Nói về “đảo Ngọc” Phú Quốc, người ta thường nghĩ ngay đến bãi cát trắng chạy dài như vô tận, nắng vàng lấp lánh trên mặt nước biển trong veo và hoàng hôn đỏ rực, đẹp như tranh. Thế nhưng du khách có biết rằng Phú Quốc còn có rất nhiều địa danh hội tụ các trải nghiệm du lịch thú vị? Hãy cùng Airbooking khám phá nhé!
Vườn Quốc gia Phú Quốc
Vườn Quốc gia Phú Quốc được thành lập vào năm 2001, nằm ở phía Bắc đảo Phú Quốc và chiếm khoảng 70% diện tích đảo, hơn 31.000ha. Trong phạm vi diện tích của mình, Vườn Quốc gia Phú Quốc “sở hữu” ba dãy núi lớn trên đảo: dãy Hàm Ninh, dãy Hàm Rồng và dãy Gành Dầu cùng 60km đường bờ biển tuyệt đẹp.
Vườn Quốc gia có hệ động vật, thực vật phong phú do có đầy đủ các loại địa hình từ rừng núi cho tới suối và biển. Đây là một trung tâm đa dạng sinh học của cả nước. Thảm thực vật tại đây bao gồm nhiều tầng lớp, từ thấp tới cao, từ những cây thấp nhỏ tới những cây cổ thụ (tràm, đậu, vên vên, dầu cát, dẻ…) trong khu vực rừng nguyên sinh. Ngoài ra còn rất nhiều cây khác như: Hàng ngàn loài phong lan quý (Lan Vân Hài, Ái Lan Lá Đẹp, Âm Lan Núi,…); Các loại cây thuốc khác (hà thủ ô, cam thảo, nhân trần,…); Một số loài ký sinh khác (dương sỉ, phong lan, dây leo bông trắng…). Hệ động vật tại đây cũng phong phú không kém: 30 loài thú trong đó có 5 loài được ghi vào sách Đỏ của Việt Nam; 200 loài chim với 4 loài được ghi vào sách Đỏ Thế giới; 50 loài bỏ sát với 9 loài được ghi vào sách Đỏ Thế giới; 18 loài ghi vào sách Đỏ Việt Nam. Hệ sinh thái biển ở Vườn Quốc gia Phú Quốc cũng sở hữu số lượng phong phú với 100 loài san hô cứng, 20 loài san hô mềm và 62 loài rong biển và cùng nhiều loại cá khác.
Đến với Vườn Quốc gia tại Phú Quốc, du khách cũng đừng bỏ qua cơ hội khám phá đỉnh Núi Chúa – “nóc nhà” của Phú Quốc với độ cao 565m ở trên dãy núi Hàm Ninh. Đứng tại đây, du khách có thể thu vào tầm mắt mình khung cảnh của cả Vườn Quốc gia Phú Quốc từ khu rừng nguyên sinh cho tới biển. Màu xanh của rừng cây, màu xanh của nước biển tất cả sẽ hiện lên trước mắt du khách.
Đi sâu vào trong, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những dòng suối đổ xuống từ dãy Hàm Ninh. Những dòng nước trắng xóa chảy ngày đêm không ngừng góp phần tạo nên sự phong phú cho cảnh sắc, động thực vật nơi đây.
Bãi Sao
Bãi Sao là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Phú Quốc. Bãi biển này mang một cái tên hết sức thú vị là do mỗi khi màn đêm buông xuống, hàng chục ngàn con sao biển di chuyển lên bờ cát trắng phủ đầy một vùng nên người dân đã đặt tên cho nơi đây là Bãi Sao.
Cát ở Bãi Sao mang một màu rất đặc trưng – màu trắng mịn như kem. Bãi Sao cong cong nằm gọn trong lòng của hai dãy núi chạy sát biển nên có khí hậu trong lành thích hợp cho một kì nghỉ dưỡng tuyệt vời. Biển nơi đây trong xanh, chẳng có nhiều hàng quán, một khung cảnh yên bình đến kì lạ. Gió biển thổi nhẹ nhàng, nắng cũng không quá gay gắt, nằm ngả lưng trên chiếc võng đung đưa bên hàng dừa làm ta như lạc vào chốn thiên đường có thật nơi trần gian.
Đến với bãi Sao, quý khách có thể tham gia vào nhiều hoạt động mang tính trải nghiệm cao như lái mô tô nước, chèo thuyền kayak, lướt ván, đánh bắt cá, lặn ngắm san hô,… Hay chỉ đơn giản là đi dạo trên bờ biển, nằm ngả lưng phơi nắng trên những chiếc ghế dài tận hưởng những làn gió mát rượi cũng đủ làm du khách thấy thoải mái, thư giãn. Ngoài chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, quý khách còn được thưởng thức những sản vật nổi tiếng của nơi đây: gỏi cá trích, nhum nướng, cháo nhum, ghẹ Hàm Ninh,…
Bãi Dài (Bãi Trường)
Cái tên “Bãi Dài” bắt nguồn từ chính chiều dài của bãi biển này, 15km bờ biển kéo dài từ tận Mũi Gành Dầu cho đến Cửa Cạn. Nhờ có vị trí địa lý nằm ở phía Tây Bắc của đảo, lại ngay gần khu vực rừng nguyên sinh nên khí hậu nơi đây lúc nào cũng duy trì ở mức nhiệt độ khá mát mẻ, không bị oi nóng, kết hợp với gió từ biển thổi vào biến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho mọi người mỗi mùa du lịch.
Bãi Dài nổi tiếng gần xa với cả một bãi biển trải dài bên bờ cát trắng, làn nước trong vắt cùng những hàng cây xanh mát mọc lan tới tận bãi biển. Thiên nhiên ưu đãi mang đến cho nơi đây một vẻ đẹp mà hiếm có bãi biển nào có thể sánh được. Nhờ có không gian cùng tầm nhìn thoáng đãng, du khách có thể đứng từ bãi biển quan sát những hòn đảo nhỏ lân cận ngay gần đó như Hòn Móng Tay, Hòn Đồi Mồi,…
Cùng với các hoạt động thường lệ như ngắm cảnh, tắm biển hay các hoạt động vui chơi giải trị khác, một điểm rất đặc biệt khiến cho Bãi Dài được yêu mến hơn cả là những bữa tiệc BBQ ngoài trời ngay trên bãi biển. Nhờ có những điều kiện “thiên thời, địa lợi” như bãi biển rộng, thoáng đãng, độ dốc vừa phải, hàng dương xanh mát, ánh nắng chan hòa, không quá oi bức nhờ có gió mát thổi từ rừng và từ biển, tất cả đều là những yếu tố thiết yếu cho một bữa tiệc nướng để “quẩy” hết mình.
