Không chỉ mang nét duyên của vùng đất ôm trọn hai ngọn núi, Phú Yên còn mê đắm lòng người ở những đầm nước trong vắt, những bãi biển bao la, ghềnh Đá Đĩa kỳ thú… Lấy thành phố Tuy Hòa làm trung tâm, du khách có thể sắp xếp hành trình để du ngoạn những địa danh tuyệt đẹp ở dải đất miền Trung thân thương.

Kè chắn sóng Xóm Rớ

Đây là đoạn kè chống xói lở ven bờ biển xóm Rớ (Phường Phú Đông, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) đang được xây dựng giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ VNĐ. Phía chân sóng, những đoạn bờ kè bị đánh sập, đứt gãy, những rọ đá hộc bị sóng xé tung tạo hành những mô, ụn, vũng. Chính những đoạn đứt gãy, mô, ụn của đá, khối bê tông hộc ngập trong nước biển lâu ngày khiến rêu xanh phủ đầy. Khi triều xuống chúng nổi lên xanh tươi, lung linh dưới ánh nắng mặt trời, một hình ảnh không thể đẹp hơn khi lọt vào ống kính nhiếp ảnh.

Người dân địa phương cho biết khi thi công công trình chống xói lở bờ biển đoạn qua xóm Rớ, những tảng bêtông rỗng vuông vức được thả xuống biển cùng với đá tảng, sau một thời gian đã sinh ra rêu xanh và chúng cứ lớn dần lên. Loại rêu này xanh ngắt, bám chặt vào đá, cọng khá dài, nổi dập dềnh trên những tảng đá nửa nổi, nửa chìm trong nước. Khi thủy triều xuống, những đám rêu phơi trong nắng trở nên bạc trắng, óng ánh như tơ.

Buổi sáng lẫn buổi chiều, hàng trăm người đưa nhau ra bờ kè vừa hóng gió biển, vừa chụp những tấm ảnh lưu niệm bên các tảng đá bám đầy rong rêu.  Và nơi đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn mới cho vùng đất “hoa vàng – cỏ xanh”.

Cầu Ông Cọp

Cầu Ông Cọp hay còn gọi là cầu Miếu Ông Cọp, cầu Bình Thạnh, nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) với thị xã Sông Cầu. Cây cầu là lối đi tắt dẫn đến các thắng cảnh nổi tiếng ở Phú Yên như Ghềnh Đá Đĩa, đầm Ô Loan, nhà thờ Mằng Lăng,…

Cầu Ông Cọp được xây dựng từ năm 1998, có chiều dài gần 800m, rộng khoảng 1,5-1,8m, được xem là cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam. Chính vì điều này, cầu gỗ Ông Cọp không chỉ là đường giao thông cho dân địa phương đi lại mà mỗi ngày còn thu hút hàng trăm khách du lịch đến tham quan và chụp hình.

Cây cầu này chỉ thiết kế dành cho người đi bộ và xe máy sử dụng, với vật liệu chủ yếu bằng gỗ và tre, mặt và trụ cầu được làm hoàn toàn từ gỗ ván. Trong khi đó, thành cầu chỉ nối với nhau bằng những thanh tre già. Dưới chân cầu luôn có những đống gỗ phi lao chất sẵn, khi có tấm ván nào hỏng thì sẽ được sửa ngay lập tức.

Nếu thuộc team yêu thích khám phá và sống ảo thì cầu gỗ Ông Cọp nhất định sẽ khiến du khách hài lòng. Điều tạo nên vẻ đẹp nơi đây không chỉ là bởi vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ của cây cầu, mà còn bởi khung cảnh thiên nhiên xung quanh, với mặt nước mênh mông trong vắt và những rặng cây phi lao xanh rì. Ở đây có vô vàn góc chụp hình thuộc hàng “tuyệt phẩm”, tuy nhiên đẹp nhất vẫn là lúc hoàng hôn xuống. Khi ánh nắng chiếu lên những chân cầu trải dài trên mặt sông, khiến chiếc cầu gỗ càng trở nên ảo diệu.

Ghềnh Đá Đĩa

Ghềnh Đá Đĩa là địa danh thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Nơi đây độc đáo với cảnh quan là các khối đá ở đây hoặc hình tròn, hoặc vuông, đã tạo nên một khung cảnh tự nhiên mà như có chủ ý sắp đặt của tạo hóa. Từ trên cao, ghềnh đá như một tổ ong khổng lồ, đen bóng và gồ ghề. Hoặc có thể ví như những chiếc đĩa, lổm nhổm, xếp chồng lên nhau trong lò gạch. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban cho vẻ đẹp nên thơ trữ tình, hài hòa non nước, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Ghềnh Đá Đãi một kỳ thú tuyệt đẹp là nơi thu hút và níu chân khách du lịch.

Phải đến tận nơi, đứng trên bờ biển tận mắt chứng kiến,du khách mới có thể thực sự tin được sự kỳ diệu mà thiên nhiên mang lại cho nơi đây. Những viên đá với hình thù khác nhau, nằm lộn xộn như chồng chén, đĩa trong các lò gốm sứ. Sóng biển nơi đây cũng mạnh lạ kỳ. Ngày đêm vỗ bờ, tạo nên bọt trắng xóa cả một vùng.

Dọc theo ghềnh Đá Đĩa, thi thoảng du khách sẽ bắt gặp vài chỗ trũng. Mỗi khi có mưa cùng cùng với nước biển đọng lại. Nơi đây bỗng trở thành như những chiếc hồ nhân tạo. Du khách có thể tựa lưng vào những phiến đá, thả mình trong nước biển rồi thưởng thức không khí trong lành, ngắm nhìn vài chú cua, sao biển hay sứa biển bị mắc kẹt. Hay xuống tận sau dưới mép ghềnh là một chiếc hang lớn sâu vào trong núi. Tương truyền đây là hậu quả do chiến tranh để lại.

Trưa đến, nếu du khách muốn tìm nơi nào đó để nghỉ ngơi thì bãi Bàng là một địa điểm lý tưởng. Dưới tán bàng vươn rộng, vừa thưởng thức hải sản tươi ngon, vừa tận hưởng cái hương vị đặc trưng của biển Tuy Hòa.

