tiên gây ấn tượng với du khách là cánh đồng và ngọn đồi được trải dài rực rỡ sắc màu được tạo nên từ các loài hoa. Các loài hoa được trồng xen kẽ, và sự đồng điệu từ màu sắc của các loài mang đến khung cảnh như mơ khi bước chân tới đây.

Có thể nói Fresh Garden Đà Lạt như một bức tranh tuyệt sắc, được tô vẽ từ muôn vàn loài hoa. Từ các loại hồng ngoại nhập đủ sắc đến các bông đồng tiền vươn mình trong gió mang đến sự kết hợp tuyệt vời. Không chỉ vậy, trong khuôn viên của khu du lịch còn có rất nhiều loài hoa khoe sắc như: cẩm tú cầu, oải hương, thu hải đường, ngọc thảo,… khiến du khách chẳng thể rời mắt khỏi bức tranh đa màu sắc này.

Ngoài hoa, nơi đây còn có vô vàn các tiểu cảnh được thiết kế tỉ mỉ: ngôi nhà, cối xay gió, tường rào đều được hoa phủ kín khiến du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi vẻ đẹp có một không hai của Đà Lạt Fresh. Ngoài ra, Fresh Garden Đà Lạt còn gây mê du khách bằng những hình nộm được phủ lên màu sắc của hoa cỏ như: trái tim tình yêu, con gấu teddy ôm trái tìm,…

Không chỉ khung cảnh rải đầy hoa, không khí nơi đây cũng như “thuốc phiện” làm say lòng người. Với hương thơm quyến rũ từ các loài hoa, đi đến đâu đều có hương thơm đặc trưng khiến du khách có thể thư giãn và thả lỏng moi lúc mọi nơi.

Tại khu du lịch Fresh Garden Đà Lạt có các tiểu biệt thự kiểu Pháp được trang trí hoàn toàn bằng hoa vô cùng lãng mạn, là nơi du khách có thể nghỉ chân ăn nhẹ, uống cafe lại còn có thể ngắm nhìn toàn cảnh bức tranh Fresh Garden Đà Lạt đặc sắc khó quên.

Không chỉ có muôn hoa khoe sắc, Fresh Garden Đà Lạt còn có mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao như: vườn dâu tây và rau thủy canh, cánh đồng bí ngô khổng lồ, vườn cà chua trĩu quả, vườn dưa chuột baby xinh xinh để cho du khách tham quan.

Phân Viện Sinh học Đà Lạt

Phân Viện Sinh học Đà Lạt (hay còn gọi là Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên) là một căn nhà gồm 4 tầng với tổng cộng 115 phòng, chính thức đưa vào hoạt động từ năm 1985. Tại bảo tàng hiện nay có tất cả 7 gian trưng bày và 6 phòng lưu trữ. Mục đích chính của bảo tàng nhằm tuyên truyền bảo vệ môi trường sống, cấm săn bắt thú rừng, lưu trữ và bảo tồn nhiều nguồn gen quý, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách – học sinh – sinh viên tại thành phố.

Ngoài chức năng nghiên cứu thì nơi đây cũng được xem như một “bảo tàng sống” với nhiều hiện vật vô cùng phong phú. Phân viện có riêng một khu trưng bày xương, sừng, mô hình của các loài động vật quý hiếm như khủng long, voi, hổ, gấu, vượn,… Bên cạnh đó, đến đây du khách còn có thể tìm hiểu về sự vận hành của vũ trụ, nghiên cứu các loài thực vật.

Nhìn từ phía ngoài, Phân Viện Sinh học Đà Lạt khiến bất cứ ai cũng choáng ngợp bởi thiết kế trông chẳng khác nào một tòa lâu đài nguy nga, cổ kính của Châu Âu! Toàn bộ bảo tàng được làm bằng đá, mang lối kiến trúc gothic kiểu Pháp với rất nhiều ô cửa. Chỉ là những bức tường gạch bình thường bên ngoài thôi cũng đủ trở thành background sống ảo “độc nhất vô nhị” cho du khách rồi!