Buổi tối cũng diễn ra rất nhiều hoạt động vô cùng sôi nổi. Vẫn là tiệc nướng nhưng buổi tối lại có phần sôi nổi hơn ban ngày rất nhiều nhờ có thêm hoạt động đốt lửa trại, cắm trại qua đêm. Đây là cơ hội tốt để mọi người giao lưu với nhau. Hoặc nếu như du khách không thích sự ồn ào, đường bờ biển dài chắc chắn sẽ đủ để phục vụ du khách cho một buổi tối thả mình, đi dạo quanh bờ biển, đón cơn gió đêm mang chút hơi lành lạnh.
Nằm ở khu Bãi Dài, còn phải kể đến Vinpearl Land và Vinpearl Safari. Vinpearl Land là một trong những khu vui chơi thu hút nhiều du khách nhất, bao gồm nhiều khu vực như: công viên nước, trung tâm giải trí ngoài trời và trong nhà, thủy cung và phố mua sắm. Du khách sẽ có cơ hội tham gia các trò chơi đầy thú vị như: xe nước Tornado, Giant Boomerang, trò rơi tự do, đường trượt xoắn ốc, đu quay dây văng,… Bên cạnh đó, các trò chơi Wave Pool và Lazy River sẽ phù hợp với những ai đi theo hình thức gia đình và có trẻ nhỏ. Vinpearl Safari là khu bảo tồn sinh vật học đầu tiên ở Việt Nam. Vườn thú có diện tích khoảng 500ha, hơn 2.000 cá thể với 140 loại động vật. Ở đây được chia làm 2 khu: Zoo và Safari. Khu vườn thú “Zoo” là nơi nuôi nhốt như những vườn thú khác có không gian rộng rãi và được đặt giữa thiên nhiên. Khu Safari là nơi các loài động vật sống trong môi trường nhân tạo, du khách sẽ đi xe bus vào trong khu này để ngắm các loài thú nuôi tại đây. Ngoài ra, ở đây còn có các hoạt động xiếc thú được nhiều khách tham quan yêu thích đặc biệt là các bạn nhỏ.
Bãi Khem
Bãi Khem không có bãi biển trải dài như Bãi Dài hay Bãi Sao nhưng lại có nét quyến rũ riêng với những ghềnh đá được thiên nhiên ngẫu nhiên sắp xếp cho nơi đây, thêm nữa khung cảnh cực kì yên bình.
Được nằm dài trên bãi cát trắng nơi đây, bỏ qua mọi buồn phiền mệt mỏi lại mà đắm chìm vào khung cảnh bình yên nơi này thì còn gì tuyệt vời hơn. Gió biển thổi nhè nhẹ bên tai, cát trắng mịn dưới chân, nắng vàng trải nhẹ cùng sự thân thiện của con người nơi đây sẽ khiến cho du khách nhanh chóng “phải lòng” nơi này thôi.
Ở cuối Bãi Khem còn có Giếng Tiên, mặc dù nằm sát biển nhưng giếng vẫn không bị nhiễm mặn. Điều lạ kì là dù khi cả thủy triều lên thì nơi đây vẫn không bị nhiễm mặn hay cạn nên có nhiều câu chuyện xoay quanh cái giếng này.
Bãi Ông Lang
Nằm ở bờ Tây Phú Quốc, cách thị trấn Dương Đông hơn 6 km, Bãi Ông Lang không trải dài liên tục mà bị ngắt quãng bởi những bãi đá xen kẽ với bãi cát. Tuy nằm ngay giữa hai thị trấn Dương Đông – Cửa Cạn, nhưng “viên ngọc thô” Ông Lang bao năm vẫn yên bình, tĩnh tại, vẫn là vẻ đẹp chỉ dành cho những ai có duyên tìm đến.
Bãi Ông Lang mở ra không gian thiên nhiên thơ mộng với bãi cát vàng óng ả dốc thoai thoải; nước biển phẳng lặng như mặt gương, trong vắt như pha lê và mang sắc xanh ngọc lam – sắc màu đã mang đến danh tiếng cho vùng biển Maldives. Những bãi cỏ trải dài cùng hàng cây rợp bóng xanh mát sẽ vô cùng thích hợp cho những chuyến picnic, những bữa tiệc BBQ giữa thiên nhiên. Bãi cát rộng rãi là nơi du khách có thể triển khai nhiều trò chơi như bóng chuyền, bóng đá, các hoạt động team bulding vui nhộn… Được xem là nơi ngắm hoàng hôn tuyệt vời nhất tại Phú Quốc, còn gì thích thú hơn khi du khách có cơ hội ngồi trên bãi biển hoang sơ cùng với gia đình, bạn bè để vừa hóng gió biển, vừa ngắm hoàng hôn xứ đảo và thưởng thức một bữa tiệc hải sản thịnh soạn mà biển Ông Lang chiêu đãi.
Như một nốt trầm độc đáo trong “bản giao hưởng” của biển của trời, Bãi Ông Lang đang trở thành một điểm đến mới lạ trên bản đồ du lịch Phú Quốc, góp phần đưa “đảo Ngọc” trở thành điểm đến mùa thu không thể bỏ qua của Châu Á do CNN xếp hạng.
Quần đảo An Thới
Quần đảo An Thới nằm trong vịnh Thái Lan, cách đảo Phú Quốc 3 hải lý về phía Nam. Quần đảo xinh đẹp này là nơi tìm đến cho những ai thích không gian riêng tư, yên tĩnh, êm đềm. Du khách khi đến đây sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh sống động của biển với tiếng sóng rì rào cùng bọt sóng trắng xóa. Quần đảo An Thới gồm 18 đảo lớn nhỏ, nhưng chỉ có 5 đảo có cư dân sinh sống như Hòn Thơm, Hòn Dừa, Hòn Rỏi,… và đây cũng là những điểm đến quen thuộc đối với khách du lịch.
Là một trong số ít các đảo còn hoang sơ nguyên thủy và chưa được khai thác nhiều, Quần đảo An Thới còn giữ nguyên được vẻ đẹp tự nhiên vốn có với thiên nhiên trong lành, khoáng đãng hòa cùng bãi biển với làn nước trong xanh tựa bên bờ cát phẳng lì. Biển ở đây rất xanh và khá bình lặng, một số vùng biển mực nước sâu tới 35m. Trong lòng khách du lịch, An Thới thật dịu dàng, chính bởi vẻ đẹp sâu lắng yên bình cũng với biển xanh – cát trắng – nắng vàng. Một trong những điểm nổi bật của quần đảo An Thới chính là hệ thống sinh thái của quần đảo này. Nơi đây có một hệ sinh thái rất đa dạng, cả trên cạn lẫn dưới nước. Nơi đây là thiên đường của các loài cá rực rỡ đầy màu sắc như cá tràm, cá lù, cá đổng,… Đặc biệt, du lịch quần đảo An Thới không thể bỏ qua trải nghiệm lặn ngắm những rặng san hô đầy chủng loại, màu sắc trong làn nước trong xanh và thỏa sức khám phá chốn đại dương bao la.
