[kkstarratings]

Tiếng Anh là ngôn ngữ vô cùng phổ biến và được sử dụng tại hầu hết các sân bay. Cũng vì vậy mà nhiều du khách ngại ngùng không dám du lịch nước ngoài vì sợ vốn tiếng Anh ít ỏi sẽ không đủ để giúp họ xoay sở tại sân bay. Airbooking xin chia sẻ với du khách vài mẫu câu tiếng Anh cơ bản tại sân bay và trên máy bay để quý khách có thể tự tin hơn trong các chuyến bay sắp tới của mình.

1. Những mẫu câu tiếng Anh khi sử dụng tại sân bay

Việc đầu tiên khi đến sân bay chính là tìm quầy làm thủ tục hàng không. Nếu khởi hành tại các sân bay nhỏ thì không khó khăn gì để tìm quầy thủ tục của hãng mà quý khách đã đặt vé. Trường hợp sân bay quá lớn và quý khách không rành cách đi lại thì câu hỏi tiếng Anh: “Where is the check-in counter of …?”. 

Ví dụ: Excuse me sir/madam, where is the check-in counter of EVA Air? (Anh/chị cho hỏi quầy làm thủ tục của EVA Air đi đường nào?)

Quay Check in

Khi làm thủ tục, nhân viên sân bay sẽ dùng những câu tiếng Anh cơ bản, ngắn gọn để tiết kiệm thời gian. Do vậy mà quý khách chỉ cần nắm một số từ khóa là đã có thể hiểu được họ đang yêu cầu mình làm gì. Danh sách từ khóa mà quý khách cần quan tâm như sau:

Booking reference: đây là mã xác nhận đặt chỗ hay còn được gọi là code vé.

Passport: thông thường khi làm thủ tục cho chặng Quốc tế, nhân viên sân bay sẽ yêu cầu quý khách đưa cùng lúc mã xác nhận đặt chỗ và hộ chiếu. Vậy nên nhanh gọn nhất đó là luôn đưa cả 2 văn bản này khi bắt đầu làm thủ tục hàng không.

Baggage: nhân viên sân bay đang yêu cầu bạn đặt hành lý ký gởi lên bàn cân để kiểm tra trọng lượng và dán mã số cho từng kiện.

Carry-on: hành lý xách tay cũng cần được kiểm tra để đảm bảo không vượt quá trọng lượng và kích thước cho phép.

Oversized/Overweight: nếu hành lý của bạn quá cước, nhân viên sân bay sẽ dùng 1 trong 2 từ tiếng Anh cơ bản này để cảnh báo quý khách. Khi đó hoặc quý khách sẽ phải đóng tiền phạt hoặc sẽ phải bỏ bớt đồ đạc ra.

Window seat/Aisle seat: nhân viên có thể sẽ hỏi bạn: “Would you like a window seat or aisle seat?” (chọn ngồi cạnh cửa sổ hay cạnh lỗi đi). Nếu muốn ngồi cạnh cửa sổ, quý khách hãy trả lời “Windows seat”, ngược lại nếu muốn cạnh lối đi hãy trả lời “Aisle seat”.

Gate: đây là cổng khởi hành mà bạn sẽ đến để làm thủ tục lên máy bay. Thường thông tin này sẽ được in thẳng lên vé để quý khách tiện theo dõi.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, chuyến bay của quý khách đăng ký đi có thể bị thay đổi cổng khởi hành và thường thông tin này sẽ được thông báo bằng loa tại sân bay. Ví dụ như: “Attention passengers on Vietnam Airlines flight VN 3644 to Paris. The departure gate has been changed. The flight will now be leaving from Gate 26”. (Hành khách trên chuyến bay VN 3644 đến Paris của hãng hàng không Vietnam Airlines xin lưu ý. Cổng khởi hành đã được thay đổi. Chuyến bay sẽ khởi hành từ Cổng số 26).

Boarding: lên máy bay. Qúy khách sẽ gặp từ này trong các cụm phổ biến như Boarding time (giờ lên máy bay), Boarding gate (cổng khởi hành), Boarding pass (vé lên máy bay). Một câu nói tiếng anh cơ bản và điển hình khi sắp đến giờ lên máy bay như sau: “All passengers on Cathay Pacific flight CX764 must go to the gate. The plane will begin boarding in 10 minutes”. (Tất cả hành khách trên chuyến bay CX764 của Cathay Pacific xin vui lòng ra cửa khởi hành. Máy bay sẽ bắt đầu mở cửa trong 10 phút nữa).

xep hang len may bay

2. Những mẫu câu tiếng Anh thường sử dụng trên máy bay

Một số câu hội thoại tiếng Anh cơ bản quý khách cần nhớ để có thể giao tiếp hiệu quả hơn với tiếp viên hàng không trên máy bay như sau:

Overhead locker: ngăn đựng hành lý phía trên đầu. Giả như gặp khó khăn khi cất hành lý lên ngăn đựng, quý khách có thể nhờ vả tiếp viên hoặc các hành khách khác bằng câu nói: “Excuse me sir, could you help me put my luggage in the overhead locker” (cất hành lý xách tay)

