[kkstarratings]

Nằm trong thung lũng sông Neckar, Heidelberg là thành phố cổ duy nhất còn nguyên vẹn của Đức sau Chiến tranh thế giới thứ II. Nơi đây vẫn giữ được nét duyên dáng của đường phố chật hẹp, những con phố lát đá cuội cổ xưa, nhà đẹp như tranh vẽ với không khí bình yên, sâu lắng mê hoặc lòng người.

Heidelberg 1

Điểm đến không một du khách nào muốn bỏ qua ở đây là lâu đài Heidelberg. Từ quảng trường Kornmarkt trong khu phố cổ có thể đến lâu đài bằng tàu hỏa hay đi bộ theo hai con đường Burgweg (khoảng 10 đến 15 phút) hoặc Neue Schlossstraße quanh co khúc khuỷu.

Lâu đài Heidelberg được xây dựng từ đá sa thạch đỏ, kết hợp giữa nhiều kiểu dáng từ kiến trúc Gothic đến kiến trúc Phục Hưng. Đây là nơi ngự trị của các bá tước vùng Pfalz 5 thế kỷ liền trước khi bị quân đội Pháp phá hủy trong Chiến tranh thừa kế vùng Pfalz (1688-1697). Lâu đài Heidelberg được bắt đầu xây dựng dưới thời của bá tước Ruprecht I (1309-1390). Ngày nay, dẫu chỉ còn tàn tích, nhưng những gì còn sót lại của lâu đài cổ cũng đủ làm say lòng du khách.

heidelberg castle

Bước vào đến sân trong có thể nhận thấy rõ các thời kỳ xây dựng khác nhau: bên tay trái là các di tích còn lại của thành quách mang tính phòng thủ từ thế kỷ 15/thế kỷ 16. Bắt đầu từ giữa thế kỷ 16, lâu đài bắt đầu biến đổi trở thành một nơi ngự trị hào nhoáng của các lãnh chúa. Dãy nhà Ottheinrichsbau (1557-1566) ở bên tay phải và dãy nhà Friedrichsbau (1601-1607) trước mặt là những thành tựu nổi tiếng nhất thời kỳ kiến trúc Phục Hưng Đức.

Ở trong gian hầm là biểu tượng nổi tiếng cho tính thích rượu vang của các vị lãnh chúa: Thùng rượu có sức chứa hơn 220.000 lít có ống dẫn trực tiếp đến phòng dùng để tổ chức lễ hội. Đứng canh cái “Thùng rượu lớn” này là bức tượng gỗ của anh hề trong cung đình có tửu lượng cao nổi tiếng: Perkeo. Chỉ riêng cái gọi là “Thùng rượu nhỏ” trong phòng ngoài của gian hầm thôi cũng đã gây nhiều ấn tượng lắm rồi!

Từ trên lâu đài này nhìn xuống dòng sông Neckar trong một chiều nắng nhạt, phía xa là cây cầu Cũ huyền thoại, nhấp nhô giữa rừng cây bên kia sông là những ngôi nhà xinh xắn, tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về Heidelberg.

song Neckar

Tham quan xong lâu đài nhất định phải xuống dạo bộ trong khu phố cổ. Khu phố không bị dội bom trong Đệ nhị thế chiến nên vẫn còn giữ được nét đẹp Baroque nguyên thủy. Phần lớn những điểm đáng tham quan khác đều nằm dọc theo con đường chính của khu phố cổ. Con đường này dài 1,6 km, là một trong số những đường chỉ dành riêng cho người đi bộ dài nhất Đức, bắt đầu từ Quảng trường Karl đi ngang qua Nhà thờ Thánh Linh vào khu phố cổ. Một điểm đặc biệt thú vị là nhà giam sinh viên ở mặt sau của Nhà bảo tàng Đại học Heidelberg. Từ năm 1778 đến năm 1914 đây là nơi giam giữ những sinh viên vi phạm luật lệ có đến 4 tuần. Họ chỉ được phép ra ngoài để đi học.

Cuộc sống của sinh viên Heidelberg và nhất là tửu lượng của họ rất… nổi tiếng trong văn học. Trong tác phẩm du ký trào phúng “A Tramp Abroad” (“Đi nước ngoài” – 1880) Mark Twain đã kể lại một cách rất thú vị về những nghi thức đấu kiếm và uống rượu lạ lùng của giới sinh viên Heidelberg ngày xưa. Nhà văn, nhà thơ người Đức Victor von Scheffel (1826-1886) cũng có nhiều bài hát mang tính hài hước và bất cần về cuộc sống của giới sinh viên Heidelberg, rất được ưa thích cho đến ngày nay. Ông von Scheffel có thời cũng là sinh viên ở Heidelberg nên chắc hẵn là biết rõ cuộc sống của họ hơn ai hết.

dai hoc Heidelberg

Đại học Heidelberg được thành lập năm 1386, là trường đại học thứ ba trong Thánh chế La Mã ngày xưa (sau Prague và Wien), tức là trường đại học lâu đời nhất của nước Đức ngày nay. Mãi cho đến đầu thế kỷ 20 trường đại học có quyền xử theo luật lệ riêng, do vậy mà cũng có nhà giam riêng cho sinh viên ở đây. Phía trước cổng chính của nhà bảo tàng (ngày xưa là trụ sở chính của đại học) có bức tượng một con sư tử, con vật trên huy hiệu của các vị bá tước đã từng cai trị ở đây. Tuy con vật chổng mông vào tòa nhà nhưng mà người ta nói rằng đó không phải là sự cố ý.

