Nhắc đến Phú Yên là nhắc về mảnh đất hoa vàng cỏ xanh xinh đẹp. Và “xứ Nẫu” còn cất giấu nhiều điều thú vị hơn thế. Đó là rừng, là biển, là đảo, cùng những món ngon đặc sản địa phương. Du khách sẽ say đắm quên lối về khi lạc vào xứ sở của nhiều món ăn ngon nổi tiếng mà chỉ cần cảm nhận từ những giây phút đầu tiên đã có thể khiến du khách nhớ mãi.

Cháo Cá Cơm

Món Cháo Cá Cơm nhiều nơi gọi là “cháo Cá Cơm Mờm”. Cá Cơm là loài cá thân mềm, không vảy, thịt dai mềm trắng trong khi nấu cháo sánh, ngọt thịt, thơm không bở nát. Khi nấu gần chín thêm chút hành tiêu đảm bảo dậy mùi khiến du khách nức mũi chỉ muốn thưởng thức ngay lập tức.

Món cháo này giàu dưỡng chất, có tác dụng bồi bổ, dưỡng khí nhất là cho người ốm dậy. Hoặc đơn giản là tiếp thêm sinh lực cho người khỏe mạnh có 1 ngày tràn đầy năng lượng.

Bún cá

Đã nhắc đến Phú Yên, nhắc đến một vùng biển duyên hải miền Trung thì không thể không nhắc đến món bún cá. Bún Phú Yên rất đa dạng với các món như bún chả cá, cá dầm, sứa hay thập cẩm. Ăn kèm với bún cá là rau sống, mắm nêm hay tương ớt.

Tô bún cá Phú Yên thường vừa ăn, nước dùng thanh nhẹ ngọt tự nhiên, chả cá hay thịt cá đều mềm, ngọt và không bở. Vào những ngày se se lạnh thì có cho mình một tô bún cá thơm ngon nóng hổi thì không còn gì có thể tuyệt vời hơn.

Bún Bắp

Phú Yên nổi tiếng có nhiều món ngon chiều lòng người. Tuy nhiên, ở đây còn sở hữu độc quyền một món ít ai ngờ tới: bún làm từ bắp (ngô). Không chỉ thơm ngon mà những sợi bún màu vàng còn hấp dẫn du khách bởi sự bắt mắt. Bún Bắp nấu khúc cá nấu chua hay nước cốt xương cùng ít rau sống cũng “đắm say lòng người”. Đơn giản nhất là món bún bắp xào mỡ hành (hoặc hẹ) chấm với nước mắm ớt ăn kèm rau sống cũng thấy “đã đời”.

Một tô bún bắp nấu cùng giò heo nghi ngút khói, hay bún bắp nấu ốc ngon mắt có hương vị không hề giống với bất kỳ món bún gạo nào. Nguyên liệu làm bún khá công phu, chỉ có ở vùng Tuy An, Phú Yên. Trước đây, bún bắp được nhiều gia đình người dân ở xã An Dân, Tuy An làm, hiện nay chỉ còn duy nhất lò bún bắp đang được khôi phục và thu hút khách.

Khâu chế biến bún khá kỳ công, có lẽ chỉ ai yêu nghề mới làm được. Trước tiên là khâu giã bắp. Một mẻ vừa cối chừng 5kg bắp khô được giã chung với trấu (vỏ). Vừa giã vừa sàng sảy sao cho bắp nát đều, thành những hạt nhỏ được gọi là gạo bắp, sàng loại bỏ cám mày, sau đó đem gạo bắp ngâm nước trong 30 phút, rồi vớt ra ủ một ngày một đêm cho lên men chua.

Gạo bắp sau khi ủ được cho ra nia phun nước giữ ẩm, để ba ngày sau mới đem ngâm nước thêm một ngày nhằm loại mùi chua trước khi đưa vào cối quết thành bột. Khi đó bột bắp được nén thành khối rồi cắt ra luộc lại khoảng 15 phút, sau đó cho vào máy xay nhuyễn lần cuối. Thêm một lần nhồi bột lại với nước ấm, đưa qua máy đùn sợi, sợi bún rớt xuống nồi nước sôi đến khi chín thì nổi lên mặt nước. Người làm nhanh tay vớt ra bắt thành lọn.

Một mẻ bún như vậy cần 6 -7 ngày để hoàn thành. Sợi bún màu vàng tươi, có vị ngọt của ngô, thường được chế biến thành bún bắp giò heo, xào lòng heo hay ăn cùng canh chua cá bống.

Bún bắp tươi mà ăn với nước cá tươi bắt từ đầm Ô Loan lên nấu cùng rau ngót thì độc nhất vô nhị. Bún bắp ngon nhưng vì quy trình sản xuất công phu và kéo dài, lợi nhuận thấp khiến nhiều người bỏ nghề.

Không chỉ ngon bởi hương vị, bún bắp còn là loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Các nhà khoa học gọi bắp là thực phẩm vàng vì lượng celluloza trong nó cao từ 4-10 lần so với gạo và các loại ngũ cốc khác, có tác dụng kích thích nhu động dạ dày ruột, giúp tiêu hóa. Hàm lượng lipid, tinh bột, đường trong bún bắp cao, nó có thể cung cấp 396 kcal/100g bún bắp; giàu khoáng chất, nhiều vitamin A và E giúp chống oxy hóa cho tế bào, phụ nữ ăn bún bắp nhiều rất tốt cho da, mắt. Bún bắp có giá trị phòng và chữa bệnh như giúp bài tiết mật, giảm bilirubin trong máu, có lợi cho tiêu hóa, tim mạch, tiết niệu, chống oxy hóa, lão hóa…

Bún Sứa

Nhìn tô bún Sứa tưởng có vẻ cầu kì nhưng lại rất đơn giản. Với sự tỉ mỉ, khéo léo, ngư dân miền biển nấu bún sứa rất mộc mạc. Với nguyên liệu bao gồm: sứa, giò, chả cá thu xay nhuyễn vo thành viên nhỏ rồi hấp chín ăn kèm với rau sống. Đầy đủ nguyên liệu bổ béo trong tô bún Sứa thật hấp dẫn thị giác của khách du lịch đến đây.

