Vũng Tàu là vùng đất du lịch vừa có biển đẹp lại vừa có núi non bao la đất trời. Nơi đây là một điểm dừng chân mà ai cũng nên đến ít nhất một lần trong đời để thưởng thức vẻ đẹp của trời, biển, núi non và cảm nhận sự yên bình nhưng lãng mạn, thơ mộng.
GIỚI THIỆU VÀI NÉT VỀ VŨNG TÀU
Vũng Tàu là thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của Đông Nam Bộ. Nơi đây nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, điểm du lịch hấp dẫn và nổi tiếng bậc nhất tại miền Nam Việt Nam. Vũng Tàu được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh đầu tiên của Nam Bộ.
Nằm nhô hẳn ra khỏi đất liền như một dải đất, từ nơi đây, người ta có thể nhìn biển Đông cả khi trời mọc lẫn lúc hoàng hôn. Bên cạnh những giá trị cảnh quan thiên nhiên, Vũng Tàu còn là miền đất có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời.
Đến với Vũng Tàu bạn sẽ có cảm giác bình yên, dễ chịu với những con đường rộng rãi, thoáng đãng. Dưới là biển xanh, trên là những ngọn núi to, núi nhỏ, cùng những ngôi chùa thanh tịnh… Tất cả tạo nên một Vũng Tàu đầy ma lực, một thành phố Vũng Tàu không chỉ hiền hòa bình dị mà còn vô vàn những danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
THỜI ĐIỂM DU LỊCH VŨNG TÀU LÝ TƯỞNG
Vũng Tàu là thành phố biển thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của đại dương. Chính điều đó mà thành phố Vũng Tàu có 2 mùa rõ rệt trong năm: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 kèm theo có gió mùa Tây Nam; và mùa nắng bắt đầu từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau và kèm theo gió mùa Đông Bắc. Điều đặc biệt nhất của thành phố Vũng Tàu đó chính là nằm trong khu vực ít có bão nhất của đất nước Việt Nam.
Cách thành phố Hồ Chí Minh không xa, tầm 125km, nên nhiệt độ của thành phố Vũng Tàu có nét tương đồng, dao động từ 25-28 độ C.
Với nhiệt độ ấm áp và thời tiết quanh năm ổn định, du khách có thể tham quan nghỉ dưỡng ở thành phố Vũng Tàu bất cứ mùa nào. Mùa nắng, Vũng Tàu mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị trong những ngày lễ văn hóa truyền thống lâu đời, những phong cảnh hùng vĩ do tạo hóa ban tặng, những bãi cát trắng xóa trải dài, những cung đường ven biển uốn lượn mát rượi, những điểm du lịch mới mẻ, độc đáo. Mùa mưa, thành phố biển lại “níu chân” du khách bởi những món hải sản dân dã.
Mặc dù, mỗi mùa thành phố Vũng Tàu đều khoác lên mỗi vẻ đẹp riêng biệt nhưng Vũng Tàu đẹp nhất chính là rơi vào tháng 5 đến tháng 10 và giai đoạn trước và sau Tết tầm 10 ngày. Vào thời điểm này, thời tiết ở Vũng Tàu thuận lợi, trời trong xanh, nước trong veo, những vạt nắng vàng đón chào một khởi đầu mới tạo điều kiện cho những ai yêu biển thỏa thích hòa mình trong lòng đại dương, lắng nghe tiếng sóng vỗ thì thầm bên tai và trải dài trên những bờ cát vàng óng ánh.
Giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 là khoảng thời gian đẹp nhất ở Vũng Tàu. Là giai đoạn Vũng Tàu đón du khách bằng bầu không khí trong lành, mát mẻ, bằng những giọt nắng nhẹ nhàng dễ chịu và bằng tình cảm nồng nhiệt của người dân miền biển.
PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN
* Di chuyển đến Vũng Tàu từ Hà Nội / TP.HCM
– Đi từ Hà Nội đến Vũng Tàu
Hà Nội cách Vũng Tàu khoảng 1.780 km, để di chuyển đến Vũng Tàu, du khách có thể lựa chọn một trong 2 cách: Du khách có thể đi máy bay từ Sân bay Quốc tế Nội Bài đến Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), sau đó đi xe khách đến Vũng Tàu vì Vũng Tàu hiện chưa có sân bay. Du khách nhớ liên hệ trước để có xe đón ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất đi Vũng Tàu để đỡ mất thêm thời gian và chi phí để di chuyển ra bến xe miền Đông.