“Please fasten your seatbelt and return your seat to the upright position” – đây là câu thông báo kinh điển khi máy bay chuẩn bị cất cánh/hạ cánh. Câu này để nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn và dựng thẳng lưng ghế.

that day an toan tren may bay

Trên các chuyến bay dài luôn chuẩn bị sẵn mền và gối. Nếu bạn muốn xin mượn những vật dụng này, quý khách có thể nói với tiếp viên rằng: “Excuse me, can I have a blanket and a pillow please”

3. Mẫu câu tiếng anh thường sử dụng ở các khu vực tại sân bay

Khi máy bay đã hạ cánh an toàn và quý khách đã chính thức đặt chân đến địa phận của một đất nước mới. Việc cần làm bây giờ là thu gom hành lý của mình và tiến thành các thủ tục hàng không tại sân bay.

Arrival: ga đến, nơi quý khách sẽ làm các thủ tục hải quan và nhập cảnh trước khi ra khỏi sân bay. Sau khi lấy hành lý xong, hãy đi theo chỉ dẫn của các bảng chỉ đường để đi đến khu vực ga đến. Rất nhiều người nhầm lẫn hướng đi giữa ga đến và ga đi (Departure) để rồi rốt cuộc là… lạc đường ngay tại sân bay.

Baggage Claim / Luggage Claim: cả hai từ này đều mang cùng nghĩa là khu vực trả hành lý. Nếu có gởi hành lý thì ngay khi xuống sân bay, hãy tìm bảng chỉ dẫn để đi đến khu vực trả hành lý. Thông thường tại tất cả các sân bay Quốc tế đều có một bảng thông báo các chuyến bay kèm theo khu vực mà hành lý sẽ được trả. Do vậy bạn nên để ý thật kỹ tên hãng và chuyến mình vừa đi để có thể tìm ngay khu vực hành lý của mình sẽ được chuyển đến.

khu vuc tra hanh ly

Conveyor belt / Carousel: băng chuyền hành lý. Mỗi khu vực đều có rất nhiều băng chuyền, quý khách nên đảm bảo đến đúng số thứ tự được thông báo trên bảng hướng dẫn để tránh mất thời gian. Bảng thông báo luôn hiện đầy đủ thông tin chuyến bay kèm theo số thứ tự của khu vực sẽ trả hành lý của chuyến bay đó.

Baggage Cart / Luggage Cart: xe đẩy hành lý. Ngay gần bên khu vực trả hành lý luôn để sẵn những xe đẩy hành lý. Trường hợp không tìm thấy xe đẩy nào, quý khách có thể hỏi thăm bằng câu hỏi tiếng Anh cơ bản như sau: “Excuse me sir/madam, where can I find a baggage cart?” (Xin hỏi tôi có thể tìm xe đẩy hành lý ở đâu?)

4. Mẫu câu tiếng Anh khi giao tiếp với Hải quan

Rất nhiều du khách cảm thấy lo lắng khi phải đối diện với hải quan bởi không tự tin vào vốn tiếng Anh của bản thân. Tuy nhiên cũng giống như khi nói chuyện với nhân viên làm thủ tục hàng không, nhân viên hải quan cũng chỉ hỏi một số câu tiếng Anh cơ bản.

quay lam thu tuc hai quan
Customes: quầy hải quan. Tùy vào từng nước mà đôi khi bạn sẽ trải qua thêm 1 lần kiểm tra tư trang, hành lý tại hải quan của nước bạn. Thông thường họ sẽ hỏi quý khách những câu khá đơn giản như:

“Do you have anything to declare?” (Anh/Chị có gì cần khai báo không?)

Nếu trong hành lý không có gì trái phép (và tốt nhất là không nên có), quý khách chỉ cần trả lời là “No”. Tuy nhiên cần lưu ý nếu có mang theo vật chứa chất lỏng như dầu gội (shampoo), nước hoa (perfume) hay thậm chí là nước mắm (fish sauce) thì tốt nhất nên nói rõ như sau: “I just have a bottle of … and it’s under 100ml”

Immigration: quầy nhập cảnh. Đây chính là nơi quyết định liệu quý khách có được phép vào một nước hay không. Mặc dù thủ tục tại quầy này khá quan trọng, tuy nhiên quý khách cũng không cần phải quá căng thẳng. Nếu du lịch là mục đích chính của chuyến đi thì cũng chẳng ai làm khó quý khách làm gì. Nhất là nếu đến các nước đã có chính sách miễn visa cho người Việt Nam thì phần thủ tục này càng đơn giản hơn. Bản thân những nhân viên hải quan (NVHQ) cũng chỉ hỏi những câu đơn giản theo đúng thủ tục như sau:

NVHQ: Sir, May I see your papers? (Chào anh/chị, tôi có thể xem giấy tờ của anh không?)

Bạn: Sure. Here they are. (Được chứ, tôi gởi anh/chị)

NVHQ: Please state your full name, age and nationality. (Xin anh/chị đọc rõ họ tên, tuổi và quốc tịch)

Bạn: My name is …, Age …. and I am Vietnamese. (Tôi tên…, … tuổi và tôi là người Việt Nam)

NVHQ: What is the nature/purpose of your visit? – (Mục đích của chuyến đi của anh/chị là gì?)

