Đến với thành phố biển Nha Trang, du khách không chỉ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà còn có dịp khám phá những lễ hội độc đáo gắn liền với tín ngưỡng và đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Nét độc đáo trong những lễ hội này sẽ mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm bất ngờ và thú vị.

1. Festival Biển Nha Trang

Festival Biển Nha Trang được tổ chức 2 năm một lần, là sự kiện văn hóa – du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế, cũng là thương hiệu lễ hội riêng của thành phố Nha Trang nhằm giới thiệu, tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần, bản sắc văn hóa biển đảo.

Chương trình của Festival Biển Nha Trang có rất nhiều hoạt động, kéo dài từ 4 – 5 ngày. Các hoạt động có nội dung mang đậm giá trị văn hóa truyền thống như: Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội ẩm thực Yến Sào Khánh, các trò chơi dân gian, hội thi bơi lắc thúng,… Đặc biệt, sau buổi lễ khai mạc sẽ là màn trình diễn bắn pháo hoa chào mừng vô cùng ấn tượng. Bên cạnh các hoạt động đó, Festival Biển Nha Trang còn có nhiều hoạt động nghệ thuật như: Triển lãm mỹ thuật, thi vẽ tranh thiếu nhi, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố,… Và nhiều hoạt động thể thao giải trí như: Giải bơi biển, giải bóng chuyền bãi biển, giải bóng đá bãi biển,…

Đặc biệt, Festival Biển Nha Trang còn là nơi quy tụ của rất nhiều ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ, các hoa hậu, á hậu nổi tiếng.

2. Lễ hội Cầu Ngư

Lễ hội Cầu Ngư ở Nha Trang là một lễ hội mang tính chất thờ phụng, cầu bình an và bảo vệ loài cá Voi. Lễ hội này được tổ chức từ ngày 11-13/2 âm lịch hàng năm.

Truyền thuyết xưa kể rằng, Nguyễn Ánh trong một lần đắm thuyền đã được một con cá Voi cứu sống. Sau khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh (lấy hiệu là Gia Long) đã phong tước cho loài cá voi này là “Nam hải cự tộc ngọc lân Thượng đẳng Thần”. Các vua triều Nguyễn thì sắc phong loài cá to lớn này là “Đại càng quốc gia Nam Hải”.

Đối với người dân vùng biển Nha Trang, cá Voi là loài cá quý hiếm, thường hay giúp đỡ tàu bè, ngư dân trong cơn giông bão của biển cả nên loài cá này được coi như hóa thân của thần biển. Cộng thêm truyền thuyết từ mấy trăm năm, ngư dân Nha Trang lại càng coi việc thờ cúng loài cá này là việc hết sức quan trọng, phải thật thành kính. Họ gọi cá Voi là cá Ông hoặc Ông Nam Hải. Khi cá Voi chết sẽ được chôn cất trong lăng mộ riêng gọi là lăng Ông. Xương cá voi trong lăng là Ngọc Cốt.

Mỗi năm, vào ngày “ông lỵ” (ngày cá voi chết), hai kỳ xuân tế thu tế, người dân lại tổ chức lễ hội rất long trọng, một phần để thỉnh với linh hồn Ông Nam Hải, một phần để cúng cầu cho mùa đánh bắt năm nay bội thu, sóng yên biển lặng, thuyền bè ra khơi an toàn. Họ tin rằng, ngoài việc có sức mạnh phi thường, cá Voi còn có khả năng thấu hiểu ý nguyện của người dân, luôn giúp đỡ con người và làm điều thiện.

Hoạt động lễ hội bắt đầu từ sáng sớm, với nghi thức Nghinh Ông. Đây là nghi thức vô cùng quan trọng trong cả lễ hội. Người ta sẽ chọn lựa những người khỏe mạnh nhất, rước kiệu Ông Nam Hải đi ra phía biển để lên thuyền rồng ra khơi. Bởi họ tâm niệm, vào ngày này, linh hồn Ông Nam Hải mới hiện lên giữa biển.