Cách đó không xa là hải đăng Gành đèn. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh biển cũng như ghềnh Đá Đĩa Phú Yên. Mặc cho gió vẫn thổi, sóng vẫn vỗ về, thậm chí cả bom đạn, ghềnh Đá Đĩa vẫn đứng đó hiên ngang, huyền bí. Nếu có cơ hội đến Phú Yên, hãy ghé thăm Đá Đĩa, nghe gió kể chuyện, nghe sóng làm thơ!

Gành Đèn

Nhắc đến Phú Yên ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh gành Đá Đĩa hùng vĩ, đồ sộ mà chẳng mấy ai biết về một Gành Đèn đẹp đến nao lòng người. Cũng bởi vậy mà Gành Đèn còn giữ nguyên được nét đẹp hoang sơ bình dị như thuở ban đầu.

Tên ban đầu của nơi đây là “Gành Đá Đen”, nhưng từ khi những ngọn hải đăng được xây dựng lên thì ngư dân quen gọi là Gành Đèn. Nằm trải dọc theo đường bờ biển chừng 1km, Gành Đèn được tạo tác từ những tảng đá hồng nhạt xếp chồng lên nhau một cách ngẫu nhiên, nhìn từ xa chẳng khác nào bức tranh tuyệt mỹ mà thiên nhiên vẽ nên. Những tảng đá nhẵn, với đủ loại hình dáng, kích thước nằm xen kẽ nhau tạo thành nhiều hốc đá nhỏ và bãi đá dựng đứng đón những cơn sóng xô bờ tung bọt trắng xóa. Vì là một trong những địa điểm còn chưa được biết đến rộng rãi nên nơi đây vẫn còn giữ được nét phóng khoáng, hoang sơ của thiên nhiên.

Nổi bật trên gành đá hoang sơ mộc mạc là hình ảnh ngọn hải đăng với hai màu trắng – đỏ sừng sững giữa nền trời. Hải đăng Gành Đèn giúp điều hướng hoạt động ra vào của tàu thuyền trên vùng biển Phú Yên, cụ thể là đoạn vịnh Xuân Đài và vũng Chào. Ngọn hải đăng có chiều cao 10m, nằm cách mực nước biển 22m và có tầm đèn chiếu sáng trong phạm vi 17 hải lý. Tuy không có nét kiến trúc nổi bật, cũng không mang dấu ấn thời gian, nhưng hải đăng ở Gành Đèn lại là một trong 79 ngọn hải đăng Việt Nam để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách nhất. Với vẻ đẹp hoang sơ mà trữ tình, đứng từ nơi đây ngắm nhìn cảnh biển Phú Yên bao la, thơ mộng thì còn gì bằng. Bên cạnh đó, ở khu vực dưới chân hải đăng cũng có rất nhiều khoảng không rộng lớn thích hợp cho nhóm bạn tổ chức picnic, cắm trại. Đặc biệt, với địa hình gồm nhiều gành đá thô sơ, đây hứa hẹn là địa điểm câu cá tuyệt vời cho du khách.

Làm nên nét sức hấp dẫn của Gành Đèn không chỉ là khung cảnh hoang sơ bình yên nơi biển xanh bát ngát, bầu trời cao vời vợi, những gành đá dựng đứng hùng vĩ mà còn là vẻ đẹp của những con người lao động: những chiếc thuyền chài chở ngư dân ra khơi mong một ngày đi biển được nhiều tôm cá.

Đầm Ô Loan

Đầm Ô Loan thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An. Nơi đây có diện tích khoảng 1.570km2 và là một trong những đầm nước lợ có vị trí nằm ngay sát cửa biển. Ô Loan nằm ở ngay sát chân đèo nên từ đèo nhìn xuống du khách có thể chiêm ngưỡng được toàn bộ cảnh sắc thiên nhiên nơi đây đẹp tựa như con phượng hoàng đang tung cánh bay. Cả một vùng trời rợp bóng bởi cảnh sắc thiên nhiên rất đỗi bình dị và cuốn hút.

Đầm Ô Loan sở hữu vẻ đẹp bình yên mà không phải nơi đâu cũng có. Ở đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh những đoàn thuyền ra khơi đánh bắt cá trong một khung cảnh đơn sơ, mộc mạc. Chính nhờ vẻ đẹp chân chất, mộc mạc này mà đầm Ô Loan ngày càng được nhiều người biết tới. Đặc biệt là các nhiếp ảnh gia luôn xem đây là địa chỉ vàng để cho ra đời những bức ảnh đẹp, đáng nhớ.

Có lẽ Ô Loan đẹp nhất là khi ánh bình minh đầu tiên của ngày mới lên và khi hoàng hôn buông xuống. Do đó, đây sẽ là thời điểm lý tưởng nhất để du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp cuốn hút của nơi đây. Cả một con đầm rộng mênh mông bát ngát sẽ thu hút người nhìn bởi bức tranh toàn cảnh tuy không lung linh, huyền ảo nhưng lại rất đỗi bình dị, thân thương.

Ngoài ra, vẻ đẹp của đầm Ô Loan còn thể hiện qua hình ảnh những ruộng mía xanh mướt nằm trên những ngọn đồi thoai thoải hay những bãi cát trải dài cùng với hàng phi lao xanh ngát. Tuy chỉ là những hình ảnh bình dị nhưng rất gần gũi và thân thương.

Cù lao Mái Nhà

Cù lao Mái Nhà là đảo nhỏ nằm chơ vơ giữa biển khơi, cách Đầm Ô Loan hơn 4km, cách thành phố Tuy Hòa 27km về hướng Bắc. Đảo có diện tích khoảng 1,2km2. Phía Đông Bắc còn nguyên sơ, chưa có bàn tay con người khai hóa với những dãy núi đá cao, nước biển xanh trong và rừng cây tầng thấp xen những trảng đá tuyệt đẹp. Phía Tây Nam đảo có gành đá chạy dài nối những bãi cát trắng tạo cảnh đẹp kỳ thú. Đây cũng là nơi người dân từ trong đất liền ra tham quan, du lịch hoặc chọn vị trí ở lại đánh cá trong những ngày biển vào mùa.

Nhiều khách du lịch gọi Cù lao Mái Nhà với tên thân thuộc là đảo Robinson, vì nơi đây chỉ có 2 gia đình sinh sống cùng những đàn bò, bầy gà và dụng cụ đi biển. Cảnh ở đây hoang sơ, đẹp và là một trong những điểm đến hấp dẫn hiện nay. Mặc dù nằm cách đất liền không xa nhưng nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ vốn có của nó, rất thích hợp cho những ai phượt mê khám phá điểm mới lạ.