Bạn: I am here on a holiday with my friends. (Tôi đến đây để du lịch với bạn tôi)

NVHQ: How long will be the duration of your stay? / How long will you stay? (Anh/Chị dự định ở bao lâu?)

Bạn: I intend to stay for 5 days at … hotel. (Tôi định ở lại 5 ngày tại khách sạn …)

NVHQ: Okay. You may leave now and enjoy your stay. (Ổn rồi. Anh có thể đi tiếp và chúc anh/chị chuyến đi vui vẻ)

Bạn: Thank you. (Cảm ơn anh/chị)

Như vậy, chỉ cần bình tĩnh trả lời những câu hỏi của họ là quý khách có thể hoàn thành thủ tục nhập cảnh.

5. Cách điền tờ khai nhập cảnh

Khi làm thủ tục tại quầy nhập cảnh, ngoài passport thì quý khách còn phải đưa cho nhân viên hải quan tờ khai nhập cảnh. Tờ khai này có khá nhiều tên nhưng phổ biến nhất vẫn là Immigration Card hoặc Disembarkation/Embarkation Card (còn được gọi tắt là D/E Card). Thường thì tờ khai này sẽ được tiếp viên hàng không phát ngay trên máy bay để giúp hành khách tiết kiệm thời gian tại sân bay. Giả như quý khách bỏ qua lượt phát này thì cũng không có gì phải lo lắng cả vì tờ khai này được để sẵn tại gần khu vực quầy nhập cảnh và hiển nhiên tất cả đều miễn phí.

Các mục trên tờ khai cũng khá đơn giản, quý khách có thể tham khảo cách điền tờ khai nhập cảnh của Singapore như sau:

to khai nhap canh singapore

Full Name as it appears in passport/travel document (BLOCK LETTER): điền họ tên đầy đủ như được viết trên passport, lưu ý là phải viết chữ hoa toàn bộ và không cần đảo tên trước họ.

Sex: giới tính. Đánh vào Male nếu là Nam giới, Female nếu là Nữ giới.

Passport Number: điền số passport như trên hộ chiếu.

City: tên thành phố cư trú. Chỉ cần điền đơn giản như Hochiminh, Hanoi, Danang v.v… Nhớ đừng bỏ dấu nhé.

State: (bỏ qua)

Country: điền Vietnam

Flight No./Vessel Name/Vehicle No: điền số hiệu chuyến bay mà quý khách vừa bay, không cần viết tên hãng nhé.

Address in Singapore: điền địa chỉ của khách sạn mà quý khách sẽ ở lại trong những ngày trú lại Singapore.

Portal Code: mã bưu điện khu vực của khách sạn tại Singapore. Thông tin này thường có sẵn trong địa chỉ của khách sạn.

Contact Number: có thể điền số điện thoại của khách sạn, nhưng thường thì quý khách có thể bỏ qua mục này.

Country of birth: tên quốc gia mà quý khách sinh ra.

Identify Card Number (for Malaysian Only) (bỏ qua)

Date of Birth: điền ngày tháng năm sinh của quý khách.

Length of Stay: điền số ngày quý khách sẽ ở lại Singapore.

Nationality: quốc tịch.

Last City/Port of Embarkation Before Singapore: điền tên thành phố cuối cùng mà quý khách đã ở trước khi đến Singapore. Có nghĩa quý khách khởi hành từ thành phố nào thì chỉ cần điền tên thành phố đó vào là được. Ví dụ bay đi từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì điền Hochiminh, từ Nội Bài thì điền Hanoi.

Next City/Port of Disembarkation After Singapore: điền tên thành phố tiếp theo mà quý khách sẽ đến sau khi rời Singapore. Cũng tương tự như mục trên.

Have you been to Africa or South American during the last 6 days?: bạn có ghé thăm châu Phi hoặc Nam Mỹ trong vòng 6 ngày trở lại đây? Nếu có đánh vào Yes, không đánh vào No.

Have you ever used a passport under different name to enter Singapore? If “yes”, state name(s) different from current passport: bạn đã bao giờ dùng passport với danh xưng khác để nhập cảnh Singapore chưa? Nếu có, vui lòng điền (những) tên khác mà bạn đã sử dụng vào bên dưới. Nếu chưa từng thay đổi tên họ thì chỉ cần đánh vào No là được.

Have you ever been prohibited from entering Singapore? bạn đã bao giờ bị cấm nhập cảnh vào Singapore chưa? Nếu chưa từng bị từ chối nhập cảnh vào Singapore, hãy đánh No. Nếu đã từng bị từ chối nhập cảnh, hãy thật thà đánh Yes.

Signture: nơi ký tên – không cần ghi cả họ lẫn tên dưới chữ ký.

Hi vọng rằng với mẫu câu tiếng Anh được Airbooking tổng hợp và chia sẻ trên đây sẽ giúp quý khách có những hành trình đi suôn sẻ, thú vị và đầy ý nghĩa.