Dọc đường, người dân chuẩn bị lễ vật nghênh đón, nhang khói rợp trời. Hai bên kiệu võng là các ghe nhỏ hơn chở bà con và khách khứa đi theo kiệu, ghe nào cũng trang hoàng cờ hoa rực rỡ, tháp tùng Ông trên biển. Tầm 15 chiếc ghe được lựa chọn cẩn thận, xếp thành hình chữ V như đàn chim trên bầu trời, dong trống mở cờ rộn rã cả một vùng biển, Đây được coi là dấu hiệu gọi Ông về. Đầu mỗi ghe là mâm lễ vật được chuẩn bị tươm tất. Đoàn rước quay về bến Lăng Ông, dẫn hồn Ông Nam Hải về ngự. Trước cửa lăng đã chuẩn bị hết đoàn múa lân, sư tử để chào đón Ông về rồi.

Bên cạnh lễ Nghinh Ông thì lễ sắc phong là đám thu hút đông đảo sự tập trung, tham gia của người dân nhất. Đám rước sắc phong chia làm hai đoàn, một đi từ phía Bắc, một đi từ phía Nam, hai đoàn đều đi hướng về khu Lăng Ông. Dẫn đâu mỗi đoàn là đội mùa lân, sư, rồng. Vừa về huyên náo không khí, lại để trừ tà ma tránh đường theo suy nghĩ của người dân. Tiếp sau đoàn mua lân là mô hình thuyền lướt sóng trên biển. Một con thuyền treo cờ phấp phới, bên trên là các những ngư dân đang mô phỏng động tác chèo thuyền, hò dô, đẩy lái. Mô hình thuyền này được gánh trên vai hàng chục thanh niên trai tráng khác, mặc quần áo xanh tượng trưng cho biển cả. Một hình ảnh trực quan vô cùng sống động đã được người dân hiện thực hóa theo cách tâm linh khá thú vị. Đi cuối đoàn rước là các thành viên tham gia lễ rước, mặc quần áo thiết kế theo lối cổ xưa, tay cầm cờ, binh khí chính tề xếp hai hàng đều bước. Rước đoàn đến đâu, cờ trống inh ỏi, rộn rã cả một góc xóm đến đấy. Đoàn rước phải canh giờ sao cho vừa đến cửa Lăng thì cũng là lúc diễn ra nghi thức nhập lăng của Ông Hải Nam.

Sau khi nhập lăng thì đội múa lân sẽ múa lần cuối, tiếp đến là phần hát bả trạo rồi đến hát chầu. Kết thúc phần lễ thỉnh, báo cáo kết quả năm trước, cầu an cho năm nay thì lại rước Ông ra biển. Lúc này ngoài khơi đã đậu sẵn hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang trí cờ hoa sẵn sàng chờ lệnh Ông rồi.

Nhìn lại thì trình tự các nghi thức lễ hội khá giống với lễ tế đình làng ở khu vực Bắc Bộ, khác cái là lễ hội cầu ngư Nha Trang có khi kéo dài đến cả tuần. Trong dịp lễ, người dân tạm thời gác công việc sang một bên, mở hội ăn uống, vui chơi chuyện trò, dù là hàng xóm hay là hành khách từ nơi xa tới cũng được tham gia hết.

Lễ hội cầu ngư Nha Trang là một lễ hội văn hóa tâm linh được gây dựng và gìn giữ bao đời. Mỗi lần lễ hội diễn ra lại thấy tình người tràn ngập và đoàn kết vô cùng. Một lễ hội đậm đà thuần phong mỹ tục thế này xứng đáng được kế thừa và phát huy bởi lớp trẻ, để Việt Nam có thể giữ vừng được bản sắc riêng.

3. Lễ hội Đền Hùng

Lễ hội Đền Hùng là một trong những lễ hội lớn của cả dân tộc Việt Nam. Không chỉ được biết đến ở Phú Thọ, mà lễ hội Đền Hùng còn được tổ chức ở rất nhiều nơi, trong đó có Nha Trang. Tại đây, lễ hội được tổ chức rất trang nghiêm vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm ở đền Hùng Vương, hay còn gọi là đền thờ Đức Quốc Tổ Hùng Vương, tọa lạc trên đường Ngô Gia Tự.

Lễ hội được tổ chức nhằm tỏ lòng biết ơn của con dân đối với các vua Hùng đã có công dựng nước và đã dạy dân trồng lúa. Lễ hội mang những nét đặc sắc về văn hóa truyền thống và ý nghĩa thiêng liêng của một cuộc hành hương trở về cội nguồn dân tộc của các thế hệ người Việt Nam.

