[kkstarratings]
Đến với nước Anh, du khách như lạc vào xứ sở của những toà lâu đài nguy nga mà chỉ có trong truyện cổ tích. Ngoài ra, với những món ăn nhanh, món ăn đường phố mang đậm bản sắc Anh được rất nhiều du khách trên thế giới yêu thích. Không chỉ có vậy những lễ hội tại đây cũng hết sức thú vị, nếu du khách đến nước Anh vào đúng dịp lễ hội thì sẽ được trải nghiệm và khám phá thú vị. Cùng Airbooking tìm hiểu các lễ hội nổi tiếng của Anh ngay sau đây nhé.
1. Lễ Giáng sinh (Christmas Day)
Ở Anh người ta thường tổ chức lễ Giáng sinh ở nhà, trong gia đình. Người ta coi đó là ngày lễ toàn gia và họ hàng. Người ta chuẩn bị cho lễ giáng sinh từ trước ngày đó khá lâu: gửi thiếp chúc mừng, trang trí cây giáng sinh đặt ở một nơi trang trọng trong nhà. Tập tục này đã trở thành truyền thống của Anh.
Các ngôi nhà được trang trí nhà bằng cây thường xanh (evergreens), một loại cây không rụng lá vào mùa đông. Mọi người treo một vòng hoa làm bằng cành ôrô ở cửa nhà và bày dây hoa, vòng hoa thường xuân, cây thông trong nhà. Người Anh thường treo một cành tầm gửi (mistletoe) trước cửa nhà; đôi nam nữ nào vô tình đi qua dưới cành cây ấy phải đứng lại hôn nhau rồi mới được đi tiếp! Ngươì ta cũng chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống: bánh thịt xay, một chiếc bánh Giáng sinh to và bánh pút đinh. Trong nhà mỗi người một khẩu vị nhưng nói tóm lại bụng ai cũng luôn luôn đầy những thứ như đồ nhắm, đậu lạc, quả sấy khô và rượu.
Người ta mua đủ các loại tặng phẩm, gói ghém đẹp đẽ rồi đặt xuống dưới chân cây thông Giáng sinh vào lúc nửa đêm Giáng sinh. Lễ Giáng sinh vừa là ngày thế tục vừa là ngày đạo giáo. Nhiều gia đình đi dự dạ lễ tại nhà thờ vào đêm Giáng sinh, hoặc tổ chức lễ Giáng sinh tại nhà thờ vào buổi sáng Ngày Giáng sinh.
Đối với trẻ con thì giờ phút hồ hởi nhất chính là lúc bọn chúng treo bít tất cao cổ (một chiếc tất cũ, hoặc tham vọng hơn, chúng treo cả chiếc vỏ gối) xung quanh lò sưởi, hoặc ở đầu giường với hy vọng là Cha Giáng Sinh sẽ nhét đầy quà vào đó. Hình ảnh Cha Giáng Sinh của Anh, hoặc còn gọi là Ông Già Tuyết, trong bộ quần áo đỏ-trắng đã được lưu lại trên một bức tranh khắc được khắc từ năm 1653. Nhưng truyền thuyết Ông Già Tuyết đi xe do tuần lộc kéo đến từng nhà, tụt theo ống khói xuống phòng bọn trẻ nhét quà vào bít tất là truyền thuyết xuất phát từ Mỹ.
Theo tập tục mọi người trong nhà cùng ăn bữa cơm Giáng sinh vào chiều ngày Giáng sinh. Món ăn truyền thống là gà tây quay, nhưng cũng nhiều nhà thích vịt quay hoặc thịt bò rán hơn. Sau món gà tây là món bánh pút-đinh khi mang ra bàn vẫn còn nóng rực. Người ta đổ rượu mạnh lên bánh rồi châm lửa. Ngày Giáng sinh kết thúc bằng việc nghỉ ngơi, xem TV, chơi trò chơi hoặc đơn giản hơn là đi ngủ.