Nét đẹp của quần đảo An Thới còn là sự kết hợp của các hòn đảo nhỏ. Đến Hòn Thơm để tận hưởng vẻ đẹp của những bãi cát trắng mịn, làn nước trong xanh tựa bên những cánh rừng hoang sơ. Đi Hòn Dừa để nghỉ ngơi thư giãn ngắm biển dưới rặng dừa ngả bóng chạy dài sát bờ biển, hay tới Hòn Rỏi để ngắm những hình thù đặc sắc được tạo nên từ những mỏm đá gồ ghề, đây còn là địa điểm nuôi trai nổi tiếng của Phú Quốc.
Bên cạnh vẻ đẹp mà thiên nhiên dành tặng thì nơi đây còn lưu giữ được những di tích lịch sử, đặc biệt là Nhà tù Phú Quốc (Nhà lao cây dừa). Nơi đây là minh chứng hùng hồn cho công cuộc đấu tranh đầy gian khổ và tinh thần bất khuất của nhân dân ta trong các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và Đế quốc Mĩ.
Vào thời kỳ kháng chiến, tại đây chính quyền thực dân, đế quốc và tay sai đã giam cầm hàng trăm tù nhân với những hình thức tra tấn dã man, đầy man rợ. Nơi đây cũng chính là trại giam tù binh trung tâm toàn Việt Nam Cộng hòa, từng giam giữ hơn 32.000 tù binh (40.000 tù nhân nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ).
Diện tích Nhà tù Phú Quốc lên đến 400 hecta, với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu, trong đó có 02 khu đôi (mỗi khu có 02 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 04 phân khu gọi là Khu A, B, C, D), mỗi phân khu cách nhau 100m. Phân khu có chiều dài 150m, rộng 50m, gồm 11 ngôi nhà trong đó có 09 phòng giam, kích thước mỗi phòng giam 20m x 5m. Mỗi phân khu đều có chuồng cọp, 04 phân khu có nhà biệt giam. Các nhà giam xây dựng với vách, mái, cửa đều bằng tôn thiếc, nền bằng đất tráng xi măng để tránh tù binh đào hầm vượt ngục. Xung quanh mỗi phân khu là 04 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động, đèn chiếu sáng toàn khu trại. Toàn trại được bao bọc bởi dãy kẽm gai dày chằng chịt 7 đến 10 lớp; vùng bao quanh hoàn toàn trống trải tạo thành một vành đai trắng bao bọc, cách ly với bên ngoài. Hiện nay, di tích này chỉ còn lại một số hạng mục sau: Cổng Tiểu đoàn 8 quân cảnh; Nghĩa địa tù binh; Nhà thờ Kiến Văn; Nhà trưng bày; Phân khu B2 (gồm các hạng mục: Vọng gác, Hàng rào, Cổng trại giam của phân khu B2, Chuồng cọp kẽm gai, Dãy nhà bếp và nhà ăn, Dãy nhà dùng làm nơi ở, giam giữ và tra tấn tù binh, Phòng biệt giam B2, Dãy nhà vệ sinh); Đài tưởng niệm liệt sĩ tại Đồi Sim; Cổng Tiểu đoàn 7 quân cảnh; Cổng và nhà Ban Chỉ huy trại giam.
Hiện nay, hàng năm di tích Nhà Tù Phú Quốc đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan trong và ngoài nước (trong đó có nhiều cựu tù binh là chứng nhân sống về lịch sử di tích), góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất cho các thế hệ.
Mũi Gánh Dầu
Gành Dầu là một mũi đất nằm nhô ra biển ở phía Tây Bắc đảo Phú Quốc. Nơi đây nổi tiếng với những bãi biển đẹp, yên bình. Không khí trong lành, bờ cát trắng mịn và không gian thiên nhiên hoang sơ của Gành Dầu sẽ nhanh chóng xua tan đi cảm giác mệt mỏi của du khách. Mũi Gành Dầu được mệnh danh là nơi giao hòa giữa biển và rừng với những cây cổ thụ xanh rì cao vút lan ra đến tận mép nước khiến tâm hồn ta khoan khoái lạ thường.
Ngoài ra, Gành Dầu giáp ranh với Campuchia, nên đứng từ đây phóng tầm mắt ra xa du khách có thể thấy được đảo của Campuchia. Mặc dù không nhộn nhịp, tấp nập, cư dân không đông đúc nhưng sự gần gũi, giản dị và những nụ cười thân thiện của người dân địa cũng chính là một điều thu hút khách du lịch đến đây trải nghiệm.
Đặt chân đến nơi đây, hẳn du khách sẽ phải ố á khi được đắm mình trong một không gian cực kì xanh mát. Bãi biển cong cong hình lưỡi liềm ôm lấy những rặng cây xung quanh. Bãi cát vàng trắng lung linh dưới ánh nắng, như thể có thể soi mình vào đó mà quên hết âu sầu.
Trên mặt biển Gành Dầu, tấp nập những thuyền ghe đánh cá của ngư dân hoặc chuẩn bị ra khơi hoặc đang ngơi nghỉ sau hành trình vượt biển. Cảnh sắc thiên nhiên khiến ta như cảm thấy mình đứng giữa một cuộc sống trù phú ấm no mà hát lên khúc ca lao động: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa / Sóng đã cài then đêm sập cửa / Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi / Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.
Thăm mũi Gành Dầu, du khách sẽ thấy những rạn đá trải rộng. Những hòn đá vô tri theo thời gian, bị nước biển bào mòn tạo nên rất nhiều hình dáng kì thú. Chỉ cần trí tưởng tượng phong phú một chút là có thể liên tưởng ra cả một thiên truyện dài kì về những “anh hùng đá” canh gác chốn biển khơi.
Từ mũi Gành Dầu, du khách có thể đi dọc theo bãi biển để thăm thú những ngôi nhà dân. Hoặc ghé thăm Đền thờ Nguyễn Trung Trực trên ghềnh. Đền thờ được xây theo kiểu chữ tam, gồm chính điện, đông lang và tây lang. Chính điện thờ bài vị của ông, cùng các vị thần linh và những người có công khác như: Chánh soái đại càn, Phó lãnh binh Lâm Quang Ky, Phó cơ Nguyễn Hiền Điều, nghĩa quân liệt sĩ… Người dân Phú Quốc thường đến đền thờ Nguyễn Trung Trực để cầu xin bình an, may mắn. Mỗi năm đến ngày giỗ của ông, người dân thường làm lễ giỗ tưởng nhớ ông và những nghĩa quân liệt sĩ kiên trung.
Suối Tranh
Suối Tranh là nơi ấn tượng nhất ở Phú Quốc và được coi là một trong những điểm đến tự nhiên thu hút nhất trên đảo. Mặc dù không phải thác nước lớn, nhưng nó vẫn mang một nét đẹp như tranh vẽ và phong cảnh hai bên con đường mòn dẫn đến thác nước cũng rất sinh động.