Đặc biệt hơn là khi nước dùng được làm từ nguyên liệu của biển như: cá, tôm, mực,… mang vị ngọt đậm đà, thanh hòa quyện cùng với chút tôm và cà chua đã được băm nhỏ. Bún, những con sứa trắng nõn được thái nhỏ cùng những nguyên liệu đi kèm hòa với nước dùng ngọt thơm, nóng hổi. Chắc chắn không khiến du khách thất vọng.

Bún Mực

Hương thơm ngọt ngào của Mực ống tươi cũng như sợi bún mềm, thêm nước sử dụng đậm đà tạo phải tô bún mực khiến cho cho đa dạng khách du lịch nhớ tới từng lúc đi qua lãnh hải Phú Yên. Bún Mực được coi là một món đặc sản “cây nhà lá vườn”. Tuy đơn giản, mộc mạc song lại vô cùng thơm ngon, để rồi khi đã thưởng thức qua món ăn này du khách sẽ nên nhớ mãi.

Chế biến Bún Mực không quá cầu kì bên cạnh đó nó đề nghị sự kĩ càng cũng như chăm sóc cho món ăn của người nấu. Nguyên liệu để nấu lên món Bún Mực Phú Yên bao gồm: mực trứng, bún, cà chua, dứa, hành lá, hành củ, giá cả đỗ, những hình thức rau thơm. Mực để nấu bún là hình thức mực ống nhỏ chỉ vừa bằng ngón tay cái. Những con Mực tươi ngon nhất, rửa sạch.

Công đoạn thứ nhất lúc làm cho món Bún Mực đó chính là nấu nước sử dụng. Cà chua thái lát nhỏ, dứa cũng như hành tươi được xào qua cũng như nấu trên bếp. Cà chua rửa sạch, bổ thành các múi. Dứa sau lúc được gọt vỏ, cắt bỏ mắt kỹ lưỡng thì cũng cắt thành những miếng vừa ăn. Dứa này sẽ được tiêu dùng để tạo vị chua ngọt đặc trưng cho món bún. những hình thức hành lá, rau thơm rửa sạch, cắt thái tùy thuộc vào từng hình thức, nêm nếm gia vị cho vừa đủ độ ngọt của nước dùng. Tiếp ấy cho mực ống đã được chuẩn bị trước cho vào nồi. Đun tiếp cho đến lúc mực chín. Mực chín sẽ mang màu tím nhạt, cực kỳ giòn cũng như ngọt. Màu nước sử dụng đẹp mắt, gây gổ thèm thuồng cho du khách từ dòng nhìn đầu tiên.

Sợi bún được chế biến từ gạo, vô cùng dẻo và dai. Được trùng trên nước nóng sau ấy bỏ vào tô, thêm 1 chút hành phi để tạo vị thơm cho món Bún Mực. khi ăn bạn sở hữu thể ăn kèm cùng các cái rau thơm như: rau ngò, xà lách, rau mùi, tía tô… để thêm phần thơm ngon lúc thưởng thức.

Canh chua lá dít

Lên các xã miền núi của huyện Tuy An, Sơn Hòa, du khách sẽ được thưởng thức món canh chua lá dít độc đáo, chỉ có ở Phú Yên. Lá dít nấu canh chua hợp với nhiều loại hải sản hoặc các loại chim rừng nhưng nấu với thịt gà tươi sống thì mới thiệt xứng danh là đặc sản.

Sướng nhất là khi ăn món này kèm một chén muối ớt rừng giã nhỏ và nhấp chút rượu nồng. Khi đó mùi thơm, vị chua của lá dít hòa cùng vị ngọt thơm của thịt gà cộng với vị cay của ớt trên đầu lưỡi, vừa ăn vừa hít hà… ngon tuyệt!

Thời chiến tranh, những người hoạt động cách mạng sống trên vùng núi phía tây Phú Yên ăn món canh chua lá dít gần như quanh năm nhưng vẫn thấy hợp khẩu vị, chẳng ai kêu chán. Ngày nay, canh chua lá dít thịt gà là món đãi khách đặc biệt chỉ có ở Phú Yên. Nhiều người về thăm quê, công tác hoặc đi du lịch đến các xã miền núi Phú Yên đều coi đây là món khoái khẩu không thể thiếu trong bữa ăn. Lúc ra về, mỗi người mang về một ít lá dít để khoe với vợ con, nhưng chắc chắn là không ngon bằng nấu ăn tại chỗ. Có lẽ nguồn nước, mảnh đất và khí hậu nơi đây là nhiều yếu tố tạo nên vị ngon của nồi canh chua “xứ Nẫu”.

Súp trứng vịt lộn

Thay vì hầm lá ngải thuốc bắc hoặc luộc và đập ra bát, người Phú Yên ăn trứng vịt lộn trong nồi lớn, nấu cùng các vị thuốc bắc, bỏ thêm chút gừng rau răm thơm phức. Khi ăn, thực khách lấy một quả trứng bỏ vào bát rồi chan nước hầm, thêm táo tàu, rau, gừng. Món ăn nhờ thế không bị khô mà thơm ngon và bổ dưỡng hơn.

