Thuộc vùng Đông Nam Bộ, Bình Dương không chỉ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn là một địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn. Ngoài ra, nơi đây còn là vùng đất phong phú về đặc sản ẩm thực, luôn có một sức cuốn hút đặc biệt với khách du lịch bốn phương.

Bánh bèo bì

Nếu có dịp du lịch Bình Dương, du khách sẽ được nghe nói đến một món ăn đã có hơn 100 năm, đó là bánh bèo bì. Bánh bèo bì có nguồn gốc ở chợ Búng, xã An Thạnh, Thuận An, Bình Dương.

Nói về món bánh bèo bì, chắc chắn 3 thành phần quan trọng nhất phải là bánh bèo, bì và nước mắm. Thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng cách chế biến hết sức cầu kỳ.

Đầu tiên là công đoạn đổ bánh bèo. Ngày trước, người Bình Dương thường đổ trong chén (như thường thấy trong bánh bèo Huế). Quá trình này là cả một nghệ thuật, khi tay đổ dứt giọt bột cuối cùng thì phải vừa ngám miệng chén. Có vậy thành phẩm sau khi hấp xong miếng bánh bèo mới đẹp. Bột gạo để làm bánh cũng cầu kỳ không kém: gạo được ngâm qua đêm, rồi đổ cho ráo nước cho đến khi nào không còn mùi chua (cám gạo lên men khi gặp nước), xay nhuyễn rồi hòa với nước thành bột nước. Ngày nay, áp dụng nhiều công nghệ mới nên việc đổ bánh cũng đơn giản đi bội phần.

Bên cạnh miếng bánh bèo ngon thì bì và nước mắm cũng quan trọng không kém. Bì là hỗn hợp thịt heo xắt mỏng, bì heo ram xắt mỏng từng sợi trộn thính gạo, thêm gia vị là tỏi và bột canh. Theo chia sẻ của nhiều người thì với thịt heo phải lựa loại thịt đùi ngon bọc da chung quanh, ram đến gần vàng. Còn nước dừa thì cho vào nồi để lửa riu riu cho ngấm vào thịt thì mới thơm. Tỏi để trộn chung phải nồng và thơm, thính cũng vậy (vì không thơm là thính cũ, trộn vào sẽ làm giảm hương vị của bì). Nước mắm ăn kèm là hỗn hợp nước mắm ngon nhiều đạm pha loãng cùng nước thắng kiệu.

Khi khách gọi món, chủ quán sẽ xếp từng miếng bánh bèo với bột đậu xanh ở trên, quết thêm chút mỡ hành rồi phủ bì lên, thêm màu xanh của rau sống và dưa leo xắt sợi. Trước khi ăn, thưc khách sẽ rưới lên nước chấm chua ngọt, có lẫn sợi củ cải và cà rốt bào nhuyễn, thêm muỗng ớt bằm cay xè, nhìn đã hấp dẫn.

Bánh khọt

Bánh khọt được làm từ bột gạo hoặc bột sắn. Bên trong bánh có nhân tôm, bánh được chiên lên ăn kèm cùng rau sống và ớt. Hòa quyện cùng nước mắm chua chua ngọt ngọt. Bánh ăn nóng hổi, thơm phức, giòn tan… tròn vành, vàng đều, với những con tôm tươi và to nằm ở giữa trông rất bắt mắt.

Bánh khọt ra đời từ khá lâu, hương vị bánh khọt ở đây có nhiều biến tấu so với bánh khọt gốc. Tôm ở đây được nhiều người nhận xét là rất tươi, không bóc vỏ để giữ được vị giòn, bên trên được rắc thêm chà bông thay vì tôm khô như ở nhiều nơi khác.

Một ưu điểm khác của bánh khọt là khi có khách mới bắt đầu đổ bánh, bánh đổ trực tiếp và liên tục trên khuôn nên bánh lúc nào cũng nóng hổi, thơm phức, giòn tan… cắn một miếng đã cảm thấy vô cùng ưng ý. Bánh được đổ rất đều tay, tròn vành vạnh, vàng đều, con tôm tươi, to nằm ở giữa trông mới hấp dẫn làm sao. Mỗi phần bánh khọt khách được dọn ăn kèm với đu đủ sợi, rau sống tươi ngon, sạch sẽ và nước chấm chua ngọt rất vừa miệng. Ngoài ra, thực khách có thể gọi thêm món chả quế ăn kèm cũng rất “hợp gu”.