Hoặc, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng đường bộ – Đi xe ô tô khách. Tại các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên ở Hà Nội luôn có sẵn xe đi Vũng Tàu với giá vé giao động từ 700.000-800.000 VNĐ/ vé. Tuy nhiên đi ô tô khách khá mất thời gian (khoảng 40 tiếng di chuyển) có thể sẽ khiến du khách cảm thấy mệt mỏi.
– Đi từ TP.HCM đến Vũng Tàu
TP.HCM cách Vũng Tàu khoảng 110km, rất tiện lợi cho các chuyến du lịch ăn chơi nghỉ dưỡng ngắn ngày hoặc dài ngày. Để di chuyển từ TP.HCM đến Vũng Tàu, du khách có rất nhiều lựa chọn tuỳ theo sở thích của mình. Du khách có thể đi xe máy hoặc ô tô riêng – đây là cách di chuyển tiện lợi nhất, du khách có thể đi lại bất cứ chỗ nào mà mình thích khi đến Vũng Tàu. Đường đi từ TP.HCM đến Vũng Tàu có 2 cung đường:
- Đi theo quốc lộ 1, qua cầu Đồng Nai gặp một ngã tư thì rẽ phải theo Quốc lộ 51. Đi thêm khoảng 100km là đến Vũng Tàu
- Từ bến phà Cái Lái (Q.2, TP.HCM) du khách đi đến cổng vào KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai) thì bắt đầu rẽ đi theo hướng quốc lộ 51, đi thêm khoảng 80km thì đến Vũng Tàu.
Để chuyến đi an toàn hơn, quý khách nên chọn đi ô tô khách. Đây là phương tiện nhiều khách du lịch lựa chọn nhất bởi giá vé vừa phải giao động từ 60.000-80.000VNĐ. Du khách có thể bắt xe tại bến xe miền Đông (TP.HCM) với rất nhiều hãng xe như: Phương Trang, Hoa Mai, Thiên Phúc,…
Tàu cánh ngầm là phương tiền di chuyển nhanh nhất, chỉ mất khoảng 1,5 tiếng. Tuy nhiên giá vé sẽ cao hơn đi xe khách hay đi xe máy, ô tô riêng. Giá vé khoảng chừng 200.000-250.000 VNĐ/vé người lớn và 100.000 VNĐ/vé trẻ em. Du khách có thể đặt vé trước hoặc mua vé và đi tàu tại bến Bạch Đằng (TP.HCM) và bến Cầu Đá (TP. Vũng Tàu).
Một phương tiện cuối cùng để quý khách đến được Vũng Tàu từ TP.HCM, đó là xe buýt. Đây là phương tiện di chuyển rẻ nhất nhưng mất nhiều thời gian nhất vì du khách sẽ phải đổi 3 tuyến và xe buýt sẽ dừng nhiều điểm:
- Tuyến 150: Bến xe Chợ Lớn – Tân Vạn. Giá vé 6.000 VNĐ/người/lượt.
- Tuyến 11: Bến xe ngã tư Vũng Tàu – Trạm xe Tân Thành. Giá vé 17.000 VNĐ/người/lượt.
- Tuyến 6: Trạm xe Tân Thành – Bến xe Vũng Tàu. Giá vé 20.000 VNĐ/người/lượt.
* Phương tiện đi lại tại Vũng Tàu
Nếu du khách không có xe máy hay ô tô riêng, du khách có thể đi lại xung quanh Vũng Tàu bằng cách:
– Xe taxi: Vũng Tàu là thành phố du lịch nên đi lại bằng taxi sẽ có chi phí khá đắt. Vì vậy đây không phải là phương tiện đi lại thích hợp để đi dạo quanh Vũng Tàu.
– Thuê xe máy: Du khách có thể thuê xe máy trong thành phố để đi dạo hoặc đi tham quan những nơi ngoại thành với chi phí khoảng 100.000-200.000 VNĐ/ngày hoặc 10.000-20.000 VNĐ/giờ.
– Xe đạp đôi: Xe đạp đôi được nhìn thấy hầu hết trên khắp các đường phố ở Vũng Tàu. Vì đây là địa điểm du lịch biển nên rất nhiều du khách thuê xe đạp đôi để đi dạo ven biển ngắm cảnh. Du khách có thể thuê xe đạp đôi với giá 20.000-30.000 VNĐ/giờ.