Xôi Bồ Câu

Xôi Bồ Câu là một trong những món đặc sản ngon không thể không nhắc tới ẩm thực “xứ Nẫu”. Là đặc sản của xã An Định (huyện Tuy Hòa), món Xôi Bồ Câu thường được nấu trong các dịp lễ tết quan trọng.

Xôi Bồ Câu được chế biến một cách công phu cầu kì, đòi hỏi sự tỉ mỉ và chăm chút của người nấu. Gạo để nấu xôi là loại gạo nếp nàng hương to dẻo mềm và thơm. Bồ Câu sau khi được làm sạch thì băm nhuyễn cả xương cho mềm và mịn cùng với ớt, tiêu, hành mỡ và một số loại rau gia vị. Sau đó đem đi xào chín, nêm cho vừa ăn. Xôi đồ chín mùi thơm tỏa ra ngào ngạt. Lúc này người ta sẽ cho thịt Bồ Câu đã được chế biến trộn đều với xôi. Xôi nấu phải có độ dẻo, màu xôi trắng ngọc trộn với thịt Bồ Câu tạo ra một màu sắc rất riêng. Khi ăn có thể ăn kèm cùng muối vừng hoặc muối lạc để tăng thêm độ thơm bùi của xôi.

Cơm gạo Đỏ

Vùng miền núi Phú Yên có các giống lúa ngắn ngày như cúc lùn, cúc rằn, to đá, ba trăng… được trồng trỉa trên nương rẫy đều cho gạo đỏ thơm ngon. Nhiều người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất này đã được ăn loại gạo này suốt thời gian dài.

Cơm gạo đỏ không dẻo lắm, có mùi thơm đặc trưng mang hương vị củi lửa núi rừng nên ăn rất ngon. Ngon nhất là lớp cơm cháy sém dưới đáy nồi.

Cơm gạo đỏ lúa mới rất thơm ngon nhưng những ngày trời mưa gió, đi lại chợ búa khó khăn, vùng cao khan hiếm thực phẩm nên cả nhà thường ăn cơm với cá khô, cá mặn, muối ớt lá é, với các loại rau rừng luộc xào cũng rất ngon và nhớ đời.

Bánh canh hẹ

Bánh canh hẹ là một trong những món ăn nổi tiếng của Phú Yên. Món ăn bình dị này thu hút rất nhiều khách du lịch thưởng thức.

Nguyên liệu làm món bánh này rất đơn giản gồm: chả cá, thịt, trứng cút, bánh canh có thể có ngay một tô bánh canh rồi. Sợi bánh canh gần giống như sợi bún ngoài Bắc nhưng to hơn chút, được làm từ bột gạo, dẻo mềm nhưng khi ăn sẽ không bị dai hay bở. Chả cá được thái mỏng, rán chín kỹ, mềm kèm với thịt cá được nặn thành từng miếng nhỏ được hấp qua rồi rán chín vàng để không bị quá cháy.

Tô bánh canh sẽ đậm đà hơn khi nước dùng của bánh canh hẹ không phải làm từ nước xương mà được chế biến từ các loại cá nhỏ nên nước dùng rất ngọt thanh và không có cảm giác ngấy khi ăn. Đặc biệt, tô bánh canh sẽ tuyệt vời hơn khi điểm vào tô bánh màu xanh thơm nồng của lá hẹ tạo nên điểm riêng biệt mà chỉ khi thưởng thức du khách sẽ nhớ mãi món này chỉ có ở Phú Yên.

Bánh xèo

Hẳn bánh xèo đã quá quen thuộc với du khách. Tuy vậy, tuỳ từng vùng miền mà bánh xèo lại mang hương vị đặc trưng riêng.

Bánh xèo ở Phú Yên được làm từ bột gạo, giá đỗ, thịt băm và tôm hoặc mực; nếu thực khách có yêu cầu thì chủ quán có thể cho trứng vào để tăng thêm hương vị. Khi khuôn đúc nóng, người ta cho mỡ, sau đó là thịt, tôm, giá đỗ và nước bột gạo xay vào, đậy nắp chờ khoảng 1 phút là bánh chín. Bánh đổ xong vừa mềm, vừa nóng, có hương vị của hải sản biển. Người ta ăn bánh xèo với rau sống bao gồm xà lách, giá đỗ và nhiều loại rau thơm khác.

Bánh xèo với đầy đủ nhân thôi chưa đủ, sức hấp dẫn để du khách không thể quên được món ăn này chính là sự khéo léo, tinh tế của người pha nước chấm. Nước chấm gồm có hai loại, người địa phương gọi là mắm đục và mắm trong. Mắm đục gần giống như mắm nêm, cho thêm gia vị và ớt. Mắm trong là nước mắm bình thường có thêm ớt tỏi,… Công thức pha nước mắm cũng là một bí quyết của các quán ăn ở đây vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị của món ăn. Bánh xèo có thể ăn bằng đĩa hoặc dùng bánh tráng cuốn lại chấm với nước mắm sẽ rất ngon.

Bánh bèo

Đi dọc Miền Trung, du khách cũng dễ nhận thấy bánh bèo là món ăn dân dã phổ biển nơi nào cũng có nhưng bánh bèo Phú Yên lại mang hương vị riêng mà du khách nếu có ghé đến vẫn nhớ tới.

Nếu như bánh bèo Huế thơm ngậy mùi nhân Tôm nóng hổi ăn kèm với nước chấm cay ngọt thì bánh bèo Phú Yên lại mang hương thơm ngọt vị của nhân chà bông rắc kèm với mỡ hành được chấm kèm với vị chua chua, ngọt ngọt hòa lẫn với nhau của nước chấm. Với sự khéo léo, bánh bèo được cho vào một cái tô bát nhỏ xinh. Cầm gọn trên lòng bàn tay, cảm nhận mùi thơm ấy khiến du khách nuốt “nước miếng”, thèm ăn ngay và luôn.