Đến với Cù lao Mái Nhà, du khách sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú và đặc biệt rất ít bóng người, những dãy núi cây cối phủ đầy như lớp rêu phong của thời gian.

Như một thế giới riêng, đến Cù lao Mái Nhà, du khách thỏa sức nấu nướng, lên thực đơn, lịch trình ngao du, cấm trại, ngắm những ghềnh đá đẹp nhấp nhô dọc bờ biển những bãi đá trải dài, nước biển xanh trong, đắm mình trong làn nước mát của biển cả…

Từ trên núi, du khách có thể thấy một bãi biển tuyệt vời không một bóng người khác, không gian mênh mông kì vĩ màu ngọc bích đẹp đến nao lòng. Thật tuyệt khi tận hưởng hoàng hôn trên một hòn đảo thanh bình, mọi lo toan trong đời như dần biến mất, bây giờ chỉ còn lại một bãi biển yên tĩnh và ánh hoàng hôn xa xa. Đó thật sự là một cảm giác thanh bình lạ thường.

Núi Đá Bia

Núi Đá Bia (hay “Thạch Bi Sơn”, “Núi Ông”) đã đi cùng với người dân Phú Yên qua bao nhiêu năm tháng. Đứng hùng vĩ giữa núi trời xanh bao la, rộng lớn trên mảnh đất Phú Yên, nơi đây ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước ghé đến trải nghiệm và khám phá.

Ngọn núi này gắn với một giai đoạn lịch sử hào hùng quan trọng của dân tộc Việt Nam. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, ông tổ chức cuộc hành quân vượt đèo Cù Mông tiến về phía Nam đến dãy núi Đại lãnh, ông đã chọn Núi Đá Bia làm ngọn núi cao nhất và cho khắc chữ trên đỉnh núi. Cũng chính vì thế mà núi Đá Bia được coi là cột mốc biên giới của Đại Việt.

Không chỉ có một lịch sử lâu đời mà du khách sẽ thấy bất ngờ khi càng trải nghiệm khám phá núi Đá Bia trên cao sẽ thấy đây là một địa điểm tuyệt đẹp. Du khách sẽ phải “chinh phục” chiều dài khoảng 2.500m với khoảng 2000 bậc thang. Điểm khác lạ là bậc thang ở đây khá cao từ 3-5 tấc, du khách phải đi qua một vài cây cầu treo giữa các khối đá lớn. Những bậc tam cấp dựng theo thế đứng cũng đủ làm du khách thấm mệt nhưng mệt mỏi đó được xua tan đi bởi khí hậu trong lành, mát mẻ ở nơi đây. Càng lên cao, khí hậu càng thoáng đãng hơn. Du khách sẽ không thấy mệt mỏi hay nóng bức mà thấy mình như được hòa cùng với thiên nhiên, cảnh vật ở nơi đây. Sẽ rất thích thú nếu như vừa đi có thể vừa ngắm được cảnh xung quanh. Xung quanh hai bên lối đi là những hàng cây xanh lá cao ngút ngàn với rất nhiều loài hoa lạ và quý như hoa lan, hoa cỏ dại hay thậm chí là nhiều loại nấm lạ nhìn rất đẹp mắt. Thú vị hơn khi du khách như ngập vào bầu không khí xanh mát với nhiều loại cây cổ thụ bao phủ cả một khoảng trời. Những hàng cây tre, cây trúc mọc thẳng đứng khiến cho lối đi lên được thông thoáng mà không gặp bất cứ vật cản gì. Điều đó lại càng kích thích tới du khách leo lên đỉnh núi nhanh tới đích hơn.

Vài trăm mét nữa là tới, du khách chắc chắn sẽ thở phào nhẹ nhõm và choáng ngợp ngay trước mắt mình là không gian mây trời, thiên nhiên bao la rộng lớn hiện ra. Đứng từ trên đỉnh núi cao nhìn xuống, du khách sẽ cảm giác như mình đang ôm trọn cả đất trời Phú Yên: màu xanh của biển, xanh của trời, xanh của cây cối, cảnh vât. Tất cả sẽ mang lại cho du khách một cảm giác mới mẻ, thoải mái, dường như mọi áp lực cuộc sống, công việc đều được giải tỏa.

Đập Đồng Cam

Đập Đồng Cam thuộc xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa và nằm ở bờ bắc con núi Qui Hậu. Đây là một đập nước dài 688m, có hai kênh dẫn nước là kênh Chính Bắc và Chính Nam tưới tiêu cho toàn bộ 220m2 lúa ở Tuy Hòa. Con đập có hơn 2.500 các hạng mục lớn nhỏ và đang là công trình thủy lợi lớn nhất Phú Yên hiện nay.

Đập Đồng Cam nối liền hai dãy núi cao Trù Các và Qui Hậu tạo nên thế sơn thủy hữu tình. Phía trên của đập là một hồ nước nhỏ chảy xuống làm thác, bọt trắng xóa phả vào những phiến đá. Những phiến đá này có nhiều hình thù khác nhau, nhấp nhô lên trên dòng nước làm ta liên tưởng tới những “hòn đảo” thu nhỏ. Dù là một hồ nhỏ dưới dân núi, thế nhưng con hồ có rất nhiều nguồn nước ngầm chảy về, nên quanh năm ở đây đều có nước, vào mùa nước lũ thì con đập chảy càng mạnh hơn, những bọt nước trắng xóa chảy xuống, bốc hơi nước nên tạo nên một cảnh đẹp rất trữ tình.

Đến Đập Đồng Cam, hẳn du khách sẽ rất thích thú khi đứng từ trên cao nhìn xuống những dòng nước chảy cuồn cuộn, hơi nước bốc lên mát lạnh phả vào mặt. Hay đứng từ trên cao chụp những bức hình tuyệt đẹp với cảnh non nước hữu tình. Có nhiều bạn trẻ còn xuống đi bộ trên đỉnh đập, dòng nước mát mẻ, chảy siết qua chân tạo nên cảm giác mới mẻ, thích thú.