Suối Tranh được bắt nguồn từ các dòng suối trên dãy núi Hàm Ninh, sau khi chảy qua các khe núi, len lỏi qua những gốc cây, kẽ đá tạo nên một dòng suối tranh xanh thơ mộng trải dài 15km. Thỉnh thoảng, có những đoạn đá ghềnh, mấp mô khiến cho dòng suối chảy qua không còn mềm mại nữa mà tạo thành những con thác nhỏ mềm mại, trắng xóa trong màu xanh mượt mà của cỏ cây hoa lá. Suối Tranh thật sự là một bức tranh tuyệt đẹp của chốn núi rừng hoang sơ Phú Quốc.
Ðến với điểm du lịch sinh thái này, du khách có thể tắm suối, đắm mình cùng làn nước trong vắt, mát lạnh hay ngả mình trên những tảng đá bằng phẳng nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim kêu trong bầu không khí thoảng hương rừng bên suối.
Suối Đá Bàn
Nếu như Suối Tranh là một bức tranh hữu tình, êm đềm thì Suối Đá Bàn lại mang vẻ đẹp đối nghịch, mạnh mẽ và hùng vĩ. Suối Đà Bàn là dòng suối được bắt nguồn từ dãy núi Hàm Ninh – một dãy núi cao và dài nhất trong các dãy núi tại Phú Quốc. Không những vậy, những thượng nguồn trên núi Hàm Ninh chính là nơi cung cấp nước cho hồ nước Dương Đông rộng lớn.
Sỡ dĩ, tên gọi “Đá Bàn” là được gọi theo địa hình của suối khi trên những gấp khúc của suối có rất nhiều tảng đá bàn rộng lớn. Có được điều này là do sự bào mòn của dòng nước chảy uống quanh từ trên núi xuống. Gắn liền với tên gọi Đá Bàn này còn là những câu chuyện về các tiên nữ thường ngồi tắm mát mỗi lần hạ giới.
Không khác gì mấy với những trải nghiệm tại dòng suối Tranh xinh đẹp. Một ngày vui chơi tại suối Đá Bàn là lúc du khách hòa mình vào thiên nhiên kỳ thú. Đến với suối Đá Bàn, du khách sẽ tự tay làm cho mình một buổi tiệc họp mặt, giao lưu trải nghiệm bên những người bạn chí cốt. Tại đây, du khách sẽ được ngồi ngay bên trên những tảng đá lớn để nướng các món BBQ, ngắm cảnh thác, nhìn những dòng nước uốn lượng… Ngoài ra, du khách có thể tổ chức chuyến hành trình vượt thác lên thượng nguồn để khám phá những điều hùng vĩ. Bên cạnh những điều này, cái lý tưởng khi đến suối Đá Bàn là đi tìm những dấu tích cũ. Đó là những dấu tích của các chiến sĩ bộ đội chiến đấu tại mặt trận đảo Phú Quốc. Sẽ rất bất ngờ cho du khách khi trên đường khám phá dòng suối Đá Bàn hùng vĩ. Du khách sẽ bắt gặp những dòng chữ, những cái tên hay những dấu hiệu khắc trên thân cây hai bên đường. Đây là những dòng chữ được khắc từ các chiến sĩ bộ đội khi hành quân đánh trận trên núi Hàm Ninh. Bằng những dòng chữ, du khách sẽ hiểu cuộc sống ngày xưa của các chiến sĩ cực khổ nhưng đầy lắm hào hùng như thế nào.
Song song cùng với những gì mà du khách trải nghiệm tại suối Đá Bàn, một trong những thứ mà bất kỳ ai đến đây cũng thích và nhất định phải thực hiện, đó là chụp hình. Với điều này, khi lang thang tại những khuôn cảnh của suối, chỉ với một cái smartphone là du khách sẽ có cho mình những bức ảnh tuyệt đẹp.
Dinh Cậu
Dinh Cậu hay Miếu Dinh Cậu Phú Quốc nằm ngay vị trí trung tâm của “đảo Ngọc” thuộc thị trấn Dương Đông được du khách đánh giá là một trong những điểm đến gây tò mò với du khách nhất khi tới Phú Quốc. Không chỉ bởi vị trí đặc biệt, Dinh Cậu còn nổi danh khắp chốn nhờ vào sự linh thiêng.
Ngôi miếu này được xây dựng khá lâu từ năm 1937, đến năm 1997 được người dân và chính quyền địa phương tu sửa lại. Có nhiều nguồn tin cho rằng ngôi Dinh cạnh biển này có lịch sử lâu đời hơn nhiều, có nguồn gốc xây dựng ban đầu khoảng thế kỷ thứ 17.
Dinh cậu nằm trọn vẹn trên một mỏm đá, từ bờ cát ra Dinh có một chiếc cầu đá nhỏ bắc qua, bước qua 29 bậc đá du khách sẽ vào bên trong sân, xung quanh được bao bọc bởi tường xi măng. Cửa chính của Dinh Cậu quay hướng Đông nhìn về biển cả. Đại điện là nơi trang nghiêm và được trang trí bày biện đẹp nhất. Trong điện đặt tượng thờ Chúa và hai Cậu, người dân nơi đây tôn thờ Cậu Tài và Cậu Quý vì họ là những người bảo vệ cuộc sống của những người ngư dân làng chài.
Do được xây theo kiểu tân tạo nên các vật liệu kết cấu nên Dinh khá hiện đại và kiên cố. Nhìn từ xa Dinh Cậu như một pháo đài thu nhỏ, được bảo vệ bởi các ghềnh đá xung quanh. Trên mỏm đá có cây xanh mọc cao tỏa tán rộng che mát. Cây Sộp trên Dinh có tuổi thọ gần một thế kỉ đã bao năm vươn mình đón sóng gió biển khơi, dày dạn sương gió. Các cây xanh mọc trên đá như biểu hiện sức sống mãnh liệt của người dân miền biển và cũng là điểm nhấn trong mắt du khách khi tới Dinh cậu.
Nhìn tổng quan Dinh Cậu vẫn mang một nét nào đó của kiến trúc đình chùa ở miền Bắc, lớp mái ngói đỏ, cổng trụ có mái hiên cong hình thuyền. Trên nóc Dinh có đắp hình “lưỡng long chầu mặt nguyệt”. Bên trong Dinh trang trí vô cùng lộng lẫy, trước hiên lát gạch men sạch sẽ, phía trên đắp tấm hoành phi hình bức cuốn thư ghi chữ quốc ngữ. Hai bên tường trang trí hoa giành sinh động cùng với cặp câu đối: “Tọa đại thạch đầu quy danh hiển / Vạn cổ anh linh thông tứ hải” (Tạm dịch nghĩa: Dinh cậu nằm ở vị trí đầu mỏm đá giống như đầu con rùa hiển linh, tiếng tăm của của Dinh cậu vang danh khắp bốn phương bể trời).