Trong lễ hội diễn ra nhiều các nghi thức tế lễ tại đền Thượng, nghi thức rước thần, rước voi, rước kiệu… của người dân trong làng; nghi lễ dâng hương, dâng hoa uy nghiêm. Ngoài ra trong thời gian tổ chức lễ hội có rất nhiều các hoạt động đặc sắc thể hiện nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam như:  múa hát xoan (ở đền Thượng), hát ca trù (ở đền Hạ), thi làm bánh chưng bánh giầy và nhiều trò chơi dân gian vô cùng thú vị khác.

4. Lễ hội Tháp Bà Ponagar

Tháp Bà Ponagar là ngôi đền Champa nằm trên đỉnh một ngọn đồi ở Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2km. Đây là một trong những địa điểm tham quan Nha Trang rất nổi tiếng. Ngôi đền này có từ rất lâu đời (khoảng thế kỷ thứ X – XI), được xây dựng theo lối kiến trúc vô cùng độc đáo mang đậm nét văn hóa của người Chăm. Hàng năm, cứ vào ngày 21-23/3 âm lịch, tại ngôi đền này sẽ diễn ra một lễ hội dân gian lớn nhất trong năm của thành phố Nha Trang – Lễ hội Tháp Bà Ponagar (hay còn gọi là “Lễ hội Thiên Yana Thánh mẫu”; “Vía Bà”). Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể cấp Quốc gia.

Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức của Thiên Yana Thánh Mẫu, người được cư dân Champa gọi là Po Inư Nagar (“người Mẹ của xứ sở”) – vị thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra Trái Đất, sản sinh gỗ quý, cây cối và lúa gạo, ban nhiều phúc lành cho người dân. Trong tâm thức cũng như đời sống và nền văn hóa bao đời nay của người Champa, nữ thần Po Inư Nagar có vai trò vô cùng quan trọng và là vị thần đầy quyền năng và sáng tạo. Đó là người phụ nữ duy nhất được tôn thờ độc lập. “Mẹ xứ sở” luôn luôn dẫn dắt để người dân Champa có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chính vì thế, người dân Champa tôn thờ vị thần Po Inư Nagar này với hình thức tế lễ linh thiêng nhất. Mọi gia đình, làng xóm đều thờ vị thần này.

Những điều tạo nên nét đặc sắc cho lễ hội Tháp Bà Ponagar không phải chỉ là ý nghĩa linh thiêng, cao quý mà bởi các nghi lễ cầu kỳ và trang trọng. Các nghi lễ chính của ngày hội gồm: Lễ mục dục (tắm tượng), lễ tế gia quan (còn gọi là lễ thay xiêm y), diễn ra vào đúng giờ Ngọ của ngày 20/3 âm lịch. Lễ cúng thánh sẽ bắt đầu bằng lễ khai kinh để cầu cho quốc thái dân an, tiếp đến là lễ tế sanh sẽ diễn và giữa đêm (giờ Tý) ngày 22/3 âm lịch. Lễ cúng chính thức sẽ diễn ra vào sáng sớm ngày hôm sau. Việc cúng lễ, hiến tế được thực hiện vô cùng trang nghiêm và thành kính, từng đoàn người sau đó sẽ đội lễ, dâng rượu, trà, hoa quả… để bày tỏ lòng biết ơn tới “Bà mẹ xứ sở”.

Lễ thả hoa đăng được tiến hành vào tối ngày 20/3 âm lịch, những bông hoa đăng lấp lánh được thả xuống dòng sông với những mong ước, nguyện cầu sẽ trở thành hiện thực. Lễ cầu siêu, lễ cầu quốc thái dân an cũng được tổ chức trang nghiêm và hướng đến những điều nhân văn, cao cả.

