[kkstarratings]
Prasat Preah Vihear (tiếng Khmer: Prasat Preah Vihear; phiên âm tiếng Khmer theo tiếng Việt: Pràk-Hia; tiếng Thái: ปราสาทพระวิหาร Prasat Phra Viharn là một ngôi đền toạ lạc trên một chỏm núi thuộc núi Dângrêk ở Campuchia gần biên giới với Thái Lan. Ngôi đền này được lấy làm tên cho tỉnh Preah Vihear, nơi nó toạ lạc. Năm 2008, ngôi đền được tổ chức UNESCO liệt kê vào danh sách di sản thế giới.
Ngôi đền đầu tiên được bắt đầu xây dựng vào đầu thế kỷ 9, dùng để thờ thần Shiva. Các di vật được tìm thấy ở tỉnh này cho thấy khu vực này là khu định cư quan trọng của Đế quốc Khmer trong thế kỷ 12.
Đền Preah Vihear được xây dựng trên một bề mặt khá bằng phẳng trên đỉnh núi, độ cao 525m so với đồng bằng phía dưới và 625m so với mực nước biển, trải dài 800m quay mặt về hướng Bắc. Đây là một nét độc đáo của Preah Vihear với bố trí kiến thúc của toàn quần thể theo chiều dài trục Bắc – Nam, rất khác so với hầu hết các ngôi đền khác trong thời kỳ Angkor luôn được bố trí khuôn viên hình vuông đặc trưng phong cách đền núi và cửa đền quay về hướng Đông.
Ngôi đền là một kiệt tác kiến trúc của người Khmer, thể hiện trình độ thiết kế rất cao, được trang trí bởi những họa tiết chạm khắc đá tinh xảo bậc nhất và sự kết hợp hài hòa với môi trường cảnh quan xung quanh.
Lối kiến trúc của ngôi đền được thể hiện lên các hoa văn hình tượng trên các khung cửa, mái điện… với những đường chạm khắc tuyệt đẹp. Các lối kiến trúc nơi đây đã làm cho sự tò mò với vẻ đẹp chạm khắc điệu luyện của những con người xa xưa đã để lại.
Điểm thu hút nhất của ngôi đền đó chính từ sự kết hợp giữa thiên nhiên và kiến trúc. Ánh nắng sớm nơi đây không đủ mạnh để xua tan màn sương bên dưới, tạo nên vẻ u trầm cho quang cảnh nơi đây. Rất nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn khi đứng tại nơi đất trời lồng lộng như tại đây, ngắm nhìn lại ngôi đền cổ với những truyền thuyết ly kỳ và vẻ đẹp huyền ảo.
Giống như các ngôi đền khác, Preah Vihear vẫn là một mô phỏng cho ngọn núi Meru – ngôi nhà của các vị thần trong truyền thuyết Hindu giáo.
Toàn thể kiến trúc ngôi đền trải dài qua 5 cấp, với độ cao tăng dần đều mà phía Bắc thấp hơn phía Nam tới 120m. Bắt đầu tại cấp thứ nhất là dãy bậc thang rộng 7m và khá dốc, với chiều dài gần 150m dẫn lên ngôi đền. Ngay phía trên cầu thang này là hai tượng rắn thần Naga bảy đầu canh giữ hai bên. Tiếp đến là một khoảng sân dài 50m, chấm dứt bằng một cầu thang đá dẫn lên ngôi điện.
Cầu thang đá để lên cấp thứ nhất đã bị hư hỏng, vì vậy người ta đã làm một cầu thang bằng gỗ để thay thế đồng thời bảo vệ hiện trạng cho ngôi đền. Khi vừa bước lên cấp thứ nhất, du khách sẽ choáng ngợp bởi kiến trúc còn lại của ngôi đền, mặc dù đã bị hư hại và đổ vỡ 3 trong số 4 cửa hướng ra bốn phía, nhưng vẫn còn nguyên vẻ uy nghi, đường bệ. Kiến trúc tại cấp thứ nhất này chính là hình ảnh thường thấy trên báo chí và truyền hình, cũng như được in trên tiền giấy mệnh giá 2000 Riel của Campuchia. Có thể nói, đây là kiến trúc đặc trưng nhất của ngôi đền và mang yếu tố thẩm mỹ cao. Cũng tại đây, quốc kỳ Campuchia, cờ di sản của tổ chức UNESCO được cắm rất trang nghiêm. Sau gian điện này là một con đường lớn, dài gần 100m dẫn đến cấp thứ hai. Phía bên tay trái, một hồ nước hình chữ nhật rộng lớn được xây bằng đá vẫn còn khá nguyên vẹn, có các bậc thang để có thể dễ dàng bước xuống mép nước. Tương truyền, hồ nước này dùng để các vị vua tắm rửa tẩy sạch bụi trần trước khi bái lạy thần linh.