Khung cảnh thiên nhiên thoáng mát, đón gió bốn mùa, từng con sóng vỗ về lên nét cổ kính rêu phong. Đến Dinh Cậu, ngoài tham quan điểm tâm linh nổi tiếng du khách có thể đi dạo dọc bờ biển trên bãi cát trắng trải dài. Con sóng nước khá mạnh, từng đợt xô vào bờ, nhất là mùa khô nơi đây chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên gió lớn và sóng càng mạnh. Đến mùa mưa bờ biển chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam đặc trưng và mưa nhiều. Nhưng đổi lại du khách đến Dinh Cậu vào mùa này sẽ có những ngày nắng đẹp tuyệt vời. Biển xanh trong nắng vàng từ Dinh Cậu nhìn ra khơi một màu miên mãi mãi không mỏi mắt.
Chùa Hộ Quốc
Chùa Hộ Quốc (Thiền viện Trúc Lâm – Trúc Lâm Hộ Quốc) là một trong những công trình nằm trong dự án khu du lịch tâm linh có diện tích hơn 110ha (diện tích chùa chiếm khoảng 12%) thuộc ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc thời Lý – Trần đặc sắc, chịu ảnh hưởng trường phái của các ngôi chùa ở miền Bắc như chùa Hương, chùa Trăm Gian. Và đặc biệt, tuy nằm trong hệ thống Thiền Viện Trúc Lâm nhưng kiến trúc của Thiền Viện Trúc Lâm Hộ Quốc có chút khác biệt so với các thiền viện khác bởi chùa được dựng hoàn toàn từ các cột gỗ lim nên chiều cao của các gian cũng bị giới hạn theo chiều cao của cột gỗ nhưng vẫn được chạm khắc tinh xảo.
Quần thể Chùa Hộ Quốc bao gồm: cổng Tam quan, chính điện, sân thiên tỉnh, bậc thang, tháp trống, tháp chuông và nhà thờ tổ. Hiện hữu trong những công trình này là các tượng của 18 vị la hán, Bát Nhã Thành Tri và Phổ Hiền Hạnh Nguyên.
Chùa Sư Muôn
Chùa Sư Muôn cũng là một trong số các chùa đẹp ở Phú Quốc mà du khách không nên bỏ qua. Đến với chùa, du khách không chỉ được tận hưởng một không khí tươi mát, trong lành bởi cỏ cây rợp bóng xung quanh mà còn cảm thấy vô cùng thanh tịnh và yên bình.
Chùa nằm thu mình tại triền núi Điện Tiên thuộc ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, cách thị trấn Dương Đông chỉ khoảng 5km, đường lại rất dễ đi nên chỉ cần vài phút chạy xe là đã có thể tới nơi. Ở giữa sân chùa được đặt một bức tượng Phật Quan Âm đang tọa trên đài sen xanh khá lớn. Hai bên tượng là hay khối đá tự nhiên có hình “rồng chầu, phục hổ”.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống nên mang vẻ uy nghiêm, cổ kính. Trong chùa được bày biện khá đơn giản nhưng mang vẻ linh thiêng. Khi đứng tại chùa các bạn có thể dễ dàng chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng và thảm cỏ xanh mướt vô cùng đẹp mắt, thoải mái.
Sùng Hưng Cổ Tự
Sùng Hưng Cổ Tự tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo (đối diện với trung tâm Viễn Thông, gần chợ đêm Dinh Cậu Phú Quốc. Đây là ngôi chùa lâu đời nhất tại Phú Quốc hiện nay.
Khuôn viên chùa khá rộng, gồm các công trình kiến trúc, nhà thờ tổ, tòa chính điện… Các công trình Phật sự trong chùa được làm với mái lợp ngói âm dương và tường gạch từ năm 1924. Sùng Hưng cổ tự được xây dựng theo phong cách dân gian “trước miếu, sau chùa”. Ngay chính diện là khoảng sân rộng và vườn tỳ ni với sự góp mặt của nhiều loại cây cảnh cùng những pho tượng đắp nổi theo phong cách kiến trúc quen thuộc của Phật giáo. Trong sân chùa có tượng Quan Âm Nam Hải, kế sau là cột cờ. Bên trái nền và miếu cũ có miếu thờ bà Chúa Xứ Nương Nương, bên phải thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Hai bên chánh điện có thờ Thập Điện Diêm Vương và Ngũ Điện Diêm Vương, còn các tượng khác trên bàn thờ chính. Sau chánh điện là khu Hậu tổ và Hậu liêu. Bên hông chùa có đường lên viếng đài Phật tổ A Di Đà. Phía sau là đài Thích Ca Niết Bàn được xây dựng vào năm 1960 cùng các ngôi miếu và những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát sum suê… Với quy mô và kiến trúc độc đáo, từ lâu chùa Sùng Hưng cùng với đình thần Dương Đông, Dinh bà Thủy Long Thánh mẫu và Dinh Cậu đã trở thành cụm văn hóa tâm linh liên hoàn nơi đảo ngọc.
Được xây dựng đầu thế kỷ 20, Chùa Sùng Hưng nằm dưới chân núi ngay trung tâm thị trấn, cổng quay về hướng bắc. Kiến trúc được đặt trong tổng quan hài hoà, lên cao dần theo sườn núi, có nhiều cây cổ thụ xanh tươi. Sau cổng tam quan rất đường bệ là tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát giữa sân chùa.
Vào sâu hơn là ngôi chánh điện được xây trên nền đá cao khoảng 2m. Trong chánh điện là bàn thờ Tam Thế Phật. A Di Đà ngồi giữa, tả hữu có Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Phía sau bàn thờ được trang trí cảnh rồng lượn trong rất sống động.
Nhà thùng nước mắm
Nhà thùng nước mắm chính là các xưởng sản xuất nước mắm truyền thống. Tại các cơ sản xuất nước mắm này họ sản xuất nước mắm ở trong các thùng gỗ lớn. Việc đảm bảo thời tiết không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nước mắm buộc họ phải đặt thùng này trong nhà nên cái tên gọi “nhà thùng nước mắm” ra đời.
Đến với nhà thùng nước mắm, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến quy mô của các cơ sở sản xuất nước mắm và quy trình tạo thành những giọt nước mắm hảo hạng. Các thùng gỗ khổng lồ xếp thẳng hàng cho ra những giọt nước mắm tinh khiết được qua những can nhựa nhỏ. Bên cạnh đó du khách sẽ được tham quan và mua trực tiếp nước mắm được đóng chai tại khu trưng bày. Hiện nay, chỉ có một vài nhà thùng được cấp phép cho mở dịch vụ tham quan như: Nhà thùng nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn; Nhà thùng nước mắm Phụng Hưng; Nhà thùng nước mắm Thịnh Phát.
Đến “đảo ngọc” Phú Quốc mà không ghé tham quan các nhà thùng nước mắm thơm nồng mùi cá cơm đặc trưng thì quả là thiếu sót. Hãy thử một lần đến thăm nơi đây, du khách sẽ biết được để có một chén nước mắm thơm ngon, chấm cùng thức ăn tăng thêm vị đậm đà thì phải trải qua một quá trình gian lao như thế nào của những ngư dân đánh cá và cả một công trình ủ chượp tinh tế.