Đập Tam Giang

Cùng với Đập Đồng Cam, Đập Tam Giang là một trong số các công trình thủy lợi quan trọng của Phú Yên. Đây là con đập tràn bắt ngang sông Cái, tọa lạc cách trung tâm thành phố Tuy Hòa 30km. Phía hữu ngạn đập thuộc xã An Thạch, phía tả ngạn thuộc thôn Bình Hòa, xã An Dân. Cách đập 1km là nhà thờ Mằng Lăng, một trong những điểm đến nổi tiếng của Phú Yên.

Đến Đập Tam Giang, du khách sẽ cảm nhận được một không gian yên bình, lặng ngắm những con người nơi miền quê sông nước mà thấy mình như trút bỏ được mọi lo âu, mệt nhọc của cuộc sống. Chiều về trên Đập Tam Giang, đám trẻ lũ lượt nối đuôi nhau băng qua đập để đến nhà thờ Mằng Lăng, người phụ nữ bưng gánh trở về sau một ngày lao động mệt nhọc. Khung cảnh bình dị này là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho không biết bao nhiêu nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ họa sĩ, nhiếp ảnh gia.

Vịnh Vũng Rô

Vịnh Vũng Rô là vùng vịnh biển xinh đẹp, hoang sơ của mảnh đất thuộc xã Xuân Hòa Nam, huyện Đông Hòa, trải dài trong diện tích khoảng 16.4 km2 và được bao bọc bởi 3 dãy núi cao hùng vĩ giữa biển trời gồm Đèo Cả (ở hướng Bắc), Đá Bia (ở hướng Đông) và Hòn Bà (ở hướng Tây) và được đảo Hòn Nưa ở hướng Nam che chắn.

Vịnh Vũng Rô tựa như một tấm gương khổng lồ phản chiếu mọi cảnh vật xung quanh. Bờ biển ngắn và được bao quanh là những mỏm đá nhấp nhô và đồi núi cao hùng vĩ. Bức tranh phong cảnh thiên nhiên nơi đây được tạo nên từ những những chất liệu quen thuộc của đất trời, non núi, rừng xanh, mây trắng nhưng lại hoà quyện với nhau một cách hài hoà, tạo nên một vẻ đẹp vừa mộng mơ vừa hùng vĩ làm say đắm lòng người.

Trong không gian bình yên và trữ tình này, hãy đi dạo bên bờ biển, thả mình phiêu du với những đám mây trôi bồng bềnh lãng đãng và tận hưởng không khí trong lành, sảng khoái của những làn gió nhẹ thoang thoảng trên vùng biển hiền hoà, dịu êm. Cho dù là bình minh hay hoàng hôn, trưa hè nắng oi ả hay màn đêm tĩnh mịch, vẻ đẹp của vịnh Vũng Rô cũng sẽ luôn khiến du khách phải say lòng.

Với địa hình được nhiều dãy núi bao quanh, vịnh Vũng Rô từng là một ví trí chiến lược trong kháng chiến và từng chứng kiến biết bao cuộc chiến khốc liệt trong lịch sử. Ngày nay, nơi đây đã được khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ đầy sức sống với hàng trăm chiếc thuyền bè tấp nập neo đậu san sát.

Bãi Môn

Nếu du khách là một fan cứng của bộ phim nổi tiếng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, du khách mê mệt khung cảnh thiên nhiên trong xanh trong phim thì còn chần chờ gì mà không đến ngay Bãi Môn.

Bãi Môn thuộc thôn Đồng Bé, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, thành phố Tuy Hòa. Chiều dài bãi biển chỉ khoảng 400m, nằm giữa hai ngọn núi từ xa nhìn lại trông như một cánh cung khổng lồ, nơi đây còn được bình chọn là một trong những danh thắng cấp quốc gia.

Cảnh sắc biển trên Bãi Môn khiến bao người phải trầm trồ ngợi khen, bãi cát dài trắng mịn uốn lượn theo đường bờ biển, làn nước trong vắt soi bóng bầu trời… tất cả hợp lại tạo nên nét đẹp quyến rũ vô cùng. Đặc biệt, nơi đây không có nhiều người sinh sống mà chỉ có tàu bè neo đậu cho nên cảnh sắc vẫn còn nguyên nét hoang sơ thuở ban đầu.

Cát ở Bãi Môn rất mịn. Những mô cát nhấp nhô thay đổi hình dạng liên tục bởi những cơn gió biển thổi thốc vào, những đồi cát di chuyển liên tục khi có gió mạnh. Trên những cồn cát này, vẻ đẹp của cỏ xanh và cây dại chắc chắn sẽ làm mê hoặc du khách.

Bãi Môn là bãi biển đón bình minh sớm nhất so với các bãi biển khác trên đất liền của nước ta nên du khách ngủ đêm lại đây khó lòng “nướng” được. Sau 4 giờ, từ bãi biển này đã cảm nhận được bình minh đang lên, và đến khoảng 5 giờ khi những ánh ban mai đầu tiên trên dải đất chữ S bắt đầu hé rạng, cả bầu trời ửng hồng trước khi chuyển sang sáng hẳn, Bãi Môn hiện lên lung linh hơn bao giờ hết, những tia nắng vàng óng chiếu xuống mặt nước biển bao la phản chiếu lại hình ảnh bầu trời vô tận. Tại thời khắc chuyển từ đêm sang ngày, Bãi Môn đẹp và quyến rũ đến nao lòng.

Ngay cạnh Bãi Môn là Hải Đăng Đại Lãnh và Mũi Điện/ Mũi Đại Lãnh – mũi cực Đông trên đất liền của Việt Nam. Được xây dựng từ năm 1890 ở Mũi Đại Lãnh, cao khoảng 100m trên mực nước biển, mũi Hải Đăng cao 26m và rộng 5m2. Mũi hải đăng đặc biệt ở cầu thang gỗ xoắn ốc với 108 bậc.

Ở phía Tây của Bãi Môn có một con suối nước ngọt. Sau khi len lỏi qua nhiều vách đá và khu rừng nguyên sinh Bắc Đèo Cả, con suối này chảy ngang qua bãi tắm rồi đổ ra đại dương mênh mông. Với cảnh sắc non nước hữu tình, nơi đây cũng là một trong những địa điểm được du khách ưa thích khi du lịch ở đây.