Gỏi măng cụt

Bình Dương nổi tiếng có thị trấn Lái Thiêu với lễ hội trái cây, và món ăn từ trái cây cũng không kém phần hấp dẫn, đó chính là món “gỏi măng cụt” nức tiếng nơi đây.

Khác với các loại gỏi thông thường, gỏi măng cụt có vị riêng và cách chế biến cũng riêng. Người ta sẽ lựa những trái măng cụt vỏ còn xanh nhưng ruột bên trong vừa chín để món ăn giữ được độ giòn, độ ngọt và có vị chua vừa phải.

Chế biến món gỏi măng cụt khó nhất là khâu cắt măng cụt lấy “cơm” măng vì khi trái còn xanh nhựa rất nhiều, dao cắt một nhát đã dính cứng ngắc không sao đưa dao được và “cơm” đổ màu nâu sậm, rất xấu. Thử nhiều lần, rồi mới tìm ra cách cắt măng dễ mà “cơm” măng vẫn trắng. Măng cụt kê nước cắt vỏ, sau đó bỏ “cơm” măng ra thau nước đá để “cơm” măng được trắng và giữ nguyên độ giòn. Sau đó có thể cắt “cơm” thành khoanh tròn mang hình dạng một bông hoa, hay chỉ đơn giản là tách múi và loại bỏ hột. Gỏi được trộn với tép bạc luộc lên lột vỏ, thịt ba rọi luộc thái mỏng hay gà vườn luộc xé phay, trộn với “cơm” măng đã tách hột, thêm củ hành tây xắt mỏng, cà rốt bào sợi, đậu phộng rang vàng, thêm chút rau răm, củ hành tím phi vàng, vài lát ớt đỏ và các loại gia vị như chút đường, chút muối, chút bột ngọt… Gỏi măng cụt được ăn kèm với nước mắm tỏi ớt, bánh tráng nướng hoặc bánh phồng tôm.

Gắp một miếng măng cụt chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn hòa với vị béo của tôm thịt, mùi thơm lừng của đậu phụng và rau thơm, vị cay thanh của rau răm, vị cay nồng của nước mắm tỏi ớt sẽ thấm vào đầu lưỡi và âm thanh giòn tan của đậu phộng, bánh tráng… Dường như mỗi thành phần cứ thế mà bung tỏa rồi lại hòa quyện vào nhau một cách tinh tế.

Gỏi ngó lục bình trộn tôm thịt

Lục bình là loài thủy sinh hoang dại mọc khắp nơi trên các ao hồ, sông rạch… Nếu thân cây lục bình phơi khô được dùng làm mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu như thảm, giỏ, hoa khô… thì ngó lục bình lại được dùng để chế biến thành các món ăn trong gia đình.

Theo người dân nơi đây, lục bình là loại rau sạch, thuộc nhóm thức ăn xanh chứa hầu hết các acid amin không thay thế, giàu vitamin, và các loại khoáng vi lượng khác. Cọng non lục bình có thể ăn sống chấm nước mắm kho, cá kho, nhúng lẩu; ngó lục bình có thể làm dưa chua, làm gỏi, xào thịt hoặc tép. Trong đó hấp dẫn nhất phải kể đến món gỏi ngó lục bình trộn tôm thịt.

Chế biến món này rất dễ dàng và nhanh gọn. Trước hết, gọt bỏ vỏ ngoài ngó lục bình và bào ngó lục bình thành từng miếng mỏng. Cho ngó lục bình đã bào ngâm vào nước có pha một ít phèn và nước cốt chanh khoảng 5 phút để ngó lục bình không sẫm màu và có độ giòn, vớt ra xả sạch, để ráo. Kế đến, tôm sú luộc chín lột vỏ, thịt ba rọi luộc chín xắt miếng mỏng, để sẵn mỗi thứ ra dĩa. Cuối cùng, cho các nguyên liệu đã sơ chế vào dĩa trộn đều cùng các gia vị như rau răm, chanh, đường, ớt, nước mắm. Nêm nếm lần cuối, và làm thêm một chén nước mắm chua ngọt là xong.

Gắp miếng thịt luộc, con tôm luộc cùng với miếng ngó lục bình chấm vào chén nước mắm đưa lên miệng nhai chầm chậm, du khách sẽ cảm nhận vị ngọt béo cùng mùi thơm thoảng đặc trưng của ngó lục bình chắc hẳn khiến bạn sẽ luyến nhớ mãi món ngon dân dã này của vùng đất Bình Dương.

Lẩu bò nhúng mắm ruốc

Lẩu bò nhúng mắm ruốc là món ăn dân dã, đặc sản của Bình Dương. Món ăn độc đáo này có hương vị đặc trưng của mắm ruốc kèm theo sả và thịt ba rọi hay tóp mỡ.