Vườn tiêu Phú Quốc
Phú Quốc được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp cũng như nhiều sản vật nổi tiếng, trong số đó không thể không kể đến danh tiếng của những vườn tiêu Phú Quốc. Các vườn tiêu không chỉ cho ra các sản phẩm gia vị thơm nồng, cay đậm đà mà còn cả những cảnh đẹp thú vị để khám phá, chiêm ngưỡng.
Hàng năm, các vườn tiêu Phú Quốc cung cấp cho cả nước một sản lượng lớn hồ tiêu, trung bình khoảng 800 tấn/năm. Hiện nay ở Phú Quốc có khoảng hơn 700 hộ trồng tiêu trên diện tích khoảng 300 ha, cứ vào dịp từ tháng 11 âm lịch đến tháng 2 âm lịch là mùa thu hoạch rộ của các vườn tiêu. Giá trị của tiêu Phú Quốc ngày càng được nâng cao nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm, bảo quản được lâu hơn, đem đến lợi ích cao cho người trồng. Tuy nhiên, cây tiêu không chỉ đem lại lợi ích về mặt nông sản, mà còn có giá trị du lịch cao. Nhiều hộ gia đình có vườn tiêu ở Phú Quốc đã nghĩ ra hình thức du lịch tham quan vườn tiêu, kết hợp với nhiều dịch vụ mua sản phẩm từ hồ tiêu tại nhà. Cảm giác được mua các sản phẩm từ chính gốc khiến khách du lịch vô cùng thích thú và yên tâm. Các vườn tiêu sinh thái vô tình đem lại giá trị cao cho chủ vườn, cuộc sống của người dân thêm an tâm bớt lo mất mùa lại có thêm nguồn thu ổn định.
Bước vào vườn tiêu Phú Quốc, du khách sẽ có cảm giác như lạc trong mê cung, các nọc tiêu xếp hàng đều tăm tắp, cao hơn hai đầu người. Không gian một màu xanh mướt, đến đây du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động, tận mắt nhìn cách người dân trồng tiêu, chăm sóc cây tiêu.
Vườn tiêu Phú Quốc thực sự là điểm tham quan đầy thú vị, đem đến cho du khách nhiều cơ hội trải nghiệm. Sau một thời gian sống ở nơi đô thị nhiều khói bụi vô tình lạc vào vườn tiêu xanh mát, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào một thế giới khác. Không khí trong lành, cảnh vật bình dị, con người chân chất. Đặc biệt tại các vườn tiêu, du khách có thể chụp cho mình những bức ảnh đẹp làm kỷ niệm, vào vai một người nông dân trồng tiêu và dùng máy ảnh ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ đó.
Cơ sở sản xuất rượu sim
Rượu sim Phú Quốc là một trong những đặc sản nổi tiếng ở vùng đảo này bởi vị ngon ngọt hòa lẫn với chút hương vị chan chát, khiến người thưởng thức nhớ mãi không quên. Trên “đảo Ngọc” có rất nhiều vườn sim, cung cấp nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm liên quan. Ở đây, mỗi vườn sim sẽ có một cơ sở sản xuất rượu sim gắn liền với nó.
Và khi nói đến cơ sở rượu sim Phú Quốc, trước tiên phải nói đến cơ sở rượu sim Bảy Gáo. Bởi đây chính là cơ sở đi đầu trong ngành sản xuất rượu sim truyền thống Phú Quốc, cái tên Bảy Gáo chính là cách gọi thân mật dành cho ông tổ ngành rượu sim Mạc Văn Nghiêm. Cái gốc cái rễ của rượu sim Bảy Gáo lừng danh cũng vô cùng tự nhiên, như một cái duyên làm nghề vậy các bạn ạ. Vào năm 1995, ông Bảy khi đó còn là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đảo Phú Quốc, khi thấy những gánh sim chín đỏ mọng được người dân hái tận rừng đem về nhưng bán không có người mua, vì thấy tiếc cho công sức của người hái nên bèn mua về ngâm rượu để uống cho vui. Không ngờ, trong đám cưới của con trai ông Bảy năm 1997, hơn một trăm lít rượu sim được ông ngâm đã nhận được lời khen không ngớt từ đồng nghiệp và anh em làng xóm. Thậm chí, đám cưới đã kết thúc được cả tuần mà vẫn có bà con trong vùng đến hỏi mua rượu sim ở đâu. Thế là từ đó, ông Bảy bắt đầu công việc kinh doanh rượu sim của mình.
Và cũng nhờ chính chén rượu thơm lừng mà ông Bảy ủ ra lần đầu tiên từ năm 1995 đã đưa rượu sim Phú Quốc bay ra ngoài biên giới hải đảo, vươn tới tận phương Tây, trở thành một đặc sản quý giá của đảo Ngọc mà khách du lịch tới Phú Quốc đều phải say lòng tìm kiếm.
Ngoài thương hiệu rượu sim Bảy Gáo, rượu sim Sim Sơn cũng là thương hiệu có uy tín cao ở Phú Quốc về nghề làm rượu sim truyền thống. Năm 2000, từ phương pháp ủ rượu dân gian cũ, cơ sở Sim Sơn đã kết hợp với quy trình công nghệ mới, tiến hành nghiên cứu cùng các trường đại học trong nước và đến năm 2004 đã cho ra thị trường nhãn hiệu Sim Sơn với hơn chục loại khác nhau, dù ra đời sau nhưng thương hiệu Sim Sơn lại vô cùng nổi tiếng nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến từ việc trồng trọt, thu lượm đến lên men, rượu Sim Sơn cũng dần khẳng định được thương hiệu của mình với nhiều mẫu mã đa dạng đáp ứng các thị hiếu của người tiêu dùng.
Một cái tên có tiếng khác trong nghề sản xuất rượu sim Phú Quốc phải nhắc đến đó là cơ sở rượu Thành Long, hay còn gọi là rượu Đảo Sim. Cơ sở Thành Long là cơ sở được Viện Sinh học nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh thuộc Viện khoa học Việt Nam chuyển giao cho quy trình bí quyết sản xuất rượu sim. Khi các đến cơ sở này, chắc chắn du khách sẽ rất ngạc nhiên bởi nơi đây có một vườn sim riêng và một lò ủ rượu cực kỳ hiện đại.
Hiện tại đây là ba cơ sở rượu sim hàng đầu đã đăng ký nhãn hiệu chất lượng tại Sở Y tế tỉnh Kiên Giang và mỗi cơ sở đều có những thành phẩm khá phong phú và đa dạng, từ rượu mật sim, rượu vang sim hay cả loại kẹo sim thơm ngon cũng được sản xuất ở đây. Những sản phẩm này đều có nét đặc trưng riêng, nhưng đều mang đậm hương vị khó quên của sim rừng Phú Quốc.