Bên cạnh những nghi thức linh thiêng, nét đặc sắc nhất ở lễ hội Tháp Bà Ponagar ngày nay còn được mọi người nhắc đến và quan tâm chính là điệu múa Bóng. Điệu múa đã được gắn với địa danh đi vào lịch sử với tên gọi xóm Bóng, cầu Xóm Bóng và đi vào thơ ca, nằm sâu trong tiềm thức nhiều người:

“Ai về xóm Bóng quê nhà
Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn không?
Thể thường tre lụy còn măng
Lẽ đâu tham đó bỏ đăng cho đành…”

Về hình thức múa Bóng, còn được gọi là múa Dâng bông, tức là người ta kết hoa thành mâm hay hình tháp rồi đội lên đầu và múa. Nhưng cái tài tình của người vũ công là thân hình lắc lư, tay múa và chân nhảy theo điệu nhạc nhưng những bông hoa không hề bị rơi xuống đất.

Hội thi rước và bày mâm quả để dâng mẫu cũng được tổ chức vào chiều ngày 23/3 dành cho các đoàn về dự lễ hội Tháp Bà. Các đoàn sẽ cử đại diện của mình tham gia đội nước từ Mandapa lên tháp để dâng Mẫu. Mâm quả được bày biện đẹp mắt để đội lên dâng Mẫu, đội nào có mâm quả đẹp nhất sẽ được đem dâng Mẫu ở tháp chính, những mâm khác sẽ được bày ở những tháp khác trong quần thể Tháp Bà.

5. Lễ hội Yến Sào

Vùng đất Nha Trang được biết đến với những bãi biển đẹp và Yến Sào… Trong đó, nghề Yến Sào vẫn chiếm vị thế tiên phong và nổi trội. Vì thế, lễ hội Yến Sào cũng là một trong những lễ hội nổi tiếng và được tổ chức lớn nhất trong năm của thành phố Nha Trang.

Lễ hội Yến Sào (Tên gọi đầy đủ: “lễ hội ngành phá hoang Yến Sào”) được tổ chức thường niên này nhằm tôn vinh nghề làm yến cũng như nhớ ơn về người có công khai hoang, gìn giữ và phát triển nghề yến sào này. Theo đó, lịch sử ghi lại rằng: Vào thế kỷ 14, Đề đốc thủy quân nhà Trần là Lê Văn Đạt cùng đoàn quân gặp bão lớn nên thuyền phải dạt vào đảo Hòn Tre. Khi nguồn lương thực cạn kiệt, ông tìm thấy những tổ yến trong vách núi và phát hiện những giá trị tuyệt vời từ nguồn lương thực này. Vì vậy, ông đã gắng công giữ gìn, khai thác và bảo vệ. Ông là tổ nghề yến thứ nhất. Nối nghiệp ông là An phủ sứ Bình Khang Lê Văn Quang và con gái Lê Thị Huyền Trâm. Cả hai có công rất lớn trong việc bảo vệ và phát triển yến sào, thậm chí hi sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đảo yến này. Vì thế, nhân dân đã lập miếu thờ cho cả 3 vị này. Từ đó, cứ vào mỗi 10/5 âm lịch hàng năm, người dân địa phương lại tổ chức cúng giỗ Thánh Mẫu Lê Thị Huyền Trâm và tướng sĩ Tây Sơn hi sinh năm ấy. Cũng đúng vào dịp này, lễ hội Yến Sào được tổ chức trọng thể.

Từ sáng sớm, những hậu duệ họ Lê, đặc biệt là những người già sống nhiều năm với nghề yến có uy tín và chính quyền địa phương đến đảo Hòn Nội (nơi đặt Miếu thờ Bà Chúa Đảo Yến) tiến hành nghi lễ dâng hương tri ân công đức thủy tổ, thánh mẫu và những bậc tiền nhân. Ngoài ra, họ sẽ đọc lời tri ân và báo cáo những thành tích đạt được trong một năm qua. Ngoài ra, người dân địa phương còn khấn vái, cầu mong những điều tốt đẹp cho nghề yến trong tương lai. Nghi thức long trọng, mọi người mặc lễ phục và dâng những món ngon tinh túy nhất của đất trời lên vị tổ của mình trong tiếng trống kèn vang dội. Điều đó cho thấy lòng biết ơn của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nha Trang nói riêng.

Sau phần Lễ là phần Hội. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống được diễn ra như hát quan họ, ca múa, chèo thuyền, các chương trình giới thiệu gian hàng, sản phẩm yến đặc. Chương trình này giúp quảng bá giới thiệu với du khách về nghề nuôi và chế biến chim yến. Ngoài ra, lễ hội Yến Sào còn giới thiệu cho du khách biết nhiều hơn về độ hiểm nguy, rủi ro vì người nuôi luôn phải treo mình trên vách đá chênh vênh để thu tổ yến, qua đó du khách sẽ trân quý hơn “món quà thiên nhiên này”.