CHỖ LƯU TRÚ
Vũng Tàu có rất nhiều resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ từ bình dân đến sang chảnh cho du khách lựa chọn. Nếu muốn ở thoải mái, du khách nên book resort hay khách sạn thay vì chọn nhà nghỉ. Còn nếu du khách muốn tìm kiếm một địa điểm lưu trú có decor sáng tạo với những góc check-in độc đáo thì không thể bỏ qua các homestay.
Mời du khách tham khảo chi tiết về các resort, khách sạn đẹp và đẳng cấp tại Vũng Tàu tại:
10-khu-resort-dang-cap-va-tinh-te-cho-chuyen-nghi-duong-tai-vung-tau.html
top-18-khach-san-dep-ngat-ngay-va-chat-luong-tai-vung-tau.html
Với các homestay, du khách nên lựa chọn: Mị Homestay (Toà nhà Oasky Building, 2 Lê Hồng Phong nối dài, P. Thắng Tam); Sunday Homestay (268/6B Trần Phú, P.5); Santoni Vũng Tàu (139/27A Phan Chu Trinh, P.2); Casabella Homestay (139/25A Phan Chu Trinh, P.2); Cỏ Mây Homestay (3A Nguyễn Trường Tộ, P.3); The Little Homie Homestay (220/1/2A Phan Chu Trinh, P.2); Sunday Villa Homestay (268/6B Trần Phú, P.5); Mộc Home (145/2A Bình Giã, P.8);…
ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN, VUI CHƠI TẠI VŨNG TÀU
Du lịch Vũng Tàu có gì đẹp? Đây là câu hỏi được rất nhiều khách du lịch tìm kiếm và nhờ Airbooking tư vấn để chuyến đi được thuận lợi nhất. Với Top 29 điểm tham quan và vui chơi thú vị của thành phố biển Vũng Tàu sau đây sẽ khiến du khách cảm thấy hài lòng cho những ngày vui chơi, nghỉ ngơi của mình: Bãi Trước, Bãi Sau, Bạch Dinh, Mũi Nghinh Phong, Niết Bàn Tịnh Xá, Tượng Chúa Kito, Ngọn hải đăng Vũng Tàu, Bảo tàng vũ khí cổ, Nhà Úp Ngược, Đảo Hòn Bà, Hòn Ngưu, Đồi Con Heo, Khu du lịch Hồ Mây, Suối Đá, Bến du thuyền Marina, Đảo Long Sơn, Khu vui chơi Thiên Đường Giải Trí Thỏ Trắng, Thích Ca Phật Đài, Chùa Quan Thế Âm Bồ Tát, Chùa Tây Tạng – Bát Nhã Đường, Linh Sơn Cổ Tự, Thiền viện Chơn Không, Chùa Hải Vân, Làng chài Bến Đá – Bến Đình, Nhà thờ Giáo xứ Vũng Tàu, Nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu, Nhà thờ giáo xứ Hải Đăng, Nhà thờ Giáo xứ Bến Đá, Chợ đêm Vũng Tàu.
CÁC MÓN ĂN ĐẶC SẢN CỦA THÀNH PHỐ BIỂN VŨNG TÀU
Ai đó đã từng nói, muốn biết văn hóa của một địa phương thì cách nhanh nhất chính là thưởng thức ẩm thực của nơi đó. Đến với Vũng Tàu, chắc chắn du khách sẽ không thể bỏ lỡ những món ăn đặc sắc, ngon miệng ở nơi đây. Có thể kể đến các món đặc sản như: Bánh hỏi, Bánh khọt, Bánh xèo, Bánh cuốn, Cháo hàu, Gỏi cá mai, Tiết canh tôm hùm, Hải sản, Cháo bồ câu, Bánh canh ghẹ, Bún súng, Bún chả cá, Bún riêu tôm, Mì thảy, Bánh mì chảo xíu mại, Bánh bông lan trứng muối,…
Để hiểu rõ hơn về những món ăn đặc sản này, mời du khách tham khảo tại https://airbooking.vn/16-mon-an-dac-san-nen-thu-khi-du-lich-vung-tau.html
CÁC LỄ HỘI LỚN TẠI VŨNG TÀU
Vũng Tàu là nơi có nhiều lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm dấu ấn văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của người dân trong vùng. Dưới đây là một số lễ hội lớn ở Vũng Tàu:
Lễ hội Đình Thần Thắng Tam: Đây là một trong những lễ hội lớn, đồng thời nằm trong số 15 lễ hội lớn nhất cả nước, được tổ chức tại Đình Thần Thắng Tam – nơi thờ 3 người đã có công gầy dựng 3 làng Thắng ở Vũng Tàu. Mỗi năm từ ngày 17-20 tháng 2 Âm lịch, Đình đón gần 5.000 người về tham dự, sự kiện kéo dài trong 4 ngày. Lễ Đình Thần Thắng Tam được tổ chức nhằm mục đích cầu an, nhân thời điểm kết thúc và mở đầu cho một mùa thu hoạch tôm cá. Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ diễn ra các hoạt động cúng tế, lễ vật tế thần, dâng hương quỳ lạy, chiêng trống, kèn nhạc và có rất nhiều điều kiêng kỵ như heo dùng để tế lễ phải có bộ lông cùng màu, người có tang không được tham gia vào việc nghi thức tế lễ, phần hội có nhiều trò vui chơi giải trí như múa lân, diễn tuồng.