2. Boxing Day
Người ta gọi ngày 26 tháng 12 là ngày Boxing day (ngày nhận quà mừng) vì đó là ngày những người buôn bán thường nhận được một “Hộp quà Giáng sinh (Christmas Box), trong đó có một ít tiền tượng trưng mừng cho công việc làm ăn của họ trong suốt một năm.
Theo thông lệ, ngày này cũng chính là ngày đi thăm anh chị em trong nhà, họ hàng, bạn bè, ngày tiệc tùng lu bù. Boxing Day cũng thường là ngày tổ chức các trận bóng đá và các môn thể thao khác.
Boxing Day là ngày nghỉ cho nên các cửa hàng và ngân hàng đều đóng cửa. Tuy nhiên gần đây một số cửa hàng đã phá quy luật ấy, vẫn mở cửa vào ngày Boxing Day để khuyến khích các vị khách hàng đang muốn tiêu tiền trong dịp Lễ Giáng sinh.
3. Lễ đón chào Năm mới
Năm mới của đất nước này thường bắt đầu bằng một cuộc liên hoan, hoặc là ở nhà cùng gia đình hoặc là ở ngoài pub (quán rượu) hoặc câu lạc bộ cùng bạn bè. Không khí bừng vui vào thời khắc Giao thừa, lúc nửa đêm. Tiếng chuông đồng hồ điểm nửa đêm cũng là lúc điểm những giây phút náo nhiệt khi mọi người cùng húyt còi, huýt sáo, hôn nhau và nâng cốc.
Theo tập tục của Anh, người đầu tiên bước qua cửa nhà vào lúc giao thừa sẽ là người báo hiệu sự may mắn của gia đình trong năm tới. Người ta gọi người này là “người xông nhà (First Footing)”. Vào đêm ngày 31 tháng 12 , đặc biệt là ở Scotland và Bắc England, những người xông nhà (thường là người cao, da ngăm ngăm, đẹp trai) bước qua bậu cửa, mang vào nhà “sự may mắn tân niên” (New Year’s Luck). Người xông nhà mang theo một cục than, một ổ bánh mỳ và một chai rượu. Khi bước vào nhà, anh ta bỏ cục than vào lò sưởi, đặt ổ bánh mỳ lên bàn, rót một cốc rượu cho chủ nhà. Mọi người không ai được nói gì, chờ người xông nhà chúc mọi người “Chúc Mừng Năm mới”. Người xông nhà phải vào bằng cửa trước và ra bằng cửa sau.
Ở Wales đúng vào lúc đồng hồ điểm nửa đêm người ta mở toang cửa sau nhà để tiễn Năm Cũ đi, rồi sau đó khoá cửa ấy lại để giữ điều may mắn trong nhà, và khi tiếng chuông cuối cùng điểm, Năm Mới được đón vào nhà bằng cửa trước.
Ở Scotland Tết (Năm mới) vẫn là ngày lễ lớn nhất trong một năm. Tết ở đây được gọi bằng cái từ “Hogmanay” (một từ mà nghĩa của nó từ xưa đến nay chưa bao giờ được làm rõ). Đó là buổi tối mọi người tập trung rất đông ở sân nhà thờ Tron Kirk của Edinburgh và ở Quảng trường George của Glasgow để uống rượu, vui chơi chào đón năm mới. Khi tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm, họ quàng chéo tay nhau cùng hát bài “Auld Lang Syne” (Bài ca tình bạn).
4. Lễ Phục sinh (Easter)
Easter là tên phỏng theo tên của nữ chúa mùa xuân của người Saxon là Eostre, người thường tổ chức tiệc tùng lễ hội vào kỳ xuân phân. Ngày nay Lễ Phục sinh là lễ của nhà thờ Thiên chúa để tưởng nhớ sự hồi sinh của Chúa Giê-xu. Ngày lễ này tổ chức vào một ngày Chủ nhật giữa 22 tháng 3 và 25 tháng 4, theo lịch nhà thờ.