Điểm nhấn của món ăn này chính là mắm ruốc và nước lèo được nêm nếm cho vừa khẩu vị. Để làm nước dùng của món lẩu bò nhúng mắm ruốc cần có các nguyên liệu gồm tóp mỡ, sả, ớt, bột ngọt, đường, mắm ruốc, thịt ba chỉ, hành tây. Đun nước xương cho sôi, cho khoảng một thìa canh mắm ruốc vào nồi nước xương cùng các gia vị như đường, bột ngọt. Ớt bột và sả băm cũng không thể thiếu vì vừa có thể khử được mùi tanh mà còn thơm nữa. Tiếp tục cho phần thịt ba rọi đã được luộc sơ và hành tây vào là xong. Còn phần tóp mỡ khi nào gần ăn thì hãy cho vào vì nếu cho vào sớm tóp mỡ dễ bị tan ra.

Lẩu ăn đi kèm với đĩa thịt bò, rau và bún. Từng miếng thịt bò mềm tan trong miệng, khi ăn cuốn bò kèm thơm, bún, bánh tráng, rau và chấm xíu mắm nêm rất vừa khẩu vị. Đảm bảo chỉ cần thưởng thức một lần sẽ khiến du khách nhớ mãi. Với công thức chế biến đơn giản, phần nước dùng lẩu thơm ngon, đây sẽ là món ăn hoàn hảo cho những ngày thời tiết se se lạnh.

Bún tôm

Bún tôm là một món ăn vô cùng dân dã của ẩm thực Bình Dương. Và ở đâu đâu trên mảnh đất Bình Dương cũng có món bún tôm ngon tuyệt này với hương vị đặc trưng khiến người ăn một lần nhớ mãi.

Khác với các món bún khác trên khắp mọi miền đất nước, món bún tôm ở Bình Dương có một sự đặc biệt đó là khi có khách vào, chủ quán mới bắt đầu ép bột gạo đã làm sẵn để tạo ra những sợi bún và hấp chúng trong nồi nước sôi. Do vậy, sợi bún ở đây trông nhỏ, mềm và trong vắt. Mặt khác, tôm dùng làm bún tôm là những con tươi, thịt chắc và ngọt.

Do những nét độc đáo có một không hai đó nên tô bún tôm ở Bình Dương có vị ngon rất đặc biệt. Người ta giã nhuyễn tôm sống đã lột vỏ, sau đó nhúng sơ vào nồi nước đang ở độ sôi, cho bún vào tô, chế nước dùng để xáo bún vào ngay sau đó, rắc một ít tiêu bột, một ít bột ngọt, một ít hành hương. Thế là đã có ngay một tô bún tôm nóng hổi, tỏa hương thơm rất hấp dẫn.

Thường bún tôm được ăn kèm với bánh tráng gạo nướng. Nhiều người mới ăn lần đầu chưa thấy ngon và thích nhưng ăn nhiều lần thì nghiện lúc nào không hay. Nghiện vì chất ngọt của nước xáo bún, của mùi hành hương thơm ngát. Đặc sản bún tôm là món điểm tâm buổi sáng rất độc đáo.

Bún riêu lưỡi

Đối với mỗi người dân Bình Dương, bún riêu lưỡi là một món ăn vô cùng quen thuộc và phổ biến. Thành phần chính của món này là những cái lưỡi heo cuộn tròn được chế biến theo kiểu thịt xá xíu. Lưỡi heo chỉ được cắt trước khi sắp vào tô thành từng miếng dày. Khách có thể kêu tô bún riêu riêng và một đĩa lưỡi riêng, hoặc cũng có thể cho hết mọi thứ vào một tô tùy thích.

Như bún riêu thường thấy, trong tô còn có vài miếng đậu hũ chiên, những cục riêu nhỏ hơi săn bởi chỉ toàn thịt nạc. Màu đỏ dịu của cà chua và thịt xá xíu trông vô cùng hấp dẫn!

Miếng lưỡi thì phải chấm mắm tôm chanh mới đúng bộ. Miếng lưỡi mềm, dẻo lẫn chút dai dai. Nhai để tận hưởng vị ngọt của lưỡi heo cộng thêm vị mặn, cay, chua đặc trưng của mắm tôm! Tô bún tuy vẫn mang hương vị riêu bình thường, nhưng tinh tế sẽ nhận ra vị ngọt từ hỗn hợp thịt, xương, lưỡi, đậu hũ và cả bí quyết nêm nếm của đầu bếp.