Nhà thờ Mằng Lăng

Nhà thờ Mằng Lăng nằm cách thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về phía Bắc và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất ở Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung. Điểm nổi bật nhất nhà thờ chính là lối kiến trúc Gothic đặc sắc đã có từ cách đây khoảng 1.200 năm trước Công Nguyên. Nhìn vào Mằng Lăng, du khách sẽ cảm thấy rất quen thuộc bởi bề ngoài của nó đậm chất những nhà thờ ở Châu Âu mà du khách đã thấy rất nhiều trên TV hay các tranh truyện tạp chí. Lối kiến trúc này nổi tiếng trên thế giới đến mức, có rất nhiều công trình được xây dựng theo lối Gothic này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.

Cụ thể, lối kiến trúc Gothic được thể hiện ở việc hai bên nhà thờ có hai lầu chuông và một thập tự giá nằm ở ngay chính giữa. Màu xanh xám là màu tổng thể cho nhà thờ, thật sự không rõ là trùng hợp hay ngẫu nhiên nhưng màu xanh này thực sự nhìn rất hòa hợp với ruộng vườn xung quanh nhà thờ. Ngoài ra, trước nhà thờ này còn có một khu hầm be bé nhưng lại được xây dựng khá là kì công bởi bên trong hầm còn có rất nhiều chỗ được điêu khắc chạm trổ với nội dung là kể lại câu chuyện về thánh Anre Phú Yên.

Chùa Bửu Lâm

Chùa Bảo Lâm dựa chân núi Chóp Chài, cách trung tâm Thành phố Tuy Hòa 3,5km về phía Bắc, ngay sát Quốc lộ 1A. Chùa do Tổ húy Đạo Trung thuộc phái Lâm Tế đời thứ 38 sáng lập. Nơi đây có tượng Phật Thích Ca cao 15m, tọa trên đài sen trắng muốt, dựa lưng vào núi Chóp Chài. Cảnh vật nơi đây đẹp đẽ, tao nhã với nhiều loài hoa và cây cảnh.

Đường lên chùa được xây bằng nhiều bậc đá đi qua những vườn cây và hoa, tạo nên một vùng sinh thái hấp dẫn, đậm vẻ hoang sơ, tĩnh mịch của xứ thiền.

Tài liệu của chùa cho biết đây là ngôi chùa cổ do Thiền sư Đạo Trung khai sơn vào đầu thế kỷ 19. Năm 1974, Thượng tọa Thích Nguyên Từ đã xây dựng ngôi chùa nghiêm tĩnh.Trước ngôi chánh điện, chùa đặt thờ tượng Bồ tát Quan Thế Âm lộ thiên đứng trên đài sen. Chính giữa Phật điện tôn trí tượng đức Phật Thích Ca tọa thiền. Đặc biệt, sau ngôi chánh điện, trên triền núi, chùa có tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca tọa thiền trên đài sen cao 18m, an vị năm 1998.

Cao nguyên Vân Hòa

Phú Yên hiện có 3 cao nguyên là cao nguyên Vân Hòa, cao nguyên An Xuân và cao nguyên Trà Khê. Trong đó cao nguyên Vân Hòa nằm trong khu vực tam giác vàng của ba xã Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định; trên độ cao 400m, chịu ảnh hưởng từ khí hậu đại dương mà nơi đây hình thành nên đặc trưng nhiều nắng gió, mây mờ sương giăng; đặc biệt khi vào mùa thu, khí hậu trên cao nguyên thấp hơn thành phố Tuy Hòa tạo cảm giác se se lạnh như Đà Lạt vậy.

Nếu tới cao nguyên Vân Hòa với mục đích nghỉ dưỡng có thể du khách sẽ chưa hoàn toàn hài lòng với dịch vụ nơi đây nhưng để thư giãn thoải mái, hít thở bầu không khí trong lành, ngắm nhìn những không gian núi non tuyệt đẹp và cảm nhận tình người thấm đượm thì đừng bỏ qua điểm đến này, để tự mình khám phá nét đẹp hoang sơ yên bình.

Là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, cao nguyên Vân Hòa có bạt ngàn cây xanh, nhiều loại cây lạ cũng như cây ăn trái như bơ, chuối, các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu. Nổi bật phải kể đến mít chợ Đồn giòn ngọt và dứa thơm nức mũi, dâu da xoan đất trĩu quả đẹp mắt. Thêm vào đó, cảnh quan nhiều hồ và thác nước rất đẹp mắt, không khí trong lành, mát mẻ; nơi đây là một điểm đến cực ký lý tưởng cho chuyến đi chơi cuối tuần; không thua gì chuyến dã ngoại ở vùng quê nước Pháp hay cao nguyên Scotland.

Tháp Nhạn

Đây là ngọn tháp nổi tiếng ở Phú Yên nằm gần trên đỉnh ngọn núi Nhạn ở bờ bắc sông Đà Rằng. Tháp Nhạn cao khoảng 25m với đế tháp hình vuông, thân tháp được xây to ở phần chân và thu nhỏ dần về phía đỉnh. Trên đỉnh tháp là tượng Linga bằng đá – biểu tượng tâm linh của người dân Champa. Trong mỗi công trình đền tháp của người Chăm đều có Linga và Yoni tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực cầu mong vạn vật được nảy nở sinh sôi.

Khách du lịch tìm tới tháp Nhạn không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngọn tháp huyền bí này mà còn bởi tò mò về vật liệu mà người Chăm xưa dùng để xây tháp. Tháp Nhạn được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung xếp khin khít nhau mà rất vững chắc. Theo nghiên cứu, loại gạch này có khối lượng nhẹ hơn một viên gạch thông thường khoảng 1,3 lần. Kể cả độ bền chịu nén, chịu va đập cũng hơn gạch thường rất nhiều. Tìm hiểu về loại keo dùng để gắn kết các viên gạch này với nhau một cách chắc chắn và không lộ ra chút đường hồ nào thì được biết, người Chăm cũng sử dụng hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên. Khi xưa chưa có xi măng, người dân Champa đã biết sử dụng chất kết dính từ cây dầu rái vào việc xây dựng. Tuy nhiên, việc pha trộn các loại chất liệu thế nào để có được loại keo bền chắc có thể “nâng đỡ” cả một tòa tháp lớn như vậy thì các nhà nghiên cứu vẫn phải bó tay.

Được biết thêm, để các viên gạch dính lại với nhau chắc chắn như vậy không chỉ do có hỗn hợp keo kể trên mà còn nhờ vào bàn tay khéo léo của những người xây dựng. Các viên gạch được sử dụng kĩ thuật mài chập, nghĩa là sau khi phết keo lên, họ mài các viên gạch với nhau cho đến khi bề mặt tiếp túc hoàn toàn khít không lộ ra một chút kẽ hở nào.