Đặc biệt, món bánh bèo Phú Yên thơm ngon hấp dẫn thực khách còn nằm ở việc chủ quán biết cách giữ chén bánh bèo nóng hổi trước khi phục vụ, phải trở tay nhiều lần mới cầm được chén bánh lên.

Bánh hỏi lòng heo

Có nhiều cách ăn kèm bánh hỏi nhưng lòng heo là sự kết hợp tạo nên đặc trưng cho ẩm thực Phú Yên. Bánh hỏi tạo nên từ những sợi nhỏ, giống sợi bún, trên chan nước mỡ hành ngầy ngậy. Những con heo chỉ được cho ăn gạo và cám nên lòng trắng, thơm ngon. Món ăn sẽ mất đi hương vị nếu thiếu bát nước chấm gồm mắm, chanh, ớt và tỏi. Điều đặc biệt là nước chấm ở Phú Yên đều do thực khách tự gia giảm, vị mặn của mắm không quá gắt và ớt là loại xanh, có vị cay vừa phải.

Bánh tráng Hòa Đa

Đã từ lâu, món bánh tráng Hòa Đa đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân Phú Yên. Món đặc sản này khác với bánh tráng ở một số địa phương khác ở điểm bánh không quá dày mà cũng không quá mỏng, tráng rất vừa tay. Chất bánh dai dẻo rất phù hợp để làm nem hay các món cuốn ăn kèm. Bên cạnh đó, đặc sản Phú Yên còn có bánh tráng nướng thơm ngon không kém. Khi bánh được nướng lên ăn rất giòn, thơm, cũng là một món nhậu hay ăn vặt thú vị.

Hàu đầm Ô Loan

Ô Loan là đầm nước lợ, với nhiều đặc sản nổi tiếng như tôm cua, hàu, sò huyết. Đây cũng từng là điểm dừng chân của nhiều thi nhân, mặc khách. Đầu thế kỷ XX, nhà thờ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), khi đi qua vùng đất Phú Yên có thơ khen: “Lấy chi vui với thu tàn / Phú Câu nước cá, Ô Loan miếng hàu”.

Hàu đầm Ô Loan cũng là một loại hải sản không thể bỏ qua khi đến với vùng đất này, Hàu ở đây được người dân khai thác từ con Hàu sống tự nhiên dưới đầm. Thời điểm cuối xuân đầu hè, đúng vụ sẽ có những con Hàu to mập, Hàu có vẻ bên ngoài xù xì, hình thù như một cục đá nhưng lại có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế thành nhiều món ngon như xào, nấu canh, chấm mù tạt, nướng mỡ hành và đặc biệt là nấu cháo.

Đối với món Cháo Hàu, Hàu được rửa sạch, ướp với các gia vị quen thuộc như bột nêm, muối, tiêu… rồi xào chín trên chảo. Thịt Hàu khá mềm nên rất mau chín, chỉ cần xào đều trong vài phút là Hàu đã chín và ra vị ngọt đặc trưng cùng mùi hương quyến rũ. Cháo cũng được nấu như thông thường, gạo được vo sạch, ngâm qua rồi cho lên bếp ninh nhừ đến khi hạt gạo nở bung, sóng sánh đẹp mắt. Cuối cùng, chỉ cần cho Hàu đã xào trước đó vào cháo là đã có ngay món cháo hàu ngon ngất ngây!

Đối với món Hàu nướng mỡ hành, phần Hàu đó được sắp ngửa đều trên vỉ đặt lên lò than hừng đỏ. Trên bàn đặt sẵn nước chấm, rau thơm, bánh tráng nướng, chanh ớt tỏi. Khi vỏ Hàu nóng, phần thịt hàu trong vỏ sôi lên, nước Hàu chảy ra tràn xuống lò lửa kêu xèo xèo. Hàu sắp chín, cho thêm ít dầu đã phi cùng hành lá vào phần thịt Hàu đang nướng, thế là ta đã có món Hàu nướng mỡ hành thơm ngon tuyệt vời, đậm ngọt.

Sò Huyết đầm Ô Loan

Đã đến Phú Yên thì đây chính là thiên đường hải sản tươi ngon rồi nên dù ăn gì cũng cảm nhận được hương vị miền biển. Sò Huyết có rất nhiều ở đầm Ô Loan vì nơi đây rất phong phú về sản vật.

Với sự chế biến khéo léo, tuyệt hảo mà tin chắc rằng không có một nơi nào có hương vị giống như sò huyết Đầm Ô Loan. Với vị đậm đà, ngọt thơm, mặn mà từ bên ngoài vỏ sò cho tới bên trong thịt sò. Màu hồng đỏ, chín ngon, thơm ngậy mùi khi đã tẩm ướp gia vị để có thể làm được nhiều món thật khiến du khách khó lòng cưỡng lại được.

Ghẹ đầm Cù Mông

Một đặc sản ở Phú Yên không thể không nhắc đến là Ghẹ đầm Cù Mông (Thị xã Sông Cầu). Nhiều tỉnh duyên hải miền Trung đều có Ghẹ nhưng Ghẹ vùng Sông Cầu vẫn nổi tiếng và “đóng triện” thương hiệu bởi độ chắc, ngọt. Ghẹ vùng Sông Cầu to bằng nắm tay, mình xanh thẫm, càng và yếm lốm đốm trắng, béo mầm. Ghẹ có thể hấp, luộc, rang muối hoặc nướng vỉ, làm món lai rai rất thú vị.