Theo truyền thống, người ta dùng trứng nhuộm màu, trứng đã được trang trí hoặc làm bằng sô cô la, gọi là Trứng Phục sinh, để làm quà tặng cho nhau. Người ta coi đó là biểu tượng của một cuộc sống mới và của một mùa xuân đang tới.
Thi lăn trứng thường được tổ chức ở miền Bắc nước Anh (Britain) vào ngày Thứ hai Phục sinh (Easter Monday). Trứng luộc cứng được thả theo một cái dốc. Tuỳ theo địa phương khác nhau người ta quy định cách thắng cuộc khác nhau. Có địa phương coi người nào lăn được xa nhất là người thắng cuộc; những địa phương khác lại coi người thắng cuộc là người có trứng không vỡ qua nhiều lần lăn, hoặc lăn được trứng qua giữa hai cái cọc. Trò chơi được nhiều ngươi ưa thích nhất này được tổ chức ở Công viên Avenham ở Preston, Lancashire.
Cuộc diễu hành phục sinh cũng là một thành tố của lễ hội Phục sinh truyền thống. Những người tham gia diễu hành đội mũ hoặc mũ rộng vành có trang trí các loại hoa mùa xuân và giải mũ.
5. Ngày lễ Halloween
Halloween (31 tháng 10), ngày xuất hiện ma quỷ và phù thuỷ có nguồn gốc từ Đêm Năm Cũ của vùng Celt. Người Celt cho rằng vào đêm này phù thủy và ma quỷ xuất hiện đi lang thang khắp trên trái đất. Phù thuỷ và những sinh vật siêu nhiên vẫn tồn tại trong lòng người dân Anh.
Vào ngày này từng đám trẻ con tụ tập, hoá trang thành ma quỷ chạy dong trên đường phố, rước đèn lồng Halloween. Đây là loại đèn làm bằng quả bí, một bên cắt hình mặt ma; khi đốt nến bên trong đèn thì mặt ma sáng lên. Trong những năm gần đây bọn trẻ sáng tạo thêm trò chơi “trick and treating” (doạ để xin quà: bọn trẻ đến từng nhà nói “cho chúng cháu quà hay để chúng cháu ra tay nào”). Mặc dù những tập tục này giống như ở Mỹ, nhưng nó là tục lệ có nguồn gốc ở England, gọi là “Đêm lừa” (Mischief Night). Trong đêm này bọn trẻ con tuyên bố đây là ” đêm phi luật pháp”, một đêm quy định được chơi những trò cợt nhả hoặc chơi khăm nhưng không bị trừng phạt (thường chơi vào đêm Ngày tháng Năm hoặc đêm Halloween).
Cuộc liên hoan Halloween (dành cho trẻ em) thường có những trò chơi thí dụ như đớp táo (apple bobbing). Trò này chơi như sau: thả một vài quả táo nổi trong chậu nước hoặc treo lơ lửng bằng một sợi giây mỏng. Trẻ con đứng xung quanh, tay quặt ra sau lưng, lấy táo bằng răng.
6. Lễ hội đuổi pho mát lăn
Đây là một lễ hội truyền thống của những người dân tại một làng địa phương Brockworth nhưng cho đến ngày nay, lễ hội này đã được mọi người trên thế giới tham gia.
Lễ hội đuổi pho mát này là một trong những truyền thống lâu đời nhất của xứ sở sương mù, được tổ chức để ăn mừng mùa xuân trên khắp đất nước (ở các quốc gia lạnh, tháng 5 vẫn rất mát mẻ).
