[kkstarratings]
Pháp một cái tên được nhắc nhiều nhất trên bàn đồ thế giới. Đất nước hình ngôi sao năm cánh không chỉ có Paris hoa lệ hay Cannes nắng ấm mà còn có những thị trấn miền quê cổ kính, thơ mộng khiến ai đến một lần cũng chẳng thế nào quên. Nhưng có rất nhiều người băn khoăn làm thể nào để có được một chuyến du lịch Pháp thật sự ý nghĩa. Airbooking xin gợi ý cho du khách những kinh nghiệm du lịch Pháp để có một chuyến du lịch bổ ích nhất.
1. XIN VISA DU LỊCH PHÁP
Du khách nên xin Visa Schengen để có thể đi lại tự do trong phạm vi 25 nước trong khối liên minh Schengen vì Pháp là một trong 4 nước ở Châu Âu chấp nhận cấp visa du lịch cho người có quốc tịch Việt Nam. Du khách chuẩn bị đầy đủ thủ tục và các loại giấy tờ để nộp hồ sơ xin cấp Visa cho đại sứ quán Pháp ở Việt Nam trước khi khởi hành khoảng 2 tháng để có thể đảm bảo khởi hành đúng lịch trình.
Các loại giấy tờ liên quan đến việc xin cấp visa Pháp (tất cả đều phải dịch sang tiếng Anh) gồm có:
– Tờ khai xin visa Schengen (điền bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của nước đó).
– Hộ chiếu có hiệu lực, được cấp không quá 10 năm, còn giá trị ít nhất ba tháng sau ngày rời khỏi lãnh thổ các nước thành viên Shengen, còn ít nhất 2 trang trắng. Nộp bản chính và bản sao tất cả các trang thông tin và các trang có dấu (nếu có).
– Ảnh theo tiêu chuẩn của các sứ quán, trên nền trắng, kích thước 3,5×4,5cm.
– Xác nhận của ngân hàng bằng tiếng Anh về tài khoản cá nhân hoặc sổ tiết kiệm, xác nhận số tiền trong thẻ tín dụng, xác nhận chủ sở hữu của debit card, xác nhận sở hữu cổ phiếu… Bạn cần chứng minh có đủ số tiền cho chuyến đi tối thiểu 70 euro/người/ngày nhân với số ngày dự kiến. Số dư trong tài khoản của bạn càng nhiều càng tốt (tối thiểu 5.000 USD) và cùng lúc sử dụng nhiều loại thẻ càng tốt, nếu thẻ hạng bạch kim càng có lợi thế.
– Một số giấy tờ chứng minh khả năng tài chính khác như: chứng từ về chủ quyền tài sản (sở hữu nhà cửa, đất đai…), chứng từ về thu nhập lợi tức: cổ đông công ty, nhà cho thuê (nếu có), giấy xác nhận mức lương, giấy phép kinh doanh nếu là chủ doanh nghiệp.
– Hành trình rõ ràng nêu chi tiết lộ trình chuyến đi và thời gian lưu trú tại mỗi quốc gia trong khối Schengen.
– Bằng chứng về nơi lưu trú: xác nhận đặt phòng khách sạn có ghi rõ ngày và thời gian lưu trú.
– Các loại giấy tờ chứng minh đã đặt các dịch vụ khác cho chuyến đi (nếu có) như vé máy bay nội địa trong châu Âu, vé tàu hoả, vé vào cửa tham quan các công trình kiến trúc, vé thăm bảo tàng, vé tham dự hoà nhạc…
– Đặt chỗ vé máy bay khứ hồi.
– Bảo hiểm y tế du lịch cho toàn bộ thời gian dự định lưu trú, có giá trị cho tất cả các quốc gia thuộc khối Schengen với mức trách nhiệm tối thiểu là 30.000 euro (khoảng 850 triệu đồng).