Cháo môn

Cháo môn là món ăn bình dị, phổ biến ở vùng nông thôn nhưng nay trở thành món ăn lạ lẫm bởi nhiều lẽ: không nhiều người nấu ngon và không dễ tìm được món ăn bình dị này. Dù môn có ở nhiều nơi nhưng khi nhắc đến cháo môn, người ta lại nhắc đến vùng đất Thủ, xứ Bình Dương.

Cháo được nấu từ gạo rang hoặc gạo vo sạch. Củ môn được gọt sạch sẽ, cắt thành từng miếng nhỏ nấu chung với gạo cho mềm. Khi cháo nhừ, củ môn đã vừa chín, người nấu hạ nhỏ lửa nhưng vẫn giữ cho nồi cháo sôi trên bếp. Bẹ môn được lột vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng đoạn ngắn.

Khi nồi cháo đang sôi thì cho bẹ môn vào và giữ cho lửa đều đều, không tắt. Đến khi bẹ môn mềm nhũn ra là ăn được. Nếu chỉ nhúng bẹ môn vào cháo cho mềm thì không “khử” được ngứa của môn. Khi đó, bẹ môn chạm vào môi, ngứa không cách gì trị được. Nếu đã lỡ nuốt vào thì cuống họng ngứa mãi không thôi. Vì thế, khi nấu, người ta rất cẩn thận và quan sát suốt thời gian nấu đến khi chắc chắn cọng môn đã chín mềm.

Cháo môn được ăn chung với nhiều món kèm. Đơn giản nhất là ăn với thịt kho, cá kho như ăn cháo trắng, cháo đậu vậy. Cầu kỳ hơn thì nấu cháo môn với cá. Nhưng ngon nhất là nấu cháo môn với lươn.

Để lươn ngọt thì không nên mổ bụng khi làm thịt, giữ nguyên máu trong cơ thể lươn khi nấu. Lươn chín, thực khách chỉ cần lấy dao mổ bụng, lấy phần ruột bỏ và ăn thịt lưng. Cháo môn nấu với lươn là món ăn bổ dưỡng, tốt cho cơ thể người bệnh hoặc làm việc mệt mỏi, cần bồi bổ cho mau lại sức.

Bò nướng ngói

Cái tên “bò nướng ngói” chắc có lẽ đủ để thể hiện được phần nào sự độc đáo và hấp dẫn của món ăn này. Sự độc đáo được thể hiện trong cách chế biến. Thay vì nướng bò theo cách thông thường, bò ở đây sẽ được trải đều lên ngói rồi đặt lên bếp nướng chín, nhờ vậy mà thịt bò giữ được mùi thơm và có hương vị đậm đà, hấp dẫn rất riêng. Bò nướng ngói Bình Dương chỉ sau vài phút lên bếp là khói nghi ngút lan tỏa mang theo cái mùi thơm ngon đến lạ kỳ.

Có thể nói, món bò nướng này rất ngon và lạ miệng. Bên ngoài thịt bò được bọc mỡ chài, nướng ăn có vị ngậy của mỡ, vị ngọt của thịt bò. Nướng cùng mỡ chài thịt bò sẽ trở nên mềm hơn, ăn sẽ không có cảm giác khô và dai. Bò nướng ngói được nhiều người sành ăn ví như người anh em với món mỡ chài Sài Gòn. Với bò nướng mỡ chài Bình Dương, mỡ chỉ cuốn với thịt bò tươi, không có thêm loại rau gia vị khác. Chỉ khi thưởng thức thực khách mới cảm nhận hết hương vị đặc trưng, khác lạ của nó.

Ăn bò nướng ngói không thể thiếu bánh tráng và rau thơm để cuốn. Rau thơm có thể dùng là tía tô, chuối chát thái lát, ngải cứu, khế chua, dưa leo. Đặt rau thơm lên bánh tráng, gắp miếng thịt bò vào giữa và cuộn lại rồi chấm mắm nêm. Bò nướng ngói có đầy đủ hương vị, vị ngọt của thịt bò, vị chát của chuối, vị tê tê, hăng hăng của ngải cứu, tía tô, vị chua của khế cùng với mùi thơm hấp dẫn của mắm nêm.

Gà quay xôi phồng

Gà quay xôi phồng là một món đặc sắc trong tinh hoa ẩm thực Bình Dương. Với món này, du khách có thể ăn vào bữa sáng, trưa, tối và thậm chí cả ăn đêm đều được bởi đây là một món ngon không kén chọn người ăn và rất dễ ăn.