Lễ hội Nghinh Ông: Theo quan niệm của ngư dân miền biển Vũng Tàu, cá Ông (cá voi) là vị cứu tinh, phù trợ cho họ mỗi lúc tàu gặp nạn trên biển. Vì vậy, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức long trọng vào hàng năm từ ngày 16-18 tháng 8 âm lịch tại lăng Cá Ông ở đường Hoàng Hoa Thám. Đây là lễ hội nước lớn nhất của ngư dân Vũng Tàu đã được Tổng cục Du lịch công nhận là 1 trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước. Các hoạt động thường diễn ra tại lễ hội là rước cá ông trên biển, lễ cũng các anh hùng liệt sĩ, hát bá chạo, hát bội, biểu diễn võ thuật, múa lân rồng, diễn tuồng cùng các trò chơi dân gian như : bịt mắt bắt dê, câu cá, bịt mắt đập niêu… qua lễ hội này người dân Vũng Tàu mong ước sự bình an, biển thuận gió hòa, thuận lợi khi đi biển.
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành được tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng 10 âm lịch hàng năm tại miếu Bà (nằm bên trái trong di tích đình thần Thắng Tam, được ngư dân lập nên để tôn thờ 5 vị Thần nữ là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ cùng Thủy Long Thần Nữ, Thánh Mẫu Thiên Y Ana). Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ như: lễ nghinh Bà, cúng giỗ tiền hiền – hậu hiền,… Bên cạnh việc tổ chức nghi lễ, thường là hát bội: diễn các vở Phan Thế Ngọc đả lôi đài, Sở Văn cứu giá, mai trắng xe duyên, xử án phi giao, lễ tôn soái Dương Kim Huệ,… Ngay trong buổi chiều của ngày cúng lễ đầu tiên, ban quý tế đã tổ chức lễ đại bội và đến khoảng 3 giờ chiều diễn sơ cổ kịch bản. Dân làng Thắng Tam thường gọi là lễ trình tuồng. Sau đó là bóng rỗi, múa mâm vàng, mâm bạc dâng Bà.
Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo: Cứ vào ngày 20/8 âm lịch hàng năm, tại Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, đều diễn ra lễ giỗ Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Lễ giỗ kéo dài 3 ngày được tổ chức với những nghi thức cúng tế truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa Việt và từ lâu đã không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi địa phương mà thu hút nhiều người từ các địa phương trong cả nước. Người dân tham gia lễ hội lớn này để tưởng nhớ về cuộc đời, sự nghiệp của vị anh hùng kiệt xuất, hành động dâng hương, hoa, lễ vật thể hiện lòng thành kính, biết ơn vị tướng tài của dân tộc. Thông qua đó, lễ hội cũng mang ý nghĩa giáo dục các thế hệ nối tiếp nhau về lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Lễ hội Trùng Cửu diễn ra vào 19/09 âm lịch, được tổ chức tại đảo Long Sơn. Theo tích xưa rằng trước kia ở xã ông Long Sơn, có ông Lê Văn Mưu (dân gian gọi là ông Trần) tham gia cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp. Tuy nhiên, do cuộc khởi nghĩa thất bại, ông cùng gia đình về ẩn náu tại phía Đông núi Nữa, thành lập nên ấp Bà Trao (nay là xã Long Sơn). Tại đây, ông đã cất công xây dựng công tringh nhà Lớn – nơi thờ Thánh, Tiên, Phật, cũng như dựng các ngôi nhà, mở đất, mở làng… Lễ hội Trùng Cửu được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công lao của ông.