Qua nhiều năm tổ chức, lễ hội Yến Sào để lại ấn tượng sâu sắc nhất với khách du lịch vào năm 2013. Thời điểm đó, lễ hội này được tổ chức chung với Festival Nha Trang biển lần thứ 6, thu hút rất đông lượng khách trong và ngoài nước đến tham gia. Đó là dịp để nghề yến được tôn vinh cao ngất và các thương hiệu yến sào Nha Trang dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng hơn.

6. Festival Du thuyền Quốc tế Nha Trang

Nha Trang là một trong những vịnh biển còn giữ được vẻ đẹp thuần khiết vốn có với nắng vàng nhuộm cát trắng rực rỡ quanh năm. Bãi biển Nha Trang nhìn từ trên cao uốn cong như lưng tôm ôm lấy vịnh nước xanh như ngọc… Nhờ những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên và con người, các chuyên gia du lịch nước ngoài nhận định, trong tương lai Nha Trang sẽ sớm trở thành một điểm đến của du thuyền, thuyền buồm quốc tế.

Người dân vịnh thì hiền hòa, chất phác và nhiệt tình quá đỗi nên chẳng bao giờ có chuyện “chặt chém” du khách. Thế nên khách ra về rồi vẫn còn lưu luyến những tình cảm chân thành và nụ cười của người dân vùng biển này.

Cũng vì muốn quảng bá rộng rãi hơn vẻ đẹp này, Festival Du thuyền Quốc tế Nha Trang được được diễn ra nhằm góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Nha Trang.

Lễ hội được tổ chức 2 năm 1 lần, từ ngày 11-15/7, quy tụ hàng chục câu lạc bộ du thuyền đến từ 22 quốc gia trên thế giới như: Singapore, Trung Quốc, Đức, Italia, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Brunei, Dubai, Canada, Mỹ, Brazil, Argentina, Nam Phi,… và các doanh nhân sở hữu du thuyền, các công ty chế tạo du thuyền.

Lễ hội diễn ra với rất nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn tại các trung tâm thương mại, đường phố lớn, các địa điểm du lịch nổi tiếng của Nha Trang như: thi sáng tác ảnh “Huyền thoại biển”, đua thuyền buồm, lễ hội ẩm thực năm châu, biểu diễn nghệ thuật đường phố,… Festival Du thuyền quốc tế Nha Trang là sự kiện giúp quảng bá tốt nhất hình ảnh đất nước, con người và tiềm năng kinh tế, văn hóa, du lịch biển đảo của Nha Trang nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời kỳ hội nhập cũng như thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

7. Lễ hội Carnival

Lễ hội Carnival là lễ hội hóa trang đường phố Châu Âu, được tổ chức bởi Vinpearl Land Nha Trang. Đây là lễ hội mà nhiều khách du lịch đã mong mỏi có ở Việt Nam để được khám phá và trải nghiệm, giờ đây nó đã trở thành dấu ấn riêng của đảo Hòn Tre, Nha Trang. Lễ hội Carnival diễn ra từ 16:00 – 16:30 vào thứ 6 và thứ 7 hàng tuần.

Lễ hội đường phố Carnival bắt nguồn từ La Mã, Hy Lạp và nhanh chóng lan rộng ra các nước Châu Âu cũng như toàn thế giới. Carnival hấp dẫn bởi sự hào hứng, vẻ rực rỡ và có thể lôi kéo hàng ngàn khán giả cùng tham gia, tạo thành một không khí vô cùng tưng bừng, nhộn nhịp. Và nay, thế giới rộn rã của vũ hội hóa trang, các nhân vật đi cà kheo, những chú lùn, công chúa, xì-trum… những nhân vật nổi tiếng trong truyện cổ mang màu sắc Châu Âu với trang phục cầu kỳ, lộng lẫy nhất đã có mặt tại Vinpearl Land Nha Trang, trở thành điểm nhấn thu hút du khách mỗi buổi chiều trên đảo ngọc.