Một số góc check-in ngoại cảnh khác mà mọi người không thể bỏ qua chính là đường hầm nhỏ đầy ma mị, ngay cạnh bên chính là góc ban công “quốc dân” hầu như đã nhẵn mặt trên biết bao shoot hình sống ảo của giới trẻ. Ngoài ra, các bậc cầu thang hay những ô cửa phía ngoài bảo tàng khi lên ảnh đều nhuốm một màu u buồn, huyền bí đến lạ. Đẹp hay không phần lớn còn nhờ vào góc chụp, trang phục, và quan trọng nhất là thần thái và cách tạo dáng của chúng ta!

Đường hầm đất sét

Khu du lịch “Đường hầm đất sét” hay còn gọi là “đường hầm điêu khắc đất sét Dalat Star” rộng 500m2 nằm ở khu vực hồ Tuyền lâm. Đường hầm đất sét này được khởi công xây dựng từ năm 2010 với chiều dài khoảng 2km. Chủ nhân của công trình kiến trúc độc đáo này là anh Trịnh Bá Dũng, người đã từng bị bạn bè, người thân cho là “điên khùng” với đôi bàn tay lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Tính tới nay thì chủ nhân của nó đã đầu tư khoảng 200 tỷ VNĐ.

Tọa lạc giữa rừng thông xanh biếc, đường hầm đất sét trải dài hơn 1.200m được chủ nhân dốc toàn tâm huyết để tạo nên một kì tích mà ít ai có thể thực hiện được, vì thế đây là một địa điểm tham quan mới khá thú vị đối với khách du lịch nhờ những công trình điêu khắc từ đất đỏ bazan của mình.

Công trình điêu khắc nghệ thuật này được tạo nên dựa vào hai ý tưởng là tái hiện lại một Đà Lạt từ thuở ban sơ cho đến khi phát triển thành một thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Việt Nam. Bên cạnh đó còn tái hiện những nét văn hóa, những công trình kiến trúc độc đáo. Ý tưởng đầu tiên khắc họa lịch sử Đà Lạt theo các giai đoạn: từ thuở hoang sơ đến năm 1893 năm mà Yersin khám phá ra cao nguyên Lang Biang với những truyền thuyết về thiên nhiên hoang dã đã được khắc họa đầy đủ từ đủ loại thú rừng đến thiên nhiên hoang sơ. Tiếp theo là giai đoạn Yersin khám phá Đà Lạt được tái hiện lại từ những ngôi nhà đơn sơ mộc mạc, những hình ảnh sinh hoạt hết sức đời thường, giản dị của người đồng bào dân tộc cho đến những công trình kiến trúc và văn hóa độc đáo như ga xe lửa, dinh Bảo Đại, viện Pasteur, trường Lycée, đại học Đà Lạt, nhà thờ Con Gà, khách sạn Palace, giáo hoàng học viện, chùa Linh Sơn, cầu Ông Đạo, chợ Đà Lạt,… Cuối cùng là Đà Lạt hiện tại và tương lai với nhiều kiến trúc mới như: Sân bay Liên Khương, đường cao tốc, hồ Tuyền Lâm, thung lũng Tình yêu,…

Đường hầm này cũng là một sự đột phá đỉnh cao về chất liệu, sau 4 năm mày mò mà chủ nhân của nó mới tìm ra được công thức biến đất sét thành một chất liệu mới có màu sắc độc đáo và đặc biệt thân thiện với môi trường.

Hành trình khám phá đường hầm đất sét độc đáo này bắt đầu từ đầu con rồng và điểm kết thúc là đuôi của nó. Bước vào cổng khu du lịch, du khách sẽ bắt gặp một con rồng khổng lồ nơi mà bất cứ ai cũng muốn chụp một vài kiểu ảnh làm kỷ niệm và để khoe với bạn bè.