Miếng xôi phồng lên tròn to, ruột rỗng, vàng đều thơm ngon khiến thực khách không thể rời mắt đã gây ấn tượng với bao nhiêu người. Xôi để làm món gà quay xôi phồng có thể sử dụng nhiều loại như xôi đậu đen, đậu xanh, đậu phộng, xôi gấc, xôi cúc… Nguyên liệu chính để tạo xôi là gạo nếp và tuỳ loại xôi để có thêm nguyên liệu phù hợp. Một đĩa xôi phồng tròn to chiên vàng đều đặn đặt bên cạnh một đĩa gà quay chín thơm, béo, ai trông thấy cũng không thể cưỡng lại.

Xôi sau khi chín được bỏ ra dĩa cùng dĩa gà quay bên cạnh nhìn rất đẹp mắt. Xôi và gà đều có màu vàng rộm thơm lừng khiến thực khách muốn thưởng thức ngay. Nếu như ở ngoài Bắc món xôi gà luộc phổ biến thì ở Binh Dương món gà quay xôi phồng là một cặp đi đôi rất “tâm đầu ý hợp”. Để món gà quay xôi phồng thêm ngon miệng mà không bị ngán thì chuẩn bị thêm một chén nước mắm tỏi ớt và thêm ít rau xanh. Gắp một miếng xôi chiên ăn cùng gà quay thơm ngon đặc trưng sẽ khiến du khách muốn thưởng thức thêm miếng nữa. Món ăn này hơi ngán nên nó phù hợp với những ngày trời mưa, se lạnh, vào nhà hàng gọi món gà quay xôi chiên phồng thì cứ thế tha hồ thưởng thức.

Nem Lái Thêu

Cái tên quen thuộc không thể không nhắc đến trong văn hóa ẩm thực của Bình Dương tiếp theo là món nem Lái Thiêu.

Nem Lái Thiêu được làm theo lối thủ công truyền thống từ chọn thịt nạc đùi tươi ngon, lược bỏ hết gân mỡ, cắt lát to, lau khô rồi cho vào cối quết nhuyễn, ướp muối rang, đường, bột ngọt, gia vị thích hợp. Nem chua ở đây cũng được làm như ở các vùng khác, nhưng lại có hương vị rất đặc trưng do chính bàn tay của người dân nơi đây làm ra. Cầm trên tay chiếc nem chua Lái Thiêu, mở nó ra màu hồng tươi tuy không rực rỡ, nhưng đủ quyến rũ ngay bạn cái nhìn đầu tiên, cắn một miếng vị chua, ngọt, bùi, cay, thấm nơi đầu lưỡi khiến thực khách thích thú.

Phần da heo luộc vừa chín, để ráo, cắt thành sợi nhuyễn. Mỡ gáy luộc chín, để ráo cắt thành sợi nhỏ ướp đường để mỡ được trong. Phi tỏi với mỡ cho vàng, vớt bỏ xác tỏi, lấy mỡ nước để nguội. Thịt nhuyễn, da heo, mỡ cắt sợi, mỡ nước cho vào thau trộn thật đều. Lá vông, lá chuối lau sạch để gói ruột và vỏ nem. Nắn thịt nhuyễn thành miếng nem hình khối vuông, cho thêm vào một hạt tiêu, một lát tỏi, ớt rồi gói ruột nem bằng lá vông để hút nước và dễ lên men thơm. Vỏ bên ngoài gói bằng lá chuối hột cột hình chữ thập bằng dây lạt kết 10 chiếc thành xâu nem sau ba ngày là nem có thể dùng được.

Những miếng thịt nạc đùi tươi ngon, lược bỏ hết gân mỡ rồi cho vào cối quết nhuyễn, ướp muối rang, đường, bột ngọt, gia vị thích hợp sau ba ngày là có thể cảm nhận được vị chua ngọt bùi thấm nơi đầu lưỡi. Đặc biệt nem Lái Thiêu được gói một cách gọn gàng, xinh xắn rất thích hợp để mua về làm quà cho người thân, bạn bè của mình. Nem có đủ vị chua cay, mặn mòi và ăn cùng bún rất ngon.

Trên đây, Airbooking đã giới thiệu tới du khách những món đặc sản nổi tiếng nhất vùng đất Bình Dương. Trăm nghe không bằng một thấy, hãy một lần đến với Bình Dương, thưởng thức những món đặc sản bắt mắt lạ miệng này nhé! Chúc du khách có một trải nghiệm thú vị và khó quên.