Bước vào thế giới Carnival ở Vinpearl Land Nha Trang, tất cả sẽ như bước vào một thế giới khác – thế giới của sắc màu, âm nhạc, cổ tích và những điệu nhảy nóng bỏng. Điều hấp dẫn nhất không chỉ là ngắm nhìn, cảm hứng sẽ lên đến cao trào khi du khách hòa cùng đoàn diễu hành, cùng nhảy múa với vũ công, giống như đang có mặt ở thành phố lễ hội nổi tiếng Rio De Janiero vậy.

Ai cũng sẽ có cơ hội trở thành một phần của lễ hội sôi động này, bởi những vũ công thân thiện sẽ giao lưu với du khách và hướng dẫn từng bước di chuyển cơ bản. Đội quân nhạc với kèn trống rộn rã, những vũ điệu quen thuộc như Salsa, Zumba, Chachacha được đơn giản hóa về nhịp điệu và vũ điệu để du khách có thể cùng hòa vào đoàn diễu hành. Điệu nhảy flash mob với hàng chục diễn viên và sự góp mặt của hàng trăm du khách thay lời chào tạm biệt tại quảng trường Đại Dương sẽ thực sự khiến cảm xúc thăng hoa và lan tỏa.

Đó chỉ là một trong vô vàn cung bậc cảm xúc mà du khách sẽ lần lượt trải qua khi đặt chân tới đảo Hòn Tre, bước vào Vinpearl Land Nha Trang. Chia tay đoàn diễu hành hóa trang, du khách có thể đến ngay Vịnh Cá heo để không bỏ lỡ buổi trình diễn xiếc cá heo và hải cẩu đặc sắc.

Những người yêu thích cảm giác mạnh có thể tìm tới khu trò chơi ứng dụng công nghệ giải trí hàng đầu thế giới như: tàu lượn siêu tốc, đu quay dây văng, đu quay thú nhún, tàu hải tặc… đã từ lâu là dấu ấn của Vinpearl Land Nha Trang. Du khách cũng có thể lên xe trượt núi Alpine Coaster, từ trên cao lượn vòng quanh sườn núi, ngắm phong cảnh Vịnh Nha Trang hữu tình… Nếu muốn tìm cảm giác tao nhã, hãy tới vườn lan để tận hưởng một khoảng không gian mát dịu, hay lạc bước đến Ngôi chùa Trúc Lâm Tịnh Viện , trải nghiệm không gian thiền tịnh và an lạc

Một tin vui với du khách thích khám phá, cụm lâu đài Đại Dương đã chính thức đi vào hoạt động với rạp chiếu phim Đại Dương trình chiếu phim 4D sống động. Với các màn hình lớn gần như bao trùm khán phòng, cùng hiệu ứng âm thanh hình ảnh, kết hợp với những chuyển động và tương tác trực tiếp, khán giả sẽ có cảm giác như đang tham gia cuộc phiêu lưu với các sinh vật biển dưới lòng đại dương.

Sau hàng giờ du ngoạn và vui chơi, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi và nạp thêm năng lượng tại Làng ẩm thực Vinpearl Land với hàng trăm hương vị các vùng miền. Ngồi nhâm nhi những món ăn tuyệt hảo, để tâm hồn thư thái giữa gió biển mơn man, giữa tiếng hò reo vui nhộn của trẻ em và cả người lớn, bạn sẽ thấy mình như đặt chân tới thế giới trong mơ.

8. Lễ hội Hoa Quả Sơn

Hòn Lao nằm ở địa phận xã Vĩnh Lương, Nha Trang, cách Cảng du lịch của Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú chừng 15 phút chạy ca nô. Lâu nay đảo Hòn Lao vẫn được gọi “vương quốc loài khỉ ở Nha Trang” và được nhiều du khách yêu mến. Bên cạnh khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cảnh quan được đầu tư xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường đã tạo được ấn tượng tốt đối với khách du lịch gần xa.

Ngoài ra, Hòn Lao còn có những sản phẩm du lịch độc đáo như: đua chó, xiếc thú, đua xe prokar và đặc biệt là các hoạt động vui đùa cùng đàn khỉ lên đến cả ngàn con. Lễ hội Hoa Quả Sơn ra đời nhằm tăng thêm tính hấp dẫn đối với khách du lịch, đồng thời cũng là một hoạt động nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái biển đảo.