Điểm nuôi cấy ngọc trai
Kể đến đặc sản của Phú Quốc không thể không nói tới đó là ngọc trai. Trên hòn đảo xinh đẹp này có rất nhiều điểm nuôi cấy ngọc trai, nổi bật là 2 cơ sở: Ngọc trai Quốc An (Nằm ở phía Nam Đảo của Phú Quốc, ngọc trai Quốc An tọa lạc ở ấp Đường Bào, xã Dương Tơ) và Ngọc Hiền (nằm tại đường Trần Hưng Đạo ấp Cửa Lấp, Dương Tơ, Phú Quốc).
Đến thăm các cơ sở nuôi cấy ngọc trai, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những viên ngọc trai đẹp mắt hay các món đồ tinh xảo được làm từ ngọc trai mà còn có thể tận mắt nhìn thấy quy trình nuôi cấy ngọc trai tại đây. Ngọc trai là đặc sản Phú Quốc, nếu ví tiền của du khách rủng rỉnh bạn có thể mua trang sức ngọc trai về làm quà cho người thân với như: Chuỗi ngọc trai, hoa tai đính hạt ngọc trai, nhẫn ngọc trai,…
Làng Chài Hàm Ninh
Làng chài Hàm Ninh nằm nép mình dưới chân núi Hàm Ninh. Đây là ngôi làng cổ, hoang sơ với những mái nhà tranh, vách tre giản dị. Người dân trong làng sống bằng nghề bắt ngọc trai, hải sâm và giăng lưới.
Làng chài ngày nay vẫn giữ được vẻ giản dị,nguyên sơ của vùng quê chưa bị ảnh hưởng nhiều từ những hoạt động du lịch. Đến với nơi đây, du khách sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của làng quê, nơi những nếp sân ươm nắng là những chiếc lưới, chiếc giỏ. Bên bậc thềm là cụ già ngồi trầm ngâm ngắm nhìn đàn trẻ nhỏ đùa vui. Còn trong bếp thơm nồng là những món ăn của biển gợi nhắc một khoảng trời ký ức trong lòng những người con xa xứ của làng chài Hàm Ninh.
Tại đây, du khách sẽ được tham gia và ngắm nhìn san hô dưới mặt nước trong suốt, bắt ngọc trai, hải sâm hay giăng lưới bắt cá. Được hoà mình vào cuộc sống chân chất mà bình dị đến nao lòng của những người dân ven làng chài, một nét đẹp Phú Quốc.
Du khách còn có thể ghé thăm cầu cảng Bãi Vòng hay thoả sức tắm biển tại bãi biển Hàm Ninh. Nơi đây còn ghi dấu ngọn núi Hàm ninh đá rêu phong cùng thời gian nhưng vẫn sừng sững, vẫn hoang hoải ảo ảnh về ông Đạo Đụn làm nghề trồng chuối, sống trong hang đá, hàng ngày thường mang chuối xuống núi cho khách bộ hành ăn.
Đến làng chài Hàm Ninh, không chỉ để trải nghiệm một cuộc sống mới, tách biệt hoàn toàn với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ngoài kia, hay chỉ đơn thuần là để thỏa sức đùa vui bên biển Phú Quốc, mà du khách còn được tận hưởng những món ăn đặc sản, những thức quà hải sản tươi ngon, khó có thể tìm thấy giữa phố thị ồn ào tại làng chài cổ Hàm Ninh.
Làng Chài Rạch Vẹm
Rạch Vẹm gồm khoảng 180 hộ dân sinh sống ven biển với những ngôi nhà sàn san sát và nối tiếp nhau, nghề chính của họ là đánh bắt nhưng khi hoạt động du lịch ở Phú Quốc bắt đầu phát triển thì họ xây dựng những nhà bè và kinh doanh du lịch kết hợp theo hướng tự cấp – tự túc, tức là dùng những hải sản tươi sống đánh bắt được để phục vụ trực tiếp cho khách du lịch.
Ví như một món quà mà tạo hóa ưu ái ban tặng cho “Đảo Ngọc”, cảnh sắc ở làng chài Rạch Vẹm tựa như một bức tranh vẽ, có màu xanh của biển, của trời; màu nâu trầm của những chiếc cầu gỗ nhỏ xinh, màu đơn sơ của những mái nhà lá, màu hi vọng của những chiếc tàu đánh cá không ngại nắng mưa, ngày đêm tấp nập ra khơi và cả những vệt đen không ngừng di chuyển dưới làn nước trong veo – chính là những đàn cá tung tăng bơi lội. Rạch Vẹm không chỉ đẹp về cảnh sắc, mà con người nơi đây cũng vô cùng “đẹp” về tấm lòng hiếu khách, về sự lạc quan, vui vẻ và luôn hướng đến một tương lai tươi sáng.
Làng Chài Rạch Vẹm có rất nhiều thứ “hay ho” để du khách khám phá và trải nghiệm như: dạo thăm các nhà bè, tắm biển, thưởng thức vẻ đẹp của Rạch Vẹm, ngắm nhìn sao biển, thưởng thức hải sản tươi ngon…
Chợ đêm Phú Quốc
Nằm ngay ngã ba đường Bạch Đằng và đường Nguyễn Đình Chiểu tại thị trấn Dương Đông. Chợ đêm Phú Quốc là nơi tìm về của khách du lịch sau một ngày vui chơi, khám phá đảo ngọc. Đặc biệt, đây là ngôi chợ du lịch nổi tiếng về sự mến khách, thức ăn ngon và giá cả rất hợp lý.
Với những ai đã từng đến chợ đêm Phú Quốc và khi có dịp nhắc lại hẳn người ta sẽ không quên được cảm giác được sống trong một thiên đường của ẩm thực. Chỉ cần nói ăn ngon, uống đã, giá cả hợp lý… thì dù là đang no căng bụng nhưng vẫn thèm. Đây chính là điều thú vị của một chợ đêm tại vùng hải đảo xinh đẹp.
Đến với chợ đêm Phú Quốc, một điều chắc rằng không khí nơi đây sẽ tuyệt hơn những chợ đêm tại Nha Trang, Vũng Tàu hay Đà Lạt. Đặc biệt là không gian, vệ sinh và trật tự ở đây rất tốt. Không những vậy, giá cả của món ăn cũng như thái độ phục vụ rất bình dân mà không hề có tính thương mại du lịch nào. Nói chung lại, văn hóa con người miền Tây sao thì văn hóa tại chợ đêm Phú Quốc sẽ như vậy.
Bằng những điều cần có như thế này của một chợ đêm tại một hòn đảo du lịch nổi tiếng, việc đến tham quan và khám phá chợ đêm Phú Quốc sẽ rất thú vị. Và càng thú vị hơn khi đêm về tại chợ là nơi giao lưu bao nét văn hóa của các vị khách đến từ rất nhiều nơi.