Càng ấn tượng hơn nữa khi trong công trình đường hầm điêu khắc đất sét này đã có đến 2 kỷ lục được ghi nhận vào sách kỷ lục Việt Nam. Một là ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đầu tiên có phong cách độc đáo nhất và hai là ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên và có diện tích lớn nhất. Đặc biệt hơn, hình ảnh Trường Sa, Hoàng Sa xuất hiện trên mái nhà như một lời nhắc nhở du khách về chủ quyền lãnh thổ. Đây không chỉ là công trình mang tính nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là một công trình có tính nhân văn cao cả.

Vườn dâu tây

Dâu tây là một trong những đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt. Bởi vậy, khi đến với “thành phố hoa” này, ngoài đến những điểm du lịch đã quá quen thuộc, du khách đừng bỏ qua chuyến tham quan tới các vườn dâu tây để trực tiếp tham quan, hái dâu và ăn dâu ngay tại vườn. Ngoài chụp ảnh, ăn và hái dâu tại vườn, du khách còn có thể mua dâu và các sản phẩm chế biến từ dâu về cho người thân và bạn bè.

Một số địa điểm vườn dâu tây mà du khách có thể ghé tham quan như: vườn dâu Nguyễn Lâm Thanh, vườn dâu New Zealand, vườn dâu Nhật Thánh Mẫu, vườn dâu Biofresh, vườn dâu Nguyễn Thành Trung, vườn Dâu Cô Tâm…

QUE Garden

Đối với ai yêu cái mộng mơ và nghệ thuật bonsai Nhật Bản thì đến với QUE Garden (nằm ngay dưới chân đèo Mimosa), hẳn sẽ phải ngẩn ngơ trước “chất thơ” của nơi này. Nét đặc biệt của QUE Garden là cách bài trí khá tinh tế theo phong cách vườn cây cảnh của Nhật Bản. Khu đất rộng 20.000 m² được chia thành 3 khu vực, khu vực bonsai có lẽ là nơi gây ấn tượng mạnh nhất với du khách với những chậu bonsai lá kim được chăm sóc tỉa tót theo đúng phong cách bonsai Nhật Bản với hình dáng, nhánh cây vô cùng tinh xảo đậm chất nghệ thuật của Nhật Bản. Ở khu này, những căn nhà nhỏ, đá, nước, hồ cá khiến cho bước chân ai lạc đến đều cảm thấy thật thư thái giữa không gian đậm chất “thiền” nhẹ nhàng hòa cùng những bản nhạc không lời du dương và tiếng róc rách của nước.

QUE Garden được giới bonsai cây cảnh đánh giá là khu vườn bonsai lá kim lớn nhất Việt Nam. Những chậu cây bonsai ở đây rất to và đẹp, được chăm sóc, uốn nắn kỹ lưỡng vô cùng đẹp mắt bởi các hình dáng riêng và mang từng ý nghĩa khác nhau. Ông chủ của khu du lịch này vốn là người chuyên trồng và thiết kế vườn cây, bonsai có tiếng ở Đà Lạt. Chính vì vậy, khu vực bonsai cũng là khu vực được anh đầu tư kỹ với nhiều gốc cây khổng lồ có giá trị không chỉ về nghệ thuật mà cả giá trị về kinh tế. Giữa không gian của núi rừng buổi sáng, lạc đến nơi này, cảm giác thư thái, nhẹ nhàng sẽ tràn ngập tâm hồn bất cứ du khách hồng trần nào.

Không chỉ vậy, ở QUE Garden, ngoài bonsai còn có những khu vườn đệm xung quanh được chăm sóc tỉ mỉ, trồng hoa cúc Nhật đủ màu sắc. Những lối mòn nhỏ len lỏi từ dưới chân đồi, một vài vách đá bao bọc, sườn đồi bao phủ bởi những loài hoa nổi tiếng đặc trưng của Đà Lạt nhưng mang gốc gác của Nhật Bản được du nhập vào Đà Lạt thời gian gần đây. Tất cả tạo ra một không gian vô cùng đặc sắc cho những người mê và yêu hoa lá, thiên nhiên.