Các địa điểm tiếp nhận hồ sơ xin cấp visa du lịch Pháp:
– Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội: 57 Trần Hưng Đạo. Phòng thị thực mở cửa tiếp khách từ 8h30 tới 11h45 từ thứ hai tới thứ sáu. Hồ sơ xin thị thực chỉ được tiếp nhận khi đã đặt hẹn trước qua điện thoại theo số (04) 3944 5700.
– Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Pháp tại TP HCM: 27 Nguyễn Thị Minh Khai. Người xin visa phải đích thân nộp hồ sơ tại Tổng Lãnh sự quán Pháp. Không xem xét hồ sơ gửi qua đường bưu điện, fax hay thư điện tử. Tất cả các đương đơn phải lấy hẹn tại đây. Số điện thoại liên hệ (08) 3520 6800.
2. THỦ TỤC HẢI QUAN
– Mỗi hành khách được mang theo 23 kg hành lý kí gửi và 08 kg hành lý xách tay lên máy bay. Nếu mang theo quá số lượng quy định hành khách sẽ phải đóng 23 usd / kg (tại sân bay Việt Nam) và 50 euro/ kg (tại sân bay Pháp).
– Du khách được phép mang theo tối đa 7000usd, kim cương (trên 3 cara), vàng (trên 8 cây) phải khai báo. Máy móc, đồ trang sức trị giá trên 300usd phải khai báo và mang theo hành lý xách tay.
– Đồ điện tử mua về sẽ do Hải quan Việt Nam định giá chứ không phải tính theo giá hóa đơn mua bên Châu Âu. Nếu trên 300USD, phải đóng thuế 50% số tiền vượt mức và 10% VAT.
– Nếu đi theo tour của các công ty lữ hành, hướng dẫn viên sẽ giúp quý khách điền các giấy tờ về xuất nhập cảnh và hải quan trước khi đi ra sân bay.
3. THỜI GIAN THÍCH HỢP ĐỂ ĐI DU LỊCH PHÁP
Cũng như nhiều quốc gia Châu Âu khác, Pháp có 4 mùa với mùa đông kéo dài từ khoảng giữa tháng 12 đến giữa tháng 3, mùa xuân kéo dài từ khoảng giữa tháng 3 đến giữa tháng 6, mùa hè từ khoảng giữa tháng 6 đến giữa tháng 9 và mùa thu từ khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 12. Tuy nhiên, từ đặc điểm địa hình khá đa dạng, nên mỗi vùng ở nước Pháp sẽ có khí hậu không giống nhau, mùa và nhiệt độ giữa các vùng có sự chênh lệch nhau. Điều này lại trở thành một yếu tố tuyệt vời, đặc biệt là về du lịch ở Pháp, bởi dù du khách đến đất nước này vào bất cứ thời điểm trong năm, cũng có nhiều điểm tham quan phù hợp cho mình mà không bị trở ngại quá nhiều về thời tiết, khí hậu.
Mùa thu và mùa xuân là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để du khách đến thăm miền trung và miền đông của nước Pháp vì thời gian này thời tiết ở đây cực kỳ dễ chịu. Mùa hè ở một số vùng rất nóng và mùa đông rất lạnh nhưng ở khu vực dãy Alps lại rất lý tưởng để du khách thưởng ngoạn, khám phá. Với khu vực phía nam Pháp mùa thu là thời điểm tốt nhất để du khách đến du lịch. Riêng với khu vực phía tây nước Pháp, du khách có thể đến du ngoạn vào bất cứ thời điểm nào trong năm, vì thời tiết ở đây hài hòa, ngoài thời điểm cực kỳ dễ chịu vào mùa xuân và mùa thu cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mùa đông ở khu vực này không quá lạnh, mùa hè nắng nhưng cũng không quá nóng.
4. PHƯƠNG TIỆN ĐẾN VÀ ĐI LẠI Ở PHÁP
Là điểm đến quan trọng của Châu Âu, vé máy bay đi Pháp được rất nhiều hãng hàng không cung cấp. Từ Việt Nam, các hãng hàng không khai thác đường bay tới Pháp từ các sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội). Một số hãng hàng không đang khai thác các đường bay tới Pháp như: Vietnam Airlines, Air France, Czech Airlines, Korean Air, Alitalia… Hiện nay, Airbooking có bán vé máy bay giá rẻ đi Pháp của các hãng hàng không dành cho du khách.