Trong ngày lễ độc đáo này, một viên pho mát tròn như bánh xe, nặng tới 4kg được thả cho lăn trên ngọn đồi Cooper Hill ở Gloucester và sau đó hàng trăm đối thủ sẽ cùng nhau thi tài lăn lộn xuống chân đồi để tóm được pho mát. Người chiến thắng là người chụp được pho mát trước khi nó chạm xuống chân đồi, nơi có hàng nghìn người cùng tụ tập để theo dõi và cổ vũ.
Do miếng pho mát lăn nhanh nên nhiều người phải chạy, lăn, trườn thật nhanh theo nó, thậm chí là lộn xuống sườn đồi mới mong đuổi kịp pho mát. Ai giành được miếng pho mát đầu tiên sẽ nhận được giải thưởng là một món quà tượng trưng.
Thường thì chỉ có khoảng 20 người trụ lại sau trò chơi những người còn lại do bị thương hoặc bỏ cuộc giữa chừng. Nhân viên y tế và xe cấp cứu được bố trí sẵn sàng cho những người tham dự cuộc thi. Trạm sơ cứu được đặt ngay dưới chân đồi để phục vụ những người bị thương nhẹ, bong gân hoặc xước chân tay. Mặc dù phải lăn lộn theo một miếng pho mát, quần áo lấm lem, nhiều người bị thương nhưng họ vẫn cảm thấy rất vui.
Phần thưởng cho người thắng cuộc cũng chẳng có gì to tát: chính là viên pho mát nặng 4 kg đó! Rõ ràng, những người tham gia cuộc thi chỉ muốn được vui vẻ chứ hoàn toàn không màng đến phần thưởng.
7. Ngày lễ bánh ngọt
Lễ hội bánh ngọt nổi tiếng ở Anh được tổ chức vào ngày Thứ ba xưng tội, là ngày trước lễ ăn chay Lent. Lent là lễ của đạo cơ đốc có từ thế kỉ thứ 4 kéo dài 40 ngày và thường đó là giai đoạn người ta ăn chạy và ép xác tiết dục. Thường mọi người ăn thả phanh và vui chơi xả láng vào ngày trước khi lễ Lent bắt đầu. Thứ ba xưng tội thường được gọi là ngày lễ bánh ngọt bởi những đồ béo bị cấm trong dịp lễ Lent phải được mang ra tiêu thụ cho hết. Mọi người lấy hết trứng và những thực phẩm ăn uống hàng ngày còn lại trong bếp để làm thành những chiếc bánh ngọt ngon lành.
Chỉ có phụ nữ mới được phép tham gia vào lễ hội nổi tiếng ở Anh này. Các chị phải chạy theo một đường đã được định trước, tay cầm chảo rán và điểm đích là nhà thờ. Trong chiếc chảo rán các chị cầm trong tay có một chiếc bánh ngọt nóng, mà các chị phải tung được nó lên ít nhất là ba lần trước khi kết thúc vòng đua. Người phụ nữ đầu tiên kết thúc đường đua và đến nhà thờ đầu tiên với chiếc bánh ngọt được cho là người thắng cuộc. Chị sẽ phải mời người đánh chuông của nhà thờ ăn bánh ngọt và người đánh chuông phải thưởng cho chị một nụ hôn được gọi là nụ hôn hòa bình “Kiss of peace”. Cuộc đua này vẫn được tổ chức ở Anh và ở một vài thành phố khác.
8. Lễ hội hoa Chelsea
Lễ hội hoa Chelsea là triển lãm hoa, thiết kế sân vườn lớn nhất được Hội trồng tỉa hoàng gia Anh tổ chức vào tháng 5 hàng năm và kéo dài 5 ngày. Đây được coi là lễ hội nổi tiếng ở Anh có quy mô rộng lớn nhất ở Anh và là lễ hội nhà vườn lớn nhất thế giới. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân giới thiệu nhiều giống hoa mới cũng như các phong cách thiết kế sân vườn đầy sáng tạo.