Phim trường Story Love

Khách du lịch Đà Lạt luôn muốn tìm cho mình những địa điểm mới lạ để trải nghiệm thì bây giờ có hẳn một phim trường Story Love đẹp “chất ngất” như miền Đông nước Anh. Đi Đà Lạt chưa khi nào lại hấp dẫn và thú vị với những người yêu thích chụp ảnh đến như vậy.

Với diện tích hơn 4000m2, Story Love là một tổ hợp phim trường được chăm chút rất kỹ với những nhiều góc ảnh cực lạ và cũng cực đẹp mà ở Đà Lạt chưa từng có.

Những góc ảnh như: tòa lâu đài, quán café, con đường đầy hoa anh đào, hay ngôi nhà gỗ… đều là những góc ảnh siêu đẹp mà không chỉ các cặp đôi khai thác để chụp hình trong ngày trọng đại của mình, mà còn góc siêu ảo cho mọi người có được ngàn lẻ mười một tấm ảnh đẹp mà chẳng cần đi quá nhiều nơi.

Nguyệt Vọng Lầu

Nếu du khách đã quen thuộc với những góc sống ảo ở Đà Lạt rồi thì chuyến đi lần này hãy nhớ check-in ở Nguyệt Vọng Lầu ngay góc phố Trương Định – Tăng Bạt Hổ! Đây là một ngôi nhà được sơn màu đỏ, với những khung cửa sổ vàng nhạt, những dòng chữ graffiti, quanh năm đóng cửa nhưng chụp ảnh lên thì vô cùng ảo diệu.

Theo lời kể của người dân địa phương sống quanh đây thì trước kia nơi đây là một quán chè khá nổi tiếng trên con phố này. Được thiết kế mang kiến trúc Á Đông xưa, Nguyệt Vọng Lầu trước kia được bài trí đẹp với đèn lồng đỏ, chủ nhân của quán là một Hoa Kiều, nhưng món ăn của quán lại đậm phong vị của Tây Nam Bộ với nước dừa thơm béo, các món bánh nướng đa dạng và đặc biệt là chè thưng, chè thập cẩm rất cuốn hút. Nhưng theo thời gian chẳng biết sao quán đóng cửa luôn và hiện nay cả nguyên khu phố chè khi xưa giờ cũng đã được thay bằng khu phố chuyên phục vụ khách Tây với những quán cafe mang phong cách hiện đại.

Chùa Linh Phước

Chùa Linh Phước là một địa điểm không thể bỏ qua của Phật tử gần xa hay khách du lịch khi đến với Đà Lạt. Ngôi chùa này được xây dựng từ năm 1949 với nét đặc biệt là các công trình đặc sắc được làm từ mảnh chai, sành, sứ. Chính vì sự độc đáo này, chùa Linh Phước còn có tên gọi khác là “Chùa Ve Chai”, “Chùa Mảnh Chai”.

Với nhiều công trình khảm sành sứ đặc sắc và nhiều hạng mục kiến trúc quy mô, chùa Linh Phước là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Đà Lạt và đã xác lập 11 kỷ lục Việt Nam. Trong sân chùa (Hoa Long Viên) có công trình hình con rồng dài hơn 49m được ghép từ hơn 12,000 vỏ chai bia. Trước sân chùa lại là toà Linh Tháp với 7 tầng, cao hơn 37m và giữ kỷ lục tháp chuông chùa cao nhất ở Việt Nam. Trong lòng Linh Tháp treo Đại Hồng Chung nặng đến 8.500kg và được ghi nhận là chuông nặng nhất Việt Nam. Bảo đài Quan Thế Âm Bồ tát cũng được đặt hài hoà và cân đối ở phía trước sân chùa. Pho tượng cao 18m và được kết bằng hơn 600.000 bông hoa bất tử, đến nay vẫn giữ được nguyên vẹn.