Ghẹ Sông Cầu thịt chắc, vị ngọt thơm là nhờ yếu tố môi trường, nguồn nước ở đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài rất ổn định về độ mặn, phong phú thực vật thủy sinh (làm nguồn thức ăn cho ghẹ). Nhờ vậy, Ghẹ Sông Cầu có quanh năm và bất kể mùa nào cũng không bị xốp. Vùng này còn xuất hiện một loại ghẹ đặc biệt thơm ngon hơn, được gọi là Ghẹ lột. Loại ghẹ này ăn cả vỏ, thịt mềm ngọt.

Mắt cá Ngừ đại dương

Phú Yên nổi tiếng về nghề đánh bắt thủy sản biển, đặc biệt là cá Ngừ đại dương. Đó cũng là lý do tại sao mắt cá Ngừ là món ăn đặc trưng của tỉnh duyên hải này.

Với vẻ ngoài “nhìn to quá trông sợ sợ” của mắt cá Ngừ khiến nhiều người không dám thử ngay nhưng khi đã thử qua món này chắc chắn du khách sẽ nhớ mãi hương vị của nó. Vị ngọt béo của mắt cá hòa quyện cùng vị thuốc bắc, vị cay nồng của ớt và tiêu chắc chắn sẽ làm du khách vương vấn.

Hơn thế nữa, món ngon này dù có nguyên liệu là thuốc Bắc nhưng với sự chế biến khéo léo của các đầu bếp tại đây, khi ăn, du khách sẽ không hề nghe mùi thuốc quá nồng. Mỗi nơi ở Phú Yên có cách nấu và trình bày khác nhau, nhưng xét về độ ngon thì hương vị hầu như không thay đổi.

Cá Ngừ cuốn cải xanh 

Cách ăn cá sống chấm mù tạt không chỉ có ở Nhật Bản mà cũng rất nổi tiếng ở Phú Yên. Với đặc sản là loại cá Ngừ đại dương, đây là cách thưởng thức phổ biến để cảm nhận trọn vẹn hương vị tươi ngon của nó. Một phần ăn đầy đủ sẽ gồm đĩa cá Ngừ phi lê với những lát thịt đỏ tươi, cắt thành miếng mỏng, dài, hình chữ nhật; đĩa cải xanh kèm rau sống, chuối chát; đĩa gia vị với hành, sả, gừng cắt nhỏ; lạc rang, bánh tráng. Thực khách phải tự pha nước chấm bằng cách lấy mù tạt, trộn thêm chút xì dầu, tương ớt, vắt nước cốt chanh rồi trộn đều. Bước cuối cùng là lấy bánh tráng nhúng nước cho mềm, bỏ vào bẹ cải xanh kèm rau húng quế, chuối chát, hành gừng, đặt lên trên lát cá Ngừ, rắc chút lạc, cuốn lại rồi chấm. Món ăn tạo cảm giác tươi mát với vị rau xanh và biển cả.

Gỏi Cá Mai

Cá Mai là loài cá nghe tên thì rất lạ vì chủ yếu chỉ có nhiều ở Miền Trung, nhất là Đầm Ô Loan. Cá Mai ngon tuyệt nhất khi chế biến thành món gỏi, tới cả những người khó tính nhất cũng phải say nắng vì món ăn này.

Quan trọng nhất là việc chọn những con Cá Mai tươi ngon, chế biến cá Mai không có gì là khó, món ăn này lúc nào cũng cần có gia vị ăn kèm gồm nhiều rau sống và nước trộn gỏi sao cho vừa miệng và hấp dẫn du khách. Lấy chút ít gỏi cá Mai cuộn với bánh tráng và chấm với nước mắm thơm ngon thật quyến rũ vị giác của du khách.

Gỏi Sứa đầm Ô Loan

Gỏi Sứa Đầm Ô Loan là một món đặc sản mà ai ăn một lần đều nhớ mãi. Có dịp về vùng đất huyện Tuy An, du khách sẽ thấy những ngư dân sống ở ven đầm Ô Loan làm việc hầu như không ngừng nghỉ, chỉ trừ những ngày mưa lũ, còn lại tất cả ngày còn lại họ đều chèo thuyền đi ra đầm vớt Sứa. Sứa trở thành nghề nuôi chính cuộc sống và gắn với văn hóa nơi này. Bởi thế nên đừng bạn cũng đừng ngạc nhiên khi về nơi đây bắt gặp một xóm mang tên “Xóm Sứa”, bởi xóm chài này chuyên bắt Sứa và rộn ràng về sứa.

Sứa đầm Ô Loan không giống Sứa biển, Sứa ở đây sống ở vùng nước lợ nên “hiền” không làm ngứa tay chân người bắt. Bên cạnh đó Sứa đầm Ô Loan cho thịt ngon, lành hơn Sứa biển. Trong số này có hai loại Sứa tai, Sứa chân đều giòn và được nhiều người yêu thích.

Những con Sứa đánh bắt về được sơ chế bằng việc ngâm vào trong phèn để thịt con Sứa thêm phần săn chắc, rồi sau đó rửa sạch bằng nhiều lần nước. Món Gỏi Sứa được làm đơn giản bằng việc trụng Sứa qua nước ấm, điều này làm cho thịt Sứa co lại, khi ăn thêm phần giòn.

Cứ thế Sứa đem trộn đều với cơm dừa, rau thơm, đậu phộng rang giã nhỏ, nước mắm dằm tỏi ớt thêm nước cốt chanh. Khi thưởng thức lấy một miếng bánh tráng nước rồi xúc miếng thịt sứa kèm rau sống, cơm dừa, đậu phộng rồi thưởng thức. Gỏi Sứa mang vị ngọt thanh của Sứa, khi ăn giòn sừng sực quyện hòa cùng vị cay, vị béo, vị chua của các loại gia vị khiến ai ăn một lần đều nhớ mãi.