9. Lễ hội Egremont Crab
Lễ hội Egremont Crab (Cuộc thi “mặt méo, mặt xấu, mặt kì cục”) – một trong những lễ hội nổi tiếng ở Anh bắt đầu diễn ra vào thế kỉ thứ 13 khi lãnh chúa Manor ra lệnh phát những quả táo dại cho nhân dân.
Cho đến ngày nay, lễ hội nổi tiếng ở Anh này gồm những đoàn diễu hành xe chở táo sẽ ném những quả táo vào đám đông. Có rất nhiều những sự kiện truyền thống khác diễn ra trong lễ hội này như leo cột mỡ, thi hút tẩu, thi đấu vật, biểu diễn tài năng. Tuy nhiên phần hấp dẫn nhất và lạ nhất mà mọi người chú ý đến đó là cuộc thi “mặt xấu, mặt méo mó, mặt kì cục” hay còn gọi là Gurning. Gurning là một kĩ năng tạo kiểu mặt như cao su là một điều kì lạ và chỉ có ở nước Anh. Những thí sinh của cuộc thi tròng đầu qua một cái vòng cổ ngựa và họ cố gắng tạo ra những khuôn mặt xấu nhất, kì cục nhất, méo nhất. Có rất nhiều kĩ năng được dùng tới nhưng có lẽ việc uống nhiều bia là cách tốt nhất. những người chiến thắng sẽ được tuyên dương và được đăng trên bản tin quốc gia.
10. Lễ hội Guy Fawkes Night
Guy Fawkes Night, cũng còn được gọi là Bonfire Night (đêm lửa), Fireworks Night (đêm pháo hoa) và Plot Night (đêm đốt kho thuốc súng), là một dịp lễ hội hàng năm (nhưng không phải là ngày nghỉ lễ toàn quốc) vào tối mùng 5 tháng 11, có nguồn gốc ở Anh quốc, sau đó lễ hội này lan sang New Zealand, Nam Phi và một số tỉnh ở Canada. Trước kia một số người Úc ở hải ngoại và ở Úc cũng đã tổ chức lễ này nhưng ngày nay không còn tổ chức nữa. Lễ này tưởng niệm sự thất bại của một nhóm người theo đạo cơ đốc có âm mưu đốt kho thuốc súng để lật đổ Quốc hội ở London nhưng bất thành vào đêm ngày 5/11/1605, lúc đó vua là James 1 là người theo đạo Tin lành.
Lễ hội được tổ chức trên toàn Vương quốc Anh từ thành thị tới nông thôn. Người ta đốt pháo, pháo hoa và dựng các đống lửa lớn, cạnh đó là các hình nộm hay các ông người tượng trưng cho các ông Fawkes, là những người có âm mưu lật đổ quốc hội nổi tiếng bị đốt cháy. Trước ngày mùng 5, trẻ con đứa nào cũng có một hình nộm mang nó đi để xin tiền người lớn, chúng nói rằng: “Pey for the guy” (Cho ông người nộm mấy xu).
Dù trong xã hội hiện đại, đêm đốt pháo được kỉ niệm cũng có chút ý nghĩa chính trị và đảng phái. Câu vè “Hãy nhớ, hãy nhớ…”, thể hiện cảm xúc căm ghét người theo đạo cơ đốc không còn được mấy lưu tâm đến. Đêm đốt pháo ngày nay chỉ còn là đêm hội tổ chức trong cộng đồng những người theo đạo cơ đốc ở Anh quốc, tập tục chung là đốt người nộm không còn được mấy người thực hiện giống trước kia nữa.
Trên đây là 11 lễ hội đặc sắc mà du khách không thể bỏ qua khi đến du lịch nước Anh. Vé máy bay giá rẻ đi Anh của Airbooking là “chiếc cầu nối” cho chuyến hành trình đầy thú vị của quý khách khi đến với đất nước sương mù. Chúc quý khách có một chuyến du lịch thật vui vẻ và ý nghĩa!
0 Comment