Đi vào Chính điện, Tiền Đàn Bảo Tháp hiện lên đồ sộ và được chạm trổ bằng những họa tiết hình rồng vô cùng tinh xảo. Dọc hai bên Chính điện là hai hàng cột rồng được khảm mảnh sành vô cùng khéo léo và tinh tế. Hình tượng con rồng dường như bao quát toàn bộ kiến trúc ngôi chùa chùa Linh Phước với sự bài trí rất công phu, tỉ mỉ trên các hàng cột, trên mái chùa,…

Tiến vào bên trong nội điện, du khách sẽ phải trầm trồ trước tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao đến 17m bằng bê tông, bên ngoài thiếp vàng, được xếp xung quanh bởi hơn 300 tượng Quan Thế Âm.

Đường hầm hỏa xa

Nếu ai là “fan” bộ phim hoạt hình “Lạc vào thế giới linh hồn” (Spirited Away) nổi tiếng của Ghibli thì chắc hẳn không thể bỏ qua địa điểm “đường hầm hỏa xa” khi đến với Đà Lạt. Ẩn mình trong những bụi cây xanh, đường hầm hỏa xa phủ đầy những rêu phong xanh mang một nét bí ẩn khó tả. Du khách chỉ cần một chút ánh sáng là sẽ có được những bức ảnh vô cùng “vi diệu” tại đây.

Đi qua bên kia đường hầm, là cả một không gian xanh mướt hiện ra với những rừng cây xanh cùng bụi dương xỉ um tùm. Tất cả khiến bạn ngỡ như mình đang lạc vào chốn thần tiên huyền bí nào vậy. Tuy đường không hẳn dễ đi như những điểm du lịch ở Đà Lạt khác nhưng đến đây rồi thì đảm bảo du khách sẽ không hối tiếc đâu.

Hồ Ankroet

Hồ Ankroet là một cái tên khá quen thuộc đối với các bạn trẻ ở Đà Lạt, và trong những ngày gần đây, hồ Ankroet cũng chính là Tuyệt Tình Cốc phiên bản mới mà những kẻ yêu Đà Lạt ở khắp nơi đang tìm kiếm.

Hồ Ankroet nằm trong khu vực hồ Đan Kia – thượng nguồn hồ Suối Vàng, ngay dưới chân núi Langbiang, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 12km về phía Tây Bắc. Khung cảnh nơi đây còn giữ được nguyên vẹn những nét hoang sơ từ thuở ngày xưa, có những mỏm đá cheo leo, có dòng thác chảy xuống từ phía thượng nguồn, vượt qua tầng tầng lớp lớp đá, rồi đổ vào lòng hồ rộng lớn tạo nên một khoảng xanh trong veo màu ngọc bích nằm lọt thỏm giữa đại ngàn mênh mang. Một nơi chốn hoang sơ nhưng cũng không kém phần thơ mộng, để người ta cứ thế thoải mái hòa mình vào bản hùng ca của đất trời, có tiếng gió vi vu lướt qua nhành cây, ngọn lá, có tiếng thác chảy ào ào suốt cả đêm ngày.

Nằm sâu giữa đại ngàn cao nguyên hùng vỹ, hồ Ankroet còn giữ được vẻ nguyên sơ như buổi ban đầu. Ta bắt gặp ở đó sắc xanh miên man của núi rừng, màu ngọc bích của hồ nước nằm lẩn khuất phía dưới kia. Một khung cảnh thanh bình và đầy trong trẻo, để người ta cứ thế trốn những muộn phiền cuộc sống thường ngày.