Gỏi Rong biển

Rong biển sinh trưởng và phát triển ở các rạng, gành đá. Từ lâu, người dân ven biển đã biết đến và sử dụng rong biển tự nhiên làm món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe. Vùng biển gành Đá Đĩa là một môi trường tuyệt vời cho rong biển phát triển. Vì thế thời gian gần đây khi hàng quán mọc lên, các đầu bếp, chủ nhà hàng đã tận dụng ngay nguồn nguyên liệu tươi ngon từ thiên nhiên này để làm thành món gỏi rong biển phục vụ du khách.

Rong biển tươi vớt lên từ các rạng đá được ngâm lại nước ngọt và rửa sạch, bỏ gốc, xắt gọn cho vừa đũa gắp. Rong biển được bày ở đĩa riêng hoặc bày chung ở giữa trong một đĩa lớn, xung quanh là rau thơm các loại xắt ghém, dừa nạo, xoài băm, một lát chanh tươi, điểm thêm ít đậu phộng rang giòn; một chén mắm chua ngọt hoặc mắm nguyên chất dằm ớt xiêm xanh (những người ăn chay có thể dùng xì dầu), bánh tráng mè nướng. Chỉ vậy là đã xong món gỏi rong biển. Người ăn chỉ việc bẻ nhỏ bánh tráng mè nướng, cho rong biển cùng các loại kết hợp vào chén, chan một tí nước mắm là có thể thưởng thức. Hương vị biển đặc trưng của rong, mùi thơm hòa quyện của rau, vị béo của dừa, chua chua của xoài băm, giòn thơm của đậu phộng, bánh tráng nướng, nước mắm ngon… quyện vào nhau tạo nên một hương vị đậm đà khó quên.

Chả Dông

Chả Dông được chế biến từ con Dông, có nhiều ở vùng đất cát dọc bờ biển miền Trung. Con Dông hình dáng như con kỳ nhông nhưng lớn chỉ độ bằng ngón chân cái, sống nhiều ở vùng đất cát dọc bờ biển Phú Yên và các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi…

Dông ngon nhất là những con già, có màu đỏ tía, để chế biến thành Chả Dông, đem dông lột da, bỏ ruột, đuôi và bốn chân giữ lại, chỉ cắt sát móng chân. Khi làm thịt phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vì Dông làm xong không được rửa bằng nước lã để khỏi tanh. Thường người ta dùng lá chuối lót khi làm dông để giữ vệ sinh. Sau đó dùng dao và thớt băm nhuyễn, hoặc cho vào máy xay. Có thể làm Chả Dông toàn thịt cùng gia vị, hoặc bằm nhuyễn, tẩm ướp gia vị rồi dùng bánh tráng mỏng cuốn lại, chiên giòn thơm, vàng ruộm.

Chả Dông được dọn ra đĩa, ăn kèm với rau sống các loại, dưa leo thái mỏng nhỏ và chén nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt với ít đậu phộng rang. Lấy một miếng bánh tráng, nhúng sơ qua nước cho mềm, để các loại rau sống, dưa leo lên trên, tiếp đến là Chả Dông, cuốn tròn lại, chấm vào chén nước chắm và thưởng thức. Thỉnh thoảng cắn thêm trái ớt xanh hiểm nhỏ, tép tỏi sẽ cho cảm giác ngon miệng hấp dẫn làm sao!

Cơm Gà

Cơm Gà Phú Yên khác hẳn với Cơm Gà Sài Gòn hay thậm chí là Cơm Gà Hội An nức tiếng. Mỗi vùng miền luôn có những hương vị cũng như cách chế biến riêng và dù có đi đâu thì du khách cũng không thể nào lẫn hương vị Cơm Gà Phú Yên vào đâu được.

Cơm Gà Phú Yên đặc biệt khi được nấu với nước luộc gà nên cơm có chút chút màu vàng. Nhưng người dân nơi đây cũng cho chút nghệ xay nhỏ để trộn vào nấu cơm. Hạt cơm mềm và dẻo. Nguyên liệu bao gồm có thịt gà, rau dăm, dưa mang lại cảm giác dễ ăn mà không ngán đối với du khách.

Thịt gà được xé nhỏ hoặc để nguyên miếng đùi gà, khi ăn sẽ cảm nhận thịt mềm và thơm, da gà vàng óng, không bị khô. Cơm Gà Phú Yên sẽ ngon hơn khi du khách ăn kèm với nước súp và chấm với nước mắm siêu ngon. Sự khéo léo trong cách pha chế nước mắm của người đầu bếp, vị chua chua, cay, ngọt thơm mùi mắm làm tê đầu lưỡi du khách, thật khó lòng từ chối món ăn này.

Bò một nắng

Đến Phú Yên, du khách thường ngập tràn trong đồ ăn hải sản hay thưởng thức món tôm Hùm mà hiếm ít khi du khách đến đây biết đến món “Bò một nắng”. Khi nghe tên ai cũng sẽ lầm tưởng là mực một nắng nhưng không ở Phú Yên lại có món ăn đặc sản này.

Thịt bò sau khi được làm sạch và thái thành những lát mỏng được tẩm ướp gia vị rồi phơi nắng trong khoảng hết buổi sáng. Thịt bò sau khi phơi không quá cứng hay bị khô được nướng trên bếp than lửa hồng đang nóng hổi. Mùi thơm của thịt bò chín vàng thật quyến rũ du khách khi thưởng thức món ăn này. Với sự khéo léo của người chế biến món ăn này mà thịt bò không bị cháy hay có mùi khét.