Với các hành trình liên tuyến trong khu vực Châu Âu, ngoài đường hàng không, du khách có thể đi tàu từ Anh đến Pháp khá thuận tiện hoặc đi tàu lửa với những tuyến phổ biến từ Anh, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha để đến Pháp một cách nhanh chóng dễ dàng. Bên cạnh đó, từ các nước Châu Âu đến Pháp cũng có những tuyến xe buýt phổ biến để du khách lựa chọn phù hợp cho hành trình của mình.
Nước Pháp cũng tương đối rộng và địa hình đa dạng nhưng việc đi lại ở Pháp không có khó khăn nào. Rất nhiều du khách đến Pháp thích sử dụng xe thuê và tự lái để du ngoạn tham quan. Vì thế, dịch vụ cho thuê xe ở Pháp rất phổ biến và có rất nhiều hướng dẫn cụ thể về việc lái xe vòng quanh nước Pháp, để du khách tham khảo nghiên cứu trước khi khởi hành. Xe lửa ở Pháp cũng khá thông dụng, có nhiều tuyến đường rất thuận tiện để du khách lựa chọn cho hành trình tham quan của mình. Ngoài ra, du lịch bằng tàu thuyền ở Pháp cũng được quan tâm nhiều đặc biệt là những hành trình du ngoạn theo những kênh đào, sông,…
5. TIỀN TỆ VÀ MUA SẮM Ở PHÁP
Tiền tệ:
– Ở Pháp hiện nay sử dụng đồng tiền chung Châu Âu: Euro (1euro = 1,36 USD). Du khách nên đổi đủ số tiền mặt cần dùng ở Việt Nam, đổi các đồng có mệnh giá nhỏ và xu lẻ để mua vé xe, card điện thoại, đồ uống. Du khách cũng có thể đổi tiền qua ATM (DAB) sẽ mất phí những đây là cách rẻ nhất và tiện lợi nhất, không nên đổi tiền ở các điểm Money Charger trong thành phố vì phí sẽ rất cao. Dù ở Pháp chấp nhận mọi thẻ thanh toán quốc tế nhưng chỉ nên sử dụng thẻ trong trường hợp thật cần thiết vì sẽ phải trả phí rất cao khi dùng thẻ.
– Nên chuẩn bị số dư vượt quá 50% tổng ngân sách mà quý khách dự định sẽ chi dùng khi đi du lịch Pháp vì giá cả ở Paris rất đắt.
Mua sắm:
Mua sắm ở Pháp có lẽ là một đề tài không chỉ rất thú vị mà còn chứa đựng bao háo hức mong chờ với du khách trong hành trình đến với đất nước xinh đẹp lãng mạn. Được mệnh danh là một trong những kinh đô thời trang lớn của thế giới, Pháp chính là thiên đường mua sắm hàng thời trang, làm thỏa lòng và hạ nhiệt bất cứ tín đồ mua sắm nào, cho dù đó là tín đồ cuồng nhiệt nhất.
Đến Pháp, điểm mua sắm nổi tiếng nhất không đâu khác ngoài Paris. Tại trung tâm Paris, các khu vực mua sắm sầm uất có thể kể đến rất nhiều như Rue de Rivoli, Đại lộ Champs Elysees, Đại lộ Haussmann,… Các khu vực này tập trung nhiều cửa hàng thời trang và các thương hiệu nổi tiếng như Yves, Dior, Chanel, Hugo Boss, Zara,…Ngoài hàng may mặc, mỹ phẩm, nước hoa và phụ kiện thời trang cũng là những mặt hàng tiêu biểu trong danh sách mặt hàng mua sắm của du khách trên đất Pháp.