Hồ Ankroet không mang màu xanh trong vắt như Tuyệt Tình Cốc phiên bản gốc, nhưng nơi ấy sở hữu một địa thế hoàn hảo có một không hai cùng tầm nhìn bốn bên rộng lớn. Có rừng cây xanh ngắt bao bọc quanh hồ, có hồ nước yên bình soi chiếu cả không gian, có những mỏm đá cheo leo nổi bật giữa hồ. Tất cả góp phần phác họa nên một bức tranh đẹp mê hồn, tạo nên một background cực chất cho những bức ảnh ngàn like.

Tới hồ Ankroet, du khách còn được chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo của nhà máy thủy điện đầu tiên trên Đà Lạt. Một công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc, với sự kết hợp đầy lạ lẫm giữa kiểu kiến trúc công xưởng mang xu hướng của thế kỷ XX cùng lối kiến trúc đá của miền Tây nước Pháp. Cho tới hôm nay, thủy điện Ankroet vẫn trường tồn theo năm tháng và vẻ đẹp nhuốm màu thời gian ấy như cuốn hút mắt nhìn của biết bao người.

Đồi cỏ tuyết Đà Lạt

Đồi cỏ tuyết hay còn gọi là đồi cỏ hồng Đà Lạt chỉ mới xuất hiện gần đây nhưng đã khiến dân tình điên đảo. Nơi đây sở hữu loài cỏ hồng tuyệt đẹp phủ kín triền đồi khiến cả không gian trở nên thơ mộng, lãng mạn không sao tả xiết. Đặc biệt, vào những buổi sớm, khi hàng vạn giọt sương vẫn còn đọng trên những bông cỏ hồng xinh đẹp khiến cả đồi như được phủ bông tuyết trắng. Để rồi khi bình minh ló dạng, ánh nắng mặt trời làm những giọt sương phản chiếu lấp lánh cả ngọn đồi bao la.

Nhà thờ Con Gà

Nhà thờ Con Gà hay còn gọi là Nhà thờ Chính Tòa Đà lạt, tên chính thức là: Nhà thờ chính tòa Thánh Nicôla Bari. Đây là một nhà thờ lớn nhất Đà Lạt, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố Đà Lạt do người Pháp để lại.

Sự ra đời của tên gọi “Nhà thờ Con Gà” là vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà trống lớn – một biểu tượng cho sự sám hối theo kinh Tân Ước. Đây chính là điểm nhấn khó quên cho nhà thờ bởi với độ cao ấy, hình ảnh con gà trên tháp chuông có thể nhìn thấy từ nhiều góc trong thành phố. Với chất liệu hợp kim nhẹ rỗng, bên trong được phủ lớp hóa chất đặc biệt và được đặt trên trục quay bằng bạc đạn dài 0.66m cao 0.58m, con gà có thể quay theo hướng gió.

Gần 80 năm kể từ khi hoàn thành vào năm 1942, Nhà thờ con Gà thực sự là một công trình kiến trúc Roman độc đáo mang hơi hướng Châu Âu với tổng thể hình chữ thập dài 65m, rộng 14m và chạm đỉnh tháp chuông là 47m. Để tạo điểm nhấn cho nhà thờ, kiến trúc sư đã cho lắp đặt trên tường 70 tấm kính màu theo phong cách Trung Cổ vừa chiếu sáng huyền ảo nội khu thánh đường vừa có tính trang trí thẩm mỹ độc đáo, lạ mắt. Ngoài ra, các cửa sổ đều có vòm uốn cung tròn, đường nét mạnh mẽ, dứt khoát với phần mái được lợp bằng ngói thạch bàn, đặc biệt là tỷ lệ giữa các mảng khối rất hài hòa và chặt chẽ.