Điều mà du khách sẽ nhớ mãi khi ăn món ăn này chính là được kết hợp với muối ớt Kiến Vàng. Đây là đặc sản của miền Trung mà khi cảm nhận ngay những miếng đầu tiên, du khách sẽ thấy được chút vị mặn mặn kết hợp vị cay cay của ớt miền Trung cuốn du khách không muốn dừng lại.

Cá Mương nướng

Chỉ là những con cá nhỏ bình dị nơi sông suối, nhưng khi nướng lên, cá Mương lại trở thành món ăn đặc sản của người dân Phú Yên.

Giống như các loại cá nước ngọt khác như cá Bống Cát, cá Trắng… cá Mương có hình dáng thon dài, to bằng ngón tay người lớn, thường sống thành từng đàn trong các dòng sông, con suối ở vùng đất này. Tuy nhiên, theo người dân Phú Yên thì chỉ có cá Mương được đánh bắt ở sông Ngân Sơn mới cho thịt ngọt, thơm và dai.

Cá Mương bắt lên còn tươi ngon được rửa sạch rồi cho lên nướng (hoặc chiên vàng giòn) chín trên bếp than hồng. Khi nướng cá được trở luôn tay để lớp vẩy bên ngoài chín vàng giòn mà không bị cháy đen. Khi cá tỏa mùi thơm hấp dẫn là bạn có thể gắp ra đĩa và thưởng thức.

Nhum biển

Khi đến vùng biển Phú Yên, ngoài việc thỏa sức bơi lội giữa mênh mông sóng biển, lặn ngắm san hô, du khách có thể cùng ngư dân bắt Nhum rồi thỏa sức nhâm nhi món đặc sản mà trước kia chỉ có vua chúa mới được thưởng thức.

Nhum biển là loài hải sản sống thành đàn, xuất hiện ở nhiều vùng biển khác nhau, nhiều nhất là các vùng biển Phú Yên và miền Trung. Chúng thường quần tụ ở những nơi có nhiều rạn san hô, đá ngầm và hang hốc để ăn rong rêu và cỏ biển, đặc biệt là cỏ lá hẹ.

Nhum biển sau khi được “dọn” hết gai chỉ còn lại quả cầu tròn, sần sùi bằng quả chanh. Dùng dao chẻ đôi, bỏ hết bộ lòng chiếm gần hết bên trong sẽ thấy lớp thịt màu vàng đục bám dọc bên thành. Đó là phần quý của con nhum biển.

Ngoài hương vị thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món, thịt Nhum là thực phẩm giàu chất bổ, cung cấp nhiều dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Theo nghiên cứu của y học thì nhum biển có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực, ngoài ra còn là một món ăn tăng cường canxi cho cơ thể nên nó còn được tôn vinh là “nhân sâm biển”.

Với những người ưa thích món nướng thì Nhum nướng mỡ hành là món ăn hấp dẫn không thể bỏ qua. Món ăn này được chế biến nhanh nhưng đem lại cho thực khách sự ngon miệng và một cảm giác khoan khoái. Những con Nhum gai góc đầy mình sau khi rửa sạch thì dùng kéo cắt đôi, cho vào một ít mỡ hành và nướng trên bếp than hồng. Khi thịt chuyển sang màu vàng và dậy hương thơm của mỡ hành là người ta có thể bắt đầu thưởng thức. Khi ăn, thực khách có thể dùng muỗng nhỏ xúc từng miếng thịt hoặc trứng, thêm chút muối tiêu chanh đưa vào miệng nuốt từ từ. Chắc chắn mùi vị đậm đà quyến rũ của món Nhum nướng sẽ khiến thực khách khó lòng quên được.

Ngoài ra, thực khách đừng quên thưởng thức món Cháo Nhum hấp dẫn. Để làm được món cháo ngon, người ta phải sử dụng Nhum tươi mới bắt. Sau vài giờ khám phá và bơi lội trên bãi biển, một bát Cháo Nhum nóng hổi, thơm dậy mùi với nhiều hương vị sẽ khiến thực khách quên đi mệt mỏi nhanh chóng. Để hương vị thêm đậm đà, người đầu bếp sẽ ướp chung phần thịt Nhum với các loại gia vị như tiêu, hành. Sau đó, các nguyên liệu sẽ được chiên qua để tăng thêm mùi vị và hòa quyện với nhau. Cuối cùng, chỉ cần đổ tất cả vào nồi cháo đang sôi, khuấy đều và múc nhanh ra bát ăn khi còn nóng.

Với loài hải sản này, người ta còn chế biến món Nhum um. Nhum biển được làm sạch, nêm gia vị hành tiêu rồi um với bắp chuối chát hoặc với chuối cây. Sau khi um chín, thịt của nó cùng gia vị sẽ thấm đều với chuối, nêm ít lá lốt hoặc lá ngò gai thì mùi thơm càng đậm đà hơn. Thực khách sành ăn sẽ dùng bánh tráng nướng xúc lai rai, ăn ngay khi món ăn còn nóng.

Dê núi Chóp Chài

Núi Chóp Chài là một biểu tượng quen thuộc của tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 4km. Du lịch Phú Yên ngoài những địa điểm khá nổi tiếng như Ghềnh Đá Dĩa, bãi biển Long Thủy, Vũng Rô, tháp Nhạn… du khách nên ghé thăm núi Chóp Chài và thưởng thức đặc sản thịt dê nơi đây.

Xung quanh núi Chóp Chài có rất nhiều quán phục vụ các món chế biến từ thịt dê. Dê được chính người nhà nuôi ở trên triền núi, rồi lấy thịt chế biến thành các món ăn thơm ngon.