Nếu như hàng thời trang, nước hoa, mỹ phẩm và các thương hiệu nổi tiếng chỉ xuất hiện nhiều nhất ở Paris thì các mặt hàng khác và thực phẩm, hay đặc sản biểu trưng của Pháp như rượu vang, pho mát, bánh mì,… thì du khách có thể tìm thấy ở khắp nơi từ hệ thống các trung tâm thương mại mua sắm lớn tọa lạc ngay trung tâm các thành phố, đến các cửa hàng nhỏ nằm rải rác dọc các tuyến đường ngoại ô mà du khách đi qua.
6. VẤN ĐỀ ĂN UỐNG KHI DU LỊCH Ở PHÁP
Ẩm thực pháp:
Ẩm thực Pháp cực kỳ tinh tế và đầy tính nghệ thuật – điều này có lẽ không quá xa lạ với bất cứ ai. Được UNESSCO xếp vào hàng di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, ẩm thực Pháp như một kho tàng quý giá mà ai cũng mong muốn được khám phá tới cùng.
Nếu chia theo ẩm thực vùng miền, ẩm thực Pháp có đến hơn chục vùng ẩm thực khác nhau, mỗi vùng đều có một phong cách riêng biệt, đặc trưng của riêng mình. Ẩm thực Pháp có một bề dày phát triển, tuy nhiên với nhiều đổi thay tác động chung quanh, ẩm thực truyền thông không còn quá phức tạp hay khắt khe, mà cũng có một số thay đổi nhất định, mang ẩm thực Pháp gần gũi đến cuộc sống đời thường hơn, thực khách thế giới cũng dễ tiếp cận hơn và không hề mất đi tính đặc trưng tinh tế của nó như vốn có.
Dù ẩm thực Pháp được chia thành nhiều vùng miền đặc trưng, nguyên tắc và phong cách chế biến của từng nơi có thể khác biệt, nhưng có 4 điều du khách sẽ thấy trên toàn nước Pháp như biểu tượng không thể thiếu là bánh mì, rượu vang, pho mát và bánh ngọt. Cho dù nền ẩm thực thế giới có nhiều đổi thay như thế nào, cho dù trong chính nền ẩm thực Pháp có những quan điểm đối lập theo xu hướng hiện đại, nhưng nét tinh tế thuần khiết của ẩm thực Pháp, cũng như bánh mì – bánh ngọt – pho mát – rượu vang Pháp vẫn là yếu tố truyền thống đặc trưng không hề thay đổi.
Một số lưu ý khi ăn uống trong các nhà hàng:
– Ở Pháp, khi bước chân vào một nhà hàng đồng nghĩa với việc nhà hàng sẽ phục vụ các thực khách một bữa ăn thực sự hoàn chỉnh hoàn chỉnh theo đúng nghĩa gồm một món khai vị + món chính hoặc là một món chính + món tráng miệng. Nếu bạn không đói lắm và chỉ muốn ăn một món thì bạn hãy đến những quán bia và ngồi vào bàn không có khăn trải bàn. Vì những bàn có phủ khăn trải bàn có nghĩa là nó được chuẩn bị cho một bữa ăn. Đối với người Pháp một bữa ăn không bao giờ chỉ có sandwich hay salat cả.
– Hầu hết các nhà hàng mở cửa: 11h30 – 14h30 và 19h – 22h. Trong khoảng thời gian từ l4h30 đến 19 h họ sẽ đóng cửa. Nếu bạn muốn ăn tối thì hãy đến sau 8h vì thường các bữa tối ở nhà hàng Pháp sẽ bắt đầu sau 8h30.
– Khi dùng bữa ở nhà hàng hãy gọi rượu vang hoặc nước khoáng chứ đừng gọi Coca hay Dr Pepper’s vì điều này được coi như hành động xỉ nhục cách nấu nướng của đầu bếp tại đây.