Khu thánh đường gồm 3 gian: 1 gian lớn ở gian lớn ở giữa và 2 gian nhỏ ở hai bên. Mặt cắt công trình thể hiện rõ cấu trúc hệ cuốn theo dạng cung nguyên với dãy cuốn và hệ vòm nôi.Các cột trong nội thất có hệ đầu cột mô phỏng dạng cổ điển kết hợp với tự phát. Cả mặt bằng và mặt đứng đều được thiết kế đối xứng nghiêm ngặt theo lối cổ điển kết hợp với tự phát. Chính lối thiết kế này đã tạo cho không gian bên trong Nhà thờ Con Gà trở nên cổ kính pha chút sang trọng.

Ngoài nét cổ kính, trang nghiêm trong kiến trúc, Nhà thờ Con Gà còn thu hút khách du lịch đặc biệt là các bạn trẻ đến check-in bởi sắc hồng của những bức tường. Tường hồng trên nền bầu trời xanh là phông hình rất được các tay máy ưu ái, nhất là những cô gái. Du khách đến đây còn bị ấn tượng trước sắc đỏ rực của hoa trạng nguyên hai bên đường và xen kẽ giữa các tòa của nhà thờ.

Nhà thờ Domaine de Marie

Nhà thờ Domaine De Marie là một trong hai nhà thờ nổi tiếng nhất thành phố Đà Lạt. Nơi đây còn được biết đến với nhiều cái tên thân quen do người dân đặt như nhà thờ Vinh Sơn, nhà thờ Mai Anh và nhà thờ lãnh địa Đức Bà.

Nhà thờ được xây dựng hơn 10 hecta, theo phong cách cổ diển Châu Âu với bức tường xây bằng đá chẻ, kiểu kiến trúc độc đáo của nước Pháp.

Nhà thờ được xây dựng trên đồi trồng toàn hoa mai anh đào rất đẹp, được thiết kế xây dựng theo lối kiến trúc vào cuối thế kỷ XVII hòa trộn với một số nét kiến trúc dân gian của Việt Nam tạo nên một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, khác lạ. Nhà thờ có nhiều điểm cách tân, phía trước thánh đường có hai bậc thang lát gạch lối đi lên cửa chính. Điểm nổi bật nhất trong kiến trúc của thánh đường là thiết kế mái chính giống hình tam giác cân, trên đỉnh gắn cây thánh giá và sự nổi bật của các vòm cửa hình lưỡi mác hai bên. Hệ thống mái có hình dáng giống nhà Rông truyền thống của dân tộc Tây Nguyên.

Toàn bộ nhà thờ Domaine De Marie được bao phủ trong màu hồng sậm, lớp ngói màu đỏ sản xuất ở Việt Nam làm nổi trội cả một góc trời. Điểm nhấn trong thiết kế nhà thờ là cửa sổ của mái ngói và cửa sổ hoa hồng hình tròn phía đỉnh mái tạo không gian chiếu sáng, huyền ảo cho thánh đường. Phần tường được xây dựng với thiết kế mới lạ xây bằng đá chẻ ngang tới bệ cửa sổ, các cửa được thiết kế sâu vào bên trong, giúp mặt bên của công trình thêm phần ấn tượng.

Trong nhà thờ có bức tượng Đức Mẹ cao hơn 3m đứng trên quả địa cầu được tạc theo hình mẫu của phụ nữ Việt Nam, do Jonchère – một kiến trúc sư người Pháp thiết kế.

Phía sau nhà thờ Domaine De Marie bao quanh là khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với nhiều loại hoa. Bên cạnh đó là ba dãy nhà 3 tầng của Dòng Nữ tu Bác Ái được thiết kế theo kiểu hiện đại. Chính điều đó làm tăng thêm vẻ nguy nga, đồ sộ và thu hút, hấp dẫn khách du lịch tới đây tham quan.

Chợ đêm Đà Lạt

Nằm ở phía sau chợ Đà Lạt, chợ Âm Phủ (hay còn được gọi là chợ đêm Đà Lạt) là nơi du khách có thể nhìn thấy hết sự nhộn nhịp và sức sống về đêm của thành phố du lịch nổi tiếng này. Trong không khí se lạnh của phố núi khi màn sương buông xuống, dạo quanh chợ đêm thưởng thức những món ngon đặc sản Đà Lạt từ lâu đã trở thành thú vui của khách du lịch khi đặt chân đến Đà Lạt.