Cũng nằm trên đường chính này là Viện bảo tàng Kurpfalz. Nổi tiếng nhất trong bảo tàng này là tác phẩm khắc gỗ Chúa Giêsu và 12 tông đồ của nhà điêu khắc thiên tài người Đức Tilman Riemenschneider (1460-1531), được tạo tác năm 1509. Viện bảo tàng nằm trong Dinh Morass, được xây năm 1712/1716 cho hiệu trưởng Morass ngày xưa của Đại học Heidelberg. Bên trong còn có nhiều hiện vật khác (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18) đáng xem như đồ sứ từ thành phố Frankenthal, bộ đồ ăn bằng bạc gồm 72 phần của nữ bá tước Elisabeth Augusta và nhiều tranh vẽ thành phố Heidelberg. Vườn hoa phía sau nhà bảo tàng cũng là nơi nghỉ chân lý tưởng. Vườn hoa tuy có thể không đẹp bằng vườn hoa của lâu đài Heidelberg nhưng rất yên tĩnh.

Nếu muốn lần theo dấu vết của những nhà văn và nhà thơ ngày xưa thì phải đi bộ trên cây cầu Carl Theodor mà người dân Heidelberg vẫn thường gọi là Cầu Cũ. Cầu nằm trong số các cây cầu lâu đời nhất của Đức, từng được xây dựng những 9 lần, sau đó bị quân Phát xít Đức giật sập vào cuối chiến tranh thế giới lần II. Năm 1947 người dân Heidelberg đã tự động quyên góp tiền bạc để xây lại cây cầu như nguyên thủy.

Carl Theodor

Không chỉ gây ấn tượng bởi phong cảnh nên thơ hữu tình hai bên sông, cây cầu còn quyến rũ bởi hàng loạt bức tượng trang trí, các bức chân dung nam tước và tượng thần của các dòng sông Neckar, Donau, Mosel, Rhine xung quanh…

Bước trên cây cầu này, có cảm giác thảnh thơi đến lạ kỳ, không gian yên bình, sâu lắng bao quanh từng bước chân. Đi thật chậm trên cầu, ngước nhìn lên phía lâu đài du khách sẽ thấy một khung cảnh khác rất đẹp của lâu đài cổ khi nắng nhuộm những viên gạch đỏ hồng. Không gian thanh bình, diệu vợi, phần nào lý giải vì sao cách đây hơn một trăm năm nơi đây từng là trung tâm của giới thi hào văn sĩ Đức, của những câu văn lời ca du dương, trầm bổng say đắm bao người. Có lẽ những Mark Twain, Heinrich Heine, Johan Wolfgang Goethe đều đã phải lòng nơi này… để có thể phác vẽ nên những bức tranh thơ, câu chuyện cổ tích còn mãi với thời gian về Heidelberg.

heidelberg altestor

Băng qua cây cầu cũ, du khách sẽ đặt chân đến con đường nổi tiếng nhất Heidelberg: Philosophenweg tức đường Triết gia. Đường này nổi tiếng do thiên nhiên, phong cảnh và lịch sử có một hợp nhất rất độc đáo. Khu vực thuộc vùng ấm áp nhất nước Đức nên có rất nhiều cây cỏ và hoa lạ, mang nhiều màu sắc, tỏa hương thơm ngát. Dọc theo đường có nhiều nơi ngắm cảnh rất đẹp. Và nhất định phải dừng lại chỗ có cắm bảng kỷ niệm nơi Matthaeus Merian (1593-1650) sáng tác bức tranh khắc đồng của Heidelberg rất nổi tiếng (1620).

Người ta nói rằng thành phố Heidelberg không bị phá hủy trong Đệ nhị thế chiến có lẽ là nhờ vào tác phẩm nhạc kịch “The Student Prince” rất ăn khách ở Mỹ trong thập niên 1920. Tác phẩm kể về câu chuyện tình của một hoàng tử nối ngôi người Đức, đã “khám phá” ra tự do trong lúc là sinh viên ở Heidelberg rồi yêu cô con gái của người chủ quán trọ. Thay vì dội bom hiện thân cho tính lãng mạn Đức, người Mỹ đã thiết lập sở chỉ huy quân sự ở châu Âu tại đây sau năm 1945. Vào những dịp tổ chức lễ hội (từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm) vở nhạc kịch này vẫn còn được trình diễn bằng tiếng Anh trong sân của lâu đài Heidelberg. Xem câu chuyện tình này với những mặt tiền lâu đài thời Phục Hưng đã đổ nát làm nền ở phía sau quả thật là một kỷ niệm khó quên cho chuyến đi thăm Heidelberg.

Vậy thì còn chần chừ gì nữa, du khách hãy đặt mua ngay vé máy bay giá rẻ đi Đức của Airbooking để được một lần lang thang ở thành phố lãng mạn bậc nhất Đức, được chạm tay vào bức tường lâu đài cũ, ngồi trên cây cầu cũ bắc qua sông Neckar và thả hồn dọc phố cổ, ngỡ như mình đang chạm tay vào lịch sử.