Festival Diều Quốc tế Vũng Tàu được diễn ra hàng năm tại thành phố Vũng Tàu từ năm 2009. Đây là lễ hội thả diều có quy mô lớn nhất Việt Nam, quy tụ sự tham gia của nhiều câu lạc bộ và hiệp hội chơi diều từ các nước trên thế giới. Lễ hội tập hợp những con diều độc đáo và đa dạng về màu sắc lẫn kích cỡ và phong cách. Ngoài tính chất là môn thể thao đậm chất văn hóa, đây còn là chương trình nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước của địa phương. Trong thời gian diễn ra liên hoan sẽ có các hoạt động như: xác lập kỷ lục thiết kế mới lạ nhất cho cả diều truyền thống và diều hiện đại; phần biểu diễn diều lượn độc đáo nhất; đội trình diễn diều Rokkaku hay nhất… Tại đây, các quốc gia tham dự sẽ đưa ra những cánh diều độc đáo của riêng mình.
MUA SẮM
Du lịch Vũng Tàu chắc chắn du khách cũng muốn tìm mua những đặc sản nổi tiếng ở đây về làm quà tặng người thân, bạn bè của mình. Vũng Tàu có rất nhiều đặc sản ngon, nức tiếng mà du khách nên mua, đó là: Các loại hải sản khô (Mực một nắng, Cá Dứa một nắng, Cá Thu một nắng); Hải sản tươi sống (cá mú, cá thu, cá nục, tôm, cua, mực, ốc, bạch tuột,…); Nước mắm; Mứt hạt bàng; Bánh bông lan trứng muối; Quà lưu niệm đồ thủ công mỹ nghệ; Các món đồ tơ lụa thổ cẩm;…
Sau khi đã xác định mua gì, Airbooking tiếp tục giới thiệu cho du khách một số địa chỉ mua sắm nổi tiếng, uy tín nhất:
– Các trung tâm thương mại lớn: The Imperial Plaza (159-163 Thùy Vân); Lam Sơn Square (9 Lê Lợi); Lapen Center (33A đường 30/4, P.9); Lotte Mart Vũng Tàu (Góc đường 3/2 và đường Thi Sách, P.8); Trung tâm mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim (406 Lê Hồng Phong, P. Thắng Tam); Siêu thị Metro Vũng Tàu (Quốc lộ 51B, P.11).
– 7 khu chợ để mua hải sản: Chợ cũ (P.1); Chợ mới (góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Xô Viết Nghệ Tĩnh); Chợ xóm lưới (đường Phan Bội Châu, P.2); Chợ Bến Đá (đường Trần Phú, P.5); Chợ Bến Đình (463 Lê Lợi, P.Thắng Nhì); Chợ Cô Giang (40 Cô Bắc, P.4); Chợ đêm Vũng Tàu (P. Thắng Tam). Ngoài ra, để mua hải sản chất lượng, quý khách cũng có thể ghé đến: Siêu thị hải sản Baseafood Vũng Tàu (460 Trương Công Định, P.8); Siêu thị hải sản Biển Việt (7K3 Nguyễn Thái Học); Mực Văn Sen (43 Hoàng Hoa Thám).
– Top 5 địa chỉ bán bánh bông lan trứng muối ngon, rẻ: Bánh Kẹp Gốc Cột Điện (17B Nguyễn Trường Tộ, P.2); Lò Bánh A Tỷ (6 Đồ Chiểu); Tiệm bánh Thọ Gốc Vũ Sữa (14 Nguyễn Trường Tộ, P.2); Tiệm Ngọc Hiệp (11 Đồ Chiểu); Tiệm Bánh An (26 Huỳnh Văn Hớn).
– Địa điểm bán hàng thủ công mỹ nghệ, tơ lụa, quà lưu niệm: Sơn mài mỹ nghệ Thùy Dương (Ngã ba Lê Lợi, Trưng Trắc, Trưng Nhị); Cơ Sở SX Mỹ Nghệ Ốc Biển Thanh Thêm (8 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. Thắng Tam); Shop thời trang Gia Đình (34 Quang Trung, P.1);…
Hi vọng những thông tin trên đây đã phần nào giúp du khách hình dung ra được những gì cần phải chuẩn bị khi đến với thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp. Chúc các du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!
0 Comment