Đi sâu vào phía bên trong tháp, du khách có thể bất ngờ khi thấy bên trong không có tượng hay ban thờ nào, chỉ có duy nhất một cái am nhỏ để nhang khói cho Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời Hậu Lê. Xung quanh tường có những hoa văn hình rồng được chạm khắc tinh tế trên đá hoa cương đặt ở 4 góc tháp. Đừng từ bên trong nhìn lên đỉnh tháp chỉ thấy một không gian sâu thẳm cao vút đầy huyền bí.

Cùng với sông Đà Rằng, nơi đây đã trở thành cụm danh lam thắng cảnh thu hút đông đảo khách du lịch. Hằng năm cứ tới mỗi dịp lễ tết có rất nhiều hoạt động vui chơi văn nghệ được tổ chức ở trên núi tháp Nhạn. Bởi vậy, lời khuyên cho du khách có ý định tới thăm quan khu di tích này thì hãy đến vào dịp rằm tháng Giêng Âm Lịch. Khi ấy, ở đây diễn ra đêm thơ Nguyên tiêu thu hút đông đảo văn nghệ sĩ nức tiếng gần xa tới giao lưu nghệ thuật.

Bãi Xép

Bãi Xép là một bãi biển thuộc xã An Chấn, thành phố Tuy Hoà, Phú Yên. Bờ biển ở Bãi Xép chỉ dài 500m nhưng lại sở hữu những cảnh quan thiên nhiên hài hoà đặc sắc với bãi cát vàng óng ánh bên các bãi đá hoang sơ, những mũi đá đen khổng lồ nhô ra biển cùng đồng cỏ và rừng phi lao chạy dài bát ngát.

Mang những đặc trưng của một bờ biển đẹp, Bãi Xép sở hữu một bãi cát vàng rực rỡ ôm trọn lấy làn nước xanh màu ngọc bích trong vắt. Nhón từng bước chân nhẹ nhàng xuống biển, bạn sẽ cảm nhận được nguồn nước trong trẻo, mát lạnh tưởng như đang ở một hồ nước đá, xua tan đi sự nóng nực và và biết bao căng thẳng, mệt mỏi.

Dọc theo những bờ cát mịn màng là những vách đá đen huyền kì thú nhô ra bờ biển. Mỗi đợt sóng ùa vào là tung lên những làn bọt trắng xoá giữa biển trời mênh mông.

Hãy men theo những đường mòn để đi lên những ghềnh đá lớn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp Bãi Xép bao la “non xanh nước biếc”, say đắm lòng người trọn trong tầm mắt. Trên những bậc đá sừng sững hùng vĩ này, những bãi cây xương rồng dày đặc nhô ra ngay trước biển xen lẫn với những vạt cỏ khô thấm dầm mưa nắng, cùng hoà theo tiếng gió thổi và tiếng sóng vỗ rì rào vang lên âm thanh biển cả thi vị.

Có lẽ ấn tượng nhất vẫn là bãi cỏ mênh mông xanh rì như một thảo nguyên nhỏ trên đỉnh Gành Xép. Không chỉ đến để chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên thơ mộng mà bạn còn được hòa mình vào đời sống mộc mạc, giản dị và nhịp sống trầm lắng của người dân biển Phú Yên. Vào những buổi chiều hè, du khách sẽ bắt gặp các em nhỏ hồn nhiên rong chơi vui đùa thích thú và thả diều trên những bãi cỏ rộng miên man, hay những người dân đang cần mẫn lao động chăm chỉ bờ biển.

Hòn Chùa

Hòn Chùa là một hòn đảo có cấu tạo đặc biệt với các tảng đá to nhỏ nằm chồng lên nhau cùng với những vách đá dựng đứng và nhiều bụi cây xanh. Chính vì cấu tạo này mà đảo không có nhiều cây lớn, đa phần là các cây thuộc loại cỏ gai hay các lùm bụi rậm. Một số cây phi lao, dừa, bàng trên đảo đều được đem từ đất liền về trồng. Nơi đây vẫn còn giữ nguyên được nét hoang sơ “đẹp mê hồn”, thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng và khám phá.

Đến với Hòn Chùa, du khách sẽ được hòa mình vào không khí trong lành với biển xanh, cát trắng và nắng vàng, thích hợp cho một chuyến du lịch nghỉ dưỡng, thư giãn. Quanh Hòn Chùa là những rạn san hô có diện tích lên đến 100ha, gồm nhiều loại san hô có màu sắc sặc sỡ, đa dạng, phong phú về chủng loại và kích thước. Chỉ cần có áo phao và kính lặn là du khách đã có cơ hội chiêm ngưỡng cả một “vương quốc san hô” dưới lòng đại dương xanh mát rồi!

Ngoài ra, du khách có thể cùng ngư dân đánh bắt cá, mực, nhím biển,… và thưởng thức những loại hải sản tươi ngon nhất tại đảo Hòn Chùa.

Vịnh Xuân Đài

Đi theo tuyến Quốc lộ 1A đến bờ biển Đông đến huyện Tuy An nằm phía Bắc Phú Yên là vịnh Xuân Đài. Nơi đây được ví như bức tranh thủy mặc với một dãy núi vươn dài ra biển. Phần đá do tiếp giáp với biển nên bị sóng bào mòn và tạo ra những hình thù lạ mắt vô cùng. Vịnh Xuân Đài có sự kết hợp khá đa dạng trong địa hình khi mà ghềnh nối tiếp các vũng, rồi vũng lại nối tiếp các bãi, các bãi sau đó lại nối tiếp núi uốn lượn.

Nơi đây cũng mang những dấu ấn lịch sử của dân tộc từ thời nhà Nguyễn. Cụ thể, quân Tây Sơn đã từng thủy chiến với nhà Nguyễn tại đây. Vịnh Xuân Đài cũng được biết đến là nơi giao bang đầu tiên giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kì. Nếu chuẩn bị bắt đầu hành trình tham quan Phú Yên, bạn đừng bỏ lỡ địa điểm hay ho này nhé.