– Khi đối diện với menu của một nhà hàng ở Paris, hãy thảo luận các lựa chọn với bồi bàn rồi hãy đưa ra quyết định. Những bồi bàn ở đây sẽ đưa ra lời khuyên cho quý khách bằng tiếng Anh về các món có thể quý khách thích và không thích tại nhà hàng.
– Khi kiểm tra hóa đơn, nếu thấy có một khoản phí dịch vụ khoảng 15% tổng giá trị hóa đơn thì quý khách chỉ cần để lại ít tiền lẻ trên bàn và ra khỏi quán. Nếu khoản dịch vụ không có trong hóa đơn thì quý khách nên để lại một khoản tiền bo (tip) khoảng 15% giá trị hóa đơn trên bàn trước khi ra khỏi quán. Vì người Pháp vốn có thói quen để lại ít tiền lẻ trong các quán ăn, nhà hàng để bày tỏ sự hài lòng về sự phục vụ của nhân viên từ 2 đến 20 euro.
– Ăn uống với người Pháp là một nghệ thuật thể hiện qua sự cẩn trọng trong ăn uống và sự cầu kì trong chế biến các món ăn.
Chú ý: Ăn uống bên này rất đắt đỏ. Dù chỉ là một cốc café tại bến xe cũng khoảng 60000vnd và sẽ đắt gấp 2, 3 lần khi uống trong các quán. Giá cho một suất ăn bình thường nhất cũng là khoảng 10 euro tại các quán ăn do người Việt mở. Du khách nên đến các quán ăn này để ăn những món ăn hợp khẩu vị và cũng nên mang theo café, chè, mì ăn liền… những thứ mà không bị cấm theo quy định của hải quan và hàng không Pháp.
7. KHÁCH SẠN Ở PHÁP
Du lịch ở Pháp phát triển từ lâu đời, nên khách sạn Pháp không chỉ sẵn có, dịch vụ khá tốt mà giá cả còn được đánh giá là tốt hơn hết so với đa số các nước khác ở khu vực Tây Âu nói riêng và Châu Âu nói chung. Điều này đã trở thành một yếu tố rất tuyệt vời, làm cho du lịch Pháp không những ấn tượng về cảnh quan văn hóa, mà còn thu phục du khách ngay cả về dịch vụ lưu trú rất thiết thực trong các hành trình đến Pháp của du khách.
Hầu như du khách đến Pháp không phải băn khoăn lo lắng quá nhiều về việc mình sẽ lưu trú ở đâu và giá cả phòng ốc như thế nào. Tại bất cứ một khu vực nào trên đất Pháp mà du khách ghé thăm, đều có hệ thống khách sạn phong phú từ bình dân đến cao cấp và thậm chí homestay, các khu vực để cắm trại,…
8. CÁCH CƯ XỬ
– Không giống như người Anh, người Pháp rất ít khi đón khách không thân thiết tại nhà riêng và chỉ mời khách đến nhà khi quen biết nhau một thời gian dài. Khi gặp mặt người Pháp thường bắt tay để chào.
– Khi nói chuyện với người không thân, lớn tuổi hơn phải dùng ngôn ngữ thể hiện sự tôn trọng, kính nể. Không được gọi điện cho người Pháp sau 22h.
– Khi được mời đến nhà ăn cơm, bạn nên tránh đến sớm hơn so với giờ được mời và cũng không nên đến quá muộn. Khi ăn, người Pháp sẽ đợi cho đến khi tất cả mọi người đều được phục vụ đầy đủ mới bắt đầu ăn.
– Nếu muốn hút thuốc, quý khách phải xin phép trước.
9. THÔNG TIN LIÊN HỆ
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp:
Địa chỉ: 62 Rue Boileau – 75016 Paris
Điện thoại: +33-01-44146400
Fax: +33-01-45243948
Email: vnparis.fr@gmail.com; vnemb.fr@mofa.gov.vn
Với những điều cần biết khi du lịch Pháp mà Airbooking vừa chia sẻ trên đây sẽ giúp các du khách có những chuyến du lịch Pháp thật tuyệt vời và lãng mạn nhất.
0 Comment