Tên gọi “chợ Âm Phủ” này xuất hiện từ hồi đèn đường còn chưa có, những người bán đồ ăn khuya tụ tập ở dọc cầu thang từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt. Có thể nói vẻ đẹp về đêm của Đà Lạt được thu lại gói gọn trong ngôi chợ nhộn nhịp này. Hay có thể nói cách khác rằng khi đêm xuống, thành phố Đà Lạt trở nên lạnh lẽo và u buồn, duy chỉ có chợ đêm là đông đúc và tập nập, không khó hiểu tại sao nơi đây là chỗ “ăn chơi” sáng giá nhất về đêm ở phố núi này.

Nhắc đến chợ đêm Đà Lạt, chắc hẳn không ai không nhớ đến hương vị thơm ngon đậm đà của những món ăn đặc sản nơi đây. Sau khoảng 17:00 là thời gian chợ Đà Lạt chuyển mình, những kiốt hoa vội vã dọn hàng nhường chỗ cho quầy bán đồ len, và chỉ chừng 30 phút sau không khí nơi đây chộn rộn hẳn lên, một đêm buôn bán tấp nập bắt đầu từ đó.

Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch trọng điểm của cả nước, cũng vì thế mà xét về các địa điểm ẩm thực, hoặc các món ăn ở đây thì không ở đâu chê được. Một điểm khiến du khách thích lang thang ăn uống ở chợ đêm là nơi đây khí hậu cực kỳ mát mẻ, chiều tối là se se lạnh, các món ăn ấm nóng vì thế mà ngon gấp bội phần.

Nếu du khách có ý định sắm cho mình những bộ trang phục vừa đẹp lại với giá cả hợp lý thì chợ đêm Đà Lạt chính là điểm đến lý tưởng. Bộ đồ ngủ, áo sơ mi, áo len, áo khoác, khăn choàng cổ, mũ len,… chỉ có giá vài chục ngàn trở xuống, và nếu lựa kĩ du khách cũng sẽ tìm được những món đồ ưng ý để làm quà cho người thân.

Có câu nói rằng: “Đến Đà Lạt mà không đi chợ đêm thì xem như chưa phải đi Đà Lạt”. Hãy dành trọn một buổi tối cùng bạn bè khám phá khu chợ đặc biệt này, ăn uống và mua sắm thả ga! Người Đà Lạt dễ thương cùng những món ăn thơm ngon khó cưỡng chắc chắc sẽ khiến du khách muốn quay lại khu chợ đêm này.

Hiệp Khách Lầu

Nằm ngay trên đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, cách chợ Đà Lạt và trung tâm thành phố tầm 2km, Hiệp Khách Lầu ẩn mình trong một khu rừng xanh mát đang là một trong các địa điểm du lịch “hot” nhất hiện nay của Đà Lạt. Đây là điểm đến cực kỳ ấn tượng dành cho những bạn yêu thích phong cách cổ trang kiếm hiệp Trung Quốc. Với hai bên lối đi vào là rừng cây bạt ngàn, rừng trúc, rừng hồng cùng những chiếc đèn lồng, tranh thủy mặc, bạn sẽ ngỡ như mình đang lạc bước trong một bộ phim Trung Hoa.

Nếu có dịp ghé thăm thành phố Đà Lạt mộng mơ, du khách đừng bỏ lỡ 38 địa điểm thú vị như Airbooking đã giới thiệu trên đây để có thể hòa mình cùng thiên nhiên vừa hoang sơ vừa ma mị quyến rũ. Đà Lạt chắc chắn sẽ làm thỏa mãn những kẻ mộng mơ bởi những điểm đến thu hút này.