Đèo Cả

Đèo Cả thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa. Con đèo này cao khoảng 333m, có chiều dài khoảng 12km, trước kia đi qua đèo bạn phải vượt qua những đỉnh dốc cheo leo, những đoạn đường hiểm trở để sang sườn bên kia.

Khí hậu đèo Cả thuận lợi cho nhiều loài cây cối phát triển, rừng núi xanh tươi không khí trong lành. Hệ thực vật nơi đây phong phú và đa dạng, đây còn là nơi trú ẩn của nhiều loài động vật như: Tê Tê, gấu ngựa, báo hoa, nhím, khỉ, trĩ sao… trong đó có những loài đặc thù chỉ sinh sống ở vùng này. Rừng có nhiều loài gỗ quý: Sao, chò, dầu, kền kền, trầm, cà ná,… tạo nên khung cảnh nguyên sinh đậm chất.

Đứng trên đỉnh đèo Cả du khách có thể phóng tầm mắt nhìn ra một khoảng trời rộng lớn. Một bức tranh sơn thủy hữu tình hiện lên từ đồng bằng đến núi rừng, phía xa xăm là biển cả mênh mông. Vào mùa chiêm, đứng trên đèo nhìn xuống những cánh đồng lúa chín vàng óng như tấm thảm khổng lồ gợn theo từng đợt gió. Gần đèo Cả có rất nhiều bãi biển, vịnh đẹp, đó là những điểm đến của đông đảo khách thập phương. Nhờ những cảnh đẹp trời phú mà du lịch ở đây rất phát triển tạo động lực phát triển kinh tế cho vùng.

Đường lên đèo cả uốn lượn như dải lụa giữa màu xanh của núi rừng, có những khúc quanh tưởng chừng như không thể bẻ tay lái. Đi qua những khối đá cao dựng đứng sừng sững có cảm giác thiên nhiên thật hùng vĩ lớn lao. Cái hiểm trở của đèo Cả như muốn nuốt trọn bất kỳ ai muốn đi qua. Đâu chỉ có những cảnh hùng vĩ hiểm trở, đèo Cả cũng rất thơ mộng với không gian một gam màu xanh tràn đầy sức sống, nền trời trong không một gợn mây, gió luồn qua từng kẽ tay mang đến sự trong lành và tươi mới. Thiên nhiên cảnh đẹp như muốn níu bước chân người lữ hành, cảnh sinh tình, người mê cảnh.

Hòn Nưa

Đảo Hòn Nưa nằm ngay dưới chân đèo Cả, thuộc vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa (Phía bắc đảo thuộc tỉnh Phú Yên, còn phía nam đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa) và có đỉnh núi cao 105m so với mực nước biển. Ngày trước Hòn Nưa còn có tên là Trụ tự, là nơi được các vua chúa xem như là cột mốc tự nhiên để chia ranh giới hành chính giữa Đại Việt và Chiêm Thành.

Khi đi qua đèo Cả, từ trên cao hướng ra Vịnh Vũng Rô, du khách sẽ thấy Hòn Nưa sừng sững đứng một mình trước biển cả, nhìn từ xa trông như một con khủng long khổng lồ khoác lớp da xanh mướt hướng ra biển cả.

Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây phong cảnh rất đặc biệt, nối tiếp bờ cát trắng trải dài xung quanh đảo là vô số những ghềnh đá cao dần, hướng thẳng lên trời. Đầu tiên là những bãi đá nhỏ rồi dần dần đến những ghềnh đá cao hùng vĩ. Bước lên trên những ghềnh đá, du khách có cảm giác như đang đứng trên mũi thuyền hướng thẳng ra ngoài khơi rất thú vị.

Đến với biển Hòn Nưa, du khách không những được hòa mình vào dòng nước mát lạnh, vui đùa cùng bạn bè, người thân mà còn có thể tận hưởng một cảm giác mới lạ bằng cách đem theo cần câu, ngồi trên những mỏm đá nhấp nhô vừa câu cá vừa ngắm cảnh đất trời biển cả. Một điều đặc biệt nữa là tại đây du khách có thể lặn ngắm san hô dưới đáy biển một cách dễ dàng, không cần dùng những dụng cụ chuyên biệt.

Trên đỉnh Hòn Nưa còn có một ngọn hải đăng màu đỏ, để ngày đêm là nơi chỉ dẫn phương hướng cho ngư dân vào bờ. Vào buổi đêm, du khách cũng có thể leo lên đây ngắm trời đất, tận hưởng những làn gió mát mẻ của biển cả và là nơi hẹn hò thật lãng mạn cho những cặp đôi đang yêu nhau.

Cột mốc ranh giới một bên là Khánh Hòa, một bên Phú Yên cũng là một nơi thú vị để mọi người đến chụp ảnh, tham quan. Trái ngược với vẻ đẹp hài hòa ở phía nam thì ở phía bắc là những vách đá cao, dựng đứng sát mặt biển. Những vách đá khổng lồ chổng thẳng lên trời gây cho du khách một cảm giác huyền bí. Có chỗ vách đá cao gần 80m so với mực nước biển nên đây là một địa điểm thú vị dành cho những ai yêu thích môn thể thao leo núi.

Hòn Nưa đang là một trong những địa điểm đáng đến nhất Phú Yên, nếu du khách có cơ hội đến đây, chắc chắn du khách sẽ bị cảnh sắc nơi đây “hút hồn” và không muốn rời khỏi đây một bước nào.

Vực Phun

Vực Phun nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 20km. Du khách có thể di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy để tới Vực Phun xinh đẹp. Du khách đi thẳng Quốc lộ 1A đến Thị Trấn Phú Lâm rồi rẽ qua Quốc lộ 29 lên đến vùng núi Đá Đen ngược về sông Bánh Lái là thượng nguồn. Trước mắt du khách sẽ hiện ra vẻ đẹp hùng vĩ và mát lạnh của Vực Phun thơ mộng.

Không phải tự nhiên mà người dân địa phương gọi là Vực Phun. Bởi cấu tạo địa chất phía trên Vực Phun là những tầng lớp đá rắn chắc, dưới vực là tầng đá mềm bị bào mòn dần theo năm tháng tạo thành hố sâu. Vì thế mà nước từ thượng nguồn chảy xiết mạnh xuống vực tung bọt trắng xoá khiến cho không gian núi rừng trở nên mờ ảo, huyền bí.