Để đón khách du lịch đến tham quan vào dịp Festival Biển 2013, khu du lịch Đảo Khỉ (Hòn Lao) đã được đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng để xây dựng một khu vực “Hoa Quả Sơn” độc đáo trên đảo. “Hoa Quả Sơn” tái hiện hình ảnh núi Hoa Quả gắn liền với vương quốc của khỉ trong truyện Tây Du Ký và một khu vườn tượng khỉ.

Thời gian đầu hòn đảo chỉ có vài trăm con khỉ (giai đoạn 1991-1995) nhưng đến nay đã trở thành một hòn đảo có nhiều khỉ nhất Việt Nam với hơn 1.200 chú khỉ sinh sống trên đảo, gồm 2 chủng loại: Macaca Rhérus và Macaca Fassicularit.

Được biết, cùng với các hoạt động của Festival Biển 2013, vào ngày 5/6/2013, tại đây sẽ diễn ra sự kiện Lễ hội Khỉ với nhiều hoạt động liên quan đến khỉ. Ngoài ra, khu du lịch Đảo Khỉ còn phục vụ khách du lịch chương trình đua chó hấp dẫn và gay cấn vào lúc 10:00, 14:00, 15:15 hàng ngày.

Du khách tham quan Đảo Khỉ được xem đua chó miễn phí. Mỗi đợt đua gồm 6 chú chó được đánh số thứ tự từ 1 đến 6, chạy đua trên chặng đường dài hơn 100m. Để thêm phần hồi hộp, du khách có thể tham gia chơi cá cược với vé chỉ 20.000 đồng. Nếu chọn đúng chú chó chiến thắng, du khách sẽ được thưởng 1 món quà lưu niệm.

Những dịch vụ trên đã tạo được nhiều nét mới cho khu du lịch Đảo Khỉ, giúp du khách thêm thư giãn, giải trí khi tham quan khu du lịch sinh thái mang vẻ đẹp hoang sơ này. Nhằm tăng thêm các sản phẩm du lịch cho du khách đến Nha Trang dịp Festival, Công ty Du lịch Long Phú sẽ tổ chức tour tham gia Lễ hội Hoa Quả Sơn tại Đảo Khỉ vào ngày 5/6.

Du khách tham gia lễ hội sẽ được đón tiếp tại bến tàu Đá Chồng vào lúc 7:30 đến 8:00. Du khách sẽ cảm nhận được không khí lễ hội ngay tại bến tàu khi được giao lưu, chụp hình với những chú khỉ đi cà kheo ngộ nghĩnh và được trang bị mũ lễ hội để lên tàu ra đảo tham gia chương trình.\

Khi tàu cập bến Đảo Khỉ vào lúc 9:00, du khách sẽ được đón tiếp bởi đàn khỉ hóa trang nhảy nhót vui nhộn và cùng các cung tần mỹ nữ rước chúa Khỉ đến “Hoa Quả Sơn”, khu vực núi giả tái hiện hình ảnh Hoa Quả Sơn trong Tây Du Ký.

Tại đây, du khách còn được “thưởng thức” các tiết mục múa dâng hoa quả, các bài múa khỉ, múa Chăm, các tiết mục văn nghệ thiếu nhi, biểu diễn âm nhạc dân tộc, và cuộc thi ảnh nghệ thuật “Vẻ đẹp Nha Phu, Đảo Khỉ”… Đặc biệt, du khách sẽ được hòa mình vào lễ hội “Monkey Party” dành cho các chú khỉ với hàng tấn hoa quả các loại của vùng nhiệt đới. Chương trình lễ hội sẽ kết thúc vào lúc 12:00. Sau đó, du khách tự do tham quan, nghỉ trưa trên đảo và xem chương trình đua chó, xiếc khỉ, chó đặc sắc của Đảo Khỉ. Tàu đưa du khách trở lại đất liền vào lúc 15:00.

Trên đây là top 8 lễ hội lớn mà du khách không nên bỏ lỡ khi đến “Thiên đường du lịch” Nha Trang. Những lễ hội này đã góp một phần không nhỏ vào sự phát triển văn hóa và du lịch của tỉnh Khánh Hòa nói chung và vùng đất Nha Trang nói riêng. Nó đã trở thành một trong những yếu tố đặc biệt để thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.