Chợ Dương Đông
Chợ Dương Đông là một chợ trung tâm lớn nhất tại huyện đảo Phú Quốc, là một trong những nơi tập trung rất nhiều sản vật phong phú của Phú Quốc, là một địa điểm du lịch không thể thiếu trong các tour du lịch, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm.
Đây là ngôi chợ được hình thành từ rất lâu trước đây nhưng đến sau này chợ mới xây dựng nhà lồng phân chia các gian hàng để cho tiểu thương buôn bán. Nhà lồng bán đủ các đồ sinh hoạt hàng ngày, đồ lưu niệm và rất nhiều loại hải sản khô.
Bên ngoài nhà lồng là khu bán hải sản tươi sống với rất nhiều loại hải sản như: tôm, ghẹ, mực, ốc, hến, cá… Ngoài ra, ở đây còn có rất nhiều quầy bán những món ăn đặc sản Phú Quốc như: trứng sam, bún nhăm, bánh canh bột lọc… Chợ được mở cửa từ sáng sớm khoảng 4 giờ sáng đến chiều tối với đông đảo người buôn bán.
Khu bảo tồn chó xoáy Phú Quốc
Giống chó xoáy Phú Quốc là một trong 4 loài chó được xếp hạng quốc khuyển ở nước ta cùng với chó Dingo, chó Bắc Hà, chó H’Mông đuôi cộc. Khu bảo tồn chó xoáy Phú Quốc được thành lập từ năm 2000, là nơi nuôi dưỡng và bảo tồn khoảng 200 con. Nơi đây có khuôn viên rộng lớn và được thiết kế phù hợp với dòng đời của chó xoáy gồm: Khu sinh sản, khu hoang dã, khu huấn luyện, khu biểu diễn leo vượt rào, nhà nấu ăn, khu điều dưỡng, khu điều trị bệnh cho chó và trường đua.
Tham quan trại chó xoáy Phú Quốc, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những cuộc đua đầy ngoạn mục, từng chú khuyển có khả năng vượt độ cao vô cùng ấn tượng từ 0,9-1,2m. Cùng xem những vận động viên “khuyển” bới đất, tìm đường, trèo lên từng nhịp cầu tre, vượt ghềnh đá, luồn lách qua những gốc cây và chui xuống dưới hầm. Đối với những đoạn đường không có chướng ngại vật, những chú khuyển sẽ tăng tốc độ để di chuyển tới chặng đường cuối để về đích. Trong suốt cuộc đua sẽ có sự reo hò, cổ vũ sôi động của du khách đối với những chú chó mình yêu thích.
Địa hình của trường đua được thiết kế đậm chất hoang dã, đầy thử thích cho những chú chó trải nghiệm vượt rào, lội suối, băng rừng… với đội ngũ huấn luyện chuyên nghiệp. Chế độ chăm sóc chó xoáy rất đặc biệt và cần tuân thủ theo những quy định riêng đối với từng chú chó và người huấn luyện cũng phải hiểu rõ được sở trường của từng con.
Ở Phú Quốc hiện có 3 khu bảo tồn chó xoáy phục vụ khách tham quan đó là, trại chó Thanh Nga cũ và mới, khu bảo tồn Cội Nguồn. Lâu đời nhất là trang trại Thanh Nga có địa chỉ ở ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương. Khu bảo tồn này với hơn 200 con chó xoáy được nuôi dưỡng, được trang bị đầy đủ điều kiện phát triển như khu sinh sản, đường đua, khu chăm sóc y tế tạo điều kiện tốt nhất để phát triển loài chó này. Tiếp theo là khu bảo tồn Thanh Nga mới được thành lập vào năm 2016 là nơi bảo tồn và huấn luyện chó xoáy biểu diễn. Trại chó này có tổng diện tích 4,8ha có địa chỉ ở khu 77 ấp suối Mây, xã Dương Tơ rất gần với suối Tranh. Nơi đây là nơi bảo tồn giống chó xoáy kết hợp với chăm sóc, bảo vệ hệ thống rừng. Cuối cùng là khu bảo tồn Cội Nguồn cách trung tâm thị trấn Dương Đông khoảng 6km. Khu bảo tồn Cội Nguồn là nơi huấn luyện và chăm sóc những chú chó xoáy thông minh và lanh lợi nhất ở Phú Quốc. Khi tham quan trại chó xoáy này du khách có thể kết hợp tham quan Bảo tàng Cội Nguồn là nơi trưng bày những bộ sưu tập về rừng, biển, đồ gỗ, lũa và hình ảnh về đất nước, con người Phú Quốc. Ngoài ra, ghé thăm Bảo tàng Cội Nguồn, du khách còn được tìm hiểu về bộ sưu tập những vật dụng sinh hoạt hàng ngày của người dân trên đảo như: Các vật dụng sản xuất nước mắm, dụng cụ trồng hạt tiêu.
Nhà hát múa rối nước Đảo Ngọc
Nhà hát múa rối nước Đảo Ngọc được xây dựng trên bãi biển Bà Kèo đã góp phần làm phong phú thêm danh sách các điểm tham quan hành trình với nét hấp dẫn khác biệt. Được xây dựng trên mảnh đất rộng khoảng 1.000m2, Nhà hát có khuôn viên khoảng 500m2 có sức chứa khoảng 150 khách, mỗi ngày có 2 suất diễn vào buổi chiều tối. Nhà hát do Phó Giáo sư ngành thủy lợi Hà Lương Thuần đầu tư và do các nghệ nhân Thái Bình đảm trách biểu diễn.
Với những ai đã sinh ra ở miền Bắc thì nghệ thuật múa rối nước không còn quá xa lạ gì. Tuy nhiên, với những ai chỉ từng xem múa rối nước qua màn hình tivi hoặc chỉ đọc qua sách vở thì là một điều vô cùng khách khi được xem thực tế. Nói đúng hơn, khi tận mắt thưởng thức thì việc cảm nhận về một loại hình nghệ thuật của dân tộc sẽ rất độc đáo. Từ những điều này, khi có dịp đến nhà hát múa rối nước Đảo Ngọc, du khách sẽ được xem các nghệ nhân chính gốc của Thái Bình biểu diễn một cách cuốn hút. Từ âm nhạc, anh thanh lồng tiêng cho đến kỹ thuật điều khiển các con rối nước. Tất cả không khác gì một không gian của cuộc sống thật mà du khách từng nghe, từng thấy.
Trên đây là tổng hợp những địa điểm du lịch ở Phú Quốc nổi tiếng nhất. Hi vọng qua bài viết du khách đã lựa chọn ra được những điểm đến phù hợp nhất cho chuyến đi của mình. Còn chần chờ gì nữa, nhanh nhanh đặt ngay vé máy bay đi Phú Quốc hoặc các combo du lịch Phú Quốc tiết kiệm tại Airbooking để có hành trình khám phá “đảo Ngọc” tuyệt vời nhất thôi nào!
0 Comment