Sau khi lên đến cấp thứ hai là một kiến trúc mang phong cách Banteay Srei còn khá nguyên vẹn. Đá hồng và sa thạch được phối hợp để xây dựng ngôi điện này với rất nhiều họa tiết tinh xảo chạm khắc trên các khung cửa, mái điện. Một lối đi dài hơn 50m tiếp tục dẫn đến cấp thứ ba, là dãy kiến trúc lớn nhất của ngôi đền, vẫn mang phong cách Banteay Srei với những đường nét chạm khắc tuyệt đẹp. Ngôi điện tại cấp thứ ba này được nối dài sang hai bên bởi hai sảnh đường lớn, tạo nên một quần thể chắn ngang lối đi mang đến cảm giác hùng dũng cho ngôi đền.
Tại cấp thứ tư, ngôi điện thờ có niên đại vào thời kỳ Baphuon, cổng điện còn khá nguyên vẹn được trang trí bằng các chi tiết chạm khắc điêu luyện. Tại một gian thờ ở đây, những hình ảnh chạm khắc về truyền thuyết khuấy dòng biển sữa trường sinh của hai phe thần linh thiện và ác được trình bày rất ấn tượng trên cổng điện. Có thể xem đây là một kiệt tác chạm khắc của đền Preah Vihear.
Cấp thứ năm cũng là cấp cao nhất được ngăn cách với cấp thứ tư chỉ qua một khung cửa lớn. Điều này khác biệt với các cấp khác luôn được nối liền với nhau thông qua một con đường dài trải đá. Kiến trúc tại cấp này mang nặng dấu ấn của phong cách Koh Ker. Hai bên ngôi chính điện tại đây là hai dãy hành lang dài dẫn đến hai căn phòng bên ngoài, được cho là thư viện nơi các vị tu sĩ học tập. Chính giữa là chính điện mặc dù phía sau đã sụp đổ với các khối đá lớn nằm ngổn ngang, nhưng phần trung tâm vẫn còn giữ được đường nét khá nguyên vẹn với mái đá chắc chắn. Trong khi mái của hầu hết các điện thờ ở các cấp khác đã bị sập một phần hoặc hoàn toàn. Hiện trong chính điện tại đây, dân địa phương đã hoán cải thành một gian thờ Phật với các nhà sư túc trực, sẵn sàng làm lễ ban phước cho những du khách thành tâm với một chút công đức tùy ý.
Trước đây, ngôi đền được xây dựng ở khu vực gần biên giới của hai nước Campuchia và Thái Lan nên đã gây ra sự tranh chấp. Về phía Campuchia không có lối vào đền vì bị ngăn cản bởi vách đá lớn. Lúc đó, mọi người muốn viếng thăm ngôi đền Preah Vihear phải đi vòng qua biên giới của Thái Lan. Nhưng sau khi được tòa án Quốc tế phân xử ngôi đền hoàn toàn thuộc về đất nước Campuchia thì đất nước này mới bắt đầu khai thông đường vào đền. Giúp du khách và mọi người đến thăm đền dễ dàng, thuận tiện hơn mà không phải đi nhờ phía lãnh thổ của Thái Lan.
Hiện trạng ngôi đền Preah Vihear hiện nay vẫn giữ được kiến trúc chính, nhưng chỉ giữ nguyên vẹn được phần chính điện, trung tâm ngôi đền. Các phần kiến trúc cột, rào bao quanh đã bị phá vỡ bởi tranh chấp trong quá khứ.
Du khách trong và ngoài nước đến tham quan đền Preah Vihear ở Campuchia vừa được ngắm kiến trúc cổ xưa vừa được đến vùng đất tiếp giáp của hai quốc gia. Điểm biên giới cũng là điểm đến mà nhiều người rất thích thú.
Với bề dày lịch sự lâu đời, có kiến trúc khá độc đáo, những bức điêu khắc trên đá sa thạch đầy công phu và tinh xảo, Preah Vihear sẽ khiến du khách đến viếng thăm phải ngạc nhiên và thích thú. Du khách hãy đặt mua vé máy bay giá rẻ đi Campuchia của Airbooking để có cơ hội chiêm ngưỡng sự độc đáo của ngôi đền và nhất là cầu an lành cho bản thân, gia đình.
0 Comment