Thiên nhiên bạt ngàn như muốn ôm trọn lấy Vực Phun. Từ trên cao nhìn xuống vực trông gai góc, mạnh mẽ với nhiều vách đá dựng thẳng đứng, những phiến đá rộng lớn làm cho Vực Phun mang nhiều hình dáng thật đa dạng.

Không chỉ đắm chìm trong cảnh núi rừng hùng vĩ, du khách còn có thể tham gia các hoạt động nhóm đa dạng như: Chèo thuyền, leo núi,… cho những ai yêu thích sự mạo hiểm và muốn chinh phục độ cao. Hoặc những hoạt động cắm trại, nướng BBQ ngoài trời sẽ mang lại cảm giác yên bình, vui vẻ.

Hải đăng Đại Lãnh

Hải đăng Đại Lãnh được biết đến là cực Đông của Tổ quốc và là địa điểm có thể ngắm những ánh nắng bình minh đầu tiên lóe lên trên bầu trời của đất nước. Muốn lên được ngọn hải đăng này, du khách phải leo hết 110 bậc thang xoắn ốc để lên được đến đỉnh ngọn hải đăng. Từ đây, du khách có thể cảm nhận trọn vẹn từng giác quan bức tranh thiên nhiên đẹp vô ngần của Mũi Đại Lãnh. Ngắm nhìn khung cảnh đó, bạn thậm chí sẽ phải giật mình tự vấn bản thân tại sao lại không đến đây sớm hơn.

Với khung cảnh đẹp như tranh vẽ, Hải đăng Đại Lãnh đang trở thành điểm đến vô cùng lý tưởng cho nhiều bạn trẻ trong những năm gần đây.

Suối nước nóng Trà Ô

Từ Tuy Hòa đến thị trấn La Hai (Đồng Xuân) chừng 45km, tiếp tục rẽ phải đi 15km là đến suối nước nóng Trà Ô, thuộc xã Xuân Long. Nằm cách đường đi khoảng 200m, băng qua con sông Hà Nhao thơ mộng với dòng nước trong xanh uốn lượn, du khách sẽ nhận ra suối nước nóng Trà Ô nằm dưới chân một ngọn đồi hoang vắng.

Không giống một dòng suối thiên nhiên, nước khoáng nóng Trà Ô có nhiệt độ khoảng 70ºC, chảy ra từ hai đầu rồng được xây dựng trên diện tích khoảng 3m2. Hệ thống này được thiết kế như một miếu thờ thần núi. Trên mái và hồ nhỏ phía dưới đều có kiến trúc của hai con rồng trông linh thiêng và bí ẩn, phía sau có khoảng trống vừa một người chui vào được bên trong để xông hơi, theo cách của cư dân ở đây thường làm để giúp sức khỏe được tốt hơn, hoặc có thể chữa được một số bệnh về thấp khớp, bệnh ngoài da… Theo nhiều người dân địa phương, các vòi rồng ở suối nước nóng Trà Ô đã được xây dựng từ thời Pháp, dấu tích văn hóa chưa được khám phá hết nhưng đang bỏ hoang trông thật lãng phí.

Bảo tàng Phú Yên

Bảo tàng Phú Yên là một công trình kiến trúc mang ý nghĩa thực tiễn, lịch sử, nghệ thuật… Bảo tàng có tổng diện tích 3ha, là nơi trưng bày hàng chục ngàn cổ vật, hiện vật đạt chuẩn quốc gia. Với sức hấp dẫn đó, Bảo tàng Phú Yên đang từng bước trở thành điểm tham quan đáng chú ý của đông đảo khách du lịch thập phương.

Bảo tàng Phú Yên tạo ấn tượng với du khách từ cái nhìn đầu tiên thông qua kiến trúc tổng thể rất hiện đại. Nhìn bên ngoài, bảo tàng cứ như một trung tâm hành chính hay một trung tâm văn hóa sang trọng. Tuy nhiên, điểm nhấn được bày trí trước vẻ hiện đại ấy của bảo tàng thu hút du khách theo một cách nhìn khác từ chính 2 chiếc xe tăng, 2 máy bay và khẩu đại bác được chính Bộ Quốc phòng gửi tặng. Bên trong, bảo tàng được thiết kế 3 tầng riêng biệt. Tầng thứ nhất bao gồm khu hành chính của bảo tàng và khu vực trưng bày hiện vật. Tầng thứ hai là khu vực triển lãm các cổ vật quý. Tầng thứ ba dùng để tổ chức các hoạt động chung của bảo tàng.

Tuy có quy mô lớn nhưng ý nghĩa thiết kế, bày trí của Bảo tàng Phú Yên không vì thế mà bị loãng đi. Nội dung trưng bày trong bảo tàng rất đắt giá, giúp người tham quan hiểu được quá trình của các chủ đề cụ thể. Ví dụ tại tầng 1, du khách sẽ thấy được bố cục rõ ràng của các hiện vật, được bày trí từ ngoài vào trong như kể lại câu chuyện lịch sử của vùng đất Phú Yên, cho đến Phú Yên trong kháng chiến, và cuối cùng là diện mạo Phú Yên thời hiện đại. Đến với tầng 2, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng các cổ vật thuộc thời kỳ tiền sử, như: cổ vật đá, cổ vật đất nung, trống đồng Đông Sơn 2.000 năm tuổi…

Sắp tới, Bảo tàng Phú Yên sẽ còn đón nhận, sưu tầm nhiều hơn nữa các hiện vật, cổ vật để phục vụ cho việc lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể, cũng như phục vụ cho nhu cầu tham quan ngày càng cao của khách.

Những cảnh đẹp phú yên rộng lớn, hùng vĩ nhưng vẫn có nét mộc mạc, đơn sơ; sự phong phú về địa hình với những bãi biển xanh biếc, những vũng vịnh đẹp dịu dàng, những ghềnh đá hiểm trở, độc đáo cùng những ngọn núi, ngọn đèo mát rượi! Và không phải ngẫu nhiên Phú Yên lại được vị đạo diễn Victor Vũ chọn mặt gửi vàng để làm địa điểm quay chính và duy nhất cho bộ phim đình đám “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Và cũng không phải ngẫu nhiên khi những cảnh phim tuyệt đẹp về vùng đất này được người xem yêu thích và trầm trồ đến thế khi bộ phim được công chiếu ở ngoài rạp. Tất cả những điều đó đã khiến cho Phú Yên trở thành một điểm đến không thể bỏ qua!