Từ các món hấp, nướng, xiên đến các món lẩu, món xào đều được chế biến từ thịt dê tươi ngon và công thức nấu rất riêng biệt tạo nên mỗi món ăn một mùi vị độc đáo khác hẳn với thịt dê mà du khách thưởng thức ở nơi khác.

Cá Bò Hòm

Cá Bò Hòm là loài cá thường sống trong các đầm, vịnh nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng biển Vũng Rô của tỉnh Phú Yên. Loài cá này có tên là “Bò Hòm” vì có bản mặt giống con bò, trong khi thân có hình vuông vức như chiếc hòm.

Cá Bò Hòm thuộc giống cá Nóc, toàn thân là thịt, thịt trắng phau, không tanh, dai ngon như thịt gà. Vì vậy mà loài cá này còn có tên gọi khác là “gà nước mặn”.

Cá Bò Hòm có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon khác nhau như cá Bò Hòm nướng, cá Bò Hòm cuốn bánh tráng, cá Bò Hòm hấp,…

Cá Nục hấp

Nếu du khách nào tới Phú Yên mà không thưởng thức món cá Nục hấp thì thật là thiếu sót. Đây là món ăn dân dã của ngư dân vùng biển nơi đây.

Cá được chọn săn chắc, tươi ngon sau khi được làm sạch sẽ, tẩm ướp một chút gia vị cay cay của hành tím, hành lá, của trái ớt thái nhỏ để ngấm dần đều và hấp cách thuỷ trong khoảng 30-45 phút sẽ khiến cho món cá Nục mềm không quá nhừ và đậm mùi thơm ngọt đậm đà riêng của Phú Yên.

Sẽ ngon và tuyệt vời hơn khi du khách ăn cá Nục hấp nóng hổi chấm với nước mắm. Với nước chấm không chỉ nguyên là nước mắm nguyên chất mà còn được làm từ chính vị ngọt của nước cá Nục hấp nóng hổi mang tới hương vị chua cay, thơm nồng lại càng thu hút khách muốn ăn hoài món này.

Cá Nục hấp được ăn kèm với bánh tráng, một ít cá và chút rau muống cùng loại rau khác cuộn tròn chấm với thứ nước mắm ngon tuyệt này chỉ thêm kích thích vị giác của du khách.

Cá Bớp nướng

Dưới cái nắng vàng của vùng biển miền Trung, được ngồi trên những lồng bè lênh đênh trên biển, tận hưởng gió biển mát lành và nhâm nhi món cá Bớp nướng nóng hổi béo ngậy, nhất định sẽ là một kỷ niệm khó quên. Vị ngọt của thịt cá, dai dai của da cá quyện với vị cay cay của ớt, thơm dịu của sả ăn lúc đang còn nóng sẽ khiến du khách chẳng quên được món đặc sản Phú Yên tuyệt vời này.

Cốm nếp Phong Hậu

Nếu ở Hà Nội nổi tiếng với cốm Làng Vòng thì Phú Yên lại nức tiếng với Bánh Cốm nếp trắng Phong Hậu. Thứ bánh đã có ở làng Phong Hậu từ rất lâu rồi và cũng vì thế mà nhanh chóng trở thành làng nghề nổi tiếng ở Phú Yên. Với nguyên liệu đơn giản: nếp, đường, bắp với sự chế biến khéo léo của người thợ cốm du khách chỉ nhìn thấy thôi đã muốn thưởng thức ngay rồi.

Nếp được dùng để làm cốm sau khi được rang thì sẽ xay nhỏ thành bôt. Nấu chín đường, cho một ít chanh và gừng giã thật nhỏ bỏ vào trong lúc đường đang sôi chín. Sau đó được trộn đều hỗn hợp trong một cái nồi to. Người thợ dùng đôi bàn tay của mình để nhào nặn cho vào khuôn trang trí kèm theo là hình thù rất ấn tượng như hình ngôi sao, hoa văn nhỏ xinh trông thật thích mắt.

Chỉ cần “cắn” thử những miếng đầu tiên, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm nồng của mùi nếp, vị ngọt của đường cầm gọn trong lòng bàn tay bọc bằng giấy điều không thể lẫn được với loại bánh nào khác. Nhâm nhi từng chút một uống với trà nóng, ngồi trò chuyện cùng với gia đình hay bạn bè thật khiến du khách thấy ấm lòng hơn, gần gũi với mọi người hơn.

Kem trộn

Thường thì du khách sẽ nghe tên kem sữa dừa, kem bảy màu, kem ốc quế,… nhưng với món “lạ miệng” này sẽ khiến du khách không khỏi ngạc nhiên vì hương vị rất đặc biệt. Đây được xếp vào món ăn vặt mà ai cũng đều muốn thưởng thức. Có tên riêng này bởi vì thực chất là kem nhãn tươi trộn với bánh flan, có thêm đá lạnh và đậu phộng ăn kèm, nên mới có tên gọi là Kem trộn. Kem ở đây không quá ngọt, không bị dẻo quá còn bánh flan thì hơi ngậy chút xíu nhưng khi ăn du khách không có cảm giác bị ngấy, vừa khẩu vị của hầu hết mọi người.

Mảnh đất Phú Yên không chỉ nổi tiếng bởi những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mà còn bởi những món đặc sản độc đáo mang đậm chất vùng biển trù phú nơi đây. Nếu du khách muốn thưởng thức trọn vẹn nhất những món ngon này thì hãy đến với Phú Yên và mang về cho mình không chỉ là những kỷ niệm mà còn cả những dấu ấn của sản vật “xứ Nẫu”. Chúc du khách có một chuyến du lịch Phú Yên vui vẻ!